9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CẦN NHÌN VÀO NỘI TÂM

NHÌN VÀO NỘI TÂM ĐỂ NHẬN BIẾT TỘI MÌNH

Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi nhìn vào nội giới, nhìn vào nội tâm mình. Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Khuôn mặt duy nhất trên đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy trực diện, đó là khuôn mặt của chính MÌNH.

Thế nên một nốt ruồi nhỏ trên mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác thì mình thấy rõ ràng, còn lỗi lầm to lớn nặng nề của mình thì lại không hay. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán người khác mà chẳng bao giờ biết phê phán bản thân.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ phạm tội ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của mình. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn nhân cơ hội để dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách phạt mình trước rồi lo trách phạt người khác sau. Cổ nhân cũng thường dạy ta như vậy: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân.”

Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu, họ hối thúc Chúa Giêsu ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Thế nhưng Chúa Giêsu không vội phán xét ai. Trước hết, Ngài muốn cho những người tưởng mình vô tội hãy xét lại chính mình.

Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giêsu lặng thinh không nói một lời. Ngài thinh lặng và tạo nên bầu khí vắng lặng để cho mọi người tự vấn lương tâm. Ngài muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết, viết trên đất.

Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giêsu lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” Rồi Ngài ngồi xuống trong thinh lặng. Ngài cứ viết, viết trên đất để tạo bầu khí thinh lặng cho mọi người hồi tâm.

Nhìn lại nội tâm mình trong thinh lặng, những con người hăm hở kết tội người khác giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi mình, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là các viên đá trên tay lần lượt rơi xuống, họ xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm kết án người khác cũng tội lỗi như mình!

Nhìn lại mình để thấy được tội lỗi của mình là điều hết sức quan trọng để cải thiện bản thân. Nếu tôi biết được là mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám. Nếu tôi thấy được mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc không chần chừ. Còn nếu không thì chẳng có gì thay đổi. Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình. Nhìn lại mình, nhìn vào mình để thấy được những tội lỗi của mình là khởi điểm, là bước đầu cho việc cải thiện đời sống. Không có bước nầy, chẳng thể có bước thứ hai, chẳng có gì được cải thiện.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn lại mình để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó mà cũng là việc không mấy ai muốn làm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY cho Lời Chúa trở nên SỨC  SỐNG, giúp chúng con nhận ra những vết nhơ trong tâm hồn, những TẬT xấu trong cuộc đời chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xưa kia, Chúa Giêsu đã giúp đám người Do Thái nhận ra tội lỗi của họ thì nay CON QUYẾT TÂM nhận ra lầm lỗi của mình để sửa đổi ăn năn.

Lm Ignatiô Trần Ngà - Trích trong “Cùng Đọc Tin Mừng”

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - ĐI TU LÀ LIẾU LĨNH

ĐI TU LÀ LIỀU LĨNH

 

Nếu Thiên Chúa gọi chọn người trẻ, Ngài sẽ có cách để giúp người ấy hạnh phúc trong đời tu. Khi đó, chút liều lĩnh của người tu sĩ trở nên của lễ dâng hiến trước nhan thánh Chúa.

 

 

Nhiều người vẫn không thể hiểu hết con đường dâng hiến cho Thiên Chúa. “Tại sao lại đi tu?” luôn là câu hỏi khó trả lời rốt ráo cho người thời đại hôm nay. Trước khi bước vào nhà Dòng, lắm người tu sĩ đã có nhiều thứ, từ bằng cấp, trình độ cho tới tiền tài danh vọng. Thập chí họ có cả một tiền đồ sáng lạn. Thế nhưng tiếng gọi đi tu mạnh đến nỗi khiến họ chấp nhận từ bỏ những thứ ấy để bước vào một giai đoạn nhiều thách đố theo thầy Giêsu. Có khi phải can đảm, đôi khi anh dũng, dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi hỏi. Đó là liều lĩnh một cách sáng sốt, đáng làm!

Mới đây trong Sứ điệp nhân ngày cầu nguyện cho ơn gọi thứ 56, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ cần chấp nhận, mạo hiểm, liều lĩnh để đáp lại ơn Chúa gọi. Đó là một thách đố dường như quá tầm đối với giới trẻ hôm nay. Thách đố vì khi bước vào đời tu, dĩ nhiên họ phải khuôn mình trong luật lệ của nhà Dòng. Từ đây họ không còn tiếp bước trong danh vọng trần gian, nhưng họ phải làm theo những kế hoạch Thiên Chúa vạch ra cho họ. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng họ chẳng còn tự do để làm theo ý riêng. Nhận xét ấy hoàn toàn đúng, vì người tu sĩ đích thực luôn vâng theo ý Thiên Chúa, ngang qua nhà Dòng.

Thực ra ơn gọi nào cũng cần người ta liều lĩnh để bước vào. Đời sống hôn nhân cũng vậy, bậc sống tu trì cũng thế. Nếu không chấp nhận liễu lĩnh bước vào, thử hỏi làm sao họ chạm đến thành công? Bởi cuộc sống tương lai luôn hàm chứa những rủi ro, thách đố, nên liều lĩnh hay can đảm là cần thiết để con người mở ra với tương lai. Do đó, khi người trẻ cảm thấy Thiên Chúa đang gọi mình vào hành trình dâng hiến, họ thử một lần liều lĩnh đáp lại tiếng ấy. Ước gì các bạn trẻ cảm nhận được lời an ủi của Chúa: Ơn ta đủ cho con!” (2Cr 12,9). Rồi với hoài bão và nhiệt huyết tuổi trẻ, họ dám liều đánh cược cuộc đời mình trong đời tu.

Thực ra, nếu Thiên Chúa gọi chọn người trẻ, Ngài sẽ có cách để giúp người ấy hạnh phúc trong đời tu. Khi đó, chút liều lĩnh của người tu sĩ trở nên của lễ dâng hiến trước nhan thánh Chúa. Vả lại, chẳng ai làm chủ hoàn toàn đời mình, nên khi bước vào một lãnh vực nào đó, sự liều lĩnh lại cần thiết để người ta bước tiếp. Trong đời tu, dĩ nhiên họ không liều lĩnh một mình, nhưng có nhà Dòng, có thầy Giêsu cùng với người tu sĩ viết lên một hành trình không thiếu hạnh phúc, cùng những đau thương. Kết quả dành cho người trung thành với Thiên Chúa là phần thưởng Nước Trời. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa gọi người trẻ đi tu! Chính Thiên Chúa cũng muốn liều lĩnh để mời người trẻ bước vào con đường chẳng mấy ai đi.

Rồi trên hành trình ấy, chính Thiên Chúa liều lĩnh giao cho người tu sĩ những sứ mạng khó khăn: giúp đỡ các linh hồn! Đó là món quà Thiên Chúa muốn dành cho những ai theo Ngài. Để trong đời tu, người tu sĩ không chỉ sống cho hạnh phúc riêng tư, nhưng chính họ cần giúp cho nhiều linh hồn đến gần với Chúa hơn. Họ trở nên người trung gian của Thiên Chúa với con người hôm nay. Họ quảng đại liều lĩnh lựa chọn Thiên Chúa mà không nghĩ tới lợi ích riêng. Trong tâm thế đó, chính ân sủng của Thiên Chúa sẽ cho họ sức mạnh để sống thật hạnh phúc, bình an.

Các bạn trẻ thân mến,

Không chỉ chúng ta hay người tu sĩ mới hoang mang khi bước theo thầy Giêsu. Chính các tông đồ ngày xưa cũng chất vấn Giêsu: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Giêsu hứa cho các ông cũng như cho những người theo Chúa: Được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (x. Mt19, 27).  Đó là món quà quý giá mà người trẻ ước mong. Theo đó, thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh với người trẻ: Hãy can đảm tham gia vào những trào lưu nên thánh mà các bậc đại thánh, nam và nữ, đã khơi dậy theo chân Đức Ki-tô.” (Tông huấn đời sống thánh hiến, số 106).

Cần nhấn mạnh ở đây là đừng liều lĩnh một mình. Bởi đi tu là đi theo Đức Ki-tô (sequela Christi) bằng việc họa lại nếp sống tại thế của Người (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục). Khi đó sự liều lĩnh của người tu sĩ luôn có Thiên Chúa đồng hành và đảm bảo cho họ một thế đứng vững chắc trong đời tu. Còn đó những thách đố, khó khăn, nhưng cùng với Giêsu, họ vui lòng bước tiếp và làm phong phú cuộc đời của họ. Bằng cách nào? Linh đạo dâng hiến chỉ cho họ nhiều cách thức: cầu nguyện, hãm mình, dấn thân, phó thác, tin, cậy, mến, v.v. Được như thế, đời tu bén rễ sâu vào Giêsu. Từ đó hành trình dâng hiến là con đường phưu lưu đến Nước Trời cùng với Giêsu trong chính cuộc trần này.

MỌI NGƯỜI cùng cầu nguyện cho các bạn trẻ, cho các tu sĩ trẻ. ĐỂ họ có lòng can đảm, có sự liều lĩnh cần thiết để bước ra khỏi nỗi sợ cá nhân. KHÔNG đừng bịt tai, nhắm mắt trước tiếng mời gọi của Giêsu. Tuyệt vời biết bao vì ơn gọi luôn là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì thời này không thiếu bạn trẻ đang liều chính bản thân, chấp nhận đương đầu với thách đố mới. Họ từ bỏ tất cả những gì ràng buộc họ vào con thuyền nhỏ, để với ơn Chúa, họ liều lĩnh bước vào một chân trời rộng lớn với nhiều say mê dâng hiến.

ĐGH Phanxicô nhắn với người trẻ rằng: Hãy luôn nhớ rằng, với những người bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa, Ngài hứa cho họ niềm vui của một cuộc sống mới, làm cho tâm hồn được đầy tràn và Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của họ”

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ ĐTC BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG ẾT

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 6-3-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 9: "Nước Cha trị đến"

 

 

Pope Francis in St. Peter's Square March 6, 2019. Credit: Lucia Ballester/CNA.

 

"Chính Chúa Giêsu vạch ra cho thấy những dấu hiệu của Vương Quốc Thiên Chúa: 'kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ phong được sạch, người điếc nghe thấy, kẻ chết sống lại và người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng'"

 

 

"Chúa Giêsu đã đến, thế nhưng thế giới này vẫn còn đậm sâu tội lỗi, vẫn còn cứ trú bởi rất nhiều người đau khổ, bởi những con người không tự hòa giải và tha thứ, bởi các thứ chiến tranh và bởi rất nhiều hình thức khai thác".

 

Pope Francis at the General Audience

 

"Tại sao Vương Quốc này được hiện thực quá chậm chạp như vậy?... Cái sai lầm nhất đó là muốn ra tay ngay lập tức trong việc tuyệt trừ đi khỏi thế gian này những ai dường như là thành phần cỏ lùng đối với chúng ta"

 

 

"Vương Quốc của Thiên Chúa thật sự là một quyền lực cả thể, một quyền lực lớn nhất, thế nhưng, lại không theo tiêu chuẩn của thế gian; đó là lý do nó dường như chẳng bao giờ đạt được tình trạng đa số tuyệt đối".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến.

Khi chúng ta cầu Kinh "Lạy Cha", thì lời nguyện thứ hai chúng ta thưa cùng Thiên Chúa là "Nước Cha trị đến" (Mathêu 6:10). Sau khi đã nguyện Danh Cha cả sáng, tín hữu bày tỏ lòng mong ước sao cho Nước Cha chóng trị đến. Ước muốn này, có thể nói, vọt lên từ chính cõi lòng của Chúa Kitô, Đấng đã bắt đầu việc rao giảng của mình ở Galilêa khi loan báo rằng: "Thời gian đã viên trọn, và Nước Thiên Chúa gần đến; hãy ăn năn thống hối và tin vào Phúc Âm". Những lời này hoàn toàn không phải là một thứ đe dọa; trái lại, chúng là một loan báo hân hoan, một sứ điệp vui mừng. Chúa Giêsu không muốn đẩy con người ta tiến tới chỗ hoán cải bằng việc gieo rắc sợ hãi về phán quyết chờ chực của Thiên Chúa, hay cảm quan tội lỗi về sự dữ vấp phạm. Chúa Giêsu không dụ giáo, Người chỉ loan báo mà thôi. Trái lại, những gì Người mang lại đó là Tin Mừng cứu độ, và từ đó Người kêu gọi thực hiện việc hoán cải. Mỗi người được mời gọi tin vào "Phúc Âm": vai trò làm chúa của Thiên Chúa là những gì cho thấy Ngài gần gũi với con cái của Ngài. Đó là Phúc Âm: vai trò làm chúa của Thiên Chúa là những gì cho thấy Ngài gần gũi với con cái của Ngài. Và Chúa Giêsu loan báo điều tuyệt vời này, ân sủng này, đó là Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, Ngài gần gũi với chúng ta và Ngài dạy chúng ta bước đi trên con đường thánh thiện.

Những dấu hiệu cho thấy Vương Quốc này trị đến thì nhiều, và tất cả đều có tính cách tích cực. Chúa Giêsu khởi sự thừa tác vụ của Người bằng việc chăm sóc bệnh nhân, cả nơi thân xác, hay ở trong linh hồn của những ai cảm thấy bị xã hội loại trừ - như người bị phong cùi - của các tội nhân bị tất cả mọi người khinh bỉ, cũng như của những ai còn tội lỗi hơn tội nhân mà tỏ ra mình công chính. Chúa Giêsu đã gọi thành phần này là gì? "Bọn giả hình". Chính Chúa Giêsu vạch ra cho thấy những dấu hiệu ấy, những dấu hiệu của Vương Quốc Thiên Chúa: "kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ phong được sạch, người điếc nghe thấy, kẻ chết sống lại và người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng" (Mathêu 11:5).

"Nước Cha trị đến!" là ước nguyện được Kitô hữu chú trọng lập lại khi họ cầu Kinh "Lạy Cha". Chúa Giêsu đã đến, thế nhưng thế giới này vẫn còn đậm sâu tội lỗi, vẫn còn cứ trú bởi rất nhiều người đau khổ, bởi những con người không tự hòa giải và tha thứ, bởi các thứ chiến tranh và bởi rất nhiều hình thức khai thác. Chúng ta nghĩ đến nạn buôn bán trẻ em chẳng hạn. Tất cả những sự kiện ấy cho thấy rằng cuộc vinh thắng của Chúa Kitô vẫn chưa hoàn toàn được ứng dụng, ở chỗ rất nhiều con người nam nữ vẫn sống với cõi lòng khép kín. Chính trong những hoàn cảnh ấy mà ước nguyện của Kinh "Lạy Cha" xuất phát từ môi miệng của Kitô hữu: "Nước Cha trị đến!" Như thể nói rằng: "Lạy Cha, chúng con cần đến Cha! Lạy Chúa Giêsu, chúng con cần Chúa là Chúa ở giữa chúng con ở mọi nơi và cho đến muôn đời!" "Nước Cha trị đến, khi Chúa ở giữa chúng con".

Đôi khi chúng ta tự vấn rằng tại sao Vương Quốc này được hiện thực quá chậm chạp như vậy? Chúa Giêsu muốn nói về cuộc vinh thắng của Người bằng ngôn từ của các dụ ngôn. Chẳng hạn, Người nói rằng Nước Thiên Chúa giống như một thửa ruộng, nơi có cả hạt giống tốt lẫn cỏ lùng mọc chung với nhau: Cái sai lầm nhất đó là muốn ra tay ngay lập tức trong việc tuyệt trừ đi khỏi thế gian này những ai dường như là thành phần cỏ lùng đối với chúng ta. Thiên Chúa lại không giống như chúng ta; Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại. Vương Quốc này không được thiết lập trên thế gian này bằng bạo lực: Kiểu cách truyền bá của Ngài là tính chất hiền lành (xem Mathêu 13:24-30).

Vương Quốc của Thiên Chúa thật sự là một quyền lực cả thể, một quyền lực lớn nhất, thế nhưng, lại không theo tiêu chuẩn của thế gian; đó là lý do nó dường như chẳng bao giờ đạt được tình trạng đa số tuyệt đối. Nó như men được vùi trong bột: nó dường như biến mất, nhưng nó lại chính là những gì làm cho bột phồng lên (xem Mathêu 13:33). Hay nó như một hạt cải, quá bé mọn, hầu như vô hình, thế nhưng lại chất chứa một năng lực bừng nở, và một khi tăng trưởng thì trở thành lớn nhất trong các cây trong vườn rau (xem Mathêu 13:31-32).

Nơi "cái căn tính" này của Vương Quốc Thiên Chúa, chúng ta có thể trực giác thấy có liên hệ với đời sống của Chúa Giêsu, ở chỗ, đối với những người đường thời của mình thì Người là một dấu hiệu yếu kém, một biến cố hầu như không được biết đến đối với các sử gia chính thức của thời ấy. Người đã diễn tả Người như là "một hạt lúa miến", mục nát đi trong lòng đất, thế nhưng chỉ nhờ như vậy mà nó mới có thể sinh "nhiều hoa trái" (xem Gioan 12:24). Biểu hiệu hạt giống này là những gì hùng hồn, ở chỗ, một ngày kia người nông gia vùi nó xuống lòng đất (một cử chỉ như thể chôn táng). Thế rồi nông gia này "ngủ hay thức, đêm hay ngày, thì hạt giống này cứ nẩy mầm và lớn lên, ông ta chẳng cần biết ra sao" (Marco 4:27). Một hạt giống nẩy mầm là công việc của Thiên Chúa hơn là công việc của con người gieo nó (xem Marco 4:27). Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta; Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta bỡ ngỡ. Nhờ Ngài, sau đêm Thứ Sáu Tuần Thánh mới có rạng đông của Lễ Phục Sinh để có thể chiếu soi niềm hy vọng cho toàn thể thế giới.

"Nước Cha trị đến!" Chúng ta hãy gieo vãi lời này vào giữa tội lỗi của chúng ta và những thất bại của chúng ta. Chúng ta hãy cống hiến lời ấy cho những con người bị thua bại và hàng đầu trước cuộc sống, cho những ai nếm mùi thù hằn ghen ghét hơn là yêu thương, những ai đã sống những ngày tháng vô dụng mà chẳng hiểu lý do tại sao. Chúng ta hãy trao ban nó cho những ai đang chiến đầu cho công lý, cho tất cả những vị tử đạo trong lịch sử, và cho những ai đã tưởng rằng họ chiến đấu mà chẳng được gì và sự dữ đang thống trị thế giới này. Thế rồi chúng ta hãy nghe Kinh "Lạy Cha" trả lời. Nó sẽ lập lại không biết bao nhiêu lần những lời lẽ của niềm hy vọng, niềm hy vọng như Thần Linh đã đóng ấn tín trên toàn bộ Sách Thánh: "Ta chắc chắn sẽ đến sớm". Đó là câu trả lời của Chúa. "Ta sớm đến đây". Amen. Và Giáo Hội của Chúa đáp lại: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (xem Khải Huyền 2:20). Nguyện "Nước Cha trị đến" như là nói "Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến". Rồi Chúa Giêsu phán: "Ta đến ngay đây". Chúa Giêsu đến, theo cách thức riêng của Người, nhưng đến hằng ngày. Chúng ta phải tin điều này. Và khi chúng ta cầu Kinh "Lạy Cha", chúng ta luôn nguyện: "Nước Cha trị đến", để nghe thấy trong lòng của mình rằng: "Chắc chắc, chắc chắn là Ta đến ngay đây". Xin cám ơn anh chị em!

 

https://zenit.org/articles/general-audience-pope-reflects-on-thy-kingdom-come-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu  

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - ĐI TU SƯỚNG HAY KHỔ

ĐỜI SỐNG TU TRÌ: SƯỚNG HAY KHỔ?

CHI TRẦN CHUYỂN

 

“Đời sống tu trì, sướng hay khổ?”. Quả thực đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Đa số giáo dân khi nhìn vào những người tu hành thì thốt lên, “Ôi, sướng quá! Tu là cõi phúc, tình là dây oan...”. Còn các đấng các bậc trong đời sống tu trì thì lại than thở rằng: “Không ở trong chăn sao biết chăn có rận!”.

 

 

Thực ra, nhận định, đánh giá đời tu sướng hay khổ, ta không nên dựa vào những cảm nhận chủ quan của con người. Trái lại phải liên hệ tới Lời của Chúa khi Ngài kêu gọi các môn đệ, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9, 23). Từ bỏ mình, vác thập giá liên lỉ trong hành trình theo Chúa, đó chính là mệnh lệnh của ơn gọi tu trì và là điều kiện cho những ai dấn thân làm môn đệ Chúa.

 

Vậy đã rõ, một khi theo Chúa bước vào đời sống tu trì thì không còn vấn đề sướng hay khổ, mà chỉ là thành tâm đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, đồng thời cam kết trung thành với sứ vụ cho đến trọn đời. Đời sống vật chất ở một vài nơi tu hành có thể còn thiếu thốn, cơ cực, nhưng sự hy sinh trong đời sống tận hiến và hạnh phúc được phục vụ Chúa trong mọi người mới chính là vẻ đẹp thánh thiện của người tu hành.

 

Tông huấn Pastores dabo vobis số 22-23 đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: ”Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh mục-Mục Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên” (Nguồn: ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên gp Đàlạt, tháng 02-2009).

 

Có thể nói phương châm của những người tận hiến theo Chúa là phục vụ và phục vụ hết mình. Các linh mục, tu sĩ được Chúa chọn và sai đi, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ con người (x. Mc 10,45). Họ là người của muôn người, được sai đi để làm đầy tớ thiên hạ. Nói là đầy tớ vì họ không được tuyển để làm quan trong thiên hạ (cha mẹ của dân), mà làm kẻ phục vụ người khác. Đúng như cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Càng phục vụ tích cực, càng phải hi sinh hết mình. Càng lo cho người khác, càng chết cho chính mình. Càng yêu mến quan tâm người khác, trái tim càng đau khổ dày vò. Đó chính là thân phận của hạt lúa chôn vùi trong đất.“Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Ga 12, 24).

 

Vậy “sướng” hay “khổ” không phải là giá trị để ta đánh giá đời sống tu trì, trái lại ta có thể dựa vào 3 đặc điểm sau để suy tư:

 

* Cam kết độc thân vì lý tưởng tận hiến

 

Tu sĩ, linh mục tự nguyện sống độc thân để có điều kiện tốt nhất hoàn thành lý tưởng dâng mình cho Chúa và Hội thánh. Họ sống độc thân nhưng không cô độc, lẻ loi, kể cả khi họ sống một mình. Bởi vì, con người của họ vừa là người của cầu nguyện, vừa là người của công việc. Có những công việc có-tên, nhưng cũng có những công việc không-tên. Có những công việc trong-kế-hoạch, nhưng cũng có nhiều công việc ngoài-kế-hoạch. Có những công việc dài-hơi, nhưng cũng có hàng tá công việc đột-xuất ...

 

Chẳng hạn, nhìn vào thực tế ta có thể thấy một ngày sống của linh mục thật tất bật. Nếu là cha xứ thì chắc hẳn lịch làm việc và sinh hoạt của ngài dầy đặc công việc. Sáng, chiều dâng thánh lễ, ngồi tòa, soạn bài giảng, dạy giáo lý, đọc kinh nguyện, suy gẫm, họp hành, công tác mục vụ thường xuyên, định kỳ, đột xuất...đó là chưa kể việc đi kẻ liệt, thăm viếng mục vụ, tiếp khách, đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, lao động và giải trí vv.

 

Mặc dù tu sĩ, linh mục sống độc thân, không có gia đình riêng tư, nhưng họ có cộng đoàn là đại gia đình nơi mà họ sống, sinh hoạt và được sai đến. Họ sống độc thân không phải là tìm sự an nhàn sung sướng cho bản thân, cũng không cảm thấy thiếu thốn tình cảm này nọ, nhưng là tìm thấy hạnh phúc của người cho đi, ban phát, dâng hiến. Đức Ki-tô Mục Tử luôn luôn hiện diện trong trái tim của họ để cùng với họ trao ban và yêu mến. Cộng đoàn cũng luôn ở trong tâm trí, lòng dạ của họ để cùng nhau đồng hành, chia vui sẻ buồn, cùng gánh vác công việc của Chúa. Chúng ta biết rằng, trong liên đới và hiệp thông không có chỗ cho sự cô đơn và lẻ loi. Khi tình yêu Chúa và lòng mến tha nhân là sức mạnh chiến thắng tất cả thì đời tu dù sướng hay khổ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa...    

 

* Chấp nhận sống nghèo vì ơn gọi phục vụ

 

Có thể nói các tu sĩ, linh mục không bao giờ sướng vì giàu có và khổ vì nghèo túng. Bởi vì đối với họ, sống nghèo là điều quan trọng. Sống nghèo là một chọn lựa vừa nhân bản vừa đạo đức. Nếu họ giàu có, thì tiền bạc và của cải vật chất là để phục vụ chứ không phải để sống an nhàn, sung túc, vô lo. Dù sao trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các linh mục, tu sĩ cũng được mời gọi để làm chứng nhân cho đức khó nghèo Ki-tô giáo.

 

ĐGM GB. Bùi Tuần (gp Long Xuyên), trong tập “Truyền giáo”, tài liệu tĩnh tâm các LM TGp TPHCM năm 1990 đã viết: “Khi Chúa Giê-su sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo, tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ ra đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo cả về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm thánh giá cứu độ và tám mối phúc thật là những điều quan trọng của Lời Chúa”.

 

Vậy thì khi dấn thân theo ơn gọi làm linh mục, tu sĩ, người môn đệ của Chúa tự nguyện chấp nhận sống nghèo, xem như đó là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi tận hiến, như ý Chúa muốn và như Hội thánh mong đợi. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo” (Nguồn Internet). Ngoài các Ki-tô hữu nói chung, thì thành phần nòng cốt các linh, tu sĩ nói riêng, là những nhân tố cần thiết giúp xây dựng và củng cố một Hội thánh nghèo và chính họ cũng trở thành nơi nương tựa bám víu của những người nghèo hèn khốn khổ trong xã hội…

 

Có thể nói, tu sĩ, linh mục là những người được sai đến với người nghèo và vì người nghèo. Nhiều giáo dân phàn nàn về việc linh mục (nào đó) hay lui tới, đi lại quan hệ mật thiết với người giàu có, sang trọng. Những người nghèo dần dần xa tránh chủ chăn của mình vì mang mặc cảm giàu nghèo.  ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc nhở các mục tử: “Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng” (Nguồn: Internet). Và chúng ta cũng không quên câu nói nổi tiếng của ngài, như sau: “Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình ‘mùi của chiên’ ” (Nguồn: Internet).

 

Trong bài “Linh mục và của cải trần gian”, LM Đỗ Xuân Quế O.P đã chia sẻ như sau: “Thật vậy, trong các đòi hỏi phải từ bỏ của Chúa Giê-su đưa ra cho các Tông Đồ, có một đòi hỏi về vật chất, đặc biệt là tiền của (Mc 10,21; Lc, 18,22). Đó cũng là một đòi hỏi được gửi đến mọi Ki-tô hữu theo tinh thần nghèo khó, nghĩa là gỡ lòng mình cho khỏi dính bén của cải để có thể thanh thản phụng thờ Chúa và quảng đại phục vụ tha nhân. Nghèo khó là một hình thức cam kết dựa vào lòng tin vào Chúa Giê-su và lòng mến dành cho Người. Hình thức này đòi phải có sự thực tập, một sự từ bỏ của cải tương ứng với đời sống và bậc đời của mỗi người theo ơn gọi Ki-tô hữu, với tư cách riêng của mỗi cá nhân hay chung của một cộng đoàn thánh hiến. Tinh thần nghèo khó có giá trị đối với mọi người. Mỗi người phải thực hiện theo cách nào đó cho phù hợp với Tin Mừng” (Nguồn: VietCatholic News 13-5-2014).

 

ĐTC Phanxicô trong buổi gặp gỡ đại diện các Dòng tu tại Đại hội Công Nghị Quốc Tế ngày 4-5-2018, đã phát biểu: “Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay” (Nguồn: trungtammucvudcct.com).

 

* Sẵn sàng ra đi vì sứ mệnh tông đồ

 

Có thể nói tu sĩ, linh mục mang trong mình căn tính của người-được-sai-đi. Họ thực thi sứ mệnh tông đồ như lời Chúa truyền dạy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Gio 15,16).

 

Người ta có thể hình dung cuộc sống của linh mục như những người lang thang du mục, có điểm đến nhưng cũng có điểm đi. Không cắm chặng ở một nơi chốn nào cố định. Sau ngày vinh thăng chịu chức là vài năm làm phó xứ ở một nơi, rồi vài năm sau đến làm chính xứ ở một nơi, rồi vài năm sau nữa đổi đi xứ khác...cứ thế cho đến ngày trở về nhà hưu dưỡng, chờ lúc ra đi vĩnh viễn để về Nhà Cha. Linh mục xây nhà thờ nhà xứ nhưng không xây nhà cho riêng mình, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt và hãn hữu mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng đã mang thân phận vô-gia-cư này: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

 

ĐTC Phan-xi-cô cũng đã nhắc nhở hàng giáo phẩm và giáo sĩ như sau:

 

“Giám mục và linh mục không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân!”;

 

“Giám mục và linh mục hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa”.

 

Những lời trên của ĐTC Phan-xi-cô giúp ta xác tín rằng đời tu không phải là một nghề để tìm sự an vui cá nhân, khép kín trong trong một hoàn cảnh sống riêng tư, biệt lập, trái lại là một dấn thân mang đầy ý nghĩa của Tin Mừng. Có thể nói, tu sĩ, linh mục là con người “vô gia cư, vô nghề nghiệp” và họ luôn chấp nhận mất hút trong cánh đồng truyền giáo bao la, mịt mù. Vì “đồng lúa thì bao la mà thợ gặt thì ít ỏi”. Một khi đã trung thành sống ơn gọi của mình, họ là những anh hùng, dù là anh hùng vô danh tiểu tốt.

 

Tóm lại, đi tu không phải là tìm sự sung sướng cho bản thân, cũng không hẳn phải là liều mình lao vào chỗ khổ cực, mà là đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, dấn thân phục vụ ở bất kỳ nơi nào cần đến. Nếu phải chấp nhận đời sống nghèo theo tinh thần của Tin Mừng Ki-tô giáo, thì các linh mục tu sĩ sẽ an tâm sống cuộc đời hiến tế của mình theo gương thầy chí thánh Giê-su. Cái lo của họ chắc chắn sẽ không hướng hoàn toàn về việc phải ăn gì, uống gì, mặc gì, nhà cửa ra sao...(x. Mt 6,25-34), trái lại, mối bận tâm chính của họ chính là cố gắng trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cố gắng để trở thành con người sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Và đòi hỏi chính yếu luôn đặt ra cho người theo Chúa, đó là: tinh thần từ bỏ và tinh thần khó nghèo, như lời Ngài đã chỉ dạy: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24); và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy.” (Lc 14,33)./.

 

Aug. Trần Cao Khải

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - QUÀ CỦA SỰ KHÔN NGOAN

QUÀ TẶNG CỦA SỰ KHÔN NGOAN

 

Thiên Chúa, Đấng trao ban món quà là khôn ngoan,

Và tôi là kẻ kiếm tìm.

 

Ai là kẻ kiếm tìm?  Đó là kẻ thành tâm khao khát được biết, được triển nở, và được dư đầy.  Và tôi, tôi đang tìm kiếm điều gì?  Điều cao quí nhất tôi đang tìm là sự KHÔN NGOAN.  Khôn ngoan là dạng thức cao nhất của tri thức, vốn được nảy sinh không chỉ từ trí năng, nhưng còn từ kinh nghiệm sâu xa của con người.  Mẫu thức cao nhất của tri thức là chính THIÊN CHÚA.

 

Vua Salômôn yêu mến sự khôn ngoan.  Ông diễn tả sự khôn ngoan như sau:

 

Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quí và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm…  Đức Khôn Ngoan đã được truyền thụ những hiểu biết về Thiên Chúa, và chính Đức Khôn Ngoan quyết định về những công trình của Người (Kn 8: 2-4).

 

Ngay lúc này, tôi có đang kiếm tìm THIÊN CHÚA trong đời sống của tôi chăng?  Nếu tôi tìm kiếm Thiên Chúa, Ngài sẽ tìm thấy tôi (không phải tôi tìm được Ngài).  Và đó là một huyền nhiệm.  Ngài đã ban cho tôi sự khôn ngoan.  Và sự khôn ngoan, một món quà đặc biệt, được thông ban qua những cơ hội, những kinh nghiệm, và thậm chí qua cả những lỗi lầm, thiếu sót.  Món quà khôn ngoan đặc trưng ở chỗ nó chỉ xuất hiện khi tôi nhận ra bài học từ những lỗi lầm, thất bại, hay khi nhận ra một cơ hội nào đó đang được trao cho tôi, hay khi tôi nhận ra một biến cố trong đời khiến tôi phải tiến tới với thái độ phản tỉnh sâu sắc hơn.

 

Chúng ta đang sống trong thời đại “bùng nổ thông tin” – có quá nhiều thông tin đến nỗi chúng ta không biết phải chọn cái nào cho hợp lẽ.  Cùng với chuyện mạng Internet trở nên thứ nằm trong tầm tay mỗi người, thì một cuộc cách mạng công nghệ thông tin gần đây đã làm đổi thay cả địa cầu.  Nhiều người thừa nhận rằng trẻ em trong thời đại của chúng ta “am hiểu” nhiều hơn cả người lớn.  Thế nhưng, có thể nói được rằng sự KHÔN NGOAN đang dần biến mất trong một viễn ảnh như thế – cũng chẳng khác gì việc nhiều loại ngôn ngữ và chữ viết đang dần biến mất trên đất nước này (tác giả đang muốn nói về đất nước Ấn Độ)!  Phàm ai là cha mẹ, người ấy hiển nhiên cần sự khôn ngoan.  Điều mà bằng bất cứ giá nào cha mẹ cần hướng đến chính là một tương lai rạng ngời cho con cái.

 

Chúng ta đang hướng con cái đến một tương lai tốt đẹp trong khi chúng ta (những người lớn) lại hành động cách vô trách nghiệm đối với những nguồn tài nguyên mà những người trưởng thành của tương lai cần đến!!!  Người ta bận tâm, lo lắng nhiều cho hiện tại, nhưng hầu như chẳng làm gì để đảm bảo một tương lai tốt đẹp.  Những giá trị đạo đức và cảm thức nhân loại dường như bị hạ thấp và nhấn chìm trong một thế giới cạnh tranh “khốc liệt.”  Những ai được xem là khôn ngoan thì đã quyết không tham gia vào cuộc chạy đua điên khùng này.

 

Có một sự giảm trừ đáng kể về mối quan tâm đến sự khôn ngoan.  Chúng ta cần trở nên những kẻ kiếm tìm và chỉ qua đó, chúng ta mới có thể trở nên tương hợp với sự khôn ngoan.  Kẻ kiếm tìm không thuộc loại người chỉ biết vun vén cho mình.  Kẻ ấy nỗ lực không ngừng hầu đặt mình trong tâm thế tìm kiếm Thiên Chúa, đấng ban phát sự khôn ngoan.

 

Có hai vấn đề ngày nay chúng ta phải đối diện trong việc tìm kiếm Thiên Chúa:

 

Những sao nhãng

Khi tâm trí trở nên yếu đuối, chúng ta dễ dàng bị sao nhãng.  Thế giới bên ngoài thực là quyến rũ và thu hút, chính vì vậy chúng ta đôi khi trở nên gắn bó với thế giới ấy, mà chẳng có một nỗ lực gì để nhận ra.  Tâm trí chúng ta xem đó là điều tốt và vì vậy cứ bám chặt lấy nó.  Ngay cả những lo âu cũng là một sự gắn bó hay một sự quyến luyến tồn tại trong ta!  Đó là một sự gắn bó với điều vốn bao trùm lên cả cái người ta chỉ có thể làm chủ một phần, và cả cái mà người ta không điều khiển được chút nào.

 

Tình trạng bão hòa

 

“Tôi biết đủ rồi,” “tôi đã học đủ rồi,” hay “Thiên Chúa đã nghe lời tôi cầu xin rồi,” hay “tôi và Chúa đã có một tương quan gần gũi vừa đủ rồi!” – tất cả những thái độ như thế chỉ cho thấy rằng đang có tình trạng bão hòa nào đó khởi đi từ sự nhàm chán hay một cảm giác dư thừa.  Tình trạng bão hòa như thế cũng có thể đến từ lý do tuổi tác.  Khá thường xuyên, chúng ta nghĩ rằng bởi vì đến độ tuổi nào đó, chúng ta biết được về nhiều thứ rồi, hoặc đã đạt được một vị trí nào đó rồi, nên chúng ta có thể khẳng quyết những am hiểu và cả sự khôn ngoan, ngay cả đối với những chủ đề chúng ta không biết rõ.  Với cả cái bão hòa đến từ sự nhàm chán và lý do tuổi tác, chúng ta sẽ ngừng lại trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.

 

Tôi có đang tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng ban cho tôi quà tặng sự khôn ngoan, hay chẳng còn ham hở kiếm tìm Ngài nữa rồi?

 

Kinh Thánh nói

Thánh Vịnh 111:10

Kẻ kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.  Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.  Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Ngài.

 

Gia-cô-bê 1:5

Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho.  Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.

 

Châm Ngôn 16:16

Được khôn ngoan tốt hơn được vàng, được hiểu biết tốt hơn được bạc.

 

Đa-ni-en 2:23

Lạy Ngài là Chúa của tổ tiên chúng con, con cảm tạ và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã cho con sự khôn ngoan và sức mạnh.  Và giờ đây, Ngài đã cho con biết chuyện của nhà vua.

 

Người ta nói

“Đời sống là quà tặng của tự nhiên, nhưng sống đẹp là quà tặng của sự khôn ngoan.” – Greek Adage

 

“Khôn ngoan là hồng ân đặc biệt vốn cho phép con người có khả năng nhìn mọi sự với cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa.  Một cách mộc mạc và đơn sơ, khôn ngoan là chiêm ngắm những cảnh huống, những những tình thế, những vấn nạn, và mọi sự thuộc về thế giới dưới ánh nhìn của Thiên Chúa.  Khôn ngoan là thế đó.  Chúng ta thường nhìn điều này điều nọ theo cách chúng ta muốn hay theo con tim nhân loại vốn gắn liền với cả những thiện cảm và ác cảm, với cả những đố kỵ, ghen tương.  Không!  Đó không phải là ánh mắt của Thiên Chúa.  Khôn ngoan là chính hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta, và nhờ đó mỗi người có thể nhìn mọi sự dưới ánh nhìn của Thiên Chúa.  Và đó chính là món quà sự khôn ngoan.” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

 

“Biết mình là căn nguyên của mọi lẽ khôn ngoan.” – Aristotle

“Ta khả dĩ học được điều khôn trong ba cách này: Thứ nhất là qua việc suy tư phản tỉnh, vốn được xem là cao quí nhất; Thứ hai là noi gương bắt chước, cách này xem ra là dễ nhất.  Và thứ ba là qua kinh nghiệm, ở cách này, người ta sẽ phải nếm vị đắng cay nhất.” – Khổng Tử

 

Robin Seelan, S.J. - Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.

Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 26-31.

 

Khon ngoan.jpg