9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CHÚA THÁNH THẦN Ở ĐÂU?

CHÚA THÁNH THẦN Ở ĐÂU?

Tôi là một tân tòng. Từ nhỏ, tôi đã ham thích tìm hiểu những điều nhỏ nhặt khác thường mà đôi khi bạn bè không nhìn thấy. Khi được trở nên Kitô hữu, sống trong Cộng Đoàn Gia Đình ‘Sống Tin Mừng Tình Yêu’ tôi được đào sâu hơn về giáo lý Công giáo, được học hỏi về phương thế để lớn lên trong đời sống đức tin. Nhưng bản năng thích tìm hiểu nơi tôi vẫn không ngừng phát triển, và điều tôi cứ mãi chất vấn lòng mình là CHÚA THÁNH THẦN ở đâu? Hoạt động của Ngài như thế nào?

Khi cố gắng trung thành với Chương trình Sống của Cộng Đoàn, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh mỗi ngày (điều này tôi phải quyết tâm hơn 3 tháng) thì tôi thấy rằng, trong Lời Chúa luôn nhắc đến CHÚA THÁNH THẦN: là Đấng Bảo Trợ, Thần Khí, Gió, Lửa… Đặc biệt là trong Tin Mừng Gioan, CHÚA THÁNH THẦN được nhắc đến nhiều lần.
 
Tôi cũng có lần gọi điện thoại đến hỏi Thầy về CHÚA THÁNH THẦN và đã nghe Thầy giải thích. Tôi đã hiểu hơn về CHÚA THÁNH THẦN và hoạt động của Ngài. Tôi nghiệm ra rằng, chính khi ta đọc Lời Chúa mà được Thần Khí soi dẫn, ta sẽ tìm ra đường đi nước bước cho chính cuộc đời hay những quyết định của mình. Đó chẳng phải là một hoạt động của CHÚA THÁNH THẦN sao?
 
Hoặc cảm nghiệm mạnh nhất là những giờ phút hồi tâm, làm việc riêng của những đợt Tĩnh Tâm, tôi đặt mình thinh lặng trước mặt Chúa và để tiếng nói lương tâm lên tiếng thì thấy những khiếm khuyết, lầm lỗi của bản thân cùng quyết tâm chừa cải. Đó chẳng phải là một hoạt động của CHÚA THÁNH THẦN sao?
 
Tôi cũng cảm nghiệm những hy sinh của Thầy trong những việc rất nhỏ (dọn rác, trải khăn bàn thờ…) để thấy rằng, chỉ cần trung tín trong những việc nhỏ cũng đã là ơn Chúa Thánh Thần. Có một câu hỏi Thầy đặt ra trong buổi Tĩnh Tâm chuẩn bị Quy Ước: Làm thế nào để có lòng trung tín với Chúa?
 
- Thưa: Phải trung tín mỗi ngày. Vâng, chính nhờ đời sống Cộng Đoàn mà tôi biết trung tín mỗi ngày trong những công việc nhỏ: trung thành sinh hoạt ngày Thứ Ba hằng tuần, trung thành với những quyết tâm mỗi  tháng, cố gắng mỗi ngày trong vai trò làm chồng, chia sẻ việc nhà với vợ… Những điều đó tôi thiết nghĩ chỉ nhờ có CHÚA THÁNH THẦN hoạt động, tôi mới có thể vượt qua những ù lì của bản thân để trở nên con người năng động và dễ mến hơn.

Cũng chính nhờ sống trong Cộng Đoàn mà tôi nhận ra được sự  hoạt động mạnh mẽ của CHÚA THÁNH THẦN. Từ những người không quen biết nhau, chúng tôi đã có thể chia sẻ cho nhau những vui buồn, khúc mắc của bản thân để giúp nhau vượt khó. Từ những người bình thường, chúng tôi được học hỏi để tham gia các tiết mục nhảy múa, những đêm văn nghệ hoành tráng; nhờ  CHÚA THÁNH THẦN mà sức nóng của những đêm ấy như đốt cháy anh chị em để cùng nhau cháy hết mình trên sân khấu.
 
Nhờ CHÚA THÁNH THẦN mà những đợt Tĩnh Tâm do Cộng Đoàn tổ chức cũng đã lấy đi không ít nước mắt của các chị em và đẩy lùi những thói quen xấu của từng thành viên, để mọi người cùng quyết tâm trở thành con người mới. Biết chấp nhận nhau, cùng làm việc vì lợi  ích chung cũng là một ơn CHÚA THÁNH THẦN. Tôi học được một điều từ Cộng Đoàn: đừng đặt mục đích vào những chuyện quá lớn mà hãy trung thành từ những việc nhỏ. ‘Không ai nên thánh đột xuất và chẳng có con đường nên thánh nhanh tắt’.
 
‘Nếu đời ta là những nốt nhạc thăng trầm thì CHÚA THÁNH THẦN là những dòng kẻ trong khuôn nhạc’. ‘Chỉ lúc nào ta thinh lặng, đặt mình trước mặt Chúa cách trọn vẹn thì lúc ấy ta mới nhận ra CHÚA THÁNH THẦN hoạt động mạnh mẽ’.

Lạy CHÚA THÁNH THẦN, NGÀI VẪN đến với con mỗi ngày để con tìm ra chân lý và ý niệm sống đích thực cho đời mình.

Gioan Phạm Ngọc Dũng
********
 "THẦN KHÍ CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN TRONG TÔI, BẠN CẦN MỞ LÒNG ĐỂ ĐÓN NHẬN NGÀI"
--------------------

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CHA PAUL VÀ CAC TÙ NHÂN

Cha Paul và Các Tù Nhân Paris

Các tù nhân mong đợi nơi vị Linh Mục Công Giáo, hoặc người viếng thăm, tâm tình cảm thông sâu xa. Đây là tâm tình người tù thường không tìm được nơi người thân trong gia đình. Đôi lúc người tù cũng nhờ vị Linh Mục làm trung gian liên lạc với gia đình, với Cha Mẹ và với vợ con. Thỉnh thoảng người tù nhờ vị Linh Mục liên lạc hoặc thương lượng với vị luật sư hoặc với ông giám đốc nhà giam, để tìm ra những dữ kiện thuận lợi làm giảm thời gian giam cầm của họ. Sau đây là chứng từ của Cha Paul Devillard, Linh Mục dòng Tên, về những đau khổ mà Cha chứng kiến nơi nhà tù Cha thăm viếng.

Nơi nhà tù, đặc biệt là nơi các nhà tù lớn, nỗi đau khổ tinh thần thật lớn lao, khó mà diễn tả cho cùng. Trước hết là sự chung đụng hỗn tạp giữa đủ mọi thứ người và sự cắt đứt liên lạc với gia đình, với thế giới bên ngoài. Điều duy nhất được bảo đảm là trật tự và kỷ luật trong nhàn rỗi và trong nhục nhã. Do đó thường nẩy sinh trong lòng các tù nhân mối hận thù. Một tù nhân nói với tôi: “Con rất khổ sở khi sống trong tù”. Một người khác thổ lộ: “Trong nhà giam, con luôn luôn bị lạnh, lạnh thể xác và lạnh tinh thần”. Một người nữa tỏ bày: “Mặc dầu chúng con sống 3 người trong cùng phòng giam, con vẫn cảm thấy cô đơn kinh khủng”. Một tù nhân khác tâm sự: ‘Điều khó khăn nhất đối với con là phòng giam quá chật chội, khiến con luôn có cảm tưởng mình bị trói chặt, không làm được việc gì cho ra hồn, hay ít ra là để qua giờ”.

Ngoài cái khổ bị tống giam vì các lỗi lầm phạm ngoài xã hội, người tù còn nhận thêm các hình phạt đến từ chính các người cai tù, canh ngục. Một hôm tôi chứng kiến tận mắt cảnh một viên cai tù thật trẻ, hất nhẹ vào người tù ngoại quốc bằng cử chỉ khinh bỉ. Người tù tức khắc phản ứng, bằng lời nói tỏ lộ vẽ ngạc nhiên, nhưng cứng rắn. Liền sau đó, viên cai tù ghi điểm xấu trong báo cáo của người tù, và người tù đã phải lãnh chịu hình phạt phải đền trong vòng mấy ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là một nỗi khổ nhỏ, so với hai nỗi khổ lớn lao hơn.

Cách đây không lâu, tù nhân 24 tuổi, được phép đặc biệt về viếng xác bào huynh, qua đời vì bệnh sưng màng óc. Dĩ nhiên là có 4 người lính đi kèm và với đôi tay bị còng. Bước vào nhà, trước xác chết của người anh, có đủ mặt người thân trong gia đình đang khóc thương người quá cố, anh tù nhân trẻ tuổi với đôi tay bị còng, có 4 người lính hộ tống, không biết mình mang bộ mặt nào? Thật là đau khổ khủng khiếp, tột cùng! Anh không bao giờ quên được hình ảnh đau thương này.

Một tù nhân khác cũng được phép đặc biệt tương tự. Anh ta có người em gái vừa bị tai nạn thập tử nhất sinh. Nhưng anh là tù nhân dài hạn, sắp đến ngày ra khỏi tù. Cũng với đôi tay bị còng và có lính hộ tống, anh được dẫn đến bên giường người em đang hấp hối. Anh kể lại với tôi: “Bên giường người em gái bị tai nạn, con là người anh, với đôi tay bị còng, bên cạnh là 4 người lính, lần đầu tiên, mối hận thù xâm chiếm lòng con. Đây là vết thương khác ghi đậm thêm trong cuộc đời giam cầm khốn khổ của con”.

Trước nỗi khổ tinh thần của các tù nhân, Cha Paul Devillard luôn tìm đủ mọi cách để thoa nhẹ. Cha liên lạc, đối thoại và thương lượng với ban giám đốc nhà tù, các nhân viên canh ngục, làm thế nào để các tù nhân được kính trọng, được đối xử trong công bằng, với những hình phạt hợp lý. Một kinh nghiệm, một bài học Cha tiếp nhận qua cuộc viếng thăm các tù nhân, đó là sức mạnh tinh thần của các tù nhân. Mỗi tù nhân đều biểu lộ nỗi khao khát được chấp nhận mình hiện hữu thật sự và được kính trọng, được cư xử như người, chứ không phải như những con số.

“Lạy Thiên Chúa là Cha và là Chúa Tể đời con, xin đừng để mặc con chiều theo sở thích của môi miệng, đừng để nó làm con vấp ngã. Tư tưởng con, ai sẽ lấy roi sửa trị, tâm can con, ai sẽ dùng khôn ngoan dạy dỗ, để đừng dung thứ những lầm lỗi của con, cũng đừng làm ngơ trước tội con đã phạm? Bằng không, lỗi lầm của con cứ gia tăng mãi, tội lỗi của con chồng chất thêm nhiều, con sẽ quỵ ngã trước mặt đối phương và kẻ thù con đắc chí nhạo cười. Lạy Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con, xin đừng để mắt con trâng tráo, xin đẩy dục vọng xa khỏi con, xin chớ để thói ăn chơi trụy lạc thống trị con, đừng để con đắm chìm trong những dục vọng trơ trẽn” (Huấn Ca 22,1-6).

(“CHRISTUS”, 10/1990, trang 492-501).

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THÁNH LAURENSO PHÓ TẾ

Ngày 10 tháng 8

Lễ Thánh Lôrensô, Phó Tế, Tử Ðạo

Lễ Kính

 

Bài Ðọc I: 2 Cr 9, 6-10

"Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: "Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời". Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 5-6. 7-8. 9

Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay (c. 5a).

Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.

2) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp.

3) Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi. - Ðáp.

4) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi; sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 12, 24-26

"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

Ðó là lời Chúa.

 

PHÓ TẾ TỬ ĐẠO (+258)
 
image.png
 

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Sau Công Đồng Vatican vào thập niên 1960, phụng vụ được canh tân chỉ còn 3 bậc lễ: Lễ Trọng (solemnity), Lễ Kính (feast) và Lễ Nhớ (memorial), trong đó các Thánh Tông Đồ mới được ở bậc lễ kính, trừ 2 Thánh Sử Luca và Marco, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stephano, Thánh Mai Đệ Liên là tông đồ của các tông đồ, còn có lễ Thánh Phó Tế Tử Đạo Laurensô ở thế kỷ thứ 4 này. Ở vào thời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma. 

Laurensô là ai mà được tôn kính cách đặc biệt như vậy? - Phải chăng là vì chủ trương độc đáo của ngài cho rằng người nghèo là tài sản của Giáo Hội, nhất là vì lòng ham ước được phúc tử đạo đến độ chịu tử đạo một cách khủng khiếp chưa từng có mà vẫn hiên ngang thách thức quyền bính thế gian, và vì ngài được dân Chúa đặc biệt sùng kính? Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho thánh nhân rất thích hợp với vai trò phó tế tử đạo được hiển vinh của ngài: "Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

Laurensô được cho là sinh tại Huesca - một thị trấn ở Aragon (nay thuộc Tây Ban Nha), gần chân dãy núi Pyrenees. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đến Zaragoza để học văn hóa và thần học. Tại đây mang cơ duyên cho Laurensô gặp được Giáo hoàng tương lai là Xíttô II (Sixtus II), một người gốc Hy Lạp khi đó là một trong những giáo viên nổi tiếng nhất trong học viện. Khi trở thành Giáo hoàng Xíttô vào năm 257, ông đã truyền chức phó tế cho Laurensô, mặc dù Laurensô khi đó vẫn còn khá trẻ nhưng giáo hoàng đã bổ nhiệm đứng đầu trong số bảy phó tế phục vụ trong nhà thờ Giáo hoàng. Kể từ đó, Laurensô được gọi là "tổng trưởng phó tế thành Roma". Đây là một vị trí rất được tin tưởng, chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và Ngài được giao cho trách nhiệm "quản lý tài sản của Giáo hội.  

Khi sự cấm đạo dưới thời Hoàng đế Valerianus bùng nổ, Giáo hoàng Xíttô II và 7 phó tế bị bắt. Giáo hoàng bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế vào ngày 6 tháng 8 năm 258.  Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi: "Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?". Ðức giáo hoàng trả lời: "Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta." Nghe thấy thế, Laurensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Sau đó, viên tổng trấn Roma yêu cầu phó tế trưởng Laurensô giao tất cả tài sản của giáo hội cho đế quốc trong 3 ngày. Tuy nhiên, nghe theo lệnh Giáo hoàng khi ngài ra pháp trường, Laurensô đã kịp phân phát hết tiền của, tài sản của giáo hội cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền mà phân phát. 

 Viên tổng trấn nổi giận, buộc ngài phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, Laurensô phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ, khi bị nướng ngài còn nói với tổng trấn:"Một mặt đã chín thì nướng luôn mặt còn lại mà ăn đi.". Ông mất ngày 10 tháng 8 năm 258 và được coi là tử vì đạo.  

Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Khi tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy của giáo hội đang ở đâu thì Laurensô đã nói rằng người nghèo, người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ là những 'tài sản' thực sự của giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, đặc biệt là khi bị nướng ngài còn nói với viên tổng trấn:"Một mặt đã chín thì nướng luôn mặt còn lại mà ăn đi.". Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258, ngày 10 tháng 8.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp

 
Xin mời nghe chia sẻ Bài Phúc Âm Lễ Thánh Laurensô ở cái link sau đây: 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ

ĐỂ LÊN TRỜI CẦN BẮT CHƯỚC CÁC NHÂN ĐỨC CỦA MẸ
 
    Sống trên đời ai cũng có một người mẹ.  Người mẹ đó không chỉ sinh ra chúng ta mà còn yêu thương và nuôi dạy chúng ta lớn lên thành người.  Vì vậy, qua mọi thời, con người không ngớt lời ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ.  Con dân Nước Việt cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ, để nói lên tình yêu vô bờ bến của ng��ời mẹ:
 
Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại,
tình yêu thương hào phóng đến khôn cùng;
Mênh mông bát ngát đại dương,
Cũng không sánh được tình thương mẹ hiền.
Nhưng cho dầu có dùng hết ngôn ngữ trần gian để ca tụng tình mẹ, thì cũng không thể nào diễn tả hết:
Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá,
Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi!
 
Trong đức tin Công giáo, mỗi người kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Đức Maria.  Công ơn của Mẹ Maria đối với mọi người không những không thua kém người mẹ trần thế mà còn gấp ngàn lần.  Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta.  Nhờ Mẹ, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người.  Nhờ Mẹ chúng ta có tất cả trong đức tin: Được làm người Công giáo, được lãnh nhận các Bí tích, được có nhiều cơ hội để lo phần rỗi hầu ngày sau được về Thiên đàng.
 
Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 đặc ân cao cả: Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân Đồng trinh trọn đời, đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Hồn Lẫn Xác Lên Trời.  Đối với đặc ân Hồn Xác Lên Trời đã được truyền thống Giáo hội và các Kitô hữu tôn kính từ xa xưa, nhưng mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII mới tuyên bố thành tín điều.  Mặc dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về đặc ân này, nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta vẫn thấy đặc ân Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác ẩn chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh.  Chẳng hạn, lời thiên thần chào Mẹ “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ.” Hay lời ca tụng của bà Êlizabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42).  Rồi, lời ca tụng Thiên Chúa của Đức Mẹ trong bài Magnificat: “Từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (x. Lc 1,48-49).  Mặt khác, bình thường chúng ta cũng có thể dễ chấp nhận đặc ân này.  Bởi vì, thân xác chết là do tội lỗi.  Nhưng Đức Maria không hề mắc tội Tổ tông truyền và tội riêng.  Do đó, thân xác Mẹ không bị hủy hoại tiêu tan.
 
Hơn nữa, các thánh và nhiều bậc thông thái trong Giáo hội cũng đã từng quả quyết về việc Đức Mẹ được đặc ân lên trời c��� hồn lẫn xác.  Thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: “Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.”  Cha Ađômêô thì nói rằng: “Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.
 
    Ngày lễ hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ.  Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời.  Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời.  Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau.  Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi.  Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ:
 
Thứ nhất, chúng ta bắt chước nhân đức khiêm nhường của Mẹ: Sau lời sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với Thiên thần rằng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” (Lc 1,38).  Từ đó, Mẹ sống tinh thần khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa và mọi người: Khi Bà Êlizabét ca ngợi Mẹ, Mẹ đã qui hướng tất cả những gì mình có là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn;”(Lc 1,49).  Mẹ sống âm thầm trong vai trò làm vợ và làm mẹ tại mái ấm gia đình Nagiarét đến nỗi không ai biết Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa; Khi Đức Giêsu được nổi danh do lời giảng dạy và các phép lạ Ngài làm, Đức Mẹ vẫn sống âm thầm và ẩn danh…Tất cả điều đó cho chúng ta thấy nhân đức khiêm nhường của Mẹ.  Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
 
Thứ hai, chúng ta bắt chước Mẹ sống tin tưởng và phó thác vào Chúa: Sau khi thưa xin vâng, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu.  Bào thai trong cung lòng của Mẹ ngày càng lớn lên.  Nhưng không ai hiểu về nguyên nhân, kể cả Thánh Giuse.  Bằng ch��ng là Thánh Giuse định tâm bỏ Mẹ mà trốn đi.  Rồi, người thân và làng xóm láng giềng, chắc chắn không thiếu những lời đàm tiếu, thị phi.  Vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.  Đúng như lời bà Thánh Êlizabét ca tụng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).  Sự tin tưởng và phó thác vào Chúa của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
 
Thứ ba, chúng ta bắt chước Mẹ để sống hiền lành và nhịn nhục: Từ khi cưu mang Đức Giêsu cho đến khi Con Mẹ chịu chết treo trên thập giá, Đức Mẹ phải đối diện với biết bao đau khổ: Đau khổ khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Mẹ và Hài Nhi; Đau khổ khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập khỏi tay Hêrôđê lùng bắt; Đau khổ khi lạc mất Con ở Jêsusalem trong ba ngày; Đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác Thập giá trên đường đến Núi Sọ; Đau khổ khi thấy Đức Giêsu bị đóng đinh; Đau khổ khi chứng kiến việc tháo xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá; Đau khổ khi phải chứng kiến việc chôn xác Đức Giêsu trong mồ.  Nhưng trong khi chịu đựng những đau khổ đó, Đức Mẹ không hề trách móc kêu la một lời nào.  Sự hiền lành và nhịn nhục của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.
 
Thứ tư, chúng ta bắt chước Mẹ để hết lòng yêu mến Chúa: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ được thể hiện qua những việc tiêu biểu như:  Ba tuổi Mẹ đã dâng mình trong đền thờ; Khi Thiên thần đến truyền tin cũng là lúc Mẹ đang đắm chìm trong lời kinh nguyện; Mẹ thưa “Xin Vâng” để cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Hơn ba mươi năm Mẹ nuôi nấng chăm sóc Đức Giêsu; Mẹ chạy đôn đáo tìm cho bằng được khi Đức Giêsu đi lạc trong đền thờ…  Tất cả những thái độ trên đều thể hiện một lòng yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự của Mẹ.  Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
 
Thứ năm, chúng ta bắt chước Mẹ để sống yêu thương hết mọi người: Vì yêu thương nhân loại nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó nhân loại được cứu chuộc.  Vì yêu thương nên Mẹ đã vội vã lên đường thăm bà Êlizabét để chia sẻ niềm vui có Chúa và để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở.  Vì yêu thương nên Mẹ đã cầu bầu cùng Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu ngon để cứu gia chủ khi họ hết rượu.  Vì yêu thương nên khi đã về trời Mẹ vẫn hiện ra đây đó trên thế giới để ủi an nâng đỡ con cái loài người…  Đó là mẫu gương yêu người cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
 
  Như vậy, Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhờ những đặc ân Thiên Chúa ban mà còn nhờ những nhân đức mà Mẹ ra sức rèn luyện.  Chúng ta muốn được lên Thiên đàng phải đi con đường Mẹ đã đi, phải sống như Mẹ đã sống, đó là biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.
    Lạy Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, Chúa đã cho Mẹ hồn xác lên trời.  Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin giúp chúng con biết sống làm sao để một ngày kia cũng được hưởng hạnh phúc trên Trời với Mẹ.  Amen.
 
 Lm. Anthony Trung Thành
 20 - Mẹ Lên Trời 06.jpg

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - NẾU MUỐN THEO CHÚA

Thứ Sáu 09-8-2019

 

ĐIỀU KIỆN SỐNG THEO Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7

"Khốn cho thành khát máu".

Trích sách Tiên tri Nakhum.

Kìa xem, trên núi có người đưa tin mừng chạy đến. Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt.

Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng.

Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau.

Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi. Lúc bấy giờ, hễ ai thấy ngươi cũng ngoảnh mặt mà nói: "Ninivê thật tiêu điều! Ai thương được ngươi? Tìm đâu ra người an ủi ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Ðnl 32, 35cd-36ab. 39. 41

Ðáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39c).

Xướng: 1) Ngày huỷ diệt đã gần rồi, và kỳ hẹn lại chóng đến. Chúa sẽ phán xét dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa. - Ðáp.

2) Các ngươi hãy xem có một mình Ta, và ngoài Ta, không có Chúa nào khác: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại; Ta sẽ đánh đập và sẽ chữa lành. - Ðáp.

3) Nếu Ta mài sáng gươm Ta như chớp, và nắm giữ phán quyết trong tay Ta, Ta sẽ trả oán những kẻ thù nghịch, sẽ trả thù những kẻ ghen ghét Ta. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 16, 24-28

"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm /Cảm Nghiệm: TỪ BỎ MÌNH ĐỂ THEO CHÚA

 

 

Cộng = Trừ và Trừ = Cộng

 

 

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên, để tiếp tục tất cả sự thật về mầu nhiệm Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm qua, ở chỗ: Nếu Ngưòi là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", thì Người đồng thời cũng phải là một Đức Kitô Vượt Qua, tử giá và phục sinh, nhờ đó Người mới chứng thực Người quả là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Kitô, trong bài Phúc Âm hôm nay, đã thẳng thắn tuyên bố một hệ luận hay một lối sống liên quan trực tiếp đến thân phận của những ai muốn theo Người là một Đức Kitô Vượt Qua từ khổ giá đến phục sinh rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy".

 

Sau đó, Người cho các môn đệ của Người biết về lý do tại sao họ cần phải sống như thế, cần phải bỏ mình và vác thập giá mà theo Người như vậy, hay đúng hơn cần phải bỏ mình và vác thập giá mới có thể theo Người, bằng không, họ không thể nào theo Người được, thậm chí như Người phán trong Phúc Âm của Thánh ký Luca: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thày không xứng đáng làm môn đệ của Thày" (14:27). Lý do được Người nêu lên cho các môn đệ thấy đó là:

 

"Vì chưng, ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?"

 

Câu tuyên bố này của Chúa Kitô có thể hiểu về trường hợp của các vị tử đạo trong Giáo Hội từ trước tới nay trong lịch sử của Giáo Hội. Nguyên tắc cứu thì mất bỏ thì còn có vẻ mâu thuẫn này cũng đúng trong cả trường hợp bị rắn độc cắn nếu không chặt cánh tay hay chặt bàn chân bị nó cắn chỉ vì tiếc rẻ hay sợ đau cứ muốn giữ lấy chỗ bị cắn đó thì nạn nhân sẽ mất mạng, ngược lại thì còn mạng. 

 

Đó là lý do trong bài giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, Chúa Kitô cũng đã khuyên các môn đệ của Người rằng nếu mắt của các con hay tay của các con mà nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy móc nó đi, hãy chặt nó đi, thà mất một mắt hay thiếu một tay mà vào Nước Trời còn hơn còn nguyên toàn thân lại bị quẳng vào hỏa ngục (xem 5:29-30).

 

"Sự sống mình" mà Chúa bảo cần phải mất đi để "được sự sốngđây là gì, nếu không phải nếu "sự sống" họ được đây là Chúa Kitô, Đấng đã tuyên bố mình là "sự sống" (Gioan 11:25,14:6), thì "sự sống mình" đây chính là bản thân con người. Đó là lý do Người đã dứt khoát với những ai muốn theo Người "phải bỏ chính bản thân mình đi - must deny his very self". 

 

Việc "phải bỏ chính bản thân mình" của những ai muốn theo Chúa Kitô này không phải là việc họ tự hủy diệt bản thân họ, mà là một tiến trình biến đổi bản thân họ, biến đổi từ bản thân vô cùng thấp hèn xấu xa tội lỗi của họ để trở nên một Chúa Kitô vô cùng cao cả là chính sự sống thần linh của họ, nghĩa là họ đánh đổi bản thân mình để lấy chính Chúa Kitô, như thể họ là người tim thấy kho tàng là Chúa Kitô trong thửa ruộng thế gian thì đã bán hết mọi sự mình có, bán chính bản thân mình đi, để mua lấy thửa ruộng có kho tàng được chôn giấu ấy vậy (xem Mathêu 13:44).

 

Chúa Kitô là "sự sống" của thành phần muốn theo Người và cho những ai từ bỏ chính bản thân mình, đến độ không một sự gì trên thế gian này có thể so sánh được: có Người là có tất cả, mất Người là mất tất cả. Đó là lý do Chúa Kitô đã khẳng định với các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

 

Chưa hết, những ai dám hy sinh tất cả mọi sự chẳng là gì trên trần gian tạm gửi mau qua chóng hết hết sức tầm thường này để theo Người cho tới cùng thì sau này sẽ được phần thưởng xứng đáng bất diệt đời sau nữa, như Người hứa với họ ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm". 

 

   Để có thể "bỏ chính bản thân mình" mà theo Chúa, con người cần phải có đức tin, phải tin vào Đấng đã kêu gọi họ và chính là Đấng họ theo đuổi cho tới cùng

Đấng luôn tỏ mình ra cho họ, chẳng những bằng điềm thiêng dấu lạ trong cuộc đời họ mà nhất là bằng đau khổ thử thách để họ càng tin vào Người hơn, nhờ đó họ có thể hiệp nhất nên một với Người là "sự sống" của họ mỗi ngày một hơn

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

TN.XVIIIL-6.mp3