4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BA CN1 MV -C

 

  • THỨ BA SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C

    NGÀY 04/12/20

     


    Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 10: 21-24)

    21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."
     

    SUY NIỆM / TÔI ĂN-NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

     Năm phụng vụ mới khởi đầu với Mùa Vọng, mùa của sự chuẩn bị, như dân xưa trông chờ Chúa Cứu Thế, phảng phất một chút buồn, vì còn phải hướng về, nhưng thực sự phải sống trong không khí hân hoan, vì thời cứu độ đã hiện diện.

    Người Do Thái thủ cựu thì vẫn mong ngóng Đấng Cứu Thế và vẫn mãi mong ngóng như vậy. Còn những kẻ bé mọn thì đã nhận ra Đấng Cứu Thế đang hiện diện giữa họ rồi. 

    Trong không khí của sự hân hoan vui mừng, trong sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói những điều này như một lời công bố. Những người bé mọn quả đã nhận ra sự hiện diện đích thực của Người mà không cần phải chờ đợi một ai nữa. Hằng ngày, có những người thấp cổ, bé miệng, những người nghèo khổ, tàn tật, những người đau bệnh, những người yếm thế giữa xã hội bất công, những nạn nhân của quyền lực, chiến tranh, những người bị chà đạp, bạo hành, họ vẫn cần Chúa, kêu cầu Chúa và vẫn cầu nguyện cậy trông vào Chúa. Nhìn thấy những người đó chúng ta có chạnh lòng không, có khơi gợi lên đức tin trong ta và nhất là gửi cho ta sứ điệp niềm vui và sự mạnh mẽ của đức tin không? Những kẻ bé mọn ở đây đối nghịch với những người khôn ngoan, hiền triết, họ vốn là ai? Bối cảnh của Tin Mừng cho ta biết những người khôn ngoan và hiền triết là những biệt phái và luật sĩ, những người nghiên cứu Sách Thánh và dạy bảo dân chúng về truyền thống và tập tục của cha ông, những người vẫn cho rằng mình hiểu biết và khôn ngoan hơn người khi nắm trong tay những hiểu biết về sứ điệp của Thiên Chúa. Thế nhưng, điều tréo ngoe là họ tìm cách bắt bẻ, chống lại Chúa Giêsu và những lời rao giảng của Người. 

    Sự hiền triết và khôn ngoan đích thực chỉ có thể đến khi chúng ta khiêm tốn đón nhận mình như là người nhỏ bé trong vũ trụ này với biết bao điều bao la. Nó không đơn thuần là hiểu biết hay trí thức, nhưng là sự khiêm nhường của một "con người đức tin". Những người để cho Thần Khí Chúa chiếu rọi ánh sáng của Người và tâm trí và đón nhận Người để mở ra mọi thực tại cho đức tin, đó mới là những người khôn ngoan và hiền triết thực sự. 

    Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ ngày hôm nay làm cho nhiều người mất đức tin, nhất là những người trẻ, NHỜ THÁNH THẦN DẪN DẮT chúng con biết NHẬN ra những dấu chỉ của thời đại để càng tin và Chúa nhiều hơn. Amen.   


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

 

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ

  • Hong Nguyen
    Dec 2 at 6:18 PM

    THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG C

    NGÀY 03/12/2018

    LỄ THÁNH PHANXICÔ XAVIER


    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (16:15-20)

    Khi ấy, 15 Chúa Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ".19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. 

    Suy niệm

    Với lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi lòai thụ tạo” (Mc 16,15), thánh Phanxicô Xavier đã quảng đại đáp lại khi ngài đi truyền giáo từ châu Âu cho đến Ấn Độ, từ Srilanka cho tới Nhật Bản để nói về Chúa Giêsu cho mọi người. Ngài đã chết ở cửa ngõ vào Trung Quốc, nhưng lòng vẫn bừng cháy nỗi đam mê làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Thánh Phanxico đã để lại cho Giáo Hội không chỉ gương mẫu truyền giáo mà còn là “hoa thơm trái ngọt”. Đặc biệt tại Nhật Bản, thánh nhân đã để lại “thành quả” do chính tay ngài vun trồng là 188 vị tử đạo.

    Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi lòai thụ tạo”, không chỉ dừng lại nơi các thánh Tông đồ, hay nơi thánh Phanxicô mà chúng ta mừng kính, mà ngày hôm nay tất cả chúng ta cũng được mời gọi để thực hiện lệnh truyền đó của Chúa Giêsu.

    Đối với chúng ta không chỉ đi xa mới truyền giáo, mà ngay ở trong quê hương của mình, nơi chúng ta đang sống cũng có thể truyền giáo được. Bởi vì truyền giáo là yêu thương, là bác ái, là huynh đệ. Chúng ta truyền giáo ở ngay chính trong gia đình của mình: vợ nên vợ, chồng nên chồng; dạy con cái cho có đức-lễ-nghĩa; biết yêu thương đoàn kết, đem tình thương và lấy đức bác ái sửa bảo cho nhau; cùng nhau sống lời Chúa mỗi ngày. Như thế, chúng ta đã sống truyền giáo.

    Ước gì tâm hồn chúng ta cũng bừng cháy lên lòng nhiệt thành truyền giáo như vậy. Nhưng Chúa không đòi hỏi chúng ta làm điều gì khác thường. Ngài muốn chúng ta sống bác ái, yêu thương trong gia đình, nơi hàng xóm láng giềng. Chúa muốn chúng ta trở nên muối, men, ánh sáng cho trần gian để chiếu sáng cho cuộc sống và làm cho cuộc sống nên tốt hơn, nhân ái hơn, công bằng hơn. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên những chứng nhân can đảm cho Tin Mừng của Chúa ở nơi chúng ta đang sống.

    Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Phanxicô giúp chúng ta hoàn thành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức để mọi người chúng ta đây thật sự là những chứng nhân trung thành cho Tin Mừng của Chúa. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG- THỨ NĂM CN34TN-B

  • Hong Nguyen

    THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 29/11/2018 


    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (21:21-28)

    21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!. Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này.24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.25 Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

    Suy niệm / GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA TÔI ĐÃ NUỐT VÀO (Gr 15, 16)

    Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tiên báo về ngày cánh chung, ngày Chúa quang lâm để thực hiện cuộc phán xét cuối cùng.

    Nói về ngày tận thế, Chúa Giêsu cho biết sẽ có những biến cố và điềm lạ xảy ra. Những biến cố và điềm lạ này có thể mang lại những nỗi hoang mang, khốn khó, sợ hãi khủng khiếp đến cho con người, nhất là những người chưa sẵn sàng, những người đang sống trong đam mê lầm lạc, đang chìm đắm trong vũng lầy tội lỗi. Tuy nhiên, đối với những người môn đệ tín trung, những Kitô đích thực thì đây lại là ngày hồng phúc. Nói như Chúa Giêsu, họ sẽ hân hoan trong ngày ấy vì đó là thời họ sẽ đón nhận ơn cứu độ, được hưởng vinh phúc Nước Trời mà Đức Kitô đã dành sẵn cho họ: “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ.” (Lc 21, 28)

    Đoạn Tin Mừng hôm này cũng là một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đang sống những ngày cuối cùng của Năm Phụng vụ 2018, về thái độ của chúng ta khi chuẩn bị cho ngày cánh chung. Chúng ta có luôn sống thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để hân hoan đón chờ ngày Chúa đến; hay chúng ta vẫn còn để cho những vướng bận của thế gian này là danh, lợi, thú làm chúng ta lơ đễnh, mê lầm, và rồi trở nên run khiếp và sợ hãi vì ngày chung cuộc như là một ngày “báo oán”, ngày đại hoạ cho chính mình.

    Lạy Thiên Chúa là Cha từ nhân, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Cha đã dành ban cho chúng con trong suốt Năm Phụng vụ vừa qua. Xin cho mỗi người trong gia đình, trong cộng đoàn chúng con luôn biết sử dụng hồng ân Chúa ban một cách thật xứng đáng, nhằm mưu ích cho phần rỗi của mình và tha nhân, ngõ hầu chúng con có thể hân hoan và vui mừng đón Chúa đến trong ngày cánh chung. Amen.

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
    KÍnh chuyển:
    Hồng
     

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ SÁU CN34TN-B

  • Hong Nguyen
    Nov 29 at 7:57 PM
     

    THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN B

    LỄ KÍNH THÁNH ANRÊ – TÔNG ĐỒ

     

    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 4: 18-22)

    Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

    Suy niệm

    Trình thuật Tin Mừng mà chúng ta suy gẫm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên đi theo Người. Họ là: Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Khi gặp họ đang làm nghề chài lưới, Người bảo: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19).

    Lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho thấy điều cốt lõi của người môn đệ là bước theo và ở lại với Người. Chính sự gắn kết mật thiết với Chúa, người môn đệ của Đức Kitô sẽ cảm thấu được tình yêu và thông hiểu được giáo huấn của Người. Nhờ đó, họ mới có thể trở nên “những kẻ lưới người”, rao giảng Tin Mừng tình yêu và mang nhiều người đến với ơn cứu độ của Chúa. 

    Thánh Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một trong những môn đệ như thế. Sau khi ở lại với Chúa, nhận biết Người là Đấng Messia, học hỏi giáo huấn của Người, thánh nhân đã tín thác trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa và nhiệt thành cộng tác vào sự vụ cứu độ của Người.

    Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Chúa Giêsu. Nhưng tâm thế của người môn đệ đích thực không chỉ là bước theo Chúa như những người đồng hành, mà còn là gắn bó mật thiết và chung phần chia sẻ sứ vụ với Người. Mỗi người chúng ta đều là “ngư phủ” bằng cách trở nên là chứng tá, là người loan báo Tin Mừng, là người an ủi, chữa lành những tổn thương nơi tha nhân, là khí cụ mang tình yêu Chúa đến cho người khác, nhất là những anh chị em đang gặp đau khổ, bất hạnh.

    Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương chọn gọi chúng con làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi cơ hội để được gần Chúa, để được Chúa yêu thương, hướng dẫn và biến đổi chúng con thành những khí cụ hữu dụng để loan báo tình yêu cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen.

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG- NGÀY 28-11-2018

  • Hong Nguyen
     

    THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 28/11/2018

     


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 21: 12-19)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thế nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".

    Suy niệm/ GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA TÔI ĐÃ NUỐT VÀO:(Gr 15, 16)


    Ngày 19/9/2006, nữ tu Leonella Sgorbati bị những người Hồi giáo quá khích tại Samalia giết chết do bởi lòng thù hận Giáo Hội Công giáo, mặc dầu chị đã dấn thân trong suốt 35 năm để phục vụ cho những người nghèo ở Somalia. Chị bị giết như một “sự trả thù vì bài diễn văn của Đức Giáo hoàng tại Rerengsburg, Đức quốc. Cái chết của chị chỉ là một trong muôn triệu người Công giáo bị bách hại, bị giết chết từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Câu hỏi được đặt ra là tại Giáo Hội Công giáo luôn bị chống đối, thù ghét? 

    Vấn nạn này đã được Chúa Giêsu trả lời ngay trong cuộc đời tại thế của Người: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy”. Vâng, người ta ghét Giáo Hội Công giáo vì Chúa Giêsu, vì  Người lên án bất công, bênh vực người đơn chiếc thế cô, bảo vệ chân lý, kết án thói khoa trương cao ngạo, và nhất là vì Người dạy yêu thương. Kẻ thù của Chúa không thích yêu thương, nó thích gây hận thù chia rẽ. 

    Thế gian nỗ lực lôi cuốn Giáo Hội - hiền thê của Chúa Giêsu - theo thế gian. Nó bất lực trong việc lôi cuốn Giáo Hội, bởi đó, nó căm tức Chúa và tìm mọi cách để hành hạ Giáo Hội. Do đó, Giáo Hội luôn bị người đời chế giễu, công kích, ghét hại, v.v. Nhưng Chúa đã khích lệ: “anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào, vì chính Thầy sẽ chỉ cho anh em nói”.

    Vâng, hơn 2000 năm, người ta tìm mọi cách loại trừ Giáo Hội, bắt bớ Giáo Hội, nhưng Giáo Hội vẫn luôn tồn tại. Năm 1903, Jaurès, nhà hùng biện người Pháp, thấy Giáo Hội phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhiều người rời bỏ Giáo Hội, ông vui mừng reo lên: “Sóng đưa con thuyền Phêrô vào bờ, bây giờ nước rút, thuyền mắc cạn, nằm trơ trên bãi cát”. Nhưng thực sự, ông đã lầm, nước rút rồi nước lại lên, và con thuyền Phêrô lại tiếp tục ra khơi. 

    Chị Leonella trong cơn hấp hối, vẫn thì thào: “tôi tha thứ cho họ”. Đó là cách hành xử của người Kitô hữu đối với kẻ thù. Chính giáo lý yêu thương này như dòng nước làm cho con thuyền Giáo Hội luôn bập bềnh ngoài biển cả không sợ mắc cạn. Như Đức Bênêđictô XVI đã quả quyết: “Đôi khi, một số người đã phải đưa ra những chứng tá tột độ là máu của họ, như đã xảy ra cách đây mấy ngày với nữ tu người Italia, chị Leonella Sgorbati, người đã là một nạn nhân của bạo lực. Chị nữ tu này, người đã phục vụ những người nghèo và những kẻ bé mọn tại Somalia, đã chết trong khi mấp máy lời ‘tha thứ’: ở đây chúng ta thấy một chứng nhân Kitô giáo đích thực, một dấu chỉ hòa bình của nghịch lý cho thấy chiến thắng của tình yêu trên thù hận và sự dữ.

    Một điều không chút hoài nghi: theo Đức Kitô là điều khó khăn, nhưng, như Ngài đã nói, chỉ những ai liều mất mạng sống vì Ngài, vì Tin Mừng, mới giữ được mạng sống mình (Mc 8,35), trong khi đem lại ý nghĩa đầy đủ cho sự hiện hữu của mình”.

    *TÔI CẦU NGUYỆN VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì danh Chúa, thế gian sẽ ghét chúng con, sẽ tìm cách gạt bỏ chúng con, NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY chúng con luôn can đảm làm chứng cho đức tin. Vì chỉ có Chúa mới là Đấng mang lại sự sống cho chúng con. Chúng con QUYẾT TÂM KHÔNG bỏ cuộc, LUÔN LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG HÀNH ĐỘNG. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng