6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - 8 ĐIỀU CẦN LÀM CÓ PHÚ QUÝ-PHÚC ĐỨC

  •  
    Hung Dao chuyển
    Subject: VAN HOA :Ở đời làm được 8 điều này thì phú quý, phúc đức đều có cả
     

    Ở đời làm được 8 điều này thì phú quý, phúc đức đều có cả

    Châu Yến 
    image.png

     
     
     

    Thành công trong cuộc sống không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Những người thành công nhất luôn giữ cho mình những tiêu chuẩn trui rèn thói quen, tính cách…

    Thành công đến từ sự nỗ lực đề cao tâm tính. Người xưa đúc kết rằng làm người phải giữ được 8 phẩm đức dưới đây thì phú quý trong đời tự nhiên sẽ đến.

    1. Khẩu đức

    Chỗ nào tha được cho người khác thì nên tha.

    Lời thẳng thắn có thể nói vòng vo một chút.

    Những lời nói lạnh lùng: Có thể thêm nhiệt rồi mới nói.

    Lời nói không phải là gió bay. “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Lời nói không nên giảo hoạt, cũng đừng quá lạnh lùng. Suy từ mình muốn nghe gì mà nói với người như vậy. Đấy gọi là chân thành tự đáy lòng.

    2. Chưởng đức

    Khen ngợi người khác, phải học vỗ tay.

    Mỗi người đều cần có tiếng vỗ tay đến từ người khác.

    Vui vẻ vì người khác là trách nhiệm của mỗi người.

    Người không biết vỗ tay, đời người quá hạn hẹp.

    Khích lệ người khác một chút có thể mang tới cho họ nhiều sức mạnh hơn bạn tưởng. Nó thể hiện tấm lòng rộng rãi, tâm tình hào sảng. Không thể tán thưởng người khác nhiều phần là do tâm đố kị, lòng dạ hẹp hòi. Lấy tâm rộng rãi mà đối với người thì không thiệt gì cho mình mà lại được rất nhiều thiện cảm.

    3. Diện đức

    Không nể mặt là sự vô lễ lớn nhất. 

    Bất cứ lúc nào, cũng nên để một nấc thang cho thể diện của đối phương.

    Nhìn thấu đừng vạch trần, thể diện không bị mất.

    Nên giữ thể diện cho người khác như là mình muốn giữ thể diện cho mình. Cái đó là sự tinh tế, thấu hiểu, khiêm nhường. Thể diện là điều tối quan trọng đối với một con người. Không thể giữ thể diện cho đối phương thì chắc chắn sẽ làm tổn thương người, mà mình cũng chỉ nhận được oán thù mà thôi.

    4. Tín nhiệm đức

    Người bẩm sinh đa nghi không thể có bạn bè thật lòng.

    Được người khác tin tưởng là một loại hạnh phúc.

    Có bao nhiêu tín nhiệm, thì có bấy nhiêu cơ hội thành công.

    Nghi người không kết giao, kết giao thì không nghi.

    Thực ra người thành công được hay không phần lớn là ở chỗ có thể tin tưởng người khác và làm cho người khác tin tưởng được mình hay không. Nếu có được lòng tin, thì cơ hội có thể đi xa hơn bạn nghĩ. Vì vậy, thay vì cố gắng giành lấy gì, chỉ cần giữ cho mình sự chân thành, chân thật, ắt sẽ có được lòng tin từ người khác.

    5. Lễ tiết đức

    Nhã nhặn lễ phép, mới có thể lan tỏa sức hấp dẫn.

    Khiêm nhường, hiểu phép tắc là một đức tính quý báu của đời người 

    Nhiều lễ nghi không ai trách.

    Đưa lễ đưa tận nơi.

    Người biết phép tắc lễ nghi là người hiểu đạo. Người hiểu đạo là người biết sống có trước sau, phải trái. Là người đáng trọng và đáng tin. Người như thế không thể không thành tựu.

    6. Khiêm nhường đức

    Người lộ rõ hết bản tính đi đâu cũng có kẻ thù rình rập.

    Tuyệt đối không lộ rõ hết bản tính.

    Buông bỏ khả năng, hạ thấp chính mình.

    Trước mặt người khác không ngông cuồng, sau lưng người khác không đắc ý, làm người nên điềm đạm.

    7. Lý giải đức

    Mọi người đều khao khát sự thừa nhận của người khác.

    Lý giải (thấu hiểu), chính là cho người khác phương tiện.

    Sức mạnh của sự thấu hiểu vượt xa hơn những gì bạn có thể hình dung. Làm người thực ra khó nhất là hiểu được người khác. Vì người chứ không vì mình. Thấu hiểu khiến bạn có lòng bao dung, có sự chia sẻ, đồng cảm, tha thứ. Không thể hiểu người thực ra chính là khép lại cánh cửa đi vào tâm hồn người khác, và như thế, bạn sẽ không có gì cả.

    8. Tôn trọng đức

    Đặt sự tự trọng của người khác lên vị trí số một.

    Cố gắng làm người khác cảm nhận được tôn nghiêm của họ.

    Cho kẻ yếu sự tôn trọng càng đáng quý hơn; đặt người khác ở trong lòng.

    Sống trong đời, điều quan trọng bâc nhất cần phải tu dưỡng, ấy là tôn trọng người khác. Không làm được vậy thì không thể trách người không tôn trọng mình. Người biết tôn trọng người khác là người lịch thiệp, đáng tin. Không thể tôn trọng được người khác thì chính là thể hiện nhân cách kém cỏi. Vì vậy hãy tôn trọng từng người bạn gặp trong đời, dù họ có giàu hay nghèo, đều không khác gì nhau cả.

     

    --

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - QUÀ CON GÁI TẶNG BỐ

  •  
    Chi Tran

     


    QUÀ CON GÁI TẶNG BỐ

     

    Bố kính yêu, càng lớn con càng nhận ra bố có ảnh hưởng quan trọng biết bao với cuộc đời con.

     

     

    – Ngày nay, nuôi dạy con cái là một công việc khó khăn vất vả, ít nhất thì việc đó khiến cả bố lẫn mẹ phải tổn hao sức lực và tinh thần. Người ta sẽ chẳng thể nhìn thấy được “trái ngọt” của công sức lao động bởi tình yêu thương này cho đến sau khi đứa trẻ rời khỏi gia đình và trở thành bố mẹ.

     

    Không có một cẩm nang chỉ dẫn hay sách vở nào nói đến điều gì sẽ đến với mỗi đứa trẻ khi chúng sinh ra đời, cũng như thời khóa biểu về việc gì cần làm và làm khi nào. Mỗi ngày đều có thử thách mới của riêng nó, khi mà thành công thường chỉ được ghi nhận từng phần lẻ tẻ chứ đừng nghĩ đến thành công vô bờ bến. Vậy thì khi nào và làm thế nào mà chúng ta, những người làm cha làm mẹ, biết được chúng ta đã thành công?

     

     

    Lời giải đáp đã đến với tôi vào Ngày của Bố. Có một câu người xưa nói rằng, “Điều đáng giá không phải là món quà tặng mà là tấm lòng của người tặng quà.” Và câu nói đó rất đúng cho trường hợp của ngày hôm nay, khi tôi nhận từ tay đứa con gái đã lớn hai hộp quà, một hộp lớn, một hộp nhỏ. Con bé bảo tôi, “Bố ngồi trên sàn nhà bên con giống như ngày trước nha.” Thế là hai bố con tôi ngồi bên nhau và con bé trao cho tôi chiếc hộp đầu tiên, “Bố mở nó ra đi.” Bên trong là một lá thư và những gì hiện ra là bộ sưu tập những thứ lặt vặt của một đứa trẻ. “Bố đọc thư trước đi ạ,” con bé nói.

     

    Bố kính yêu,

     

    Càng lớn con càng nhận ra bố có ảnh hưởng quan trọng biết bao với cuộc đời con. Vì vậy con đã quyết định tặng bố hai hộp đồ lưu niệm này nhân dịp Ngày của Bố, cả hai hộp đều chứa đựng những ký ức đặc biệt và những thứ con luôn giữ chặt trong lòng mình, những thứ mà bố đã từng tặng cho con. Trong cái hộp lớn đầu tiên bố sẽ tìm thấy chỉ một vài gợi nhắc đặc biệt của con về bố và những khoảnh khắc bố con mình đã cùng nhau chia sẻ, chỉ có hai bố con mình mà thôi.

     

    1. Một cặp dây giày được thắt nơ bướm. Chúng nhắc về những giờ khắc bố đã bỏ ra để dạy con cách tự cột dây giày hồi con còn nhỏ xíu.

     

    2. Một băng keo cá nhân, để nhắc con về những vết xước và vết đứt mà bố đã băng bó trên khủy tay và đầu gối con khi bố dạy con lái chiếc xe đạp đầu tiên.

     

    3. Một cuốn truyện nhỏ, cho tất cả những câu chuyện bố kể cho con nghe mỗi tối trước khi đi ngủ.

     

    4. Một bó thẻ màu sặc sỡ dạy con nít, một biểu tượng cho việc bố đã dạy dỗ và giúp con suốt những năm tháng học hành, ngay cả khi con cho rằng mình đã hiểu hết tất cả mọi việc.

     

    5. Một hòn bi. Con ước chi đó là một trong những thứ bố tặng cho con mà con đã làm mất, và cũng là một trong những thứ đặc biệt mà bố hay chơi thời bố còn đi học.

     

    6. Một bộ đồ nghề may vá và một chiếc máy may nhỏ gợi con nhớ về những thứ thực tế mà bố đã tặng con và về việc bố đã dạy con cách may vá.

     

    7. Một mảnh từ tấm chăn thuở nhỏ của con mà bố thường hay đắp cho con mỗi đêm.

     

    8. Một trái tim vỡ, tượng trưng cho tất cả những lần lòng con tan nát và đau buồn mà bố đã giúp con vượt qua.

     

    9. Một tờ giấy bạc gợi con nhớ về tất cả những lần bố đưa cho con đồng bạc cuối cùng mà bố có thể cho con khi bố đang rất kẹt tiền, nhưng trong lòng bố hiểu được con thật sự cần nhất.

     

    10. Một chiếc khăn giấy. Nó tượng trưng cho những lần con tựa vào vai bố khóc và bố đã lau khô những giọt nước mắt ấy vì bố rất quan tâm con.

     

    11. Một chiếc lá, một biểu tượng của thiên nhiên mà bố dạy con phải hiểu biết, tận hưởng và trân trọng.

     

    12. Một viên aspirin gợi con nhớ đến những cơn đau đầu mà con đã gây ra cho bố và mẹ suốt nhiều năm, nhưng bố lại ít khi than phiền. Con biết sẽ rất nặng nề nếu như bố nói cho con nghe sự thật về những trăn trở ấy.

     

    13. Một viên kẹo, để bố hiểu được những ký ức này vẫn ngọt ngào với con như thế nào.

     

    14. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, là một tấm hình chụp con cái của con và con, để nhắc con hãy dạy cho con cái mình tất cả những điều bố và mẹ đã dạy con, và chia sẻ với chúng tình yêu mà chỉ có những người bố người mẹ giống như bố mẹ đây mới có thể dành cho con.

    Tôi rơi nước mắt và tim nhói lên khi con bé đưa cho tôi chiếc hộp thứ hai nhỏ hơn. “Giờ bố mở hộp này ra đi,” nó yêu cầu.

     

    Ở bên trong tôi tìm thấy một mẩu giấy khác, và trên mẩu giấy này con bé đã viết:

     

    Bố thương yêu,

     

    Trong chiếc hộp này, con dự định để hết tất cả những thứ đã thực sự tạo ra sự khác biệt đối với con. Tất cả những thứ mà bố đã trao cho con để khiến con là chính con như ngày hôm nay. Nhưng nếu con trao trả chúng hết cho bố thì con sẽ mất đi phần lớn nhất của chính mình, đó là tất cả tình yêu, những cái ôm chặt và những nụ hôn mà bố đã cho con từ lúc con sinh ra cho tới giờ, đó là những điều mà không có chiếc hộp nào đủ lớn để chứa đựng hết.

     

    Do vậy con nghĩ rằng con sẽ giữ lại những điều này và chia sẻ chúng với con cái của con. Con hy vọng một ngày chúng sẽ hiểu đây là một món quà tuyệt diệu để cho và nhận. Con yêu bố. Chúc mừng Ngày của bố!

     

    Ôi thành công, bao la vô bờ bến.

    Download all attachments as a zip file
    • 1624024283860blob.jpg
      526.1kB
    • 1624024283860blob.jpg
      526.1kB

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - LÒNG CHUNG THỦY

 

  •  
    Binh Huynh
     
    Thu, Jun 3 at 7:16 AM
     
     

    Lòng Chung Thuỷ!

    Huỳnh Quốc Bình

    …Ai thiếu sự thuỷ chung sẽ dễ dàng phạm tội và trở thành những kẻ mà thế gian nguyền rủa là đồ vô lại hay thứ bất lương…

    Văn chương Việt Nam có nhiều câu truyện hay điển tích nói lên ý nghĩa của sự thủy chung. Các câu truyện nổi bật nhất là truyện hai anh em nhà họ Cao cùng với cô con gái họ Lưu trong “Sự Tích Trầu Cau”, truyện “Lưu Bình Dương Lễ” và truyện “Trần Minh Khố Chuối”.

    Lịch sử cận đại có những người phụ nữ Việt Nam hay những người vợ trẻ chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, gian khổ, cô đơn, để chờ ngày chồng mình trở về dù biết rằng sự đoàn tụ rất mong manh bởi vì họ bị giam cầm không bản án trong các nhà tù khổ sai của chế độ Việt cộng sau ngày 30-4-75.
    Hình minh họa: Trại tù khổ sai không bản án của chế độ Việt cộng có tên gọi là “cải tạo” sau ngày 30-4-75

    Ca dao Việt Nam có những câu nói lên sự chung thủy trong tình chồng vợ.
    Đất có bồi có lở,
    Người có dở có hay.
    Em nguyền một tấm lòng ngay,
    Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm.

    Trong tình chồng vợ hay tình yêu đôi lứa, việc chờ đợi một người vì hoàn cảnh khắc nghiệt phải xa cách nhau, có thể dễ cho người ở vị trí đợi chờ giữ trọn sự thủy chung, bởi vì sự thương hại. Chờ một người đã phản bội mình và mong rằng người đó quay trở lại, mới là chuyện khó.

    Tình anh em ruột thịt, bạn bè, đồng đội, chiến hữu, đồng chí, tình quê hương dân tộc, và tình anh em trong niềm tin Thiên Chúa, đều cần phải có sự thuỷ chung. Thiếu sự thuỷ chung, ý nghĩa của các tình cảm đó không còn giá trị nữa, mà nó chỉ là những danh từ hay thành ngữ rỗng tuếch. Thà chúng ta ít học, thà chúng ta không nhận mình là người có đạo hay có Chúa ở cùng, mà có sự thuỷ chung, hơn là một người khoa bảng, nhận mình là Cơ Đốc Nhân nhưng có lòng dạ phản trắc hay trở mặt với các thứ tình cảm cao đẹp mà tôi vừa nêu. Kẻ nào có lòng dạ phản trắc hay thiếu sự thủy chung hoặc phản bội ân nhân sẽ không đủ tư cách để dạy lẽ đạo hay dạy đời người khác. Đối với bọn đó, người tử tế có quyền không dành cho chúng sự kính trọng hay trân trọng dù là tối thiểu.
    Một Cơ Đốc Nhân chối bỏ lẽ đạo mà mình đã nhận là thiếu sự thuỷ chung. Trong phạm trù “chối bỏ lẽ đạo” mà tôi muốn nói, không chỉ là hành động bỏ đạo mà là những lời nói hay các việc làm ngược lại những gì mình đã học, đã biết, hay đã dạy người khác. Hình ảnh các môn đồ và các đoàn dân từng theo Chúa Cứu Thế Jesus để nghe những lời phán dạy của Ngài, nhưng sau đó họ đã im lặng không dám lên tiếng bênh vực Ngài, hay chối bỏ Ngài, đều nói lên sự thiếu thuỷ chung trong thời điểm đó. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua lời phán của Chúa Cứu Thế Jesus trong Phúc Âm Giăng 8:31-32. Câu 31 ghi, “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu Đa đã tin Ngài, rằng: ‘Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta.'” Sự thuỷ chung đưa đến kết quả gì? Câu 32 đã nói lên điều đó, “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”

    Nói đến sự chung thuỷ, người ta sẽ không quên lòng trung thành giữa người này và kẻ khác. Sự trung thành một cách đúng nghĩa nói lên tính liêm sỉ của một con người. Sự trung thành một cách mù quáng là ươn hèn và yếu kém trong bản chất tầm thường của một con người tội lỗi. Người có nhân cách, thà người ta “cạp đất” mà ăn còn hơn hưởng sự giàu sang, mà trở thành kẻ phản bội anh em và các loại tình cảm thiêng liêng khác, tàn tệ nhất là phản bội ngay chính ân nhân của mình.

    Có người đã ví những kẻ thiếu sự thủy chung hoặc phản bội ân nhân là thua loài chó, “chó không phản chủ”. Thật ra, sự so sánh này rất khập khiễng, bởi người là người, chó là chó. Bản chất của loài chó là trung thành tuyệt đối với chủ của nó, ngoại trừ chó điên.
    Hình ảnh minh họa: Chỉ có chó điên mới phản chủ

    Riêng loài người có hình ảnh của Thiên Chúa và có trí tuệ, lương tri mà Thiên Chúa ban cho. Người bình thường là người biết phải, biết quấy, và người ta gọi đó là người tử tế. Những kẻ chẳng biết gì phải quấy và thiếu sự trung thành với người đáng trung thành, người ta gọi đó là đồ phản phúc hay thứ bất lương.
    Làm chủ một công ty hoặc công sở, người ta cần gì ở người cộng sự viên, người công nhân, hay người quản lý? Người ta cần lòng trung thành của người quản lý và nhân công. Trong Kinh Thánh có nhắc đến lòng trung thành. Sứ Đồ Phao-lô đã nói, “Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành” (1 Cô-rinh-tô 4:2).

    Trong văn hoá Á Đông, lòng trung thành giữa chủ và nhân công rất nổi bật. Trong xã hội Tây Phương, vấn đề trung thành rất lu mờ. Người ta thường đến với nhau vì quyền lợi đôi bên theo kiểu, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.” Trong các nước Tây Phương, khi chủ cần bớt người, họ cho nhân công nghỉ việc. Nhân công thấy chỗ khác trả lương hậu hĩ hay quyền lợi cao là họ bỏ việc v.v…

    Thiếu lòng trung thành hay thiếu sự thủy chung, con người dễ phản bội nhau chỉ vì những danh vọng hảo huyền, những loại chức quyền tạm bợ. Để biện minh cho sự phản trắc đó, người ta đưa ra nhiều lý lẽ, lý do dường như “chính đáng” và “chính nghĩa”, nhưng thực chất đó chỉ là sự phản trắc hay phản bội nhau một cách trắng trợn và phũ phàng của bọn bất lương.

    Lịch sử cận đại cho thấy trong cuộc chính biến, đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 1-11-63, cho dù người ta có thích hay không thích gia đình nhà họ Ngô, người ta cũng phải thấy điều này; thành phần phản bội Cụ Diệm không phải là những người chiến đấu gian khổ ngoài các mặt trận, mà chính là những kẻ từng hưởng bổng lộc của chính phủ và chịu ơn gia đình họ Ngô. Đó cũng là những kẻ từng khúm núm hay đứng “cong lưng” trong những khi đối diện với Tổng Thống Diệm.

    Tôi từng hân hạnh đọc sách Cách Xử Thế Của Người Xưa và tôi nhớ đại khái ý niệm này, “Châm ngôn của những người có quyền chức lớn, đó là, khi có kẻ đến quỳ mọp dưới chân anh, anh phải lấy chân mà đè đầu nó xuống, vì nếu không khéo, nó sẽ trổi dậy để cắn anh.”
    Nhiều người dễ tính hay dễ tin đã từng trả giá cho sự dễ tính hay dễ tin đó. Trong số người đó, có tôi. Tuy nhiên, kẻ phản trắc chỉ có thể phản bội tôi được một lần, và tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi không làm công việc trả thù, mà tôi đã giao phó cho Chúa, cho “cơn thạnh nộ của Ngài”. Tạ ơn Chúa vì mỗi ngày Chúa cho tôi học thêm bài học nhân từ, hài hoà, nhưng không phải loại nhân từ, hài hoà không đúng lúc, đúng chỗ, mà tôi từng phạm phải.

    Trong các sinh hoạt hằng ngày ngoài đời, người ta cần người cộng sự có lòng trung thành bao nhiêu, trong đạo của Chúa, người ta cũng cần những người có lòng trung tín với Chúa và với người, bấy nhiêu. Những nơi được gọi là “Hội Thánh” không thể có những cấp lãnh đạo ham chức quyền mà không quan tâm đến những bạn đồng lao của mình. Những nơi được gọi là “Hội Thánh”không thể có những kẻ chỉ chực hờ đạp người khác để “chui sâu, trèo cao” và vinh thân phì gia bằng những thủ đoạn đê tiện.

    Trong Kinh Thánh chép bức thư của Sứ Đồ Phao-lô gởi cho người Phi-líp. Phao-lô đã lượng giá cao về Ti-mô-thê (Timothy), “Thật vậy, tôi không có ai khác có cùng một tâm tình như Ti-mô-thê, là người thật tình lo lắng cho anh chị em. Vì ai nấy đều tìm lợi ích riêng cho mình chứ không tìm lợi ích cho Chúa Cứu Thế Jesus. Nhưng anh chị em biết phẩm cách của Ti-mô-thê, người đã cùng tôi, như con với cha, phục vụ Phúc Âm” (Phi Líp 2:20-22).

    Nếu người nào nhận mình là “Con Cái Chúa” hay “Đầy Tớ Chúa”, khi đọc Kinh Thánh qua bức thư của Sứ Đồ Phao-lô gởi cho cộng sự viên Tít, được chép trong sách Tít (Titus) 2:1-10 đã giúp cho người đọc thấy rằng, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Dạy người lớn tuổi phải biết tiết độ, nghiêm trang, khôn ngoan, vững vàng trong đức tin, yêu thương và kiên nhẫn. Dạy các phụ nữ lớn tuổi phải có tác phong thánh khiết, đừng nói xấu người khác, đừng nghiện rượu, phải biết dạy điều lành để họ có thể dạy các thiếu nữ trẻ tuổi yêu chồng con, khôn ngoan và trong sạch, chăm lo việc nhà và thuận phục chồng để lời dạy của Chúa không bị phê phán. Các thanh niên phải khôn ngoan, trong mọi sự phải biết nêu gương về việc làm phúc. Khi dạy dỗ, hãy tỏ ra chân thật và nghiêm chỉnh. Hãy nói chân lý lành mạnh để không ai chỉ trích và để những người chống đối mình sẽ xấu hổ vì họ chẳng có dịp để bêu xấu chúng ta. Dạy người làm công phải luôn luôn vâng phục chủ, cố gắng làm vừa lòng chủ, không được cãi lại. Không được trộm cắp đồ của chủ; trái lại, phải tỏ ra mình hoàn toàn đáng tin để trong mọi việc, đạo lý của Chúa thu hút mọi người.

    Kết luận

    Lòng chung thuỷ, sự thủy chung, trung thành, hay trung tín rất cần có trong sinh hoạt của con người, nhất là những nơi được gọi là “Hội Thánh”. Nếu ai thiếu lòng chung thuỷ với người phối ngẫu, người thân, bạn bè, chiến hữu, đồng đội, hoặc đồng chí, người đó sẽ cho phép người khác khinh thường và xa lánh mình.
    Thiếu lòng chung thuỷ, người ta sẽ không dạy được con cái của mình chứ đừng hòng dạy người khác. Sự thuỷ chung còn là chất keo cho tình đoàn kết. Sự thuỷ chung mang đến thành công trên mọi phương diện. Ai thiếu sự thuỷ chung sẽ dễ dàng phạm tội và trở thành những kẻ mà thế gian nguyền rủa là đồ vô lại hay thứ bất lương.

    Cầu xin Chúa cho chúng ta luôn kính sợ Ngài, có lòng chung thuỷ với những người tử tế, biết xa lánh hay vứt bỏ những thứ gì có tính cách tạm bợ, danh hảo, sắc dục tầm thường của đời, có lòng trung tín hay trung thành với lẽ đạo của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận lãnh. Nếu chúng ta ở vị trí lãnh đạo giáo hội hay Hội Thánh, hoặc dạy lẽ đạo cho người khác mà chính mình có những lời nói gian dối hay hành động gian ác, vô đạo, thích ngụp lặn trong tội lỗi bằng “vỏ bọc thiêng liêng”… Hãy coi chừng, Nước Thiên Đàng không thể dành cho những kẻ bất lương. Con dân Chúa có thể phạm tội một lần hay nhiều lần, nhưng thái độ “ủ tội” không biết ăn năn, không thể là người tin Chúa thật, hay người biết kính sợ Chúa một cách đúng nghĩa. Người nào không tin Chúa một cách đúng nghĩa, cần phải suy sét và điều chỉnh lại đức tin của mình trước khi quá muộn.

    Huỳnh Quốc Bình
    E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
     

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH NGÀY CỦA CHA

  •  
    Anh Nguyen
     
     
    Thu, Jun 17 at 4:01 PM
     
     
    Chân thành cám ơn nhạc sĩ Văn Duy Tùng đã gửi chia sẻ & tặng nhạc phẩm TẠ ƠN CHA &
    lời giới thiệu về Tạ Ơn Cha cho ACE nhé 
     
    Father’s Day - TẠ ƠN CHA

     

    Youtube bài hát TẠ ƠN CHA: https://www.youtube.com/watch?v=jHzF_p6s5XA

     

     Thưa Quý Vị và Các Bạn,

     

    Có lẽ chúng ta không thể phủ nhận nước Mỹ có những ngày lễ rất ý nghĩa và rất nhân văn. Ngoài các ngày lễ của các tôn giáo, hầu như nước nào cũng có những ngày lễ truyền thống như Tết Nguyên Đán, Ngày Lễ Độc Lập, Lễ Trận Vong, Lễ Cầu Mùa ... Trong khi nước Mỹ còn có thêm những ngày lễ rất ý nghĩa mà tôi lấy làm thích thú và hết lòng ca ngợi, bởi những ngày lễ này đã giúp con người có những khoảnh khắc suy tư và cảm nhận tâm linh giữa Thượng Đế và con người, duy trì và phát huy luân thường đạo lý, nhất là mối tương quan giữa con người với nhau.

    Quả thật, những ngày lễ này mang tính nhân văn rất cao, trong khi chúng ta thì tất bật với cơm áo gạo tiền lo cho cuộc sống mà ít khi nghĩ đến những điều này.

     

    Cứ vào thứ Năm - tuần cuối của Tháng Mười Một, nước Mỹ có ngày lễ Thanksgiving - Ngày Lễ Tạ Ơn. Ý nghĩa ngày lễ này nhắc nhở chúng ta tạ ơn Trời và biết ơn người. Ngoài ơn nghĩa của Trời Đất, quả thật bao lâu con người còn biết "ý thức" cám ơn nhau dù trong suy nghĩ hay nói ra lời khi nhận một ân huệ dù rất nhỏ từ người khác, là chính văn hóa và nhân bản đang nở hoa trong cá nhân, gia đình, trong xã hội hay quốc gia ta đang sinh sống. 

     

    Tôi cảm thấy đau lòng khi nghe những câu chuyện của bạn bè tâm sự rằng, có những anh em bao năm sống ở hải ngoại làm lụng vất vả, dành dụm tiền bạc rồi gửi về VN giúp đỡ, tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người thân của mình sinh sống và làm ăn, rồi còn tốn kém bảo lãnh, bảo trợ đưa người thân qua Mỹ hay một quốc gia khác đoàn tụ. Nhưng buồn thay sự biết ơn đó họ ít khi tìm thấy nơi lời nói, trên ánh mắt, nét mặt và trong cuộc sống của những người đã thọ ơn. Mặc dù sự biết ơn ấy cũng chẳng thêm ích lợi gì cho người thi ơn. Trong khi nước Mỹ và nền giáo dục đã dạy sự biết ơn và sự thành thật cho các cháu khi hãy còn rất nhỏ trong tất cả các môi trường, từ gia đình đến trường học…

     

    Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận truyền thống văn hóa của VN xuống cấp hiện nay. Dĩ nhiên cũng có những phần tử xấu của xã hội gây nên, và vì thế “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi nghĩ văn hóa xuống cấp đó là do chính ý thức bắt nguồn từ một cộng đồng xã hội ảnh hưởng đến con người. Nghĩa là chỉ chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân và, xem thường luân lý và đạo đức trong mọi sinh hoạt đời sống của con người. Những chia sẻ ấy không phải là sự hồ đồ của mấy người bạn, nhưng là phản ảnh cuộc sống hôm nay bởi hậu quả tiêu biểu nhãn tiền sau một thời gian dài mà ảnh hưởng có thể bắt nguồn từ một nền giáo dục !?.

     

    Có những chuyện đau lòng cũng chỉ vì đồng tiền hoặc căn nhà hay miếng đất... mà bán đứng tình nghĩa ruột thịt và người thân để chiếm lợi. Và còn biết bao câu chuyện đau lòng không thể nói nên lời. Biết đâu chính bạn cũng đã "trải nghiệm" điều này phải không ? 

     

    Tôi xin bạn nhận xét và xem lại cái "văn hóa biết ơn và sự thành thật" hôm nay, nhất là thế hệ trẻ ở VN sau này, để thông cảm cho những gì tôi vừa đề cập. 

     

    Tiếp nối những ngày lễ còn có ngày Mother's Day - Ngày Mẫu Nhật - Ngày tôn vinh và cảm ơn người Mẹ, rơi vào Chúa Nhật tuần thứ Hai của tháng Năm. Ngay sau đó là ngày Father's Day - Ngày Hiền phụ - Ngày tôn vinh và ghi ơn người Cha, rơi vào Chúa Nhật tuần thứ Ba của tháng Sáu.

     

    Ôi thật là ý nghĩa và tôi xin miễn bàn hai ngày lễ này, vì trong mỗi chúng ta ai sinh ra và được sống trên cõi đời này cũng luôn nhớ ơn công sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành.

     

    Để thay cho "lời bàn" và nhân ngày Lễ Hiền Phụ này, tôi xin được chia sẻ đến Quý Vị và Các Bạn bài hát và diễn ảnh TẠ ƠN CHA (Một trong 20 bài hiếu ca do tôi sáng tác) được đính kèm theo đường link sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=jHzF_p6s5XA

     

    Và đây là link Karaoke: https://www.youtube.com/watch?v=xoIaFAi864A

     

    TẠ ƠN CHA

    Cây cao bóng cả đâm chồi

    Chắn che giông bão suốt đời

    Cha mang con đến trong đời

    Dẫn con từng bước khắp nơi

    Và đỡ nâng không ngơi

    Cha cho con thấy trong đất trời

    Cho con đôi cánh tuyệt vời

    Chỉ hướng lúc xa rời

    Nhắn bảo con bao nhiêu lời

    Ôi tình Cha luôn sáng ngời.

     

    ĐK:

    Tạ ơn Cha muôn đời

    Nuôi dưỡng con trong đời

    Vạn vật có đổi dời

    Dù bão tố mưa rơi

    Thì tình Cha ngày và đêm vẫn mãi không vơi.

    Tạ ơn những ân tình

    Mà Cha đã quên mình

    Đời Cha mãi hy sinh

    Bao bọc con sống yên bình

    An vui đẹp xinh và được phúc vinh.

     

    Cha vươn đôi cánh tay dài

    Chở che mọi nẻo chông gai

    Cha cho con dáng hình hài

    Giúp con nhận biết phải sai

    Tình đó mãi không phai

    Gương Cha trí dũng như sóng trào

    Cho con nhân cách thanh cao

    Ngời sáng như ánh trăng sao

    Dẫu đời sống có xôn xao

    Ôi tình Cha luôn dạt dào.

     

    Kính chúc những người Cha luôn sức khỏe và bình an khi còn sống, và yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng khi đã qua đời.

     

    Xin mọi người một lời cầu nguyện cho Cha của tôi là Linh hồn Giuse được yên nghỉ ngàn thu. Và kính chúc mọi người có một ngày lễ thật ý nghĩa bên cha mẹ và gia đình của mình.

     

    Trân trọng,

            Văn Duy Tùng

    Download all attachments as a zip file
    •  
      FATHER'S DAY - TA ON CHA.pdf
      46.4kB
    •  
      FATHER'S DAY - TA ON CHA.doc
      50kB

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - THƠ VỀ NGƯỜI CHA

  •  
    'Van Nguyen' via PSXH
     
     
    Wed, Jun 2 at 4:40 PM
     
     
    Nhân ngày Lễ Cha sắp đến, xin gởi 2 bài thơ nói về Cha. Xin mời quý vị đọc vui. Nếu có hứng
    Hoạ lại thì xin trân trọng.
     

    CHA !

    Cha chính mái nhà che nắng mưa,

    Cha là sao sáng nói chi vừa.

    Cha đem hạnh phúc vì gia đạo,

    Cha giữ lòng son dẫu muối dưa.

    Cha dạy cháu con đường chính nghĩa,

    Cha lo đồng áng việc cày bừa.

    Cha là ngọn đuốc soi đường sống…

    Cha chính mái nhà che nắng mưa.

         Liêu Xuyên
     

    CHA !

    Cha là nguồn sống của đời con,

    Cha dáng uy nghi dạ sắt son.

    Cha giữ đạo hằng không dối trá,

    Cha gìn nhân đức chẳng hao mòn.

    Cha dầm mưa nắng vì gia quyến,

    Cha lội núi đèo lo nước non.

    Cha quyết một lòng theo nghĩa lớn…

    Cha là nguồn sống của đời con !

        Liêu Xuyên
     
    signature

     

    --