4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG - THƯ SÁU TUẦN 1TN-C

NGÀY 18-01-2019
  
THỨ SÁU TUẦN  I MÙA THƯỜNG NIÊN C



 

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 2: 1-12)

1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? "8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn?10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! "12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! "


SUY NIỆM

 Chúa Giêsu đến thế gian là để nói với con người về tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Tất cả các phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm đều là những dấu chỉ để nói lên điều đó. Ngài nói với con người rằng niềm hạnh phúc đích thực chính là cảm nhận được tình yêu của Chúa và chia sẻ tình yêu ấy với nhau. Dẫu rằng, được chứng kiến những phép lạ của Chúa Giêsu, được chữa lành trong thân xác, thế nhưng, nhiều người thời Chúa Giêsu đã không nhận ra sứ điệp và đón nhận giáo huấn của Ngài.

Tin mừng hôm nay ghi lại phản ứng rất tiêu biểu của đám đông thời Chúa Giêsu. Họ muốn được Ngài chữa lành trong thân xác, nhưng lại không muốn đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà phép lạ là một dấu chỉ. Chính vì khước từ sứ điệp của Chúa Giêsu, không đón nhận tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà người Do Thái đã đóng đinh Ngài vào thập giá. Đó là biểu trưng của nỗi khốn khổ không phải vì bệnh tật, không phải vì thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng chính vì không cảm nhận được tình yêu của Chúa và chia sẻ tình yêu ấy cho nhau. 

Rất ước mong, Lời Chúa hôm nay như ánh sáng soi chiếu vào tâm hồn chúng ta, để trong muôn vàn thử thách của cuộc sống chúng ta vẫn luôn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa; Đồng thời, là sức mạnh để giúp chúng ta làm chứng và chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người. Bởi vì, đó là ơn gọi cao cả của người môn đệ Chúa Giêsu. 

Xin Chúa luôn nâng đỡ mỗi người chúng con biết trung thành với ơn gọi làm môn đệ Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ NĂM CN1TN-C

THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 17/01/2019

 


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 1: 40-45)

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! "42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
 

SUY NIỆM -GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA CON ĐÃ NUỐT VÀO (Gr 15, 16)

 “Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó”. Không ai vừa có được niềm vui lớn lại đem chốn giấu trong lòng. Đây chính là trường hợp của người bị bệnh cùi được Chúa Giêsu chữa lành.

Bệnh cùi là căn bệnh vô phương cứu chữa vào thời Chúa Giêsu, nên người bị bệnh cùi rất đau khổ về tinh thần và thể xác. Họ phải mang căn bệnh này cho đến chết. Vì thế, việc được chữa lành bệnh cùi là một niềm vui khôn tả, không thể che giấu được. Như thế, chúng ta hiểu hành động của người bị bệnh cùi được Chúa Giêsu động lòng thương chữa lành. Vì thế, cho dẫu Chúa Giêsu đã ngăn cấm người được chữa lành bệnh cùi không được nói cho ai biết, thì Chúa cũng cảm thông cho người này vì không nghe theo lời ngăn cấm của Chúa.

Người bị bệnh cùi nhận được niềm vui không phải từ một người nào khác, nhưng là nhận được từ chính tình thương của Chúa Giêsu, một niềm vui ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự chờ đợi của một người đã hoàn toàn tuyệt vọng. Niềm vui do chính Chúa ban đã làm cho anh ta ra đi loan truyền niềm vui được Chúa ban tặng, và giới thiệu Chúa cho những người khác.

Lạy Chúa Giêsu, NHỜ THÁNH THẦN cho chúng con luôn cảm nhận được niềm vui khi nghe Lời Chúa, khi đón nhận Mình Thánh Chúa, khi được Chúa tha thứ tội lỗi, để thúc đẩy chúng con can đảm ra đi chia sẻ niềm vui của Chúa ban cho anh chị em của mình. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
-------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BA CN1TN-C

THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 15/01/2019

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 1: 21b-28)

21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! "26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
 

SUY NIỆM - GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA CON ĐÃ NUỐT VÀO. (Gr 15, 16)

 Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta biết: Ngài là Đấng uy quyền phép tắc. Lời Chúa trong Thánh vịnh 33, câu 6: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú”. 

Thiên Chúa quyền năng có thể làm cho người đàn bà son sẻ như bà Anna được có con tên là Samuel; như bà Elisabeth được có con tên là Gioan Tiền Hô. Thiên Chúa quyền năng làm cho Mẹ Maria sinh ra Chúa Giêsu vẫn đồng trinh trọn đời. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người cũng đầy quyền năng vì Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Chúa Giêsu đầy uy lực trong lời nói và việc làm. Nhưng gì Chúa Giêsu dạy người ta làm thì chính Người cũng đã thực hiện. Và những gì Người đã thực hiện thì vừa thể hiện lòng nhân hậu lại vừa đầy quyền năng.

Chúa Giêsu chữa người què đi được, chữa người mù được thấy, chữa người điếc được nghe, chữa người bệnh được lành. Chúa Giêsu còn có toàn quyền trên thiên nhiên, vũ trụ, ma quỷ và cho người chết sống lại, là những điều mà con người không thể làm được mà hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa. 

Tuy nhiên, uy quyền lớn lao nhất của Chúa Giêsu đó là uy quyền của tình yêu. Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chúa Giêsu dám hy sinh mạng sống mình vì yêu nhân loại và vì vâng phục tình yêu Thiên Chúa Cha. Và như vậy, uy quyền của Chúa Giêsu chính là sự sống cho nhân loại.

  BẠN VÀ TÔI không có uy quyền như Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có thể yêu mến theo gương Chúa Giêsu. Và đó là con đường hy sinh, là con đường sự sống. 

 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
-------------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ TƯ CN1TN-C

THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN C


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 1: 29-39)

29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
 

SUY NIỆM - TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA (Gr 15, 16)

Thánh Marcô là vị thánh sử trình bày Tin Mừng Chúa Giêsu một cách sống động và chân thực mộc mạc nhất. Đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Marcô hôm nay, cũng là một khung cảnh sống động và rất đẹp diễn tả một ngày sống của Chúa Giêsu.

Chúng ta thấy các trạng từ chỉ thời gian và không gian: Khi ấy, Chúa Giêsu rởi khỏi hội đường… Lúc ấy,… Người cầm tay bà, và nâng đỡ dạy… Chiều đến,… người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân… Sáng sớm tinh sương, Người trỗi dạy,… và cầu nguyện… Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. Như vậy, một ngày sống của Chúa Giêsu khởi đầu là cầu nguyện và sau đó là một ngày tràn ngập công việc phục vụ con người. Đó là một ngày như mỗi ngày mà Chúa Giêsu dành thời gian để rao giảng Tin Mừng và chữa lành các bệnh nhân.

Chúa Giêsu đích thực là vị Thượng Tế nhân từ và trung tín, dâng tâm tình thờ phượng lên Thiên Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là cuộc nói chuyện với Chúa Cha. Con người luôn là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Nên chắc hẳn là trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha luôn có con người trong đó. Thiên Chúa bận tâm đến con người chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa và được hạnh phúc.

Tâm tình của Chúa Giêsu luôn ưu tiên việc cầu nguyện và hướng về con người. Còn tâm tình của con người chúng ta thì sao? Nhiều người Công giáo viện cớ bận rộn công việc để bỏ dần những giây phút cầu nguyện, và bỏ cả lễ Chúa Nhật nữa. Một người bỏ cầu nguyện và thánh lễ thì ma quỷ không cần cám dỗ họ. Họ tự dẫn linh hồn và xác của họ đến nộp cho ma quỷ. Bản thân tôi có thường xuyên nhớ đến Chúa không? Có nhớ cầu nguyện và vui vẻ đi lễ như một bổn phận và một ơn Chúa ban không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn vui, là hạnh phúc, là sự bình an của chúng con, NHỜ THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG, mỗi người Kitô hữu luôn biết nương náu bên Chúa, và khám phá ra chỉ có Chúa mới là nguồn bình an và hạnh phúc đích thực khi CON sống ở thế gian này và cả đời sau. Amen.
 
GP Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
-------------------------

 

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ HAI TUẦN 1TN-C

THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 14/01/2019



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (1:14-20) 

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Suy niệm/ GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA  CON ĐÃ NUỐT VÀO (Gr 15, 16)

Tin Mừng của thánh Marco hôm nay cho chúng ta thấy rằng: gần như Chúa Giêsu không có giờ để nghỉ ngơi. Một ngày sống của Ngài bị bao vây bởi rất nhiều người, người bệnh, người bị quỷ ám cũng như ngươi khỏe mạnh, tất cả đều đang cần đến Ngài.
Và tất cả những ai đến với Chúa Giêsu đều nhận ra chính Ngài là người duy nhất có khả năng thỏa mãn mọi ước muốn của con người, về tinh thần của như thể xác. Và chúng ta nhận thấy rằng, khi người ta đã gặp Chúa Giêsu thật sự, thì không muốn rời xa khỏi Người, ngay tức khắc, họ bị Chúa cuốn hút cứ đi tìm để gặp Chúa.
Vì họ cảm nhận được sự nâng đỡ, hạnh phúc và bình an khi gặp được Chúa. Nhưng những ân ban của Chúa Giêsu không dừng lại nơi một dân tộc, mà ngài muốn ban cho tất cả mọi người trên trần gian này, trong đó có mỗi người chúng ta. Người muốn tất cả mọi người đều đón nhận được niềm vui của Tin Mừng, niềm vui cứu độ. 

Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy không ngừng đến với Chúa Giêsu để đón nhận được niềm vui và sự bình an của Chúa, đồng thời, cũng biết quảng đại chia sẻ những ân ban đó cho mọi người chung quanh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn vui, là hạnh phúc, là sự bình an của chúng con, nhờ Thánh Thần dẫn dắt, mỗi người Kitô hữu chúng con luôn biết nương náu bên Chúa, và khám phá ra chỉ có Chúa mới là nguồn bình an và hạnh phúc đích cho chúng con khi sống ở thế gian này. Amen.
 
Hồng chuyển
-----------------------------------