9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THỨ HAI CN3TN-B

  •  
    Hong Nguyen
    ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ: HÃY ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
     
    Sun, Jan 24 at 2:31 PM
     
     

    Thứ Hai 25/01/2021 – Thứ Hai tuần 3 thường niên – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI. Lễ kính. Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất. – Tông Đồ Phaolô Trở Lại

    Lời Chúa: Mc 16, 15-18

    Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

    Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

    SUY NIỆM 6: THÁNH PHAOLÔ TÔNG ÐỒ TRỞ LẠI

    (http://www.simonhoadalat.com)

    Thánh Phaolô đã viết: “Tôi biết tôi tin vào ai và xác tín rằng: Ðức Kitô là Vị Thẩm Phán chí công có đủ quyền năng bảo toàn Giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới ngày Người ngự đến" (2Tm 1.12; 4, 8). Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm sâu xa về Chúa Kitô khi Ngài bị đánh ngã ngựa trên đường đi Ðamas.

    PHAOLÔ LÀ AI ?

    Phaolô là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin, tên của Ngài là Saolô, quê Tarsê xứ Xilixia. Gia đình của Phaolô đã nhập tịch làm dân Roma, nên Ngài cũng là dân Roma. Saolô ngay từ thuở thiếu thời luôn trung thành với truyền thống của cha ông mình. Saolô là một phần tử hăng say thuộc nhóm biệt phái, luôn thù ghét các Kitô hữu, thù ghét Giáo Hội của Chúa Giêsu. Saolô đã tham dự vào việc ném đá Têphanô: "Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô"(Cv 7, 58). “Phần ông Saolô, ông tán thành việc giết ông Têphanô" (Cv 8, 1). Saolê bắt đầu từ lúc đó càng hăng say bắt bớ Giáo Hội Chúa Kitô: “Còn ông Saolô thì cứ phá hoại Hội Thánh: Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục" (Cv 8, 3). Saolô đã được các thượng tế Do Thái cho phép, đồng ý nên đã đến các hội đường ở Ðamát, để nếu thấy những người theo Ðạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem (Cv 9, 1).

    CHÚA KÊU GỌI SAOLÔ

    Chúa luôn có con đường của Ngài và nẻo đường của Ngài không ai biết trước, không ai hiểu rõ như thánh Phaolô đã viết: “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Ðường lối của Người, ai theo dõi được" (Rm 11, 33). Trên đường đi Ðamát với một khí thế hung hăng, đằng đằng sát khí, Saolô muốn tiêu diệt Giáo Hội của Chúa, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với Ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao Ngươi bắt bớ Ta" (Cv 9, 4). Saolô liền hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai ?" (Cv 9, 5)

    Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ" (Cv 9, 5). Và Saolô đã khuất phục: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?". Chúa truyền cho Saolô vào thành và gặp Khanania, nơi đó Khanania đã nói với Saolô: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Ðức Giêsu, Ðấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần" (Cv 9, 17) và "Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa" (Cv 9, 18). Saolô từ lúc sáng mắt đã hoàn toàn được đổi mới. Ông nhiệt thành đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã nong nả đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng, và trở nên vị tông đồ dân ngoại rất lừng danh. Thánh nhân đã luôn tin tưởng vào Chúa, Ngài viết: “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2, 20).

    Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô tông đồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay, mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa, và trở nên chứng nhân của Tin Mừng" (lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phaolô trở lại).

    Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
    Kính chuyển:
    Hồng
     

ĐÀO TAO MÔN ĐỆ - CN3TN-B

SỨ MẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHỌN

[Gn 3,1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1, 14-20]

 

DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

Nếu Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Thường niên năm B khẳng định rằng mỗi Ki-tô hữu đều được Thiên Chúa gọi và chọn để phục vụ Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa thì Lời Chúa của Chúa Nhật III hôm nay tiếp tục và đào sâu chủ đề Ơn Gọi, nhưng với một xác định rõ hơn là mỗi Ki-tô hữu được gọi và được chọn để hoàn thành sứ mạng mà Chúa giao cho mỗi người chúng ta. Sứ mạng đó là kêu gọi tội nhân ăn năn trở lại (Gio-na), là giúp người ta hiểu điều quan trọng nhất của cuộc sống là gì (Phao-lô) và là chinh phục người đời như ngư phủ thả lưới bắt cá (An-rê, Si-mon, Gio-an và Gia-cô-bê). Vì sứ mạng này vừa hấp dẫn vừa khó khăn, nên rất cần chúng ta xác tín và tin tưởng vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy lắng chăm chú nghe các bài Sách Thánh và mở rộng tâm hồn đón nhận sứ mạng Chúa muốn giao cho chúng ta và hãy học cùng các môn đệ đầu tiên mà đáp lại sự mong đợi của Thiên Chúa.

 

LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (Gn 3,1-5.10): “Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay” Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 7,29-31): “Bộ mặt thế gian này đang qua đi” Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,14-20): “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm” Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa:    

3.1.1 Thiên Chúa mà Sách Gio-na tường thuật là một Đấng Thiên Chúa thánh thiện và yêu thương. Vì thánh thiện nên Chúa không thể chấp nhận được tội lỗi của dân thành Ni-ni-vê. Vì yêu thương nên Chúa muốn cứu dân thành ấy bằng cách giao cho ngôn sứ Gio-na sứ mệnh cảnh cáo và kêu gọi sám hối. Nếu dân Ni-ni-vê không thay đổi cách sống thì hình phạt sẽ giáng xuống. Còn nếu họ biết sám hối bỏ điều gian ác mà quay về nẻo chính đường ngay thì Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha cho tội lỗi của họ và không giáng hình phạt xuống nữa.

Ngôn sứ Gio-na đã thuyết phục được dân thành Ninivê bỏ đàng tội lỗi quả là một kỳ công đáng chúng ta cảm phục!

3.1.2 Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô muốn cho tín hữu Cô-rin-tô và hết thẩy các tín hữu cảm nghiệm được là một Đấng Thiên Chúa siêu việt đến nỗi đối diện với Người thì mọi thứ trên đời này chẳng đáng kể là gì nữa: vợ/chồng, của cải, sung sướng/đau khổ đều chỉ là những thực tại tương đối. Cả thế gian này chỉ là chốn tạm bợ. Chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối! Chỉ có đời sau mới là vĩnh hằng, trường cửu và bất di bất dịch!

Thuyết phục được người ta tin và sống như Thánh Phao-lô dạy quả là vô cùng khó khăn! Ngay tự bản thân chúng ta tin và sống như Thánh Phaolô dạy cũng đã là khó khăn lắm rồi! huống chi thuyết phục người khác.

3.1.3 Thiên Chúa mà Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với thế giới là Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng Cứu độ. Tin Mừng ấy trước hết là chính Chúa Giê-su vì Người là Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy cũng là thông tin mà  Người đem đến cho nhân loại: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”!

Để có người cộng tác với mình trong việc thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su tìm kiếm và chiêu mộ các môn đệ. Bốn vị đầu tiên được gọi và được chọn là hai cặp anh em: An-rê và Si-mon (tức Phê-rô), Gia-cô-bê và Gio-an. Cả bốn đều là dân chài lưới, sinh sống bằng nghề đánh cá. Nghề nghiệp của họ giúp họ hiểu ngay công việc mà Chúa Giê-su muốn giao cho họ: “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác đó là những kẻ chinh phục lòng người cho Triều Đại và Vinh Quang Thiên Chúa!

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:   

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần:

* Một là: Thiên Chúa muốn giao cho mỗi người Ki-tô hữu sứ mạng kêu gọi người có tội ăn năn sám hối bỏ đường tội lỗi để được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

* Hai là Thiên Chúa giao cho mỗi người Ki-tô hữu sứ mạng chinh phục người khác cho Triều Đại Thiên Chúa, cho Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giê-su Ki-tô!

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA

Để sống Sứ Điệp Lời Chúa của Chúa nhật III Thường Niên Năm B này, chúng ta cần thực hiện ba điều sau đây:

* Thứ nhất là xác tín mình được giao sứ mạng chinh phục lòng người trong thời đại hôm nay.

* Thứ hai là tha thiết cầu xin và để cho Chúa Thánh Thần huấn luyện và nhào nặn mình thành “những kẻ lưới người như lưới cá” mà Chúa Giêsu mong đợi.

* Thứ ba là biết tận dụng mọi cơ hội và hoàn cảnh để trau dồi những gì cần thiết cho sứ mạng chinh phục lòng người, nhất là vun đắp cho mình có một đời sống chứng tá hiệu quả. Vì “chứng tá Ki-tô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn các thày dậy” (Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Giáo Hội tại Châu Á”, số 42).

CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian để họ biết lắng nghe lời kêu gọi cải tà quy chính của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà ăn năn trở lại với Thiên Chúa là Đấng muốn cứu vớt họ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành nhng kẻ lưới người như lưới cá» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa mà làm công việc lôi kéo các tâm hồn về với Thiên Chúa.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, có được lòng sám hối chân thành và lòng tin sâu sắc vào Tin Mừng!

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền, với những người làm công, mà đi theo Người» Chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và tu sĩ nam nữ biết hy sinh từ bỏ trong đời sống thánh hiến, để theo Chúa cách triệt để.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Sàigòn ngày 19 tháng 01 năm 2021

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

00:00
 
00:00
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 3 Thường Niên B

Video Player
 
00:00
 
18:39
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - TÂN GM XUÂN LỘC

ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm tân giám mục chính toà Gp. Xuân Lộc

Trưa thứ Bảy, 16/1 (giờ Roma), Toà Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ nhiệm của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo và bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện đang là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, làm tân giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc.

Tiểu sử Đức cha GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO

Sinh ngày 02 tháng Ba năm 1945 tại Thức Hoá, Bùi Chu.
1957: Học tại Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu.
1964: Học tại Đại chủng viện Sài Gòn.
1965: Học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma.
1971: Thụ phong linh mục tại Rôma, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn.
1971–1976: Học tại Đại học Alfonsianum, Rôma (Văn bằng: Tiến sĩ Thần học Luân Lý).
1976–2007: Phó Giám đốc và sau đó Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M).
1980–2009: Giáo sư tại Phân khoa Truyền giáo – Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Viện Giáo lý và Linh đạo Truyền giáo.
1981–2007: Giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI.
1982–1983: Dọn Tiến sĩ Truyền giáo Đại học Giáo hoàng Gregoriana.
1987–1993: Thành viên Hội đồng Quốc tế về Giáo lý (COINCAT) thuộc Bộ Giáo sĩ.
1992–2001: Thành viên tổ chức “Nostra Aetate” thuộc Hội đồng Toà Thánh về đối thoại Liên tôn.
1995–2000: Thành viên Uỷ ban Mục vụ Đại Năm Thánh 2000.
1999–2005: Giám đốc Văn phòng Phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại, trực thuộc Bộ Truyền giáo.
2001–2012: Tư vấn Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn.
2009–2013: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.
28.02.2013: Được Đức thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.
05.04.2013: Được tấn phong Giám mục tại toà Giám mục Xuân Lộc – Châm ngôn Giám mục: Này là Mình Thầy (Mc 14,22).
04.06.2015 : Được Đức thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc.
07.05.2016 : Giám mục Chính toà Xuân Lộc.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo hai nhiệm kỳ, từ năm 2013 đến năm 2019.
Hiện nay Đức cha giữ chức vụ Viện Trưởng Học viện Công giáo Việt Nam, đồng thời là thành viên Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh và thành viên Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn.

***

Tiểu sử Đức cha GIOAN ĐỖ VĂN NGÂN

Sinh ngày 06 tháng Bảy năm 1953 tại Ninh Bình.
14.01.1992: Thụ phong linh mục tại Xuân Lộc.
Năm 1992: Phó xứ Ninh Phát.
Năm 1994: Chính xứ Ninh Phát.
Năm 2007: Giáo sư Đại chủng viện và Quản nhiệm giáo xứ Suối Tre.
Năm 2006: Du học Philippines; sau đó trở về Chủng viện và làm Phó Giám đốc Đại chủng viện, đặc trách Phân ban Triết học Đại chủng viện.
Năm 2016: Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc.
Ngày 02.05.2017: Được Đức thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.
Ngày 01.06.2017: Được tấn phong Giám mục tại Toà Giám mục Xuân Lộc – Châm ngôn Giám mục: “Tựa vào lòng Chúa Giêsu”.
Từ năm 2018: Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGM Việt Nam.

(Nguồn tiểu sử từ website HĐGM Việt Nam)

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 2 Thường Niên B

Video Player
 
00:00
 
35:55
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THỨ BẢY CN2TN-B

  •  
    Hong Nguyen
     
    Fri, Jan 22 at 3:03 PM
     
     

    Thứ Bảy tuần II thường niên B - GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 3: 20-21)

    20 Khi ấy, Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. 

        Suy niệm

    “Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được”.

    Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ để lập Nhóm Mười Hai làm nòng cốt cho cộng đoàn Hội Thánh. Người cũng thu hút đám đông dân chúng đến với mình qua những lời giảng dạy có uy quyền và những phép lạ chữa lành biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người đang gặp khổ đau, khốn khó, đang bị tội lỗi giam cầm.

     Những sự kiện đó tương phản với những sự chống đối Chúa Giêsu lan toả nơi những người biệt phái, các kinh sư, những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, phát xuất từ lòng kiêu căng, ghen tức, đố kỵ của họ. Đáng nói hơn, sự chống đối còn biểu lộ nơi chính các thân nhân của Người. Thật vậy, các thân nhân của Chúa Giêsu “đi bắt Người” vì nghĩ rằng Người lâm vào tình trạng mất trí, tình trạng mất tâm thức về cuộc sống sinh hoạt bình thường.

    Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mọi người chúng ta nhớ rằng: chúng ta là người thân, là người nhà của Chúa Giêsu. Vậy chúng ta đã đối xử với Người như thế nào?

    Đã bao lần chúng ta cũng “đi bắt Chúa”, “trói buộc Chúa” bởi những định kiến và suy nghĩ nông cạn, hẹp hòi của mình. Đã bao lần chỉ vì để cho bị lôi cuốn chạy theo những giá trị tầm thường của cuộc sống tạm bợ chóng qua này, mà chúng ta đã không nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những biến cố, nơi những anh chị em chung quanh mình.

    Lạy Chúa Giêsu nhân lành, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được gia nhập vào gia đình Hội Thánh của Chúa. Xin ban ơn Thánh Thần giúp chúng con luôn biết cân nhắc những thực tại trần gian, và biết hết lòng thiết tha tìm kiếm những thực tại bền vững mà Chúa dành sẵn cho chúng con trên trời. Amen.

     

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
    Kính chuyển:
    Hồng
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - ĐTC - HÃY ĐẾN MÀ XEM

 

  •  
    Tinh Cao
     
    Sun, Jan 17 at 8:53 AM
     
     

    ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Thường Niên Năm B

     

    Pope Francis leads the Sunday Angelus

     

    Xin chào anh chị em thân mến,

    Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên (see Jn 1:35-42) cho thấy một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các người môn đệ đầu tiên của Người. Cảnh tượng này hiện lên ở dọc con Sông Jordan sau ngày Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho thấy Đấng Thiên Sai cho 2 con người này bằng những lời lẽ là: "Đó là Chiên Thiên Chúa!" (v.36). Và hai con người ấy, tin vào chứng từ của Vị Tẩy Giả này, đã theo Chúa Giêsu. Người nhận ra điều ấy nên đã lên tiếng hỏi rằng: "Các anh đang tìm kiếm gì thế?", nên họ hỏi Người là: "Lạy Thày, Thày hiện đang ở đâu?" (v.38).

    Chúa Giêsu đã không trả lời rằng: "Tôi đang sống ở Caphanaum, hay ở Nazarét", mà nói rằng: "Hãy đến mà xem" (v.39). Đây không phải là một thứ danh thiếp, mà là một lời mời gọi gặp gỡ. Hai người ấy đã theo Người và ở với Người chiều hôm ấy. Cũng không khó khăn gì khi mường tượng thấy được cảnh tượng họ đã ngồi lại hỏi Chúa Giêsu các vấn nạn, nhất là lắng nghe Người, và cảm thấy lòng mình bừng nóng lên trong khi Vị Sư Phụ này nói. Họ cảm thấy vẻ đẹp nơi những lời lẽ đáp ứng được niềm hy vọng trên hết của họ. Để rồi bỗng chốc họ khám phá ra rằng, mặc dù bấy giờ là buổi tối, ánh sáng ấy chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể chiếu tỏa ra trong họ.

    Một điều khiến chúng ta chú ý đó là 60 năm sau, có lẽ hơn, một người trong họ viết trong Phúc Âm của ngài rằng: "bấy giờ vào khoảng 4 giờ chiều" - ngài đã viết về thời giờ đó. Và điều này làm cho chúng ta nghĩ rằng: hết mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đều tôn tại trong ký ức, không bao giờ quên được. Anh chị em quên đi nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu thì vĩnh viễn còn đó. Nhiều năm sau, hai con người này thậm chí còn nhớ đến cả thời giờ, họ không quên được cuộc hội ngộ ấy, một cuộc hội ngộ quá ư là hạnh phúc, quá ư là trọn vẹn, làm biến đổi cuộc đời của họ. Để rồi, sau cuộc gặp gỡ ấy, trở về với anh em của mình, niềm vui đó, ánh sáng đó đã trở nên dạt dào từ lòng của họ như một con sông ào ạt. Một trong hai con người này là Anrê đã nói cùng anh em của mình là Simon - người được Chúa Giêsu sẽ gọi là Phêrô khi Người gặp chàng - rằng "Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên Sai" (v.41). Họ đã tin tưởng vững chắc rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai.

    Chúng ta hãy dừng lại một chút nơi cảm nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô là Đấng đang kêu gọi chúng ta hãy ở với NgườiTừng lời kêu gọi của Thiên Chúa đều là khởi động bởi tình yêu thương của Ngài. Ngài luôn là Đấng khởi xướng. Ngài kêu gọi anh chị em. Thiên Chúa kêu gọi vào đời, Ngài kêu gọi tin tưởng, và Ngài kêu gọi ở bậc sống đặc biệt nào trong đời: "Ta muốn con ở đây". Tiếng gọi trước tiên của Thiên Chúa đó là vào đời để làm người; đó là một ơn gọi riêng, vì Thiên Chúa không tạo nên hàng loạt các vật. Sau đó Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tin tưởng, và trở nên phần tử làm con cái Thiên Chúa trong gia đình của Ngài. Sau hết, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến một bậc sống đặc biệt trong đời, đó là dấn thân vào con đường hôn nhân, hay con đường linh mục hoặc con đường đời thánh hiến. Chúng là những đường lối khác nhau trong việc nhận ra dự án của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta bao giờ cũng là một dự án của tình yêu thương. Thế nhưng Thiên Chúa luôn kêu gọi. Và niềm vui cao cả nhất cho hết mọi tín hữu đó là đáp ứng ơn gọi đó, cống hiến tất cả hữu thể của mình cho việc phụng vụ Thiên Chúa và anh chị em của mình.

    Anh chị em ơi, trước tiếng gọi của Chúa, một tiếng gọi chạm đến chúng ta qua hàng ngàn cách - qua những người khác, qua các biến cố vui hay buồn - thái độ của chúng ta có những lúc loại bỏ. Không... "tôi cảm thấy sợ hãi"... Loại bỏ là vì nó dường như trái với những ước vọng của chúng ta; thậm chí là vì sợ hãi, bởi chúng ta nghĩ rằng nó quá gắt gao và khó chịu: "Ồ không đâu, tôi sẽ không bao giờ có thể làm điều đó, thà đừng làm thì hơn, sống bình lặng vẫn tốt hơn... Chúa đó tôi đây". Thế nhưng tiếng gọi của Thiên Chúa bao giờ cũng là tình yêu thương: chúng ta cần cố gắng khám phá ra tình yêu thương này ở đằng sau một một ơn gọi, và nó cần phải được đáp ứng chỉ bằng tình yêu. Đó là một thứ ngôn từ, ở chỗ đáp ứng một ơn gọi xuất phát từ tình yêu thương, chỉ vì yêu thương. Ban đầu là một cuộc hội ngộ, hay nói đúng hơn, một cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu là Đấng nói với chúng ta về Chúa Cha, Người tỏ cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha. Thế rồi một ước muốn bộc phát sẽ nổi lên trong chúng ta để truyền đạt ước muốn ấy cho người chúng ta yêu thương: "Tôi đã gặp được tình yêu", "tôi đã gặp được Đấng Thiên sai", "tôi đã gặp được Chúa Giêsu", "tôi đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời tôi". Tóm lại là "tôi đã gặp được Thiên Chúa".

    Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biến đời sống của chúng ta trở thành một bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài, cũng như để hoàn thành ý muốn của Ngài một cách khiêm tốn và hân hoan.

    Thế nhưng, chúng ta hãy nhớ điều này, đó là có một lúc nào đó, mỗi một người trong chúng ta cảm thấy Thiên Chúa tỏ mình ra một cách mãnh liệt hơn bằng một tiếng gọi. Chúng ta hãy nhớ đến nó. Chúng ta hãy trở lại với giây phút ấy, để ký ức về giây phút ấy luôn làm tươi mới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu ấy đối với chúng ta.

    (Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp một trong những điều cần nhắc nhở như thế này:)

    Ngày mai là một ngày quan trọng vì là ngày bắt đầu cho Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo. Năm nay, đề tài liên quan đến lời khuyên của Chúa Giêsu, đó là "Hãy ở lại trong tình yêu của THày và các con sẽ sinh nhiều hoa trái". Chúng ta sẽ kết thúc tuần lễ này vào Thứ Hai ngày 25/1 bằng việc cử hành Giờ Kinh Chiều ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, cùng với các vị đại diện Các Giáo Hội và cộng đồng Kitô giáo khác ở Roma. Trong những ngày này, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để ước muốn của Chúa Giêsu được nên trọn - đó là tất cả được hiệp nhất nên một: mối hiệp nhất bao giờ cũng thắng vượt những gì là xung khắc.

     

    http://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210117.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

     

    --
    You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
    To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHqgxE4v-yDGL-rB5mZ_hy%2B%2B-ceQkiU2Qjwcr7bzn0g0fw%40mail.gmail.com.