8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - IM LẶNG

IM LẶNG

 

Tội lỗi xấu xa tách rời thiên chúa

Tình thương chan chứa che phủ tội nhân

 

Thánh Mark khổ tu vừa khuyên nhủ vừa giải thích: “Ai đã phạm tội thì đừng thất vọng.  Đừng bao giờ. Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và học biết những phép lạ của Chúa Kitô.”

 

Một trong các cặp đôi có thái cực đối lập là Tội và Tình.  Trong đó có một khoảng im lặng hoàn toàn, nhưng có khác nhau: Sự im lặng đó nặng nề và ngột ngạt đối với những kẻ lòng lang dạ thú, nhưng lại nhẹ nhàng và thông thoáng đối với những người thiện tâm.

 

Sự im lặng có thể là vàng – nghĩa là thực sự cần thiết, nhưng cũng có thể là “rác rưởi” vô ích, không cần thiết, thậm chí có thể là “chất độc” vì gây nguy hiểm. Tội trái ngược với Tình, nhưng Tình liên quan mật thiết với Tha Thứ. Các mẫu tự T độc đáo, mà cũng thực sự quan trọng trong cuộc đời chúng ta – đặc biệt đối với các Kitô hữu.

 

Kinh Thánh cảnh báo hai điều quan trọng liên quan tội lỗi: [1] “ĐỪNG tưởng mình là công chính trước mặt Đức Chúa” (Hc 7:5), và [2] “ĐỪNG để tội nào trói buộc con đến hai lần, vì một lần thôi cũng đủ để bị phạt” (Hc 7:8). Đó là dạng ảo tưởng và không nỗ lực (hoặc cố chấp). Kinh Thánh cũng đề cập một dạng hệ lụy tất yếu: “ĐỪNG làm điều xấu thì cái xấu sẽ KHÔNG THẮNG được con” (Hc 7:1). Chắc chắn là vậy, như người Việt cũng nói: “Cây ngay không sợ chết đứng.”

 

Đối với nhân loại, tội ác luôn trái ngược với tình yêu, tội lỗi luôn đối nghịch với lòng thương xót. Tốt và xấu, hoặc lành và dữ, là những “cặp đối”, những thái cực hoàn toàn đối nghịch nhau, không thể “chung đường chung lối.” Thật vậy, có tội ác thì không có tình yêu – và ngược lại. Nhưng đối với Thiên Chúa thì lại khác hẳn, vì Lòng Thương Xót của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại này, có thể hóa giải mọi thứ. Đó là Mầu Nhiệm Tình Yêu mà loài người không bao giờ có thể hiểu được với trí óc hữu hạn phàm tục.

 

Quả thật như vậy, bất cứ điều gì đối với loài người là không thể thì đều có thể đối với Thiên Chúa, vì chính Ngài có thể biến hòn đá thành con cái của Áp-ra-ham (x. Mt 3:9) kia mà. Như vậy, tư tưởng loài người chúng ta không làm sao có thể hiểu được ý Ngài. Ngay như một người mẹ xả thân hy sinh vì một đứa con hư hỏng, chúng ta vẫn cho đó là một người mẹ nhu nhược, dại dột,hoặc ngu xuẩn. Nhưng “yêu như điên” mới là yêu thật, yêu vì người được yêu, yêu vị tha chứ không chút vị kỷ. Các dạng tình yêu của loài người dù có vị tha bao nhiêu thì vẫn có chút gì đó vị kỷ, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa là tuyệt đối vị tha.


TỘI THỪA – TÌNH THIẾU

 

Từ thời Cựu Ước xa xưa, ngôn sứ Isaia nói rõ về quyền năng của Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ: “Đức Chúa là Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43:16-17). Thật tuyệt vời, bởi vì chúng ta diễm phúc được tôn thờ một vị Chúa Tể như vậy, mặc dù “những lời chúng ta ca tụng Chúa không ích lợi gì cho Chúa, nhưng lại sinh ích lợi cho phần rỗi của chính chúng ta” (Kinh Tiền Tụng). Thật là quá kỳ diệu, vượt trên cả sự tuyệt vời!

 

Rồi chính Thiên Chúa cũng đã căn dặn: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” (Is 43:18). Cái gì đã qua thì cho qua – Let bygones be bygones. Bỏ qua chuyện cũ có nghĩa là yêu thương, là tha thứ, là quên cái Tội mà chỉ nhớ cái Tình. Thiên Chúa sẵn sàng mở “con đường sống” cho dân chúng bằng cách thẩm vấn: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43:19). Hỏi thì hỏi nhưng Ngài lại trả lời. Vả lại, chính câu hỏi đó lại là cách trả lời xác định mạnh mẽ hơn.

 

Thật tuyệt vời về Thiên Chúa của chúng ta, vì chính Ngài minh định: “Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát” (Is 43:20). Bởi vì Ngài “đã gầy dựng cho dân” nên “chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ngài” (Is 43:21a). Thế nhưng buồn thay cho con người, chính “Israel bội nghĩa vong ân” (Is 43:21b). Israel là dân Chúa, mà dân Chúa không chỉ là Israel mà còn là chính chúng ta – nghĩa là chính chúng ta cũng là những kẻ vong ân bội nghĩa. Thật khốn biết bao!

 

Vì thế, chúng ta phải mau thức tỉnh mà trở về giao hòa với Ngài, càng sớm càng tốt, vì thời gian chẳng đợi chờ ai, giờ G đã điểm rồi. Vả lại, Mùa Chay là thời điểm thuận tiện để sám hối, nhờ đó mà được Thiên Chúa thi ân và cứu độ (x. 2 Cr 6:2).

 

Thời điểm trở về là khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa bất ngờ, vì được chính Thiên Chúa dẫn đưa: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ,”và rồi họ “vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126:1-2). Người ta ngạc nhiên khi thấy vậy, có những người trong dân ngoại xôn xao bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2). Quả thật, “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!  Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126:3). Chẳng phàm ngôn nào có thể diễn tả hết niềm vui sướng của tù nhân được phóng thích, ai đã ở tù rồi mới cảm nhận được rõ nét, có thể nói rằng chẳng khác chi từ hỏa ngục được bước vào thiên đàng, hoặc niềm hạnh phúc của đứa con hư hỏng được cha mẹ tha thứ và yêu thương như trước. Khó có thể diễn tả trọn vẹn niềm hạnh phúc lớn lao như thế.

 

Noi gương Thánh Vịnh gia, chúng ta cùng chân thành cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam”(Tv 126:4). Cầu xin chân thành thì sẽ được xót thương, và niềm hạnh phúc sẽ dâng trào. Thánh Padre Pio (Piô Năm Dấu) khuyên: “Hãy cầu nguyện, cứ hy vọng, và đừng lo lắng chi cả!”

 

Thật đơn giản mà kỳ diệu, chính niềm hạnh phúc khôn tả đó được ví như nông dân vất vả khi gieo hạt: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6). Hình ảnh rất thực tế và gần gũi với chúng ta – dù dân miền quê hay thành thị.

 

Cuộc sống bình thường nhưng vẫn luôn có những điều kỳ lạ. Sau cú ngã ngựa “chí tử”, một Saolê của Tội đã biến thành một Phaolô của Tình. Với kinh nghiệm bản thân, ông thật lòng tâm sự: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3:8-9). Phải thực sự cảm nghiệm Thiên Chúa sâu sắc lắm mới khả dĩ có quyết định rõ ràng như vậy. Thật không dễ chút nào, thế nhưng nhờ tín thác và nhờ hồng ân Thiên Chúa, ai cũng có thể hành động như Thánh Phaolô vậy.

 

Không thể dừng lại, không thể không nói, Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11). Cảm nghiệm được như vậy nhưng thánh nhân vẫn khiêm nhường bộc bạch: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang CỐ GẮNG chạy tới, MONG chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3:12-13). Đó cũng là điều mà ai cũng phải cố gắng – cố gắng triền miên, cố gắng không ngơi nghỉ.

 

Tuy nhiên, vấn đề không phải là chúng ta chiếm đoạt Đức Kitô, mà là tự nỗ lực hướng thiện để được Đức Kitô chiếm đoạt chúng ta. Bởi vì mang thân phận phàm nhân, chúng ta quá yếu đuối, chỉ sơ sảy một chút là sa ngã ngay, chẳng ai dám nói khôn. Vì thế, hãy không ngừng cố gắng học theo “phong cách” của Thánh Phaolô: “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3:14).

 

TÌNH THƯƠNG THẮNG TỘI

 

Trình thuật Ga 8:2-11 ngắn gọn lời kể, nhưng đó là một bộ phim dài và hay, cốt truyện thú vị, tương phản hai cách đối xử – cách đối xử tồi tệ của đám đông (chủ yếu là những tay đầu xỏ) đối lập với cách đối xử khôn khéo và nhân từ của Chúa Giêsu. Khi tư vấn hôn nhân và gia đình, người ta cũng thường lấy “điển tích” của đoạn Tin Mừng này để trưng dẫn. Điều này cho thấy người đời, dù không là Kitô hữu, cũng vẫn phải công nhận cách cư xử tuyệt vời của Chúa Giêsu đối với một người yếu thế – một phụ nữ bị người ta bắt quả tang phạm tội ngoại tình và bị kết án tử.

 

Thánh sử Gioan cho biết: Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Ngài. Ngài ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8:4-5).

 

Đúng là họ đểu thật, vì chính họ gọi Chúa Giêsu là Thầy nhưng lại nói xỏ nói xiên nhằm thử Ngài, đặc biệt là họ muốn có bằng cớ để tố cáo Ngài. Kinh tởm với những ác nhân có mặt người mà lòng lang dạ thú. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn thản nhiên, Ngài lặng lẽ ngồi xuống rồi lấy ngón tay viết trên đất. Chẳng ai biết Ngài viết gì, có lẽ Ngài vẽ lên cát như trẻ con chơi đùa vậy thôi. Tuy nhiên, Ngài làm vậy vừa hay vừa lạ. Đúng như ca dao Việt Nam: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo.”Lúc đó, chắc hẳn các kinh sư và người Pharisêu tức điên lên được, nhưng cũng đành “bó tay” thôi. Bồ hòn có vị đắng chát cỡ nào thì cũng đành ráng coi như vị ngọt.

 

Tuy nhiên, lũ ác nhân cứ gạn hỏi mãi, dai như đỉa đói, thế nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7). Ui da, “sốc” ghê đi! Rồi Ngài lại cúi xuống tiếp tục loáy ngoáy viết trên đất như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ai ngon thì cứ chơi? Và rồi như kịch bản được viết sẵn, họ nghe Chúa Giêsu hỏi vậy thì cứ từ từ rút lui có trật tự, người trước bước đâu người sau bước đó, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Họ “đau” lắm mà không nói lại được gì. Kể cũng “căng” dữ nghen!

 

Tại sao người lớn tuổi đi trước? Bởi vì người lớn tuổi là người sống lâu năm, mà càng sống thọ thì càng tội nhiều. Rất minh nhiên. Nói ít, hiểu nhiều. Chúa Giêsu chẳng học luật, không làm luật sư, và cũng chẳng làm thẩm phán, thế mà lý lẽ thâm thúy dù cách nói rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu. Chúa Giêsu đúng là thần tượng và vô địch. Thật tuyệt vời!

 

Ngay sau đó, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, còn người phụ nữ vẫn đứng đó. Có lẽ lúc này chị còn run rẩy và cũng vẫn sợ lắm. Nhưng Chúa Giêsu ngẩng lên và nhẹ nhàng hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”Chị khép nép và run giọng đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11b). Khi nói lời tha thứ này, có lẽ Chúa Giêsu cười rất hiền từ. Án tử dành cho ả giang hồ chợt chuyển thành trắng án, hoàn toàn được tha bổng.

 

Thế là xong. Chữ Tình đã hóa kiếp chữ Tội. Nhưng vẫn có dấu hỏi to lớn. Còn thắc mắc hoặc hỏi han gì nữa? Còn chứ! Liệu chúng ta có dám nhận mình cũng đã và đang có cách hành xử như các kinh sư ác ôn và nhóm biệt phái giả hình? Có lẽ chúng ta không dám hành động rõ ràng như họ, nhưng sự thật là chúng ta vẫn hành xử như họ một cách tinh vi hơn họ đấy!

 

Chúa Giêsu ghét tội chứ không ghét người có tội. Ai đã ngã mới biết đau, ai đã lỗi lầm mới biết cần được thông cảm. Có một hệ lụy mang tính triết lý sống mà chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ai được tha thứ nhiều thì yêu mến nhiều” (Lc 7:41-43; Mt 26:6-13; Mc 14:3-9; Ga 12:1-8. Đó là chuyện cô nàng lấy tóc lau chân Chúa tại nhà ông Simôn cùi (không phải người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay). Chúng ta cũng như phụ nữ ngoại tình, đã phạm tội, bị người ta ghét bỏ, nhưng lại được Thiên Chúa tiếp nhận và phục hồi cương vị làm con. Niềm hạnh phúc lớn lao vô cùng!

 

Lạy Thiên Chúa, mặc dù chúng con là những tội nhân bất xứng, nhưng chúng con vẫn được Ngài tha bổng biết bao lần, mở con đường sống cho chúng con. Xin cảm tạ Ngài đã không kết án chúng con, xin giúp chúng con biết thể hiện lòng thương xót với bất kỳ ai để minh chứng cụ thể. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen!

 

Trầm Thiên Thu

Niệm khúc Tin Mừng TRẮNG ÁN – https://youtu.be/MOzmf4RalQk

 

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CƠ HỘI MÙA CHAY

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Sat, Mar 6 at 12:08 AM
     
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    MÙA CHAY LÀ CƠ HỘI ĐỂ THIÊN CHÚA

    PHÁ BỎ SỰ KIÊU NGẠO CỦA CHÚNG TA

     

    Tôi là một người có ý chí vô cùng mạnh mẽ. Ý chí mạnh mẽ của tôi hầu như không còn như khi còn trẻ, nhưng đó vẫn là một cuộc chiến đang diễn ra. Đức Chúa của chúng ta, trong lòng thương xót của Ngài, đã nhiều lần phải đập tan tôi ra.

     

     

    Những người có ý chí mạnh mẽ là những người cực kỳ độc lập và chúng ta thường nghĩ rằng mình có thể bước đi một mình hoặc tự mình làm chuyện này chuyện kia. Điều này khiến chúng ta dễ mắc phải những tội lỗi sâu xa liên quan đến sự kiêu ngạo. Kiêu ngạo là tội lỗi nặng nề nhất và là một trở ngại lớn trên con đường nên thánh, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu Kitô thực sự phải trấn áp một số linh hồn, kể cả tôi.

     

    Con đường nên thánh không thể đạt được bằng sự kiêu ngạo. Chúng ta chỉ nên thánh nhờ sự khiêm nhường có được khi sẵn sàng đặt Thiên Chúa làm trọng tâm cuộc đời mình và phục tùng ý muốn của Ngài hơn là ý muốn của chúng ta. Đối với những người bướng bình, đây là một cuộc đấu tranh, vì chúng ta thường muốn làm theo cách riêng của mình hoặc muốn biết tại sao Thiên Chúa yêu cầu chúng ta làm điều gì trước khi chúng ta làm điều đó. Chúa Thánh Thần không thể hoạt động tự do bên trong chúng ta và qua chúng ta, chừng nào chúng ta đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát và đặt ý chí của chúng ta vào trung tâm mọi sự. Ở một số việc, tất cả chúng ta phải nói, như Chúa chúng ta đã nói trong Vườn Cây Dầu, “Đừng theo ý con, một theo Ý Cha” (Mt 26: 39).

     

    Tất cả chúng ta đều yếu đuối. Mỗi người đều mang trong lòng cái bóng tối đáng kinh ngạc. Lý do khiến chúng ta phán xét tội lỗi của người khác, một phần là do tin tưởng sai lầm rằng chúng ta sẽ không bao giờ phạm những tội lỗi đau đớn mà người khác đã phạm phải. Chúng ta quên rằng trong những hoàn cảnh phù hợp, tất cả chúng ta đều có khả năng phạm những tội lỗi khủng khiếp. Việc tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ bước vào bóng tối như vậy xuất phát từ sự kiêu ngạo và xuất phát từ việc tin sai lầm rằng chúng ta đang làm chù được mọi thứ.

     

    Cha Inhaxiô Bên Lòng Chúa Giêsu trong cuốn Trường học của Chúa Giêsu bị đóng đinh có nói:

     

    Hầu như luôn luôn xảy ra chuyện cảm xúc tự kiêu trong lòng báo trước một tội lỗi nặng nề. Phêrô không ý thức được yếu đuối của mình. Ông muốn mình hơn người khác; ông tin tưởng vào bản thân như thể ông không thể phạm tội được, ông huênh hoang rằng không có cám dỗ nào có thể tách ông khỏi Chúa Giêsu. Ông thậm chí không tin lời xác quyết của Thầy Chí Thánh của mình, rằng ông sẽ chối Thầy ba lần. Bị lừa gạt bởi sự tin tưởng hão huyền vào sức mạnh của mình, ông bỏ bê việc cầu nguyện, và bỏ bê việc chạy đến cầu cứu Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa, trong sự công chính của Ngài, đã để cho ông gục ngã, để trừng phạt sự kiêu ngạo của ông. Không có gì nguy hiểm hơn là tự tin vào sức mạnh của chính mình, và tin tưởng vào cảm xúc bồng bột. Chúng ta đầy ác ý và có khả năng phạm những tội ác to lớn nhất, nếu Thiên Chúa không nâng đỡ chúng ta.

     

    Đúng là chúng ta có thể không dễ mắc phải tội lỗi của người khác, nhưng chúng ta vẫn dễ mắc phải tội lỗi của mình. Dựa vào sức mạnh của bản thân và quên đi những yếu đuối của bản thân luôn dẫn đến tội kiêu ngạo, và rồi sao đó tội kiêu ngạo sẽ dẫn chúng ta tới vô số những tội lỗi khác. Sự kiêu ngạo dẫn đến sự mù quáng về thiêng liêng và khiến chúng ta không thể ngoan ngoãn trước công việc của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta.

     

    Đây là lý do tại sao Thiên Chúa thực sự là nhân từ và công bằng khi Ngài để cho chúng ta sa ngã bởi tội lỗi của chúng ta, đặc biệt là tội kiêu ngạo. Chỉ khi nhận ra mình đang cắm đầu xuống bụi đất mới giúp chúng ta hướng mặt trở lại Con đường Thập giá và con đường nên thánh mà tất cả chúng ta đều được mời gọi bước đi. Ngay cả khi chúng ta chắc chắn về con đường mà Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta bước đi, chúng ta vẫn rất dễ rơi vào tình trạng tự kiêu khi quyết định làm thế nào để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa cách tốt nhất. Cách chúng ta bước đi trên con đường cũng quan trọng như chính con đường. Đây là lý do tại sao những người có ý chí mạnh mẽ thường phải gục ngã nhiều lần. Mỗi lần sa ngã như vậy có vai trò thanh lọc cần thiết và chúng ta cần buông bỏ ý muốn của chính mình. Mỗi lần vấp ngã đều dẫn đến sự khiêm tốn hơn.

     

    Mùa Chay là cơ hội để xin Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta biết chúng ta không tuân phục ý muốn của Ngài ở những điểm nào. Đó là thời gian để đi vào bóng tối đang tồn tại trong mỗi người chúng ta và để cho Chúa Kitô chiếu ánh sáng chữa lành của Ngài vào những nơi chúng ta tránh né vì sợ hãi và xấu hổ. Các thực hành Mùa Chay như cầu nguyện, ăn chay và cho đi giải thoát chúng ta khỏi những phiền nhiễu hoặc tự lừa dối mà chúng ta thường sử dụng để trốn chạy Thiên Chúa.

     

    Bằng nhiều cách, Mùa Chay cần đập vỡ chúng ta ra. Điều này khó đấy. Mùa Chay là thời gian đương đầu với chính mình và ác thần để chúng ta có thể dâng mình trọn vẹn và bước theo Chúa Kitô. Suốt nhiều năm, tôi đã học được rằng để cho mình bị phá vỡ không phải là chuyện dễ dàng; trong thực tế, chuyện đó thật là dữ dội. Chúng ta thường né tránh quá trình này hoặc làm những điều như giả vờ khiến chúng ta tránh né những khó khăn dù  những khó khăn này cần thiết giúp chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Tuy nhiên, không có cách nào khác, nếu chúng ta thực sự mong muốn sự thánh thiện và những lời hứa về sự sống vĩnh cửu.

     

    Chúng ta phải sống chết với chính mình và điều đó có nghĩa là - qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần – chúng ta trở nên hiểu biết về bản thân mình, đặc biệt là những yếu đuối và khiếm khuyết về nhân cách của chúng ta. Trong trường hợp của tôi, ý chí mạnh mẽ chỉ là một ân huệ tuyệt vời khi nó làm theo lệnh của Thiên Chúa, nếu không, những người có ý chí mạnh mẽ có xu hướng tiêu diệt những người gần gũi nhất với họ. Tất cả chúng ta đều có lúc ngoan cố và chúng ta thấy sự tàn phá mà nó để lại đằng sau. Mặc dù quá trình tự nhận thức là dữ dội, nhưng chúng ta biết nó cần được thực hiện trong ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta có thể tin tưởng rằng nếu chúng ta tuân phục Thiên Chúa, thì niềm vui sẽ chờ đợi chúng ta ở phía bên kia đêm tối mà chúng ta tạm thời phải trải qua trong một khoảng thời gian.

     

    Một trong những cách tôi đã tìm ra để giúp làm sáng tỏ cách nhìn về bản thân và những trận chiến tâm linh đang diễn ra xung quanh tôi là cầu xin Đức Mẹ Sầu Bi hướng dẫn. Vì chúng ta dành phần lớn Mùa Chay tập trung vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, nên bây giờ là lúc để đi vào Trái Tim Sầu Bi và Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, ở đó chúng ta có thể tìm thấy nơi nương tựa và sự hiểu biết thực sự về bản thân và tất cả những gì Thiên Chúa đang đòi hỏi nơi chúng ta. Mẹ đi vào đêm tối với chúng ta. Là Mẹ Đau Khổ của chúng ta, Mẹ ở với chúng ta trong sa mạc. Mẹ là người mẹ khiêm nhường của chúng ta, sẽ giúp dẫn dắt chúng ta thoát khỏi sự kiêu ngạo để phục tùng ý muốn của Thiên Chúa và đường lối của Ngài dành cho cuộc sống của mỗi người chúng ta.

     

    Mùa Chay này là cơ hội để chúng ta loại bỏ sự ngoan cố và kiêu ngạo của chính mình, để chúng ta có thể trở thành những môn đệ trung thành của Chúa Giêsu Kitô. Đó sẽ không phải là một quá trình dễ dàng, nhưng cùng với Mẹ Sầu Bi của chúng ta dẫn dắt chúng ta đi sâu hơn vào sự kết hợp với Thiên Chúa qua đêm tối của chính mình, chúng ta sẽ tìm thấy con đường của niềm vui và bình an. Khi kết thúc Mùa Chay này, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những tội lỗi, những yếu đuối và những khiếm khuyết về tính cách đang đè nặng chúng ta.

     

    Xin Đức Mẹ Sầu Bi dẫn dắt chúng con trên con đường nên thánh hơn trong những vùng sa mạc mà chúng con sẽ gặp thấy vào những tuần tới.

     

    Constance T. Hull

    Phêrô Phạm Văn Trung, theo catholicexchange.com

     

     

     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CN2MC-B

  •  
    Hong Nguyen
     
    Sat, Feb 27 at 3:12 PM
     
     

    Suy niệm Chúa Nhật II Mùa Chay B - Biến hình trong đời thường

    Tin mừng Mc 9: 2-10

    Chúng ta vừa nghe thánh Marcô thuật lại quang cảnh hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Sự Biến Hình của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa:

    1.Đây là một điều thật quí báu cho Chúa Giêsu

    - Chúa Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem và quyết định ấy có nghĩa là phải đối diện và chấp nhận thập giá. Người cần biết cách tuyệt đối rằng mình đã quyết định đúng trước khi tiếp tục dấn bước trên con đường khổ giá. Trên đỉnh núi, Người đã nhận ra quyết định của Người. 

    - Êlia và Môsê đã đến gặp Chúa Giêsu: Môsê là nhân vật tối cao đã ban bố Lề Luật cho dân Israel. Êlia là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Khi hai nhân vật lỗi lạc đó hội kiến với Chúa Giêsu, có nghĩa là nhà ban bố lề luật vĩ đại nhất và vị ngôn sứ lỗi lạc nhất đã nói với Chúa Giêsu rằng “xin cứ tiến lên!” Nó có nghĩa là hai vị thấy nơi Chúa Giêsu hoàn thành tất cả những gì họ đã từng mong đợi. Nó cũng có nghĩa là họ thấy nơi Chúa Giêsu tất cả những gì mà lịch sử vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về đó với hy vọng tròn đầy. Dường như chính lúc đó Chúa Giêsu được bảo đảm rằng Người đang đi đúng đường, vì cả lịch sử đều dẫn đến thập giá.

    2.Đây là một điều quí báu vô cùng cho các môn đệ của Chúa Giêsu

    Các môn đệ đang bị tan nát cõi lòng khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rằng Người sắp phải lên Giêrusalem để chịu chết. Điều này dường như đã thiêu hủy tất cả những gì họ được biết về Đấng Mêsia. Các môn đệ đang bối rối, ngẩn ngơ, kinh ngạc, chẳng hiểu sự việc thế nào. Những việc xảy ra chẳng những khiến họ rối trí mà còn khiến họ đau lòng. 

    Những gì đã thấy trên núi cao cho họ một cơ hội để bám lấy Chúa Giêsu ngay cả khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe chính tiếng nói của Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là "Người Con Yêu Dấu". Nó khiến các môn đệ trở thành các chứng nhân cho vinh quang của Chúa Giêsu vì chính họ đã được thấy vinh hiển của Người.

    3.Biến Hình trên núi làm các ông hân hoan, không muốn xuống núi... 

    - Biến Hình trên núi làm các ông hân hoan, không muốn xuống núi, vì trên núi hạnh phúc hơn cuộc sống đời thường... nhưng phải xuống núi. Hiểu được điều đó nên Susanna Wesley đã có lời cầu nguyện “Lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng đạo không chỉ hạn hẹp trong nhà thờ hay trong cầu nguyện, suy ngẫm, mà là ở khắp mọi nơi trước nhan Chúa”. 

    Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại câu chuyện một người mẹ trẻ như sau: "vào một buổi sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình. Nhà bếp chan hòa ánh sáng, những đứa con của cô đang cười đùa vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út. Trong khi cô đang trét bơ trên bánh và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình. Rưng rưng nước mắt, cô đã cảm động đến nỗi không thể nói lên lời." Maslow gọi lúc đó là "giây phút tột đỉnh". 

    "Giây phút tột đỉnh" là thời khắc ngắn ngủi quí báu làm chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác. Ý tưởng về "giây phút tột đỉnh" giúp chúng ta hiểu được phần nào những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã cảm nghiệm trong bài Phúc Âm hôm nay.

    Các ngài đã cảm nghiệm được những "giây phút tột đỉnh" 

    Chỉ trong một mấy phút quí báu, các ngài đã thấy được Chúa Giêsu trong một hình thức hoàn toàn khác biệt. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy Thiên Chúa chiếu rọi qua con người bề ngoài của Chúa Giêsu. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã nhìn thấy một thế giới vượt trên thế giới này. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy từ ngoại diện của Chúa Giêsu đến những gì bên trong nội diện: Con Thiên Chúa sáng láng và vinh hiển. Đó chính là  mục đích của việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi cao. Tuy nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. 

    - Mặt tối là đêm Vườn Cây Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt mặt u ám của đêm Vườn Cây Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng láng của Người trên núi cao, thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ông đã bỏ đi hết, thì lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng Cứu Độ?  Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ngài thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho các ngài thấy Người là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm Vườn Cây Dầu sắp đến.

    Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm khổ nạn. 

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang trên núi cao để củng cố đức tin cho các môn đệ khi họ gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn hôm nay thì chắc chắn cũng được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa. Amen

     

    Lm. Giuse Đỗ Văn Thuỵ
    Kính chuyển:
    Hồng
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - NGĂN NGỪA TỘI LỖI

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Thu, Mar 4 at 12:26 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    ĐÂU LÀ LIỀU THUỐC NGĂN NGỪA TỘI LỖI?

     

    Thánh Thomas Aquinas nói rằng, “Gần như đã là tội nếu như anh thấy điều gì đó tốt đẹp mà lại giữ im lặng”. Vì khi bạn thấy điều gì đó tốt mà lại giữ im lặng, bạn đang phạm tội vì  sự thiếu sót, bạn bỏ lỡ i những gì bạn phải làm. Một nhà thần bí người Anh từng nói, “nếu bạn giữ im lặng khi cần phải khẳng định anh em mình đúng, thì khi ở đời sau bạn sẽ phải bị câm lặng bởi vì đã không dùng miệng lưỡi để khích lệ và trao đi sức sống.”...

     

     

    Tin Mừng nói về sự sửa trị trong tình huynh đệ.


    Tại sao chúng ta phải làm vậy? Để có thể khôi phục lại những gì đã đổ vỡ hay sao? Bởi lẽ, chúng ta muốn chữa lành những thương tổn và muốn cộng đoàn được hoàn thiện. Nhưng sao chúng ta lại phải đợi cho đến khi ai đó không thực hiện lời hứa? Sao phải đợi cho đến khi ai đó bị nhấn chìm trong tội lỗi? Sao chúng ta phải đợi? Không thể ngăn ngừa một sai lầm hay sao? Không thể ngăn cản người khác sa ngã sao? Không thể có một loại vắc-xin cho sự sa ngã để không cần phải tìm cách chỉnh sửa người khác nữa sao. Câu trả lời là có!, anh chị em thân mến. Bởi vì, trước khi sửa trị huynh đệ, phải có sự thấu hiểu nhau trong tình huynh đệ.

    Cần phải có một biểu hiện sự nâng đỡ anh em. Những lời khen ngợi trong tình huynh đệ. Nếu chúng ta biết thừa nhận điều tốt đẹp của anh chị em mình, biết khích lệ và nhìn vào mặt tốt của anh em nhiều hơn là lúc nào cũng  chỉ trích và khiển trách, mọi chuyện có lẽ sẽ tốt đẹp hơn. Thay vì cứ chú tâm sửa chữa anh em mình, chúng ta hãy hứa với Chúa rằng chúng ta sẽ biết thấu hiểu và nhìn nhận anh chị em mình. Bởi vì khi tiếp nhận những điều tốt đẹp về chính mình, khi được nhìn nhận  về những điều tốt đẹp chính chúng ta làm thì linh hồn chúng ta cũng được nuôi dưỡng. Điều này có nghĩa rằng: Khi chúng ta nhìn  nhận điều tốt đẹp người khác làm, chúng ta đang thật sự nuôi nấng linh hồn người đó bởi sự thấu hiểu, những lời khen ngợi; một lời nói tốt hoặc tán dương là của ăn cho linh hồn. Nó thậm chí khích lệ người ta sống tốt lành.

    Thật không may. Chúng ta quá tiết kiệm lời khen. Chúng ta quá keo kiệt để thấu hiểu người khác và chúng ta giữ nó lại cho riêng mình. Tại sao, tại sao lại phải keo kiệt một sự nhìn nhận khi ai đó làm điều tốt?  Không có lý do nào cả.  Chúng ta được dựng nên theo  hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Ngài và bởi vì lẽ đó mà thôi. Có một sức mạnh bên trong chúng ta, cho chúng ta khả năng trao hiến sự sống cho anh em mình và khả năng đó chính là biết nhìn nhận sự tốt lành nơi anh em mình. Chúngta có thể nói, “anh chị tuyệt vời quá!” Những gì chúng ta có thể nói với con mình cũng có thể là, “con giỏi quá!”. Chứ không phải lúc nào cũng giận dỗi. Không phải lúc nào cũng tìm cách chỉnh đốn người khác. Nhưng không phải lúc nào cũng là sai khi tỏ ra như vậy. Bởi vì, chúng ta làm nhiều những việc tốt và những việc tốt thì nên ghi nhận và biết cảm ơn. Và khi biết thấu hiểu nhiều hơn, chúng ta sẽ thật sự tiêm một liều thuốc giải vào những lỗi lầm và sai sót, bởi vì, khi con người được khích lệ với những điều tốt đẹp mình làm, thì  cũng sẽ ít phạm sai lầm hơn, bớt phạm lỗi hơn. Giờ đây, vấn đề cần phải được đặt ra. Rằng, tại sao chúng ta kiệm lời khen? Tại sao ta thường rất mau mắn khi khiển trách hoặc chỉ trích nhưng lại có vẻ quá miễn cưỡng khi khen ngợi anh em mình? Một số cha mẹ có thể sẽ cho rằng không nên khen con quá nhiều vì chúng có thể trở nên tự cao tự đại. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Vậy nên chúng ta cho rằng roi vọt thì tốt hơn. Chỉ trích thì hay hơn. Đe dọa lại ổn hơn. Khi con không học hành đàng hoàn thì cha mẹ sẽ bỏ con. Nhưng khi chúng làm điều tốt, chúng ta lại im lặng. Vài người trong chúng ta còn lo sợ rằng mình phải trao yêu thương quá nhiều.

    Anh chị em thân mến, xin hãy nghe tôi nói. Không hề có cái gọi là yêu quá nhiều. Nhưng chỉ có yêu sai cách. Vậy nên chúng ta mới cho rằng, thật không tốt để đánh giá cao ai đó, không tốt khi khẳng định điều tốt đẹp người khác làm, thật không tốt khi khen ngợi quá nhiều. Tại sao vậy? Sự xu nịnh giả dối thì quả thật là quá sai trái. Nhưng biết nhìn nhận mặt tốt của anh chị em, biết tạ ơn, biết trao đi những lời ngợi khen và khẳng định điều tốt người khác làm thì đâu phải là xu nịnh. Lời tâng bốc, nịnh hót thì khác xa sự thật, nhưng sự ngưỡng mộ, khẳng định, đánh giá cao và những lời khen ngợi người khác lại chính là lời loan báo  chân thật rằng người ấy đã làm quá tốt và xứng đáng được ngợi khen. Anh chị em thân mến, khi  cho đi lời khen,chúng ta không chỉ đang phục vụ những người mình yêu quý. Chúng ta không những đang phục vụ người khác mà còn đang phục vụ chính mình. Bởi vì, những ai biết nhìn vào mặt tốt của anh em, những ai rộng lượng với sự thán phục dành cho người khác thì đã tự sinh lợi cho chính mình, và cũng bởi vì, chúng ta sẽ trở nên những người trao ban sức sống khi chúng ta biết đánh giá cao anh em mình. Ta trao ban sức sống khi ta biết thừa nhận những điều tốt đẹp người khác làm, ta trao ban sức sống khi ta biết động viên nhau.

    Thánh Thomas Aquinas nói rằng, “Gần như đã là tội nếu như anh thấy điều gì đó tốt đẹp mà lại giữ im lặng”. Vì khi bạn thấy điều gì đó tốt mà lại giữ im lặng, bạn đang phạm tội vì  sự thiếu sót, bạn bỏ lỡ i những gì bạn phải làm. Một nhà thần bí người Anh từng nói, “nếu bạn giữ im lặng khi cần phải khẳng định anh em mình đúng, thì khi ở đời sau bạn sẽ phải bị câm lặng bởi vì đã không dùng miệng lưỡi để khích lệ và trao đi sức sống.”

    Tin Mừng nói về sự sửa trị nhau trong tình huynh đệ. Nhưng còn sự thán phục anh em thì sao? nếu có điều gì đó tốt, không  nói nó tốt. Có điều gì đẹp, không  khẳng định nó lành. Có gì đó ngon, lại không cho là nó ngon. Có thể, vì thế mà chúng ta keo kiệt không nói lời khen ngợi trước những điều tốt đẹp, chúng ta trở nên keo kiệt không đánh giá cao anh chị em, bởi vì chúng ta có lòng tự trọng thấp và chúng ta chưa từng nhận được sự động viên đó.

    Vì vậy, Hãy chấm dứt một khuôn mẫu cứ lặp đi lặp lại. Nếu bạn muốn khiển trách, hãy khiển trách, nhưng nếu bạn cần phải khẳng định điều gì là tốt đẹp, hãy nói ra. Nếu điều gì sai, cứ chỉnh sửa nó, nhưng nếu điều gì là tốt đẹp thì hãy động viên, khen ngợi và khuyến khích điều đó. Bởi vì, biết ngưỡng mộ và thán phục người khác trong tình huynh đệ là liều thuốc đẩy lùi tội lỗi.

    Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết nhìn nhận những điều tốt đẹp người khác làm.

    https://fathersoc.com/2020/11/27/what-is-the-antidote-to-sin/

     

    TGM. Socrates B. Villegas

    Biên dịch: Phêrô Tấn Thành

     
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH = NHỊN NHỤC VÀ THA THỨ

SỐNG NHỊN NHỤC THA THỨ LUÔN CHO MỌI NGƯỜI BÌNH AN

 
 
**
Nhịn nhục và tha thứ là hai điều trên trần gian này ít có mấy ai làm được?. Nếu dễ dàng ai cũng làm được thì thế giới luôn có được thanh bình. Người dân sẽ luôn sống trong hiền hòa, gia đình êm ấm và chính bản thân chúng ta cũng sẽ luôn là người tốt lành – Tốt bụng, dễ cảm thông, dễ tha thứ, dễ bỏ qua không chấp nhất cho người trong gia đình và cả người dưng. Nếu có thì cũng là cho nhau lời nói trong tinh thần xây dựng để không ai còn cố chấp hay hiểu lầm nhau.
 
**
Sự nhịn nhục và tha thứ cho người rất cần được học hỏi và tập luyện từ gương tốt trong gia đình mà con cái học được từ nơi cha mẹ, thưở chúng còn bé chưa hiểu gì nhiều. Nếu ai đợi đến tuổi ra ngoài đời làm việc thì sẽ khó hơn nhiều; vì phải tự học kinh nghiệm và trải đời cho từng thất bại này đến thất bại khác. Nhất là những người từng được cha mẹ bọc thật kỹ như viên kim cương quý, bởi xuất thân từ con nhà giàu. Trừ những người chịu nghe lời khuyên nhủ dạy dỗ của ai đó mà người ấy phải kính nể và hết lòng tin tưởng thì sẽ ít gặp thất bại hơn.
 
**
Chớ ai thuở nhỏ cũng được học câu “Một sự nhịn bằng chín sự lành” hay câu “Uốn lưỡi trước 10 lần hẵng nói” đều là lời hay ý đẹp dạy cho chúng ta biết sống trên đời là cần phải học Nhịn Nhục. Ai đã từng trải đời, dù ở tuổi trẻ hay già đều học được kinh nghiệm của sự Nhịn Nhục là cần thiết và là bửu bối đem lại sự thành công cho hết thảy mọi người.
–*–
Do đó nếu ai sớm học được và thực hành cho được sự Nhịn Nhục, bỏ qua và Tha Thứ thì bảo đảm cuộc đời sẽ dễ thở hơn, bình an hơn và không cần gắng sức để tranh dành với người qua cách phải làm tổn thương nhau đâu. Do vì không Nhịn Nhục lại cố chấp nên con người cứ phải thách thức nhau để dẫn đến sự ẩu đả; để cả hai đều phải nhập viện như câu “Đánh được người thì má cũng sưng” là vậy.
 
**
Ước mong trong Mùa Chay Thánh này chúng ta hãy vì bản thân và vì gia đình luôn cần được hưởng sự bình an trong tâm hồn thì khuyên mọi người cố gắng tập cho được sự Nhịn Nhục và Tha Thứ để Thiên Chúa trên cao cũng chậm giận và tha thứ tội lỗi cho chúng ta cách dễ dàng … Như Chúa dạy trong kinh Lạy Cha vậy.
–*–
Vì ta đong đấu nào cho ai thì Thiên Chúa cũng đong lại cho ta đấu ấy nhưng nếu là đấu tốt lành thì Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta gấp bội lần điều tốt lành mà chúng ta đã làm cho anh chị em dù chỉ là một chén nước lã.
 
**
Để sự tốt lành ấy nó sẽ như hoa quả tốt tươi mà chúng ta có thể để lại cho người và cho đời sau này được hưởng dùng sau khi chúng ta lìa đời. Hãy trở về làm người có lương tâm luôn muốn gieo hạt giống tốt vào lòng đất thì ngay đời này chúng ta cũng sẽ được hưởng dùng những hoa trái tốt lành ấy và nhờ đó Thiên Chúa cũng sẽ thưởng ban cho chúng ta những hoa quả không bao giờ hư nát, ở đời sau trên Nước Trời. Amen.
 
 
**
Y tá con của Chúa,
Tuyết Mai
24 tháng 2, 2021
Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay B

Video Player
 
00:00
 
18:53
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục