4. Bánh Sự Sống

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ HAI CN34TN-B

  •  
    THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 26/11/2018

     


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 21: 1-4)

    Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà góa nghèo bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con: bà góa nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".

    Suy niệm/ TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA


    Có lẽ chúng ta đã nghe nhiều đến đồng tiền của bà góa đã được các thánh sử nhắc lại: bà chỉ dâng cúng hai đồng tiền kẽm, thế mà Chúa Giêsu ca ngợi là bà đã cho nhiều nhất.

    “Cái nhiều” mà Chúa Giêsu dành để ca tụng lòng quảng đại của bà góa không là cái nhiều của toán học, cái nhiều được đong đếm bằng những con số. Bởi đức ái không thể cân đo đong đếm. Chúa Giêsu nhìn thấy nơi hai đồng tiền kẽm mà bà góa dâng cúng chứa đựng cả một kho tàng, vì bà đã dâng tất cả gia tài của bà, bà đã cho tất cả những gì mà bà có thể. 

    Mỗi một Chúa Nhật, chúng ta đều dâng cúng một ít tiền, được gọi là tiền thau, để giúp nhà thờ chi phí các công việc mục vụ, nhất là công việc bác ái. Đây là một việc làm nói lên sự cộng tác của người giáo dân trong công việc xây dựng và phát triển Giáo Hội, chia sẻ với các sinh hoạt của Giáo Hội. Thế nhưng, chúng ta thường đắn đo khi bỏ tiền vào rổ: không biết như vậy là có nhiều không. Và kết quả là tiền thau thường là những đồng tiền lẻ! Dĩ nhiên, Chúa không đánh giá hành vi dâng cúng của chúng ta bằng những giá trị vật chất bên ngoài, Chúa chỉ nhìn đến tấm lòng. Chỉ có tấm lòng mới quyết định giá trị hành vi bác ái của chúng ta. 

    Cho nên những đồng bạc dâng cúng của mỗi người phải là dấu chỉ thể hiện lòng mến, chứ không phải vì sỉ diện hay tự ái, hoặc làm chiếu lệ. Đó phải là của lễ được đúc nên bởi những lao công vất vả, bởi những hy sinh từ bỏ, bởi một trái tim luôn hướng đến những thiếu thốn, những cùng cực của người khác. Đó cũng chính là lời tạ ơn dâng lên cho Thiên Chúa, bởi những gì chúng ta có đều nhận được từ nơi Thiên Chúa. Của lễ tạ ơn phải là của lễ được gói ghém bởi tấm lòng tri ân chân thành.

    Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã giáo huấn rằng, mọi hành vi bác ái cần phải được con tim hướng dẫn: “Cần phải quan tâm đến kẻ khác bằng con tim”. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng có ích gì cho tôi” (1Cor 13,1). Do đó, các hành vi bác ái của chúng ta phải được thực hiện từ lòng mến chân thành: "mến Chúa và yêu thương tha nhân". Nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khốn cùng của tha nhân để hành vi bác ái của chúng ta thực sự là hành vi hiệp thông đau khổ của Đức Kitô.

    Lạy Chúa, Chúa không cần của lễ của chúng con, bởi thực ra, chúng con chẳng có gì, tất cả những gì chúng con có đều do bởi Chúa, Chúa chỉ cần tấm lòng của chúng con, một tấm lòng biết ơn về những gì chúng con có. Lạy Chúa, xin cho cuộc đời chúng con là lời tạ ơn dâng lên Chúa, lời tạ ơn được đúc kết bởi một trái tim yêu thương chân thành. Amen.

    GP Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng


BÁNH SỰ SỐNG - THỨ HAI CN33TN-B

  •                                   BÁNH SỰ SỐNG

    THỨ HAI TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 19/11/2018

     
     

    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 18: 35-43)

    Khi Đức Giêsu đến gần thành Giêrikhô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường, khi nghe tiếng đám đông đi qua anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu Nagiarét đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Đavid, xin thương xót tôi". Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Đavid, xin thương xót tôi". Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?". Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

    Suy niệm

          Thật là một sự trớ trêu, người mù hai mắt này chưa bao giờ gặp Chúa Giêsu, thế mà hôm nay khi thấy Người đi qua lại mạnh dạn tuyên xưng danh hiệu và sứ mạng của Người: “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót con” trong khi các môn đệ ở gần Chúa trong suốt những năm tháng dài lại không nhận ra sứ mệnh của Người. Thì ra người không có mắt thân xác lại có mắt đức tin sáng chói. Chính sức mạnh của đức tin này đã mang lại sự sáng thể xác, như lời Chúa Giêsu nói: Đức tin của anh đã cứu chữa anh. Khi được sáng mắt, anh đã phấn khởi nhập vào đoàn người ca tụng  tôn vinh Chúa.

           Thứ đến, điều làm chúng ta ngạc nhiên là tại sao Chúa lại hỏi: anh muốn tôi làm gì cho anh? Câu hỏi xem ra thừa thãi. Vì người mù thì còn gì để muốn hơn là được xem thấy ánh sáng. Nhưng ý Chúa Giêsu muốn chính bệnh nhân xác định ý muốn của mình cách tự ý, công khai. Vì bệnh nhân cần phải nhận ra và ý thức về căn bệnh của mình. Nếu hệ thần kinh suy nhược thì không còn khả năng báo động về tình trạng bệnh tật của thân xác. 

         Về mặt tâm linh còn quan trọng hơn. Người tội lỗi trước hết cần nhận thấy tội lỗi của mình, đó là khởi đầu cho bước đường trở về, nếu trái tim đã xơ cứng, lương tâm đã chai lỳ không còn nhận được tội lỗi của mình nữa thì tình trạng tâm hồn đó thật nguy kịch. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh giác: nguy hiểm nhất của thời đại này là đánh mất ý thức về tội lỗi. Sau khi biết rõ con người yếu kém tội lỗi của mình, chúng ta cần phó thác tất cả vào lòng thương xót của Chúa, như anh mù thành Giêricô: ”Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót con.

         Lạy Chúa, nhờ Ngài mở mắt tâm hồn con để con nhận ra con người yếu đuối tội lỗi của mình. Như anh mù thành Giêricô sau khi được sáng mắt hân hoan bước theo Chúa cho dù con đường của Chúa là tiến về Giêrusalem để chịu tử nạn. NHỜ THÁNH THẦN CHỈ DẪN chúng con  sẵn sàng bước theo Chúa để làm chứng về tình yêu Chúa cho mọi người. Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG - THƯ SÁU CN32TN-B


  • THỨ SÁU TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 16/11/2018

     
     

    BÁNH SỰ SỐNG: Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 17: 26-37)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ, gả chồng mãi cho tới ngày Noe vào tàu: Rồi nước lụt tiêu diệt mọi người; lại cũng xảy ra thời ông Lót, người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và diêm sinh, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện. Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất sự sống mình thì giữ được nó. Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại". Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?". Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tụ lại đó".

    Suy niệm


    Bất cứ sự gì trên đời này đều có hồi kết thúc. Và mỗi lần kết thúc xảy đến là một báo hiệu hay là một lời cảnh giác cho BẠN VÀ TÔI.

    Chẳng hạn, như khi nhìn thấy một người thân của mình chết, thì đó là một báo động chúng ta biết rồi mình cũng sẽ phải chết; hay khi một tòa nhà lớn nào đó bị phá đổ thì đó là một dấu chỉ cho biết rằng mọi sự đều rất mong manh; hoặc là một tai nạn giao thông nào đó xảy ra cướp đi mạng sống con người, thì đó là lời cảnh giác: sự kết thúc một cuộc đời sớm hơn thời gian có thể xảy ra bằng bất cứ cách nào.

    Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra 2 sự kiện cụ thể đã xảy ra trong thời Cựu ước, đó là trận lụt Đại Hồng Thủy vào thời ông Nôê; và lửa từ trời đốt cháy thành phố Sôđôma vào thời của ông Lót. 2 sự kiện này là bằng chứng của sự kết thúc. Và cũng qua những biến cố này, chúng ta được thôi thúc quan tâm đến tầm quan trọng của cuộc sống và tích cực gia tăng chuẩn bị chu đáo. Chúa Giêsu gợi lên sức mạnh của nước và lửa để giúp cho chúng ta ý thức rõ sự nhỏ bé và bất lực của bản thân con người chúng ta. 

    Trước lũ lụt và hỏa hoạn, cho dù nỗ lực đến mức độ nào đi chăng nữa, thì mọi phương tiện cứu chữa nhiều lúc cũng bất lực. Qua đó chúng ta thấy tất cả mọi thứ trong vũ trụ này rồi sẽ qua đi và mọi thứ chúng ta đang có rồi cũng sẽ tiêu tan. Chỉ có tình yêu sẽ tồn tại mãi trong đời sống vĩnh cửu. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết tỉnh thức sẵn sàng, luôn biết sắm sửa hành trang cho chính mình bằng đời sống thánh thiện, nhất là bằng nghĩa cử yêu thương, vì đó như một đảm bảo cho chúng ta sẽ là người được Chúa đem đi vào Nước Trời. 

    BẠN VÀ TÔI CẦU NGUYỆN VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, NHỜ THÁNH THẦN DẪN DẮT cho chúng con luôn biết dừng lại trước những cám dỗ của tiền bạc, thú vui và quyền bính. Để trong khi vất vả nuôi sống bản thân và gia đình, biết giữ lương tâm trong sạch, liêm chính, thi hành luật mến Chúa yêu người để chúng con đáng được vị Thẩm Phán chí công ân thưởng Nước Trời . Amen.


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ BẢY CN32TN-B

  •  
                                          BÁNH SỰ SỐNG

    THỨ BẢY TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 17/11/2018

     


    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 18, 1-8)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà góa đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc". Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Ngài tuyển chọn hằng kêu cứu với Ngài đêm ngày khoan giãn với họ mãi sao?" Thầy bảo các con: "Chúa sẽ kíp giải oan cho họ! Nhưng khi Con Người đến liệu còn sẽ gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?

    Suy niệm


    Qua nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay chắc hẵn chúng ta nhận ra lời kêu gọi của Chúa Giêsu: hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. 

    Quả thật, lý luận của Chúa trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu một quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa, mà còn phải chịu thua trước lời van xin của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, mội vị Thiên Chúa trọn hảo và đầy lòng xót thương!

    Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác như Chúa Giêsu. Phó thác như Chúa Giêsu đã phó thác, nghĩa là luôn biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả khi phải trải qua nghịch cảnh, những thách đố; phó thác như Chúa Giêsu chính là luôn tin rằng từ những nghịch cảnh, những thách đố thì Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.

    Thiên Chúa của chúng ta là một người cha có tấm lòng yêu thương vô cùng, và Ngài muốn chúng ta đến với Ngài trong sự tín thác và yêu thương. 

    Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về xin vâng và phó thác, Chúa Giêsu đã tận dụng từng giây phút trong cuộc sống để biến thành lời cầu nguyện và xin vâng với thánh ý Thiên Cha.

    Trong cuộc sống niềm tin của mình, chúng ta đã đặt để niềm tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa như thế nào?

    Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu biết ý nghĩa của việc cầu nguyện là sống với Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa và chia sẽ những tâm tình lo âu của Chúa cho phần rỗi con người, để chúng con luôn biết dùng việc cầu nguyện như là hơi thở của tâm hồn, và nhờ sự kết hợp mật thiết với Chúa bằng lời cầu nguyện chúng con cảm nghiệm  được hạnh phúc thật ngay từ đời này. Amen.



    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng

     

BÁNH SỰ SỐNG - THỨ NĂM CN32TN-B

  •  
    THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B

    NGÀY 15/11/2018

     
     

    Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 17: 20-25)

    Khi ấy, những người Biệt phái hỏi Chúa Giêsu: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này Nước Trời ở đây hay ở kia". Vì Nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy một ngày của Con Người, mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng lòe từ chân trời này đến phương trời kia thể nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi.

    Suy niệm /TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA

    Bất cứ nơi đâu, thời đại nào, con người quan tâm đến sự lạ, đến cái mới, tiếp đến là cái độc, cái lạ, và có chút lố bịch. Việc chạy theo sân si khiến người Kitô hữu nhiều lần phải trả giá đắt cho cứu cánh của cuộc đời mình. 

    Khi đối diện với nền văn minh hiện đại, chúng ta ít để ý đến điều có hại sau những tiện ích. Nhưng trước nền văn minh của thế giới hiện đại, con người đang phải đối diện với việc bị nhồi nhét thái quá chủ thuyết thực dụng, hưởng thụ và muốn được phục vụ nhiều hơn. Vì lẽ ấy, tiền bạc là thứ con người bằng mọi giá thu tích càng nhiều càng tốt. Chính tiền bạc quyết định sự hiện diện của dịch vụ công nghệ cao và hưởng thụ cuộc sống đỉnh cao. 

    Vì chạy theo những cái mới lạ và độc hại ấy, người ta không còn chú ý, đặt tâm vào những điều mầu nhiệm, những chân lý ưu việt, lại càng không có ý hướng dừng lại trong sự thinh lặng để nhận ra diễn tiến của hành trình sống vất vưởng, nguy hiểm bởi những thông tin đa chiều tấn công từ nhiều phía, bởi những chiêu trò thông tin giả - loan tin thật…

    Qua cách sống thiếu chiều sâu ấy, con người cũng không nhận ra thời giờ Thiên Chúa viếng thăm. Thông thường, mỗi Kitô hữu có khoảng thời gian được cho là thiết yếu để chuẩn bị hành trang cho cuộc gặp gỡ định mệnh với Đấng có quyền xét xử duy nhất. Nhưng trên thực tế, họ cũng không ít lần xao nhãng và ỉ lại, để rồi khi sự việc đến, họ luôn sợ hãi và không kịp trở tay.

    *SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Những Kitô hữu tỉnh thức và chìm sâu trong cầu nguyện thì không bao giờ cảm thấy sợ hãi vì phải đối diện với giờ phút Chúa viếng thăm. Ngược lại, họ luôn nhận ra món quà và ân huệ trong giờ phút ấy. Cho nên, sống tỉnh thức trở nên thiết yếu cho các Kitô hữu hôm nay. 
     

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:

    Hồng