Thứ Bảy Bát Nhật PHỤC SINH
CẢM NGHIỆM SỐNG Lời Chúa
Bài Ðọc I: Cv 4, 13-21
"Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Ðức Giêsu; họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng: "Chúng ta phải làm gì đối với những người này? Vì toàn dân cư ngụ ở Giêrusalem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy đe doạ, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa". Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Ðức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: "Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe". Nhưng họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 14-15. 16ab-18. 19-21
Ðáp: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi (c. 21a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.- Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần. - Ðáp.
3) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16, 9-15
"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".
Ðó là lời Chúa.
SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
... Có nghĩa là dù ai chăng nữa,
Chúa Kitô Phục Sinh cũng đều có thể biến đổi họ để họ trở thành chứng nhân của Người.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin (bài Phúc Âm Thánh Gioan Thứ Ba Bát Nhật Phục Sinh). Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy (bài Phúc Âm Thánh Luca Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh). Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại (bài Phúc Âm Thánh Luca Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh). Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".
Trong bài Phúc Âm tóm gọn 3 lần hiện ra tiêu biểu này của Chúa Kitô Phục Sinh, Thánh ký Marco không bao gồm lần hiện ra đầu tiên với các phụ nữ (như Phúc Âm Thánh Mathêu cho Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh thuật lại), cũng như lần thứ 5 và thứ 6 với chung các môn đệ vào 8 ngày sau lần thứ nhất và với 7 vị ở ngoài bờ biển Tibêria sau 8 ngày (như được thuật lại trong Phúc Âm Thánh Gioan cho Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh).
Tuy nhiên, cũng căn cứ vào bài Phúc Âm cho ngày Thứ Bảy kể như cuối cùng (ngày thương trong tuần) này, bài Phúc Âm tóm gọn 3 lần hiện ra được Thánh ký Marco thuật lại này, chúng ta, dựa vào các bài Phúc Âm thuật lại các lần hiện ra khác nhau của Chúa Kitô từ Thứ Hai đến nay, có thể thấy được những điều chính yếu và đáng chú ý cần tránh lánh và thực hành sau đây:
1- Tuần Thánh nói chung, Tam Nhật Vượt Qua nói riêng là thời điểm của Giáo Hội và cho Giáo Hội thôi, trong khi Mùa Chay (cách riêng suốt 2 Tuần 4 và 5 cho ngày thường) cho đến hết Chúa Nhật Lễ Lá liên quan đến cả dân Do Thái, và Mùa Giáng Sinh liên quan đến toàn thể nhân loại, vì "Lời hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) đã mặc lấy nhân tính chung của loài người để cứu chuộc tất cả loài người chứ không riêng gì dân Do Thái hay Giáo Hội Người thiết lập.
2- Bởi thế, các bài Phúc Âm trong Tam Nhật Vượt Qua đều về Giáo Hội và cho Giáo Hội:
- Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Truyền Dầu ban sáng ở Tòa Thánh cũng như các giáo phận trên thế giới; ban chiều là Lễ Tiệc Ly tưởng niệm việc Chúa Giêsu Rửa Chân cho các môn đệ, thiết lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Tư Tế Thừa Tác Linh Mục trong Giáo Hội và cho Giáo Hội.
- Thứ Sáu Tuần Thánh, bài Phúc Âm của Thánh Gioan, một Phúc Âm được Thánh nhân viết về Giáo Hội và cho Giáo Hội, nên 4 lời Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá cũng về Giáo Hội và cho Giáo Hội (Gioan 19:25-30): "Này là Con Bà", "Này là Mẹ Con", "Ta Khát" (Chúa Kitô tử giá khao khát Giáo Hội nên một với Người cho phần rỗi các linh hồn) và "Mọi sự đã hoàn tất" (mới hoàn tất nơi Chúa Kitô thôi, nhưng muốn được cứu độ nhân loại cần phải tin vào Người, chấp nhận Ơn Cứu Độ của Người, một Đấng Cứu Thế và một Ơn Cứu Độ cần phải được Giáo Hội là chứng nhân thừa tác rao giảng và ban phát sau khi Người Thăng Thiên về cùng Cha và từ Cha sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội).
- Thứ Bảy Tuần Thánh với Lễ Vọng Phục Sinh, các bài Phúc Âm bắt đầu thuật lại những lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra, nhưng chỉ với nội bộ Giáo Hội mà thôi. Tiêu biểu nhất là các nhân vật thân cận nhất với Chúa Kitô, như được bài Phúc Âm của Thánh Ký Marco thứ tự liệt kê trong bài Phúc Âm Thứ Bảy Bát Nhật Phục Sinh hôm nay: 1- Người nữ môn đệ Maria Mai Đệ Liên; 2- Hai môn đệ về Làng Emmau; 3- Tông đồ đoàn 11 vị.
Thế nhưng, nếu theo dõi và phân tích kỹ lưỡng về các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với 3 thành phần trên đây, chúng ta thấy khác nhau hoàn toàn, tùy theo tâm trạng của từng thành phần:
- Với người nữ môn đệ Maria Mai-Đệ-Liên, người ra mồ "khi trời còn tối" (xem Gioan 21:1), sớm hơn hai phụ nữ khác khi ra mồ thì trời đã sáng (xem Mathêu 28:1; Marco 16:2), nên đã gặp được Chúa Giêsu đầu tiên, sau khi chị chạy vội về báo tin cho các môn đệ biết rằng chị không thấy xác Thày đâu, và sau khi 2 môn đệ Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mồ kiểm chứng rồi về. Trong cơn sầu thương đến cực độ của chị, đến độ tự mình chị không thể nhận ra được Người, dù chị đã quay lại thấy Người và nghe tiếng Người hỏi chị, lại cứ tưởng Người là kẻ giữ vườn, cho đến khi chị được Người gọi đích danh "Maria".
- Với hai môn đệ về Emmau với tâm trạng hoàn toàn thất vọng, bỏ về, quay lưng lại giáo đô Giêrusalem, nơi Chúa Kitô đã tỏ hết mình ra bằng cuộc Vượt Qua của Người, đến độ họ không còn biết sợ hãi là gì nữa, cho dù có bị người Do Thái chặn hỏi. Và đó là lý do họ cần phải được Chúa Kitô Phục Sinh tỏ mình ra dài dòng hơn, bao gồm cả một đoạn đường đi mà 2 vị cũng không nhận ra Người, cho dù nghe thấy tiếng của Người và chắc có thể 2 vị cũng đã cố nhìn xem người lữ khách lạ thường này ra sao, cho đến khi 2 vị thấy Người bẻ bánh. Có nghĩa là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa luôn gắn liền với nhau, hai yếu tố bất khả thiếu cho những tâm hồn nào chán chường thất vọng như 2 môn đệ bỏ đoàn môn đệ về làng Emmau.
- Với tông đồ đoàn 11 vị thì Chúa Kitô Phục Sinh lại còn phải tỏ mình ra một cách kỹ lưỡng hơn nữa các vị mới nhận ra Người, bởi vì các vị không ở ngoài như Maria Mai-Đệ-Liên hay như 2 môn đệ về làng Emmau, mà tất cả đang rú rú ẩn nấp trong Căn Thượng Lầu Tiệc Ly vì sợ người Do Thái. Chính vì tâm tyrạng chẳng những đau buồn như nữ môn đệ Mai-Đệ-Liên, và chán nản như 2 môn đệ về Emmau, mà còn sợ hãi nữa, nên tưởng là "ma" khi thấy chónh Đấng họ đang trông đợi đến với họ. Bởi thế, Người đã phải sử dụng đến cả bề ngoài đến bề trong: ở chỗ Người chẳng những cho họ thấy thân xác có xương có thịt như họ, thậm chí còn cả 5 dấu Thánh nữa, kèm theo cả việc ăn uống trước mắt họ, mà còn trích dẫn Thánh Kinh cho họ nhớ lại đã ứng nghiệm ra sao nơi Người, thậm chí Người còn phải mở trí cho họ hiểu được mà chấp nhận nữa.
Tóm lại, bài Phúc Âm tóm gọn 3 lần hiện ra tiêu biểu này của Chúa Kitô Phục Sinh, Thánh ký Marco không bao gồm lần hiện ra đầu tiên với các phụ nữ (như Phúc Âm Thánh Mathêu cho Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh thuật lại), cũng như lần thứ 5 và thứ 6 với chung các môn đệ vào 8 ngày sau lần thứ nhất và với 7 vị ở ngoài bờ biển Tibêria sau 8 ngày (như được thuật lại trong Phúc Âm Thánh Gioan cho Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh).
Trong bài Phúc Âm ngắn ngủi về 3 lần hiện ra tiêu biểu này của Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta thấy thành phần được Người hiện ra hay tỏ mình ra sau khi Người từ kẻ chết sống lại không phải chỉ duy các thánh tông đồ (ở lần hiện ra thứ ba) là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người, thành phần được gọi thuộc về hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo Hội, mà còn cả thành phần môn đệ (ở lần hiện ra thứ hai) tiêu biểu cho những ai sống đời tận hiến tu trì, và thành phần giáo dân (ở lần hiện ra thứ nhất) được tiêu biểu nơi Chị Mai Đệ Liên.
Cũng qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta còn thấy chẳng những toàn thể mọi thành phần trong Giáo Hội, (như được đề cập đến trên đây), đều phải trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô khi được Người tỏ mình ra cho, mà còn bao gồm cả những ai bê tha tội lỗi, như trường hợp của Chị Mai Đệ Liên "đã được Chúa đuổi bảy quỷ", hay những ai cảm thấy chán chường tuyệt vọng bỏ cuộc, như trường hợp của hai môn đệ bỏ về làng Emmau, hoặc những ai cứng lòng tin dù được loan truyền như trường hợp của các môn đệ tông đồ của Chúa. Có nghĩa là dù ai chăng nữa, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đều có thể biến đổi họ để họ trở thành chứng nhân của Người.
Lần hiện ra với chung các tông đồ, Chúa Kitô Phục Sinh chẳng những "khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại" mà còn sai các vị đi truyền giáo nữa "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài". Nhất là bằng chứng từ của các vị, chứng từ chẳng những ở ngôn từ và việc thuyết giảng, mà nhất là còn bằng hành động bác ái yêu thương như dấu hiệu đích thực chứng tỏ các vị thuộc về Người (xem Gioan 13:35).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
PS.BatNhat.7.mp3