24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CỬA HẸP LÀ GÌ?

CN 21C : Cửa hẹp là gì ? và Cửa hẹp không là gì ?

Có một cảnh tương phản ngồ ngộ xảy ra cách đây hơn 30 năm, trong thời kỳ còn bao cấp, là thời kỳ hạn chế du nhập văn hoá từ các nước “tư bản”. Lúc đó người ta cho chiếu bộ phim tình cảm Liên Xô với tựa đề “Cánh cửa mở rộng”. Mua được một chiếc vé đã là gây cấn rồi : nào là chờ chực, xếp hàng, nào là chen lấn, đẩy xô…

Nhưng khi có vé rồi mà vào cửa thì cũng không dễ gì ! Tựa phim là “Cánh cửa mở rộng”, nhưng cánh cửa sắt của rạp không chịu mở rộng, mà chỉ hé mở một chút vừa đủ cho một người đi nghiêng qua để kiểm soát vé cho dễ. Quả là một cảnh tượng tương phản thú vị : chen nhau đi vào cửa hẹp để xem “Cánh cửa mở rộng !”

Cách đây nhiều năm lại có cảnh tương phản khác : cả ngàn học sinh chen chúc nhau để mua cho được một bộ đơn xin dự thi vào Đại Học Mở ở đường Võ Văn Tần, Saigon mà không được. Bộ hồ sơ dự thi đã hết. Báo chí đặt tựa đề cho cảnh này là : “Cánh cửa Đại Học Mở đã đóng”.

Vậy thì khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nhà Cha có nhiều chỗ lắm, (chứa bao nhiêu cũng không chật), mà sao hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại nói : Hãy đi qua cửa hẹp mà vào. Phải chăng vì Nước Trời ít chỗ, cần hạn chế : Có một cái tương phản nào đó trong tư tưởng của Chúa chăng ? Chắc chắn ta phải tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì qua hình ảnh “Cửa hẹp”. Cửa hẹp là gì ? Và Cửa hẹp không là cửa gì ?

1. Cửa hẹp không phải là :

-Nơi bán vé : Trước khi đi vào rạp xem chiếu phim, trước khi vào sân vận động xem đá bóng, trước khi lên xe, người ta thường xếp hàng, thò tay vào một ô cửa hẹp để mua vé. Tùy sức chứa của rạp, của sân, của xe, mà người ta bán một số vé tương đương với sức chứa.

Sức chứa của Nước Trời thì vô tận, nên không cần phải có ô cửa hẹp để bán vé. Ta cũng không cần phải hỏi xem Nước Trời có bao nhiêu chỗ để liệu mà tìm cách mua vé vào, như đi xe ta thường hỏi xem xe bao nhiêu chỗ 4-12-15-20 chỗ…

Sở dĩ Chúa nhắc đến cửa hẹp là nhằm trả lời cho câu hỏi của một số người : “Thưa Thầy, phải chăng những người được cứu thì ít lắm phải không ? (những người vào Nước Trời thì ít ?)

Chúa không trả lời “phải, ít lắm” để rồi ta thất vọng khi nghĩ rằng chắc mình lọt sổ thôi. Chúa cũng không trả lời “nhiều lắm,” để rồi ta buông thả vì nghĩ rằng thế nào mình cũng thuộc số người được cứu.

Những người hỏi con số : số ghế số chỗ trong Nước Trời là những người không biết ất giáp gì về Nước Chúa, bởi lẽ Nước Trời đâu phải là quota, là hạn ngạch, định mức, là sức chứa, số ghế. Cứ đi vào cửa hẹp là đến Nước Trời. Nhưng cửa hẹp không phải là nơi bán vé vào Nước Trời, thì cửa hẹp cũng không phải là nơi soát vé.

-Nơi soát vé : Cũng có rất nhiều người trong chúng ta, hiện nay, vẫn nghĩ rằng mình đã nắm trong tay được vé vào Cửa Trời. Xin thưa ngay: Cửa trời không có lối đi hẹp để soát vé đâu. Những chiếc vé mà ta nghĩ rằng thánh Phêrô, kẻ giữ cửa sẽ hỏi, ta có trong tay, như : chứng chỉ Rửa tội, Thêm sức, có dấu đỏ, dấu nổi đàng hoàng… ; tờ Phép Lành Toà Thánh mà nhiều gia đình có với lời ghi chú xưa “là bảo đảm cho phần rỗi đời đời” ; Rước lễ 5 ngày thứ bảy đầu tháng với lời hứa của Đức Mẹ, 9 ngày thứ sáu đầu tháng với lời hứa của Thánh Tâm ; lại còn chuỗi Thương Xót hằng ngày… Đã ba lần bảy lượt lãnh được ơn toàn xá khi làm việc này việc nọ, khi hành hương chỗ này chỗ kia; những chiếc vé đó tốt, nhưng nên nhớ không có cửa hẹp để soát vé đó đâu, để rồi mình ỷ y như khi mua được vé xe lửa, vé xem phim, vé tàu bay là an tâm, đến giờ ta chìa vé ra để vào.

Cửa hẹp cũng chẳng phải là nơi ta chìa ra tờ lý lịch trong sạch ba đời, dòng dõi các thánh tử đạo vẻ vang… ; hay lá thư tay của những ô dù ông cha này, giám mục nọ ở trong dòng họ để rồi được cho qua. Vậy cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói ở đây là gì ?

2. Cửa hẹp là gì ?

   Xin được lấy lại cảnh tương phản về bộ phim “Cánh cửa mở rộng” nói trong mở đề để gọi Cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói ở đây là “Cửa mở rộng.” Mở rộng tức là mở luôn luôn, mở cho mọi người. Cửa hẹp không phải là nơi để hạn chế : hạn chế thời gian (mở buổi sáng, đóng buổi chiều ; hạn chế con số (1 tỉ rưỡi thôi nhé !) ; hạn chế tầng lớp (người nghèo mới được vào)... Không phải ! Cửa hẹp là cửa mở rộng. Ai muốn vào cũng được. Vào giờ nào cũng được. Điều kiện duy nhất của nó là vì nó hẹp, nên muốn vào phải bỏ lại những hành trang cồng kềnh.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là tội lỗi của chúng ta. Ta không bỏ lại ta không vào được cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là những thú vui trần gian. Ta không biết từ bỏ, ta không lách qua được cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là lòng tham danh lợi lộc. Ta không từ bỏ, ta không chui lọt qua khung cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là những mối thù nặng nhẹ với anh chị em trong nhà hay ngoài mái ấm gia đình. Ta không từ bỏ, khi đi qua cửa hẹp, sẽ bị vướng mắc, như chiếc áo rộng dính vào ốc này vít kia của cánh cửa hẹp, khiến ta không thể dễ dàng đi qua được trơn tru.

Có hai người lính trẻ đang nói chuyện với nhau về việc tin theo Chúa Kitô. Một người nói: “Tôi không thể nói hết cho anh biết, tin theo Chúa Kitô thì quí giá biết ngần nào.” Người kia đáp: “Tôi cũng nghĩ đến đó, nhưng tôi thấy tin theo Ngài thì phải từ bỏ nhiều quá. Quả thật tôi đang tính toán đây.” Một sĩ quan đi ngang, nghe vậy, đặt tay trên vai người lính trẻ vừa nói câu trên, mà rằng : “Anh ơi, anh tính giá của sự tin theo Chúa Kitô sao ? Thế anh có bao giờ tính giá phải trả khi không tin Chúa Giêsu  không ?…

Thánh Phaolô đã tính giúp chúng ta trong Pl 3, 8-9 : “Tôi coi tất cả mọi sự là thua lỗ, bất lợi cả, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu, Chúa tôi, vì Người tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”

Theo Chúa vào Nước Trời là phải đi qua cửa hẹp. Cửa hẹp không phải là nơi bán vé, nơi soát vé, nhưng cửa hẹp là cửa luôn mở mọi lúc, mở với mọi người, miễn là ta biết từ bỏ hành trang cồng kềnh.

Trong lời hứa Rửa tội, Giáo Hội bắt chúng ta tuyên hứa từ bỏ trước khi tuyên xưng tin, thì hãy từ bỏ những hành trang cồng kềnh… để ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Chúa chúng ta qua Kinh Tin Kính. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

 

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - KHAC BIỆT CÁC TÔN GIÁO

XIN NÓI LẠI  NHỮNG KHÁC BIỆT CĂN BẢN GIỮA CÔNG GIÁO, CHÍNH THỐNG GIÁO, ANH GIÁO VÀ TIN LÀNH

Hỏi:

Trong bài trước cha đã nói  đến các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều mặt thần học, tín lý, giáo lý, bí tích,  phụng vụ .v.v

Xin cha nói rõ hơn về những khác biệt này giữa Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo và Tin Lành.

Trả lời:

Như đã giải thích trong bài trước, Đạo Thánh  của Chúa Kitô  và Giáo Hội duy nhất  của Chúa xây trên Đá Tảng Phểrô,qua thời gian,   đã bị rạn nứt hay ly giáo ( schisms) phân chia thành  ba Nhánh Kitô Giáo là Công Giáo Roma (The Roman Catholicism )  , Chính Thống Giáo Đông Phương ( Eatern Orthodox Churches)  và Tin Lành ( Protestantism).Đây là hậu quả của những cuộc cải cách tôn giáo xảy ra vào thế kỷ XVI ở Tây Phương trên đây, từ đầu,  đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là KitôGiáo (Christianity). Nhưng theo dòng thời gian,  đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo (schisms) trong Giáo Hội nói chung.

Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo ( Anglican Communion) do vua Henri VIII (1491-1547) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho Nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh La Mã ( Đức Giáo Hoàng Clement VII) không chấp nhận cho nhà vua ly di để lấy vợ khác.

Cho đến nay, các nhóm ly khai trên vẫn chưa hiệp thông được với Giáo Hội Công Giáo vì còn nhiều trở ngại chưa vượt qua được.. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giới hạn trong câu hỏi được đặt ra, tôi chỉ xin nên sau đây những dị biệt căn bản giữa bốn Nhánh Kitô Gíáo lớn trên đây mà thôi.

  I-Chính Thống  (orthodoxy) khác biệt với Công Gíáo La Mã ( Roman Catholicism) ra sao?

Trước hết, danh xưng Chính Thống "Orthodoxy", theo ngữ căn (etymology) Hy lạp " orthos doxa", có nghĩa là  "ca ngợi đúng (right-praise), "tin tưởng đúng " ( right belief) . Danh xưng này được dùng trước tiên để chỉ lập trường của các giáo đoàn Kitô đã tham dự các Công Đồng đại kết (Ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và nhất là Chalcedon (451) trong đó họ đã đồng thanh chấp thuận và đề cao những giáo lý được coi là chân chính( sound doctrines) , tinh tuyền của KitôGíáo để chống lại những gì bị coi là tà thuyết hay lạc giáo (heresy).Do đó,trong bối cảnh này, từ ngữ  "orthodoxy" được dùng để đối nghịch với từ ngữ " heresy" có nghĩa là tà thuyết hay lạc giáo.

 Nhưng  sau biến cố năm 1054 khi hai Giáo Hội  Kitô Giáo Hy Lạp ở Constantinople ( tượng trưng cho Đông Phương) và Giáo Hội Công Giáo LaMã ( Tây Phương) đã xung đột và ra vạ tuyệt thông cho nhau ( anthemas=excommunications) ngày 16 tháng 7 năm 1054  giữa Michael Cerularius, Thượng Phụ Constantinople và Đức cố Giáo Hoàng Leo IX vì có những bất đồng lớn về tín lý, thần học  và quyền bính, thì  danh xưng "Chính Thống" ( orthodoxy) lại được dùng để chỉ Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople đã tách ra khỏi  hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Sau này, Giáo Hội "Chính Thống" Hy Lạp ở Constantinople đã lan ra các quốc gia trong vùng như Thổ nhĩ Kỳ, Nga, Albania, Estonia, Cyprus, Finland, Latvia,  Lithuania,  Rumania, Bulgaria, Serbia, Ukraine...Vì thế,  ở mỗi quốc gia này cũng có Giáo Hội Chính Thống nhưng độc lập với nhau về mọi phương diện.Nghĩa là không có ai là  người lãnh đạo chung của các Giáo Hội này, mặc dù họ có tên gọi chung là các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) tách khỏi khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã.(Tây Phương)

Tuy nhiên, hiện nay Thượng Phụ ( Patriarch) Giáo Hội Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul  được coi là Thượng Phụ Đại Kết ( Ecumenical Patriarch) của các Giáo Hội Chính thông Đông Phương.Cách nay 6 năm Đức Thánh Cha Bê-nê-đich tô XVI ( đã về hưu năm 2012) đã sang thăm Đức Thượng phụ Giáo Chủ Chính Thống Thổ để tỏ thiện chí muốn đối thoại, đưa đến hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh  em. Riêng Giáo Hội Chính Thống Nga, cho đến nay, vẫn chưa tỏ thiện chí muốn xích gần lại với Giáo Hội Công Giáo La Mã, vì họ cho rằng Công Giáo muốn "lôi kéo" tín đồ Chính Thống  Nga vào Công Giáo sau khi chế độ cộng sản ở Nga tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo Hội Chính Thông Nga hành Đạo. Dầu vậy, một biến cố mới xẩy ra trong năm qua (2016) là Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thông Nga tại MỄ TÂY CƠ (Mexico), nhưng kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử này giữa hai vi lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Nga không được công bố sau đó.Nhưng đây là một dấu chỉ tích cực giữa hai Giáo Hội anh  em muốn hiệp nhất với nhau trong cùng một niềm tin vào Chúa Kitô.

Trước khi xẩy ra cuộc ly giáo năm 1054, hai Nhánh Kitô giáo lớn ở Đông và Tây phương( The Greek Church and the Holy See=Rome)  nói trên vẫn hiệp thông trọn vẹn với nhau về mọi phương diện vì cả hai Giáo Hội anh  em  này đều là kết quả truyền giáo ban đầu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê. Lịch sử truyền giáo cho biết là Thánh Phêrô đã rao giảng Tin mừng ở vùng  đất nay là lãnh địa của Giáo Hội Công Giáo La Mã (Roma) trong khi em ngài, Thánh Anrê (Andrew)  sang phía Đông để rao giảng trước hết ở Hy lạp và sau đó phần đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Như thế, cả hai Giáo Hội KitôGiáo Đông Phương Constantinople và Tây Phương Rôma đều có nguồn gốc Tông đồ thuần túy ( Apostolic succession).

Sau đây là những điểm gây bất đồng khiến đi đến ly giáo (schism) Đông Tây năm 1054.

 1- về tín lý, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương- tiêu biểu ban đầu là  Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople- đã  bất đồng với Giáo Hội Công Giáo La Mã về từ ngữ “ Filioque” ( và Con) thêm vào trong Kinh Tin Kính Nicêa tuyên xưng “Chúa Thánh Thần bởi  Chúa Cha, và Chúa Con mà ra”.

Giáo Hội Chính Thông Đông Phương cũng không công nhận các tín điều về  Đức Mẹ  Vô Nhiễm  Thai (Immaculate Conception) và Lên Trời cả hồn xác (Assumption) mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Sở dĩ thế, vì họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, nên đã bác bỏ mọi tín điều được các Đức Giáo Hoàng công bố  với ơn bất khả ngộ (Infallibility) mà Công Đồng Vaticanô I (1870) đã nhìn nhận.

Chính vì họ không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng Rôma, nên đây là trở ngại lớn nhất cho sự hiệp nhất (unity) giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo cho đến nay, mặc dù hai bên đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử  năm 1966 giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople khi đó là Athenagoras I.

Giáo Hội Chính Thống có đủ bảy bí tích hữu hiệu như Công Giáo. Tuy nhiên, với bí tích rửa tội  thì họ  dùng  nghi thức dìm xuống nước (immersion) 3 lần để nhấn mạnh ý nghĩa tái sinh vào đời sống mới, trong khi Giáo Hội Công Giáo chỉ dùng nước đổ trên đầu hay trán của người được rửa tội để vừa chỉ sự tẩy sạch tội nguyên tổ và các tội cá nhân ( đối với người tân tòng) và tái sinh vào sự sống mới, mặc lấy Chúa Kitô.

Chính vì Giáo Hội Chính Thống có đủ các bí tích hữu hiệu như Công Giáo, nên giáo dân Công Giáo được phép tham dự Thánh lễ và lãnh các bí tích hòa giải và sức dầu của Chính Thống nếu không tìm được nhà thờ Công Giáo hay linh mục Công giáo khi cần..

2-Về phụng vụ, Giáo Hội Chính Thống dùng bánh có men (leavened bread) và ngôn ngữ Hy lạp  khi cử hành phung vụ  trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) và tiếng Latinh trong phụng vụ thánh trước Công Đồng Vaticanô II, và nay là các ngôn ngữ của mọi tín hữu thuộc  mọi nền văn hóa, chủng tộc khác nhau, trong đó có tiếng Viêt Nam.

3-Sau hết, về mặt kỷ luật giáo sĩ:  các Giáo Hội Chính Thông cho phép các phó tế và linh muc được kết hôn trừ Giám mục, trong khi kỷ luật độc thân (celibacy) lại  được áp dụng cho mọi cấp bậc trong hàng giáo sĩ và tu sĩ Công Giáo, trừ phó tế vĩnh viễn (permanent deacons).

Đó là những khác biệt căn bản giữa Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo La Mã cho đến nay.

Tuy nhiên, dù có những khác biệt và khó khăn trên đây, Giáo hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đều rất gần nhau về nguồn gốc tông đồ và về nền tảng đức tin, giáo lý, bí tích và Kinh thánh. Vì thế,  giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng: “Đối với các Giáo Hội Chính thống, sự hiệp thông này sâu xa đến nỗi “chỉ còn thiếu một chút là đạt được mức đầy đủ để có thể cho phép cử hành chung phép Thánh Thể của Chúa Kitô” (x.SGLGHCG, số 838).

Vì Chính Thống Giáo có đủ bảy bí tích hữu hiệu, nên giáo dân Công Giáo được phép tham dự Thánh Lễ và lãnh các bí tích hòa giải và sức dầu ở  nhà thờ và các linh mục Chính Thống, nếu không tìm được nhà thờ và linh mục Công Giáo nơi mình cư ngụ.

II- Tin lành ( Protestantism)Anh Giáo ( Anglican Communion) và những khác biệt với Công Giáo.

Như đã nói trong bài trước, Tin lành, nói chung, là Nhánh KitôGíáo đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một linh mục Dòng thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517 tại Đức và lan sang Pháp với John Calvin và Thụy sỹ với Ulrich Zwingli  và các nước Bắc Âu sau đó.Hiện nay có hàng chục ngàn giáo phái này ở Mỹ, hoạt động với nhiều danh xưng khác nhau, nhưng cùng ít nhiều có liên hệ đến nguồn gốc thệ phản ( protestantism)nói trên. Một đặc điểm của các giáo phải Tin Lành là họ không có hệ thống giáo quyền ( Hierachy) chung như Giáo Hội Công Giáo có hàng giáo phẩm tối cao từ trung ương Roma cho đến các giáo hội địa phương ở mỗi quốc gia.Các nhánh Tin Lành hầu như độc lập với nhau về quyền bính, nhân sự, tài chính  và phương thức hành đạo.

 1-Ở góc độ thần học,

Những người chủ trương cải cách (reformations) trên đã hoàn toàn bác bỏ mọi nền tảng thần học về bí tích và cơ cấu tổ chức giáo quyền (Hierachy) của Giáo Hội Công Giáo. Họ chống lại vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc hòa giải con người với Thiên Chúa qua bí tích tha tội hay hòa giải (reconciliation) vì họ không nhìn nhận bí tích truyền chức thánh (Holy Orders) qua đó Giám mục, Linh mục được truyền chức thánh và có quyền tha tội nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) cũng như thi hành mọi sứ vụ (ministry) thiêng liêng khác. (rửa tội, thêm sức, thánh thể,  Xức dầu thánh, chứng hôn).

Điểm căn bản trong nền thần học của Tin Lành là con người đã bị tội tổ tông phá hủy mọi khả năng hành thiện rồi (làm việc lành), nên mọi nỗ lực cá nhân để được cứu rỗi đều vô ích và vô giá trị.Do đó, chỉ cần tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô dựa trên Kinh Thánh là được cứu rỗi mà thôi. (Sola fide, sola scriptura).

Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tin rằng con người vẫn có trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa để được cứu rỗi. Nói khác đi, muốn được cứu độ, con người phải cậy nhờ trước hết vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, nhưng cũng phải có thiện chí công tác với ơn thánh để sống và thực thi những cam kết khi được rửa tội. Nếu không, Chúa không thể cứu ai được như Chúa Giêsu đã nói rõ:

 “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21).

Nói khác đi, không phải rửa tội xong, rồi cứ hát Alleluia và kêu danh Chúa Kitô là được cứu độ. Điều quan trong hơn nữa là phải sống theo đường lối của Chúa, nghĩa là thực thi những cam kết khi được rửa tội: đó là mến Chúa, yêu người và xa lánh tội lỗi. Nếu không, rửa tội và kêu danh Chúa thôi vẫn  ra vô ích.

 Anh em tin lành không chia sẻ quan điển thần học này, nên họ chỉ chú trọng vào việc đọc và giảng Kinh Thánh nhưng không nhấn mạnh đến phần đóng góp của con người như Chúa Giêsu đòi hỏi trên đây. Ngoài phép rửa và Kinh Thánh, họ không tin và công nhận một bí tích nào khác.Điển hình

Là bí tích hòa giải mà các giám mục và linh mục Công Giáo được phép tha tội cho các hối nhân nhân danh Chúa Kito ( in persona Christi).

Lại nữa, vì không công nhận phép Thánh Thể, nên họ không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình  bánh và rượu, mặc dù một số Giáo phái Tin lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho khi họ tụ họp để nghe giảng kinh thánh., Nhưng đó không phải là cử hành Bí Tích Thánh Thể ( Eucharist) như trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương.. Sứ vụ quan trọng của họ chỉ là giảng kinh thánh  vì họ chỉ  tin có Kinh Thánh ( Sola Scriptura) mà thôi.

2-  Nhưng Kinh Thánh được cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của họ, nên có rất nhiều mâu thuẫn hay trái ngược với cách hiểu và cắt nghĩa của Giáo Hội Công Giáo.

Thí dụ, câu Phúc Âm trong Matthêu 22 : 8-9 trong đó Chúa Giêsu dạy các tông đồ “ không được gọi  Ai dưới đất là Cha, là Thầy .”. anh  em Tin Lành  hiểu lời Chúa trong ngữ cảnh (context)  câu trên hoàn toàn theo nghĩa đen (literal meaning) nên đã chỉ trích Giáo Hội Công Giáo là ‘lạc giáo=heretical” vì đã cho gọi Linh mục là “ Cha” (Father, Père, Padre)!.

Thật ra, Giáo Hội cho phép gọi như vậy, vì căn cứ vào giáo lý của Thánh Phaolô, và dựa vào giáo lý này,  Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium đã dạy rằng; “ Linh mục phải chăm sóc giáo dân như những người cha trong Chúa Kitô  vì đã sinh  ra họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn.” (1 Cor 4: 15; LG. số 28).

Một điểm sai lầm nữa trong cách đọc và hiểu kinh thánh của Tin lành là câu Phúc Âm Thánh Marcô

kể lại một ngày kia Chúa Giêsu đang giảng dạy cho một đám đông người thì Đức Mẹ cà các môn đệ

của Chúa đến. Có người trong đám đông đã nói với Chúa rằng: “Thưa Thầy có mẹ và anh em, chị em của Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy.” (Mc 3:32). Anh em tin lành đã căn cứ vào câu này để phủ nhận niềm tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh của Công Giáo và Chính thống, vì họ cho rằng  Mẹ Maria đã sinh thêm con cái sau khi sinh Chúa Giêsu. Nghĩa là họ chỉ tin Đức Mẹ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu mà thôi. Thật ra cụm từ “anh chị em “trong ngữ cảnh (context) trên đây chỉ là anh chị em theo nghĩa thiêng liêng (spiritual brotherhood, sisterhood)  và đây là cách hiểu và giải thích Kinh Thánh của Công Giáo và Chính Thống, khác với Tin lành và Anh giáo.

Sau hết, về mặt quyền  bình, các giáo phái Tin lành và Anh giáo  đều không công nhận Đức Giáo Hoàng là Đại Diện (Vicar) duy nhất của Chúa Kitô trong sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người trên trần thế.

Chính vì không công nhận Đức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô nên đây là trở ngại lớn cho các nhánh Tin Lành và Anh giáo  muốn hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo.

3- về bí tích:

Tất cả các nhóm Tin Lành và Anh Giáo đều không có các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, Sức Dầu bệnh nhân và Truyền Chức Thánh vì họ không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession)-  và quan trọng hơn nữa,  người sáng lập của họ là người thường dân  ( Martin Luther, John Calvin..Henry VIII)  chứ không phải là chính Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã lập Giáo Hội của Chúa trên Đá Tảng Phêrô.( Mt 16: 18-19)  và Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phê rô và các Giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển” như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã tuyên bố. ( x. LG. số 8). Cho nên các nhánh Tin Lành và Anh giáo  đều  không có chức linh mục và giám mục hữu hiệu để cử hành các bí tích trên.

 Đa số các nhóm Tin Lành và Anh Giáo  chỉ có phép rửa ( Baptism) mà thôi. Nhưng nếu nhóm nào không rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi (The Trinitarian Formula) như nhóm Bahai Hullah và Marmonites ở Mỹ ,  thì không thành sự ( invalidly) . Do đó, khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tín hữu Tin Lành nào không được rửa tội với nước và công thức trên thì phải được rửa tội lại như người dự  tòng.(catechumens). Nếu họ được rửa tội thành sự thì chỉ phải tuyên xưng đức tin khi gia nhập Công Giáo mà thôi

III-Anh Giáo ( Anglican Communion)

Nhóm Kitô Giáo này do Vua Henry VIII của Nước Anh tự tách ra khỏi hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Roma từ năm 1534 vì  nhà vua bất mãn với Đức Thánh Cha Clemente VII, đã không cho phép ông li dị để lấy vợ khác.Nhóm này khác biệt với Giáo Hội Anh Quốc ( The Church òf England) Là Giáo Hội hiệp thông và vâng  phục Giáo Hội Công Giáo Roma do Đức Thánh Cha làm Thủ Lãnh với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giáo Hội Công Giáo địa phương ở khắp nơi trên thế giới.Người lãnh đạo Nhóm Anh Giáo nói trên là Vua  Nứớc Anh ( nay là Nữ Hoàng Elizabeth II).Vì không có nguồn gốc Tông Đồ, nên Anh Giáo không có các Bí Tich hữu hiệu như Công Giáo, trừ Phép Rửa mà Anh Giáo có chung với các nhóm Tin Lành và với Công Giáo.Vì  không có các Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải hữu hiệu  nên các linh mục Anh Giáo không thể cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn ( The Eucharist) hữu hiệu như Công Giáo được. Cho nên,  các tín hữu Công Giáo không được tham dự Lễ của các linh mục Anh Giáo để thay cho lễ của Công Giáo, cũng  như không  thể  đi xưng tội với các linh mục Anh Giáo vì họ không có Bí Tich hòa giải ( Reconciliation) hữu hiệu như Công Giáo.

Sau hết, nếu các linh mục và giám mục Anh Giáo trở lại Công Giáo thì họ phải được huấn luyện lại và  chiu chức lại trong Giáo Hội Công Giáo, vì Công Giáo không nhìn nhận các bí tích của Anh giáo trừ Phép Rửa.Chỉ có một đặc ân cho các linh mục Anh Giáo là họ được phép giữ vợ con sau khi được chịu chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo.Các tín hữu Anh Giáo thì phải tuyên xưng đức tin khi họ gia nhập Giáo Hội Công Giáo.Họ không cần được rửa tội lại vì Công Giáo nhìn nhận Phép Rửa của Anh Giáo.Chỉ có những ai không được rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi ( Trinitarian Formula) như nhóm Bahai Hullad và Marmonites  bên Mỹ  thì mới phải được rửa tội lại khi họ gia nhập Giáo Hội Công Giáo mà thôi.

Đó là những khác biệt căn bản giữa Công Giáo,Chính Thống Giáo,  Tin Lành và Anh Giáo nói chung. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo vẫn hướng về các anh em ly khai này và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ qua nỗ lực đại kết (ecumenism) mà Giáo hội đã theo đuổi và cầu nguyện  trong nhiều năm qua.

Chúng ta tiếp tục cầu xin cho mục đích hiệp nhất này giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Kitô nhưng  chưa hiệp thông (communion) và hiệp nhất ( unity) với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội duy nhất Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng  Tông đồ Phêrô, do Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô  trong trách nhiệm  coi sóc  và lãnh đạo Giáo Hội  với sự cộng tác và vâng phục trọn vẹn của Giám Mục Đoàn. (College of Bishops) hay của các Giáo Hội Công Giáo địa phương ở các quốc gia trên thế giới.

Ươc mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 --------------------------------------

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNGLM NGÔ TÔN HUẤN

   CÁC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG LÀ AI  VÀ Ở ĐÂU ?

Hỏi :

Xin cha cho biết các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương là ai và có mặt ở đâu  trong trần gian.

Trả lời :

Xưa nay, người  ta chỉ quen nói đến các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches)  tức các Giáo Hội Chinh Thống Giáo hiện chưa hiệp thông trọn vẹn (full communion) với Giáo Hội Công Giáo La Mã  sau cuộc ly giáo Đông –Tây ( East-West Schism) năm 1054.

Mặc dù có nhiều cố gắng để xích lại gần nhau vì cùng chung nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession) nhưng  Giáo Hội Công Giáo và  các  Giáo Hội Chính Thống Đông  Phương  cho đến nay  vẫn chưa thể hiệp thông  được mặc dù  đã tha vạ tuyệt thông ( anthemas=excommunications) cho nhau, sau khi  Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras I ( Constantinople Hy lạp) gặp nhau lần đầu tiên năm 1966 đem lại kết quả  cụ  thể là hai Giáo Hội đã tháo gỡ vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lich sử này.

Tuy nhiên, giữa Hai Giáo Hội anh  em  trên đây  vẫn chưa hiệp thông trọn vẹn được với nhau  cho đến nay chỉ vì trở ngại lớn là vai trò lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Rôma của Đức Thánh Cha, tức Giám Mục  Rôma mà anh  em Chính Thống Đông Phương chưa nhìn nhận và vâng phục.

Trong phạm vi bài viết này , tôi xin được giải thích rõ về   các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương( Eastern Catholic Churches) hiện đang hiệp thông trọn vẹn  và tôn trọng vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Thánh Cha, là Đấng duy nhất thay mặt Chúa Kitô ( Vicar of Christ) trên trần thế  trong vai trò và trách nhiệm cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

I-Đôi dòng lịch sử :

Như đã nói ở trên, ngoài các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã, còn có các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (Eastern Catholic Churches) đang hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ  mà có lẽ ít người biết đến họ

Khi nói đến các Giáo Hội này, người ta phải nghĩ ngay trước hết đến bốn Tòa Thượng Phụ ( Patriarchates) ở phương Đông là Alexandria, Antioch, Jerusalem và Constantinople, ngoài Tòa Thượng Phụ Rome  về phái Tây, tức Giáo Hội Công Giáo La Mã. Các Tòa Thượng Phụ này đặc tránh các giáo đoàn Kitôgiáo có nghi thức phụng vụ riêng theo văn nhóa và truyền thống lâu đời  sau đây:

1-Thuộc về Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Antioch là các giáo đoàn West Syrians, Maronites ( Công Giáo Li Băng) và Malankarese, Chaldeans ( Công giáo Iraq) và Armenians.

 2- Thuộc về Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Alexandria là các giáo đoàn Coptic ( Công giáo Ai Cập) và  Công giáo Ethiopians

3- Thuộc Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Constantinople là nhóm Kitô Giáo Đông Phương đông đảo nhất  theo nghi thức Byzantine. Ho là  những  tín  hữu Hy Lạp,, Bảo gia lợi ( Bulgarians) Georgians, Nga .., Ukrainians, Estonians, Hungarians, Rumanian, Egyptians…

4-Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Rôma là cái nôi của Giáo Hội Công Giáo phương Tây,khác biệt với Phương Đông về nhiều mặt như nghi thức phụng vụ, giáo luật và kỷ luật bí tích., lễ phục , tu phục..

Các Tòa Thượng Phụ nói trên, từ đầu,  được coi là các Giáo Hội Mẹ của Kitô Giáo ( Mother Church of Christianity) trước khi xẩy ra những cuộc ly giáo (schisms) mà nghiêm trọng hơn hết là  ly giáo giữa Rome và Constantinople ( Hy Lạp) vào năm 1054 và kéo dài cho đến nay.

Cũng từ đó, Constantinople tự nhân trở thành Giáo Hội Chính Thống Phương  Đông và lan tràn qua các quốc gia trong vùng  như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Roumania, Serbia, Cyprus, Lebanon… Bên canh các Giáo Hội  này, là các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương bắt nguồn từ 3 Toà Thượng Phụ Alexandria, Antioch và Jerusalem, tức các Giáo Hội Mẹ của Công Giáo Đông Phương. Các Giáo Hội này cũng có thời gian khá lâu đã không hiệp nhất với Giáo Hội Rôma  vì những hoàn cảnh và  lý do đặc thù, không thể nói hết ở đây trong khuôn khổ của một bài viết được. Vì thế, chỉ xin tóm tắt là khi các Giáo hội Kitô Giáo  địa phương này  trở lại hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã ( Rome ) thì họ có tên gọi chung là “ Các tín hữu qui hiệp= Uniates , nghĩa là hiệp thông trở lại với Rôma `sau thời gian ly khai vì những lý do riêng biêt.Và cũng từ đó, họ được gọi là các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương ( Easter Catholic Churches) để phân biệt với các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Easter Orthodox churches) chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Rôma.

 Các Giáo hội Công Giáo Đông Phương có đặc tính chung là mỗi Giáo Hội đều có có các nghi thức phụng vụ với ngôn ngữ riêng, giáo luật riêng và kỷ luật bí tích riêng, mặc dù cùng chia sẻ  chung một niềm tin, một giáo lý, một nền tảng luân lý,  và các bí tích với  Giáo Hội Công Giáo La Mã  cũng như vâng phục Đức Thánh Cha  là  Đấng thay mặt Chúa Kitô trong vai trò và trách nhiệm  cai quản Giáo  Hội Công Giáo hoàn vũ,

Đứng đầu coi sóc các Giáo Hội địa phương nói trên  là các Thượng Phụ (Patriarch) tương đương như một Tổng Giám mục coi sóc một Giáo tỉnh ( Ecclesial Province) trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Theo Sắc Lệnh về các Giáo Hội Đông Phương ( Orientalium Ecclesiarumn) ( OE) của Thánh Công Đồng Vaticanô II, thì “ Thể chế Thương Phụ (Patriarchy) đã được thịnh hành từ lâu đời trong Giáo Hội và đã được các Công Đồng chung nhìn nhận.

Thực ra danh hiệu Thượng Phụ Đông Phương ( Eastern Patriarch) được dùng để chỉ vị Giám  mục  có thẩm quyền trên tất cả các giám mục kể cả các vị Tổng Giáo Chủ (Tổng Giám mục), trên hàng giáo sĩ và giáo dân trong địa hạt hay thuộc lễ chế của mình, chiếu theo luật định, nhưng vẫn tôn trọng quyền tối cao của  Giáo Hoàng La Mã.” (cf. OE. Số 7)

II- Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương hiện ở đâu ?

  • Trươc hết là Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar

Lãnh thổ của Giáo Hội này nằm trong Tiểu Bang Kerala ở phía Tây Nam Ấn Độ. Giáo Đoàn này xuất phát từ  Cộng Đồng Kitô Giáo có nguồn gốc Tông Đồ là Thánh Thomas, nên họ cũng được gọi là các`Kitô hữu Thánh Tô Ma ( Thomas Christians) . Nhóm này đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã  từ năm 1653 vì không muốn chịu ảnh hưởng của Dòng Tên( Jesuits)  đang truyền giáo ở vùng này. Nhưng đến năm 1930 nhóm này đã quay trở lại và được đón nhận hiệp thống với Giáo Hội Công Giáo. Từ sau Công Đồng Vaticanoo II, họ đã bỏ ngôn ngữ Syriac trong phụng vụ và thay bằng ngôn ngữ Malayalam phổ thông hơn. Hiện Giáo Hôi Công Giáo Syro-Malabar có 3 Địa phận với  khoảng gần 300,000 tín hữu sinh hoạt trong Tiểu Bang Kerala ở miền Tây Nam Ấn Độ

Dĩ nhiên, ngoài nhóm Công Giáo với nghi thức phụng vụ riêng này , còn có Giáo hội Công Giáo của Ấn Độ ( The Catholic Church Of  India ) theo nghi thức La tinh ( Latin Rite)  hiệp thông trọn vẹn với Rôma ,và có số giáo sĩ và giáo hữu đông hơn nhóm kia.

   

  • Giáo Hội Công Giáo Chaldean (The Chaldean Catholic Church) của người Kitô hữu Ỉraq

Nhóm này  phần lớn tập trung ở thủ đô Baghdag với  nghi thức phụng vụ riêng gọi la Chaldean Rite hay còn gọi là East Syrian hay  Assyro-Chaldean Rite. Nghi thức này bắt nguồn từ di sản phụng vụ cổ xưa  của  Giáo Hội Mesopotamia.trong đế quốc Ba Tư

Giáo Đoàn này hiện có khoảng 500,000. Tin hữu với 10 Địa phận ở Iraq và 4 Địa phận nữa ở Iran. Ở Hoa Kỳ, cũng có một Địa phận dành cho người Công Giáo Iraq theo nghi thức Chaldean.Giáo Đoàn này chính thức hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã sau khi Đức Thánh Cha Julius III tấn phong Giáo Mục cho Thượng Phụ Simon VIII ngày 9 tháng 4  năm 1553 để coi sóc Giáo Đoàn Chaldean ở Iraq.

  • Giáo Hội Công Giáo Maronites ( The Maronite Catholic Church)

Đây là Giáo Hội Công Giáo của người  Li Băng ( Lebanon). Giáo Hội này xuất hiện từ năm 681 và lấy tên Thánh Maron làm tên gọi chung của Giáo Đòan. Đã có thời gian dài Giáo Đoàn này không hiệp thông với Rôma. Nhưng từ năm 1182 đến nay, Giáo Đoàn này đã hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã,.Họ theo nghi thức riêng gọi là Maronite Rite  với ngôn ngữ phụng vụ là Syriac và Arabic.Nghi thức phụng vụ này không những có  ở Li Băng mà còn thấy thực hành ở Syria , Ai Cập và  Cyprus.

Một bến có quan trọng là  ngày 14 tháng 4 năm 2011, Thượng phụ Antioch coi sóc người Công giáo Maronites, đã đến Rome để viếng thăm Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI  cùng với một số giám mục và linh mục Maronites. Nhân dịp này Đức Thánh Cha đã long trọng nhắc lại với   Đức Thượng Phụ Bechara Pierre Rai về việc Giáo Hội Công Giáo Roma  hoan hỉ đón mừng anh  em Moronites Hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo như Đức Thánh Cha đã nói trong thư gửi Đức Thượng Phụ ngày 24 tháng 3 năm 2011

  • Giáo Hội Công Giáo Coptic ( The Coptic Catholic Church)

Danh xưng Copt là tiếng Arabic có nghĩa là  Ai Cập, được  dùng để chỉ những tín hữu Công Giáo hay Chính Thông Giáo Ai Cập.Do đó, Giáo Đoàn Coptic là Giáo Hội Công Giáo Ai Cập ( Egypt) đã hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Rôma từ  năm 1741, sau nhiều thăng trầm của lịch sử Ai Cập nói chung và lịch sử sống còn của Giáo hội Coptic nói riêng.Theo lịch sử truyền giáo thì Thánh  Marc-cô, thánh sử., đã thành lập Giáo Hội này cho người Kitô hữu Ai Cập. Mặt khác, danh xưng Coptic cũng được dùng để chỉ Giáo Hội Chính Thống Ai Cập ( The Coptic Orthodox Church) như đã  nói ở trên.

Giáo hữu Coptic hiện nay chỉ có vào khoảng 180,000 người ở Ai Cập và được coi sóc bởi một Thượng Phụ ( Patriarch) ở Alexandria Ngôn ngữ phụng vụ của họ là tiếng Arabic và Coptic ( tiếng Ai Cập)

Để đánh giá cao những đóng góp của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Thánh Công Đồng Vaticanô II, qua  Sắc Lệnh Orientalium Ecclesiarum,( OE) đã long trọng tuyên bố như sau về các Giáo hội này:   

Lịch sử, các truyền thống và rất nhiều thể chế trong Giáo Hội đều chứng minh rõ ràng rằng các Giáo Hội Đông Phương có công biết bao đối với toàn thể Giáo Hội. Vì vậy, Thánh Công Đồng không những hết lòng yêu mến và ca ngợi đúng mức gia sản tinh thần của các Giáo hội này, mà còn xác quyết đó là sản nghiệp của toàn thể Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó Thánh Công Đồng long trọng công bố rằng các Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương đều có quyền lợi  và bổn phận theo những qui luật riêng của mình và những qui luật này có giá trị nhờ ở đặc tính cổ kính đáng quí trọng, phù hợp với tập tục của tín hữu hơn và xem ra có thể mưu ích cho các linh hồn cách  hữu hiệu hơn.” (OE, số 5)

Cũng cần nói thêm là, theo lịch sử Giáo Hội, thì Phương Đông là nơi đã đóng góp cho Giáo Hội những vị đại Giáo Phụ ( Church Fathers) nổi danh như các thánh Ignatius of Antioch, thánh Ephrem, thánh  Athanasius, thánh Cyril of Jerusalem, thánh Cyril of Alexandria, thánh Gregory  of Nyssa, thánh .John Chrysostom, thánh Basil  the Great, thánh Gregory of Nazianzus và  thánh John Damascene.

Mặt khác, nền thần học Kitô Giáo ( Christian theology) và lối sống đan viện hay ẩn tu ( Monasticism) cũng xuất phát từ Phương Đông trước khi được chấp nhận và sửa đổi bên Tây Phương.Thêm vào đó, trong vòng 9 trăm năm lịch sử Giáo Hội, các Công Đồng Đại kết ( Ecumenical Councils) đều họp ở Phương Đông.

Sau hết, những kinh phụng vụ như the Kyrie, the Gloria, và Kinh Tin Kinh Nicene mà phụng  vụ Giáo Hội ngày nay đang dùng cũng là di sản thiêng liêng của Phương Đông.

Như thế đủ cho thấy là các Giáo Hội Đông Phương, từ lâu đã là một trong những thành trì kiên cố của KitôGiáo trước khi xảy ra những cuộc ly giáo( schism) ,đặc biệt là ly giáo Đông Tây giữa Constantinople và Rome năm 1054, khiến một phần quan trọng của Phương Đông ( Các Giáo Hội Chính Thống) không còn hiệp thông cho đến nay với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, mặc dù cùng chung một niềm tin, một Phép Rửa , một Kinh Thánh, một nguồn gốc Tông Đồ.

Chúng ta tha thiết cấu xin cho Giáo Hội duy nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng Tông Đồ được mau hiệp nhất để cùng thờ lậy, tôn vinh và cảm tạ  một Thiên Chúa duy nhất với  Ba Ngôi Vị trong Mầu Nhiệm Chúa Ba ngôi ( The Triune God=The Holy Trinity)

Sau hết, cũng cần nói thêm là các Giáo Hội Đông Phương, dù là Công Giáo hay Chính Thông Giáo thì đều có các bí tích hữu hiệu như  của Giáo Hội Công Giáo La Mã .. Cho nên, tín hữu Công giáo được phép tham dự các nghi thức phụng vụ và lãnh các bí tích  trong các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.  Nhưng chỉ được tham dự phụng vụ và lãnh bí tích nơi nhà thờ Chính Thống khi không tìm được nhà thờ Công Giáo nào trong vùng cư trú của mình.

Ước mong những giải thích trên thả mãn câu hỏi đặt ra.

Lm.Phanxicô Xaviê Ngô tôn Huấn

 --------------------------------------

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CẨN TRỌNG VỚI MA QUỶ

Cẩn trọng với ma quỷ

Vừa qua, Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh lưu ý gần đây xuất hiện nhiều cuộc tụ họp để trừ quỷ do giáo dân tự tổ chức và điều khiển, cho dù có mặt giáo sĩ ở đó. Triển khai tinh thần này, vào tháng 4.2018, giáo phận Đà Lạt cũng đã ra thông cáo nhắc lại quy định của Giáo luật : “Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương. Đấng bản quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn” (GL, điều 1172).

Mặt khác, người giáo dân không được sử dụng những nghi thức trừ quỷ trong sách Nghi thức Trừ tà của thánh Giáo Hoàng Lêô 13 và càng không được phép dùng toàn bộ nghi thức trong sách này. Giáo hội cũng lưu ý các giám mục cần phải nhắc nhỏ các tín hữu về vấn đề này khi cần thiết và cũng được mời gọi tỉnh táo để các tín hữu không có năng quyền đúng phép không được điều hành những cuộc tụ họp có mục đích trừ quỷ, trực tiếp nói với quỷ và tìm cách hiểu biết căn tính lý lịch của quỷ.

Thực ra, không phải không có trường hợp quỷ nhập vào người. Phúc Âm cũng đã có trình thuật về việc Chúa xua đuổi quỷ khỏi một kẻ bị thần ô uế ám. Đã nhiều lần bị cùm, bị xích, song anh ta bẻ xích phá cùm, chẳng ai trói anh ta lại được.  Suốt ngày đêm anh ta ở nơi đám mồ mả trên đồi, la hét và lấy đá rạch mình. Chúa đã đuổi thần ô uế và cho phép nó nhập vào đàn heo khoảng 2.000 con, sau đó đàn heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó (x. Mc 5, 1-20).

Tuy nhiên không dễ có trường hợp quỷ nhập vào người và xúi giục làm điều xấu xa khác người, nhưng lại thường gặp những biểu hiện cám dỗ từ ma quỷ.

ĐTC Phanxicô trong bài giảng tại nhà nguyện Marta ngày 8.5.2018 đã nói: “Có thể nói rằng, ma quỷ là kẻ thua cuộc nhưng rất nguy hiểm, vì ma quỷ có biệt tài quyến rũ con người. Ma quỷ biết cách dùng lời nào dùng cách nào để quyến rũ, và khổ nỗi là chúng ta lại thường thích để cho ma quỷ quyến rũ.  Ma quỷ quyến rũ, biết cách chạm vào sự hư danh phù vân, biết cách khơi dậy sự tò mò, và thế là chúng ta sa vào cơn cám dỗ. Do đó, chúng ta phải rất cẩn thận với chước cám dỗ của ma quỷ. Để đối diện với cơn cám dỗ và chiến thắng cám dỗ, hãy làm như Chúa Giêsu, đó là tỉnh thức, cầu nguyện và ăn chay”.

Ngoài cám dỗ về hư danh phù vân, ma quỷ còn luôn tìm cách rủ rê, lôi cuốn các tín hữu xa rời đức tin Kitô giáo với những đam mê trần tục, xa rời đạo đức, vô cảm với tha nhân… Chắc chắn các cơn cám dỗ muôn mặt của ma quỷ luôn đeo đẳng mọi tín hữu mỗi phút giây trong cuộc đời.

Giáo luật quy định nghiêm nhặt việc tụ họp tự phát trừ quỷ bởi dễ làm các tín hữu yếu đuối sai lạc đức tin và gây hoang mang cho các đồng đạo, nhưng cũng không hề cấm các tín hữu cầu nguyện xin Chúa giải thoát khỏi mọi sự dữ như Chúa Giêsu đã dạy (x. Mt 5,13).

HOÀNG ANH

 “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

Hiểu Đạo & Sống Đạo

 

 

Có Cần Thiết Phải Thực Hành Đức Tin Trong Giáo Hội Để Được Cứu Rỗi Không?

HỏiThực tế là có rất nhiều người Công giáo ngày nay không muốn đi xưng tội, không đi lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc vì nhiều lý do. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần giữ đức tin trong lòng và đọc Kinh Thánh ở nhà là đủ, không cần phải đi nhà thờ nữa ! Như vậy có được không ?

Trả lời: Thực trạng sống Đạo của rất nhiều người Công giáo ở khắp nơi trên thế giới ngày nay (trong đó có người công giáo Việt Nam ở hải ngoại) quả thật là điều đáng buồn. Con số người đi xưng tội chiều thứ Bảy, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc đã giảm rất nhiều theo các thống kê đáng tin cậy.

Có nhiều lý do để giải thích thực trạng này. Nào vì hấp lực của văn minh vật chất, chủ nghĩa tục hóa (secularism) và hưởng thụ khoái lạc (hedonism) đã lôi cuốn nhiều người bỏ Chúa để chạy theo những quyến rũ của "văn hóa sự chết" như Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã cảnh giác.

Đó là những người đang mê mải kiếm tiền để làm giầu bằng mọi phương tiện, bắt chấp công bằng và bác ái cũng như tìm vui trong trong việc ăn uống, nhẩy nhót (già trẻ, xồn xồn đều thích trò chơi thiếu lành mạnh này) cờ bạc, du hí ở những nơi tội lỗi, và do đó bỏ quên hay lơ là việc sống Đạo cần thiết hơn. Mặt khác, cũng vì tình trạng tha hóa về luân lý, đạo đức ngày một bành trướng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia vốn tự nhận là thuộc về Kitô Giáo (Christian Countries) như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và Hoa kỳ… nhưng nay lại dung dưỡng hay cho phép những thực hành phản Kitô Giáo như phá thái, chết êm dịu (Euthanasia) ly dị, hôn nhân đồng tính (same sex marriage).

Lại nữa,họ cũng làm ngơ hay tiếp tay cho kỹ nghệ sản xuất phim ảnh dâm ô (pornorgraphy), và mãi dâm phát triển làm đồi trụy không những người lớn mà đặc biệt là thanh thiếu niên vì những kỹ thuật và hình ảnh kích thích dâm tính công khai bầy bán trong các tiệm DVD for Adults và trên mạng vi tính toàn cầu. Sau nữa, vì cuộc sống tương đối đễ dàng, thoải mái cộng với tự do quá trớn ở các nước Âu Mỹ đã làm cho nhiều người không còn cảm thấy cần Chúa nữa và chỉ muốn vui sồng cho thỏa thích trong giây phút hiện tại mà thôi. Cứ đi một vòng quanh những nơi tụ họp công công sẽ thấy trẻ già, trai gái, xồn xồn ôm nhau nhẩy nhót trong những chương trình gọi là "văn nghệ cuối tuần" hay "hát cho nhau nghe" trong đó chắc chắn có những người công giáo không đi lễ ngày Chúa Nhật nhưng lại có mặt đúng giờ để tham dự các cuộc vui thâu đêm suốt sáng này! Đặc biệt, còn có rất nhiêu người không đi Lễ mừng Chúa Giáng Sinh nhưng lại tích cực tổ chức và tham dự những buổi ăn uống, dạ vũ vui chơi trong đêm Giáng Sinh!  Đây quả thực là một sỉ nhục cho ý nghĩa trọng đại của ngày kỷ niệm "Thiên Chúa làm Người và cư ngụ giữa chúng ta."(Ga 1 :14). Do đó, không thể lấy cớ mừng Chúa Giáng Sinh để ăn chơi phóng túng nhân dịp này, thay vì dọn tâm hồn cho sốt sắng để cùng với Giáo Hội cảm tạ Chúa đã giáng sinh để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết đời đời vì tội.

Nhưng đáng buồn thay, là đứng trước thực trạng này, những người có trách nhiệm giáo dục luân lý và đạo đức, cách riêng hàng giáo sĩ với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, chăm lo cho phần rỗi của các tín hữu được trao phó cho mình dạy dỗ, và hướng dẫn về mặt thiêng liêng, lại không có can đảm nhìn vào sự thật và mạnh mẽ lên án những nguy cơ đe dọa cho đức tin Công Giáo dẫn đến sự thờ ơ sống Đạo của nhiều tín hữu trong Giáo Hội ngày nay. Đáng lý phải mạnh mẽ nói cho mọi tín hữu biết sự cần thiết phải tìm kiếm Thiên Chúa và Vương Quôc bình an, hạnh phúc của Người trên hết mọi vui thú và danh lợi chóng qua ở trần thế này, thay vì im lặng để được an thân, - hay đáng buồn hơn nữa – là một số người còn cộng tác với thế quyền để tìm tư lợi, bỏ quên sứ vụ rao giảng và làm nhân chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Nhưng thử hỏi: được mọi lời lãi ở đời này mà không được cứu rỗi thì ích lợi gì ?

Nhà độc tài Gadahfi của Libya đã bị bắn chết cách thê thảm, kết thúc 42 năm cai trị sắt máu ở quốc gia Phi Châu này.

Nhưng nếu giả sử ông ta không được cứu rỗi để sống đời đời, thì thử hỏi những lợi lãi trần thế to lớn mà ông có được như 6 bà vợ chính thức, quyền uy tột đỉnh danh vọng, tiền bạc vơ vét đầy túi, đầy kho, sau 42 năm cai trị xứ giầu hỏa Libya liệu có thể bù đắp được cho sự thiệt thòi to lớn là mất sự sống hay không ?

Dầu sao đây cũng là bài học đắt giá cho những kẻ độc tài, cai trị vô nhân đạo còn sót lại trên thế giới phải suy nghĩ mà sám hối để kịp thời rút lui, kẻo chắc chắn có ngày sẽ bị quần chúng trừng trị đích đáng như số phận của Gadahfi, Mubareck, Sadam Hussein, Binladen…

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói như sau với các môn đệ xưa: "Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mang sống mình?" (Mt 16: 26; Mc 8: 36; Lc 9 : 25)

Có ai được lợi lãi cả thế giới này đâu.? Nhưng cho dù có ai chiếm được mọi của cải và danh vọng trên trần thế này mà cuối cùng mất linh hồn thì những lợi lãi kia cũng không thể bù đắp được cho sự thiệt thòi lớn lao là mất sự sống, mất linh hồn. Đó là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta đang sống trong môi trường thế giới quá bị nhiễm độc vì chủ nghĩa tục hóa (secularism) tôn thờ vật chất và chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) lôi kéo con người đi tìm mọi mọi vui thú vô luân vô đạo.

Để bào chữa cho việc thờ ơ sống Đạo, không muốn tham dự các nghi thức phụng vụ của Giáo Hội - cụ thể là tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ buộc - nhiều người nghĩ rằng chỉ cần tin và đọc Kinh Thánh ở nhà, hay nghe những chương trình giảng Kinh Thánh của các mục sư Tin Lành trên truyền hình là đủ, không cần phải năng xưng tội hoặc tham dự Thánh Lễ hàng tuần nữa!

Chúng ta phải nghĩ thế nào về quan niệm này của những người nói trên ?

Chắc chắn đây không phải là cách sống Đạo đúng nghĩa của người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo.

Thật vậy, trước hết là vấn đề đức tin. Thế nào là tin ? Tin có Thiên Chúa tốt lành thì phải yêu mến và giữ Luật của Người. Mà yêu mến thì phải thể hiện bằng hành động cụ thể chứ không thể nói suông ngoài miệng là tin mà không có việc làm nào bề ngoài để chứng minh.

Một truyện vui kể rằng, ở một giáo xứ kia, Cha Xứ chợt lưu ý đến một ông già nọ vốn thường sốt sắng tham dự không những Thánh Lễ ngày Chúa Nhật mà còn siêng năng đi lễ mỗi ngày nữa... Nhưng bẵng đi một thời gian lâu, ông cụ vắng bóng ở nhà thờ. Cha Xứ lấy làm lạ, tưởng ông cụ bị đau ốm hay đã di chuyển đi nơi khác. Cha bèn đến nhà thăm ông xem sao. Đến nơi cha vẫn thấy ông ở nhà. Hỏi lý do vì sao ông vắng mặt ít lâu nay ở nhà thờ thì ông trả lời cha như sau:

"Con thấy không cần phải đi lễ, đọc kinh chung nữa. Con ở nhà đọc Kinh Thánh, lần chuỗi và nhớ đến Chúa trong lòng là đủ rồi."

Cha mỉm cười và hỏi ông: "Thế các con cháu cụ bây giờ ở đâu ?"

Ông cụ đáp: "Chúng ở xa con lắm, nhưng hàng năm cứ vào dịp Lễ Giáng Sinh và Tết thì đều trở về thăm con và cho quà tử tế."

Nghe xong cha xứ nói: "Tốt lắm, nhưng cụ làm ơn cho tôi xin địa chỉ hay số phone của các con cháu cụ đi".

- "Để làm gì thưa cha ?" ông cụ hỏi.

Cha trả lời ngay: "Để tôi viết thư hay phone cho các con cháu cụ bảo họ đừng tốn công và tiền bạc về thăm cụ nữa. Họ chỉ cần nhớ đến cụ trong lòng là đủ rồi; không cần thiết phải về thăm cho tốn thì giờ và tiền bạc nữa. Nói xong cha xứ cáo từ ra về trong khi ông cụ ngồi suy nghĩ những lời của cha vừa nói. Và mấy hôm sau, người ta lại thấy ông cụ xuất hiện ở nhà thờ như cũ.

Câu truyện trên chỉ là truyện tưởng tượng, nhưng cũng giúp minh chứng phần nào điều Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ dạy như sau về sự cần thiết phải thể hiện đức tin qua hành động cụ thể:

"Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không ? Ông Abraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao?

Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo." (Gc 2:20-22)

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hôi của Người trên trần thế và ban các bí tích như phương tiện hữu hiệu và cần thiết để thông ban ơn cứu độ của Chúa cho những ai muốn nhận lãnh qua Giáo Hội. Nhưng không phải cứ rửa tội rồi là sẽ được cứu rỗi. Cũng không thể nói khơi khơi như anh em Tin Lành rằng "tôi tin Chúa Kitô" là xong, không cần phải làm gì nữa, Tôi đã hơn một lần nói rõ là: theo Thần học và giáo lý của Hội Thánh, dựa trên Kinh Thánh và ơn mạc khải của Chúa Thánh Thần, thì muốn được cứu rỗi, nghĩa là được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Thiên Nước Trời mai sau đòi hỏi chúng ta trước hết phải cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cộng thêm phần đóng góp của cá nhân con người vào ơn thánh.

Chính yếu tố cần đóng góp thêm của con người vào ơn cứu độ, mà người tín hữu không thể thờ ơ với nhu cầu tối quan trọng là phải sống và thực hành đức tin trong Giáo Hội sau khi được lãnh Phép Rửa.

Thật vậy, đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ hay người tân tòng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Hạt giống này không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết quả được, nếu không có sự vun xới, tưới bón của những người có trách nhiệm hỗ trợ về mặt thiêng liêng là cha mẹ và người đỡ đầu đối với trẻ em, của người bảo trợ và cộng đoàn đức tin đồi với người tân tòng.

Do đó, nếu cha mẹ không lo giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình, nhất là cho con cái được tiếp cận với một cộng đoàn đức tin – cụ thể là một giáo xứ - để con em được học hỏi giáo lý và lãnh nhận các bí tích quan trọng và cần thiết khác như xưng tội, rước lễ lần đầu, và thêm sức thì đức tin của các em sẽ không thể lớn lên được.

Đối với người tân tòng (catechumens) và những người lớn (adults) đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy từ ngày sơ sinh, thì việc nuôi dưỡng và thực hành đức tin trong Giáo hội cũng cần thiết không kém. Cụ thể, nếu không tham dự việc cầu nguyện chung với cộng đoàn đức tin là giáo xứ, và nếu không tin – hay không nhìn nhận lợi ích của bí tích hòa giải để năng đi xưng tội, nhất là không tham dự Thánh Lễ, và rước Mình Máu Thánh Chúa là "nguồn suối và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội" thì người ta lấy gì để nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin ?

Đằng rằng tin có Chúa là điều quan trọng và đọc Thánh Kinh là cần thiết và bổ ích. Nhưng đức tin phải được nuôi dưỡng sung mãn với ơn Chúa thông ban qua các bí tích quan trọng như Phép rửa, Thêm sức, Hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể là nguồn mạch chính nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của Giáo Hội nói chung và của cá nhân mỗi tín hữu nói riêng. Vì thế, nêu không tham dự mọi cử hành phụng vụ thánh của Giáo Hội mà đỉnh cao là Thánh Lễ Tạ Ơn thì đức tin và đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ không thể tăng trưởng được và có đủ sức để sống đức tin ấy trước những thách đố của sự dữ, dịp tội đầy rẫy trong trần thế này, nhất là những mưu chước thâm độc của ma quỷ "Thù địch của anh emnhư sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1Pr 5: 8)

Kinh nghiệm cá nhân và phổ quát chứng minh rằng muốn được thăng tiến trong bất cứ lãnh vực nào, người ta cần phải cố gắng học hỏi và trau giồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn của lãnh vực ấy. Một lực sĩ không thể giữ được thành tích của minh nếu không chuyên cần tập luyện mỗi ngày. Chân lý này hoàn toàn đúng trong lãnh vực thiêng liêng, đạo đức. Một người siêng năng cầu nguyện nhất là tham dự Thánh Lễ và rước Minh Thánh Chúa sẽ tăng lòng yêu mến và gần Chúa hơn người làm biếng không cầu nguyện và rước Minh Thánh Chúa.Tình trạng "nguội lạnh thiêng liêng" này sẽ đưa đến sự sa sút đức tin, đức cậy và đức mến theo thời gian.

Đó chính là điều Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:

"Và phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi." (Mt 25:29)

Nói khác đi, chính nhờ siêng năng làm việc đạo đức và hiệp thông với Giáo Hôi trong mọi cử hành phung vụ như cầu nguyện đọc kinh chung, đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể, năng xưng tội, nhất là tham dự Thánh Lễ để được rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, mà đời sống thiêng liêng của chúng ta được lớn lên, đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tin có thật, Người đang yêu thương và muốn "đến và ở lại trong chúng ta" (Ga 14: 23), nếu chúng ta thực tâm yêu mến và tìm kiếm Người trên hết mọi sự ở đời này.

Như thế, yêu mến Chúa thì không thể coi nhẹ đời sống thiêng liêng, coi thường các phương tiện hữu hiệu và cần thiết là các bí tích mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội cử hành để mưu ích cho phần rỗi của mỗi người chúng ta, bao lâu còn sống trên trần gian này.

Do đó, không thể "sống Đạo" một mình mà không cần đến Giáo Hội, không tham gia đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội như thực trạng sống Đạo hiện nay của rất nhiều người.

Sau hết, liên quan đến việc đọc Kinh Thánh, có thể nói vắn tắt như sau: đọc Kinh Thánh là cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, không thể tự đọc mà hiểu đúng được Lời Chúa trong Kinh Thánh.

Vì thế, cần thiết phải tham dự Thánh lễ để được nghe và giải nghĩa lời Chúa qua các bài đọc, đặc biệt là bài Phúc Âm. Nhưng muốn được hiểu biết thêm về Kinh Thánh thì có thể tham dự những lớp học hỏi về Kinh Thánh do những người có khả năng chuyên môn hướng dẫn ở các giáo xứ, hoặc tốt nhất đi học một khóa về Kinh Thánh ở Đại Học hay Chủng Viện. Ở Mỹ, có nhiều chủng viện thâu nhận cả học viên bên ngoài vào học các lớp Thần học và Kinh Thánh dành cho chủng sinh đang chuẩn bị làm linh mục. Nghĩa là không thể tự học Kinh Thánh để hiểu cho đúng lời Chúa được.

Tóm lại, quan niệm sống Đạo tách rời khỏi, hay không cần hiệp thông hữu hình với Giáo Hội là rất sai lầm. Là tự lừa dối mình nếu không muốn nói là tự kiêu tự đại, cho mình có đủ khả năng để tìm đến với Chúa, không cần phương tiện hữu hiệu mà Chúa Kitô đã có ý ban cho chúng ta là Giáo Hội của Chúa trên trần thế này. Với chức năng siêu phàm, Giáo Hội được ví như "con Tàu của ông Nô-e" trong thời đại ngày nay để cho những ai muốn vào sẽ được cứu sống giữa cơn phong ba của hồng thủy đang nổi lên để cuốn đi vào lòng đại dương mọi sinh vật bên ngoài con Tàu cứu nguy này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn