3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BẢY SAU LỄ TRO

 

  •  
    Chi Tran
     
    Sat, Feb 20 at 5:07 AM
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA
    20/02/21 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
    Lc 5, 27-32

     

     

    MAU MẮN ĐỨNG DẬY

    “Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5,27-28)

    Suy niệm/SÓNGThái độ mau mắn của Lê-vi không khỏi làm ngạc nhiên nhiều người: Tại sao ông lại dễ dàng từ bỏ như thế?

    Vừa nghe tiếng Chúa, ông đã từ bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Ngài như thể không hề có quá khứ, chưa hề vướng bận bụi đời. Không chỉ Lê-vi, khi nghe Chúa gọi lên đường, tổ phụ Áp-ra-ham đã không cật vấn Chúa một lời, ông mau mắn từ bỏ mọi sự và cất bước.

    Ông Gia-kêu cũng thế, ông vội vàng dứt lìa với quá khứ tội lỗi để chấp nhận đi theo Chúa và làm lại cuộc đời. Họ cũng có quá khứ, có những trì kéo trong đời như những ai khác. Điểm khác biệt có chăng giữa họ với nhiều người khác là sự mau mắn đứng dậy đi theo Chúa.

    Sự mau mắn đó là hành động của đức tin. Bởi lẽ niềm tin vào Thiên Chúa không dừng lại ở một vài lời tuyên bố. Còn hơn thế, đức tin cần phải được nhập thể trong hành động của kẻ tin. Mau mắn theo Chúa là thước đo lòng tin của mỗi người.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Việc mau mắn từ bỏ tội lỗi là cách thế bạn bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Càng chần chừ, càng khó từ bỏ.

    Sống Lời Chúa: Tật xấu nào của bạn hay phạm và khó bỏ nhất?

    Bạn hãy quyết tâm từ bỏ tật xấu đó cách dứt khoát và triệt để ngay từ hôm nay, Mùa Chay này.

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin đốt cháy lên những vụn than hồng của sự sống và tình thương còn sót lại dưới lớp tro tội lỗi con mang trên mình. NHỜ THÁNH THÀN THÚC ĐẨY, CON QUYẾT TÂM hoán cải hồn con trong bốn mươi ngày chay tịnh này, để mùa Chay trở thành con đường vươn tới Đức Ki-tô Phục Sinh, nguồn sống mới của loài người chúng con.

    GPDANANG

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -CN1MUA CHAY -B

  •  
    Jerome Nguyen Van Noi
     
     
    Thu, Feb 18 at 3:18 AM
     
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ PHÚC ÂM

    CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B (21/02/2021)

    ---ooOoo---

    HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG: MC 1, 12-15

    Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến;

    anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng"

     

    I. DẪN VÀO LỜI CHÚA:

    Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu được Tin Mừng Mác-cô tường thuật (Mc 1,12-15) tuy rất ngắn nhưng chứa đựng một nội dung hết sức phong phú. Đó không chỉ là bài giảng cho Mùa Chay mà là bài giảng cho cả cuộc đời của mỗi người tín hữu chúng ta vì trong bài giảng ấy chúng ta thấy được tất cả những yếu tố cơ bản của Kitô giáo. Vì thế chúng ta hãy dành chút thời gian để xem xét các bối cảnh (lịch sử và thần học) và nghiền ngẫm nội dung giáo lý của bài Phúc âm Chúa Nhật I Mùa hay Năm B hôm nay.

    II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15: Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

    Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

    III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15:

    3.1 Bối cảnh lịch sử và thần học của câu chuyện: Muốn thấu hiểu bắt cứ câu chuyện hay sự kiện nào của Thánh Kinh, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem câu chuyện hay sự kiện ấy xẩy ra trong bối cảnh nào. Có hai loại bối cảnh là bối cảnh lịch sử và bối cảnh thần học.

    a) Bối cảnh lịch sử của câu chuyện trong Mc 1,12-15 là những ngày đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu: Gioan Tẩy Già xuất hiện và hoạt động rao giảng việc sám hối và làm phép rửa bên dòng sông Giocđan cho những người Do-thái thống hối. Trong khung cảnh ấy Đức  Giêsu xuất hiện và tìm đến với Gioan và xin ông làm phép rửa cho Người. Ít lâu sau Gioan bị bắt giam và bị xử trảm vì đã can đảm tố cáo tội ác của vua Hêrôđê.

    b) Bối cảnh thần học của câu chuyện trong Mc 1,12-15 là sau khi Chúa Giêsu bị thử thách và chiến thắng cám dỗ của Satan trong hoang địa. Trước khi bắt tay vào công việc được Chúa Cha giao cho, là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải chứng minh Người là người thế nào, Người chọn lựa con đường hay lối đi nào? Chiến thắng Satan trong hoang địa có nghĩa là Chúa Giêsu là Người mà Thiên Chúa đã chọn làm Đấng Mêsia của Israel và Chúa Giêsu đã chọn con đường hay đường lối của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại bằng hiến tế thập giá.

    3.2 Nội dung của bài giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa:

    (1) Thời gian đã mãn:  có nghĩa là thời gian chờ đợi và chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế xuất hiện trên trần gian của Thiên Chúa đã kết thúc. Từ nay trung tâm của lịch sử và hoạt động cứu độ của Thiên Chúa tập trung nơi Chúa Giêsu Nagiaret, Thiên Chúa làm người. Cũng có nghĩa là thời gian mà dân Israel và nhân loại chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa đã hết. Ơn Cứu Độ đã được ban nơi/qua Chúa Giêsu Kitô. Nay là thời gian loài người đón nhận và loan truyền Ơn Cứu Độ ấy cho người xung quanh.

    (2) Nước Thiên Chúa đã hiện diện: Chúa Giêsu có mặt có nghĩa là Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong trần gian. Loài người không còn phải tìm đâu xa mà chỉ cần đến gần và đón nhận Chúa Giêsu Kitô là gia nhập Nước Thiên Chúa là trở thành công dân Nước Trời.

    (3) Mỗi người phải ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng: Muốn vào Nước Thiên Chúa hay trở thành công dân Nước Trời  thì việc đầu tiên và quan trọng mỗi người phải làm là ăn năn sám hối và Tin vào Tin Mừng

    - Ăn năn sám hối vì mỗi người đều phạm tội mất lòng Thiên Chúa và làm tổn hại đến tha nhân. Cần phải ăn năn sám hối để được Thiên Chúa thứ tha và đón nhận lại.

    - Tin vào Tin Mừng là tin vào Chúa Giêsu Kitô, vào lời giảng dậy và giáo lý của Người, vào con đường cứu độ bằng thập giá của Người. Tin vào Tin Mừng là sống và loan  truyền các giá trị của Tin Mừng cho người bên cạnh. Muốn càng ngày càng tin vào Tin Mừng thì mỗi người phải siêng năng tìm hiểu và đào sâu Tin Mừng qua học hỏi và suy niệm Tin Mừng.

    IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15:

    4.1 Trong bối cảnh của Phúc âm Mác-cô nói chung, của câu chuyện Mc 1,12-15 nói riêng, thì yếu tố không gian (ở đâu? where?) quan trọng hơn yếu tố thời gian (khi nào? when?): Cụ thể là câu chuyện hay sự việc đã xẩy ra ở đâu? Trong cuốc đời Chúa Giêsu có ba nơi (không gian) hết sức quan trọng: Khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ và Người đã chiến thắng nó ở trong HOANG ĐỊA; Người rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành các bệnh nhân, trừ quỷ trên mọi nẻo ĐƯỜNG và Người được mai táng trong MỘ. Chi tiết đó gợi ý cho chúng ta hiểu rằng thời gian chúng ta đón nhận Chúa và Tin Mừng của Người không quan trọng (xem câu chuyện thợ làm vườn nho) bằng không gian trong đó chúng ta đón nhận Chúa và Tin Mừng của Người. Giống như những người Israel đã đón nhận trong tâm hồn lời rao giảng về Nước Thiên Chúa và các phép lạ Chúa Giêsu đã làm.

    4.2 Hãy ăn năn sám hối:  Càng đọc Thánh Kinh và đối chiều đời mình với Lời Chúa, người tín hữu càng cảm thấy mình tội lỗi thiếu sót. Thật vậy đọc bất cứ Lời Chúa nào chúng ta cũng thấy mình chưa thực thi được điều Chúa nói trong lời ấy. Vì thế mà chúng ta cần ăn năn sám hối để được Thiên Chúa thứ tha và cho chúng ta hưởng lòng từ bi thương xót của Người.

    4.3 Hãy tin vào Tin Mừng: Càng đọc Tin Mừng chúng ta càng thấy mình chẳng hiểu gì hay chỉ hiểu rất sơ sài thiếu sốt về Tin Mừng. Càng đọc Tin Mừng chúng ta càng thấy rõ mình chưa sống được Tin Mừng vì vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa những đòi hỏi của Tin Mừng và thực tế cuộc sống của chúng ta. Chỉ cần xét mình về ba điều cốt yếu của Mùa Chay là ăn chay cầu nguyện và bố thí chúng ta liền thấy là mình đã buông bỏ (ăn chay) cầu nguyện và thực thi bác ái (bố thí) rất ít. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô mới kêu gọi chúng ta hãy làm mới lòng tin, niềm hy vọng và tình yêu thương trong sứ điệp Mùa Chay 2021 của ngài.

    V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15:

    KHAI MỞ:  Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con để Người khai lòng mở trí cho chúng con. Xin Cha lắng nghe lời cầu xin tha thiết của chúng con.  

    Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN

    1.- «Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả mọi người lớn bé già trẻ đều được Thánh Thần  Thiên Chúa hướng dẫn và thức  đẩy như Chúa Giêsu Kitô.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2.- «Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy chiến thắng được Satan và tính mê nết xấu của người phàm để thi hành sứ mạng lãnh đạo Dân Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3.- «Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu tích cực loan báo Tin Mừng bằng lời nói, việc làm và bằng cả đời sống.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    4.- «Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người đang sống trong tội, biết ăn năn sám hối và quay về với Thiên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

    LỜI KẾT:

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban cho chúng con Con yêu đầu của Cha để Người giảng dậy và làm gương cho chúng con. Chúng con chẳng những không sống thánh thiện mà còn phạm tội mất lòng Cha, phản bội Cha và Chúa Giêsu Con Cha.

    Chúng con xin Cha tha thứ cho chúng con và xóa sạch mọi tội lỗi thiếu sót của chúng con. Chúng con cầyu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để đưa mọi người về với Cha. Amen.

    Sàigòn ngày 18 tháng 02 năm 2021

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  

     

    --
    Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Sống Lời Chúa Hôm Nay_Group A_J".
    Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/slchn03/CAMfwAgq01A5pYF_jPxEK-0T-pZg%3DwojuhDjY7ZZo68%3Dp26PGDQ%40mail.gmail.com.
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BẢY CN5TN-B

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Fri, Feb 12 at 10:06 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    5  PHÚT LỜI CHÚA   
    13/02/21 THỨ BẢY TUẦN 5TN

    Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên
    Mc 15,1-6

     

    THỜ CHA KÍNH MẸ MỚI LÀ ĐẠO CON

    “Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.” (Mt 15,4)

    Suy niệm/SỐNG: Cha ông ta dạy: “Bách thiện, hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, việc hiếu thảo luôn đứng đầu. Đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam không xa lạ với giáo huấn của Chúa.

    Sau ba điều răn đầu trong Mười Điều Răn dạy ta phải phụng thờ Thiên Chúa, thì điều răn thứ tư, điều răn đầu tiên nói về bổn phận đối với tha nhân là “hãy thảo kính cha mẹ.” Thánh Phao-lô đã nói như thế: “Hãy thảo kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6,2). Nghiêm khắc hơn, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta, “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử.” Và chính Chúa Ki-tô trong những năm tháng ẩn dật tại Na-da-rét cùng với Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, “Người hằng vâng phục các ngài.”

     Người ki-tô hữu tôn kính tổ tiên là thực hành giới răn của Chúa, vừa đền đáp công ơn vừa phá tan thành kiến: “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Tết là dịp làm mới lại lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Bạn sẽ làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính: thăm viếng, mừng tuổi các ngài?

    Mời bạn làm một việc thật ý nghĩa để nói lên lòng hiếu thảo của bạn và thể hiện điều đó trong suốt năm nay và mai sau nữa.

    Nếu bạn không cho mình một cơ hội làm điều đó ngay hôm nay thì biết đâu ngày mai bạn không còn dịp nào khác nữa. Không lúc này thì lúc nào? Hãy làm ngay hôm nay, kẻo muộn màng.

    Sống Lời Chúa: Sự vô tâm của người Ki-tô hữu đối với tổ tiên, cha mẹ đã gây nên hiểu lầm và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nay, chúng ta xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà, cha mẹ và quyết tâm sống đạo hiếu như Chúa dạy.

    Cầu nguyện: Xin cho làn hương trầm trong dịp tết diễn tả được lòng thành của chúng con đối với Chúa và với ông bà tổ tiên. Amen.

    GPDANANG
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN 6TN-

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Sun, Feb 14 at 12:17 AM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    14/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B
    Mồng Ba Tết. Thánh hoá công ăn việc làm.
    Mt 25,14-30

     

    SIÊNG NĂNG VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI

    “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)

    Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại, những yến bạc là vốn liếng ông chủ giao cho nhân viên để đầu tư để sinh lợi, chứ không phải là đồng tiền nhàn rỗi cất giấu trong két sắt.

    Yến bạc, đó là ơn Chúa ban “tuỳ theo khả năng riêng mỗi người.” Bổn phận trước tiên của chúng ta là nhận thức được yến bạc Chúa trao và dâng lời cảm tạ Chúa vì mọi sự mình có đều là hồng ân Chúa ban. Mỗi người có sứ mạng dùng những khả năng ấy để sinh lợi cho Nước Trời.

    Người nhận được nhiều không vì thế mà huênh hoang tự đắc, vì ai được Chúa ban cho nhiều, thì phải sinh lợi nhiều hơn (x. Lc 12,48). còn người nhận được một nén cũng không buồn phiền tự ti, vì Chúa không đòi hỏi vượt quá sức riêng mỗi người như Ngài nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2Cr 12,9).

    Mời Bạn CHIA SẺ: Dân gian thường nói: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày.” Kinh “Cải tội bảy mối” dạy “Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.” 

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chừa bỏ tính lười biếng, để luôn siêng năng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân ngay trong công việc làm ăn và đời sống gia đình và cộng đoàn của mình.

    Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một việc hữu ích để phục vụ những người thân của mình.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng công việc làm ăn của gia đình con trong năm mới này nơi sự quan phòng của Chúa. NHỜ THÁNH THẦN TAC ĐỘNG, chúng con QUYẾT TÂM luôn biết cộng tác với ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, để ra công làm việc không chỉ cho đời sống vật chất đời này, nhưng còn cho hạnh phúc Nước Trời mai sau.
     
    GPDANANG
     
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI- CN6TN-B

  •  
    Jerome Nguyen Van Noi
     
    Thu, Feb 11 at 1:59 AM
     
     

      SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY   

    CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B (14/02/2021)

    BÀN TAY THẦN KỲ 

    [Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 1, 10,31-11,1; Mc 1, 40-45]

     

    I. DẪN VÀO LỜI CHÚA       

    Chỉ cần liếc qua bất cứ một tờ báo nào (báo giấy, báo mạng) chúng ta sẽ nhận ra ngay rằng: trong thế giới loài người có những bàn tay làm nên những kỳ công, nhưng cũng có những bàn tay gây ra những tội ác tầy trời; có những bàn tay sạch thì cũng có những bàn tay bẩn thỉu, nhơ nhớp; có những bàn tay xây dựng, kiến thiết thì cũng có những bàn tay phá hoại; có những bàn tay cứu sống thì cũng có những bàn tay giết hại; có những bàn tay chữa lành thì cũng có những bàn tay gây nên thương tổn cho tâm hồn hay thân xác người khác.        

    Đọc các bài Thánh Kinh hôm nay chúng ta sẽ thấy bàn tay của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô là BÀN TAY THẦN KỲ. Điều đó đem lại cho chúng ta niềm vui lớn lao vì chúng ta sẽ được bàn tay ấy đụng đến để chữa lành và vỗ về an ủi. Điều đó cũng thúc bách để chúng ta nối dài bàn tay của Thiên Chúa để xoa dịu và chữa lành bệnh hoạn, tật nguyền và khổ đau của những người xung quanh! Xã hội Việt Nam ta đang ở trong một tình trạng không thể tồi tệ hơn nữa, nên rất rất cần bàn tay của Thiên Chúa, của Chúa Ki-tô và của các Ki-tô hữu tốt lành thánh thiện đụng đến!

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Trong bài đọc 1 (Lv 13,1-2.45-46): "Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại" Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: "Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.

    "Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại". 

     2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 10,31-11,1): "Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô" Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô.

    2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,40-45): "Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch" Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung của Thiên Chúa.    

    1o) Trong đoạn sách Lv 13,1-2.44-46 là những quy định mà Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê để ông phổ biến cho dân chúng tuân giữ: Người mắc bệnh phong bị coi là ô uế nên phải ở riêng một nơi, tách xa khỏi cộng đồng. Đi đâu người ấy cũng phải hô lớn tiếng (là mình ô uế) để mọi người tránh xa. Thật chẳng có gì đau đớn và tủi nhục cho bằng! Nếu người mắc bệnh phong được khỏi bệnh, thì người ấy phải tìm đến trình diện với tư tế để được vị này nhìn nhận là sạch bệnh và cho phép tái nhập vào cộng đồng. Hiển nhiên là trước mặt Thiên Chúa thì người bệnh phong chẳng ô uế hơn người khác và chẳng ô uế chỉ vì mắc bệnh phong là thứ bệnh vế thể lý. Điều làm cho con người thành ô uế trước mặt Thiên Chúa là tội lỗi chứ không phải là bệnh này bệnh nọ. Chúng ta có thể hiểu mệnh lệnh của Thiên Chúa ở đây có ý nghĩa “ngừa bệnh” cho cộng đồng và ám chỉ những người ô uế thực sự (là tội nhân) cần phải tách ra khỏi cộng đồng.

    2o) Trong đoạn thư 1 Cr 10,31 - 11,1 Thánh Phao-lô không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa, nhưng qua các lời khuyên của ngài, chúng ta hình dung ra được Thiên Chúa là Đấng nào, có vị trí ra sao trong cuộc sống của Phao-lô và các tín hữu.

    Trước hết Thiên Chúa của Phao-lô là Đấng đáng được tôn vinh bằng/qua mọi việc làm của người tín hữu. Kế đến Thiên Chúa của Phao-lô là Đấng làm cho mọi người có giá trị và đáng được người khác trân trọng và phục vụ. Sau cùng Thiên Chúa của Phao-lô là mẫu mực mà Phao-lô và mọi tín hữu (phải) noi gương bắt chước.

    Nếu nối kết bài Thánh Thư này với bài Phúc Âm thì chúng ta có thể nói một cách cụ thể là Thánh Phao-lô đã noi gương bắt chước Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người. Thánh Phao-lô đã bắt chước Chúa Giê-su Con-Một-Thiên-Chúa-xuống-thế-làm-người là Đấng chạnh lòng thương người mắc bệnh phong khốn khổ. Người không chỉ chạnh lòng thương mà Người còn ra tay cứu vớt, còn đụng tay tới người phong mà không sợ bị lây cái ô uế. Thánh Phao-lô đã bắt chước Chúa Giê-su là Đấng không tìm lợi ích hay vinh danh riêng cho mình mà chỉ tìm lợi ích hay vinh danh cho con người, nhất là cho những người bị khinh chê hay bị quên lãng trong xã hội. Vậy thì các tín hữu - trong đó có chúng ta - cũng hãy noi gương bắt chước Phao-lô mà trở nên giống Thiên Chúa, giống Chúa Giê-su Ki-tô!

    3o) Thiên Chúa mà Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với chúng ta trong đoạn Mc 1,40-45 là Đức Giê-su Na-da-rét với quyền năng đặc biệt là chữa lành bệnh tật của con người, kể cả những bệnh nan y (theo trình độ y tế thời bấy giờ) như bệnh phong. Đức Giê-su chỉ cần muốn người bệnh được lành là người ấy được khỏi. Nhưng Đức Giê-su đã có một cử chỉ hết sức dễ thương là đụng tay đến người bệnh phong. Cử chỉ này chẳng ai dám làm vì ai nấy đều sợ hãi, kinh tởm và tránh xa người bệnh.

    Nhưng không chỉ có thế. Thánh Mác-cô muốn cho chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn của Đức Giê-su để thấy tấm lòng của Người nhạy bén và rung cảm trước nỗi khổ của người bệnh như thế nào. Người bệnh phong vừa khổ vừa nhục cầu cứu Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương và chạm tay vào anh để chữa lành anh.

    Hơn nữa chúng ta còn thấy Chúa Giê-su là người tuân giữ những quy định của lể luật Mô-sê khi bảo người bệnh phong trình diện tư tế.... để được nhìn nhận là đã được khỏi bệnh (sạch) và được tái nhập vào cộng đồng con cái nhà Ít-ra-en.

     

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa.    

    Sứ điệp của Lời Chúa dành cho chúng ta hôm nay gồm 2 ý:

    * Ý thứ nhất là dù yếu đuối, u mê, tội lỗi chúng ta hãy để cho bàn tay chữa lành của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su Ki-tô đụng đến chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, thông sáng và thanh sạch.

    * Ý thứ hai là chúng ta hãy học cùng Thánh Phao-lô mà noi gương  bắt chước Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô mà yêu thương và cứu chữa những người đang đau khổ về tinh thần cũng như về thể xác ở chung quanh, trong cộng đồng chúng ta.

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và giầu lòng xót thương; ngài đã chạm tay vào những con người bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ để chữa lành họ.

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

    Để thực thi sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật VI Thường Niên Năm B này, chúng ta cần tiến hành những bước như sau:

    - Trước hết, trước mặt Chúa và trước lương tâm mình, chúng ta tự hỏi:

    * Trong tâm hồn và cuộc sống của riêng tôi, còn có những ngõ ngách nào tăm tối, nhớp nhơ cần được bàn tay chữa lành của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô đụng vào để tôi được hoàn toàn lành mạnh? 

    * Chung quanh tôi, bên cạnh tôi hiện nay, ai là người đáng được tôi yêu thương, chăm sóc chữa lành? Phải chăng đó là những bệnh nhân HIV-AIDS? Là những phụ nữ lỡ đường lạc lối? Là các cô gái mang thai mà không muốn giữ con? Là các cháu sơ sinh bị cha mẹ từ chối? Là các ông bà già không ai chăm sóc yêu thương? Là những anh chị em từ các tỉnh và nông thôn chạy về thành phố để lao động kiếm sống? Là chính người nào đó trong gia đình tôi?

    * Trong giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ của tôi hiện nay có những công việc nào mà tôi coi thường và trốn tránh không muốn đụng tay vào, trong  khi đáng lẽ ra tôi phải vén tay áo và nhúng tay đảm nhận những công việc ấy cho giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ lành mạnh và phát triển hơn nữa?  

    - Sau khi xác định được ngõ ngách nào còn tăm tối, nhớp nhơ trong tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô đụng tay chữa lành chúng ta! Sau khi đã xác định được đối tượng cần được chăm sóc và công việc cần được làm rồi, chúng ta hãy hành động như Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta!

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH  

    5.1 «Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch» Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Trí Toàn Năng; Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng chạnh lòng thương những con người khốn khổ, xin Chúa hãy dơ tay chạm đến những thân xác và tâm hồn tan nát vì đau khổ, bất công và tủi nhục để chữa lành họ.

    X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

     

    5.2 «Đc Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh hãy được sạch!»  Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con xin Cha ban cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ nam nữ, một tấm lòng yêu thương con người, để các ngài dấn thân cứu giúp và chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền và đau khổ xác hồn.  

    X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

     

    5.3 «Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con xin dâng lời cầu xin Cha ban ơn trợ giúp mọi giáo hữu thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng con, nhất là những người tham dự Thánh Lễ này, để họ biết làm vinh danh Cha trong mọi công việc lớn nhỏ.

    X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

     

    5.4 «Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cầu xin Cha cho tất cả các Ki-tô hữu dấn thân trên cánh đồng truyền giáo, để ai nấy biết noi gương bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô như Thánh Phao-lô Tông Đồ.

    X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

     

    Sàigòn ngày 11 tháng 02 năm 2021

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

     

     

    --
    Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Sống Lời Chúa Hôm Nay_Group A_J".
    Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/slchn03/CAMfwAgqnGzHb_wFW2QGE9xznOoXt0DiuJbsqwWdw%2B5qic5HAEg%40mail.gmail.com.
     

Subcategories