9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

YÊU NHƯ THẦY YÊU

 

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Ra đi là chết trong lòng một ít” (Partir c’est mourir un peu).  Sự ra đi nào cũng để lại những vấn vương và lưu luyến cho người ở lại, nhiều khi còn mang vẻ bi thương và tang tóc nữa.  Cuộc ra đi thụ nạn của Chúa Giêsu cũng thế.  Chính vì vậy, trong giờ phút ly biệt đầy xốn xang và ngậm ngùi, Chúa Giêsu đã để lại những lời tâm huyết cuối cùng cho các học trò.  Những lời dặn dò thân tình ấy được Giáo hội đọc lại cho chúng ta trong phụng vụ hôm nay, giống như một di chúc thiêng liêng.  Các nhà chú giải vẫn gọi đó là “diễn từ biệt ly.”  Trong những lời trăng trối sau cùng ấy, Chúa nói với các môn đệ: “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau.  Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

 

Điều răn mới.

 

Ai cũng biết, yêu thương là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người.  Ngày xưa triết gia Aristotle đã nói cho các học trò của ông: “Tính ích kỷ và đầu óc hẹp hòi biến con người trở nên như thú vật, nhưng khi con người đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, họ sẽ trở nên như thần thánh.”  Nói chung, tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, và chẳng tôn giáo nào lại dạy con người làm những chuyện thất đức.  Tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ” của triết lý Đông phương cũng tương tự như thế.  Thế thì, giáo huấn của Chúa Giêsu có gì là mới lạ?  Và tại sao Chúa lại gọi đây là điều răn mới?  Chúng ta phải đi sâu vào tư tưởng thần học của Thánh Gioan mới có thể khám phá ra tính cách mới mẻ và độc đáo của giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu gửi trao như một di chúc thánh thiêng.

 

Ngay từ thời cựu ước, Đức Chúa Giavê cũng đã ban truyền thập giới trên núi Sinai qua Moisê, và 10 giới răn đó cũng được tóm kết qua 2 điều luật căn bản, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.  Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó khi trả lời cho vị luật sĩ (Lc 10,27) hay cho vị kinh sư (Mc 12,28) hoặc cho chàng thanh niên giàu có (Mt 19,18-20).

 

Tuy nhiên các luật sĩ và biệt phái thời xưa chỉ giữ luật một cách máy móc và vụ hình thức.  Chúa tuyên bố rằng Ngài đến không để bãi bỏ lề luật, nhưng mặc cho nó một chiều kích mới, đó là chiều kích nội tâm.  Giới răn mới mà Chúa nói hôm nay cũng chính là việc thực hành tình yêu, nhưng đi vào cốt lõi căn bản, nhắm đến chiều sâu nội tâm hóa của giới luật yêu thương.  Để huấn luyện các học trò hiểu thấu giới răn ấy, Chúa Giêsu lấy chính Ngài làm chuẩn mẫu: “Anh em hãy yêu thương nhau ‘như’ Thầy đã yêu thương anh em.”  Tính cách mới mẻ mà Chúa khởi dẫn chính ở điểm căn bản này.

 

Kinh nghiệm của Thánh Gioan.

 

Khi nói về mình, Gioan giới thiệu rất đơn giản bằng thuật ngữ “người môn đệ được Chúa yêu mến.” Gioan là người học trò duy nhất được tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly để lắng nghe từng nhịp đập nơi con tim thổn thức của vị Thầy khả ái.  Ngài cũng đứng dưới chân Thập giá cùng với Đức Maria để mục kích trái tim Chúa bị đâm thâu và mở toang ra, tuôn đổ những giọt nước và máu của tình yêu cho đến vô tận.  Tất cả những chi tiết này đều là những hình ảnh mà Thánh Gioan ghi lại để biểu thị bài học về tình yêu nơi Chúa Giêsu mà Gioan đã cảm thấu một cách tường tận.  Trong Tin mừng thứ tư, thánh ký quảng diễn rất nhiều về tình yêu mà Chúa Giêsu đã diễn bày, nhất là qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, biết các con chiên trong đàn, đi tìm kiếm con chiên lạc, và hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.  Thánh Gioan cũng dành ra suốt từ chương 13 đến hết chương 17 để viết lại diễn từ biệt ly, và điểm nhấn quan trọng nhất trong diễn từ chính là nói về tình yêu.  Trong diễn từ này, Chúa Giêsu lập đi lập lại điệp khúc tình yêu qua chính mẫu gương của Ngài.  “Không có tình yêu nào cao quý bằng mối tình của người hiến ban mạng sống cho bạn hữu.”  “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương.”  “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau…”  Vì thế trong 3 lá thư Thánh Gioan để lại, đặc biệt trong thư thứ nhất, Ngài đã định nghĩa Thiên Chúa bằng một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,16).  Những chân lý về tình yêu, về giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, cũng được lặp lại rất nhiều lần trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan.

 

Yêu như Thầy đã yêu.

 

Nhiều người ngoại giáo thường hỏi chúng ta, đạo nào cũng hay, cũng đẹp, thế đạo Công giáo có cái gì đặc sắc mà các anh muốn quảng bá?  Thánh Gioan hôm nay đã trả lời thay cho chúng ta.

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương giống như Ngài đã yêu thương.  Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia, không phải là một nhà mô phạm lý thuyết, nói một đàng làm một nẻo.  Cái chết của Chúa Giêsu lột tả trọn vẹn tình yêu mà Ngài muốn diễn bày.  Ngài đã đi đến tận cùng của giai điệu yêu thương khi bị treo thân trên Thập giá như một tên tội phạm và quảng diễn rất cụ thể điều Ngài đã nói với các môn sinh: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu.”  Trong bữa tiệc ly, Chúa còn cúi xuống rửa chân cho các học trò như một người tôi tớ.  Bằng nhiều cách, Chúa đã cố gắng cắt nghĩa giới răn mới mà người muốn truyền thụ lại bằng chính cuộc sống gương mẫu của Ngài.

 

Kết luận

 

Thánh Phanxicô Salê, vị Tiến sĩ đức ái, đã viết trong khảo luận về Đức Ái của Ngài: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tình yêu là sự hoàn thiện của con người.  Đức ái chính là sự hoàn thiện của tình yêu.”  Sống sung mãn ơn gọi tình yêu, chính là con đường dẫn đến hoàn thiện và đó cũng là lộ trình nên thánh mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước.  Nhưng chúng ta thực hành giới răn mới đó như thế nào?  Một nhà xã hội học đã chua chát nhận xét: “Ngày nay, con người đã rất tiến bộ và thành công vượt bậc.  Người ta đã lên được tới mặt trăng, đã nghiên cứu đến tận sao hỏa, đã chế tạo các phi cơ với vận tốc khủng khiếp...  Nhưng có một điều rất đơn giản là học cách sống tử tế với vợ mình, mà nhiều người học mãi cũng chẳng xong.”

 

Nói về tình yêu trên lý thuyết rất dễ, nhưng sống và thực hành theo gương Chúa Giêsu không phải là một chuyện giản đơn.  “Hãy yêu như Thầy đã yêu” là bài học mà chúng ta phải nghiền gẫm và phải phấn đấu để thực hành cho đến suốt đời.

 

Lm. GB. Trần Văn Hào

 

 

Yeu Nhu Thay Yeu.jpg

 

--
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "SuyNiemHangNgay" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Visit this group at https://groups.google.com/group/suyniemhangngay.
To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/suyniemhangngay/CAFUfFd_jQ_mBT1F4ejVYbgYtH2xChCKHPLzZviMQni-ON_GeQw%40mail.gmail.com.
For more options, visit https://groups.google.com/d/optout.

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ THỨ NĂM TUẦN THÁNH

CHIA SẺ TIN MỪNG HÀNG TUẦN

Thứ Năm Tuần Thánh

(18-04-2019)

Đức Giêsu đã làm gương
để chúng ta yêu thương nhau

ĐỌC LỜI CHÚA

  • Xh 12,1-8.11-14:(14) Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.

 

  • 1Cr 11,23-26:(24) «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy». (25) «Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy»
  • TIN MỪNG: Ga 13,1-15

Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ


(1) Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (2) Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. (3) Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (6) Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: «Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?» (7) Đức Giêsu trả lời: «Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu». (8) Ông Phêrô lại thưa: «Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!» Đức Giêsu đáp: «Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy». (9) Ông Simôn Phêrô liền thưa: «Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa». (10) Đức Giêsu bảo ông: «Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!» (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: «Không phải tất cả anh em đều sạch». (12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: «Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

 

CHIA SẺ

 

 

Câu hỏi gợi ý:

  1. Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Mà «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8). Vậy chúng ta có phải là hình ảnh của tình yêu chăng? Tại sao chúng ta lại không yêu nhau, mà trái lại còn hận thù ghen ghét nhau? 2. Đức Giêsu đến trần gian để làm gì? Bản chất của cứu chuộc là gì? 3.  Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, để làm gương cho các ông rửa chân lại cho Ngài, hay để các ông rửa chân cho nhau? 4.  Giới răn mới của Đức Giêsu là chúng ta hãy yêu nhau như Ngài đã yêu chúng ta, hay chúng ta hãy yêu Thiên Chúa như Ngài đã yêu Thiên Chúa?

 

Suy tư gợi ý:


  1. Đức Giêsu đến khôi phục bản chất yêu thương của con người

    «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16). Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa như vậy. Điều đó có nghĩa là bản chất hay yếu tính của Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa có nhiều thuộc tính khác nhau: toàn tri, toàn năng, vô biên, hiện diện khắp nơi, tạo tác, yêu thương, công bình, thánh thiện, tốt lành, khôn ngoan, vinh hiển, v.v… Trong các thuộc tính đó, chỉ có yêu thương mới là bản chất hay yếu tính của Thiên Chúa mà thôi.

    Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa, là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa nơi con người. Vì thế, Ngài cũng là Tình Yêu. Bản chất –là tình yêu– của Ngài khiến Ngài yêu thương đến tận cùng, đến giọt máu hay hơi thở cuối cùng: «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1).

    Thế còn chúng ta, chúng ta cũng được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài, và giống như Ngài (St 1,26.27; 5:1; 9.6). Nghĩa là tình yêu chính là bản chất nguyên thủy của chúng ta. Nhưng tiếc thay, tội nguyên tổ đã làm cho hình ảnh của Ngài nơi chúng ta bị méo mó, sai lệch, khiến chúng ta không còn giống như Ngài nữa. Tội lỗi đã làm cho chúng ta mất đi bản chất yêu thương của mình, để trở thành một cái gì ngược lại, là ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, là hận thù, ghen ghét. Và sứ mạng của Đức Giêsu là đến trần gian để tìm cách khôi phục lại bản chất nguyên thủy của chúng ta, hay hình ảnh trung thực của Thiên Chúa nơi chúng ta. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cộng tác của chính chúng ta, đặc biệt trong việc sống giới răn yêu thương của Ngài.



    2.  Đức Giêsu, gương mẫu yêu thương cho chúng ta

    Trong chương trình cứu chuộc con người –mà chủ yếu là khôi phục lại bản chất yêu thương của họ– toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu đã làm rõ nét và nổi bật lên bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu là gương mẫu yêu thương của con người. Con người muốn khôi phục lại bản chất nguyên thủy là yêu thương của mình, thì chỉ cần bắt chước Ngài, nghĩa là yêu thương giống như Ngài: «Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; 15,12). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc nhở mọi người hãy bắt chước gương yêu thương và phục vụ của Ngài: «Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em» (Ga 13,15); «Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau» (Ga 13,14).



    3.  Ngài làm gương để chúng ta áp dụng cho nhau, chứ không phải để áp dụng lại cho Ngài

    Một chi tiết rất quan trọng mà ít người lưu ý là Đức Giêsu làm mẫu gương yêu thương không phải để chúng ta bắt chước mà làm lại như vậy cho Ngài, nhưng để chúng ta bắt chước mà làm lại như vậy cho nhau. Ngài rửa chân cho các môn đệ không phải để họ bắt chước mà rửa chân lại cho Ngài, nhưng là để họ rửa chân cho nhau. Ngài yêu thương chúng ta, dù là đến tận cùng, thì điều Ngài mong muốn không phải là chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài cho bằng chúng ta yêu thương nhau. Nói theo ngôn ngữ của email, Ngài không muốn chúng ta «reply» (=hồi âm) tình yêu ấy lại cho Ngài, mà muốn chúng ta «forward» (=chuyển đi) tình yêu ấy đến với nhiều người khác, từ chính địa chỉ của chúng ta.

    Vì không lưu ý chi tiết quan trọng ấy, nên có những lối tu đức trong Giáo Hội quá quan tâm tới việc đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa đến nỗi coi nhẹ hơn việc yêu thương nhau. Thiết tưởng lối tu đức ấy, mặc dù rất đúng và rất tốt, nhưng rõ ràng không đúng với ý Đức Giêsu được biểu lộ qua những lời của Ngài trong Tin Mừng. Rất tiếc là lối tu đức ấy hiện nay vẫn là thứ tu đức chủ yếu trong Giáo Hội, nó đã ăn sâu vào não trạng Kitô hữu hàng mấy chục thế kỷ qua. Người ta coi việc yêu Chúa là quan trọng hơn là yêu tha nhân. Nhưng thiết tưởng ý của Thiên Chúa không phải là như thế, cho dù như thế cũng vẫn là điều tốt.

    Thiên Chúa không cần chúng ta yêu thương, Ngài đã quá hạnh phúc và quá đầy đủ rồi. Chỉ có tha nhân bên cạnh chúng ta –đang quằn quại với những thiếu thốn và đau khổ– mới cần chúng ta yêu thương mà thôi. Đạo là phải «đem chỗ dư bù chỗ thiếu» (Lão Tử), sao chúng ta lại lấy chỗ thiếu bù chỗ dư? Điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi con người là con người được hạnh phúc, vì như quan niệm của thánh Irênê thì «vinh quang của Thiên Chúa chính là hạnh phúc của con người»(x. Irênê, «Chống lạc giáo», 4,20.7). Mà con người chỉ có thể hạnh phúc khi họ biết yêu thương nhau, biết hy sinh cho nhau. Và Đức Giêsu đến để dạy cho con người yêu thương nhau. Nay con người lại không mấy quan tâm tới chuyện yêu thương nhau, tới việc hy sinh cho nhau, mà chỉ tập trung quan tâm vào chuyện yêu Thiên Chúa, chuyện hy sinh cho Thiên Chúa, thì không biết điều đó có hợp với ý Ngài chăng? (Xin xem thêm phần phụ chú [1] bên dưới).

    Vì thế, chúng ta cần cẩn thận xét lại từng chữ, để nắm được chủ ý của Đức Giêsu, trong giới răn duy nhất mà Ngài muốn truyền cho chúng ta: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; x. 15,12.17; 1Ga 3,23). Trong giới răn này, tôi không hề thấy Ngài bảo chúng ta phải yêu Ngài hay yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan lập luận: «Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì… chúng ta cũng phải yêu thương nhau» (1Ga 4,11), chứ thánh nhân không nói: «thì… chúng ta phải yêu lại Ngài», mặc dù nói như thế cũng vẫn đúng.

    Để trấn an những người chủ trương phải yêu Thiên Chúa hay yêu Ngài trước, Đức Giêsu nói rất rõ ràng: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15; x. 14,21.23), mà «điều răn của Thầy là: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12). Tóm lại là «nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em hãy yêu thương nhau». Ngài còn đồng hóa tha nhân của ta với chính Ngài, đến nỗi yêu tha nhân là yêu Ngài, không yêu tha nhân là không yêu Ngài, và những gì ta làm hay không làm cho tha nhân cũng là làm hay không làm cho Ngài (x. Mt 25,40.45). Thánh Gioan còn cho rằng tha nhân thấy được mà ta không yêu, thì tình yêu đối với Thiên Chúa của ta chỉ là ảo tưởng hay giả dối (1Ga 4,20).

    Vì thế, thánh Phaolô tóm toàn bộ luật của Đức Giêsu chỉ vào một điều duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật của Đức Kitô» (Rm 13,8; Gl 6,2; x. 18,10); Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Hai vị thánh này không hề đưa việc yêu mến Thiên Chúa vào trong luật mới của Đức Kitô, vì khi yêu người vì họ chứ không phải vì mình thì đã bao hàm việc yêu Thiên Chúa trong đó rồi.



    4.  Vì yêu thương, Ngài đã trở nên «của ăn» cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta cũng hãy trở nên «của ăn» cho nhau

    Đức Giêsu yêu chúng ta đến nỗi không chỉ đau khổ và chết cho chúng ta, mà còn muốn trở nên «của ăn» để nuôi dưỡng và ở lại với chúng ta. Vì thế, Ngài đã lập bí tích Thánh Thể. Vậy Ngài muốn chúng ta làm gì để đáp lại tình yêu vô bờ bến ấy? Chắc chắn Ngài cũng muốn chúng ta yêu lại Ngài như Ngài đã yêu chúng ta, nhưng Ngài muốn điều đó một, thì Ngài muốn điều sau đây gấp mười, thậm chí gấp trăm lần. Đó là chúng ta cũng hãy trở nên «của ăn» cho nhau, và ở lại bên nhau để cùng chia sẻ với nhau niềm vui cũng như nỗi buồn, nhất là những khi có những ai gặp đau khổ (Xin xem thêm phần phụ chú [2] bên dưới).

    Trở nên «của ăn» cho nhau, là chấp nhận hy sinh cho nhau, đau khổ cho nhau, sẵn sàng chịu thiệt thòi mất mát vì nhau, vì ích lợi của nhau. Không có phương tiện nào tốt hơn, hữu hiệu hơn để biểu lộ tình yêu đối với nhau một cách rõ rệt và chắc chắn cho bằng chấp nhận đau khổ hoặc chết thay cho nhau, hy sinh chịu thiệt thòi vì nhau. Đó là một giá trị tích cực của đau khổ và sự chết mà Đức Giêsu đã tận dụng để biểu lộ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Ngài cũng muốn chúng ta dùng cách ấy để biểu lộ tình yêu đối với nhau. Cách ấy chính là trở nên «của ăn» cho nhau.


    CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, Đức Giêsu đã quên mình đi, và quên cả Cha đi khi chọn đối tượng yêu thương cho chúng con trong giới răn của Ngài. Ngài muốn chúng con phải yêu thương nhau, phải dành tình yêu cho nhau hơn là yêu thương Cha và yêu thương Ngài. Và nếu có ai yêu thương Cha hoặc yêu thương Ngài, thì Ngài muốn người ấy phải thể hiện tình yêu ấy bằng cách yêu thương những người thân yêu của mình, những người đang sống chung quanh mình. Ý của Ngài rõ ràng là như vậy. Xin cho con hiểu rõ và tuân theo ý Ngài.

 

Nguyễn Chính Kết

 

Phụ chú:

 

[1] Khi ta tỏ ra yêu quý một người giàu có, quyền thế vì người ấy có thể giúp ta điều này điều kia, hoặc ban cho ta những ân huệ nào đó, nhưng ta không hề cảm thương những người đang đau khổ rất cần tới sự cứu giúp của ta, thì hãy coi chừng tình cảm mà ta dành cho người giàu có kia chỉ là thứ tình cảm ích kỷ được ngụy trang là tình yêu. 

 

Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa chỉ vì Ngài là người quyền thế, có thể cho chúng ta lên thiên đàng hay đày chúng ta xuống địa ngục, hay vì Ngài có thể ban cho ta ơn này ơn nọ, trong khi tha nhân là hình ảnh của Ngài, chúng ta không yêu thương được vì ta chẳng hy vọng họ đem lại ích lợi gì cho ta... thì tình yêu của ta đối với Thiên Chúa chỉ là thứ tình cảm vụ lợi chứ không phải là tình yêu. Thiên Chúa chắc chắn không đánh giá cao thứ tình yêu vụ lợi ấy đâu, cho dù ta có tìm cách làm đẹp lòng Ngài tới đâu. 

 

Thứ tình yêu ấy giống như tình yêu của một chàng trai nọ yêu cô gái kia chỉ vì cô ấy giàu có, lấy được cô ấy thì đời sẽ lên hương… Những gì anh ta cố gắng để làm đẹp lòng cô ấy chẳng phải là vì yêu cô ấy cho bằng vì yêu cái gia tài của cô ấy, mà xét cho cùng là vì anh ta yêu chính bản thân anh ta thôi. Đó chính là thứ «tình yêu vị kỷ», «tình yêu giả hiệu».

 

[2] Câu «Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta» trong lời truyền Máu Thánh trong các Thánh lễ: «Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống, vì này là Máu Ta đổ ra cho nhiều người được tha tội: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta», ngoài cách hiểu thông thường, có thể được hiểu theo một nghĩa khác. Đó là: chúng ta cũng hãy trở nên «bánh và rượu» cho mọi người «ăn và uống», và chúng ta cũng hãy sẵn sàng đổ máu ra vì tình yêu đối với tha nhân. Rất có thể đây là điều Đức Giêsu muốn chúng ta làm, nó mang tính chất tâm linh nhiều hơn những nghi thức bên ngoài.

Posted by Nguyen Chinh Ket at 8:03 AM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

-----------------------------------------

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - RỬA CHÂN CHO NHAU

Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ

18/04 – Thứ Năm tuần thánh. Thánh lễ Tiệc Ly.

"Ngài yêu thương họ đến cùng".

 

Lời Chúa: Ga 13, 1-15

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.

Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

 

 

SUY NIỆM /SỐNG VÀ CHIA SẺ: Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ

Mẹ Têrêsa thành Calcutta có lần kể lại câu chuyện nầy:

Một hôm có một thiếu nữ tìm đến xin gia nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ. Theo luật dòng, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống trong dòng, cũng đều được mời sang nhà hấp hối – tức là nhà tiếp đón những người sắp chết. Vì thế, cô thiếu nữ nầy được mời sang nhà hấp hối. Mẹ Têrêsa nói với cô ấy:

“Con đã nhìn thấy linh mục dâng Thánh lễ chứ? Con đã thấy ngài sờ đến Thánh Thể với biết bao chăm chú và yêu thương. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà hấp hối, bởi vì con sẽ tìm thấy Chúa Giêsu trong thân thể những người anh em khốn khổ đó”.

Cô thiếu nữ ra đi… Một thời gian sau, cô trở lại với một nụ cười rạng rỡ có lẽ chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ thốt lên với Mẹ Têrêsa: “Thưa Mẹ, con đã sờ được thân thể Chúa trong suốt ba tiếng đồng hồ”.

Mẹ Têrêsa mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào? Cô ta đáp? “Thưa Mẹ, con vừa đến nhà hấp hối thì thấy người ta mang đến một người vừa ngã xuống một hố sâu, mình mẩy đầy những vết thương và bùn đất hôi thối… Con đã đến và con đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến thân thể của Đức Kitô”.

Thưa anh chị em, Thánh lễ là trung tâm của cuộc sống và cuộc sống hằng ngày là một Thánh lễ nối dài. Đức Kitô không chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh lễ mà còn muốn chúng ta gặp gỡ Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người nghèo hèn nhất, phải là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.

Ngay trong bữa tối Thứ Năm Thánh nầy, trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Việc nầy làm nổi bật một ý nghĩa lớn của Bí tích Thánh Thể, đó là Thánh Thể là bí tích phục vụ. Thánh Thể là phương thế Chúa Giêsu chọn để thể hiện ý muốn phục vụ của Ngài. Để phục vụ, Ngài phải trả một giá rất đắt. Để phục vụ, Ngài đã tự hiến làm lễ vật giao hoà, làm Chiên Vượt Qua chịu sát tế vì sự sống của thế giới. Để phục vụ, Ngài chấp nhận trở nên lương thực cho loài người sử dụng. Thiên Chúa đã trở nên phương thế phục vụ sự sống của con người. Vì “Ngài yêu thương chúng ta đến tận cùng”.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ như Ngài. Bởi vì, một khi đã đồng hoá mình với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta phải sống như Ngài. Nếu không sẵn lòng phục vụ thì đó là dấu chứng chúng ta không thực lòng tham dự Thánh Thể. Không phục vụ là chưa gặp được Chúa Giêsu thật, chưa đón nhận Ngài, chưa thật sự nên một với Ngài. Trái lại, phục vụ là dấu sự sống của Chúa Giêsu Thánh Thể đã thực sự biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta nên một con người mới.

Để làm gương mẫu phục vụ cụ thể, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và mời gọi chúng ta hãy rửa chân cho nhau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà con rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.

Trong xã hội Do Thái, chỉ có đầy tớ, nô lệ rửa chân cho chủ. Ở đây, Thầy lại rửa chân cho trò. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa đi rửa chân cho con người, mà lại là con người tội lỗi. Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho Phêrô, kẻ chối Thầy; rửa chân cho tất cả những người còn lại là “những kẻ sẽ bỏ Thầy mà trốn chạy hết”.

Ngài làm như vậy để được gì? Không được gì cả! Chỉ để minh chứng một Thiên Chúa là như thế đó: một Thiên Chúa “đến để phục vụ con người và hiến mạng sống để cứu chuộc con người”. Một Thiên Chúa thay vì tiêu diệt bọn tội lỗi, lại quỳ xuống trước mặt họ, hôn chân họ. Một Thiên Chúa thay vì trả thù, lại đã đổ máu để minh chứng sự tha thứ yêu thương. Một Thiên Chúa thật lạ lùng! Một đạo lý ngược đời, một con đường khó bước theo. Thế nhưng, Ngài đã làm và kêu gọi chúng ta cũng làm y như vậy: “Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ. Ai muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ mọi người”.

Ở đời, người ta dễ dàng quỳ xuống trước người quyền quý, sang trọng, vì người ta còn hy vọng ở một sự ban bố lợi lộc. Người ta dễ dàng quỳ xuống trước một người đẹp để xin bố thí một chút tình yêu. Và quỳ xuống trước một người thánh thiện để cầu mong một ân huệ. Tất cả những cái quỳ xuống đó là để van xin cho mình, để có lợi cho mình. Nhưng mấy ai quỳ xuống trước kẻ thù, quỳ xuống trước người ốm đau, bệnh tật, quỳ xuống rửa chân lở loét của những người phong cùi!

Còn Chúa Giêsu, Ngài quỳ xuống trước tội nhân. Ngài muốn cái gì đây? Là Thiên Chúa, có khi Ngài còn thiếu thốn gì chăng? Là kẻ ban phát tình yêu, không lẽ Ngài lại thiếu thốn để độ phải van xin? Không, Ngài không van xin gì cả. Quỳ xuống trước mặt con người chỉ vì Ngài quý trọng con người. Ngài yêu thương con người. Ngài muốn cho con người được sống và sống thật hạnh phúc. Khi con người biết sống cho người khác được hạnh phúc là họ đã theo gương rửa chân của Chúa. đây là bài học sống cho người Kitô hữu. Nơi Chúa Giêsu, tình yêu đã chiến thắng tội lỗi của con người, đã vượt lên trên tội lỗi, để phục vụ đến độ hy sinh mạng sống mình cho chính tội nhân.

Anh chị em thân mến, muốn phục vụ như Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải hiến thân như Ngài. Đây là điều khó, điều thường làm chúng ta hoảng sợ, chùn chân không dám đi tới cùng. Nhất là hiến thân vì anh em, rửa chân cho anh em. Tuy nhiên, dù chưa dám làm hoặc chưa làm được, ít nhất chúng ta cũng phải thừa nhận ra rằng; phục vụ và hiến thân là những đòi hỏi không thể thiếu của Bí tích Thánh Thể.

*SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Do đó, trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là những khi dự Tiệc Thánh Thể, BẠN hãy LÀ TẤM BÁNH BẺ RA CHO ANH EM NHƯ CHÚA, để  QUÊN MÌNH PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO VỀ THỂ XAC LẪN TÂM HỒN.

--------------------------------

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CN5MC-C

SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

----oooOooo----

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C (07/04/2019)

 

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG VÀ XÓT THƯƠNG

"Ai trong các ngươi sạch tội,

thì hãy ném đá chị này trước đi”

 

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ

Đọc Phúc âm, chúng ta thấy khó chịu về thái độ của những người Do-thái, nhất là của các luật sĩ và biệt phái, đối với Đức Giê-su, như trong câu chuyện được kể trong Ga 8,1-11 mà chúng ta đọc trong Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay Nam C hôm nay. Một trong những cách giúp chúng ta hiểu ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện là chúng ta nhìn vào các nhân vật trong đoạn Phúc Âm và liên hệ với bản thân mình.

 

II. LẮNG NGH.E LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIO-AN 8,1-11:

Khi ấy, Chúa Giê-su lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giê-su cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giê-su với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giê-su bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIO-AN 8,1-11:

3.1 Dã tâm và thái độ tụ kiêu của các luật sĩ và biệt phái:  Phúc âm Gio-an ghi rõ: ”Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người.” Kết quả là thay vì những luật sĩ và biệt phái ấy tố cáo được Đức Giê-su thì chính họ mới là những người tự tố cáo mình trước mặt thiên hạ: “Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất”

3.2 Sự ân hận và sám hối của người phụ nữ:  Phúc âm Gio-an ghi lại là người phụ nữ im lặng, đúng chôn chân tại đó. Chắc chị xấu hổ lắm vị tội chị phạm đã bị người ta phanh phui ra công khai.

3.3 Lòng nhân từ và hành động tha thứ của Đức Giê-su: Phúc ậm Gio-an viết Đức Giê-su cúi xuống viết trên đất, nói những lời Ngài phải nói với các luật sĩ và biệt phái:  Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi" và với chị phự nữ tội nghiệp: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

 

IV. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIO-AN 8,1-11:

4.1 Chúng ta đừng bắt chước các luật sĩ và biệt phái: Không ai trong chúng ta dám nghĩ là mình sạch tội. Thật ra chúng ta đã phạm nhiều tội không lớn thì nhỏ. Hơn nữa nếu xét về những việc tốt lành mà đáng lẽ ra chúng ta phải làm mà chúng ta đã không làm thì hằng hà vô số kể. Nên việc ăn năn sám hối là rất cần thiết để được Thiên Chúa thứ tha mà xóa bỏ cho chúng ta. Và thái độ đáng có là khiêm nhường và không kết án người khác.

4.2 Chúng ta hãy bắt chước người phụ nữ và nhất là bắt chước Đức Giê-su:

(a) bắt chước người phụ nữ, chúng ta thịnh lặng nhận tội và thiếu sốt của mình mà xin Thiên Chúa thứ tha.

(b) bắt chước Đức Giê-su chúng ta thể hiện lòng từ bi thương xót với mọi người, chỉ cho mỗi người biết sự thật của mình, để người đó thay đổi cách suy nghĩ và cách sống cho phù hợp với giáo huấn Tin Mừng.

 

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN VỚI LỜI CHÚA TRONG GIO-AN 8,1-11:

MỞ ĐẦU:  Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì chúng con đã được Chúa Giê-su Ki-tô dậy cho chúng con biết phải sống khiêm nhường và từ bi bác ái với mọi người. Chúng con xin dâng lên Cha lời cầu xin tha thiết của chúng con. 

 

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

1.- «Khi ấy, Chúa Giê-su lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới này có lòng khát khao nghe Lời Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

2.- «Chúa Giê-su cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết noi gương sáng của Chúa Giê-su Ki-tô trong mọi tưong quan giữa người với người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

3.- «Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết sống khiêm nhường và nhận ra sự yếu đuối và tội lỗi của mình mà sám hối ăn năn.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

4.- «Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người biềt mình là người có tội để họ nhận được  sự tha thứ của Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

LỜI KẾT:

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Con Cha đã dậy chúng con phải biết sống khiêm nhường nhận mình là ngừoi có tội đáng bị trừng phạt.

Chúng con xin Cha thứ tha cho những tội lỗi thiếu sót mà chúng con đã mắc phải. 

Xin Cha ban Thánh Thần cho chúng con để chúng con đủ sức mạnh noi gương bắt chước Chúa Giê-su Con Cha mà xót thương mọi người.

Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con. Amen

 

Sài-gòn ngày 04 tháng 04 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

------------------------------