6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO

  •  
    Chi Tran
     


    GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

    Bài 12: THỜ KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN

     

    Câu hỏi:

    Tôi thấy đạo Công Giáo luôn nhớ xin lễ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nhưng nhiều người vẫn cho là bên Công Giáo không thờ cúng ông bà tổ tiên. Vậy có cách nào cho họ hiểu đúng về đạo Công giáo về vấn đề này không?

    Trả lời:

      

    Bạn thân mến,

    Trong câu hỏi trên, chúng ta đang đứng trước một vấn đề xảy ra đằng đẵng từ vài thế kỷ trước với nhiều tranh luận, đau thương và nước mắt. Điều này cho thấy đây là câu hỏi quan trọng cho Giáo Hội để suy nghĩ, thích nghi và hội nhập văn hóa. Chúng ta dễ thấy nhiều khác biệt giữa lương dân, người Phật Giáo và Công Giáo, nhất là trong vấn đề thờ cúng ông bà tổ tiên. Chỉ nhìn vào cách họ bài trí bàn thờ tổ tiên, niềm tin của họ về vấn đề người chết, về ông bà tổ tiên, chúng ta dễ dàng có những băn khoăn. Đúng sai chúng ta chưa bàn tới, nhưng trước thực trạng đó, Giáo Hội Công Giáo thực sự muốn đồng hành với con cái mình ngay trong những văn hóa, tâm tình thiêng liêng và cách biểu lộ niềm khao khát của mình.

     

    Vế sau trong câu hỏi của bạn luôn là điều Giáo Hội quan tâm hướng dẫn mỗi tín hữu. Quan tâm vì trước những khác biệt trong cách thể hiện niềm tin: Làm sao để chia sẻ cho người Công Giáo hiểu điều họ đang thực hành? Làm sao để thấy những điều hợp lý và phi lý trong những thực hành tôn giáo đó? Dĩ nhiên Giáo Hội có những bản hướng dẫn cụ thể để chúng ta tự tin, mạnh dạn và yêu mến thực hành những gì Thiên Chúa mong muốn.

     

    Khai triển dưới đây là chút tóm gọn từ nhiều nguồn tài liệu mà chúng ta dễ dàng tìm thấy trên Internet hoặc trong nhà sách Công Giáo.

     

    Hy vọng khi nhìn lại chút lịch sử của “thờ kính ông bà tổ tiên”, mỗi người, nhất là những người trẻ, thấy được những điều thú vị và có câu trả lời cho riêng mình. Từ đó, hãy mạnh dạn sống những điều Thiên Chúa dạy và biết cách chia sẻ những thắc mắc về vấn đề này cho chúng bạn cùng trang lứa.

     

    1. Những năm tháng tranh luận

    Như bạn cũng biết Đạo Công Giáo vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 17 (năm 1615). Cũng như bất kỳ tôn giáo nào, Công Giáo cũng gặp nhiều khó khăn để hội nhập vào mảnh đất phong phú về tâm linh, niềm tin, tín ngưỡng và văn hóa. Cụ thể, người Việt chúng ta luôn coi trọng đạo Hiếu. Thờ cha kính mẹ đã là truyền thống ngàn đời của người Việt. “Ðạo hiếu là một đặc tính của đạo tâm, làm cho con người tỏ lòng thành kính đối với cha mẹ, tiền nhân, nên chỉ nuôi dưỡng cha mẹ mà không có lòng hiếu thảo thì làm sao gọi là hiếu được!” (Lm. Giuse Vũ Kim Chính,  SJ). Ngày mất, ngày giỗ của ông bà cha mẹ luôn buộc con cháu phải quy tụ về để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính. Tạ ơn Thiên Chúa vì tâm tình cao quý ấy của người Việt. Trước nghi thức này, nhiều nhà truyền giáo thời xưa đã thành công trong việc nối kết phong tục ấy với cách thờ phượng Thiên Chúa.

     

    Đáng tiếc là một số nhà truyền giáo lại ngộ nhận vấn đề trên. Họ cho rằng việc thờ kính ông bà tổ tiên là một tôn giáo, nên cần loại trừ. Tôn giáo nghĩa là có một Đấng Tối Cao để tôn thờ, yêu mến. Phải chăng người Việt thờ kính ông bà tổ tiên như thờ Thiên Chúa của họ? Có sự ngộ nhận này là vì: “Nhiều người nghĩ trong khi thức cúng lễ gia tiên, người Việt đọc những lời thần chú gì đó.” Không! Chúng ta chỉ nói lên tâm tình của con cháu với ông bà tổ tiên của mình.

     

    Lý do thứ hai, thời xưa nhiều người ngộ nhận rằng người Việt cử hành nghi lễ thờ kính ông bà tổ tiên, bởi chữ “lễ” ấy cũng giống chữ “lễ” bên tôn giáo (họ nghĩ thế). Người Việt hiểu chữ “lễ” này đơn giản là lễ phép tỏ lòng kính thờ ông bà tổ tiên. Kế đến, có thể đây là lý do đáng ngại nhất khiến Giáo Hội chần chừ trong việc chấp nhận nghi thức thờ kính ông bà tổ tiên: thờ “bài vị”, vốn là nơi cư trú của các vong hồn (nhiều người tin như thế), hoặc thờ “hồn bạch”, vốn là nơi hồn người chết nhập vào. Dĩ nhiên, nếu chiếu theo niềm tin ấy, Giáo Hội có lý để khuyên các tín hữu không thờ bài vị hoặc hồn bạch, vì sau khi ông bà tổ tiên chết, linh hồn của họ không còn “lảng vảng” trên dương thế nữa. Theo đó, người Công Giáo cũng không cúng đồ ăn, thức uống cho người đã chết.

     

    Phải thừa nhận trong lịch sử Nước Nam, nhiều người Việt tin rằng việc thờ kính ông bà tổ tiên là một tôn giáo (Đạo Ông Bà). Tiếng Việt dùng danh từ “tôn giáo” để chỉ chung cho các tín ngưỡng (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên). Họ “thờ” tổ tiên như “thờ” thần thánh hoặc Thiên Chúa, một Đấng Tối Cao. Theo đó, nhiều nghi thức được thêu dệt đến nỗi gây nhiều hiểu lầm, và có thể là cả mê tín dị đoan (đốt vàng mã, gọi hồn, của cúng...). 

     

    Trước những tranh luận xôn xao ấy, Giáo Hội đành chọn cách tốt nhất là: quyết định cho người Công Giáo chỉ được tôn kính tổ tiên theo cách Giáo Hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Quyết định ngày xưa ấy đã khiến nhiều người Việt nhìn người Công Giáo với con mắt khác. Tệ hơn nữa, nhiều người tẩy chay tôn giáo này và đó cũng là lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, và cả phong trào Văn Thân[1]. Đó là thời cuộc nhiễu nhương với nhiều ngộ nhận về vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên. Kết quả là nhiều người tử đạo và quan điểm ấy vẫn còn liên lụy cho đến ngày nay. (Chẳng hạn trong chính câu hỏi của bạn nói lên ý đó!)

     

    2. Những chỉ dẫn kịp thời

    Trước trang sử đau buồn ấy, Giáo Hội cần hành động và đã đưa ra hướng dẫn kịp thời trong vấn đề hội nhập văn hóa. Thật dễ dàng để các bạn đọc lại những quyết định của Tòa Thánh về vấn đề này trong Huấn thị  “Plane compertum est” được Tòa Thánh đề ra cho Giáo Hội tại Trung Hoa ngày 08-12-1939. Đại ý trong đó cho phép Giáo Hội địa phương: “không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc.”

     

    Sau Công Đồng Vatican II, một trang sử mới mở ra không chỉ cho Giáo Hội hoàn vũ, nhưng đó cũng là cơ hội để Giáo Hội Việt Nam tiếp nhận vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên. Các Giám mục hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày tháng 6 năm 1965, nhằm đưa ra nhiều hướng dẫn. Chẳng hạn:

    “Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.”

     

    Sau đó 9 năm, các Giám mục tiếp tục họp tại Nha Trang (1974) cũng đưa ra chỉ dẫn tương tự về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên. Sáu điểm chúng ta dễ dàng đọc trên mạng trong Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên. Chẳng hạn, về cách bài trí bàn thờ gia tiên, về việc đốt nhang hương, đèn nến, ngày “cúng giỗ”, “lễ tổ, lễ gia tiên”, được vái lạy trước thi hài người quá cố, được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng, v.v. Miễn là tránh mọi hình thức mê tín dị đoan.

     

    Nếu còn bối rối về vấn đề này, chúng ta dễ dàng thấy nhiều chỉ dẫn trong: Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên (công bố ngày 7 tháng 10 năm 2019).

     

    Bạn nhận xét rất đúng khi nhắc lại việc người Công Giáo luôn thờ kính ông bà, cha mẹ, tổ tiên là những người đã khuất. Trên hết, đó là điều răn, là giới luật của Thiên Chúa: Thảo kính cha mẹ. Chúng ta cũng dễ dàng đọc thấy Thiên Chúa đòi hỏi người ta phải thảo kính với cha mẹ. Chẳng hạn sách Huấn Ca khuyên rằng: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Ðức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,16). Sau này thánh Phaolô khẳng định thêm: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Ep 6,2).

     

    Ngoài ra, chúng ta dễ dàng nhận thấy lòng tôn kính, liên kết với ông bà tổ tiên trong cả tháng Mười Một, vốn là tháng con cháu kính nhớ, cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời. Mồng Hai Tết - kính nhớ ông bà tổ tiên. Trong thánh lễ, chúng ta thường nghe Linh mục thay mặt cộng đoàn cầu nguyện cho: “anh chị em đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc…”. Đó chưa kể đến nhiều người thường xin lễ, đọc kinh, viếng đất thánh, nhà hài cốt thường xuyên, để cầu nguyện cho những người thân đã khuất.

     

    3. Hòa nhập chứ đừng hòa tan

    Nhìn lại lịch sử vài thế kỷ trước, nhiều người vội trách Giáo Hội quá khắt khe và bảo thủ. Tại sao Giáo Hội không cho phép ngay việc thờ kính ông bà tổ tiên? Để bảo vệ con cái mình, trong hoàn cảnh đó, vấn đề này còn nhuốm màu mê tín dị đoan, nên Giáo Hội buộc phải e dè. Từ đó, người Công Giáo đã một thời bị chế giễu “theo đạo bỏ ông bà”. Thành kiến ấy, tạ ơn Chúa, ngày nay không còn nữa.

     

    Ngoài ra, nhiều phong trào đã giúp cho người Việt tránh xa được mê tín dị đoan. Chẳng hạn, đạo Công Giáo cũng chỉ ra những vấn đề mê tín ở Việt Nam từ vài thế kỷ trước[2]. Có khi bị phản đối, nhưng mưa dầm thấm lâu, người Việt cũng dần nhận ra vấn đề. Đáng chú ý nhất là từ những năm 1930, phong trào trí thức của nhóm Tự Lực Văn Đoàn[3] với biết bao bài viết, sách báo, tiểu thuyết đã giúp thay đổi được não trạng quần chúng, phá đổ được nhiều tệ đoan của xã hội. Cụ thể những mê tín dị đoan trong các phong tục cũng được phong trào này chỉ ra. Khi não trạng người dân thay đổi, Giáo Hội cũng cởi mở hơn về vấn đề thờ kính tổ tiên.

     

     

    Có rất nhiều điều phù hợp với giá trị Tin Mừng nơi các nền văn hóa. Việc thờ kính ông bà tổ tiên chẳng hạn. Bởi “đôi khi Thiên Chúa đã gieo mầm trong các nền văn hóa cổ xưa trước khi Tin Mừng được rao giảng”. Do đó, khi khám phá những chân lý trong các nền văn hóa, Giáo Hội cố gắng hòa nhập, chứ không hòa tan, lựa chọn cách tốt nhất để giúp các linh hồn. Hẳn nhiên là cách ấy có khi gây hiểu lầm cho nhiều người. Nhưng với thời gian, lý giải và đối thoại chân thành, hy vọng người ta hiểu hơn về những quyết định của Giáo Hội cần hợp với Tin Mừng.

     

    Cụ thể, bạn hỏi có cách nào cho người khác hiểu đúng về vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên của người Công giáo không?

     

    Giáo Hội đã, đang và vẫn theo đuổi con đường đối thoại, gặp gỡ và tôn trọng những khác biệt. Tạ ơn Chúa vì trong tiến trình ấy, ngày càng có nhiều lương dân, người Phật Giáo hiểu hơn về cách người Công Giáo thờ kính ông bà tổ tiên. Nhất là nhiều người Công Giáo mời lối xóm, bà con bên lương đến chung vui trong dịp giỗ chạp. Trong tang lễ người Công Giáo cũng chia sẻ chút khác biệt trong cách họ cử hành. Chân thành và nhẹ nhàng. Rồi qua lối sống yêu thương, nhiều người nhận ra tấm lòng hiếu thảo của người con Công Giáo với tổ tiên của mình.

     

    Nhất là khi trò chuyện, chúng ta cũng chân nhận một thời Giáo Hội cũng “luống cuống” trong vấn đề này. Bởi, trước giờ Giáo Hội ở Châu Âu chưa phải đối diện với vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên. Nên trước vấn đề này, Rôma đã có những ngăn cấm. Chúng ta cũng nhận lỗi về những thiếu sót trong việc thờ kính ông bà tổ tiên, ít là về hình thức bên ngoài. Do đó nhiều người buông lời nhận xét tiêu cực về người Công Giáo trong vấn đề này cũng là có lý do.

     

    Là người trẻ, những gia đình trẻ, chúng ta để tâm hơn đến chút hình thức bên ngoài về bàn thờ ông bà tổ tiên. Nơi đó, chúng ta tưởng nhớ đến linh hồn người đã khuất. Theo chân các ngài, con cháu tiếp tục sống trung thành với Thiên Chúa và nên chứng tá giữa đời. Những hình thức tỏ lòng thờ kính với tổ tiên, chúng ta dễ dàng tìm thấy nơi hướng dẫn của Giáo Hội. Chẳng hạn, quyển Kinh nguyện gia đình và Gia lễ Công giáo, sách Nghi Lễ An Táng, v.v.

     

    Trong đối thoại liên tôn, thật đáng tiếc nếu chúng ta lên án các nghi lễ của nhau. Đương nhiên mỗi tôn giáo có những nghi lễ rất khác biệt. Ví dụ chúng ta cần tôn trọng nghi lễ thờ kính ông bà tổ tiên của người lương dân, của các tôn giáo khác. Mặt khác, chúng ta cũng xác tín và hãnh diện về những cử hành đức tin của người Công Giáo, cách chúng ta thờ kính ông bà tổ tiên. Tôn trọng trong khác biệt! Rồi với những nỗ lực trong hội nhập văn hóa, hy vọng mỗi người hiểu hơn về nhau.

     

    Sau cùng, khi ngỏ lời với các bạn ngoài Kitô Giáo, tác giả cuốn 50 năm Thờ Kính Tổ Tiên, Linh mục Trăng Thập Tự chia sẻ như sau:

     

    Tôi đang chia sẻ với bạn một Tin mừng, một niềm vui. Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang làm công tác truyền giáo thì cũng chẳng sao. Bởi lẽ truyền bá một tôn giáo tốt lành thì chẳng có gì xấu xa. Lắm người làm như thể khi chúng tôi bảo nhau truyền giáo là chúng tôi đang âm mưu làm một chuyện gì đen tối, bậy bạ, chẳng khác nào đang lén lút rủ nhau phạm những tội ác gì quái gở! Ồ không, bạn thấy đó, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người một thông tin quan trọng và hữu ích: Đó là, tất cả chúng ta đều có chung một người Cha là Thiên Chúa Tạo Hóa, chẳng phải vì chúng ta xứng đáng gì để được làm con Ngài, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã tặng ban người Con duy nhất của Ngài là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta, đến làm Anh Cả của nhân loại, cho tất cả chúng ta thành em của Người Anh Cả ấy và thành con cái của Cha trên trời.

     

    Tác giả viết tiếp:

    Được biết Thiên Chúa là Cha, bạn sẽ sung sướng nhận ra rằng người Cha ấy ôm ấp trong lòng Ngài cả bản thân bạn và Tổ tiên bạn. Bạn trả lời cho tôi xem, mỗi khi nghĩ đến Ông Bà Tổ Tiên, bạn hình dung thấy họ ở đâu? Ở với Nguồn Cội nào? Nơi họ ở tối tăm hay rực sáng? Nếu rực sáng thì ánh sáng ấy do đâu?

     

    Ước gì tâm tình trên đây cũng là câu trả lời cho một phần thắc mắc trên của bạn, cũng như của nhiều người liên quan đến việc thờ kính ông bà tổ tiên.

     

    Xin Chúa chúc lành cho bạn, nhất là cho ông bà tổ tiên của chúng ta. Để ước mong các ngài cũng cầu thay nguyện giúp cho con cháu luôn sống gần gũi với Chúa Giêsu hơn. Từ đó, chúng ta yêu mến những nét đẹp của truyền thống dân Việt và để hạt giống Tin Mừng nảy mầm, phát triển trên quê hương con rồng cháu tiên này.

     Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

     
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NGƯỜI GIÀ VÀO DƯỠNG LÃO

  •  
    Chi Tran

     

    CÓ NÊN ĐƯA NGƯỜI GIÀ VÀO NHÀ DƯỠNG LÃO?

     

    Con thấy Phương Tây con cái gửi cha mẹ già vào nhà dưỡng lão là chuyện bình thường. Tuy nhiên đạo hiếu Á Đông dường như không cho phép. Không biết quan điểm của Giáo Hội Công giáo như thế nào về điều này?

     

    Chia sẻ:

    Câu hỏi của bạn thực sự là mối bận tâm của những ai khi có cha mẹ, ông bà lớn tuổi. Nhiều người cũng tranh cãi có nên gửi họ vào nhà dưỡng lão hay không. Hẳn nhiên mỗi Châu lục nhìn về điều này có chút khác biệt. Tuy vậy văn hóa dân tộc nào cũng xem trọng chữ hiếu. Có điều mỗi nơi diễn tả chữ hiếu ấy một cách khác nhau. Chẳng hạn, ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ, việc gửi cha mẹ hay ông bà lớn tuổi vào nhà dưỡng lão là chuyện bình thường[1]. Đó là nơi người già hạnh phúc sống quảng đời còn lại. Mỗi cuối tuần con cháu đến thăm, hằng ngày đều được nhân viên chăm sóc ân cần. Nói chung cả người già và xã hội đều chấp nhận nhà dưỡng lão.

     

    Ở Châu Á, nhất là nước Việt mình, việc con cháu gửi ông bà, cha mẹ già yếu vào viện dưỡng lão lại là vấn đề. Chính trong nội bộ gia đình, con cháu không biết có nên làm như vậy hay không? Nếu để cha mẹ già ở nhà, ai là người sẽ chăm sóc. Thêm vào đó, người già thường có mặc cảm rằng mình bị hất hủi khi bị đưa vào viện dưỡng lão. Chưa kể đến việc người ngoài nhìn vào lại cũng đàm tiếu đủ điều. Nói chung, chừng ấy lý do cũng đủ để ta thấy dân Việt chưa sẵn sàng chấp nhận hình thức này.

     

    Trong khi trò chuyện với các bạn trẻ, Giáo hội cũng lắng nghe được nỗi băn khoăn này. Do đó, dưới đây là vài chỉ dẫn để con cháu có thể đưa ra quyết định tốt cho gia đình mình.

     

    Hãy liên lạc với người già

    Ai cũng một thời trẻ trung, rồi đến tuổi xế chiều – đó là quy luật của phận người. Dù ở tuổi nào, người ấy đều xứng đáng nhận được mọi quyền lợi của mình. Cụ thể, người già không phải là thành phần bị loại bỏ, vì không còn sức lao động! Đó là quan niệm vô đạo đức, dù ở bất cứ đâu. Thay vào đó, Giáo hội mời gọi con cái hãy liên lạc với ông bà cha mẹ mình. Lý do là vì người trẻ có khi ít chú ý đến ký ước của quá khứ. Họ chỉ muốn chạy nhanh về phía trước với biết bao dự án và công việc. Trong mối bộn bề đó, người trẻ có khi không đủ kiên nhẫn ngồi lại với ông bà cha mẹ để chuyện trò.

     

    Trong khi đó, Lời Chúa cũng như Giáo hội nhắc mỗi người rằng người trẻ không nên mất liên lạc với những bậc lão thành, để thu thập kinh nghiệm của họ (Hc 6,34). Hãy nhìn người già với lòng tôn trọng: “Hãy đứng dậy trước những người có tóc bạc” (Lv 19,32). Thánh Kinh yêu cầu chúng ta: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu.” (Cn 2,22). Họ thực sự là kho tàng, là sợi dây nối kết các thế hệ trong gia đình. Khi ông bà còn sống, con cháu càng có nhiều cơ hội để trở về, nhất là những dịp Xuân về Tết đến. Đó thực sự là nét đẹp của văn hóa Việt, khi trong nhà có các thế hệ cùng nhau chung sống.

     

    Thêm nữa, những chỉ dẫn liên quan đến điều răn thứ Tư[2] là: “Tình yêu, lòng biết ơn và tôn kính cha mẹ phải điều chỉnh các quan hệ của ta với những người có trách nhiệm đối với ta. Ta buộc phải tôn trọng những người mà Thiên Chúa đã trao cho họ quyền để làm ích cho ta: cha mẹ, ông bà, những người già trong gia đình.”[3]

     

    Cùng nhau dựng xây gia đình, xã hội và Giáo hội

    Giáo hội chỉ ra vai trò quan trọng của người già: “Họ dệt nên những ký ức, những hình ảnh của rất nhiều điều mà họ đã sống, được đánh dấu bằng kinh nghiệm của những tháng năm dài.” Do đó, họ thực sự là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ con cháu vững bước vào đời. Người nào phủ nhận quá khứ, thành công và hạnh phúc cũng sẽ lìa xa họ. Do đó, thế hệ con cháu hãy bén rễ trong những giấc mơ của những người già. Từ đó, người trẻ có thể nhìn thấy tương lai, có thể có những cái nhìn mở rộng chân trời và vạch ra cho người trẻ những con đường mới[4].

     

    Bạn nghĩ sao khi nhiều người cho rằng: “Người già hay lẩm cẩm, nói trước quên sau”? Quan niệm ấy thật hời hợt, bởi họ đâu biết rằng người già cũng có những nét đẹp giúp gia đình và xã hội trở nên xinh đẹp hơn. Đẹp bởi nơi họ có những ký ức, vốn sống và đức tin. Người già có thể nhắc nhở người trẻ về một cuộc sống không có tình yêu là một cuộc sống khô cằn. Với những ai sợ hãi, người già có thể nói rằng sự lo lắng về tương lai có thể vượt qua được. Đối với những người trẻ quá bận tâm đến chính mình, người già dạy rằng một người cảm thấy vui hơn khi cho đi thay vì nhận lại, và tình yêu đó không chỉ được bày tỏ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm[5]. Nói chung người già có nhiều bài học quý giá để trao cho người trẻ.

     

    Nếu cùng đi với nhau, người già và người trẻ sẽ bén rễ sâu trong hiện tại, và từ đó, thăm lại quá khứ cùng nhìn đến tương lai. Thử hỏi gia đình không có người già, làm sao người trẻ tìm được nguồn cội của chính mình? Do đó trong mỗi tương quan không chỉ huyết thống, mà còn là hỗ tương, “chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm tâm hồn nhau, gây hứng khởi cho tâm trí nhau bằng ánh sáng Tin Mừng và ban cho đôi tay chúng ta sức mạnh mới.”[6]

     

    Bạn nghĩ sao khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Một dân tộc có sự phong phú của người già và trẻ em là một dấu hiệu cho thấy một dân tộc biết quan tâm, chăm sóc và coi họ như một báu vật, một kho tàng. Đó chính là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, hứa hẹn một tương lai xán lạn.”[7] Ngài nói thế vì dường như thời nay “văn hóa vứt bỏ”, loại trừ người già đang đáng báo động. Khi đó, gia đình, xã hội và Giáo hội rơi vào bi thảm, vì đánh mất những truyền thống được các thế hệ trước truyền lại.

     

    Người già – nhà dưỡng lão – người trẻ

    Là người sống ở Châu Âu, tôi biết không phải gia đình nào cũng thích gửi ông bà hoặc cha mẹ họ vào nhà dưỡng lão. Phần lớn người già nơi đây cũng không thích vào nhà hưu hoặc dưỡng lão. Tôi biết nhiều gia đình hạnh phúc với hai hoặc ba thế hệ cùng sống với nhau. Họ vẫn giữ liên lạc và quan tâm lẫn nhau. Vì hoàn cảnh nào đó phải gửi người già vào nhà dưỡng lão, là con cháu hiếu thảo, họ cũng thường xuyên lui tới chuyện trò. Vấn đề là làm sao đừng để ông bà, cha mẹ rơi vào cảnh cô đơn, hoặc bị hắt hủi.

     

    Cụ thể, để trả lời câu hỏi của bạn, các gia đình nếu có thể, hãy tự chăm sóc ông bà cha mẹ của mình. Có khi về phương diện y tế không bằng viện dưỡng lão, nhưng quan trọng hơn, bản chất thói quen của người phương Đông là ông bà cha mẹ thích được gần con cháu. Trong trường hợp này, con cháu cũng nhận được nhiều điều từ phía người già. Đó là tình cảm gia đình, những bài học người già truyền lại cho con cháu. Kể cả kho tàng đức tin người già cũng có thể truyền lại cho con cháu một cách sống động. Do đó, rõ ràng gần gũi với người già là cơ hội để thế hệ trẻ vừa tròn chữ hiếu, vừa giữ lòng đạo và tạo nên hạnh phúc gia đình.

     

    Dĩ nhiên mỗi nhà mỗi cảnh, nên tùy trường hợp mà mỗi gia đình đưa ra quyết định tốt nhất cho mình và ông bà cha mẹ. Nguyên tắc chung là làm sao thể hiện được tình yêu, hiếu thảo và hy sinh.

     

    Sau cùng, Giáo hội hẳn nhiên không cấm con cháu đưa cha mẹ ông bà vào nhà dưỡng lão. Giả như vì hoàn cảnh nào đó phải đưa người thân của mình vào viện dưỡng lão, bạn nghĩ sao khi có lời ra tiếng vào: “Đường đường là người Công giáo, Thiên Chúa dạy hiếu thảo, vậy mà nỡ lòng nào đẩy ông bà cha mẹ mình vào nhà dưỡng lão!” Lời đàm tiếu ấy cũng khiến phận con cháu chạnh lòng. Ước gì mỗi gia đình luôn để Thiên Chúa đồng hành; và nhờ đó, chúng ta cư xử với nhau với rất nhiều tình người và tình yêu.

     

    Chào bạn!

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

     

    Tái bút: Khi trả lời câu hỏi này, là những người trẻ, hy vọng chúng ta có nhiều sáng kiến để chăm sóc ông bà, cha mẹ mình trong những ngày tháng đại dịch Covid-19 này.

    ……………..

    [1] Một trong những lý chính là dân số già đi sẽ gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc cho người già. Con cháu ít nên không thể chăm lo tốt cho người già.

    [2] Điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xh 20,12). “Người hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2,51). “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.” (Ep 6,1)

    [3] Youcat 367

    [4] Tông Huấn Đức Kitô Sống 193

    [5] Tông Huấn Đức Kitô Sống 197

    [6] Tông Huấn Đức Kitô Sống 199

    [7] Đọc thêm: Chăm sóc người già và trẻ em là sống văn hoá hy vọng (Vatican tiếng Việt)

     
     

VĂN HÓ VÀ GIA ĐÌNH - ĐTC -

 

  •  
    Chi Tran chuyển

     

     Đức Thánh Cha ban ơn Toàn xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi

     

    DTC.jpeg
     

     

    Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô ban Ơn Toàn xá cho các ông bà, người già và tất cả các tín hữu tham gia sự kiện với “tinh thần sám hối và bác ái thực sự”.

    Hồng Thủy - Vatican News

    Trong thông cáo hôm thứ Ba 22/6/2021, Tòa Ân giải Tối cao giải thích rằng “để tăng cường lòng sùng kính của các tín hữu và để cứu rỗi các linh hồn,” các ông bà nội ngoại, người già và các tín hữu sẽ có thể được nhận Ơn Toàn xá vào Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất, sẽ được tổ chức vào ngày 25/7/2021.

    Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cho biết Đức Thánh Cha đã cho phép ban ơn Toàn xá sau khi lắng nghe yêu cầu của Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đánh dấu việc thành lập Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi. 

    Trong Thánh lễ trọng thể

    Ơn Toàn xá sẽ được ban cho các ông bà nội ngoại, người cao niên, cũng như các tín hữu tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi vào ngày 25/7, hoặc các Thánh lễ khác được cử hành trên toàn thế giới, với các điều kiên thông thường là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. 

    Thăm viếng người già yếu gặp khó khăn

    Ơn Toàn xá cũng được ban vào cùng ngày này cho các tín hữu dành thời gian thích đáng để thăm viếng, cách trực tiếp hay trực tuyến, những người già yếu đang gặp khó khăn hoặc hoạn nạn (ví dụ như bệnh tật, người bị bỏ rơi, người khuyết tật và những người ở trong những trường hợp tương tự).

    Tham dự qua các phương tiện truyền thông

    Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cũng cho biết Ơn toàn xá cũng có thể được ban cho những người, vì những lý do nghiêm trọng, không thể ra khỏi nhà và “hiệp nhất cách thiêng liêng với các cử hành thánh của Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những nỗi đau hay những đau khổ trong cuộc sống của họ, đặc biệt là trong thời gian phát sóng Thánh lễ, qua các phương tiện truyền hình và đài phát thanh, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội mới.”

    ----------------------------------

     

     

     

     



 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CẦN NHẪN NẠI

  •  
    Hung Dao
    VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH: NHẪN NAI - KHOAN DUNG.
     
    Thu, Aug 19 at 7:36 AM
     
     
     
     
     

    ‘Nhẫn Kinh’: Mọi việc trên đời không như ý – Quý là lòng nhẫn nại, khoan dung…

    Châu Yến 
     
     

    Viên Thái cho rằng: con người sống trên đời luôn đi kèm với phiền muộn và khổ nạn, những chuyện không như ý thì nhiều, chuyện như ý thì ít, từ xưa đến nay đều như vậy. Bất luận là người phú quý hay là nghèo hèn thì đều luôn có phiền não của riêng mình. Bởi vậy, con người nên bình tĩnh an nhiên, mọi sự nên thuận theo tự nhiên mà chấp nhận…

    Năm Đại Đức thứ 11 thời hoàng đế Nguyên Thành Tông (năm 1306), một người ở Hàng Châu tên Ngô Lượng đã tập hợp toàn bộ những câu nói liên quan đến “nhẫn” của danh nhân trong các triều đại và những tấm gương về sự việc, con người nhẫn nhịn khiêm nhường, trung hậu khoan dung, sau đó biên soạn thành một bộ sách tên “Nhẫn Kinh”. “Nhẫn Kinh” là một bộ sách hay có ngụ ý sâu sắc, khuyên con người làm việc tốt.

    Trong “Nhẫn Kinh” có gần một trăm câu chuyện, đều là những trường hợp người thật việc thật liên quan đến nội hàm của chữ “nhẫn” trong lịch sử. Trong bài viết này tác giả muốn giới thiệu với quý độc giả những danh ngôn khuyến cáo người đời trong “Viên thị thế phạm” được chọn lọc từ trong cuốn “Nhẫn Kinh”.

    Địa vị của “Viên thị thế phạm” trong gia huấn không thua kém “Nhan thị gia huấn”, được gọi là song bích trong gia huấn của Trung Quốc thời xưa 

    Tác giả của “Viên thị thế phạm” là Viên Thái, tiến sĩ năm Long Hưng thứ nhất của nhà Nam Tống, sau này thăng chức lên làm Giám đăng văn cổ viện. Viên Thái nổi tiếng thế gian vì liêm minh cương trực, ông cũng có một số thành tựu chính trị, và rất xem trọng phương diện giáo hóa. “Viên thị thế phạm” là một bộ gia huấn, tên của bộ sách này có ý nghĩa là “truyền thụ hậu thế”, “lợi ích hết thảy thiên hạ” trở thành “gương mẫu của đời”. Địa vị của “Viên thị thế phạm” không thua kém “Nhan thị gia huấn”, đều được lưu truyền rộng rãi trong dân gian Trung Quốc. Hai trước tác này có thể được gọi là song bích trong gia huấn của Trung Quốc thời xưa, có ảnh hưởng rộng lớn và tích cực đối với hậu thế.

    Gia đình bền lâu hòa thuận, cái gốc nằm ở chỗ có thể nhẫn

    Viên Thái cho rằng, nhẫn là cách làm căn bản của những gia đình sống hòa thuận và bền lâu, và biết nhẫn như thế nào lại càng quan trọng hơn. Ôm giữ cơn giận trong lòng để nhẫn chỉ là đang tích lũy sự giận dữ, một khi bùng phát thì không gì có thể cản được. Nhẫn để kịp thời hóa giải cơn giận dữ, công hiệu của cách nhẫn này sẽ lớn hơn.

    “Viên thị thế phạm” viết: “Người ta nói gia đình bền lâu hòa thuận, cái gốc nằm ở chỗ có thể nhẫn. Tuy biết phải nhẫn mà không biết làm thế nào để nhẫn, thì sai lầm càng nhiều. Cùng là nhẫn, có người thì ghi nhớ trong lòng, người khác xúc phạm tôi, tôi sẽ che giấu cơn giận mà không nói, như vậy chẳng qua chỉ là ứng phó một hai lần mà thôi. Nếu như cơn giận được tích lũy quá nhiều, một khi bùng phát ra, sẽ giống như nước lũ làm vỡ bờ đê, không thể ngăn cản được. Như vậy chi bằng luôn luôn hóa giải cơn tức giận, không giữ lại trong lòng. Nói người này là vô tâm, nói người này là vô tri, nói rằng đây có lẽ là do anh ta làm sai, nói là vì anh ta thiếu hiểu biết, nói những điều này có được gì chứ? Không để người đó ở trong lòng mình, cho dù một ngày anh ta mạo phạm tôi mười lần, tôi cũng sẽ không thể hiện sự giận dữ trong lời nói, không biểu hiện ra thái độ không vui, nhẫn như vậy sẽ có công hiệu rõ rệt hơn. Như vậy mới thực sự là nhẫn nhịn khéo léo”.

    Con người không có ai là hoàn hảo cả – nhân sinh tại thế, quý nhất là sự khoan dung

    Viên Thái chỉ ra rằng, trong gia đình quý nhất là sự khoan dung, con người không ai là hoàn hảo, mỗi người hoặc ít hoặc nhiều đều có những khuyết điểm nào đó, không cần phải cầu toàn mà trách móc, nghĩ như vậy thì tấm lòng sẽ rộng mở, xử sự bình thản.

    “Viên thị thế phạm” viết: “Từ xưa đến nay, trong xã hội con người luôn trộn lẫn giữa người tốt và người xấu, giữa thánh nhân và kẻ phàm phu tầm thường, không phải cha con nào cũng đều có thể thông minh, sáng suốt như nhau, có những anh em không phải đều tốt đẹp và tài giỏi như nhau, hoặc những người chồng vô công rồi nghề, phóng đãng không biết tự kiểm điểm, hoặc những người vợ hung dữ, tàn bạo, rất hiếm có gia đình nào không có một khuyết điểm nào cả. Cho dù là những người thánh hiền thì cũng không có cách nào giải quyết những vấn đề này. Giống như trên người mọc đầy mụn nhọt và mụn cóc, tuy rằng cực kỳ đáng ghét khó chịu, nhưng cũng không thể nào cắt bỏ chúng, chỉ có thể khoan dung mà đối đãi chúng. Nếu như con người có thể hiểu được đạo lý này, vậy thì trong lòng sẽ ung dung và thản nhiên”.

    Con người sống trên đời, ai cũng có chuyện phiền muộn không như ý

    Viên Thái còn nói rằng, con người sống trên đời luôn đi kèm với phiền muộn và khổ nạn, những chuyện không như ý thì nhiều, chuyện như ý thì ít, từ xưa đến nay đều như vậy. Bất luận là người phú quý hay là nghèo hèn thì đều luôn có phiền não của riêng mình. Con người nên bình tĩnh an nhiên, mọi sự nên thuận theo tự nhiên mà chấp nhận.

    “Viên thị thế phạm” nói: “Con người sống trên đời, từ khi có tri thức đến nay, đã có chuyện phiền muộn không như ý. Trẻ con khóc lóc, là vì không hài lòng. Từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già, chuyện như ý thường ít, chuyện không như ý thường nhiều. Tuy là người đại phú quý, thiên hạ đều ngưỡng mộ tưởng là thiên tiên, mà chuyện không như ý, người nào cũng có, không khác gì với người bần tiện, chẳng qua chuyện lo nghĩ khác mà thôi. Vì vậy gọi là thế giới khuyết hãm, nhân sinh thế giới không ai thỏa mãn tâm ý. Có thể hiểu được đạo lý này và chấp nhận, thì có thể an tâm một chút”.

    Mọi việc quý ở chỗ có thể nhẫn nại, hãy xem nhường nhịn là một thói quen

    Viên Thái còn chỉ ra rằng, mọi việc quý ở chỗ có thể nhẫn nại, phải có chủ trương kiên định, xem nhường nhịn là một thói quen, mà không để cơn tức giận chi phối bản thân, như vậy thân tâm đều được yên bình.

    “Viên thị thế phạm” viết: “Con người có thể nhẫn, mọi việc dễ hình thành thói quen. Đối với những người vô lý cộng thêm không thể nhẫn nhịn, vẫn ứng xử như thường. Không thể nhẫn, mọi việc cũng dễ thành thói quen, đối với những người có oán hận không sâu đậm, cũng dẫn đến tố tụng tranh luận, mong giành phần thắng mới thôi, không biết rằng mình bị mất rất nhiều. Nếu con người có định lực, không bị cơn nóng giận bên ngoài sai khiến, vậy thân tâm chẳng phải đại an ninh sao?”

    Mấy năm trước tôi đã từng đọc “Viên thị thế phạm”, ngoài những nội dung liên quan đến “nhẫn” được chọn lọc trong “Nhẫn Kinh” ra, nội dung của “Viên thị thế phạm” vô cùng phong phú, thậm chí đề cập đến rất nhiều chi tiết trong cuộc sống, có rất nhiều nội dung đáng để con người hiện đại học hỏi, đây là một cuốn sách tốt mang tính khuyến thiện. Lời hay ý đẹp có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với tâm trí của con người.

     

     
    Châu Yến biên dịch

     


    Garanti sans virus. www.avast.com

     

    --

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH -

  •  
    Hung Dao

    6 chiếc gương nhìn thấu đời người: ai có được, người ấy luôn hạnh phúc

    Thuận An
     
     

    Có một ca khúc tên là “Nhìn hoa trong sương”, trong lời bài hát có câu rằng: “Hãy cho tôi mượn đôi mắt trí huệ, để tôi nhìn thế giới này được thấu đáo rõ ràng”. 

    Nhưng trên con đường nhân sinh, chúng ta không chỉ cần có một đôi mắt trí huệ, mà còn cần phải biết đeo những chiếc ‘kính mắt’ khác nhau.

    1. Kính viễn vọng: Lên cao mới nhìn được xa

    Trong bài thơ Vọng Nhạc, Đỗ Phủ viết: “Hội đương lăng tuyệt đính, Nhất lãm chúng sơn tiểu”. Ý tứ là, được dịp lên tận đỉnh cao chót vót, ngắm nhìn mới thấy núi non xung quanh đều bé nhỏ.

    Điều này cũng có nghĩa là khi đứng ở nơi cao, nhìn về chỗ xa thấy các ngọn núi đều trở nên nhỏ bé, con người ta một cách tự nhiên sẽ sinh ra hào khí dày muôn trượng, trong nháy mắt có được động lực tiến về phía trước.

    Tô Thức nói: “Không biết bộ mặt thật của núi Lư Sơn, chỉ vì thân đang ở trong núi ấy”. Nhưng nếu bạn đứng ở chỗ cao, hướng đôi mắt trông về nơi xa, hình dáng của núi Lư Sơn sẽ tự hiển lộ. Chỉ có đứng ở nơi cao, con người ta mới có thể nhìn rõ đằng sau vẻ ngoài rối ren phức tạp ấy rốt cuộc ẩn giấu điều gì là chân thật.

    Chỉ khi đứng ở nơi cao, mới có thể nhìn được xa, nhìn được xa mới có thể biết được con đường tương lai rốt cuộc phải đi như thế nào. Một người có kính viễn vọng, sẽ có được nhiệt tình không bao giờ lắng xuống, có được năng lực gạt sương mù ra thấy trời xanh, có được tâm trí hoạch định tương lai.

    Chỉ khi đứng ở nơi cao, mới có thể nhìn được xa, nhìn được xa mới có thể biết được con đường tương lai rốt cuộc phải đi như thế nào 

    2. Kính phóng đại: Phóng đại tấm lòng của bạn

    Mặc Tử nói: “Chí bất cường, trí bất đạt”, một người nếu lý tưởng không đủ cao xa, anh ta không thể có được trí lực, cũng không có được năng lực tương xứng. Tục ngữ nói rất hay, có thể bao dung người, mới có thể quần tụ được mọi người. Người có thể quần tụ được mọi người, mới có thể thành được đại sự. Một người nếu như bụng dạ hẹp hòi, thì sẽ không có ai nguyện ý ở bên cạnh anh ta. Đơn thân lẻ bóng, một mình một ngựa sao có thể tung hoành thiên hạ đây?

    3. Kính râm: Xem nhẹ đời người, ẩn giấu bản thân

    Nhìn thế gian ồn ào náo nhiệt, vì danh lợi mà tranh mà đấu, vui buồn chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi, nếu không có một trái tim lãnh đạm, thì sẽ bị thói đời cuốn theo, không có ngày nào yên. Nhưng đằng sau lăng kính của đôi kính râm, những thứ dù có lóa mắt hơn nữa cũng sẽ ảm đạm xuống, những thứ nhìn không quen cũng sẽ bị trung hòa. Đây chính là ý nghĩa của kính râm. Khi bị lóa mắt, thì thế giới hiện thực nóng rực đã có thêm một tấm kính cách ly.

    Nhân sinh tại thế, đáy lòng trong sáng không hạt bụi, thuần khiết như thuở ban đầu, tự nhiên sẽ là việc tốt. Nhưng thói đời đen bạc, khó tránh khỏi người gian kẻ xấu, vậy nên đôi lúc cũng cần phải ẩn dật, giữ lại những suy nghĩ chân thực của bản thân. Thẳng thắn, thản nhiên đương nhiên là chuyện tốt, chỉ là đôi lúc cũng nên có sự phòng bị. Kính râm vừa khéo là một phần che đậy thích hợp, có thể khiến bản thân tránh được không ít phiền phức.

    Nhân sinh tại thế, đáy lòng trong sáng không hạt bụi, thuần khiết như thuở ban đầu, tự nhiên sẽ là việc tốt 

    4. Kính hiển vi: Nhìn thấy tiểu tiết, làm tốt từ những chi tiết nhỏ

    Sự thất lạc của một chiếc đinh sắt móng ngựa có thể dẫn đến thất bại của cả một cuộc chiến; một tổ kiến có thể làm sạt lở cả bờ đê… Những chuyện vặt vãnh không đáng để tâm này, tích lũy nhiều lên cũng đủ để phá hoại cả cục diện lớn. Chuyện khó trong thiên hạ ắt làm được không dễ, chuyện lớn trong thiên hạ ắt phải làm từ những chi tiết nhỏ.

    Xem trọng tiểu tiết, học biết chăm chỉ. Làm tốt những việc bình thường, chính là không bình thường nữa, chuyện nhỏ tích cóp lại dần dần sẽ thành chuyện lớn, trong chi tiết nhỏ thấy được sự tinh tế, thành tựu được đại nghiệp.

    5. Gương lồi lõm: Hồ đồ khó có được

    Người sống mơ hồ, dễ dàng có được hạnh phúc, người sống quá thanh tỉnh, dễ dàng chuốc phiền não vào mình. Người sống thanh tỉnh nhìn mọi việc quá rõ ràng, quá so đo tính toán, vậy nên đâu đâu cũng thấy điều chướng tai gai mắt. Còn người sống hồ đồ, ít so đo tính toán, lại tìm được tư vị lớn của đời người.

    Người quá khôn ngoan sẽ sống rất mệt mỏi, luôn có những phương diện nhìn không quen mắt, luôn có những điều không buông bỏ được, vật lộn khổ sở. Người sống mơ hồ, trái lại ung dung tự tại trải qua mỗi một ngày. Đương nhiên, lúc nên hồ đồ thì hãy hồ đồ, lúc nên hiểu rõ thì tuyệt không đánh bạo hiểu rõ mà giả thành hồ đồ.

    6. Kính phẳng: Nhìn núi là núi, nhìn sông là sông

    Trải nghiệm đời người khi tích lũy đến trình độ nhất định, sẽ không ngừng tự xét lại mình. Những truy cầu với sự đời của bản thân đã có được nhận thức rõ ràng, hiểu rõ “sự đời một giấc mộng, đời người mấy thu đông”, biết được điều bản thân theo đuổi là những gì, điều bản thân cần buông bỏ là những gì. Cũng chính là, đôi khi không cần phải thông qua kính viễn vọng, kính phóng đại, gương lồi lõm, kính hiển vi, kính râm để nhìn nhận thế giới, mà thản nhiên tiếp nhận bộ dạng vốn có của nó.

    Người vốn là người, vậy nên không cần dồn hết tâm trí làm người thế nào. Đời vốn là đời, không cần phải chú tâm đối nhân xử thế ra sao. Hiểu rõ được điểm này, con người cũng sẽ có được sự tự nhiên và chân thật, cởi mở và bình yên. Đời người trải qua không hối hận, mở đầu thế nào không quan trọng, kết thúc thế nào cũng chẳng sao, quan trọng là ở nơi sâu thẳm của thời gian, chỉ mong cõi lòng được bình yên là đủ.

     

    Theo Sound of Hope
    Thuận An biên dịch

     

     

    --