8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - HIỂU RÕ HY SINH

HIỂU RÕ HY SINH

 

BẠN VÀ TÔI nghĩ gì khi nói mình hy sinh? Tôi hy sinh nghề nghiệp vì con cái! Tôi hy sinh rất nhiều cho công việc! Tình yêu đòi hỏi rất nhiều hy sinh! Đôi khi phải hy sinh chính đời sống để giữ chính trực! Chúa Ki-tô hy sinh chính mình vì tội lỗi NHÂN LOẠI! Bí tích Thánh Thể là một hy sinh! LÀ CHO ĐI, LÀ CHIA SẺ !?

 

Từ các thành ngữ chung này, BẠN VÀ TÔI xem thêm định nghĩa của hy sinh trong tự điển Webster: Từ bỏ một cái gì có giá trị để mưu ích cho một cái khác.

 

Đây là một định nghĩa đúng, nhưng nội dung còn hàm chứa nhiều điều hơn là mới nhìn lướt qua, rõ rệt hơn khi chúng ta xem lại khái niệm về hy sinh trong Sách Thánh của Do Thái và Kitô giáo. Lấy ví dụ câu chuyện hy sinh I-xa-ác của tổ phụ Áp-ra-ham. Đâu là lời lời kêu gọi tối hậu của Chúa khi Chúa đòi hỏi ông Áp-ra-ham hy sinh I-xa-ác.

 

Đây là các yếu tố bên ngoài của câu chuyện: Đã từ lâu Áp-ra-ham không có con trai. Cuối cùng, khi mọi hy vọng của loài người không còn, bà Xa-ra thụ thai và sinh cho ông một đứa con trai, I-xa-ác, người Áp-ra-ham mô tả là “độc nhất”, “quý nhất” của ông. Nhưng Chúa xin ông dùng I-xa-ác làm vật hiến tế. Với tấm lòng nặng trĩu, Áp-ra-ham đồng ý và cùng I-xa-ác, hai cha con mang củi, lửa lên đường. Trên đường đi, ông phải trả lời các câu hỏi hiếu kỳ của con vì sao họ không mang vật hiến tế đi theo.

 

Khi đến nơi, Áp-ra-ham nhóm củi, đốt lửa, trói I-xa-ác, rồi đưa dao lên cổ để giết. Nhưng Chúa can thiệp. Cuộc hiến tế ngưng lại, Chúa cho Áp-ra-ham con cừu đực làm vật hiến tế. Câu chuyện kết thúc, ông Áp-ra-ham cùng I-xa-ác đi về trên vùng đất riêng của mình. Đâu là bài học sâu xa trong chuyện này?

 

Ở một mức độ, bài học là Chúa không muốn con người hy sinh, nhưng ở một mức sâu thẳm hơn, mật thiết hơn, bài học tự trong lòng dạy chúng ta một cái gì về một nhu cầu sâu thẳm bên trong tâm hồn chúng ta, nhu cầu được tỏ tấm lòng muốn hy sinh. Nói cách khác, bài học như sau: Để một cái gì đó được nhận như quà tặng, nó phải được nhận hai lần. Điều này ngụ ý gì?

 

Theo định nghĩa, món quà là vật được tặng, tự nguyện cho, không buộc phải xứng đáng mới được nhận. Phản ứng đầu tiên khi chúng ta nhận quà là gì? Là câu trả lời bộc phát: “Tôi không thể nhận! Tôi không xứng đáng nhận!” Phản ứng bộc phát lành mạnh này là ngụ ý trả lui lại món quà. Nhưng đương nhiên, người cho từ chối, họ trao lại món quà với lời trấn an: “Nhưng tôi muốn bạn nhận món quà này!” Khi nhận lần thứ nhì, bây giờ món quà mới thật của mình, vì, khi muốn trả lại món quà, chúng ta nhận ra đây đúng là món quà không xứng đáng mà được hưởng.

 

Đây đúng là năng động trong câu chuyện hiến tế I-xa-ác. I-xa-ác là món quà lớn nhất trong cuộc đời Áp-ra-ham, món quà ông không xứng đáng được hưởng. Ý chí muốn hy sinh của ông đi đôi với hành vi bộc phát: “Tôi không xứng đáng được! Tôi không thể nào nhận món quà này!” Ông trả lại món quà. Nhưng người cho, chính là Tình Yêu, chận đứng hành vi hy sinh và trả lại món quà. Bây giờ Ap-ra-ham mới dám nhận I-xa-ác như một món quà, không mặc cảm có tội. Khi họ cùng nhau đi về nhà, bây giờ I-xa-ác là đứa con theo một cách khác đứa con trước đây của ông. Áp-ra-ham đã nhận món quà hai lần khi hy sinh món quà lần đầu.

 

Đó là cốt tủy của hy sinh: Để nhận cho đúng một cái gì, ngay cả chính cuộc đời chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải biết nhận thức đó là món quà, một cái gì không xứng đáng mà được hưởng. Và đã nhận món quà thì phải hy sinh, vui lòng cho lại một phần hay trọn món quà cho người đã cho.

 

Đây là năng động ngụ ý trong tục lệ hiến tế ngày xưa. Ví dụ: Nhà nông gặt hái vụ mùa. Nhưng trước khi ông và gia đình ăn no, ông phải lấy một ít (hoa quả đầu mùa) dâng lên Chúa dưới hình thức hiến tế, thường thường đốt để khói bay lên trời, xem như một ít hoa quả dâng trả lại Chúa vì họ xem hoa quả này là món quà Chúa cho họ. Sau khi hy sinh theo kiểu này, người nông dân và gia đình mới thoải mái ăn no mà không có mặc cảm mang tội vì, qua hành vi trả lại người cho, họ ý thức đó là món quà. Bây giờ họ mới thưởng thức mà không mang mặc cảm tội, vì họ đã hy sinh, họ đã biết đây là món quà.

 

Đó là cốt tủy bên trong của mọi hy sinh, dù hy sinh nghề nghiệp vì con cái hay hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá. Hy sinh là nhận biết món quà là món quà. Giống như ông Áp-ra-ham, cố gắng trả lại món quà cho người cho, nhưng người cho chận lại sự hy sinh và cho ông lại một cách sâu xa hơn.

 

CÁC BẠN sẽ tận hưởng cuộc sống sâu đậm hơn nếu chúng ta hiểu được điều này.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

-----------------------------

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CN14TN-C

Chúa Nhật 14 Quanh Năm

Con cái của sự bình an

 

  “Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người đó , bằng không thì bình an sẽ trở về với anh em” (Lc 10,6).

 

  Người đáng hưởng bình an là người thế nào? Có phải họ xứng đáng không? Không. Không phải là “xứng đáng hưởng” mà là người “đáng được hưởng” sự bình an. Sự bình an đây là sự bình an của Chúa, khi ta cầu xin: “Bình an cho nhà này”. Nói tóm, họ là “Con cái của sự bình an”. Thành ngữ “Con cái của sự bình an”, ta phải hiểu thế nào?

 

  Như ta thấy, ai mà nóng nảy, bạo lực thì người ta bảo, đó là “Con cái của thiên lôi” hay “Anh em nhà Trương Phi”. Ai mà mưu mô, quỉ quyệt thì người ta nói đó là “Con cái ma quỉ”. Ai mà đi lừa các phụ nữ trẻ nhẹ dạ để lợi dụng thì người ta gọi là “Đồ Sở Khanh”. Còn “Con cái của sự bình an” thì sao? Đó là người Từ Bi, Nhân Hậu; Khiêm Nhường và Âm Thầm; Tốt Lành và Thánh Thiện. Đi đến đâu là họ đem lại sự bình an đến đó.

 

  “Đồ Sở Khanh”, đi đến đâu người ta cũng sợ; “con cái ma quỉ”, ở đâu thì người ta cũng khiếp và tránh xa. Còn “Con cái của sự bình an” thì đi đến đâu hay chỗ nào, cũng được người ta quí mến. Họ được quí mến do họ sống Khiêm Nhường và thích Âm Thầm. Người Khiêm Nhường thì thích sống trong Âm Thầm; không khoe khoang; không “Đao to búa lớn”; không nói nhiều; cũng không muốn cho người ta biết các việc mình làm. Họ có một đời sống nội tâm sâu sắc và vững mạnh.

 

  Thực tế cho thấy, người nói nhiều thường là người nói xạo. Vì sự thật đâu có nhiều đâu mà nói. Nên họ “thêm mắm, thêm muối” vô; họ thọc chỗ này; họ chọt chỗ kia; họ nói xấu người này, nói hành người kia. Nói thì nhiều chứ làm đâu có bao nhiêu. Nói thì giỏi chứ làm thì dở. Có là được tí việc gì thì cũng muốn cho người ta biết, người ta khen.

 

  Thời nay thì cái gì cũng lên Face Book. Biết và được biết cũng là điều hay nhưng lợi bất cập hại; lợi thì ít mà hại thì nhiều. Đâu phải cái gì cũng cho mọi người biết và muốn biết sự thật thì lên Face Book đâu. Thế giới ngày nay đầy những thông tin giả và đầy những rình rập của bọn người xấu, muốn lợi dụng để hãm hại người khác. Nên ta phải cẩn trọng.

 

  Là Con cái Chúa thì: Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra (x. Mt 5,37). Và ta cũng nên nhớ: “Nói thì phải nói thật, nhưng không phải sự thật nào cũng nói”. Đó là một điều khôn ngoan và cũng đem lại an bình cho ta nữa. Như ta mà nói thật với kẻ xấu, thì họ sẽ lợi dụng điều đó để hại ta đó. Ở đời mà cứ sống đơn sơ như bồ câu, sẽ bị mèo vồ; sẽ bị người ta hãm hại. Mà cứ sống khôn ranh lươn lẹo như con rắn thì nên con cái ma quỉ thôi. Ta phải sống “Đơn sơ như bồ câu và khôn ngoan như con rắn”(x. Mt 10,16). Đó mới là lý tưởng. Sống cả hai mới được bình an.

 

  Quả thật, cứ sống “đơn sơ quá”, sẽ không có sự bình an; thể nào cũng bị người này người kia hay bị chính người nhà của mình hãm hại. Mà cứ sống khôn ranh, lươn lẹo, lợi dụng, hại người cũng chẳng sung sướng gì, lúc nào cũng phải tìm mưu, tính kế; sợ người ta biết, sợ người ta phát hiện mưu mô của mình thì chẳng có được lúc nào yên. Cứ khoe khoang, khoe mẽ, sẽ bị người này người kia ganh tị, ghen ghét. Cứ âm thầm thì chẳng ai biết chẳng ai hay là an tâm, không phải lo lắng gì hết.

 

  Dù ta có làm việc lành phúc đức như bố thí, cầu nguyện hay ăn chay. Người thích âm thầm và sống khiêm nhường có bố thí đi nữa, thì “tay trái không biết việc tay phải làm”; có cầu nguyện đi nữa, cũng “vào phòng đóng cửa” mà cầu nguyện. Có ăn chay, thì cũng “rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai biết mình ăn chay”, tất cả chỉ muốn một mình Chúa biết. Thế là được yên thân, được an tâm và được lãnh phần thưởng từ Chúa.

 

  Còn người thích khoe khoang, thì có bố thí được một chút, thì khua chiêng đánh trống, chụp hình, lên Face Book. Có cầu nguyện thì thích đứng cầu nguyện trong các Hội Đường, hoặc ngoài các ngã ba, ngã tư. Có ăn chay, thì cũng làm ra vẻ âu sầu, thiểu não, tất cả cốt cho người ta biết, người ta khen. Dù sao cũng được khen nhưng khen thì ít mà chê thì nhiều; lại nữa mất phần thưởng từ Chúa, “Vì đã được phần thưởng rồi” (x. Mt 6,2;5;16). Bỏ ra bao nhiêu công sức mà chỉ được một tí tiếng khen, có bõ công không và khi bị chê có buồn sầu, có bất an không?

 

  Người sống khiêm nhường thì ai cũng quí, cũng mến; có ai thích người kiêu ngạo đâu. Ngay cả người kiêu ngạo cũng không thích kẻ kiêu ngạo bao giờ. Người sống khiêm nhường không bị ghét bỏ; không có ai cạnh tranh; không có ai ghen tị. vì họ ham thích những việc hèn mọn; thích làm những việc người khác không muốn làm, những việc không tên, không tuổi; những việc nặng nhọc, vất vả. Có “bị khen”, họ cũng không lên mặt; có “được chê”, họ cũng không buồn phiền. Có điều khi họ làm xong hay sống như thế thì được nhiều người yêu mến và kính trọng; khi đó mới bị những kẻ xấu ganh tị và ghen ghét thôi. Dù có bị ganh tị hay ghen ghét, thì họ vẫn bình an, vì họ đâu có làm vì tiếng khen đâu. Họ được yêu mến là do người ta thấy chứ không do họ muốn khoe mẽ.

 

  Những người sống khiêm nhường và âm thầm là con cái của sự bình an, họ đáng được hưởng sự bình an của Chúa. Nên khi được chúc bình an, thì sự bình an sẽ ở lại với họ. Sự bình an này là sự bình an trong tâm hồn, nên không miễn trừ cho họ phải chiến đấu với thế gian và ma quỉ. Dù có phải chiến đấu, nhưng tâm hồn họ luôn bình an và vui mừng trong Chúa. Họ vui vì được ghi tên ở trên trời, chứ không phải vì được nhiều người yêu mến; họ được bình an vì họ là con cái của sự bình an. Còn những người kia, bình an không có chỗ, niềm vui không có cửa nên sẽ trở về với Chúa thôi.

 

  *SUY TU VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Vậy ta hãy quyết tâm sống khiêm nhường và yêu thích âm thầm, ta sẽ nên con cái của sự bình an và luôn sống trong bình an. Có sống khiêm nhường và âm thầm, ta mới lòng từ bi và nhân hậu; ta mới nên tốt lành và thánh thiện.

 

Lm. Bosco Dương Trung Tín

------------------------------------

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - GIỮ THĂNG BẰNG ĐỨC TIN

GIỮ THĂNG BẰNG CHO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

 

Đời sống thiêng liêng chỉ dừng lại ở cầu nguyện và đạo đức cá nhân. Dù quan trọng như nhau, nhưng chúng chưa đủ. Và chìa khóa cho sức khỏe là sự cân bằng.

 

 

Tôi xin chia sẻ bốn câu chuyện về sự mất thăng bằng. Mỗi câu chuyện đều nói về một kitô-hữu chân thành, tận tâm, nhưng mất quân bình. Từ các câu chuyện này, hy vọng chúng ta sẽ nhận thức được đâu là phần của thăng bằng.

Câu chuyện về sự coi thường công bình xã hội

Một giám mục tôi quen, kể câu chuyện này. Ngày nọ có một bà tức giận gọi điện thoại đến cho ngài, bà nói:

“Tại sao ngài và các giám mục khác quá quan tâm đến vấn đề công bình xã hội? Tại sao các ngài không chú tâm đến các vấn đề của Giáo hội như các việc phụng vụ, cầu nguyện và đạo đức?”

Vị giám mục trả lời bằng một câu hỏi khác, “Nếu bà là giám mục, bà sẽ trả lời thế nào nếu có người gọi điện thoại cho bà và nói: ‘Vị linh mục giáo xứ chúng tôi không chịu giảng chuyện cầu nguyện riêng tư và đạo đức cá nhân. Ông nói đây chỉ là mốt nhất thời, ít người tu hành nào khởi xướng. Chúng không quan trọng cho đời sống ki-tô hữu?”

“Con sẽ cho cha ấy nghỉ việc!”, bà trả lời.

“Vậy thì,” vị giám mục trả lời, “Tôi phải làm gì với người gọi điện cho tôi và nói: ‘Vị linh mục giáo xứ chúng tôi từ chối giảng về công bình xã hội. Ông ấy nói đây là mốt nhất thời do các nhà thần học giải phóng khởi xướng và ít có kiểu mẫu về công bình xã hội. Bạn có thể là một ki-tô hữu tốt mà không bao giờ thực thi đức công bình xã hội không’?”

Câu hỏi của bà phơi bày một sự mất cân bằng nguy hiểm. Đời sống thiêng liêng chỉ dừng lại ở cầu nguyện và đạo đức cá nhân. Dù quan trọng như nhau, nhưng chúng chưa đủ. 

Câu chuyện về sự coi thường cầu nguyện và đạo đức cá nhân

Cách đây nhiều năm, trong thời gian học hậu đại học, tôi làm linh mục ở khu tập thể dành cho người nghèo ở San Francisco. Một trong những người làm việc với tôi, một người đàn ông rất tế nhị nói với tôi:

“Thưa cha, cha có thật sự nghĩ Chúa sẽ nghĩ đến nếu cha có cầu nguyện sáng tối, hoặc cha có hằn thù ác cảm hay thỉnh thoảng cha có ăn nằm với người mình không kết hôn hay không? Những điều này rất nhỏ, là chuyện riêng tư chẳng quan trọng gì.

“Dưới tầm mức to lớn của vấn đề công lý và hoà bình, đâu là sự khác biệt do những chuyện riêng tư chẳng quan trọng này gây ra? Chúa không có thì giờ cho những cầu nguyện nhỏ nhặt riêng tư, những chiến đấu đạo đức lặt vặt!”

Đối với anh, đời sống thiêng liêng có nghĩa là cuộc chiến đấu vì hòa bình và công lý, quan tâm đến người nghèo của Chúa. Chỉ có thế. Cầu nguyện và đạo đức riêng bị giảm đi vì các vấn đề lớn như thế này nên bị xem là không quan trọng.

Quan trọng là cuộc chiến đấu cho hòa bình và công lý, trở thành ngôn sứ thì có nhiều ý nghĩa hơn. 

Câu chuyện về sự coi thường niềm hân hoan và dâng mừng

Tôi có tham dự một hội thảo quốc tế ở Bỉ về Giáo Hội địa phương, quy tụ nhiều người từ nhiều nơi trên thế giới. Vào ngày áp cuối, ban tổ chức đề nghị ngừng công việc, ngừng thảo luận và nghiên cứu thần học lại. Tất cả chúng tôi cùng đến thành phố xinh đẹp Bruges để dạo chơi, ăn cocktail, ăn tối và liên hoan.

Trong nhóm của tôi có một nữ tu trẻ đến từ Thế Giới Thứ Ba. Đương nhiên xơ là người có đời sống cầu nguyện riêng tư, trọn đời tận tâm cho người nghèo. Nhưng trong thâm tâm, xơ chiến đấu với sự vui vẻ, dâng mừng, chiến đấu để không giận dữ, cay chua. Xơ thấy nửa ngày vui chơi của chúng tôi là một việc nhàm chán khô khan, một cái gì xấu phải chịu đựng, một lãng phí thời gian và một xúc phạm đến người nghèo.

Một lần nữa, tôi thấy đây là một sự mất thăng bằng. Cuộc sống của nữ tu này thiếu gì? Chắc chắn không phải cầu nguyện, đạo đức cá nhân hay quan tâm đến người nghèo.

Những gì thiếu là tình bằng hữu, hội hè và một lối sống tu trì làm nên một con người vui vẻ, biết dâng mừng và không cay chua. Bằng chứng của một người có tính ngôn sứ là họ vui vẻ, không cay chua, có đời sống cầu nguyện, đạo đức và công bình; dù, chắc chắn là cái trước dựa rất nhiều trên cái sau. 

Câu chuyện về sự coi thường tình yêu

Một hôm nọ, khi trình bày về tính ngôn sứ, một bà thách đố tôi.

“Cha nói quá ít về nỗi giận! Cha quá mềm mỏng. Ngôn sứ là nói về thách đố, nỗi giận và thẳng thắn. Không có nỗi giận, cha không thể nào là ngôn sứ!”

Bà còn nói nhiều điều hơn, nhất là về cần thiết phải có giận dữ và một ít thách đố với nền văn hóa truyền thống.

Một lần nữa, ít nhất trong sự thách đố của bà với tôi, có sự mất thăng bằng. Bà không ngừng nói về nỗi giận, thách đố, phê phán. Không một lần đề cập đến tình yêu. Thái độ của bà về nền văn hóa hiện thời là khinh thị, cay chua, giận dữ và căm ghét. Không đâu trong tâm hồn bà cho tôi thấy có tình thương, nỗi buồn, đồng cảm hay yêu thương với những người bà muốn rao giảng.

Jim Wallis gợi ý, ngôn sứ là người luôn được nhận ra bởi tình yêu chứ không phải nỗi giận. Cũng thế, khoa tâm lý học cho thấy, chúng ta chỉ thật sự thách đố người khác thay đổi nếu người đó trước tiên cảm nhận được tình yêu nơi chúng ta.

Có những điểm không nhân nhượng trong đời sống thiêng liêng của người ki-tô hữu, đó là cầu nguyện và đạo đức cá nhân, một cam kết cho công lý và hòa bình, một kỷ luật của hân hoan và dâng mừng (nhiệm vụ của người ki-tô phải là người vui vẻ), và nhiệm vụ thách đố bằng tình yêu.

Và chìa khóa cho sức khỏe là sự cân bằng.

Ronald Rolheiser

Nguyễn Kim An dịch

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
 
   Tận hưởng giây phút hiện tại, ngày mai có việc của ngày mai!  Ai cũng muốn tận hưởng giây phút hiện tại.  Nhưng như tiểu thuyết gia người Ái Nhĩ Lan John McGahern nói: “Không có điều gì khó hơn là tận hưởng giây phút hiện tại!”  Tại sao?  Bởi vì chúng ta rất ngây thơ về chuyện này.
 
   Chẳng hạn, như chàng thanh niên trẻ từng viết thư cho thi sĩ Rainer Marie Rilke than phiền anh muốn trở thành nhà thơ, nhưng cuộc sống thường ngày không tạo cho anh nhiều cảm hứng.  Anh phàn nàn cuộc sống của anh không phải là chất liệu cho thi ca, cuộc sống trong một ngôi làng nhỏ quá nhiều vất vả và áp lực.  Làm sao anh có thể làm thơ trong hoàn cảnh như vậy?  Chàng trai kết thúc bức thư nói rằng anh thèm có một cuộc sống như Rilke: thi sĩ được mến mộ, sống ở thành phố lớn, gặp được nhiều người thú vị.  Rilke dứt khoát không đồng ý với anh, ông hồi âm: “Cuộc sống hằng ngày có vẻ nhàm chán đối với bạn, hay bạn không đủ chất thơ để phát huy hết tất cả nét phong phú của cuộc sống này.  Vì đối với một thi sĩ, không đâu là không thú vị, không cảnh huống nào là không thú vị.”  Giây phút hiện tại vẫn còn đó để mình tận hưởng.
 
Robertson Davies, một văn sĩ nổi tiếng Canada kể lại câu chuyện tương tự, ông nói có lần ông nhận được bức thư của một chàng thanh niên nhờ ông viết thư giới thiệu xin tiền trợ cấp cho anh đi nghỉ mát ở Mê-xi-cô viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo, vì anh là một cây viết đầy triển vọng.  Davies trả lời ông sẽ không viết lá thư đó, không phải vì không muốn giúp anh, ngược lại ông còn chúc anh trở thành một nhà văn nổi tiếng, nhưng vì ông cảm thấy chàng trai có ảo tưởng sai lầm nghĩ rằng mình sẽ tận hưởng giây phút đó để viết tiểu thuyết.  Davies khuyên anh nên cẩn thận về tính lãng mạn đặt không đúng chỗ: “Bạn muốn viết một điều gì đó sâu đậm và đầy cảm hứng trong lúc uống rượu và đi bộ trên bãi biển chăng?”  Nhà thơ khuyến cáo, không phải như vậy mà viết được.  Hãy ở nhà và viết cuốn tiểu thuyết của bạn.  Bà Annie Dillard cũng đưa ra lời khuyên tương tự.  Bà thích viết trong một túp lều gỗ kín mít.  Đối với bà, tận hưởng giây phút hiện tại ở một nơi yên tĩnh thì dễ hơn là nơi đông đúc, nơi ai cũng thấy.
 
  Những ví dụ này cho thấy chúng ta thường bỏ quên giây phút hiện tại vì chúng ta có một ý niệm quá lãng mạn, sai lầm giống như hai chàng thanh niên xin các ông Rilke và Davies giúp đỡ.  Bằng cách nào để chúng ta có thể tận hưởng giây phút hiện tại?
    Tôi thích câu trả lời của David Steindl-Rast.  Ông đưa ra một ẩn dụ rất hay về ý nghĩa tận hưởng giây phút hiện tại: Đối với ông, chúng ta nên hưởng giây phút hiện tại bằng cách “gặp thiên thần của từng giờ”.  Những thiên thần này là ai?  Họ là tài sản phong phú duy nhất gắn liền với từng giờ.
 
Mỗi mùa, tùy theo niên lịch văn hóa hay tôn giáo đều mang đến một tinh thần, một tâm trạng, một cảm xúc nào đó mà thỉnh thoảng chúng ta níu giữ lại, nhưng đôi khi chúng ta lại để hụt mất.  Cũng vậy với các giây phút trong ngày – sáng, trưa, xế chiều, chiều, tối, khuya.  Mỗi khoảnh khắc có một ánh sáng duy nhất, một tác động duy nhất lên cảm xúc chúng ta, và nói theo kiểu ẩn dụ, mỗi khoảnh khắc có mỗi thiên thần riêng đem đến cho chúng ta các ơn huệ đặc biệt.  Chẳng hạn, ánh sáng bình minh khác với ánh sáng hoàng hôn.  Vì thế, thiên thần bình minh tác động lên chúng ta khác với thiên thần hoàng hôn.  Tận hưởng giây phút hiện tại là gặp các thiên thần và để họ ban phúc lành cho chúng ta.
 
   Tuy nhiên, chúng ta rất dễ quên điều này.  Ai trong chúng ta cũng đã từng nói: “Năm nay tôi bận rộn và căng thẳng đến nỗi quên khuấy mùa xuân đã trôi qua.”  “Năm nay tôi không chuẩn bị được lễ Giáng Sinh, bạn tôi vừa chết đầu tháng mười hai.”  “Tôi hụt mất mùa Chay năm nay.  Tôi lu bu nhiều việc đến nỗi mùa chay đến và đi hồi nào không hay.  Bạn biết những chuyện này xảy ra như thế nào rồi còn gì!”
 
    Đúng là chúng ta đều đã làm như vậy.  Nhiều thứ ngăn cản chúng ta đến với các thiên thần của mỗi giờ – bận rộn, mệt mỏi, tiêu khiển, đau buồn, giận dữ, mơ mộng, căng thẳng, hấp tấp.  Bỏ quên một mùa đặc biệt cũng dễ và bỏ quên một buổi sáng, một buổi chiều, một buổi tối, hay một ngày bình thường lại càng dễ hơn.
     Chúng ta phải làm gì để không bỏ quên những giây phút này?  Chúng ta cần cầu nguyện.  Đơn giản: Nếu chúng ta không cầu nguyện vào một buổi sáng nào đó, sự thiếu sót này làm mất lòng Thiên Chúa.  Chúng ta không được Chúa trợ giúp khi cầu nguyện.  Cầu nguyện là món quà, không phải là món nợ.  Nhưng, nếu chúng ta quên cầu nguyện vào một buổi sáng nào đó thì kinh nghiệm trở đi trở lại cho thấy, một cách rõ ràng, mối nguy hiểm thật sự là chúng ta cũng sẽ bỏ quên luôn cả buổi sáng hôm đó.  Buổi sáng sẽ đến và đi và chúng ta sẽ không gặp lại các thiên thần của buổi sáng – ánh sáng, tâm trạng, tinh thần, và sự tươi mới độc đáo của nó nữa.  Buổi trưa sẽ túm lấy chúng ta thậm chí trước khi chúng ta kịp nhận ra vừa có một buổi sáng.  Mặt trời buổi trưa và chiều sẽ mang đến những thiên thần mới, nhưng khi chúng ta bỏ quên các thiên thần buổi sáng, chúng ta cũng có thói quen bỏ quên luôn các thiên thần buổi trưa.  Một ngày sẽ đến và sẽ đi và chúng ta sẽ không giữ lại được… và nó cũng chẳng thay đổi gì quan trọng, theo cách nói của ơn huệ và hân hoan trong cuộc sống dù cho chúng ta có đang dạo bước trên bờ biển Mê-xi-cô hay ngồi trong túp lều gỗ.
 
Rev. Ron Rolheiser, OMI
 
 

Song giay phut hien tai.jpeg

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CHỈ CÓ 2 ĐIỀU

CHỈ CÓ 2 ĐIỀU THÔI

+ Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
+ Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
+ Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
+ Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
+ Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
+ Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu    trách nhiệm với việc mình làm.
+ Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
+ Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
+ Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.

+ Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
+ Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
+ Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
+ Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
+ Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
+ Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
+ Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
+ Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
+ Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
 + Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.
+ Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên và làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

 Sưu Tầm