4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ TƯ TRƯỚC LỄ BA VUA

THỨ TƯ TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

LỄ THÁNH BASILIO CẢ VÀ THÁNH GREGÔRIÔ NAZIANZEN

 


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Gio-an (Ga 1:19-28)

19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô."21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không."22 Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? "26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.


SUY NIỆM - TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA (Gr 15, 16)

 Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho tôi thấy hình ảnh thật sống động về Gioan. Chính Gioan đã nhận mình chỉ là “tiếng” để truyền đạt nội dung là “Lời” của Thiên Chúa. Tiếng hô trong hoang địa.

Dẫu biết rằng hoang địa là nơi vắng người, nhưng Gioan vẫn lên tiếng; dẫu biết rằng có rất ít người lắng nghe hay thậm chí chẳng có ai hiện diện để lắng nghe, nhưng Gioan vẫn hô lên “Lời”. Gioan ý thức đó là “Lời” của Thiên Chúa chứ không phải lời của cá nhân mình.
 
Gioan chính là hình ảnh siêu phẩm, sắc nét về đức tính thành thật của một con người. Có thể nói thành thật là một trong những đức tính căn bản làm nên tư cách tốt lành của con người. Đức tính này rất cần để chính Gioan cũng như mỗi người chúng ta làm cho hoàn thiện con đường nên thánh của mình.

*** Hơn nữa  Gioan cũng là một người rất khiêm nhường, Gioan để cho Chúa Giêsu lớn lên còn mình thì nhỏ bé lại. (Gioan 3, 30)

Trong một thời đại đề cao hưởng thụ vật chất và sĩ diện, phô trương, tính thành thật và khiêm nhường dường như trở thành những đức tính quý hiếm ai cũng thích nhưng không ai muốn thực hành đức tính đó.

Là con cái Thiên Chúa và hậu duệ của Gioan, TÔI rất cần học lấy bài học thành thật và khiêm nhường. Vì đó là đức tính được Chúa yêu mến. Khác với những ngọn núi tự cao tự đại, lòng thành thật và khiêm nhường được ví như những chỗ trũng hố sâu luôn đón nhận được nguồn nước từ trên cao đổ xuống. Hồng ân của Chúa cũng như vậy, nó đã không dừng lại ở trên đỉnh núi hay triền đồi nhưng tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân. 

Lạy Chúa xin giúp chúng con can đảm chọn những điều Chúa thích hơn là những điều con muốn.

Lạy Chúa, chúng con là những Kitô hữu, chúng con luôn được mời gọi đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, NHỜ THÁNH THẤN DẪN DẮT, chúng con cảm nhận được niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của nhiệm vụ này, để chúng con có thể thông truyền niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
KÍnh chuyển:
Hồng

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ TƯ BAT NHẬT GIÁNG SINH

THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH C

LỄ KÍNH NHỚ THÁNH STÊPHANÔ - TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI

 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 10: 17-22)
 

Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Suy niệm

Hôm qua, chúng ta hân hoan mừng lễ kỷ niệm Chúa Ngôi Hai ra đời cứu độ nhân loại; hôm nay, chúng ta mừng kính thánh Têphanô, người đã can đảm chọn theo Chúa Giêsu, dù phải chịu chết. Hôm qua lễ trong tiếng hát vui mừng, hoa nến rực rỡ. Hôm nay mừng lễ nhộm màu đỏ thắm, khi máu của người tôi trung đổ ra đáp lại tình yêu của Đấng đã yêu con người.
 
Thực ra trong lễ Giáng Sinh, dù mang màu lễ vui mừng, vẫn là lễ của tình yêu hiến mạng. Thiên Chúa yêu con người đến nỗi “đã ban Con Một”, và vẫn có lời gọi mời chúng ta sống yêu thương, là ra khỏi bản thân để sống cho anh chị em, qua  đời sống yêu thương phục vụ.
 
Kitô giáo không bao giờ hứa cho con người một cuộc sống dễ dãi theo kiểu thế gian, mà là một cuộc sống từng ngày bước theo Chúa Giêsu. Sẽ “bị nộp cho các hội đồng, bị đánh đập, bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy”.
 
Nếu không có một đức tin vững vàng, không có một lòng mến tha thiết với hạnh phúc Nước Trời, chúng ta khó chấp nhận được. Chúa xuống trần gian, không phải ở lại mãi với thế gian, mà gọi mời ta theo Ngài đi về trời. Con đường theo Người về trời là con đường “vác thập giá”, con đường không dễ dàng, nhưng có ơn Chúa phù trợ sức hèn yếu của chúng ta. Người hứa luôn đồng hành với chúng ta. Khi gặp cơn khốn khó, bị bách hại, Chúa căn dặn: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì”. 
 
Cuộc chiến để trung thành với Chúa xảy ra, không phải chỉ ngoài xã hội, mà còn ngay trong gia đình, trong mỗi con người chúng ta. Những khuynh chiều về đàng trái, những cám dỗ thỏa mãn các đam mê, dục vọng, không buông tha ai. Để trung thành với Đấng yêu thương ta, thì cần chiến đấu từng phút giây. Cuộc chiến sẽ cam go, khốc liệt, nhưng luôn phải “bền chí đến cùng mới được cứu thoát” khỏi ách thống trị của ma vương, quỷ dữ.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết theo gương  thánh Têphanô, trung tín với Chúa và phó thác cuộc đời cho Chúa. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY chúng con QUYẾT TÂM, bền chí chí làm chứng nhân cho Chúa, dẫu phải trả giả bằng mạng sống mình. Amen. 
 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

KÍnh chuyển:

Hồng

--------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BA CN3MV -C

BÁNH SỰ SỐNG - THƯ BẢY CN3MV -C

THỨ BẢY TUẦN III MÙA VỌNG C

NGÀY 22/12/2018

 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 1: 46-56)
 

Bấy giờ bà Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời". Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.


Suy niệm
 

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa”. Đó là cảm nhận tình thương trào tràn mà Thiên Chủa đã thực hiện trong cuộc đời mình, mà Đức Maria đã cất lời tạ ơn này. Đó là sứ điệp quan trọng của Lời Chúa mà thánh Luca muốn gửi trao cho chúng ta hôm nay.

Quả thế, chúng ta có thể nhận ra lời tạ ơn liên lỉ này trong suốt cuộc đời của Mẹ Maria. Chính nhờ biết lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng, Mẹ Maria đã nhận ra tình thương hải hà mà Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ trên Mẹ. Và Mẹ đã sẵn sàng chia sẻ tình thương ấy cho người khác cụ thể như bà Elisabeth hôm nay.

Nhận ra tình thương của Chúa và dâng lời tạ ơn Chúa là một tâm tình hết sức quan trọng. Chính lời Kinh nguyện tạ ơn IV trong sách lễ Rôma cho chúng ta xác tín này: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con”.

Cuộc sống hằng ngày đã cho chúng ta trải nghiệm thực của lòng biết ơn. Càng biết nói lời cám ơn chúng ta càng nhận được tình thương của người thi ân. Trái lại, sự vô ơn không những làm chúng ta trở nên người bị xem là “thiếu văn hoá”, mà còn làm cho chính người ấy mất hết tình nghĩa với người thi ân, người đã làm ơn cho chính họ.

Là Kitô hữu của Chúa, chúng ta luôn được mời gọi noi theo gương sống của Mẹ Maria, để có thể không ngừng nhận ra tình thương hải hà Chúa trao ban, mà còn biết không ngừng dâng lời tri ân cảm tạ Chúa và những lời kinh nguyện hằng ngày nhất là qua việc thường xuyên tham dự thánh lễ. 

Lạy Chúa, NHỜ THÁNH THẦN CHỈ DẪN chúng con biết theo gương của Mẹ Maria, biết đón nhận THỰC HÀNH TÌNH THUONG Chúa ĐẾN NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ VẾ VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CHUNG QUANH chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Kính chuyển:

Hồng

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ HAI TUẦN 3 MV -C

THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG

NGÀY 17/12/2018



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (1:1-17)

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:

2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.


Suy niệm / TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

Hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại gia phả của Chúa Giêsu. Gia phả nói lên nguồn gốc của con người. Chúa Giêsu có gia phả, nghĩa là Chúa đã là người như mọi người. Các thánh sử khi ghi lại gia phả của Chúa Giêsu cũng chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất đó là chứng minh Chúa thực sự là người. Thiên Chúa, một khi đã làm người, Người làm người như chính chúng ta là người. Người làm người hết sức hoàn hảo. 

Xét về mặt trần thế, lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu thật đơn giản. Người sinh ra bởi một trinh nữ, do quyền năng của Thiên Chúa. Trinh nữ ấy tên là Maria, có một người bạn đời tên là Giuse. Nhưng Giuse chỉ được Thiên Chúa chỉ định để giúp đỡ, để gìn giữ gia đình Đức Maria với vai trò là bạn của Đức Maria và cha nuôi Chúa Giêsu. 

Dẫu Chúa Giêsu được các thánh sử ghi lại gia phả nhưng gia phả ấy chỉ có tính cách tượng trưng để nói lên ý nghĩa thần học: Thiên Chúa làm người mà thôi. Càng gần đến ngày lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta có dịp suy nghĩ thấu đáo về tình yêu của Thiên Chúa dành cho trần gian. Đó là một tình yêu tự hạ. Người tự hạ đến nỗi đã xóa bỏ hết mọi khoảng cách, dù khoảng cách ấy là một khoảng cách rất dài: khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Đó cũng là một khoảng cách rất sâu: khoảng cách giữa trời cao và đất thấp. Đó cũng là một khoảng cách rất rộng: khoảng cách giữa Tạo Hóa và thụ tạo. Một khoảng cách vô cùng lớn như thế, lại được rút ngắn cho đến mức không còn một mảy may nào, không còn gì, dù chỉ là một sợi chỉ mỏng: Thiên Chúa làm người.

Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, Chúa đã đến trần gian để chia sớt phận người với chúng con. Vì yêu chúng con, Chúa đã chủ động xóa mọi khoảng cách đã làm chúng con xa cách Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con, để chúng con cũng yêu thương nhau. Chính khi chúng con yêu thương nhau, là lúc chúng con đáp trả tình yêu của Chúa đối với chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Kính chuyển:

Hồng