- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Wednesday, March 11, 2020
Chay3a - Đức Giêsu là mạch nước hằng sống
ĐỌC LỜI CHÚA
- Xh 17,3-7:(3) Ở sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Môsê. Đức Chúa chỉ dạy ông: (6) «Ngươi hãy dùng gậy đập vào tảng đá kia. Từ tảng đá ấy, nước sẽ chảy ra cho dân uống». Ông Môsê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ítraen.
- Rm 5,1-2.5-8:(1) Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. (5) Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.
Đức Giêsu tại Samari
(5) Vậy, Người đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. (6) Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
(7) Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: «Chị cho tôi xin chút nước uống!» (8) Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. (9) Người phụ nữ Samari liền nói: «Ông là người Dothái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?» Quả thế, người Dothái không được giao thiệp với người Samari. (10) Đức Giêsu trả lời: «Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: «Cho tôi chút nước uống», thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống». (11) Chị ấy nói: «Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? (12) Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy». (13) Đức Giêsu trả lời: «Ai uống nước này, sẽ lại khát. (14) Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời».
(15) Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: «Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước. (19b) Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… (20) Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa». (21) Đức Giêsu phán: «Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. (22) Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Dothái. (23) Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (24) Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật». (25) Người phụ nữ thưa: «Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự». (26) Đức Giêsu nói: «Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây».
(39) Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu. (40) Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. (41) Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. (42) Họ bảo người phụ nữ: «Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
Phụ nữ Samari này là một người không đàng hoàng về luân lý, thế mà Đức Giêsu lại dùng chị để loan báo Tin Mừng cho người Samari, và làm chứng cho Ngài ở nơi họ. Và kết quả rất tốt đẹp. Từ sự kiện này bạn có thể rút ra bài học gì?
2. Thứ «nước uống rồi lại khát» và thứ «nước uống vào là không bao giờ khát nữa» ám chỉ điều gì?
3. Hạnh phúc do trần gian đem lại thì thế nào? Có làm con người hạnh phúc lâu bền không? Có phát sinh những «phản tác dụng» không? Muốn có được hạnh phúc lâu bền, đích thực thì phải làm gì?
Suy tư gợi ý:
Bài Tin Mừng hôm nay dài và gồm nhiều chủ đề quan trọng khác nhau. Nhưng khi liên kết với bài đọc 1, ta nhận ra ngay Giáo Hội muốn nói đến chủ đề: Đức Giêsu, nguồn mạch nước hằng sống.
1. Bối cảnh của bài Tin Mừng
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đến xin nước một phụ nữ Samari. Đây là một điều cấm kỵ đối với người Do Thái: «Người Do Thái không được giao thiệp với người Samari» (Ga 4,9). Vì thế, việc tiếp xúc và xin nước của Ngài khiến cho phụ nữ này ngạc nhiên: «Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?» (Ga 4,9). Cả các tông đồ cũng ngạc nhiên không kém: «Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ Samari» (Ga 4,27). Không phải chỉ một lần mà khá nhiều lần Đức Giêsu đã vượt ra khỏi những quy định của tập tục xã hội, của tôn giáo, khi mà những quy định này đi ngược lại lương tri hay tình yêu tha nhân. Chính trong bối cảnh đặc biệt này, Đức Giêsu đã mặc khải một chân lý quan trọng: Ngài chính là nguồn mạch nước hằng sống.
Lúc Ngài xin chị Samari nước uống là «vào khoảng mười hai giờ trưa» (Ga 4,6), khi các môn đệ Ngài đi mua thức ăn. Chỉ có một mình Ngài với chị. Bình thường các phụ nữ ra giếng chung của làng để múc nước vào ban sáng hoặc ban chiều cho đỡ nắng, riêng chị lại múc vào ban trưa. Đọc tiếp đoạn Tin Mừng ta sẽ biết lý do: chị không phải là một phụ nữ đàng hoàng về mặt luân lý; chị đã có 5 đời chồng và hiện đang sống với một người không phải là chồng mình (x. Ga 4,16-18). Chắc hẳn chị không muốn chường mặt ra vào lúc đông người, sợ phải nghe những lời dị nghị không hay về mình. Thế mà Đức Giêsu lại chọn chị để mặc khải những chân lý quan trọng: việc «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), nước hằng sống (Ga 4,10b), đồng thời tỏ cho chị biết Ngài chính là Đấng Cứu Thế… Và chị đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho cả làng của chị, khiến cho «có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng» (Ga 4,39).
Thật là lạ lùng cách làm việc của Ngài. Ngài không chọn người đàng hoàng, đạo đức để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Ngài, mà lại chọn một phụ nữ bị mọi người khinh bỉ và coi là tội lỗi. Mà lại hữu hiệu! thế mới tài tình!
2. Đức Giêsu là mạch nước hằng sống
Nhân việc xin nước, Đức Giêsu đã dùng ý niệm nước để vào đề một cách thật tài tình để mặc khải về nước hằng sống. Nước là một yếu tố tối cần thiết cho sự sống, đến nỗi có thể nói: chỗ nào không có nước thì không thể phát sinh sự sống, và sự sống không thể tồn tại được. Ai cũng phải uống nước mới sống được. Trong cơ thể con người, nước chiếm tới 72% trọng lượng. Nhưng thứ nước vật chất này cứ phải uống hoài, vì «ai uống nước này, sẽ lại khát» (Ga 4,13).
Đức Giêsu đã dựa vào tính chất này của nước vật chất để giới thiệu một thứ nước khác: «Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14). Chị Samari tưởng rằng Ngài muốn nói đến một thứ nước vật chất khác, uống vào thì không còn khát nữa, nhưng không phải. Ngay cả thứ nước trong câu «ai uống nước này, sẽ lại khát» cũng là một thứ nước theo nghĩa bóng.
Con người ai cũng khao khát hạnh phúc, thứ hạnh phúc đích thực và lâu bền. Và người trần, ai cũng đi tìm những phương tiện giúp mình hạnh phúc. Người thì tìm hạnh phúc trong tiền bạc, kẻ tìm trong quyền lực, người khác tìm trong vui thú xác thịt, v.v… Nhưng hạnh phúc tìm được nơi những thứ ấy rất chóng qua, và thường để lại hậu quả là đau khổ. Người nghèo cảm thấy khổ vì thiếu tiền, nên nghĩ rằng phải có nhiều tiền mới hạnh phúc. Nhưng người có tiền lại khổ vì tiền như người ta vẫn nói: «Người giàu cũng khóc», «tiền không đem lại hạnh phúc». Người không con cái thì lấy đấy làm khổ và cho rằng phải có con mới hạnh phúc được; đến khi có con thì lại khổ vì con, do nó bất hiếu, hư đốn, bệnh tật, hoặc nó không theo ý mình. Vì thế, chẳng mấy ai trên đời được hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mà trần gian này cung cấp toàn là như vậy: hạnh phúc đấy, mà đau khổ cũng đấy! Nhiều điều của trần gian hôm trước đem lại hạnh phúc thì ngay hôm sau đã đem lại đau khổ!
Trần gian chỉ có thể cung cấp cho ta thứ hạnh phúc ấy: thứ hạnh phúc không thể thỏa mãn được lòng khao khát vô tận của con người, thứ hạnh phúc kiểu «uống rồi lại khát» (Ga 4,13). Nhưng Đức Giêsu giới thiệu một thứ hạnh phúc mà Ngài có thể cung cấp là thứ hạnh phúc theo kiểu «uống vào sẽ không bao giờ khát nữa» (Ga 4,14). Đó không phải là một cái gì vật chất có thể trao được, mà là một lối sống, một con đường sống, một tinh thần sống phải đem ra thực hành.
Đó chính là sứ điệp Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng và đã sống trọn vẹn suốt đời Ngài. Rất nhiều người thật sự sống theo sứ điệp này đã cảm thấy hạnh phúc thật sự, thứ hạnh phúc không ai lấy mất được, cho dẫu họ có phải sống trong nghèo đói, túng thiếu, tù tội, tra tấn, hay bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và người nào đã có được thứ hạnh phúc ấy, thì một cách tất yếu người ấy sẽ trở thành «một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14).
Chúng ta đã theo Đức Giêsu bao năm rồi? Nhưng chúng ta đã thật sự hạnh phúc chưa? Nếu chưa, thiết tưởng chúng ta cần phải xét lại và thay đổi cách theo Ngài của chúng ta. Có thể ta chưa hiểu được đúng đường lối của Ngài, hay chưa có được tinh thần của Ngài, hay chưa thật sự sống đúng đường lối của Ngài. Biết bao người đã theo Ngài và đã cảm thấy thật sự hạnh phúc suốt cuộc đời trần gian đầy biến động này. Vậy tại sao ta chưa hạnh phúc?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, để sống được, con người cần có không khí để thở, có ánh sáng để nhìn thấy, có nước để uống, có lương thực để ăn… Đức Giêsu đã cung cấp tất cả những thứ đó cho chúng con để đời sống tâm linh của chúng con tồn tại và phát triển. Ngài đã cho chúng con khí để thở là Thánh Thần, và chính Ngài là ánh sáng, là mạch nước và là lương thực cho sự sống của chúng con. Ngài cũng chính là đường đi dẫn chúng con đến với Cha, và cũng chính là sự sống của chúng con (x. Ga 14,6). Xin cho chúng con biết sống bằng chính Đức Giêsu như Cha hằng mong muốn và cung cấp cho chúng con.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để đọc bài chia sẻ:
Thờ phượng Thiên Chúa «trong thần khí và sự thật» là gì?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/chay3b.html)
-------------------------------