6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - LÒNG CHUNG THỦY

 

  •  
    Binh Huynh
     
    Thu, Jun 3 at 7:16 AM
     
     

    Lòng Chung Thuỷ!

    Huỳnh Quốc Bình

    …Ai thiếu sự thuỷ chung sẽ dễ dàng phạm tội và trở thành những kẻ mà thế gian nguyền rủa là đồ vô lại hay thứ bất lương…

    Văn chương Việt Nam có nhiều câu truyện hay điển tích nói lên ý nghĩa của sự thủy chung. Các câu truyện nổi bật nhất là truyện hai anh em nhà họ Cao cùng với cô con gái họ Lưu trong “Sự Tích Trầu Cau”, truyện “Lưu Bình Dương Lễ” và truyện “Trần Minh Khố Chuối”.

    Lịch sử cận đại có những người phụ nữ Việt Nam hay những người vợ trẻ chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, gian khổ, cô đơn, để chờ ngày chồng mình trở về dù biết rằng sự đoàn tụ rất mong manh bởi vì họ bị giam cầm không bản án trong các nhà tù khổ sai của chế độ Việt cộng sau ngày 30-4-75.
    Hình minh họa: Trại tù khổ sai không bản án của chế độ Việt cộng có tên gọi là “cải tạo” sau ngày 30-4-75

    Ca dao Việt Nam có những câu nói lên sự chung thủy trong tình chồng vợ.
    Đất có bồi có lở,
    Người có dở có hay.
    Em nguyền một tấm lòng ngay,
    Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm.

    Trong tình chồng vợ hay tình yêu đôi lứa, việc chờ đợi một người vì hoàn cảnh khắc nghiệt phải xa cách nhau, có thể dễ cho người ở vị trí đợi chờ giữ trọn sự thủy chung, bởi vì sự thương hại. Chờ một người đã phản bội mình và mong rằng người đó quay trở lại, mới là chuyện khó.

    Tình anh em ruột thịt, bạn bè, đồng đội, chiến hữu, đồng chí, tình quê hương dân tộc, và tình anh em trong niềm tin Thiên Chúa, đều cần phải có sự thuỷ chung. Thiếu sự thuỷ chung, ý nghĩa của các tình cảm đó không còn giá trị nữa, mà nó chỉ là những danh từ hay thành ngữ rỗng tuếch. Thà chúng ta ít học, thà chúng ta không nhận mình là người có đạo hay có Chúa ở cùng, mà có sự thuỷ chung, hơn là một người khoa bảng, nhận mình là Cơ Đốc Nhân nhưng có lòng dạ phản trắc hay trở mặt với các thứ tình cảm cao đẹp mà tôi vừa nêu. Kẻ nào có lòng dạ phản trắc hay thiếu sự thủy chung hoặc phản bội ân nhân sẽ không đủ tư cách để dạy lẽ đạo hay dạy đời người khác. Đối với bọn đó, người tử tế có quyền không dành cho chúng sự kính trọng hay trân trọng dù là tối thiểu.
    Một Cơ Đốc Nhân chối bỏ lẽ đạo mà mình đã nhận là thiếu sự thuỷ chung. Trong phạm trù “chối bỏ lẽ đạo” mà tôi muốn nói, không chỉ là hành động bỏ đạo mà là những lời nói hay các việc làm ngược lại những gì mình đã học, đã biết, hay đã dạy người khác. Hình ảnh các môn đồ và các đoàn dân từng theo Chúa Cứu Thế Jesus để nghe những lời phán dạy của Ngài, nhưng sau đó họ đã im lặng không dám lên tiếng bênh vực Ngài, hay chối bỏ Ngài, đều nói lên sự thiếu thuỷ chung trong thời điểm đó. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua lời phán của Chúa Cứu Thế Jesus trong Phúc Âm Giăng 8:31-32. Câu 31 ghi, “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu Đa đã tin Ngài, rằng: ‘Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta.'” Sự thuỷ chung đưa đến kết quả gì? Câu 32 đã nói lên điều đó, “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”

    Nói đến sự chung thuỷ, người ta sẽ không quên lòng trung thành giữa người này và kẻ khác. Sự trung thành một cách đúng nghĩa nói lên tính liêm sỉ của một con người. Sự trung thành một cách mù quáng là ươn hèn và yếu kém trong bản chất tầm thường của một con người tội lỗi. Người có nhân cách, thà người ta “cạp đất” mà ăn còn hơn hưởng sự giàu sang, mà trở thành kẻ phản bội anh em và các loại tình cảm thiêng liêng khác, tàn tệ nhất là phản bội ngay chính ân nhân của mình.

    Có người đã ví những kẻ thiếu sự thủy chung hoặc phản bội ân nhân là thua loài chó, “chó không phản chủ”. Thật ra, sự so sánh này rất khập khiễng, bởi người là người, chó là chó. Bản chất của loài chó là trung thành tuyệt đối với chủ của nó, ngoại trừ chó điên.
    Hình ảnh minh họa: Chỉ có chó điên mới phản chủ

    Riêng loài người có hình ảnh của Thiên Chúa và có trí tuệ, lương tri mà Thiên Chúa ban cho. Người bình thường là người biết phải, biết quấy, và người ta gọi đó là người tử tế. Những kẻ chẳng biết gì phải quấy và thiếu sự trung thành với người đáng trung thành, người ta gọi đó là đồ phản phúc hay thứ bất lương.
    Làm chủ một công ty hoặc công sở, người ta cần gì ở người cộng sự viên, người công nhân, hay người quản lý? Người ta cần lòng trung thành của người quản lý và nhân công. Trong Kinh Thánh có nhắc đến lòng trung thành. Sứ Đồ Phao-lô đã nói, “Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành” (1 Cô-rinh-tô 4:2).

    Trong văn hoá Á Đông, lòng trung thành giữa chủ và nhân công rất nổi bật. Trong xã hội Tây Phương, vấn đề trung thành rất lu mờ. Người ta thường đến với nhau vì quyền lợi đôi bên theo kiểu, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.” Trong các nước Tây Phương, khi chủ cần bớt người, họ cho nhân công nghỉ việc. Nhân công thấy chỗ khác trả lương hậu hĩ hay quyền lợi cao là họ bỏ việc v.v…

    Thiếu lòng trung thành hay thiếu sự thủy chung, con người dễ phản bội nhau chỉ vì những danh vọng hảo huyền, những loại chức quyền tạm bợ. Để biện minh cho sự phản trắc đó, người ta đưa ra nhiều lý lẽ, lý do dường như “chính đáng” và “chính nghĩa”, nhưng thực chất đó chỉ là sự phản trắc hay phản bội nhau một cách trắng trợn và phũ phàng của bọn bất lương.

    Lịch sử cận đại cho thấy trong cuộc chính biến, đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 1-11-63, cho dù người ta có thích hay không thích gia đình nhà họ Ngô, người ta cũng phải thấy điều này; thành phần phản bội Cụ Diệm không phải là những người chiến đấu gian khổ ngoài các mặt trận, mà chính là những kẻ từng hưởng bổng lộc của chính phủ và chịu ơn gia đình họ Ngô. Đó cũng là những kẻ từng khúm núm hay đứng “cong lưng” trong những khi đối diện với Tổng Thống Diệm.

    Tôi từng hân hạnh đọc sách Cách Xử Thế Của Người Xưa và tôi nhớ đại khái ý niệm này, “Châm ngôn của những người có quyền chức lớn, đó là, khi có kẻ đến quỳ mọp dưới chân anh, anh phải lấy chân mà đè đầu nó xuống, vì nếu không khéo, nó sẽ trổi dậy để cắn anh.”
    Nhiều người dễ tính hay dễ tin đã từng trả giá cho sự dễ tính hay dễ tin đó. Trong số người đó, có tôi. Tuy nhiên, kẻ phản trắc chỉ có thể phản bội tôi được một lần, và tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi không làm công việc trả thù, mà tôi đã giao phó cho Chúa, cho “cơn thạnh nộ của Ngài”. Tạ ơn Chúa vì mỗi ngày Chúa cho tôi học thêm bài học nhân từ, hài hoà, nhưng không phải loại nhân từ, hài hoà không đúng lúc, đúng chỗ, mà tôi từng phạm phải.

    Trong các sinh hoạt hằng ngày ngoài đời, người ta cần người cộng sự có lòng trung thành bao nhiêu, trong đạo của Chúa, người ta cũng cần những người có lòng trung tín với Chúa và với người, bấy nhiêu. Những nơi được gọi là “Hội Thánh” không thể có những cấp lãnh đạo ham chức quyền mà không quan tâm đến những bạn đồng lao của mình. Những nơi được gọi là “Hội Thánh”không thể có những kẻ chỉ chực hờ đạp người khác để “chui sâu, trèo cao” và vinh thân phì gia bằng những thủ đoạn đê tiện.

    Trong Kinh Thánh chép bức thư của Sứ Đồ Phao-lô gởi cho người Phi-líp. Phao-lô đã lượng giá cao về Ti-mô-thê (Timothy), “Thật vậy, tôi không có ai khác có cùng một tâm tình như Ti-mô-thê, là người thật tình lo lắng cho anh chị em. Vì ai nấy đều tìm lợi ích riêng cho mình chứ không tìm lợi ích cho Chúa Cứu Thế Jesus. Nhưng anh chị em biết phẩm cách của Ti-mô-thê, người đã cùng tôi, như con với cha, phục vụ Phúc Âm” (Phi Líp 2:20-22).

    Nếu người nào nhận mình là “Con Cái Chúa” hay “Đầy Tớ Chúa”, khi đọc Kinh Thánh qua bức thư của Sứ Đồ Phao-lô gởi cho cộng sự viên Tít, được chép trong sách Tít (Titus) 2:1-10 đã giúp cho người đọc thấy rằng, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Dạy người lớn tuổi phải biết tiết độ, nghiêm trang, khôn ngoan, vững vàng trong đức tin, yêu thương và kiên nhẫn. Dạy các phụ nữ lớn tuổi phải có tác phong thánh khiết, đừng nói xấu người khác, đừng nghiện rượu, phải biết dạy điều lành để họ có thể dạy các thiếu nữ trẻ tuổi yêu chồng con, khôn ngoan và trong sạch, chăm lo việc nhà và thuận phục chồng để lời dạy của Chúa không bị phê phán. Các thanh niên phải khôn ngoan, trong mọi sự phải biết nêu gương về việc làm phúc. Khi dạy dỗ, hãy tỏ ra chân thật và nghiêm chỉnh. Hãy nói chân lý lành mạnh để không ai chỉ trích và để những người chống đối mình sẽ xấu hổ vì họ chẳng có dịp để bêu xấu chúng ta. Dạy người làm công phải luôn luôn vâng phục chủ, cố gắng làm vừa lòng chủ, không được cãi lại. Không được trộm cắp đồ của chủ; trái lại, phải tỏ ra mình hoàn toàn đáng tin để trong mọi việc, đạo lý của Chúa thu hút mọi người.

    Kết luận

    Lòng chung thuỷ, sự thủy chung, trung thành, hay trung tín rất cần có trong sinh hoạt của con người, nhất là những nơi được gọi là “Hội Thánh”. Nếu ai thiếu lòng chung thuỷ với người phối ngẫu, người thân, bạn bè, chiến hữu, đồng đội, hoặc đồng chí, người đó sẽ cho phép người khác khinh thường và xa lánh mình.
    Thiếu lòng chung thuỷ, người ta sẽ không dạy được con cái của mình chứ đừng hòng dạy người khác. Sự thuỷ chung còn là chất keo cho tình đoàn kết. Sự thuỷ chung mang đến thành công trên mọi phương diện. Ai thiếu sự thuỷ chung sẽ dễ dàng phạm tội và trở thành những kẻ mà thế gian nguyền rủa là đồ vô lại hay thứ bất lương.

    Cầu xin Chúa cho chúng ta luôn kính sợ Ngài, có lòng chung thuỷ với những người tử tế, biết xa lánh hay vứt bỏ những thứ gì có tính cách tạm bợ, danh hảo, sắc dục tầm thường của đời, có lòng trung tín hay trung thành với lẽ đạo của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận lãnh. Nếu chúng ta ở vị trí lãnh đạo giáo hội hay Hội Thánh, hoặc dạy lẽ đạo cho người khác mà chính mình có những lời nói gian dối hay hành động gian ác, vô đạo, thích ngụp lặn trong tội lỗi bằng “vỏ bọc thiêng liêng”… Hãy coi chừng, Nước Thiên Đàng không thể dành cho những kẻ bất lương. Con dân Chúa có thể phạm tội một lần hay nhiều lần, nhưng thái độ “ủ tội” không biết ăn năn, không thể là người tin Chúa thật, hay người biết kính sợ Chúa một cách đúng nghĩa. Người nào không tin Chúa một cách đúng nghĩa, cần phải suy sét và điều chỉnh lại đức tin của mình trước khi quá muộn.

    Huỳnh Quốc Bình
    E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
     

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - THƠ VỀ NGƯỜI CHA

  •  
    'Van Nguyen' via PSXH
     
     
    Wed, Jun 2 at 4:40 PM
     
     
    Nhân ngày Lễ Cha sắp đến, xin gởi 2 bài thơ nói về Cha. Xin mời quý vị đọc vui. Nếu có hứng
    Hoạ lại thì xin trân trọng.
     

    CHA !

    Cha chính mái nhà che nắng mưa,

    Cha là sao sáng nói chi vừa.

    Cha đem hạnh phúc vì gia đạo,

    Cha giữ lòng son dẫu muối dưa.

    Cha dạy cháu con đường chính nghĩa,

    Cha lo đồng áng việc cày bừa.

    Cha là ngọn đuốc soi đường sống…

    Cha chính mái nhà che nắng mưa.

         Liêu Xuyên
     

    CHA !

    Cha là nguồn sống của đời con,

    Cha dáng uy nghi dạ sắt son.

    Cha giữ đạo hằng không dối trá,

    Cha gìn nhân đức chẳng hao mòn.

    Cha dầm mưa nắng vì gia quyến,

    Cha lội núi đèo lo nước non.

    Cha quyết một lòng theo nghĩa lớn…

    Cha là nguồn sống của đời con !

        Liêu Xuyên
     
    signature

     

    --

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH -

 

  •  
    Hung Dao
     
    Mon, May 10 at 7:49 AM
     
     

    Mỗi thử thách trong đời đều là lời chúc phúc âm thầm của Trời cao

    Thuận An 
     
     

    Con bướm phải thông qua quá trình gắng gượng từ trong tổ kén chật hẹp mà chui ra, mới có thể trở thành một chú bướm xinh đẹp được. Con người cũng vậy…

    Một buổi sáng sớm đầu mùa hè, có chàng trai tình cờ nhìn thấy một cái kén treo lủng lẳng trên nhánh cây đang mở ra một khe hở nhỏ, có một con bướm đang gắng sức chui ra cái lỗ nhỏ đó. Chàng trai chưa thấy cảnh này bao giờ, rất lấy làm hiếu kỳ, bèn lặng lẽ ngồi trước cái kén, muốn quan sát quá trình con bướm chui ra khỏi tổ kén thế nào. Tuy vậy, đợi nửa ngày trời, con bướm dường như không cách nào chui ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu ấy, nó dường như đã cố gắng hết sức rồi, không còn có thể tiếp tục thêm nữa.

    Chàng trai lấy làm sốt ruột nghĩ rằng, có thể là do cái lỗ quá nhỏ, khiến con bướm không dễ dàng chui ra được. Anh quyết định giúp con bướm ấy một tay, thế là liền dùng tay xé toạc phần đầu tổ kén ra. Quả nhiên, con bướm dễ dàng chui ra được, nhưng điều kỳ lạ là, con bướm đó lại có thân thể sưng phù, hơn nữa đôi cánh vừa nhỏ vừa co quắp lại.

    Người này tiếp tục chú tâm quan sát, bởi cậu dự đoán chẳng mấy chốc, con bướm sẽ xòe rộng đôi cánh, có thể chèo chống được thân thể của nó, và rồi có thể giương cánh bay cao. Tuy vậy, chuyện tốt đã không xảy ra. Trên thực tế, con bướm này cả một đời chỉ có thể kéo lê cái thân thể sưng phù kia và đôi cánh co quắp đó bò đi bò lại, chứ không thể bay lên được nữa.

    Chàng trai này không hiểu được rằng, con bướm nguyên phải thông qua quá trình chui qua cái lỗ nhỏ đó, từ trong tổ kén chật hẹp đó chui ra, mới có thể trở thành một chú bướm xinh đẹp được.

    Đây là công trình kỳ diệu do Đấng Tạo Hóa sáng tạo nên. Khi con bướm vùng vẫy thoát ra, chất lỏng trong cơ thể nó cùng toàn bộ sức mạnh từ các bộ phận, đều dồn chảy về phía đôi cánh, gia cường sức mạnh cho đôi cánh, chuẩn bị sẵn một khi nó phá vỡ tổ kén chui ra, thì có thể lập tức cất cánh bay lượn.

    Để có một đôi cánh lộng lẫy, chú bướm phải tự mình phá vỡ tổ kén 

    Không trải qua ngày đông lạnh thấu xương, sao có thể thấy được hoa mai nở rộ tỏa hương thơm ngào ngạt.

    Cảm ơn những vui buồn sầu khổ mà bản thân ta đã từng trải qua, đã cho ta nếm trải được biết bao mùi vị chua ngọt, đắng cay, mặn nhạt của cuộc sống.

    Cảm ơn nỗi niềm bi hoan, ly hợp bản thân đã từng trải qua, để chúng ta biết cách trân quý mỗi một bông hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết trong sinh mệnh.

    Cảm ơn ồn ào phức tạp của cõi hồng trần khiến chúng ta hiểu được tĩnh lặng thật sự là ở nơi sâu thẳm trong tâm.

    Cảm ơn mọi trắc trở chông gai của thế tục đã bồi dưỡng cho chúng ta có được một tinh thần mạnh mẽ không ngừng vươn lên.

    Mỗi một khó khăn và chướng ngại, trên thực tế đều là lời chúc phúc âm thầm, đều là sự an bài tốt nhất đến từ Thiên thượng.

     

    Thuận An biên dịch

     

     

    --
    Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "HoaTuDo".
    Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/hoatudo/CAKtO7Rhyv7VjmiPjuXG2J-cJ5SEjW9PVjTVL3PtD%2Bo1N%2BNtO0w%
     
     

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHA

  •  
    'VUONG DANG'
     
    Fri, May 14 at 12:33 AM
     
     
    NHỮNG CÂU HAY CHỮ MÀ VƯƠNG ĐẰNG TÔ ĐẬM BẰNG MÀU ĐỎ LÀ ĐỂ CON HAY ĐỘC GIẢ QUAN TÂM NHIỀU HƠN.

    Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, Cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của con, khi mà con đã trưởng thành và tự lập”
    HQ.tkd
     
     

    De : Tuu Ngo
     



     
    CHUYỆN VỀ CHA
    CON TRAI YÊU DẤU
     
    Con trai yêu dấu!
    Đời người phúc họa vô thường! Không một ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu. Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn.

    Cha là cha của con, nếu cha không nói với con, có lẽ không ai nói rõ với con những điều này!

    Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã trải nghiệm. Nó sẽ giúp con tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con sau này.

    Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời:

    - Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ Cha và Mẹ của con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc con phải biết ơn và trân quý, con cũng nên thận trọng suy xét, vì người đời làm việc gì thường có mục đích và nguyên nhân. Con chớ vội vàng xem đối phương là chân bằng hữu .

    - Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với con. Con đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu con không hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai sau.

    - Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!

    - Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi , để thời gian từ từ gột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi . Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình.

    - Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

    - Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, Cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của con, khi mà con đã trưởng thành và tự lập. Đây là lúc Cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau này con có đi xe buýt hay đi xe hơi riêng; ăn súp vi cá hay ăn mì gói, tự con lo liệu lấy.

    - Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum họp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có thuơng hay không, cũng không chắc sẽ còn gặp lại nhau.

    - Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành mà vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng không thể thiếu sự hiểu biết. Nên nhớ kỹ điều này!

    - Hơn mười mấy, hai mươi mấy năm nay, Cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng đến nay, ngay đến giải 3 vẫn chưa từng trúng. 
    Điều này chứng tỏ rằng: Muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nỗ lực phấn đấu chứ không phải chờ đợi điều may mắn đến với con. Trên thế gian này không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả. Nếu may mắn có đến với con, đấy là điều tốt, còn nếu không thì cũng chẳng có vấn đề gì, bởi tất cả phải dựa vào chính bản thân con.
    - Con hãy BIẾT ƯỚC MƠ, nhưng để trở thành hiện thực thì ước mơ đừng xa rời thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng. Con phải LUÔN CÓ NIỀM TIN. Không chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình mà con cũng cần có niềm tin vào mọi người, niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có niềm tin, con sẽ chẳng thể làm được việc gì. Công việc, cuộc sống đôi lúc sẽ có những khó khăn, trở ngại đòi hỏi con phải LUÔN NỖ LỰC. Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê, con ạ. 
    Hãy nhớ rằng THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT ĐÍCH ĐẾN MÀ LÀ MỘT QUÁ TRÌNH. Vì thế, con hãy tiếp tục ước mơ, tiếp tục tin tưởng và không ngừng ..........
    --------------------------
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CÔNG CHA NGHĨA MẸ

  •  
    Binh Huynh
     
    Mon, May 10 at 3:08 AM
     
     
    Công Cha Nghĩa Mẹ!
    Huỳnh Quốc Bình

    Cuối bài viết, có vài ghi chú quan trọng dành cho những ai có lòng giúp tác giả quảng bá bài viết này

    … Đừng để cha mẹ mình lúc còn sống phải ở “nhà lá” nhưng sau khi các vị qua đời, mình lại tranh nhau xây “nhà lầu” cho họ ở…

    Người Việt Nam có nhiều điển tích và chuyện dụ ngôn đề cập đến những người con có lòng hiếu thảo với cha mẹ, hoặc bất hiếu với cha mẹ. Người Trung Hoa có “Nhị Thập Tứ Hiếu” (24 tấm gương của những người con hiếu thảo). Điều đáng chú ý, ai cũng biết rằng, lòng hiếu thảo là đáng trọng và kẻ nào bất hiếu với cha mẹ luôn bị người đời khinh khi, xa lánh; tuy nhiên, hình ảnh những người con đối xử tệ bạc với bậc cha mẹ, không phải là hiếm thấy trong xã hội ngày nay.

    Một người bất hiếu hay bạc bẽo với cha mẹ, không thể nào có lòng chung thủy với người phối ngẫu. Nếu họ nhẫn tâm ruồng bỏ cha mẹ, anh chị em họ được, có ngày họ cũng sẽ đối xử với mình như thế. Cho nên ai có chồng, hoặc ai có vợ mà tỏ ra hài lòng khi thấy chồng mình hay vợ mình tốt với mình hơn cha mẹ, anh chị em của họ, các bạn hãy cẩn thận, có ngày họ sẽ đối xử với mình một cách tương tự.

    Nói đến vị trí con cái, cũng phải công bằng để không tránh né đề cập đến vị trí của bậc cha mẹ. Đối với tôi, cha mẹ nào vô cớ ruồng bỏ con cái của họ được, có ngày họ cũng sẽ cư xử với người khác một cách tương tự. Một người cư xử tệ bạc với cha mẹ hay con cái một cách triền miên, họ không thể nào là một người bạn tốt của chúng ta. Tôi nói điều này và tôi không bao giờ sợ mình nói sai. Vì sự giới hạn của bài viết, tôi không thể dài dòng ở điểm này, nhưng nếu quý độc giả nào, không câu nệ niềm tin tôn giáo và tạm gác một bên yếu tố “không muốn ai mô phạm mình” đều có thể nghe sáu bài giảng luận của tôi về các đề tài “hạnh phúc gia đình” tại Website www.huynhquocbinh.net trong mục Audio “Đời Sống An Bình”

    Trong xã hội, thời nào cũng khá giống nhau ở điểm, cha mẹ nuôi con cả đời, không sao, nhưng con cái mới lo cho cha mẹ được vài năm vài tháng lúc tuổi già bóng xế, đã vội kể công. Có người còn nhẫn tâm dằn vặt cha mẹ một cách không nao núng. Người Việt mình có câu, “Một bà mẹ nuôi cả mười đứa con, nhưng mười người con không nuôi nỗi một bà mẹ.” là như vậy. Người đời có những câu vè vô cùng xứng đáng dành cho những ai có thái độ tính toán hay kể công với cha mẹ, có thể suy nghĩ, “Mẹ nuôi con như biển Hồ lay láng, con nuôi Mẹ tính tháng tính ngày.”

    Tôi từng nghiêm chỉnh nói thẳng với các con tôi rằng, “Không ít người Việt Nam có chủ trương là họ nuôi con cái lớn khôn cho tròn bổn phận, chứ họ không mong con cái báo đền công ơn sinh dưỡng. Riêng Ba thì khác, ngày nay Ba Mẹ còn khoẻ, còn làm ra tiền, các con muốn cái gì hợp lý Ba Mẹ cũng cho; khi Ba Mẹ già yếu, Ba Mẹ cần các con giúp đỡ, các con nhớ giúp Ba Mẹ nhé…” Khi nói câu này, tôi không mong hay bắt buộc các con tôi phải trả ơn cho vợ chồng tôi, nhưng tôi muốn gieo vào đầu chúng một thông điệp, chúng phải nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, bởi các con tôi cũng phải lo lắng và dạy dỗ các con của chúng nó sau này. Kẻ bất hiếu không thể dạy hay mong con cái của họ có lòng hiếu thảo được. Dĩ nhiên, người ta nói “nước mắt chảy xuôi” và tôi cũng ý thức điều đó lắm. Dù vậy, tôi vẫn nửa thật, nửa đùa với các con tôi rằng, “Ba đã nói rõ ý của Ba rồi đó. Mai mốt đứa nào bạc bẽo với Ba  Ba còn tha, chứ bạc bẽo với Mẹ, có guốc tao phang guốc, có gậy tao phang gậy đó nhé…”

    Người ta có ghi lại lời nói của Khổng Phu Tử về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, “Bách Thiện Hiếu Vi Tiên”. Ý nghĩa của câu này là, một trăm điều thiện, “hiếu” là thứ nhất, là đi đầu. Một trăm không phải là số 100 mà là rất nhiều, vô lượng. Thiện là điều tốt. Điều tốt nghĩa là các việc làm với lòng chân thành, vì lợi ích của mọi người, của xã hội và tương lai.

    Nói về công cha nghĩa mẹ, người Việt chúng ta có nhiều câu Ca Dao xứng đáng cho những người con tạc dạ.
    Công cha như núi Thái Sơn.
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ kính cha;
    cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

    Đây là sự hy sinh của những người mẹ dành cho con cái khi chúng còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
    Ngày đêm mẹ ẵm, mẹ bồng.
    Bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con.
    Miếng ăn miếng mặc mẹ lo,
    Làm sao con được ấm no mẹ mừng.

    Hay,
    Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
    Năm canh chày thức đủ năm canh.
    Cũng vì con chính vì con,
    Mỗi ngày mẹ một gầy mòn tấm thân.

    Có những bà mẹ sanh con trong cảnh nghèo túng, bà phải vắt từng giọt sữa trong tấm thân khô gầy để mong cho con mình no bụng và chóng lớn khôn.

    Trên thế giới có nhiều hình ảnh hết sức cảm động và sống động về “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, hoặc “Công cha như núi Thái Sơn”. Có nhiều bà mẹ tình nguyện chết để con mình được sống. Trong số đó có những bà mẹ từ chối chữa trị chứng bệnh nan y của mình, bởi các bà không muốn thai nhi trong bụng bị tác hại bởi thuốc gây ra trong thời gian bác sĩ chữa trị cho các bà. Tôi cũng từng chứng kiến những người cha đã chia thận, sang máu cho những người con cần kéo dài cuộc sống. “Công Cha, Nghĩa Mẹ” là như thế đó.

    Hiếu kính cha mẹ, chăm sóc và lo lắng cho cha mẹ là bổn phận, là nghĩa vụ, là cái phước của những người con, chứ không phải là cục nợ để rồi thích thì làm, mà không thích thì thôi. Kinh Thánh đã khuyến cáo, “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo),  hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. (Ê-phê-sô 6:1-3).

    Làm con mà khinh khi cha mẹ chỉ vì ngày nay mình học cao hơn, giàu có hơn, văn minh hơn, lụy người phối ngẫu hơn tình của mình đối với cha mẹ, hoặc phải cưu mang cha mẹ ở cái tuổi gần đất xa trời, coi chừng người sẽ chê và Trời không dung. Thánh Kinh có quyết liệt về điều này, “Ðáng rủa sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27: 16)
    Con cái lễ độ nhắc nhở cha mẹ ruột hay cha mẹ của người phối ngẫu, khi thấy các vị có những điều sai trật, đó không phải là con bất hiếu, mà chính là con có hiếu. Bất cứ ai a tòng với cha mẹ làm điều sai trật, hoặc thấy cha mẹ làm sai mà không dám cản ngăn, để người đời xem thường cha mẹ, đó mới chính là con bất hiếu. Con cái cần phải vâng phục cha mẹ chứ không ngu muội đắm chìm trong sự yếu đuối của cha mẹ để được tiếng “hiếu thảo”. Thánh Kinh dạy, “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”. (Ê-phê-sô 6:1). Khi Thánh Kinh khuyến cáo những người con phải biết vâng lời cha mẹ trong mọi sự, có nghĩa là phải đúng ý Trời và không sai những gì thuộc về luân lý, đạo đức của con người; chứ không thể nghe lời cha giống như câu vè, “Con ơi học lấy nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.”

    Những ý tưởng xem thường, hay thái độ khinh khi cha mẹ, lợi dụng cha mẹ, lèo lái cha mẹ cho quyền lợi của mình, hay áp lực cha mẹ phải chia cắt tình nghĩa với anh chị em mình cho thoả dạ ganh ghét, đố kỵ, đó là hành động xem thường, khinh khi, rủa sả cha mẹ một cách gián tiếp chứ không phải là có hiếu với cha mẹ. Đây là điều Thánh Kinh cũng có đề cập trong sách Châm-Ngôn 20:20, “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình, sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt.“ Hoặc “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” (Lê-vi Ký 20: 9)

    Cho dù con cái có bị cha mẹ bạc đãi một cách vô cớ, và nếu vì lý do nào đó mình không thể tiếp tục im lặng, mình cần bày tỏ một lần cho cha mẹ biết và giao phó cho Thiên Chúa. Phải tuyệt đối tiếp tục giữ lòng hiếu thảo, vâng phục cha mẹ, cho dù mình phải đón nhận những điều phũ phàng cay đắng. Trời sẽ không phụ lòng những người con hiếu thảo, vì, “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Cô-lô-sê 3: 20)

    Có một bà cụ Việt Nam nói với Mục Sư Phan Thanh Bình, tác giả quyển “Tình Già” được ghi lại trong trang 137: “Mục Sư ạ, lúc tôi còn mạnh, tụi con tôi coi tôi như trái banh cà na. Tụi nó chơi Football, banh tới ai là ôm riết, giữ kỹ. Đã có lúc tôi là trái banh đó. Đứa nào cũng muốn tranh nhau giữ tôi để tôi trông con chúng nó. Bây giờ con chúng nó lớn cả rồi. Tôi trở thành trái banh tròn, và tuị nó chơi soccer. Banh tới chân đừa nào là đứa đó đá qua đứa khác. Bây giờ tôi là trái banh bị đá ra khỏi sân…”

    Khoảng năm 2003, tôi có đọc một bài báo mà tôi quên tên tác giả, tôi chỉ nhớ tiêu đề ngộ nghĩnh “sống nhà lá chết nhà lầu” và nó đã thu hút tôi đọc trọn bài và nhớ đến ngày nay. Nội dung bài viết tác giả mô tả cảnh con cái bất hiếu với cha mẹ, lúc cha mẹ còn sống, không lo lắng, chăm sóc.
    Có người còn nhẫn tâm ruồng bỏ cha mẹ một cách không thương xót. Vì muốn làm vui lòng người phối ngẫu nên họ đã để cho cha mẹ sống ở một xó nào đó, cả tháng nếu không muốn nói là cả năm, chưa đến thăm được một lần. Họ xem cha mẹ như thể là “cục nợ” vứt đi không tiện, mà để lại cũng không xong. Vậy mà khi cha mẹ qua đời, họ xây mồ lớn lắm.
    Tranh nhau xây “nhà lầu” cho cha mẹ

    Có người sau khi xây xong, nhưng vì thấy người cùng quê về Việt Nam xây mồ cho cha mẹ to lớn hơn nên họ cố “báo hiếu” bằng cách đập bỏ và xây lại cho trội hơn người khác.
    Hình minh họa

    Không phải chỉ có bài báo ấy nói về điều nghịch lý đó, nhưng ngày nay người ta có nhiều hình ảnh về việc những người con “hiếu thảo” đã không ngại tốn kém bạc tiền, để bằng mọi cách phải cho cha mẹ ở nhà lầu sau khi chết, mặc dù lúc còn sinh tiền, các đấng sinh thành của họ phải ở “nhà lá” và chịu cảnh “ăn mắm húp giòi” giống như câu ca dao, “Mẹ già hết gạo treo niêu, mà anh khăn đỏ khăn điều vắt vai.”


    Kế luận
    Bất cứ ai có cha mẹ ở cùng nhà, có dịp săn sóc cha mẹ, dù là cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, đó là đại phước cho các bạn, chứ không phải là cục nợ mà các bạn phải gánh. Chúng ta cần sống làm sao, đừng để người đời mỉa mai qua câu vè, “Còn sống thì không cho ăn, thác xuống âm phủ, làm văn tế ruồi.”

    Hiếu kính cha mẹ, biết quý trọng “công cha nghĩa mẹ” là điều bắt buộc phải có, chứ không chỉ là nghĩa cử cao đẹp của người này đối với người kia. Thiên Chúa có một lời phán với con người như sau, “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20: 12)

    Tôi không còn cha mẹ ruột hay cha mẹ vợ. Hồi cha mẹ vợ tôi còn sinh tiền tôi dặn lòng là cho dù cuộc đời có nhiều thay đổi, lòng người dễ dàng có những đổi thay nhưng tôi sẽ gắng nhớ là không bao giờ xem cha mẹ vợ khác hơn cha mẹ ruột của tôi, giống như Ba tôi từng cư xử tử tế với Ông Bà Ngoại của tôi và cả nhà vợ của Người hơn nửa Thế Kỷ trước. Và tôi cũng hy vọng những gì tôi viết ra hôm nay, không để “dạy đời” người khác, mà để nhắc nhau ý thức rằng, người tử tế cần phải biết cư xử hiếu thảo với cha mẹ mình, hay cha mẹ của người phối ngẫu.
    Những ai có vợ có chồng, nên giúp nhau cư xử hiếu thảo và làm tròn bổn phận người con với các đấng sinh thành, bởi vì lòng hiêú thảo là đẹp lòng Trời, thuận lòng người. Các bạn, hay quý vị cần ôm trong vòng tay những con người có lòng hiếu thảo với cha mẹ thay vì “đê mê” với người phối ngẫu vì thấy họ chỉ tốt với mình. Họ mà bạc bẽo với cha mẹ của họ được, thái độ đó sẽ đến với mình không còn xa lắm đâu. Riêng bậc cha mẹ nào đang sung sướng với người con “hiếu thảo” này, cũng đừng cay đắng với người con “bất hiếu” kia, bởi vì người xưa đã nói, “Nhà nghèo, mới hay con thảo, nước loạn mới rõ tôi trung.”

    Huỳnh Quốc Bình
    email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
    Tác giả viết bài này bên cạnh quyển Thánh Kinh và trước di ảnh của hai Đấng Sinh Thành.

    Ghi chú quan trọng dành cho những ai có lòng giúp tác giả quảng bá bài viết này:
    1. Bài viết này tác giả viết vào năm 2012, nay hiệu đính cho gọn để các tờ báo giấy giúp đăng tải sẽ dễ dàng hơn.
    2. Nếu cơ quan truyền thông nào chọn sử dụng bài viết này, tác giả rất biết ơn, nhưng xin đừng sửa đổi nội dung của nó, vì sẽ làm cho ý của tác giả bị hiểu sai lạc.
    3. Khi bài viết này gởi ra lần đầu và những năm kế tiếp, có một tờ báo của Tin Lành tại San Diego, California đã tùy tiện chỉnh sửa nội dung bài viết mà không có sự đồng ý của tôi, khiến nhiều người hiểu sai ý của tác giả và của Mục Sư Phan Thanh Bình. Xin khẳng định ngắn gọn, tác giả bài viết này và MS Phan Thanh Bình không hề công kích hay lên án những ai gởi cha mẹ già vào viện dưỡng lão, bởi các hoàn cảnh đều không giống nhau. Ai nghĩ rằng mình có thể viết về lãnh vực này hay hơn, xin tự viết riêng cho chính mình và cho tôi được hân hạnh học hỏi thêm. Xin đa tạ!