4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

NGÀY 12/01/2019



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (3:22-30)

22 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa.23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa.24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam. 25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy.26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông”.27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

Suy niệm / GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA CON ĐÃ NUỐT VÀO (Gr 15, 16)

     Phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu, ai lớn hơn? Qua lời chân thành của Gioan Tiền Hô, chúng ta đã có câu trả lời: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Gioan khiêm tốn nhìn nhận đúng vai trò của mình, vì ngài cho biết: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa”.

     Sứ vụ của người dọn đường đơn giản là người dọn đường. Và khi đã dọn đường xong, vị sứ giả ấy đã thực thi sứ mạng một cách chu toàn và nép qua một bên cho nhân vật chính xuất hiện. Cũng vậy, để chuẩn bị cho một lễ cưới,  anh rễ phụ và bạn hữu của tân lang chuẩn bị trang hoàng, sắp xếp các vật dụng giúp cho tân lang trong niềm vui ngày cưới. Nhưng khi giờ đến, nhiệm vụ của những người bạn ấy cần phải nép lui về phía sau để nhường chỗ cho vị trí của tân lang đóng vai chính của buổi tiệc rượu.

     Trong đời sống cộng đoàn, rất cần những người đứng vị trí ở sau, những người đóng vai phụ. Đó là những con người khiêm tốn và phục vụ hết mình, cũng như biết vai trò của mình trong xứ đạo, cộng đoàn. Những việc mình làm luôn cần biết quy về một mối là Chúa Kitô - Vị Tân Lang đến đem niềm vui cho tất cả chúng ta. Để rồi chính Tân Lang sẽ dọi chiếu ánh sáng trên chúng ta. Nhờ đó chúng ta cũng được tỏa sáng từ ánh sáng của Chúa.

Lạy Chúa, giữa một thế hệ bon chen tìm kiếm địa vị, NHỜ THÁNH THẦN CHỈ DẪN cho con biết khiêm tốn đảm nhận vai trò Chúa ban, và cộng tác hết mình với anh chị em vì lợi ích Giáo Hội. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
--------------------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ SÁU SAU LE HIEN LINHỄ

THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

NGÀY 11/01/2019


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (5:12-16)

12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.13 Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.14 Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.16 Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

Suy niệm/ TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

Vào thời Chúa Giêsu, những người mắc bệnh phong phải sống tách ly khỏi gia đình và xã hội. Họ phải để tóc và râu rối bời, áo quần rách rưới, rồi đi đâu cũng ra hiệu để người sạch trông thấy mà xa tránh ra.

Người dân thời đó còn quan niệm cách nặng nề rằng, bệnh phong cùi là hình phạt rõ ràng của Thiên Chúa. Nên người măc bệnh không được phép đến thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ. Những người này sống mà tâm hồn như đã chết vì không được cộng đồng đón nhận và nâng đỡ. 

Người bệnh phong trong đoạn Tin Mừng hôm nay có một đức tin rất mạnh mẽ: "Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch". Có thể nói, anh rất tin tưởng vào tình yêu thương quan tâm của Chúa Giêsu, và anh cũng khiêm tốn để Chúa quyết định cho vận mạng của mình. Lời của anh đã chạm tới trái tim giàu lòng thương xót của Chúa khiến Người đáp lại ngay: “Tôi muốn, anh hãy lành sạch”.

Với việc chữa lành, Chúa Giêsu giúp đưa những người bệnh phong lại với cộng đoàn sự sống. Vâng, chung quanh ta cũng còn biết bao người bệnh tật, đau yếu, liệt lào, yếu đuối, sa ngã, v.v. Một dạng bệnh phong đang làm cho ta chết dần chết mòn nếu không đặt niềm tín thác vào Chúa và kêu xin khẩn thiết: “Nếu Ngài muốn, xin làm cho tôi được sạch”.

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con trở nên công cụ, là đôi tay, là đôi chân để trở nên cầu nối cho anh chị em đến được với Chúa cùng với lời cầu nguyện xin ơn “Nếu Chúa muốn”. Nhờ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY chúng con thoát khỏi căn bệnh phong biếng nhác làm cho chúng con ngại đưa Chúa đến cho anh chị em bằng đôi chân, ngại giúp cho người xung quanh mình bớt cực nhọc bằng đôi tay Chúa cho. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
KÍnh chuyển:
Hồng
-----------------------------

BANH SỰ SỐNG - THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH

THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH C

NGÀY 09/01/2019
 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (6:45-52)

45 Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông.46 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất.48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông.49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên.50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt,52 vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

Suy niệm / TÔI ĂN-NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

Giữa biển hồ mênh mông, các Tông đồ vất vả chèo chống trong cơn gió ngược. Các ông mang tâm trạng gì trong lúc này?  Phải chăng các ông đang than trách Thầy vì Thầy không đồng hành với các ông? Hay là các ông tự nhủ không cần Thầy đến giúp, bởi các ông ỷ lại khả năng ngư phủ của các ông? Cả hai thái độ đó đã làm cho các ông không nhận ra Thầy mình, và cứ ngỡ là “ma” khi Thầy đến với các ông. 

Giữa lúc chèo chống vất vả này, nếu các môn đệ tin tưởng vào Thầy và hy vọng Thầy sẽ đến giúp, thì khi thấy bóng dáng Thầy các ngài sẽ nhận ra Thầy mình, nhưng tiếc quá!

Thái độ tự phụ vào khả năng của mình cũng là vật cản không thể giúp con người nhận diện được Chúa. Các ngài tin vào khả năng của mình bởi dầu sao các ngài là những ngư phủ thứ thiệt. Cậy dựa vào sức mình cũng đồng nghĩa với việc loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống. Do đó, khi Chúa đến các ngài đã không nhận ra Chúa.

Đó cũng chính là thái độ thường xảy đến với chúng ta trong cuộc sống: 

- Hoặc là khi đối diện với những thách đố trong cuộc sống, chúng ta hầu như cảm thấy mất niềm tin vào Chúa. Tại sao? Có thể đức tin của chúng ta chỉ được bén rễ trên những ích lợi trần thế. Có thể chúng ta thể hiện đức tin để chờ đợi những may lành mang tính trần thế trong cuộc sống, như là làm ăn thành công,  sức khỏe dồi dào, v.v. 

- Hoặc là chúng ta quá tự phụ cậy dựa vào sức mình, cậy dựa vào sức con người, vào những thành tựu khoa học, chúng ta coi việc cầu nguyện là không cần thiết và cầu xin sự trợ giúp của Chúa là phù phiếm. Khi đối diện với những thách đố trong cuộc đời chúng ta cứ bám víu vào những phương tiện trần thế, vào khả năng của con người,  chúng ta sẽ bị nhận chìm giữa biển khơi.

Lạy Chúa, Chúa hằng yêu thương con người và không bao giờ lìa xa chúng con. Chỉ vì đức tin chúng con chưa vững mạnh để nhận diện ra sự đồng hành của Chúa trên nẻo đường chúng con đi. NHỜ THÁNH THẦN thêm lòng tin cho chúng con giúp chúng con luôn gắn chặt với Chúa. Vì chỉ có sự gắn kết này chúng con mới nhận ra Chúa luôn ở kề bên chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
 
-------------------------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH

THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH

NGÀY 10/01/2019 

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (4:14-22a)  

14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Suy niệm - GẶP ĐƯỢC LỜI CHÚA TÔI ĐÃ NUỐT VÀO (Gr 15, 16)

Vương quốc của Chúa Giêsu không giống như vương quốc của vua Đavít. Cuộc giải phóng, sự tự do và việc chữa lành mà Chúa Giêsu đem lại là một thực tại thiêng liêng, không phải theo kiểu thế gian. Thực tại thiêng liêng này được khởi sự ở nơi trần thế, và đạt tới chiều kích viên mãn trong ngày Chúa đến vinh quang lần thứ hai.
 
Chúa Giêsu loan báo về một vương quốc của Thiên Chúa khác xa vương quốc người Do Thái chờ đợi. Thế nhưng, Chúa đã không làm cho người nghe thất vọng, bởi những lời hay ý đẹp Người giảng dạy. Chúa đã biến đổi tâm thức người nghe từ sự chờ đợi một Đấng Thiên Sai quyền uy nhằm khôi phục một vương quốc hùng mạnh, để hân hoan đón nhận một Đấng Thiên Sai trong một viễn tượng mang đặc tính nhân văn hơn: loan báo sự giải thoát, trả tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân.

Nhận được hồng ân đức tin, người tín hữu chúng ta cũng được sai đi loan báo Tin Mừng này, Tin Mừng của niềm hy vọng về sự giải phóng khỏi sự áp bức của sự dữ, chứ không là loan báo về những sự hão huyền. Lời loan báo tin vui được thể hiện ngay chính trong đời sống thường ngày của chúng ta. Thật thế, người Kitô hữu chúng ta phải biểu tỏ niềm vui trong từng biến cố của cuộc sống, để qua đó, người ta đọc được sứ điệp Tin Mừng mà chúng ta loan báo.

Lạy Chúa Giêsu, NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY chúng con QUYẾT TÂM làm chứng về Tin Mừng bằng chính sự trong sáng của chúng con trong mọi hành vi của cuộc sống, để những ai gặp chúng con là gặp được niềm vui. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Kính chuyển:
Hồng
---------------------------

BÁNH SỰ SỐNG - DANH THÁNH GIÊ-SU

 

THỨ NĂM TRƯỚC LỄ HIỂN LINH - NĂM C

NGÀY 03/01/2019

 


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Gio-an (Ga 1:29-34)


29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước."32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."


SUY NIỆM

     Gioan chưa một lần nhìn thấy Chúa, nhưng ông đã giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người khi vừa mới nhìn thấy Người: “Này là Chiên của Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của thế gian”; và mạnh mẽ xác quyết: “Chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa chọn”.

Gioan có hồ đồ không? Chắc chắn không, vì ông làm chứng không phải bởi cảm tính, cũng không bởi những tư duy từ những lý chứng suy đoán mang nặng tính khoa học trần thế, nhưng bởi sự mặc khải của Thiên Chúa: “Ngươi thấy Thần khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh thần”.

      Vâng, khi loan báo về Tin Mừng, chúng ta đừng nại vào những lý chứng khoa học, hoặc là những cuộc tranh luận mang đặc tính bác học, nhưng tiên vàn chúng ta phải nại đến ơn Chúa. Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã nói: “Trong tất cả mọi hình thức Phúc Âm hóa, quyền tối thượng luôn luôn thuộc về Thiên Chúa, là Ðấng đã mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài và tác động chúng ta bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần… Ðời sống của Hội Thánh, phải luôn luôn chứng tỏ rõ ràng rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa, rằng ‘Ngài yêu chúng ta trước’ (1Gl 4,19) và rằng chỉ một mình Ngài ‘ban sự phát triển’ (1Cr 3,7)” (EG số 12).

      Quả thật, lời chứng về Tin Mừng nếu chỉ cậy dựa vào lý lẽ khôn ngoan của con người thì chỉ là những lời chứng trống rỗng, không có sức hoán cải lòng người để có thể gặp được Đức Kitô. Chúng ta chỉ có thể nói về Chúa Kitô bằng năng lực của Thiên Chúa, điều đó có nghĩa là chúng ta phải để cho lời chứng của chúng ta được thấm đẫm Lời Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Bởi nói như Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI: “Rao giảng Tin Mừng, trước hết là làm chứng, một cách giản dị và trực tiếp về Thiên Chúa đã được Đức Giêsu Kitô mặc khải, trong Thánh Thần” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 26). Điều đó chỉ có thể có được qua một đời sống gắn chặt vói Thiên Chúa trong kinh nguyện.

     Lạy Chúa, “xin dạy con tìm Chúa, và NHỜ THÁNH THẦN CHỈ DẪN, tỏ mình ra cho kẻ đang kiếm tìm” (thánh Anselmô, sách Minh giải), để con có thể gặp được Chúa QUA MỌI NGƯỜI..., và qua cuộc gặp gỡ này, con sẽ nói cho người ta về Chúa bằng chính cảm nghiệm của mình. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

KÍnh chuyển:

Hồng

------------------------------------