4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG -THÁNH PHAOLO TRỞ LẠI


THỨ SÁU TRONG TUẦN II THƯỜNG NIÊN C

LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI - LỄ KÍNH

 



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 16: 15-18)

15 Đức Kitô nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ".

Suy niệm/TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

Đoạn Phúa Âm mà BẠN VÀ TÔI suy gẫm hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trao lại sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông đồ. Đây là sứ vụ cao cả mà Chúa Giêsu uỷ thác cho những con người mà Chúa tuyển chọn: sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Và để cho các Tông đồ - những con người vốn còn đầy những bất toàn, thiếu sót - có thể chu toàn sứ vụ được trao phó, Chúa Giêsu đã ban cho các ông những quyền năng đặc biệt để chiến thắng tà thần, để thực thi những phép lạ làm hiển danh Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là được gia nhập vào đoàn “dân mới”, đoàn dân Chúa chọn để tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ đến cho con người trong xã hội của thời đại chúng ta đang sống. Dẫu chúng ta vẫn còn đó những yếu đuối, lỗi lầm, chúng ta hãy vững tin rằng: Ơn Chúa sẽ đủ cho chúng ta. Điều còn lại là chúng ta có luôn ý thức để thể hiện sự cộng tác nhiệt thành và quyết tâm dấn thân cho sứ vụ mang Tin Mừng bình an và tình yêu Chúa đến cho anh chị em mình!

Hơn ai hết, thánh Phaolô là người cảm nhận sâu xa về điều này. Từ một con người lầm lạc, gây nhiều đau khổ cho Hội Thánh Chúa Kitô, nhờ tình yêu chọn gọi và hồng ân hoán cải của Chúa, thánh nhân đã trở nên người Tông đồ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng dùng cuộc đời và cả mạng sống của mình làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô.

Trong ngày lễ mừng kính thánh Phaolô Tông đồ trở lại hôm nay, chúng con nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh nhân, cho chúng con luôn thấm nhuần tinh yêu và cảm nhận sâu xa quyền năng Chúa trong cuộc đời mình. Nhờ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY, chúng con QUYẾT TÂM trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa đến cho anh chị em chung quanh. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Kính chuyển:
Hồng

BÁNH SỰ SỐNG - THƯ NĂM CN2TN-C

THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN C

LỄ THÁNH PHANXICÔ SALÊSIÔ

NGÀY 24/1/2019

Ngày thứ 7 tuần lễ cầu cho các Kitô hữu được hiệp nhất 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (3:7-12)

7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

Suy niệm/SỐNG VÀ CHIA SẺ

Bước đầu trong hành trình rao giảng, Chúa Giêsu đã có những thành công tốt đẹp. Tốt đẹp một phần vì những lời giảng dạy của Người được dân chúng đón nhận, phần vì những phép lạ Người làm cho mọi người.

Chính vì tiếng lành đồn xa, nên như đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại, mọi người từ khắp vùng Cận Đông tuôn đến với Chúa Giêsu để được nghe Người giảng dạy và chữa lành bệnh tật: “Từ miền Galilee, người ta lũ lượt đi theo Chúa. Và từ miền Judah, từ Jerusalem, từ xứ Idumea, từ vùng bên kia sông Jordan và vùng phụ cận hai thành Tyre và Sidon, người ta lũ lượt đến với Chúa, vì nghe biết những gì Ngài  đã làm”.

Khi nêu tên những địa danh cụ thể và khác nhau, điều đó thể hiện Chúa Giêsu đã trở thành điểm cho sự gặp gỡ của hết mọi người. Người đã thực hiện sứ mệnh của mình, sứ mệnh được Thiên Chúa sai đến từ giữa những con người bệnh tật, những con người khốn cùng nhất trong xã hội.

Chính hành động yêu thương của Chúa Giêsu đã viết lên những trang giáo lý Công giáo. Giáo lý ấy không phải là một mớ lý thuyết suông về sự bác ái, mà nó đã được thể hiện một cách cụ thể, qua những hoạt động dấn thân phục vụ con người, nhất là những anh chị em đau yếu, những người già nua, tật nguyền. 

Lạy Chúa, NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY từng người Kitô hữu chúng con, không chỉ có danh hiệu Kitô nơi mình, nhưng luôn biết biểu tỏ tinh thần cốt lỗi của đạo Công giáo trong cuộc sống cụ thể thường ngày. Đó chính là biết sống yêu thương như Chúa yêu. Amen. 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
-------------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BA CN2TN-C

THỨ BA TRONG TUẦN II THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 22/01/2019

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 2: 23-28)
   NGÁY BA-BAT ĐƯỢC TẠO NÊN CHO CON NGƯỜI (C. 27 - ĐỌC THÊM ROMA 7, VÀ 8 - TÍN HỮU ĐƯỢC GIẢI THOA2T KHỎI LỀ LUẬT)

23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!"25 Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế".

27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát".


  
  TÔI ĂN NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA ĐỂ SỐNG RỒI CHIA SẺ ( GR 15, 16)

        Trong ngôn ngữ thường ngày, chúng ta không còn dùng từ ngữ ngày Sabát như truyền thống của người Do Thái, nhưng chúng ta dùng ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa trong lịch hiện nay. Sống trong “thế giới di động” hiện nay, nhiều người không biết nghỉ ngơi là thế nào. Chúng ta cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho gia đình, và cho Chúa. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết sống ngày “Sabát” như thế nào để được tự do sống cho Chúa, cho gia đình và cho chính mình.

        Đức Giêsu đã không ít lần tranh luận với người Pharisêu và giới lãnh đạo Do Thái. Hôm nay, họ bức xúc và không chấp nhận quyền làm chủ của Đức Giêsu về ngày Sabát, vì họ không chấp nhận Người là Con Thiên Chúa. Không chấp nhận quyền làm chủ, có nghĩa họ không cho phép Đức Giê-u được chữa bệnh trong ngày đó, Người có thể chữa bệnh trong bất kỳ ngày nào trừ ngày Sabát, như vậy họ đang tự cho mình cái quyền quyết định. Đức Giêsu đã cho họ thấy thứ lề luật trên cả luật lệ mà họ đang giữ. Người hiểu rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabát ra đời. Chính vì thế, có luật lệ về ngày Sabát, trước hết là để thờ phượng Thiên Chúa, sau đó là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng.

        Ngày hôm nay, người ta thượng tôn chủ nghĩa tự do, người ta sợ mang gông cùm và ghét kẻ nào cướp mất tự do của mình. Con cái trong gia đình sợ phải ràng buộc vào luật lệ của cha mẹ. Nhiều bạn trẻ chán ngán hoặc khiếp sợ các luật lệ trong Giáo Hội, như phải đi lễ ngày Chúa Nhật, phải học giáo lý, phải chung thủy một vợ một chồng, v.v. Như vậy, ta dễ dàng quy cho cha mẹ, cho Giáo Hội, cho Chúa như là những cảnh sát luôn kìm kẹp và làm ta mất tự do. Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu đã mở ra cho ta một luật của tự do, luật của sự sống.
Hôm nay, Chúa giải thích để ta hiểu luật là vì yêu thương con người. Luật của Chúa không phải để áp đặt, để gông cùm, để đè nặng trên con người, nhưng là để thanh thoát, để thảnh thơi, để thăng tiến và bảo vệ tự do mà Chúa ban tặng. Chính vì chúng ta không hiểu nên nhiều khi đã giữ luật Chúa cách nô lệ, hình thức và nặng nề gò bó.

       Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con hiểu được lề luật của Chúa để chúng con sống với Chúa, với nhau và với chính mình một cách tự do và hân hoan.
Trong tuần lễ hiệp nhất này, NHỜ THÁNH THẦN DẪN DẮT chúng con thấy được rằng tình yêu là điều quan trọng hơn mọi thứ lề luật. Chính sự hiệp nhất của mọi thành viên trong gia đình, giáo xứ, giáo phận sẽ giúp chúng con yêu thương CÒN HƠN CẢ LỀ LUẬT NỮA. Amen.(ĐỌC ROMA 7 VÀ 8)
 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Kính chuyển:

Hồng
---------------------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THƯ TƯ CN2TN-C

THỨ TƯ TRONG TUẦN II THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 23/01/2019

Ngày thứ 6 tuần lễ cầu cho các Kitô hữu được hiệp nhất

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 3:1-6)

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!"4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

    Suy niệm

    Cuộc sống có nhiều điều mâu thuẫn: con vật được bảo vệ nhưng con người lại bị chà đạp phẩm giá; người ta ra sức chạy chữa cho việc vô sinh nhưng lại làm ngơ trước việc phá thai; kêu gọi cứu trợ lũ lụt nhưng rừng thì chẳng tồn tại! Mâu thuẫn và rất mâu thuẫn khi nhân danh một lý tưởng, một giá trị, nhưng lại quên mất một giá trị cao cả nhất là phẩm giá con người. Đó là sự mâu thuẫn mù quáng của con người. Người Pharisêu cũng mù quáng như thế.

    Chúa Giêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến trần gian, Người đã đặt lại các giá trị vào đúng vị trí của chúng. Với Chúa Giêsu thì “vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống” và vinh dự của Thiên Chúa được tôn vinh trước tiên là bằng lòng thiện hảo. Con người đối xử tốt với nhau thì Thiên Chúa được tôn vinh. Chính vì thế, hôm nay, Chúa Giêsu đã chữa lành cho người bị bại tay trong ngày Sabát. Khi hành động như thế là Chúa Giêsu đã giải thoát con người khỏi những đau khổ do tội lỗi, đồng thời, Người cũng làm cho ngày Sabát trở về với ý nghĩa đích thực của nó là “Con Người cũng làm chủ ngày Sabát”.

     Bất cứ nơi nào phẩm giá con người được nhìn nhận, bất cứ một con người nào được tôn trọng, thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh. Một việc làm bác ái luôn là một hành vi thờ phượng dâng lên Chúa. Ai chối bỏ người khác, ai từ chối thể hiện lòng nhân từ đối với anh chị em, người đó cũng sẽ chối từ và xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

     Xin cho mọi hành vi trong đời sống đức tin của chúng con luôn là lời ca tụng Thiên Chúa; xin cho chúng con được thánh hóa để trở nên Tin Mừng của Chúa; xin cho chúng con được liên kết với nhau, chia sẻ tình thương mà làm cho gia đình con cái Chúa ngày một trở nên hiệp nhất trong sự tha thứ. Amen.


 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Kính chuyển:
Hồng
-------------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BẢY TUẦN 1 TN-C

THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN C
Chúa cũng ăn uống với người tội lỗi
  NGƯỜI KHỎE MẠNH KHÔNG CẦN THẦY THUỐC...
  TÔI ĐẾN ĐỂ CỨU NGƯỜI TỘI LỖI. (Mc 2, 17)

NGÀY 19/01/2019


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 2: 13-17)

 
13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! "17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
 

SUY NIỆM

 

Vào thời Chúa Giêsu, những người thu thuế bị người Do Thái ghét bỏ và coi như là phường tội lỗi. Họ phục vụ cho những kẻ xâm chiếm xứ sở và thâu góp của cải làm giàu trên sự bất hạnh của đất nước. Nên họ bị coi như là những kẻ phản quốc, những kẻ gian trá, những kẻ bóc lột đồng bào mình.

Trang Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Chúa Giêsu mời gọi Matthêu, một người thu thuế đi theo và làm môn đệ của Người. Xét cả về khía cạnh khách quan lẫm chủ quan, Matthêu đều rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm môn đệ của Chúa Giêsu. Về khía cạnh khách quan, Matthêu - một kẻ được liệt vào hàng tội lỗi công khai - đáng khinh ghét thì làm sao có thể làm môn đệ được Chúa Giêsu được. Còn xét về khía cạnh chủ quan, Matthêu cũng rất khó để có thể từ bỏ công ăn việc làm thuận lợi, đem về cho ông những lợi tức cao. Làm sao ông có thể từ bỏ sự an toàn thoải mái để phiêu lưu đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu. Làm môn đệ Chúa Giêsu chắc chắn ông sẽ nghèo hơn, cuộc sống sẽ bấp bênh hơn.

Nhìn vào Matthêu, chúng ta thấy làm môn đệ của Chúa Giêsu phải từ bỏ, phải hy sinh nhiều quá. Chính cái ý nghĩ đi theo Chúa phải từ bỏ, phải hy sinh nên nhiều người sợ không dám theo Chúa, không dám làm môn đệ của Chúa.

Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy, ơn gọi theo Chúa trước tiên và trên hết là một ân huệ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thật vậy, trở nên môn đệ của Chúa là để cho Chúa chữa lành những thương tổn nơi mình. Vì thế, chúng ta chỉ bắt đầu hành trình theo Chúa khi nhận ra con người bất toàn tội lỗi của mình. Chúng ta cần được Chúa chữa lành. Khi nhận ra con người tội lỗi bất toàn của mình, nhận ra mình cần được Chúa chữa lành thì việc phải từ bỏ, phải hy sinh trên hành trình theo Chúa, trên hành trình được Chúa chữa lành là điều hết sức tự nhiên phải làm. Khi một người nhận ra mình có bệnh và cần được chữa lành thì việc anh ta phải theo hướng dẫn của bác sỹ trong việc từ bỏ những thói quen ăn uống, những thói quen giải trí không tốt cho sức khỏe là điều hết sức tự nhiên phải làm.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con ý thức được thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình và mạnh dạn bước theo Chúa qua việc đón nhận ơn chữa lành từ Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng