8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TAC ĐỘNG VIỆC DỰ THÁNH LỄ

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Tue, Jan 26 at 12:39 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

     

    TÁC ĐỘNG TỪ VIỆC THAM DỰ THÁNH LỄ DO LINH MỤC THÁNH THIỆN GIÚP CÓ LẠI ĐỨC TIN 

    Thánh Anphongsô nói những linh mục dâng thánh lễ thiếu sự tôn kính hoặc vội vã thường gây kết quả trái ngược. 
    Linh mục Mateo Crawley là một vị truyền giáo nổi tiếng trên khắp thế giới. Hồi đó không ai nổi tiếng hơn, nhã nhặn hơn, khiêm nhường hơn. Ngay cả những khi nói chuyện về những kẻ tội lỗi nhất mà ngài không được gặp, ngài vẫn tỏ sự nhân từ và lòng thương xót đối với họ.
     
    Chúng tôi được nghe chính miệng ngài kể lại một câu chuyện rất buồn như thế này: “Cha tôi là một kẻ chống đạo, dù ông là một người tốt, thật thà, thẳng thắn. Mẹ tôi là một người Công Giáo, nuôi nấng dạy dỗ con cái trong đức tin của người Kitô Hữu. Điều mong ước lớn lao nhất của mẹ tôi là mong sao cho cha tôi trở lại đạo. Bà hành động trong sự dè dặt khôn khéo, đặt niềm hy vọng trong lời cầu nguyện và sống gương mẫu hơn là thuyết phục. Bà không hề than phiền hay làm phiền tới cha tôi. Cha tôi biết được những ý tứ đó. Cuối cùng ước nguyện của mẹ tôi hầu như gần tới đích, vì cha tôi hứa sẽ đi lễ với chúng tôi. Và người đã đi thật, nhưng rủi thay hôm đó vị linh mục cử hành thánh lễ một cách hấp tấp lại thiếu sự thành kính thành thử cha tôi trở về nhà với sự thất vọng, người tuyên bố sẽ không bao giờ muốn trở trở lại đạo. 
     
    Chúng tôi cũng vậy, thật thất vọng vì ông không muốn nghe gì về đức tin Công Giáo nữa. Năm tháng qua đi, chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện. Một buổi tối có một linh mục truyền giáo gọi cho chúng tôi. Cha tôi trong thái độ bình thường tiếp khách và mời ngài ở lại. Qua câu chuyện với sự dè dặt khôn ngoan, nhà truyền giáo đã cảm hóa được cha tôi. Một lần nữa, cha tôi bằng lòng đi lễ do ngài cử hành thánh lễ. 
     
    Vị thừa sai dòng Tử Nạn này rất đơn giản nhưng sốt sắng. Và tạ ơn Chúa, người cha tốt của tôi sau một thời gian ngắn đã đi học lớp giáo lý và trờ thành người Công Giáo.
     
    FR. O’SULLIVAN
    ----------------------------------

     

     

DỜI SỐNG TÂM LINH - GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG CN3TN-B

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Sat, Jan 23 at 12:37 AM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm B

    TỪ BỎ MỌI SỰ

    “Tấm vải mộc của ẩn sĩ Baavani” là câu chuyện dân gian nổi tiếng của người Gujarati, kể về một vị ẩn sĩ đã đạt đạo (sadhu). Người này không sở hữu thứ gì ngoài một tấm vải để che thân, và sống một cuộc đời hoàn toàn phó thác cho Chúa. Lần kia, một con chuột nhấm một lỗ nhỏ trên miếng vải của anh, vì vậy anh ta tìm nuôi một con mèo để giữ tấm vải. Tuy nhiên, khi có mèo anh phải xin thêm thức ăn và sữa để nuôi mèo. Rồi anh nghĩ: “Ta sẽ nuôi một con bò để lấy sữa cho con mèo và cho cả ta nữa”. Thế là anh nuôi một con bò, nhưng có bò anh lại phải tìm thức ăn cho bò. “Tôi quá bận bịu!” Anh ta ngẫm nghĩ, và cưới một phụ nữ để lo kiếm cỏ cho con bò. Có vợ, có bò và con mèo để kiếm ăn, dần dần anh ta tậu được một khu đất và tìm người làm thuê. Chẳng bao lâu, anh trở thành người giàu nhất thị trấn. Khi được hỏi về lý do tại sao anh đã từ bỏ đời môn đệ, anh ấy giải thích: “Đây là cách duy nhất tôi có thể giữ được tấm vải của tôi!”

    * Để trở thành ngư phủ lưới người, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã từ bỏ mọi sự. Chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ chưa? (Francis Gonsalves trong Sunday Seeds for Daily Deeds; trích dẫn bởi Cha Botelho). Cha Tony sưu tầm.

    1. HÃY THEO TÔI

    Ông Billy Graham sống trong một thị trấn nọ; ông muốn gửi một lá thư cho một người bạn, nhưng ông không biết Bưu điện ở đâu. Vì vậy, khi gặp một cậu bé đang đi bộ trên phố, ông dừng lại và hỏi cậu ta có thể chỉ cho ông đến Bưu điện gần nhất không. Cậu bé nói: “Vâng, ông đi đến đèn đỏ, rẽ phải, đi hai dãy nhà nữa đến đèn đỏ thứ hai, rẽ trái, đi thêm một đoạn, quay sang bên phải và ông sẽ đến ngay.” Tiến sĩ Graham cảm ơn cậu và nói: “Cháu trai, mời cháu đến Trung tâm Hội nghị vào tối nay, ở đó  cháu có thể nghe ông giảng cho mọi người biết cách lên Thiên đàng.” Cậu bé đáp: “Chà, thưa ông, cháu không nghĩ mình sẽ đến đó. Ông thậm chí còn không biết đường đến Bưu điện thì làm sao chỉ cho người ta đến Thiên đàng được!”

    * Chúa Giêsu không chỉ biết đường lên Thiên đàng, Người còn chính là Con Đường đến Thiên đàng. Lời mời gọi đầu tiên mà Người trao cho bất kỳ ai là: “Hãy theo Thầy.” Đó là khởi điểm mà cũng là kết điểm của mỗi môn đệ khi theo Chúa Giêsu.

    1. CÁCH LOAN TRUYỀN TIN MỪNG

    Một trong những ngành công nghiệp lớn nhất ở Hoa Kỳ ngày nay là thiết kế quảng cáo. Biển quảng cáo, biển báo trên ghế dài, tạp chí, nhật báo, biểu ngữ ở hai bên xe buýt, tin nhắn trong các chương trình thi đấu, thư “rác”, cuộc gọi điện thoại trên máy tính, radio và tất nhiên, truyền hình, tất cả đều tìm cách thương mại hóa chúng ta, để bán cho chúng ta một cái gì đó. Quảng cáo đưa ra một loạt các lời hứa. Chúng ta được hứa hẹn rằng nếu chỉ cần sử dụng những gì họ bán, chúng ta sẽ thu hút mọi người; chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, quyến rũ hơn; thơm tho hơn; trông có vẻ tốt hơn; cảm thấy tốt hơn; và nhận được mọi thứ chúng ta muốn… Tôi còn không muốn cộng thêm thời gian mỗi ngày bị quảng cáo phá hỏng. Đặc biệt là trẻ em, chúng bị mê hoặc và bị ảnh hưởng bởi những  hình ảnh quảng cáo (hầu hết là ảnh hưởng xấu). Khoảng bốn mươi năm trước, từng có một chiếc ô tô hiệu Packard. Packard là hãng sản xuất ô tô duy nhất không tham gia vào quảng cáo. Và điều đó không xảy ra nữa khi ông già Packard qua đời, bởi vì bất cứ khi nào người ta tiếp cận ông để chào hàng thực hiện một số quảng cáo cho ô tô của ông, ông luôn nói: “Không cần bất cứ thứ gì đâu; chỉ cần hỏi một người đã sở hữu một cái xe của tôi thôi.”

    * Lời nói cùng với việc làm tốt là những phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu Chúa cho người khác.

    1. XE MỚI HAY LẤY VỢ?

    Có một số vấn đề quá quan trọng trong cuộc sống đến nỗi không thể trì hoãn được. Mỗi quyết định phải được thực hiện đúng thời đúng lúc. Một lần nọ, qua chuyên mục tư vấn, Ann Landers kể về một tình huống khó xử mà một thanh niên kia gặp phải: “Ann thân mến, tôi phải quyết định giữa việc mua một chiếc xe mới và việc đính hôn. Tôi thực sự yêu cô gái trẻ tuyệt vời này, nhưng đồng thời đêm nào đi ngủ tôi cũng mơ đến cái xe đẹp mà tôi cần mua. Tôi không có khả năng lo hai chuyện này cùng một lúc. Phải làm sao đây?………”.

    * Khi nghe tiếng Chúa gọi, chúng ta không chỉ thấy có hai con đường lựa chọn, mà rất nhiều hoàn cảnh khác phân tán mục tiêu của chúng ta. Hãy có thái độ dứt khoát như các môn đệ đầu tiên hôm nay.

    1. BIẾN ĐỔI HOÀN TOÀN

    Cựu nghị sĩ Massachusetts, Tip O’Neill kể câu chuyện về sự thay đổi triệt để, hoặc metanoia – câu chuyện về một người đàn ông tên là “Honest Jake”. Honest Jake trở nên nổi tiếng ở khu vực Boston vì sự giúp đỡ anh dành cho các gia đình nhập cư ba thế hệ. Anh sở hữu một cửa hàng tạp hóa lớn và cấp tín dụng cho những người nhập cư nghèo để giúp họ bắt đầu đời sống ở vùng đất mới. Khi Honest Jake gần đến sinh nhật thứ sáu mươi của mình, một nhóm người mà anh đã giúp đỡ quyết định tổ chức cho anh một bữa tiệc lớn và tặng anh một món quà bằng tiền rất hậu hĩ. Jake nhận tiền một cách biết ơn và bắt đầu sử dụng nó để trang điểm cho mình. Trước hết anh ta làm lại bộ răng của mình. Rồi sửa lại mái tóc cho đẹp hơn. Anh bắt đầu đầu tư thời gian vào một chương trình ăn kiêng và tập thể dục và đã giảm được nhiều ký lô. Anh ấy đã mua một tủ quần áo hoàn toàn mới, sắm một chiếc xe mới. Sau đó anh ta lên máy bay và vài giờ sau, con người Honest Jake hoàn toàn đổi mới đó đáp bãi biển ở Miami. Anh gặp một phụ nữ trẻ đẹp và ngỏ lời hẹn với cô ta; và cô đã nhận lời. Nhưng trước khi họ có thể hẹn hò, một cơn bão lớn ập đến, và Honest Jake đã bị sét đánh chết ngay tức khắc. Trước cổng Thiên đàng, anh nói với Chúa: “Sau ngần ấy năm làm việc chăm chỉ phục vụ Ngài, con chỉ muốn tận hưởng bản thân một chút. Tại sao vậy? Tại sao lại là con? ” Và Chúa nói với anh ta: “Ồ, có phải là anh đó không, Jake? Ta xin lỗi, ta không nhận ra con nữa.”

    * Các môn đệ đầu tiên hoàn toàn thay đổi đời sống để theo Chúa bằng cách từ bỏ của cải, gia đình, nghề nghiệp chứ không phải bằng việc đầu tư cho mình!

    1. BIẾN ÁC THÀNH THIỆN

    Một phụ nữ từng đưa cho Ruskin xem một chiếc khăn tay đắt tiền trên đó bị lem một vết mực lớn. Bà ấy rên rỉ: “Thật mắc cở làm sao! Nó không còn có thể dùng vào việc gì nữa. Nó hoàn toàn vô dụng.” Ruskin không nói gì mà hỏi mượn chiếc khăn trong một ngày. Hôm sau, ông trao nó lại cho bà mà không nói một lời nào. Bỗng nhiên người phụ nữ vô cùng thích thú khi nhận thấy rằng, người nghệ sĩ vĩ đại đã sử dụng vết bẩn làm khởi điểm để thiết kế một hoa văn rất đẹp trên góc của chiếc khăn ấy. Bây giờ nó thực sự đáng giá hơn bao giờ hết, còn đẹp hơn cả trước khi vết bẩn làm biến dạng nó.

    * Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi con người ta hoàn toàn. Các môn đệ hôm nay được biến đổi để trở nên ngư phủ lưới người do tiếng Chúa kêu gọi.

    1. GIÔNA và CÁ VOI

    (Chuyện vui)

    Có một phụ nữ nọ luôn phải đi công tác, vì vậy cô cũng thường đi máy bay nhiều. Nhưng việc đi máy bay vẫn làm cô lo lắng nên cô luôn mang theo cuốn Kinh Thánh để đọc; nó giúp cô thư giãn, bớt căng thẳng. Một lần kia cô ngồi cạnh một người đàn ông. Khi thấy cô lấy cuốn Kinh Thánh ra đọc, anh ta khẽ cười và giả bộ chú tâm vào việc mình đang làm. Sau một lúc, anh quay sang cô và hỏi: “Em mà lại tin vào những thứ đó sao?” Người phụ nữ trả lời: “Tất nhiên là có! Đó là Kinh Thánh, là Lời Chúa”. Anh ấy hỏi tiếp: “Vậy còn anh chàng bị cá voi nuốt chửng thì sao?” Cô ấy trả lời: “Ồ, Giôna. Vâng, tôi tin câu chuyện ấy; nó được kể lại trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nói rằng Giôna đã bị cá voi nuốt chửng, và tôi tin điều đó. Và nếu câu chuyện có nói rằng ông Giôna đã nuốt chửng con cá voi, tôi cũng sẽ tin!” Anh ta hỏi: “Chà, làm thế nào để cô tin rằng anh ta sống sót trong ngần ấy thời gian trong bụng cá voi?” Người phụ nữ nói: “Tôi thực sự không biết. Nhưng tôi nghĩ khi lên Thiên đường tôi sẽ hỏi Chúa”. “Nếu Chúa không ở trên Thiên đường thì sao?” Người đàn ông hỏi một cách mỉa mai. “Vậy thì anh có thể hỏi Ngài khi anh đến hỏa ngục,” người phụ nữ trả lời.

    Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI TU

 

  •  
    nguyenthi leyen
    ĐỜI SỐNG TÂM LINH
     
    Mon, Jan 11 at 10:59 PM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    SUNG SƯỚNG VÀ HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI TU

     

    Người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Một cuộc đời được cho là có ý nghĩa khi và chỉ khi nó mang lại ích lợi cho người khác. Đó là lý do tại sao một số tu sĩ khi về hưu thường cảm thấy cô đơn.

     

    Có bác người quen ghé thăm nhà Dòng đã chia sẻ với tôi: “Thầy đi tu ở đây sướng, nhà cao cửa rộng, có tiện nghi đầy đủ, không vất vả giống như một số nhà dòng khác mà con biết.” Bác ấy có lý do để đưa ra nhận xét như vậy. Nhìn nhà cửa khang trang sạch sẽ, khuôn viên đẹp đẽ, lại có nhiều cây xanh phủ bóng mát giữa lòng thành phố đầy xe cộ tấp nập, ai mà chẳng thấy thích. Tôi cười đáp lại: “Sướng vậy mà người ta vẫn không chịu đi tu đó bác.”

     

    Thật vậy, sung sướng không phải là tiêu chí để người ta gắn bó hay dấn thân trong đời tu. Đơn giản là vì nhiều khi người ta không tìm thấy hạnh phúc nơi sự sung sướng đó. Hóa ra sung sướng và hạnh phúc là hai trạng thái rất khác nhau. Người ta có thể đánh giá một cuộc sống là sung sướng từ những biểu hiện bên ngoài, thế nhưng hạnh phúc thì chỉ có đương sự mới cảm nhận được. Một cuộc sống thiếu thốn đủ thứ thì không thể được gọi là sung sướng. Tuy nhiên hạnh phúc thì khác, nó không tùy thuộc vào hoàn cảnh nhưng lại tùy thuộc vào cách người ta đón nhận hoàn cảnh. Một số người giàu có và nổi tiếng muốn tìm đến cái chết bởi vì họ không cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nhiều người nghèo chỉ lo được cơm ăn ngày ba bữa nhưng cuộc sống họ tràn ngập niềm vui hạnh phúc.

     

    Người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Một cuộc đời được cho là có ý nghĩa khi và chỉ khi nó mang lại ích lợi cho người khác. Đó là lý do tại sao một số tu sĩ khi về hưu thường cảm thấy cô đơn. Họ không buồn phiền vì tuổi già sức yếu cho bằng vì thấy cuộc đời mình không còn ý nghĩa cho ai đó nữa, không làm được việc gì giúp đời như trước nữa. Như thế, chỉ khi biết sống cho đi thì chúng ta mới thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, có được hạnh phúc. Ngược lại với thái độ cho đi chính là lối sống ích kỷ, chỉ lo vun vén cho bản thân. Tích trữ có thể giúp người ta sống sung sướng nhưng cho đi mới mang lại hạnh phúc.

     

    Có một linh mục kể lại câu chuyện ơn gọi của mình như sau. Khi biết con mình có ý định đi tu, mẹ ngài đã phản đối kịch liệt dù bà là người rất mộ đạo. Bà chỉ có một đứa con trai nên bà mong muốn con mình sống cuộc đời hạnh phúc bên vợ con như bao nhiêu người đàn ông khác. Cậu đã cố gắng thuyết phục mẹ mình rằng trong đời tu có đủ mọi điều kiện giúp người ta sống hạnh phúc. Cậu liệt kê đủ mọi viễn cảnh tốt đẹp nhất trong đời tu: nào là điều kiện học hành, nào là tình anh em trong cộng đoàn, nào là cơ hội đi đây đi đó mở mang hiểu biết… Thế nhưng dường như tất cả những thứ đó vẫn chưa đủ để khiến bà mẹ đánh giá cao đời tu. Dù tin rằng con mình có thể sống sung sướng trong nhà dòng nhưng bà vẫn chưa thấy được nơi đó có điều gì thực sự mang lại hạnh phúc. Bà cương quyết ngăn cản!

     

    Cho đến một ngày tình cờ bà xem bộ phim “The Mission” nói về hành trình truyền giáo của các cha Dòng Tên đến vùng Nam Mỹ vào cuối thế kỷ 18. Cảnh phim làm nổi bật những hy sinh vất vả mà các nhà truyền giáo phải gánh chịu. Để đem Tin Mừng đến với thổ dân, các ngài đã phải thích nghi với đời sống trong rừng thiêng nước độc vùng Amazon, thiếu thốn trăm bề. Chưa hết, các ngài còn bị hiểu lầm, chống đối, bị bắt bớ, tù đày và thậm chí là phải hy sinh cả mạng sống mình. Xem xong bộ phim, bà liền gọi con trai mình đến nói chuyện: “Nếu con đi tu kiểu như vậy thì mẹ rất ủng hộ!” Chàng thanh niên ngạc nhiên hết sức, vì trước giờ cứ tưởng rằng mẹ cản chuyện đi tu chỉ vì sợ mình sống khổ, nhưng hóa ra không phải vậy. Bà mẹ đã nhìn ra được ý nghĩa nơi bối cảnh khó khăn của những nhà truyền giáo. Bà tin chắc rằng cuộc sống như thế sẽ mang lại hạnh phúc cho con của bà.

     

    Là người sống xa nhà trong một thời gian dài cho đến nay, tôi đã nhiều lần bộc lộ nỗi nhớ nhung gia đình, bạn bè, quê hương làng nước. Thấy vậy có một chị nhắn tin chia sẻ: “Thấy thầy đi tu nhớ nhà như vậy nên sau này con không cho con trai con đi tu đâu, tội nghiệp nó lắm.” Hay như chuyện tôi nghe được từ một nữ tu, Sơ kể rằng khi đi giúp xứ trong ngày mồng 1 kết, nghe ca đoàn hát bài nhập lễ: “Ngày đầu xuân bao người đi xa, cùng về với gia đình, cùng về với ân tình…” là hai hàng nước mắt cứ chảy ròng ròng. Trong những khoảnh khắc như thế người tu sĩ có sung sướng không? Chắc chắn là không rồi. Thế nhưng tôi có thể khẳng định rằng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Người tu sĩ hạnh phúc vì tìm thấy ý nghĩa nơi sứ mạng mình đang dấn thân. Người tu sĩ buồn và gia đình họ cũng buồn vì không được sum họp trong ngày xuân. Thế nhưng mọi người đều hiểu rằng như thế là người tu sĩ đang quảng đại đáp lại lời Chúa mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Nhờ vậy nỗi buồn vì xa cách đã trở thành dấu chỉ cho thấy mối dây liên kết tình thân giữa người tu sĩ với gia đình họ thật bền chặt và thiêng liêng. Đó chính là điều làm nên hạnh phúc trong giọt nước mắt của người tu sĩ.

     

    Thật ra có không ít tu sĩ lẫn lộn giữa sung sướng và hạnh phúc. Tôi nghe có người than phiền rằng đi tu 3 năm rồi mà chỉ được cho về nhà ăn tết đúng có 2 ngày. Tiêu chí đo lường hạnh phúc của người đó chính là số ngày được về ăn tết bên gia đình. Có người khác lại cảm thấy mình bị bó buộc trong việc sử dụng của cải vật chất. Họ trách móc người quản lý hẹp hòi trong chi tiêu và gây khó khăn khi họ đến xin một thứ gì đó. Cũng có người giận bề trên vì quá khắt khe trong việc tiếp khách. Nói chuyện với người khác giới một chút cũng bị nghi ngờ, nói ra nói vào. Vì lẫn lộn giữa sung sướng và hạnh phúc như thế nên nhiều tu sĩ mới có thái độ so sánh dòng này dễ, dòng kia khó, dòng này sướng, dòng kia khổ. Những điều họ mong chờ thực ra chỉ làm cho họ sung sướng hơn thôi. Chính lời khấn khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh mới thực sự mang lại hạnh phúc trong đời tu.

     

    Người tu sĩ hạnh phúc khi sống ý nghĩa đích thực của 3 lời khấn dòng. Theo đó, lời khấn khó nghèo là điều kiện giúp họ biết cho đi nhiều hơn. Với đời sống khó nghèo, người tu sĩ không bị ràng buộc bởi điều kiện vật chất. Ngược lại, họ tự do với của cải, sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có. Tương tự, với lời khấn vâng phục, người tu sĩ đặt mình trong tay bề trên để được sai đi bất cứ mọi nơi, sẵn sàng làm bất cứ việc gì vì lợi ích cách linh hồn. Do đó, một người tu sĩ sống vâng phục sẽ không cảm thấy mình bị mất tự do. Trái lại, họ nhận ra mình có nhiều tự do hơn, tự do ngay cả với giới hạn của bản thân, để vươn tới những chân trời mới trên hành trình phục vụ mà Chúa và nhà dòng mời gọi qua lời dạy của bề trên.

     

    Cuối cùng, lời khấn khiết tịnh sẽ không giới hạn tình yêu của người tu sĩ vào một đối tượng cụ thể. Theo đó, lời khấn khiết tịnh giúp cho người tu sĩ có một con tim biết yêu thương nhiều hơn. Theo gương Chúa Giêsu, người tu sĩ được mời gọi thể hiện tình yêu vô điều kiện cho tất cả mọi người ở mọi nơi mình được sai đến. Như vậy, 3 lời khấn dòng chính là con đường dẫn đến hạnh phúc trong đời tu, bởi vì chúng khuyến khích lối sống trao ban cho người khác hơn là nhận lãnh cho chính mình.

     

    Xét ở khía cạnh quảng bá ơn gọi, người tu sĩ cố gắng cho các bạn trẻ thấy được mọi cái hay cái đẹp trong đời tu. Điều đáng tiếc là thay vì cho thấy khuôn mặt một đời tu hạnh phúc khi sống dấn thân phục vụ thì nhiều tu sĩ lại trình bày một đời tu sung sướng với đầy đủ tiện nghi vật chất, được đi du lịch đây đó. Thật ra sung sướng không hẳn là luôn trái ngược với hạnh phúc. Người ta vẫn tìm được hạnh phúc trong sung sướng, nếu không muốn nói là sung sướng giúp người ta dễ có được hạnh phúc hơn. Thế nhưng dù vậy thì sung sướng vẫn không hề bảo đảm hạnh phúc. Xin nhắc lại, con người chỉ hạnh phúc khi thấy cuộc sống mình có ý nghĩa cho người khác. Cuộc sống sung sướng có thể dễ dàng thu hút người trẻ ở bước đầu nhưng chỉ có yếu tố hạnh phúc mới giữ chân được họ ở lại lâu dài. Thật thế, không ai dại gì chôn vùi cuộc đời mình trong đời tu, dù nó có sung sướng đầy đủ cỡ nào đi nữa, khi chính họ không cảm nhận được ý nghĩa của ơn gọi đó.

     

    Chúng ta trân trọng và yêu mến ơn gọi tận hiến vì biết rằng đó là một con đường dấn thân phục vụ. Những người tu sĩ dấn thân phục vụ chắc chắn sẽ thấy hạnh phúc, bởi vì họ đã sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời. Khác với cách hành xử của người đời, khi cho đi, người tu sĩ không hề có thái độ trịch thượng kiểu ban phát. Ngược lại, người tu sĩ cho đi với thái độ khiêm tốn và biết ơn. Họ sẵn sàng cho đi tất cả bởi vì họ hiểu rằng những gì mình có được đều là do ơn Thiên Chúa ban. Lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn thôi thúc người tu sĩ biết cho đi nhiều hơn: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)

     

    Không ít người đã bày tỏ lòng thương cảm (và có thể là cả thương hại) về lối sống của người tu sĩ. Họ thấy người tu sĩ đã phải hy sinh hạnh phúc gia đình, từ bỏ của cải thế gian và cả ý riêng của mình để sống dấn thân phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, chính đời sống dấn thân như vậy đã mang lại hạnh phúc đích thực cho người tu sĩ. Đời sống chứng tá của người tu sĩ không cho phép họ có được những điều kiện sung sướng theo cách chúng ta nghĩ. Chúng ta cho đó là những hy sinh cũng đúng, nhưng nếu gọi đó là phần thưởng thì cũng không sai!

     

    Giuse Lê Đắc Thắng, SJ(dongten.net)

     
     

 

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -NIỀM TIN VÀ PHÉP LẠ

 

  •  
    nguyenthi leyen
    ĐỜI SỐNG TÂM LINH
     
    Tue, Jan 19 at 1:10 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    LÒNG TIN VÀ PHÉP LẠ

    Chào các bạn,
    Hôm nay mình chia sẻ với các bạn một phân tích về lòng tin và phép lạ, dưới cái nhìn của một chuyên gia tư duy tích cực. Nói về lòng tin thì tư tưởng mạnh nhất về lòng tin mà chúng ta có là tư tưởng của các tôn giáo dòng Moses (các dòng tôn giáo bắt đầu bằng tổ phụ Maisen, còn gọi là Thiên Chúa giáo – tôn giáo đặt trọng tâm vào Thiên Chúa — gồm (1) Do thái giáo, (2) Kitô giáo (ba nhóm tôn giáo đặt trọng tâm vào chúa Giêsu Kitô–Công giáo, Chính thống giáo, và Tin Lành) và (3) Hồi giáo).
    Xin lỗi các bạn, các cái tên này rất là rối rắm khó nhớ, và chính đa số tín đồ của các tôn giáo này cũng không rành hết mọi tên. Và phần dưới đây lại có thể thêm rối rắm cho một số bạn nếu đọc quá nhanh, vì chúng ta sẽ dùng lòng tin Thiên chúa giáo làm đối tượng phân tích, vì nói đến Thiên Chúa giáo là nói đến lòng tin. Các tư tưởng thần học/triết học hơi rối rắm, nhưng muốn hiểu được lòng tin có sức mạnh thế nào ta cần hiểu các tư tưởng triết l‎ý căn bản nhất của Thiên Chúa giáo. Vậy nếu bị rối rắm, xin các bạn đọc chầm chậm một chút.
    Trong các nhánh Thiên Chúa giáo, lòng tin vào Chúa (Thượng đế, Allah) là 100% của vấn đề. Không có gì đáng nói ngoài lòng tin vào Chúa. Trong các nhánh Phật giáo thì ngược lại–lòng tin là chuyện phụ thuộc; việc chính là chính ta trực nghiệm và quán sát đời sống, và kiến thức sẽ đến với ta từ trực nghiệm đó, cho đến lúc ta đạt được kiến thức tối hậu (Bát Nhã) và giác ngộ. Trong Phật giáo, căn bản là kiến thức, không cần thiết có lòng tin một chút nào, dù nếu bạn muốn tin vào vị Phật hay Bồ Tát nào và cầu xin được cứu giúp thì việc đó cũng chấp nhận được. Tuy vậy, trên thực tế, có lẽ hơn 90% người Phật giáo dùng lòng tin và cầu nguyện như là người Thiên Chúa giáo, và không nắm được kiến thức luận lý quá cao siêu của Phật giáo.
    Một chút vậy để các bạn hiểu một vài điểm căn bản của các tôn giáo. Trở lại việc phân tích lòng tin, lấy lòng tin Thiên chúa giáo làm đối tượng phân tích. Thánh kinh Thiên Chúa giáo dạy rằng, con người đã bị chia cách khỏi Thương đế kể từ khi Adam và Eva, vì kiêu căng, muốn ngang hàng với Thượng đế, không vâng lời Thượng đế, nên bị quyến rũ ăn trái cấm tức là trái của Cây Kiến Thức (Tree of Knowledge), do đó bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, và từ đó mọi người chúng ta đều đau khổ và đều mang Tội Tổ Tông – tội di truyền từ Adam và Eva.
    Ngoài phương diện thần học, câu truyện này là một biểu tượng triết lý rất sâu sắc về đời sống con người. Lòng kiêu căng là đầu mối của mọi tội lỗi. Lòng kiêu căng làm ta mất đi sự ngây thơ của ta (như Adam và Eva biết xấu hổ là mình trần truồng sau khi ăn trái cấm), làm ta chay theo các kiến thức không nên rớ vào (kiểu như thiên hạ giết nhau với đủ mọi chủ nghĩa, hoặc dùng kiến thức khoa học để làm bom giết nhau), và con người đau khổ triền miên (biểu tượng bằng việc bị đuổi ra khỏi Vườn Địa đàng, chia cách với nguồn hạnh phúc là Thượng đế). Và mọi chúng ta ngày nay đều bị đau khổ bởi tính kiêu căng và các yếu kém khác ta có trong ta, biểu tượng bằng Tội Tổ Tông di truyền từ Adam và Eva.
    Đó là sự chia cách của con người với Thượng đế. Muốn nối lại sự chia cách đó, tức là nối lại với nguồn tình yêu và hạnh phúc, thì con người phải có lòng tin tuyệt đối vào Thượng đế. Tin 100%, hơn 100%, 200%, 1000%… lòng tin không một chút nghi ngờ nào.
    Thiên chúa giáo (tức là Do thái giáo, 3 nhánh Kitô giáo, và Hồi giáo) gọi đó là total submission, phó thác mọi sự vào tay Chúa. Tất cả mọi sự liên hệ đến ta và của ta đều do Chúa quyết định 100%. Ta chẳng có phần nào trong đó. Khi ta có lòng tin vào Thiên Chúa, ta sẽ nối kết lại được với Thiên Chúa, và ta được “cứu rỗi”, được “cuộc sống vĩnh cửu”.
    Theo thần học Thiên Chúa giáo, ta được cứu rỗi, được nối lại với Thiên Chúa, là do lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, chứ không do các việc thiện ta làm (Ngược hẳn với Phật giáo, ta được phúc là do các việc thiện ta làm; ta giác ngộ là do ta đạt được trí tuệ Bát Nhã). Trong truyền thống Thiên chúa giáo, ta làm việc tốt, việc thiện, vì ta vâng lời Thiên Chúa. Nếu ta nói là tin Chúa thì hãy làm theo điều Chúa dạy. Việc thiện chỉ là cách ta tỏ lộ lòng tin với Thiên Chúa, không phải là căn bản của cứu rỗi. Chính “lòng tin” mới là căn bản của cứu rỗi.
    (Thần học Kitô giáo—Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo—có một chút thay đổi về “cứu rỗi”. Trong Kitô giáo, chúa Giêsu, tức là Thượng đế trong bản tính yêu thương của Thượng đế, đã xuống thế chịu chết để rửa sạch tội cho loài người. Nên tất cả MỌI NGƯỜI trên thế giới, kể cả người ngoài Kitô giáo, ĐÃ được cứu rỗi. Đó là món quà chúa Giêsu CHO mỗi người chúng ta. Ta chỉ cần NHẬN món quà đó bằng cách có lòng tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu)
    Và mọi sự trong đời ta, kể cả một cọng tóc trên đầu ta rụng xuống, đều là ý Chúa. Nếu Chúa không cho phép cọng tóc đó rụng, nó sẽ không rụng.
    Lòng tin vào Chúa 100% như thế chính là nền tảng cực kỳ vững chắc cho tư duy tích cực của bạn.
    Nếu bạn ngồi giữa biển đời mênh mông, như là ngồi trên cái phao giữa biển, và cái phao đó là Thượng đế, và bạn biết Thượng đế là tình yêu, Thượng đế yêu bạn và chăm sóc cho bạn từng sợi tóc, và Thượng đế tạo ra mọi sự cho bạn hoặc cho phép mọi sự xảy ra cho bạn, với tấm lòng của một người cha hết lòng thương con, thì bạn có gì để lo lắng? Lo sợ? Buồn rầu? Stress? Dù là mọi việc quanh bạn đang có vẻ tồi tệ đến mức nào? Dù là trên mặt biển đang có Tsunami?
    Lòng tin tuyệt đối vào Thượng đế làm cho người Thiên Chúa giáo hoàn toàn tĩnh lặng, bình tĩnh, không lo không sợ bất kì điều gì trên thế gian. Tất cả mọi sự đều nằm trong tay Thượng đế của ta, sao lại lo lắng gì?
    Và ta có thể thấy nhiều vị thánh của Thiên Chúa giáo làm các việc phi thường trong lịch sử, mà ta phải gọi là phép lạ–như lo lắng cho người bệnh tật đến nỗi dùng miệng hút mủ nơi lỡ lói của bệnh nhân như thánh Têrêsa, bỏ giàu sang sống đời nghèo khó và yêu thương của thánh Francis of Assini, thông minh và can đảm làm tướng hướng dẫn đại binh giải phóng nước Pháp như cô nông dân 16 tuổi Joan of Arc, và bao nhiêu hành động phi thường của bao nhiêu người khác trong lịch sử Thiên chúa giáo.
    Lòng tin tuyệt đối vào Thượng đế cho người ta đứng trên mặt nước, giữa đại dương dậy sóng trùng trùng, mà hoàn toàn không mảy may lo lắng, sợ hãi, stress.
    Và vũ khí duy nhất người Thiên Chúa giáo cần là “lòng tin và cầu nguyện”: “Lạy Chúa, hãy cho con vững tin nơi Ngài. Con rất xấu hổ là con lo nhiều chuyện quá. Sự lo sợ của con là bằng chứng về lòng tin yếu ớt của con. Xin Chúa cho con vững tin vào Ngài. Cho con luôn luôn đặt mắt, đặt tâm, đặt trí của con vào Ngài. Xin Chúa tăng lòng tin của con. Xin Chúa nắm tay con, cho con đứng giữa cơn bão, và bình thản đi trên mặt nước, vì Ngài luôn luôn nắm tay con.”
    Chúng ta thấy trong câu cầu nguyện trên, ta xin Chúa giúp ta có lòng tin, tức là lòng tin của ta cũng là do Chúa cho ta—mọi sự, kể cả lòng tin của ta—cũng là do Chúa cho ta. Ta chẳng có điều gì tự ta mà có.
    Một lòng tin mạnh mẽ như thế sẽ cho người tín đồ Thiên Chúa giáo một tĩnh lặng và sức mạnh của một vị Bồ tát trong Phật giáo.
    Nhưng đương nhiên là rất ít người Thiên chúa giáo nắm được tinh yếu thần học trên phương diện kiến thức, và lại càng rất ít người hơn nữa có được lòng tin tuyệt đối trên phương diện thực hành.
    Các tôn giáo khác đặt trên lòng tin, thì cách phát biểu có khác nhau, nhưng đều được chi phối bởi một nguyên lý tâm lý về lòng tin như thế.
    Cho nên, các bạn Thiên Chúa giáo, nguồn tư duy tích cực duy nhất bạn cần trong truyền thống Thiên Chúa giáo là lòng tin tuyệt đối vào Chúa/Allah. Tất cả mọi sự, kể cả một cọng tóc trên đầu bạn rơi xuống đất cũng là ‎ ý Chúa. Nếu bạn hiểu được điều đó mà phó thác mọi sự trong tay Chúa, cầu nguyện xin Chúa nắm tay bạn để bạn “nối kết” với Chúa từng giây trong ngày, thì không lý do gì bạn phải lo sợ động đất hay Tsunami. Và nếu bạn có được lòng tin như thế, thì bạn chẳng tốn thời giờ đọc ĐCN làm gì. Nhưng nếu lòng tin bạn chưa đủ mạnh, hãy xin Chúa cho bạn lòng tin vững mạnh. Lòng tin của bạn cũng là do Chúa cho bạn, không phải tự bạn mà có.
    Mình xin lỗi các bạn ngoài Thiên Chúa giáo nếu bài này rối rắm. Với các bạn Kitô hữu, mình mong các bạn đọc lại bài này để nắm rất vững, vì rất nhiều Kitô hữu không nắm được tinh yếu của liên hệ giữa Chúa và con người, và tinh yếu của cầu nguyện.
    Chúc các bạn một ngày vui.
    Mến,
    Trần Đình Hoành
    ------------------------------------
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CẦU CHO KẺ THÙ

 

  •  
    nguyenthi leyen
    ĐỜI SỐNG TÂM LINH-CẦU NGUYỆN
     
    Fri, Jan 8 at 1:39 AM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     

    Cầu nguyện cho kẻ thù có thể chữa lành linh hồn chúng ta

     

    Cầu nguyện cho kẻ thù có thể chữa lành tâm hồn chúng ta, đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ ban sáng ngày thứ ba 14-6, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta. Nhớ lại thời thơ ấu ở Argentina, khi mọi người cầu nguyện xin cho những kẻ độc tài xuống hỏa ngục, Đức Phanxicô nhắc lại chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta.

     OSSROM56381_Articolo

    Suy niệm bài Tin mừng theo thánh Matthêu, kể lại Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù, Đức Phanxicô chỉ ra rằng lời dạy này ngược với những gì các luật sỹ thời đó dạy cho dân: ‘Hãy yêu thương người lân cận và ghét kẻ thù.’ Luật Do Thái được dạy rất suông, chỉ dựa trên từ ngữ của lề luật chứ không phải trên luật của Thiên Chúa vốn  là trái tim của Luật.

    Vì lẽ đó, Chúa Giêsu lặp lại huấn lệnh quan trọng nhất của Cựu Ước. Yêu mến Thiên Chúa với hết lòng, hết sức lực, hết linh hồn, và yêu thương người lân cận như chính mình. Đây không phải là tâm điểm luật mà các luật sỹ dạy. Họ chỉ quan tâm đến chi tiết và vụ việc, nhưng Chúa Giêsu cho thấy ý nghĩa đích thật của Lề luật mà Ngài đến để kiện toàn.

    Chúa Giêsu đã cho nhiều ví dụ để bày tỏ các giới răn theo một ánh sáng mới và chứng minh rằng tình yêu thì quảng đại hơn chữ nghĩa của Lề luật. Từ ‘Chớ giết người’ được Chúa Giêsu nâng lên thành đừng xúc phạm và giận dữ với anh em mình, rồi đến đưa cả áo ngoài của mình cho người muốn lấy áo trong của anh em, hay hãy đi thêm một dặm với người muốn anh em đi với họ một dặm.

    Đây không chỉ là thành toàn Lề luật, mà còn giúp chữa lành cho tâm hồn chúng ta. Trong diễn giải của Chúa Giêsu về các giới răn, đặc biệt là trong Tin mừng theo thánh Matthêu, có một cuộc hành trình chữa lành. Mọi tâm hồn đều bị tổn thương bởi tội, nên phải đi theo hành trình chữa lành này để ngày càng nên giống ‘Cha trên trời là Đấng hoàn hảo.’

    Bước cuối cùng và bước khó nhất trên hành trình đến với sự hoàn hảo, là thực thi những lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay. ‘Anh em đã nghe luật dạy, ngươi phải yêu thương người lân cận và ghét kẻ thù. Nhưng Ta dạy cho biết, hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.’ Khi còn nhỏ, người dân ở quê hương cha thường cầu nguyện xin Chúa phạt những độc tài xuống địa ngục, nhưng chính Chúa lại kêu gọi chúng ta xem lại lương tâm mình và cầu nguyện cho kẻ thù.

    *CẦU NGUYỆN VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG:

    Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn này, ơn cầu nguyện cho những người làm tổn thương và ngược đãi chúng ta. Sức mạnh của cầu nguyện, sẽ làm cho chúng ta hai điều, là thay đổi con người nên tốt hơn và làm cho chúng ta nên giống con cái của Cha trên trời.’

    J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng

    --------------------------------