3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CHÚA NHẬT LỄ LÁ

CHIA SẺ TIN MỪNG HÀNG TUẦN

Chúa Nhật Lễ Lá

(05-04-2020)

Đức Giêsu, nạn nhân của sự ganh tị và hèn nhát của con người

ĐỌC LỜI CHÚA

  • Mt 21,1-11:(9) Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Ðavít ! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời. (10) Khi Ðức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : Ông này là ai vậy ? (11) Dân chúng trả lời : Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy.

 

  • Is 50,4-7:(6) Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
  • Pl 2,6-11:(8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
  •  
  • TIN MỪNG: Mt 27,11-54 (Bài thương khó)

 

Ðức Giêsu ra trước toà tổng trấn Philatô


(11) Ðức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: Ông là vua dân Dothái sao? Ðức Giêsu trả lời: Chính ngài nói đó. (12) Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. (13) Bấy giờ ông Philatô hỏi Người: Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao? (14) Nhưng Ðức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

 


(15) Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. (16) Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Baraba. (17) Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Philatô nói với họ: Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô? (18) Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

(19) Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.

(20) Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết Ðức Giêsu. (21) Tổng trấn hỏi họ: Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người? Họ thưa: Baraba! (22) Tổng trấn Philatô nói tiếp: Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây? Mọi người đồng thanh: Ðóng đinh nó vào thập giá! (23) Tổng trấn lại nói: Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? Họ càng la to: Ðóng đinh nó vào thập giá! (24) Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy! (25) Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! (26) Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ, còn Ðức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.

Ðức Giêsu phải đội vòng gai


(27) Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. (28) Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, (29) rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Ðức Vua dân Dothái! (30) Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. (31) Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Ðức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá


(32) Ðang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simôn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. (33) Khi đến nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ, (34) chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. (35) Ðóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. (36) Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

(37) Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: Người này là Giêsu, vua dân Dothái. (38) Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

Ðức Giêsu bị nhục mạ

(39) Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu (40) vừa nói: Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! (41) Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: (42) Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ítraen! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! (43) Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa! (44) Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

Ðức Giêsu trút linh hồn

(45) Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. (46) Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: Êli, Êli, lêma xabácthani , nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (47) Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: Hắn ta gọi ông Êlia! (48) Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. (49) Còn những người khác lại bảo: Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! (50) Ðức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

(51) Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Ðền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Ðất rung đá vỡ. (52) Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. (53) Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. (54) Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý:

  1. Trong thâm tâm, các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái và Philatô có nhìn nhận Ðức Giêsu là vô tội không? Tại sao họ lại kết án Ngài?

    2. Philatô rửa tay để làm gì? Ông muốn chứng tỏ điều gì? Có thật là ông vô can trong việc đổ máu Ðức Giêsu không?

    3. Trong đời sống thường ngày, chúng ta có hành động theo kiểu các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái và Philatô không?

 

Suy tư gợi ý:


  1. Ðức Giêsu bị án tử hình, dù ai cũng nhận thấy Ngài vô tội

    Cả cuộc đời Ðức Giêsu, Ngài không làm một điều gì nên tội, nhưng Ngài đã bị kết án ở mức độ nặng nhất: tử hình. Lý do chính khiến Ngài bị kết án chính là sự ganh ghét của giới lãnh đạo tôn giáo (x. Mt 27,18), và sự hèn nhát của cơ quan công quyền mà đại diện là Philatô. Giới lãnh đạo tôn giáo biết Ngài vô tội: 

    Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng tìm chứng gian buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian (Mt 26,59-60). Nhưng họ quyết tâm giết Ngài vì Ngài được dân chúng mến phục và ủng hộ: việc đón rước Ngài vào thành long trọng chứng tỏ điều ấy. Dân chúng còn đánh giá giáo huấn của Ngài cao hơn của họ: «Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư» (Mc 1,22). Ảnh hưởng của Ngài trên dân chúng ngày càng lớn, lấn át ảnh hưởng của họ, và họ cảm thấy điều ấy rất nguy hiểm cho chiếc ghế cũng như quyền lợi của họ. Vì thế, để tự bảo vệ, họ quyết tâm giết Ngài, vì Ngài, mặc dù chẳng làm chi sai trái, đã trở thành đối thủ rất nguy hiểm của họ.

    Họ muốn giết Ngài, nhưng họ không thể tự ý làm điều ấy, vì làm như thế họ sẽ bị chính quyền truy tố trước pháp luật. Họ đã khôn ngoan bằng cách dùng chính tay chính quyền để giết Ngài. Và họ đã thành công. Philatô ‒ kẻ đại diện cho công lý, pháp quyền của đế quốc Rôma ‒ biết Ngài vô tội: ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người (Mt 26,27). Nhưng ông hèn nhát không dám tha Ngài vì sợ quần chúng đang bị giới lãnh đạo tôn giáo sách động. Ông lo sợ nguy hiểm cho chiếc ghế của mình, và ông đã chủ trương thà bảo vệ chiếc ghế hơn bảo vệ công lý.

    Ðiều đó cũng có thể thông cảm được với một người ngoại giáo như ông, vốn không được giáo dục tâm linh như các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhưng điều đáng ghê tởm là sự thiếu thẳng thắn và giả hình của ông: ông «lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!» (Mt 27,24). Ông là đại diện cho công lý mà không chịu lên tiếng bênh vực công lý, để cho công lý bị chà đạp. Tội của ông rành rành ra đấy: đồng loã với sự ác để giết một người vô tội, nhưng ông lại muốn được mọi người coi là vô tội. Ông muốn biện minh cho hành động vô trách nhiệm của mình. 

    Thật ra, cứ nhận rằng mình hèn nhát, mình ham địa vị thì lại đỡ tội, nhưng ông lại còn muốn tỏ ra mình vô tội, nên tội ông nặng lên rất nhiều. Tương tự như ý nghĩa của câu: «Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!» (Ga 9,41). Trước mặt Thiên Chúa, chính cái tội giả hình, muốn tỏ ra mình vô tội ấy còn nặng hơn tội hèn nhát và vô trách nhiệm kia rất nhiều. Khi tôi còn nhỏ, hễ tôi phạm một lỗi nào, cha tôi chỉ đánh một hai roi, nhưng nếu đã phạm mà lại chối, thì lỗi nặng lên gấp hai ba lần, có thể bị phạt tới 5 hay 10 roi, vì đã phạm tới hai lỗi, mà lỗi sau nặng hơn rất nhiều.


    2.  Ta có hành động như Philatô hay các tư tế không?

    Thấy người lại nghĩ đến ta. Ta thấy Ðức Giêsu đã bị giết bởi giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái vì lòng ganh tị của họ và bởi Philatô vì sự hèn nhát của ông. Nhưng liệu ta có hành động như thế đối với các ngôn sứ đồng thời với mình không? Có thể ta sẽ nói như bọn kinh sư ngày xưa: «Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ»(Mt 23,29). Nhưng họ có ngờ đâu họ lại phạm chính tội mà tổ tiên họ đã phạm, cái tội mà họ đang dựa vào để chê trách tổ tiên. Và họ còn phạm nặng nề hơn tổ tiên họ rất nhiều, vì họ giết chính Ðấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Tại sao? Chỉ vì cái mối tội muốn bảo vệ cái ghế của mình hơn bảo vệ công lý, mối tội ấy họ cũng có không kém gì cha ông mình. Và cái mối tội thứ hai còn lớn hơn thế nữa là đã có tội, lại còn muốn chứng minh mình vô tội. Khi muốn chứng minh mình vô tội, hay muốn biện minh cho tội của mình, người ta dễ có khuynh hướng tìm cho ra một tội nào đấy để gán ghép cho kẻ vô tội mà mình không muốn bênh vực, hầu chứng tỏ sự im lặng hay kết án của mình là hợp lý.

    Rất có thể ta cũng đang hành động như thế trong đời sống thường ngày của ta. Nhiệm vụ làm chứng ‒tức chức năng ngôn sứ‒ mà ta đã lãnh nhận khi lãnh bí tích rửa tội, thêm sức, hoặc truyền chức đòi buộc ta phải làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương. Nhiệm vụ hay chức năng ấy đòi hỏi ta phải sống đúng điều mình chủ trương và rao giảng. 

    Ta rao giảng rằng những thực tại siêu nhiên, những giá trị tâm linh cao quí hơn những thực tại trần gian, thậm chí hơn cả mạng sống: «Ðược cả thế giới mà mất linh hồn thì ích lợi gì?» (Mt 16,26). Nhưng trong đời sống thực tế, qua hành động và cách sống của ta, ta lại đích thực coi những thực tại trần gian cao quí hơn những thực tại mà ta vô cùng đề cao khi rao giảng. Ta sẵn sàng hy sinh những giá trị tâm linh để đổi lấy những thực tại cụ thể của trần gian: tiền bạc, quyền lực, địa vị, lạc thú. Ðể bảo vệ những thứ ấy, ta sẵn sàng phạm chính cái tội của các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái sẵn sàng hãm hại hoặc giết những Ðức Kitô trong chính thời đại của chúng ta, hoặc của Philatô xưa đã im lặng đồng lõa để người vô tội bị hãm hại. Những Ðức Kitô ấy có thể là những kẻ thấp cổ bé miệng đang chịu đủ thứ bất công trong xã hội cũng như Giáo Hội, có thể là những người công chính mà sự có mặt hay hành động của họ đang ảnh hưởng bất lợi cho cái ghế của ta.

    Nếu nhận ra mình đang lỗi bổn phận làm chứng theo chức năng ngôn sứ của người Kitô hữu, ta hãy thành thực nhận lỗi của mình và tìm cách sửa chữa. Không nên làm như Philatô, đã có tội lại còn muốn chứng tỏ mình vô tội, khiến ta lại càng lún sâu hơn vào tội lỗi hơn.


    CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN:


Lạy Cha, con là người yếu đuối, con rất dễ trở nên hèn nhát. Ðiều đó chắc hẳn Cha, cũng như Ðức Giêsu, rất dễ cảm thông và tha thứ cho con. Nhưng xin đừng để con hành động như Philatô, đã hèn nhát không dám bênh vực người vô tội, để mặc người vô tội bị giết, lại còn rửa tay để chứng tỏ mình vô tội. NHỜ ƠN CHÚA con QUYẾT TÂM KHÔNG PHẠM tội giả hình như thế, là tội mà Ðức Giêsu ghét hơn tất cả mọi thứ tội. Amen.

Nguyễn Chính Kết

Bấm vào đây để đọc bài đào sâu: 
Với tình yêu và sự dũng cảm cao độ, Đức Giêsu xứng đáng là Vua mọi tâm hồn
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/lelab.html). 

-------------------------------------------

 

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ SÁU CN5MC-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
    Thu, Apr 2 at 9:42 PM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    03/04/20 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
    BỮA TIỆC LỜI CHÚA: TIN MỪNG Ga 10, 31-42

    KHÔNG CHẤP NHẬN!

    “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10,32)

    TÔI ĂN NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA: Những người Do Thái khăng khăng không chấp nhận lời mạc khải của Chúa Giê-su rằng Ngài là Con Thiên Chúa; họ cho rằng Ngài phạm thượng vì họ coi Ngài chỉ là người phàm.

    Họ mong đợi một Đấng Ki-tô theo nhãn quan của họ mà họ cho là đúng rồi, bất chấp những lời Kinh Thánh làm chứng (Ga 5,39), kể cả những việc Chúa đã làm nhân danh Chúa Cha làm chứng cho Chúa (Ga 10,25).

    Bởi đó, dù họ có nghe, có chứng kiến bao việc tốt lành Đức Giê-su làm, họ cũng không tin, không chấp nhận. Thật khác với trường hợp người mù từ mới sinh được Chúa chữa lành, anh ta lập luận: 

    “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 11,32-33).

    Mời Bạn CHIA SẺ: Thánh sử Gio-an đã ghi lại một lời nghe mà đau xót:Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

    Ngày nay, lắm khi chúng ta cũng đã không đón nhận Đức Giê-su vì đã coi những thứ khác như thần của mình rồi! Đó có thể là của cải vật chất, tiếng khen, địa vị xã hội…

    Mùa Chay mời gọi chúng ta từ bỏ “con bò vàng” mà bấy lâu mình vẫn đeo đuổi để trở về với Chúa bằng việc sám hối.

    Sống Lời Chúa: Bạn và tôi lúc nào cũng hồi tâm từng phút, và quyết tâm nhận ra lời mời gọi hoán cải qua dấu chỉ của cơn đại dịch Covid-19.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đã từ lâu Chúa mặc khải mình là ai, thế nhưng CON vẫn không nhận ra Chúa. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY chúng con trở thành chứng nhân qua việc biết đặt Chúa lên trên mọi sự.

    gpcantho
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BA CN5MC-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
    Mon, Mar 30 at 8:48 PM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA   

    31/03/20 THỨ BA TUẦN 5 MC
    Ga 8,21-30

    THẬP GIÁ TÌNH YÊU

         BỮA TIỆC LỜI CHÚA

    “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ nhận biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)

    SỐNG THẬP GIÁ: “Thập giá là cửa sổ sâu thẳm nhất, thật sự nhất, chắc chắn nhất trong trái tim và tính cách của Thiên Chúa hằng sống và yêu thương” (Nhà thần học N. Wright).

    -Thập giá là địa điểm và cũng là phương cách Đức Giê-su cho thấy Ngài yêu con người cho đến tận cùng, ở mức độ cao nhất: yêu thương đến độ sẵn lòng hiến sự sống mình cho họ. Ngài đã chẳng từng bảo các môn đệ rằng mình có thể xin Cha sai 12 đạo binh thiên thần đến cứu mình sao? (x. Mt 26,53).

    -Thập giá cũng là cung cách cho thấy Cha sẵn sàng ban tặng cho nhân loại Người Con Một của mình vì yêu thương. Khi Đức Giê-su bị giương cao trên cây thập giá, con người sẽ nhận ra căn tính đích thực của Ngài:

    Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Hằng Hữu. Đấng Hằng Hữu ấy sẽ kéo mọi người ra khỏi nơi diệt vong, đưa vào Nước Trời hạnh phúc.

    Mời Bạn CHIA SẺ: “Hãy nhìn vào thập giá và bạn sẽ biết một linh hồn có ý nghĩa thế nào với Chúa Giê-su” (Mẹ Têrêxa Calcutta).

    *Bạn đừng ảo tưởng đi theo Chúa Giê-su mà không phải vác thập giá, hy sinh từ bỏ, chiến đấu can trường.

    *Linh hồn bạn được cứu chuộc bằng giá Máu Thánh Ngài, bạn hãy nỗ lực sống cho xứng đáng.

    Sống Lời Chúa: Tôi thay đổi cái nhìn về thập giá, không coi thập giá là điều phải tránh, nhưng sẵn sàng đón nhận. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY  con LUÔN vui vẻ vác thập giá ơn gọi, đời mình theo Chúa, vì muốn trở nên giống Chúa. Amen.

    GPCANTHO
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ NĂM CN5MC-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
    Thu, Apr 2 at 3:07 AM
     
     
     
     
     
     

    Ảnh cùng dòng

    02/04/20 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
    Th. Phan-xi-cô Pao-la, ẩn tu
    Ga 8,51-59

     KHIÊM NHƯỜNG NHƯ CHÚA

    Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.” (Ga 8,54)

    SỐNG VÀ CHIA SẺ: Trước mắt người đời, cách Chúa Giê-su hành động thật khác thường. Khi dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, thì Ngài trốn đi (x. Ga 6,15).

    Thế nhưng trước toà án của Phi-la-tô, trước nguy cơ mất cả mạng sống, Chúa lại dõng dạc trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua” (Ga 18,37) để rồi Ngài sẽ bị quân lính đội vòng gai và nhục mạ chế diễu: “Vạn tuế Vua dân Do Thái” (Mt 27,29).

    Vì thế mà người Do Thái quả quyết rằng Ngài “bị quỷ ám” (x. Ga 8,52). Điểm khác biệt nơi Đức Giê-su là Ngài không tự tôn vinh chính mình để tìm kiếm vinh quang theo kiểu người đời là thứ vinh quang chóng qua.

    Trái lại Ngài chỉ tìm vinh quang từ nơi Chúa Cha. Đó là động lực giúp Ngài trung thành với sứ mạng.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Nếu bạn bị người khác hiểu lầm, chê cười hay chống đối, bạn cũng đừng nản lòng nhụt chí, vì Chúa Giê-su luôn hiểu bạn và yêu thương bạn,

    Ngài cũng đã nêu gương khiêm nhường để bạn có thêm nghị lực vượt qua tất cả. Khi bạn không tự phụ khoe khoang, cũng không muốn người khác khen thưởng tùng phục mình thì Chúa sẽ nâng bạn lên, như thánh Phê-rô đã viết: 

    “Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, Người sẽ cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1Pr 5,6).

    Sống Lời Chúa: Lặp lại quyết tâm chọn làm một việc trong ngày để vinh danh Chúa; cuối ngày kiểm điểm việc thực hiện đó.

    Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Danh với tâm tình sốt sắng.

    gpcantho
     

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- THỨ HAI CN5MC-A

  •  
    Tinh Cao
     
    Sun, Mar 29 at 3:42 PM
     
     

    Thứ Hai CN5MC-A

     

    THAM DỰ BỮA TIỆC Lời Chúa

                                                                         

    Bài Ðọc I: Ðn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)

    "Ðây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi".

    Trích sách Tiên tri Ðaniel.

    Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.

    Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: "Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng". Các ông năng lui tới nhà ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Ðến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.

    Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: "Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm".

    Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Susanna và nói: "Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn".

    Bà Susanna thở dài và nói: "Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!" Ðoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Susanna.

    Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: "Các người hãy đi tìm bà Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim". Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.

    Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: "Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Ðó là điều chúng tôi xin làm chứng". Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.

    Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con".

    Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ðaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: "Còn tôi, tôi không vấy máu bà này". Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: "Lời mi nói có ý nghĩa gì?" Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: "Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà".

    Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ðaniel: "Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão". Ðaniel liền nói với họ: "Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho".

    Khi hai ông đứng xa nhau, Ðaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: "Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: "Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính". Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây chò". Ðaniel liền nói: "Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông". Ðaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ðaniel nói với ông này rằng: "Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây sồi". Ðaniel liền nói: "Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông".

    Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ðaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.

    Ðó là lời Chúa.

     Hoặc đọc bài vắn này: Ðn 13, 41c-62 từ chỗ "họ lên án tử hình cho bà"

     

    Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

    Ðáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 5ab).

    Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

    2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

    3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Ðầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

    4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

     

    Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2b

    Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

     

    Phúc Âm: Ga 8, 1-11

    "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

    Ðó là lời Chúa.

     

    Image result for john 8, 1-11

     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ

        

    nếu chính Chúa Kitô không biết mình là ai và từ đâu đến

    thì Người không phải là Đấng Thiên Sai của Dân Do Thái và là Đấng Cứu Thế của nhân loại    

     

    Ngày Thứ Hai trong Tuần V Mùa Chay vẫn tiếp tục với bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan, bài Phúc Âm chất chứa lời Chúa Giêsu tự làm chứng về Người.

    Nếu bài Phúc Âm tuần trước cả dân chúng lẫn thành phần lãnh đạo đều chia rẽ nhau về nguồn gốc của Chúa Kitô thì tuần này Người tự mình chính thức làm sáng tỏ nguồn gốc thần linh của Ngưòi. Nếu tuần trước Người nói Người không tự làm chứng về mình thì tuần này Người không thể không tự làm chứng về Người bởi không ai biết Người bằng chính Người.

     

    Thật vậy, tuần trước, các bài Phúc Âm nói chung theo Thánh ký Gioan, cách riêng bài Phúc Âm cho Thứ Năm của tuần trước ấy, Chúa Giêsu đã không tự chứng hay chưa tự làm chứng về Người: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực", mà là minh chứng về mình bằng 3 chứng từ khác nhau liên quan đến bản thân và nguồn gốc của Người: 
     
    1- Chứng từ thần linh liên quan đến Cha là Đấng đã sai Người: "Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực"; 
     
    2- Chứng từ nhân loại liên quan đến Tiền Hô Gioan Tẩy Giả: "Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật"; 
     
    3- Chứng từ Thánh Kinh liên quan đến mạc khải thần linh: "Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống".
     
    Tuần này, ngay ở bài Phúc Âm Thứ Hai đầu tuần, Chúa Giêsu bắt đầu chính thức và công khai tự làm chứng về Người và cho Người, vì tự Người và chính Người là "chân lý", là "sự thật" (Gioan 14:6), một chân lý tỏ mình ra như ánh sáng không thể nào không soi chiếu, nên ngay ở đầu bài Phúc Âm hôm nay Người đã ngang nhiên và trịnh trọng tuyên bố: "với những người biệt phái rằng: 'Tôi là sự sáng thế gian. Ai theo Tôi sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống".
     
    Tất nhiên, khi Người xưng mình ra như thế, đối với trần gian thì có vẻ như Người khoe khoang, ngạo mạn, nên một giòng điện dương khi chạm phải cùng một giòng điện dương chắc chắn không thể nào không tóe lửa, nghĩa là vì cho Người tỏ ra khoe khoang ngạo mạn như thế mà thành phần bản chất vốn khoe khoang ngạo mạn thính giả của Người bấy giờ là "những người biệt phái" đã không thể nào chấp nhận được lời tuyên bố của Người: "Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực".
     
    Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã biện minh cho việc Người tự làm chứng về Người và cho Người là những gì hoàn toàn chân thực và chính xác, qua chính câu Người trả lời cho thành phần không tin Người và không chấp nhận lời tuyên bố của Người: "Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu".
     
    Thật vậy, nếu chính Chúa Kitô không biết mình là ai và từ đâu đến thì Người không phải là Đấng Thiên Sai của Dân Do Thái và là Đấng Cứu Thế của nhân loại, mà chỉ là một trong thành phần con người thuần túy chúng ta, thành phần thuần nhân cho tới chết cũng chưa hoàn toàn biết mình, bởi thế vẫn liên tục sa ngã phạm tội là những gì sai lạc, không đúng sự thật về bản thân họ cũng như không đúng sự thật Thiên Chúa muốn nơi họ và cho họ, và chính vì thế họ chỉ được giải phóng cho đến khi họ nhận biết sự thật mà thôi (xem Gioan 8:32).
     
    Muốn biết mình thực sự là ai thì con người cần phải biết mình "từ đâu tới" và sẽ "đi đâu", chứ không phải chỉ biết mình "từ đâu tới" song chẳng biết mình sẽ "đi đâu" là đủ biết mình một cách chân thực và chính xác. Chẳng hạn, theo đức tin của mình, Kitô hữu chúng ta tin rằng, về nguyên ủy, hay nguồn gốc, "từ đâu tới" chúng ta được dựng nên từ hư vô, bởi được Thiên Chúa yêu thương, nhưng trong cuộc sống, về cùng đích "đi đâu" là nơi chúng ta sẽ tới và cần phạt đạt tới, chúng ta lại sống như thể không có đời sau, không có Thiên Chúa, chỉ luôn tìm kiếm và theo đuổi những gì thuộc về hạ giới hợp với xác thịt của chúng ta hơn là Nước Trời và thay vì vĩnh phúc trường sinh bất diệt.
     
    Chúa Giêsu thật sự biết được Người "từ đâu tới" và sẽ "đi đâu": Người từ Thiên Chúa mà tới, Đấng đã sai Người tới: "Thày từ Cha mà đến và đã đến trong thế gian(Gioan 16:28), và vì thế nơi Người "đi đâu" không còn chỗ nào khác ngoài chính nơi Cha của Người muốn Người tới, nghĩa là Người được sai đến để làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người, chứ không phải làm theo ý của Người, đúng như Người đã tuyên bố với người Do Thái: "Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý của mình mà là ý của Đấng đã sai tôi" (Gioan 6:38). 
     
    Mà ý của Cha là nơi Người phải tới, mà Người phải làm theo và chu toàn đây là gì, chính Người cũng biết rõ ràng và chắc chắn Người mới có thể làm theo đúng và đáp ứng thật: "Ý muốn của Đấng đã sai Tôi đó là Tôi không được làm mất một sự gì Ngài đã ban cho Tôi, trái lại, Tôi phải làm cho nó sống lại trong ngày sau hết" (Gioan 6:39). 
     
    "Ngày sau hết", trong câu Chúa Giêsu nói đến ở đây, chúng ta thường hiểu về ngày tận thế, nhưng ở đây có thể hiểu là chính thời điểm của Người, một thời điểm "viên trọn" (Galata 4:4), thời điểm "sau hết" Thiên Chúa đã tỏ mình ra nơi chính Người là Con của Ngài theo giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái là lịch sử mà mạc khải thần linh đã được Thiên Chúa từ từ tỏ hiện cho đến tột đỉnh nơi Chúa Giêsu Kitô vào thời "sau hết" như Thánh Phaolô viết ở ngày đầu Thư Do Thái của thánh nhân (xem Do Thái 1:1-3).
     
    "Sống lại", cũng trong lời Chúa Giêsu nói ở đây, là "sống lạivào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) tức là vào "ngày sau hết", một "sống lại" trước hết và trên hết về phần hồn của con người đã bị hư đi theo nguyên tội và từ nguyên tội, một "sống lại" bởi cuộc Vượt Qua của Người, khi Người tỏ hết mình ra để bằng cuộc phục sinh của mình, Người chẳng những chiến thắng tội lỗi và sự chết mà còn thông ban sự sống và Thánh Linh cho chung nhân loại qua Giáo Hội của Người mà đầu tiên ở nơi các tông đồ của Người (xem Gioan 20:21-23).
     
    Về nguồn gốc của Chúa Kitô, tức về xuất xứ của Người "từ đâu đến", đã trở thành sự kiện then chốt và đã từng làm cho dân Do Thái nói chung và thành phần lãnh đạo của họ nói riêng chia rẽ hết sức trầm trọng, như trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần vừa rồi cho thấy, thì về nơi "đi đâu" của Người hay về việc Người "đi đâu" lại càng là một mầu nhiệm vô cùng bí ẩn, họ làm sao biết được và cũng không thể nào biết được. 
     
    Cho dù Người có nói ra chăng nữa, như Người đã từng tiết lộ cho các môn đệ thân tín của Người ba lần, mà các vị vẫn "không thể nào đến được", hiểu được, đúng như Người đã quả quyết với các vị như đã quả quyết với dân Do Thái (xem Gioan 13:33), chứ chưa nói gì đến chuyện các vị có thể đến được nơi Người "đi đâu", cho đến khi Người đi dọn chỗ cho các vị trở về đón các vị đi với Người (xem Gioan 14:2-3). 
     
    Đó là lý do Chúa Giêsu, trong bài Phúc Âm hôm nay đã cho thành phần thính giả của Người biết lý do tại sao họ không thể chấp nhận chứng từ của Người về chính bản thân Người là Đấng đã biết rõ về mình, "từ đâu đến" và sẽ "đi đâu", chỉ vì: 
     
    "Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Ðấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Ðấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa".
     
    Trong câu này, Chúa Giêsu chẳng những cho thính giả của Người bấy giờ thấy được lý do tại sao họ không thể chấp nhận chứng từ của Người là vì họ "xét đoán theo xác thịt" chứ không theo chân lý, mà còn cho họ thấy rằng chứng từ của Người là đúng, vì theo nguyên tắc thì chứng của hai người là chứng thật, và vì thế chứng từ của Người là xác thực bởi cả có 2 người làm chứng là chính bản thân Người lẫn Cha của Người là Đấng đã sai Người làm chứng cùng một điều về Người. 
     
    Và chính vì Chúa Giêsu nại đến Cha của Người là một trong hai người làm chứng về Người nên Người đã được thành phần thính giả của Người thách thức đặt vấn đề: "Cha của ông đâu?", Đấng mà Người đến "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) qua bản thân Người, đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), nên Người đã cho thành phần thính giả chất vấn Người về Cha của Người rằng: "Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta".
     
    Bài Đọc 1 hôm nay được trích từ Sách Tiên Tri Đaniên về câu chuyện của bà Suzanna công chính nhưng bị mang đi ném đá chết bởi bà bị kết án theo luật căn cứ vào chứng từ của 2 người chứng, một chứng từ gian dối nhưng hoàn toàn lấn át lời tự chứng của người phụ nữ nạn nhân đáng thương này, chẳng khác nào như Chúa Giêsu tự làm chứng cho mình mà chẳng ai tin vào Người vậy.
     
    Trước hết là lời chứng của hai nhân chứng, tức là của hai lão già đang giữ vai trò làm thẩm phán trong dân thường sử dụng ngôi nhà rộng rãi sang trọng của vợ chồng bà để xử các vụ kiện cáo của dân chúng, đã âm mưu chiếm hưởng thân xác kiều mỹ hấp dẫn của bà khi bà đang tắm kín đáo một mình trong vườn nhà của bà vào một buổi trưa nóng bức:
     
    "Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Ðó là điều chúng tôi xin làm chứng".
     
    Sau nữa là lời chứng của chính đương sự bị tố cáo là bà Suzanna, như Bài Đọc 1 cho biết, "bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa", và khi bị hai tên "thẩm phán kỳ lão" ở Babylon "phải lửa dục mê đắm... mất lương tâm" rình mò bà và bất ngờ tấn công tình dục bà, nhưng bà đã cương quyết chống trả bất chấp số mệnh ra sao thì ra
     
    "Bà Susanna thở dài và nói: 'Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!' Ðoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà".
     
    Thế nhưng, chỉ cần căn cứ vào chứng của hai người, mà hai chứng nhân này lại là hai vị thẩm phán đáng kính có tuổi và có thế trong dân thì người vợ thủy chung với chồng và kính sợ Thiên Chúa chỉ có chết, đến độ dân chúng mù quáng cả tin cả nể chẳng cần nghe bà thanh minh gì cả đã "lên án tử hình cho bà"
     
    Khi bị lên án tử rồi, người đàn bà đáng kính đáng phục này chỉ còn biết kêu đến trời và phó thác mọi sự trong tay Ngài là Đấng bà kính sợ và tin tưởng, Đấng bà đã không sợ chết mà xúc phạm đến Ngài, nhất định không chịu chiều theo ý muốn nhục dục của hai lão già gian ác tồi bại, Đấng duy nhất có thể thấy được tất cả sự thật: "Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con".
     
    Nếu bên đối phương tấn công bà có hai nhân chứng, và như Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay cũng có 2 nhân chứng về Người là chính bản thân Người và Cha của Người, thì người đàn bà nạn nhân vô tội bị oan ức này cũng có đủ 2 nhân chứng, đó là chính bản thân bà, vì bà biết bà hơn tất cả mọi người khác biết về bà, một sự thật về bà đúng như Thiên Chúa là nhân chứng thứ hai biết về bà. Bởi thế, Thiên Chúa cũng đã nhúng tay vào làm chứng về bà, như Bài Đọc 1 cho biết tiếp như sau:
     
    "Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ðaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: 'Còn tôi, tôi không vấy máu bà này'. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: 'Lời mi nói có ý nghĩa gì?' Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: 'Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà'".
     
    Phải, Thiên Chúa đã sử dụng một trang thiếu niên trẻ trung đứng ra xét sử hai lão già thẩm phán trong dân, để chẳng những chứng tỏ cho dân của Ngài thấy rằng: 1- ai tin vào Ngài sẽ được Ngài chở che bênh đỡ, và 2- "bóng tối không thể nào át được ánh sáng" (Gioan 1:5): 
     
    "Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ðaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan".
     
    Không biết khi được Thiên Chúa minh oan cho, bà Suzanna đã cảm thấy ra sao, nhưng chắc chắn tâm can của bà đã trải qua một cảm nghiệm thần linh rất sâu xa lạ lùng: "Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương", và từ đó tấm lòng tri ân cảm tạ của bà đã trào dâng lên những tâm tình càng tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa hơn: "dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con", đúng như trong Bài Đáp Ca hôm nay:
     
    1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. 
     
    2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. 
     
    3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Ðầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
     
    4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. 

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

    MC.V-2.mp3  

     

    --
    You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
    To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHry_d988afAZqVom46D-ONxT7OcpE%2BndQF8D6_thW7L5Q%40mail.gmail.com.
     
     

Subcategories