4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ TƯ CN32TN-B



  • THỨ TƯ TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 14/11/2018

     
     
    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 17: 11-19)

    Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

    Suy niệm

    Bệnh tật là một trong bốn vấn nạn của con người ở mọi thời đại: sinh – lão – bệnh – tử. Phải chiến đấu với bệnh, con người cũng chịu luôn những hậu quả của bệnh thành bệnh tật. Điều này, Chúa Giêsu hiểu nỗi lòng của con người nói chung, và cách riêng là 10 người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay.

    Ngài chạnh lòng thương khi họ thân thưa và kêu cầu: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Do ảnh hưởng của bệnh phong cùi, tiếng nói của họ chắc chắn là không còn mạnh mẽ, hay được phát âm rõ ràng như người khoẻ mạnh. Chính vì lẽ ấy, dù đang ở đàng xa họ, Chúa Giêsu vẫn nghe rõ từng âm thanh của họ vọng đến Ngài, chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Không cần hiểu rõ thân phận hay dân tộc nào, Chúa Giêsu chữa 10 người phong cùi được sạch, còn dặn họ phải đi trình diện với tư tế, để có thể trở về với cuộc sống như bao người khác, trở về với gia đình. Thật sự còn điều gì khác khiến chúng ta quan tâm ?

    Tin Mừng thuật lại điều đặc biệt nhất của phép lạ này là: Chỉ có người ngoại quay trở lại tạ ơn Chúa Giêsu. Trong trường hợp này, chúng ta có thể hiểu là người này đại diện cho 9 người khác không? Chắc là không! Vì nếu đó là người đại diện, Chúa Giêsu đã không hỏi câu này: “Thế còn 9 người kia đâu” ? Đây là bài học nhân bản: lòng biết ơn. Thiên Chúa chữa lành toàn vẹn con người chúng ta từ thể lý đến tinh thần, toàn vẹn con người chứ không phải một phần. Tại sao, chúng ta lại có thể quên đi những điều phải nhớ…Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh…!

    Các Kitô hữu hôm nay đang sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ được mời gọi nhìn ra lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống, nhờ đó, tâm hồn họ được lớn lên và có khả năng trao ban lòng thương xót.

     

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển: Hồng

    ---------------------------------

     

BÁNH SỰ SỐNG - THU HAI CN32TN-B

  •  
    THỨ HAI TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 12/11/2018

     

    BÁNH SỰ SỐNG: Tin mừng Lc 17: 1-6
    HÃY THA THỨ CHO NÓ

    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 17: 1-6)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này. Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó. Các tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy trốc rễ lên và xuống mọc dưới biển‘, nó liền vâng lời các con“.

    Suy niệm


    Ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cùng với việc ta được làm con Thiên Chúa, tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng đồng thời ban ơn đức tin cho ta. Như vậy, đức tin mà ta có, chính là ơn Chúa ban vô điều kiện, không đòi bất cứ một công lao nào của ta, nhưng chỉ do lòng yêu thương của Chúa mà thôi.

    Tuy nhiên, ơn đức tin, dù do chính Chúa ban và ta đã lãnh nhận, sẽ không tự nhiên mà đức tin ấy phát triển và tồn tại. Để giữ đức tin của mình suốt đời, cần sự cộng tác của ta, để đức tin sinh ích lợi. Ơn đức tin mà Chúa ban cho ta không cần đến ta, nhưng khi đức tin đã thuộc về ta rồi, thì cần đến ta, cần đến việc ta phải sống suốt đời nhằm phát triển đức tin ấy trong ta.

    Những phương thế sống đức tin nhằm giữ vững và làm phát triển đức tin mà Hội Thánh dạy, là siêng năng cầu nguyện, đừng bê trễ các bổn phận đạo đức thường ngày như: đọc kinh sớm tối, siêng năng tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ, hy sinh hãm mình, bố thí, v.v.

    Đức tin sẽ làm chúng ta nên cao trọng, điều mà thánh Phaolô đã khẳng định: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”. Một khi sống đức tin, chúng ta thuộc về Chúa Kitô, trở nên dòng dõi của ông Abraham, cùng là những người thừa kế gia nghiệp vĩnh cửu với Chúa Kitô (x. Gl 4,26-29). 

    Vì sự cao cả của đức tin như thế, cho nên mỗi Kitô hữu luôn luôn được mời gọi hãy sống và phát triển đức tin của mình. Chúa Kitô mời gọi ta sống và phát triển đức tin bằng hình ảnh dễ nhớ, dễ hiểu: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rể lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6).

    Lạy Chúa, xin cho chúng con có lòng tin mạnh mẽ. Xin cho chúng con ý thức hằng ngày, để sống và làm phát triển kho tàng đức tin mà Chúa trao cho chúng con bằng chính đời sống chứng nhân của chúng con trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ NĂM CN31TN-B


  • THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN


    NGÀY 08/11/2018



    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (15,1-10)
     
    1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’”.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’”.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
     
    Suy niệm/ TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA
     
    Trong bài giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ví von và bông đùa những biểu hiện của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho người tội lỗi là "khuyết điểm" như sau: 
     
    - “Khuyết điểm 1”: Thiên Chúa không biết về toán học. Người dám bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc bầy. 
     
    - "Khuyết điểm 2”: Thiên Chúa không biết làm kinh tế. Đang có chín đồng lại không màn đến, để đi tìm một đồng, rồi vui mừng, mời bạn bè đến chia vui. 
     
    "Khuyết điểm 3”: Thiên Chúa hay quên. Những người tội lỗi vây quanh mà dường như Người không hay biết. Như đứa con hoang đàng bỏ nhà, bỏ cha ra đi phung phí tiêu hao tiền của, thế mà người cha vẫn ngày đêm mong đợi. Như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa quên hết mọi lỗi lầm của kẻ vong ân và tội lỗi.
     
    Cả ba dụ ngôn: Con chiên bỏ bầy, đồng bạc bị mất, đứa con hoang đàng, đã làm nổi bậc thái độ rất mực yêu thương của Thiên Chúa dành cho người có tội biết hồi tâm: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. 
     
    Vì thế, dẫu trong từng dụ ngôn, có những điều, mà theo logic, chúng ta khó chấp nhận. Nhưng đặt trong bối cảnh của tình yêu mà Đấng hằng sống dành cho chúng ta, những điều tưởng chừng vô lý, lại càng tôn lên cao tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu ngút ngàng, một tình yêu dung thứ, một tình yêu trời không thể đo đất không thể dò, một tình yêu bền bỉ ngay cả khi con người chẳng những lỗi phạm mà còn lỗi phạm nặng.
     
      Biết mình có tội, chúng ta không đánh mất hy vọng, nhưng can đảm trở về với tình yêu của Chúa. Trở về với lòng xót thương không bao giờ vơi cạn ấy, chúng ta sẽ hạnh phúc, sẽ bình an, sẽ thấy cuộc đời mình tràn ngập lẽ sống, lẽ yêu đương. 
     
    Tòa giải tội là nơi Chúa dùng để ban ơn tha thứ. Hãy tỏ lòng sám hối bằng việc quỳ bên tòa giải tội, khiêm tốn xưng thú tội lỗi để nhận ơn tha thứ của Chúa. Trong đời sống thường nhật, biết mình hay va vấp, ta xin Chúa tuôn đổ ơn giúp ta khôn ngoan phân định điều tốt, điều xấu, cái gì cần thiết, cái gì không cần thiết để ta luôn bền chí thực thi sự lành, và dù có chết cũng nhất quyết tránh xa điều dữ. 
     
    Chúng ta nguyện xin Chúa ban sức mạnh của Chúa để ta luôn luôn sống trong sự khiêm tốn, đơn sơ, luôn luôn gần gũi với mọi người, luôn luôn nhìn thấy và học tập những điều tốt lành nơi mỗi con người mà ta gặp gỡ hay tiếp xúc, để ngày càng dồi dào thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm vươn lên sự thiện, vương đến ơn phần rỗi. 
     
    Sự nhiệt tâm sám hối phải là ý thức bền bỉ qua hết mọi ngày của đời sống mà ta được Chúa ban tặng. Nhờ tinh thần sám hối không ngơi nghỉ ấy, ta luôn thắm ơn Chúa, thắm tình yêu của Chúa, luôn tìm mưu ích cho đời, cho mọi anh chị em xung quanh. 
     
    Trên tất cả mọi sự, từ nội dung của các dụ ngôn, chúng ta phải đinh ninh rằng, Chúa luôn tìm kiếm chúng ta. Chúa muốn chúng ta luôn đặt mình trong tay của Chúa, lệ thuộc Chúa, để Chúa làm chủ và điều khiển cuộc đời chúng ta. 
     
    Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng cho chúng con, để chúng con khám phá tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho chúng con luôn tin tưởng tình yêu ấy, để không bao giờ thất vọng về bản thân hèn yếu của mình, nhưng luôn tin tưởng để vươn lên, để mạnh mẽ về cùng Chúa. Amen.

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
    Kính chuyển:
    Hồng
     

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BẢY CN31TN-B


  • THỨ BẢY TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN B

    LỄ NHỜ THÁNH MÁCTINÔ – GIÁM MỤC


     

    BÁNH SỰ SỐNG: Tin mừng Lc 16: 9-15


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 16: 9-15)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con. Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". Những người Biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông: bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

    Suy niệm / TÔI ĂN- NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA


    Tiền là cần thiết cho sự phát triển của con người và xã hội. Tiền có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Ai cũng cần có tiền để sinh sống, đến nỗi người ta hay nói kháo với nhau rằng: “Tiền là Tiên, là Phật; là sức bật của lò xo; là thước đo con người; là tiếng cười tuổi trẻ; là sức khỏe ông già”.

    Và do đó, không biết từ bao giờ tiền đã đi liền với tham lam, như tội lỗi đeo đẳng trong kiếp con người. Người tham lam nên chỉ biết nghĩ đến mình, bất chấp thủ đoạn và thiệt hại gây cho kẻ khác. Như thế, cuối cùng tham lam cũng là một hình thức xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

    Khi biết rõ tác hại của sự tham lam lam, nên trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi: hãy chọn lựa dứt khoát giữa Thiên Chúa và tiền của; bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được! Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ trở nên xấu khi con người coi tiền của là cùng đích của cuộc sống. Nói cách khác: không có tiền của xấu mà chỉ có cách tìm kiếm và sử dụng xấu mà thôi ! Khi con người sẵn sàng để chết tiếng lương tâm, sẵn sàng chối bỏ cuộc sống của mình, chà đạp lên nhân phẩm của người khác để có tiền, qua đó họ chối bỏ luôn cả Thiên Chúa thì lúc đó tiền của đã trở thành cực kỳ xấu. Tiền của sẽ dẫn đến lòng tham, tham sẽ ích kỷ chĩ biết bo bo giữ lấy cho mình, ai chết mặc ai, rồi cuối cùng khi sống như thế họ cũng trở thành kẻ tự hủy vì họ đã chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

    Trong xã hội, tham lam có mặt trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đó âu cũng là lẽ hiển nhiên. Thế nhưng, “thà đốt lên một ngọn lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối cuộc đời”. Chúng ta hãy vững tin và chọn lựa Thiên Chúa; hãy cố gắng loại ra khỏi con người chúng ta sự tham lam ích kỷ, thói lừa đảo quanh co; chúng ta hãy trung tín với Chúa cũng như là trung tín trong việc sử dụng tiền của để mua lấy Nước Trời; và “Hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu” để sau này họ đón anh em vào Nước Trời.

    Hơn nữa, của cải vật chất là để con người cùng hưởng dùng, cùng giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống; do đó, một khi sống ích kỷ, không quan tâm đến người khác, khước từ chia sẻ là lúc đó chúng ta thể hiện lòng tham của mình. “Không ai có thể làm tôi hai chủ”, của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta tôn thờ người chủ độc nhất và là cùng đích của đời sống là chính Thiên Chúa.

    Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời trong khi mưu cầu cho cuộc sống. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY con biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG - THU HAI CN31TN-B

  • THỨ HAI TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 05/11/2018

     

     

    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 14: 12-14)

    Gospel:

    Lke 14
    12 He said also to the man who had invited him, "When you give a dinner or a banquet, do not invite your friends or your brothers or your kinsmen or rich neighbors, lest they also invite you in return, and you be repaid.
    13 But when you give a feast, invite the poor, the maimed, the lame, the blind,
    14 and you will be blessed, because they cannot repay you. You will be repaid at the resurrection of the just."

    Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: "Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn".

    Suy niệm/ TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA


    Đọc ba câu ngắn ngủi của đoạn Tin Mừng ngày hôm nay, chúng ta lại tiếp tục suy nghĩ về những nghịch lý của Tin Mừng, đúng hơn đó là những nghịch lý của Chúa Giêsu.

    Điều này có thể gây ra sự khó chịu, chướng tai cho người nghe, bởi nó khác suy nghĩ thường khi của chúng ta, khác những chuẩn mực thông thường hằng ngày của con người tự nhiên. 

    Con người tự nhiên chúng ta thường phân biệt giai cấp, thứ bậc. Giàu phải tương xứng, nghèo ngồi cho đúng chỗ, biết thân biết phận. Cư xử và sắp xếp như thế mới đúng lẽ thường tình. Từ khi nào chẳng biết, nó đi vào thói quen suy nghĩ của chúng ta, nó trở thành cách sống và chuẩn mực cuộc sống con người. Làm tiệc, đãi khách thì chú trọng tới người giàu, bạn bè, thân hữu, họ hàng, lối xóm, quen biết, v.v. Ai lại đi mời kẻ ăn xin và người xa lạ, ai lại đi mời người không thân thiết và không cùng đẳng cấp? Khuyến dụ của Chúa Giêsu về việc đãi tiệc nó đi ra ngoài nguyên tắc và chuẩn mực ấy. Ắt hẳn là Chúa muốn giáo huấn điều gì. Nghịch lý của lời khuyến dụ này rõ ràng Chúa muốn ta suy nghĩ nhiều hơn, và đi xa hơn cái mà chúng ta hành xử thông thường.

    Chúng ta phải đi ra khỏi những nguyên tắc của chúng ta và từ bỏ đi những ích kỷ và chiếm hữu cho chính chúng ta. “Nếu anh em yêu mến anh em mình thì còn gì là ân với nghĩa, người tội lỗi cũng làm như thế”. Cùng nghĩ theo cách này, rõ là Chúa muốn chúng ta làm khác đi. Tiệc cưới Nước Trời không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, không phân biệt chủng tộc, không loại trừ ai. Đây chính là điều chủ đạo trong lời rao giảng và cách sống của Chúa Giêsu. Qua đó Ngài mời gọi mỗi người quảng đại đáp trả và chuẩn bị cho cách sống của thời đại Chúa Giêsu. 

    *SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Thật là khó và quả thực là thách thức cho đời sống của TÍN HỮU. Lời Chúa làm giàu cho tư tưởng của BẠN. Cách sống của Chúa làm phong phú cho cuộc đời TÔI. Và chắc chắn giáo huấn của Chúa sinh ích lợi cho linh hồn MỌI NGƯỜI. Chúa muốn CAC BẠN sống và yêu như Người. Đó là chọn lựa không thể đảo ngược, nó dẫn BẠN VÀ TÔI đến sự sống đích thực. 

    Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn sẽ ngỡ ngàng trước lời mời gọi của Chúa. NHỜ THÁNH THẦN mở rộng trái tim chúng con, để có được tình yêu thương nồng nàn của Chúa. Amen.  



    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng