6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - MÙNG HAI TẾT NHÂM DẦN

  • Anh Le CHUYỂN

    Mồng Hai Tết Nhâm Dần 

    ĐỪNG ĐỢI

    Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ “đợi". Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn... Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

    Ở đời người ta nói có 5 điều không thể chờ đợi:

    - Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

    - Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

    - Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

    - Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

    - Thời gian không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

    Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà chúng ta khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! 

    Ngày xuân ta chúc cho người đang sống được bình an khỏe mạnh. Ta cũng nhớ đến những người đã chết. Thế nên, ngày xuân người Việt thường có thói quen ra viếng phần mộ của tổ tiên, của những người thân đã qua đời. Và mỗi khi:

    Đứng bên những ngôi mộ

    Nghiền ngẫm cuộc đời mình

    Tưởng nhớ người quá cố

    Ta thấy đời phù vân.

    Đọc tên người trên mộ

    Chợt như thấy tên mình

    Mai này ra thiên cổ

    Đi vào cõi lặng thinh.

    Cầu cho người trong mộ

    Là cầu cho chính mình

    Hôm nay Mồng Hai tết chúng ta hãy nhớ tới cách đặc biệt là ông bà, cha mẹ, tổ tiên củachúng ta. Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:

     “Công cha như núi Thái Sơn.

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

    Một lòng thờ mẹ kính cha.

    Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”

    Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.

    Giáo huấn của Chúa cũng dạy rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi…” (Xh 20,12); Theo Sách Huấn Ca, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu, và khi cầu xin sẽ được Chúa nhận lời. 

    Trong tâm tình ấy chúng ta cùng mượn lời kinh nguyện Thánh Thể để cầu nguyện cho các bậc tiền nhân của chúng ta hôm nay: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (KNTT). Amen

    Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

    https://www.youtube.com/watch?v=KnQmd4qNo4I

     

     

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - ÔNG TÁO

  •  
    Nghiem Nguyen

    ÔNG TÁO VỀ TRỜI
    LÃO MÓC

    Chiều thứ Ba 25-1-2022 là ngày 23 tháng Chạp. Theo tục lệ thì ngày đó người ta đưa ông Táo về Trời
    Ông Táo tức Táo Quân, tức Vua Bếp. Chuyện xưa kể rằng: Có một người đàn bà kia vì không đồng ý với người chồng đang chung sống nên bỏ đi lấy người khác. Người chồng cũ một hôm tìm đến thăm hỏi người vợ cũ, nhằm lúc người chồng mới đi săn vắng nhà nên hai người kể lể chuyện tình xưa nghĩa cũ với nhau. Trong lúc đó, bỗng người chồng mới đi săn trở về. Sợ bị bắt gặp trong cái cảnh ấy có thể gây sự hiểu lầm, người vợ liền giấu anh chồng cũ vào đống rơm. Người chồng mới vô tình đốt rơm thui thịt rừng làm bữa khiến người chồng trước bị chết thiêu. Đau lòng vì thấy chồng cũ bị chết vì mình, người vợ nhảy vào đống lửa chết theo. Tuy không hiểu nguyên do, người chồng mới thấy vậy cũng nhảy vào đống lửa cùng chết với vợ. Cả ba cùng chết chung trong một đống lửa.
    Việc đến tai Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngài thương tình phong cho cả ba làm Vua Bếp để cùng chung sống với nhau. Mỗi năm cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch thì Vua Bếp về trời để trình tấu với Ngọc Hoàng các chuyện trần gian.
    Tục lệ đưa ông Táo có tự bao giờ không biết rõ. Nhưng có một điều chắc chắn là tục lệ ấy có rất tự xa xưa. Thế thì cái chuyện tình trạng tay ba hai ông một bà không phải đến bây giờ mới có. Té ra những chuyện tình lãng mạn một bà hai ông, một ông ba bà mà nữ sĩ Quỳnh Dao viết ra chỉ là những đề tài xưa như trái đất.
    Cũng từ chuyện một bà hai ông vua bếp này người ta mới khẳng định mà không sợ sai lầm rằng nước An Nam ta đã có chuyện nam nữ bình quyền từ trước các ông râu xồm mũi lõ rất lâu, chả cần phải tranh đấu gì cả. Đó là một chứng cớ rất hùng hồn minh chứng rằng từ trước cho đến tận bây giờ, dân An Nam ta vẫn theo chế độ mẫu hệ:
    Ba đồng một mớ đàn ông
    Ta mua ta bỏ vào lồng ta chơi.
    Ba trăm một chị đàn bà
    Mua về ta trải chiếu hoa cho ngồi.
    Không biết cái nhân vật xưng ta trong mấy câu hát này là ai mà có vẻ phân biệt, kỳ thị phát tính một cách rõ rệt. Nhân vật ấy là ai thì chúng ta chưa rõ, nhưng rõ ràng là ở San Jose này, người đó đã có một kẻ truyền nhân. Đó là nữ lưu Kathy Trần, tác giả mấy bài “Đàn ông” rất công phu, ra mặt tuyên chiến và buộc tội cánh đàn ông chúng ta vô cùng ác liệt.
    Đó là trên báo chí sách vở, còn trên radio, tivi, băng nhạc, vidéo, có nghe Phương Hồng Quế hát bản “Đàn ông” mới thấy rõ đàn bà là những người có máu kỳ thị rất đáng bị lên án! Chuyện vô lý nhất là đàn ông, những kẻ vẫn hiên ngang tự xưng là phái mạnh, mỗi khi đọc hoặc nghe các bài viết, bài hát mang đầy tính kỳ thị này thì lại gật gù tỏ vẻ tán thưởng! Công lý ở trong tay kẻ mạnh chăng?
    Nhưng dù sao cánh đàn ông vẫn còn một điều an ủi, rằng Ngọc Hoàng là một người đàn ông. Đó là điều không thể chối cãi. Người ta xưa nay có chuyện gì cũng đổ thừa là tại ông Trời. Ông Trời chứ không phải Bà Trời, các Bà hãy nhớ cho chúng tôi điều ấy! Và ông Trời là một người đàn ông phóng khoáng, cởi mở và rất galant, rất tôn trọng nữ quyền. Bằng cớ rõ rệt nhất là việc ông sắc phong cho ba Vua Bếp, công nhận luật song hôn.

    Ấy là Táo ta. Thế còn Táo Tàu.
    Theo cổ sử Trung Quốc thì Toại Nhân là người dạy dân dùng lửa để nấu nướng. Toại Nhân dạy dân cách gây ra lửa, cách giữ lửa, cách dùng lửa để nấu chín thức ăn, đưa con người ra khỏi cảnh ăn sống, nuốt tươi. Hàn Phi Tử trong thiên Ngũ Đáo cho rằng Toại Nhân chính là Thần Táo cổ xưa nhất của người Tàu.
    Theo cổ sử Trung Quốc thì Toại Nhân là người lãnh đạo xưa nhất được nhắc đến, tiếp theo là Phục Hy dạy dân dùng vỏ cây, da thú che thân, làm nhà ở và rời bỏ lối sống hang động. Kế đến là Thần Nông, người dạy dân cày cấy, chăn nuôi. Kế nữa là vua Hoàng Đế, được người Trung Hoa xưa xem như thủy tổ, người lập quốc. Theo Hoài Nam Tử thì Viêm Đế, tức vua Thần Nông sau khi mất được phong là Táo Thần; chăm sóc việc bếp núc. Còn trong sách Chu Lễ thì lại nói rằng Táo Thần là một người nữ, tên Chúc Dung, cháu nội của vua Hoàng Đế. Một số sách khác lại ghi chép rất nhiều nhân vật được xem là Táo Quân của người Trung Hoa. Mỗi sách chép mỗi khác, có khi Táo Thần tên Trương Vĩ, tên Tô Cát Lợi, tên Tử Quách v.v... Hàng chục thuyết khác nhau, chả biết thuyết nào đúng, mà có lẽ chả thuyết nào đúng cũng nên. Về phía đạo Lão – tức Đạo giáo – thì thờ một Bà Táo, có tên “Chủng Hỏa Lão Mẫu Nguyên Quân”. Bà Táo này đặt Tổng Hành Dinh trên núi Côn Lôn. Dưới tay bà có năm bà Tư Lệnh Vùng gọi là “Ngũ Đế Táo Quân” và một số Táo Quân cấp dưới.
    Lão Móc có quen một cô người Đài Loan, hai mươi tám tuổi, chưa chồng, quê quán ở Kao Shiung (Cao Hùng). Để tìm hiểu về Táo Tàu, Lão Móc hỏi cô này bên xứ cô ai là người trông coi bếp núc. Cô trả lời liền: Má.
    Lão Móc liền vận dụng thêm tay chân và nét mặt để diễn tả cho cô hiểu rõ vấn đề mà mình muốn hỏi. Một lúc sau cô ta mới nghĩ ra và cho biết Táo Thần nhà cô là một con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế rất xinh đẹp và trong bức tranh thờ, cô có đến 16 thị nữ theo hầu, cô nào cũng mặt hoa da phấn.
    Mỗi năm Táo Quân đều lên chầu Trời để báo cáo chuyện trần gian. Thế ông Táo lên trời bằng gì?
    Trong thời kỳ phương tiện giao thông chưa phát triển như hồi đầu thế kỷ 20 trở về trước, phương tiện di chuyển của Táo Quân là con cá chép. Tại sao lại là cá chép mà không là cá kình, cá ngạc; những loài cá có sức mạnh kinh hồn? Theo sách “Ngư loại học” của Trung Quốc thì cá chép, tức Lý ngư có hơn 200 loại, hơn 2.000 giống. Sao lại nhiều đến thế? Trước giờ cứ tưởng cá chép chỉ có hai loại là cá trống và cá mái mà thôi. Cá chép được người Việt và Tàu xếp đứng đầu trong các loại cá nước ngọt. Nó có sức bền , dẻo dai. Kìa, hãy nhìn một con cá chép ngược dòng suối chảy xiết. Nó phóng lên một bậc đá cao. Không được, nó kiên trì phóng đi phóng lại cho được mới thôi. Chắc vì thấy cảnh ấy nên mới có truyền thuyết “cá chép vượt Vũ môn” hóa thành Rồng làm mưa cho dân cày cấy.
    Sự tích “Lý ngư hóa Long” đã đi vào văn học, nghệ thuật. Trên các bức tranh, các đồ sứ cổ, các điêu khắc ở đình, chùa, miếu mạo thường ghi lại sự tích này. Tục lệ mua cá chép sống để cúng thần tài, cúng xong thì phóng sinh đến gần đây hãy còn. Tranh dân gian Việt Nam ngày Tết có bức “Ngư ông đắc lợi”, được người ta mua treo để lấy điềm lành, tấn tài tấn lợi.
    Như vậy cá chép rõ ràng là một loại cá quý tộc, rất xứng đáng để được chọn làm phương tiện vận chuyển cho Táo Quân. Còn những kẻ phàm phu như Lão Móc, không biết cỡi cá chép đi mây, về khói nhưng cũng biết trọng dụng cá chép lắm. Đơn giản thì cá chép chưng tương, bún tàu nấm mèo. Ngặt nghèo dã chiến thì cá chép chiên, cá chép nướng. Năm khi mười họa được gặp một đàn anh sành ăn của đất Bắc thì có món gỏi cá chép sống. Thứ này phải uống sec, không được pha soda. La de càng tối kỵ. Món này ăn mới đầu hơi ơn ớn, nhưng khi đến đũa thứ ba rồi thì chà, phải biết! Không ngưng được. Món này ai muốn làm cũng dễ. Lão Móc xin hướng dẫn. Mua một con cá chép to và một cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của cụ Vũ Bằng về. Vừa đọc sách vừa làm theo cụ Vũ Bằng, còn Lão Móc thì xin ngồi đợi đến lúc dọn lên bàn. Sành ăn nhưng không sành làm là chuyện thường của đám vô tích sự “Ba đồng một mớ...”
    Từ cuốn sách nói về loài cá, người ta có thể dễ dàng giải quyết một đề tài đã và đang làm cho các nhà khoa học bối rối. Cái vũ trụ này bao lớn? Chỉ vài bài toán nhân là xong. Có thể các nhà khoa học chưa có một phương pháp nghiên cứu đúng đắn.
    Nói thì phải dẫn chứng. Lão Móc xin dẫn chứng. Ông Trời và chỗ ở của ông Trời là trung tâm của vũ trụ. Đúng không? Đúng! Ông Táo từ trái đất khởi hành ngày 23 tháng Chạp và đến Thiên đình, tức là trung tâm vũ trụ trước ngày Tết, đúng không? Đúng! Lấy vận tốc di chuyển của ông Táo tức vận tốc của cá chép – nhân cho thời gian di chuyển thì ra khoảng cách từ trái đất đến Thiên đình. Đơn giản quá! Tính ra thì Trời cũng chẳng xa xôi gì. Bởi thế cụ Nguyễn Du đã nói:
    “Đã mang lấy nghiệp vào thân,
    Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.”
    (Kiều)
    Tức là ý cụ muốn nói có hai ông Trời. Một ở gần, một ở xa. Ông Trời ở xa là ông Trời mà chúng ta “kêu Trời không thấu” và ông ở gần là ông có chuyện gì chúng ta hay gọi “Trời ơi!” vì có ở gần thì ông mới nghe tiếng chúng ta kêu gọi. Còn cái nghiệp ở đây chính là cái nghiệp làm Táo Quân cỡi cá chép đi về Thiên đàng – hạ giới mỗi năm.
    Bước sang thế kỷ 20, người ta thấy lác đác một số Táo Quân có tinh thần cầu tiến. Hồi thập niên năm mươi, trên báo chí Thủ đô Sàigòn mỗi khi Tết đến, người ta hay gặp hình các vị Táo ngồi chễm chệ trên máy bay. Có vị lại bổ sung trình độ trí thức của mình bằng cách đeo thêm một cặp kính trắng, tay xách cặp da.
    Từ cuối thập niên trở về sau, sau khi một loạt phi thuyền lên thám hiểm Mặt Trăng; người ta thấy có một số Táo Quân chuyển qua cỡi Hỏa Tiễn. Bây giờ thì các ông Táo đi Shuttle Space, xách samsonite thay cho tờ sớ cuộn tròn, và cái nón phi hành gia đã thay cho cái mũ cánh chuồn truyền thống.
    Rõ ràng là các ông Táo đã theo sát đà văn minh nhân loại. Các ông Táo đã thay đổi đủ thứ để chạy theo thời cuộc. Nhưng có một truyền thống vô cùng đặc biệt mà các Táo Quân quyết tâm gìn giữ và đã đem cái truyền thống ấy sang thiên niên kỷ thứ ba, hoặc thiên niên kỷ thứ tư không chừng; nếu lúc ấy người Việt chúng ta vẫn còn là người Việt. Cái truyền thống đó là truyền thống không mặc quần. Người ta có thể bắt gặp một ông Táo đi máy bay Boeing, đi phi thuyền. Người ta có thể bắt gặp một số ông Táo Âu hóa bằng cách hút xì gà, ngậm ống vố và xách cặp da. Giữa thập niên 60, thế kỷ 20, khi có chương trình phát thanh thương mại với điệu nhạc mở đầu rất giật gân và chiếc Suzuki tiện lợi an toàn trên xa lộ, tiện lợi khi vào ngõ hẻm đang làm mưa làm gió thì người ta thấy có một vài ông Táo vắt trên vành tai cây viết Paker, đeo đồng hồ Seiko và chạy xe Suzuki 49cc. Nhưng nhất định tự cổ chí kim, từ xưa cho đến bây giờ, không bao giờ có một ông Táo nào chịu mặc quần.
    -Không phải từ xưa cho đến bây giờ, mà cả đến sau này nữa, không bao giờ chúng tôi mặc quần. Ông Móc phải nhớ cho là như thế!
    -Thưa Táo Quân tại sao thế ạ? Tại sao các ông lại không chịu mặc quần?
    -Đơn giản lắm ông Móc. Cho nó mát mẻ. Thế thôi!
    -Ông Táo nói thế tôi chả tin. Nếu ở Sàigòn thì tôi còn tạm tin là thực. Chứ còn ở miền Bắc nước mình, đêm hăm ba tháng Chạp mưa phùn gió bấc. Và nhất là ở Mỹ vào mùa Đông. Lạnh... teo đi chứ!
    -Dù có lạnh... teo đi nữa vẫn phải chịu. Có thế mới là Táo.
    -Nhưng mà ăn mặc như thế có gì là hay đâu ông Táo?
    -Ông Móc đừng có cạn nghĩ như vậy. Đó là cái nét đặc thù của bọn tôi. Mất cái nét đặc thù ấy đi thì các Táo Quân chúng tôi sẽ bị lẫn lộn trong cái xã hội loài người xô bồ và thay đổi mau lẹ này. Muốn không bị đồng hóa, muốn không bị nuốt chửng và xóa sổ thì phải giữ lấy bản sắc của mình!
    -Nhưng người ta sẽ phản đối chuyện các ông Táo giữ một cái truyền thống lạ đời như vậy!
    -Mấy ông Chà sét-ty ở Sàigòn hồi trước vấn khăn và ăn bóc, mấy ông Hồi giáo không ăn thịt heo, đối với người Việt mình không lạ sao? Cho dù 800 cái Hội Phụ Nữ ở bên Tây, bên Tàu có lên tiếng thì cũng vậy thôi. Táo Quân chúng tôi vẫn cứ như thế!
    -Tại sao?
    -Đơn giản quá mà ông Móc. Bởi vì nếu chúng tôi mà mặc quần thì chúng tôi sẽ chẳng còn là Táo Quân nữa. Hình ảnh truyền thống của một ông Táo là gì? Ông Móc nhớ lại xem.
    -Thì là một ông có râu càm, râu cá chốt trên mép. Rồi mặc áo dài, đội mũ cánh chuồn, mang hia, một cặp ống chân tua tủa và một cuộn sớ dài lòng thòng.
    -Đúng như thế. Thế mới là một ông Táo. Mập mạp, mặt mày không râu, mặc đồ Tây, đâu có giống Táo, nhưng cũng còn chấp nhận được nếu ông ấy không mặc quần. Ông Móc nhớ hồi đất nước mình còn chiến tranh, có ông Táo lính lên chầu Trời đội nón sắt, đeo cây Colt 45 xệ xệ bên đùi, chân đi bốt-đờ-sô. Nhưng nhìn qua người ta vẫn biết ngay là Táo Quân bởi vì ông ấy không mặc quần, đưa hai cái chân lông lá. Nếu ông ấy mặc thêm cái quần trây-di vào, bố ai nhìn ra là Táo. Đấy là cái lý do Táo Quân chúng tôi giữ cái truyền thống ấy!

    -Ông Táo nói phải. Có lẽ cũng phải giữ cái truyền thống ấy.
    -Phải giữ ông Móc à. Cho dù đẹp trai như ông Joe Biden, Tổng thống xứ này, mặc tuxedo hẳn hòi, nhưng đừng mặc quần là giống ông Táo ngay.
    -Ông Táo nói thế thì chỉ cần không cần mặc quần là thành ông Táo ngay lập tức?
    -Bậy! Còn cái tư cách bên trong của mình nữa chứ! Cái đó mới quan trọng. Hình dáng bên ngoài ăn thua gì.
    -Ông Táo nói phải. Mà này ông Táo, tại sao tôi chẳng thấy các bà Táo đi chầu Trời nhỉ. Hay là bất tiện vì cái truyền thống độc đáo kia? Các bà Táo dĩ nhiên không thể đội mão, đi hia mà chẳng...
    -Tầm bậy! Các bà ấy chạy theo thời trang ghê lắm. Nay jupe, mai soiré, mốt lại maxi, rồi đồ tắm bikini, monokini đủ các kiểu. Các bà ấy đời nào chịu theo xưa như bọn đàn ông chúng tôi.
    -Vậy ra các ông Táo cũng khổ với các bà Táo quá nhỉ?
    -Khổ lắm chứ sao lại không. Mỗi lần bà ấy mà đi shopping là hai Táo ông chúng tôi sót cả ruột. Mà tôi cũng phục đàn ông Việt Nam các ông thật đấy!
    -Bọn tôi có gì hay đâu ông Táo?
    -Sao lại không. Bọn tôi hai thằng làm nuôi một bà mà còn khổ. Các ông chỉ có một mình. Thế mà chịu nỗi các bà. Các ông giỏi quá đi chứ. Tại Trời giao thì phải làm, chứ tôi cũng chán cảnh làm Táo rồi, ông Móc ạ!
    -Thế thì ông Táo xin với Trời, đổi qua làm đàn ông Việt Nam như tôi đây này.
    -Thôi, nói thế chứ tôi sợ lắm. Một ông, một bà như ông Móc chắc ba bảy hăm mốt ngày thì tôi chết mất. Sức đâu mà nuôi nỗi! Thôi thì đành phận Táo. Hai ông, một bà cho nó đỡ khổ cái thân già!

    LÃO MÓC

     ---------------------------------------------

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TẾT EM SAIGON

  •  
    'nguyen thang'

    EM SAIGON (6)
     
     
    Em Saigon ...có vui chiều đón Tết ?
    Hay em buồn thương nhớ kỷ niệm xưa
    Tóc vờn bay trong gió thuở vui đùa
    Tuổi hồn nhiên ...tà áo dài tha thướt
     
    Em Saigon ... Xuân về vui dạo bước
    Bên chợ hoa... nhạc réo gọi tưng bừng
    Mắt nhìn tôi ...e thẹn ngại đi chung
    Bên góc phố tiếng rao hàng mời gọi
     
    Em Saigon ... buổi hẹn hò chờ đợi
    Tuổi học trò tà áo trắng dễ thương
    Đi bên nhau qua hết những con đường
    Thương nhớ quá thuở nào ta dạo phố
     
    Em Saigon ... má ửng hồng mắc cở
    Nở nụ cười duyên dáng nét tiểu thư
    Cầm taynhau dạo phố rất hiền từ
    Cho anh nhớ thuở nào vui đón Tết
     
    Em Saigon ... đâu hay mùa giá rét
    Nơi tha hương tuyết lạnh đón mừng Xuân
    Tiếng cười vui, câu chúc Tết ân cần
    Nhưng thiếu vắng cành mai vàng trước ngõ
     
    Em Saigon ...còn đâu thời sách vở
    Mùa tựu trường, tan học dưới trời mưa
    Tà áo em duyên dáng thuở ngày xưa
    Giờ xa vắng đón Xuân về giá lạnh
     
    Em Saigon ... cho tôi chiều hiu quạnh
    Con phố buồn thiếu vắng cô nữ sinh
    Tiếng pháo đâu đêm đón Tết một mình
    Thương nhớ quá! Những ngày Xuân quê Mẹ
     
    Em Saigon... không còn nghe em kể
    Đêm giao thừa tràng pháo nổ rền vang
    Tiếng cười vui, hoa đua sắc rộn ràng
    Giờ đón Tết nơi quê người cô lẻ
     
    Nguyễn Vạn Thắng

     

    --

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - VƯƠNG QUỐC TÂM LINH BHUTAN

  •  
    Hung Dao CHUYỂN
    Tue, Jan 18 at 6:37 PM
     
     
     
     
     
     
     
    Đây là Quốc Độ của sự Thiện Lương và của những Chúng Sanh Hạnh Phúc.  
    Xin Mời Đọc để lấy Hên Đầu Năm Nhâm Dần
     
     

    10 điều “Nhất thế giới” của vương quốc tâm linh Bhutan khiến Covid-19 tránh xa (Ảnh: shutterstock)

     
    10 điều 'Nhất thế giới' của vương quốc hạnh phúc Bhutan

     

    Có một vương quốc kỳ lạ trên thế gian này, nơi ấy không có người vô gia cư, không có tội phạm, không sát sinh, không chặt phá rừng, không quan tâm Internet. Nơi mà thần tích triển hiện qua những câu chuyện luân hồi chuyển sinh trong hoàng tộc, chữa bệnh bằng nhân quả, qua loại linh dược mà Phật để lại gọi là ‘Mật hoa của các vị Thần’ chảy ra từ núi đá. Nơi dùng chỉ số hạnh phúc để đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống, chứ không phải bằng những công trình tiện nghi hiện đại.

    Những điều tuyệt diệu này chính là nói về Bhutan - nơi nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới. Ẩn mình trên dãy Himalaya hùng vĩ với phần lớn dân số theo đạo Phật - Bhutan được xếp vào hàng Quốc gia bình yên và hạnh phúc nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nơi đây cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn khiến thế giới phải kinh ngạc.

    Bhutan được xếp vào hàng Quốc gia bình yên và hạnh phúc nhất trên thế giới (Ảnh: pixabay)
    Bhutan được xếp vào hàng Quốc gia bình yên và hạnh phúc nhất trên thế giới (Ảnh: pixabay)
     
    1. Chuyện tình Hoàng gia đẹp nhất thế giới

    Quốc vương Bhutan Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema được xem là “Quốc vương và Hoàng Hậu trẻ tuổi nhất thế giới” hiện đang tại vị.

    Nhưng điều khiến cả thế giới ngưỡng mộ lại chính là chuyện tình Hoàng gia này được ví như một câu chuyện cổ tích.

     

    Năm đó hoàng tử Wangchuck 17 tuổi và luôn cố gắng không để lộ thân phận của mình. Trong một bữa tiệc ở tư gia, ông quen một cô gái 7 tuổi tên là Pema.

    Chuyện tình Hoàng gia giữa Quốc vương và Hoàng hậu đẹp như cổ tích (Ảnh: chụp từ video)
    Chuyện tình Hoàng gia giữa Quốc vương và Hoàng hậu đẹp như cổ tích (Ảnh: chụp từ video)

    Wangchuck kể lại: Khi đó ông một mình ngồi chơi trên một bãi cỏ cách xa đám đông, bỗng có một cô bé 7 tuổi đến trước mặt ông, đột nhiên nắm lấy tay Wangchuck nói: “Cho em theo anh với”.

    Khi hoàng tử hỏi tại sao thì cô bé đáp: “Bởi vì em thích anh”.

    Wangchuck đáp lại: “Đợi em lớn, nếu anh chưa lập gia đình còn em chưa kết hôn và chúng ta vẫn thích nhau, anh sẽ nguyện ý lấy em làm vợ”.

     

    Không ngờ sau nhiều năm, hai người họ đã có duyên gặp lại nhau và thực sự nên duyên vợ chồng. Quốc vương Wangchuck nói: “Có lẽ đây chính là yêu từ cái nhìn đầu tiên, là an bài của số phận”.

    Trong hôn lễ, Quốc vương nói rằng: “Pema mặc dù còn rất trẻ, nhưng cô ấy là một người tốt, sẵn sàng phục vụ nhân dân và đất nước mà không cần phải có sự sắp đặt từ trước”.

     

    Quả là duyên phận đã tạo nên một tình yêu đẹp giữa Quốc vương và Hoàng hậu Bhutan phải không các bạn?

    1. Trải nghiệm luân hồi của Vương Thái hậu

    Các bạn thân mến! Vốn là một quốc gia có niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ vào đạo Phật, nên những câu chuyện luân hồi, nhân quả ở Bhutan rất phổ biến.

    Vương Thái hậu Dorji Wangmo Wangchuck, mẹ của Quốc Vương - từng xuất bản cuốn sách “Vùng đất Bhutan bí ẩn” - kể về trải nghiệm bà có một giấc mơ tiền kiếp cứ lặp đi lặp lại.

    Vương Thái hậu Dorji Wangmo Wangchuck kể về trải nghiệm luân hồi của bà (Ảnh: chụp từ video)
    Vương Thái hậu Dorji Wangmo Wangchuck kể về trải nghiệm luân hồi của bà (Ảnh: chụp từ video)

    Trong giấc mơ, bà thấy một ngôi nhà ba tầng rất to theo phong cách truyền thống của người Bhutan. Một người phụ nữ yêu kiều, mảnh khảnh, gần 30 tuổi, đứng trên ban công với một đứa con đang ngủ trên lưng.

    Cuối cùng một ngày, bà kể với cha bà về ngôi nhà trong giấc mơ. Cha bà khẳng định: “Đó là ngôi nhà ở Scherner Xingchun. Ta đã từng qua và nó giống hệt như những gì con tả”.

     

    Thế là, một ngày vào năm 1993, bà quyết định đến tận mắt xem ngôi nhà đó như thế nào. Khi tới nơi, quang cảnh hiện ra trước mắt đúng như những gì bà đã thấy trong mơ, kể cả các chi tiết của ngôi nhà, sự việc, con người… Trong u minh tăm tối, mọi thứ dường như đã được an bài.

    Lúc này, trong tâm Vương Thái Hậu gần như tin chắc rằng đây là nơi bà đã từng sống trong kiếp trước.

     

    Vương Thái Hậu tin rằng luân hồi thực sự tồn tại. Trong cuốn sách của mình, bà viết: “Chúng ta không thể đoán trước được chúng ta sẽ tái sinh ở đâu và vào lúc nào, nhưng phẩm chất và bản chất của kiếp sau của một người có thể được quyết định bởi những công đức tích lũy trong kiếp trước của họ. Nó là như vậy, ít nhất là ở một mức độ nào đó, bao gồm cả việc người đó có chân thành và thương xót hay không, có đối xử tốt với mọi người trong cuộc sống hàng ngày hay không. Những người được đặc ân nhất là những người có trái tim vô cùng thuần tịnh. Cuối cùng họ sẽ đạt được niết bàn và không cần chuyển sinh".

    1. Đại sư Vairotsana chuyển sinh thành Vương tử Bhutan

    Năm 2013, hoàng tử bé Dasho Jigme Jigten Wangchuck của Bhutan chào đời, là con của công chúa Ashi Sonam Dechan Wangchuck, em gái Quốc Vương. Khi mới 3 tuổi, cậu bé đã có thể kể rất nhiều chuyện về tiền kiếp của mình, rằng cậu đã từng là Đại Sư Vairotsana - một dịch giả Tây Tạng nổi tiếng vào thời nhà Đường.

    Năm 2019, cậu bé theo mẹ đến Hang thiêng Vairocana, thuộc khu tự trị A Bá, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để tìm kiếm dấu vết về tiền kiếp của mình. Theo truyền thuyết, Hang thiêng Vairocana là nơi mà Đại sư đã ở đây dịch kinh Phật.

    Hoàng tử bé tìm kiếm dấu ấn của tiền kiếp (Ảnh: chụp từ video)
    Hoàng tử bé tìm kiếm dấu ấn của tiền kiếp (Ảnh: chụp từ video)

    Tại đây, cậu bé nhận ra những đồ dùng mình từng sử dụng khi tu luyện trong hang. Cậu tìm được những cuốn kinh thư tiếng Tạng cổ đã từng sử dụng ở kiếp trước, và nơi cất giữ kinh thư. Cậu cũng nhận ra những ngôi chùa mà những đời trước mình từng đến đó tu hành, và những người cậu từng quen ở kiếp sống trước.

    Đại sư Vairotsana đã để lại 25 thánh tích trong quá trình tu hành ở đây. Trên mặt đá dọc đường còn có dấu vết của việc ông tìm tòi Kinh Kim Cương và Đại Tạng Kinh quý báu, và 16 hạt tràng hạt vô tình bị thất lạc khi tu hành…

     

    Việc hoàng tử bé tìm kiếm dấu ấn của tiền kiếp được xem như một “chuyến hành hương”, xác thực kiếp trước của hoàng tử bé này chính là vị Thánh đồ Phật giáo Tây Tạng - Đại sư Vairotsana

    1. Shilajit - Linh dược mà Phật Dược Sư ban cho con người

    Nếu đã từng đặt chân đến vùng đất Tây Tạng, hẳn không ít người đã được nghe và biết đến Shilajit – loại linh dược trị bách bệnh mà Phật Dược Sư ban cho con người.

    Trong tiếng Phạn, Shilajit có nghĩa là “người chinh phục núi cao”, tiếng Trung gọi là Hỷ Lai Chi. Himalaya được gọi là núi thánh bởi sự tinh khiết và thiêng liêng của nó, ở đó có rất nhiều người tu hành ẩn dật. Shilajit là bảo vật trong lòng núi Himalaya, được người đời xem là kỳ tích của nơi này.

    Bhutan vẫn giữ được mạch chảy Shilajit không ngừng nghỉ suốt hàng ngàn năm qua (Ảnh: chụp từ video)
    Bhutan vẫn giữ được mạch chảy Shilajit không ngừng nghỉ suốt hàng ngàn năm qua (Ảnh: chụp từ video)

    Nói đến sự hình thành của Shilajit, chúng ta có thể ngược dòng thời gian hàng triệu năm trước, sau sự va chạm của lục địa Ấn Độ - Á Âu đã hình thành núi Himalaya. Khi đó, có rất nhiều thực vật từ biển và lục địa bị ép lại dưới áp suất cao và sự giá lạnh, sau đó đã hình thành một chất nhựa màu đen tự nhiên, rồi thẩm thấu ra bên ngoài khe núi.

    Theo ghi chép trong Thánh điển Phệ Đà, Shilajit đã được nhân loại sử dụng suốt hơn 3.000 năm qua - là loại linh dược “xua đuổi bệnh tật”, và là “nguồn gốc của sức mạnh, của trường sinh”, hay còn có tên là “mật hoa của các vị Thần”.

     

    Trong 4 bộ sách kinh điển của Y học Tây Tạng, Shilajit vốn được xem là thứ thuốc mà Phật Dược Sư ban cho con người, nhằm giúp đỡ nhân loại trong thời kỳ mạt kiếp.

    Ngày nay, Shilajit đã bị khai thác gần như cạn kiệt, thì những khe núi đá ở Bhutan vẫn không ngừng chảy ra loại bảo dược trân quý này.

    Năm 1986, Bhutan đã từ chối vốn hỗ trợ dự án xây dựng đập thủy điện của Ngân hàng Thế giới, bởi vì dự án này sẽ nhấn chìm một khu bảo tồn thiên nhiên. Có lẽ chính vì nơi đây được xem là mảnh đất bảo tồn nền văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tốt nhất trên thế giới, nên Tiểu quốc bí ẩn này vẫn giữ được mạch chảy Shilajit không ngừng nghỉ suốt hàng ngàn năm qua.

    1. Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

    Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 được Liên Hợp Quốc tôn vinh đã lấy ý tưởng từ Bhutan, quốc gia duy nhất lấy chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc dân để quản lý và phát triển đất nước.

    Bhutan quan tâm đến sự hạnh phúc của người dân hơn các chỉ số kinh tế (Ảnh: Getty Images)
    Bhutan quan tâm đến sự hạnh phúc của người dân hơn các chỉ số kinh tế (Ảnh: Getty Images)

    Thay vì GDP và những chỉ số đánh giá nền kinh tế, Bhutan quan tâm đến các chỉ số đặc biệt về môi trường, giá trị văn hóa, niềm tin tôn giáo, mức độ hài lòng với cuộc sống, giờ ngủ bình quân của người dân… Họ cũng không ồ ạt phát triển ngành công nghiệp du lịch.

    Thủ tướng Bhutan, Lotay Tshering, từng nói: “Khi chúng tôi hiểu rằng tiền bạc và tài sản vật chất không thể chuyển hoá thành những gì bạn thực sự muốn trong cuộc đời… như sự bình yên trong tâm trí và hạnh phúc… vậy thì tại sao chúng tôi phải đặt nó làm mục tiêu sống của mình?

    1. Chữa bệnh bằng nhân quả

    Y học Tây Tạng khám bệnh hoàn toàn khác với các bác sĩ Tây Y, bác sĩ Tây Tạng trước hết xem nhân quả kiếp trước, sau đó là thói quen sinh hoạt trong kiếp này, cuối cùng mới là dùng thuốc.

    Tại sao lại nói đến nhân quả? Bởi vì họ hiểu rằng đã bị bệnh thì nhất định là vì có những điều cố chấp, tham lam hoặc hận thù đối với những điều gì đó, từ đó dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ thể.

    Phương thức chữa bệnh của bác sĩ nơi đây dựa trước nhất vào nhân quả (Ảnh: pixabay)
    Phương thức chữa bệnh của bác sĩ nơi đây dựa trước nhất vào nhân quả (Ảnh: pixabay)

    Ngoài môi trường, trái tim của con người mới là nguyên nhân căn bản khiến bản thân mắc bệnh. Nhà Phật cho rằng tham, sân, si hay còn gọi là “tam độc” có thể gây hại cho thân mạng và tuệ mạng của chúng ta, là nguồn gốc của mọi điều phiền não.

    Vì thế, khi bệnh nhân tìm đến, đầu tiên bác sĩ sẽ hóa giải tâm bệnh. Cuối cùng, nếu bệnh quá nặng, nhất định phải dùng thuốc thì bác sĩ mới kê toa.

    1. Không sát sinh

    Điều này có thể khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng tại Bhutan, hơn 40% người dân sống thuần chay, do đó số lượng thịt tiêu thụ không nhiều. Vì là đất nước Phật giáo, nơi mà cả chính quyền và hoàng gia hầu hết đều theo đạo Phật, nên việc sát sinh là điều cấm kỵ.

    Thịt ở đây chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia lân cận. Ngay ở những nhà hàng hoặc khách sạn lớn, tiệc buffet cũng chỉ có 1 - 2 món thịt, 3 món rau cơm và mì.

    Khi tới Bhutan, du khách sẽ thấy cảnh tượng những chú chó có mặt ở khắp mọi nơi, chúng sống gần gũi với con người một cách rất tự nhiên.

    1. Không chặt phá rừng

    Bhutan được mệnh danh là Vương quốc “Rồng Sấm”. Thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây vẻ đẹp núi non nên thơ. Nằm trên dãy Himalaya hùng vĩ, Bhutan có đến hơn 60% diện tích là những nơi hoang dã. Khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, không khí trong lành; rừng, động vật và môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt.

    Những ngọn núi ở Bhutan tràn ngập màu xanh của cây (Ảnh: pixabay)

    Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% đất nước của họ sẽ phủ xanh bởi rừng. Việc chặt cây ở đây là vi phạm pháp luật, bạn có thể sẽ phải ngồi tù nếu không tuân theo. Việc đánh bắt cá cũng vậy, đây được cho là hành vi phá hoại thiên nhiên. Chính phủ khuyến khích người dân tự trồng cây lấy củi làm chất đốt và phục vụ cho xây dựng.

    Thêm nữa, túi nilon bị cấm sử dụng ở đây từ năm 1999. Thuốc lá bị cấm từ năm 2005, đến nay, Bhutan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không hút thuốc.

    1. Không có người vô gia cư

    Có lẽ, Bhutan là quốc gia duy nhất không có người vô gia cư. Nếu như một người không tự mua được một căn nhà, họ chỉ cần đến gặp chính quyền thì sẽ được cấp cho một mảnh đất làm ruộng và dựng nhà.

    Các chàng trai sau khi kết hôn sẽ đến nhà vợ sống cho đến khi anh ta có đủ tiền để mua một mảnh đất.

    Ở Bhutan, người dân không khuyến khích kết hôn với người ngoại quốc. Đây là chính sách để bảo tồn bản sắc văn hoá và những giá trị truyền thống của họ.

    1. Không có tội phạm

    Người dân Bhutan thành kính đối với các vị Thần, Phật, tin vào nhân quả nên sống rất từ bi, nhân ái. Họ thường làm những việc tốt cho người khác. Họ sống ít mưu cầu về vật chất hoặc tích trữ. Công việc chủ yếu là làm nông và các nghề thủ công truyền thống.

    Ở Bhutan, một hoàng tử có thể chơi bóng với trẻ em mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Họ hiểu rằng mỗi sinh mệnh đều bình đẳng về nhân cách và hạnh phúc, quyền lực và tài sản không quyết định được vị thế của mỗi người.

    Người dân Bhutan có lối sống giản dị nhưng rất hạnh phúc và sâu sắc (Ảnh: chụp từ video)

    Người dân Bhutan cũng không quan tâm tới Internet hay TV. Họ quan niệm rằng những các thông tin tiêu cực trên đó sẽ tạo nên sự đố kỵ, ghen ghét, và những bộ phim khủng bố… sẽ tạo nên tâm lý bạo lực, hoang mang. Thay vào đó, họ sẽ dành thời gian để tận hưởng cuộc sống và tìm về với chính mình.

    Thủ tướng Lotay từng nói trên tờ CNNrằng: “Thứ hạnh phúc chúng tôi tìm kiếm trong cuộc đời là sự hài lòng, tự chủ tâm trí, và tự chủ những mong muốn. Đừng ghen tị với người khác, hãy biết hạnh phúc với những gì bạn có; hãy biết đồng cảm, hãy trở thành xã hội mà bạn sẽ hạnh phúc hơn khi cho đi. Quốc vương của chúng tôi đã đúng khi gọi Tổng Hạnh phúc Quốc dân là sự phát triển của những giá trị. Nếu chính sách không đi kèm với các chỉ số hạnh phúc, nếu chính sách không thân thiện với môi trường, nếu chính sách không đảm bảo cho sự thịnh vượng của người dân, thì chính sách đó sẽ không bao giờ có mặt ở đất nước chúng tôi".

    ***

    Khi cả thế giới đang rơi vào vòng xoáy của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 2 năm qua, thì tính đến nay Bhutan mới chỉ có 3 ca tử vong vì Covid-19.

    Điều gì giải thích cho sự thần kỳ này? Phải chăng vì Bhutan luôn kính ngưỡng Thần Phật, tôn trọng thiên nhiên và sống hòa ái nên được các Thần linh bảo hộ?

    Mảnh đất Bhutan đầy ắp các giá trị văn hoá và tín ngưỡng đã được xây dựng từ hàng trăm năm qua. Có thể, Bhutan không có những thành phố lớn rực rỡ ánh đèn, không có những công trình, máy móc tối tân, hiện đại nhất, nhưng ở đây luôn tồn tại hạnh phúc và bình yên thật sự.

     

    An Nhiên ghi chép lại
    (Từ nguồn 
    Ngẫm Radio)


     
     
     
     
     
     
     

VĂN HÓA VÀ ĐÌNH - THÁNH GIA THỜI ĐẠI MỚI

NHỮNG THÁNH GIA NA-DA-RÉT THỜI ĐẠI MỚI

Hằng năm vào dịp lễ Thánh gia là ngày bổn mạng của giáo xứ, sau khi lễ xong, các gia đình trong giáo xứ tập trung đông đảo chung quanh hang đá cầu nguyện với thánh gia thất và mỗi gia đình cử ra một vị đại diện tuần tự tiến lên hàng đôi đến trước bộ tượng ba đấng, dâng lên Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giu-se những bông hoa thắm tươi để tỏ lòng tôn kính mến yêu.

Thế mà hôm qua, chỉ còn ba ngày nữa là đến lễ Thánh gia, lợi dụng bóng tối, có kẻ bất lương đến đập vỡ ba bức tượng thánh Giu-se, Mẹ Maria và Chúa hài đồng có tầm cao như người thật, đặt trong hang đá lớn nằm bên hông nhà thờ, khiến mọi người trong xứ đạo rất đau lòng và bối rối.

Biết tính sao đây, khi lễ Thánh gia đã gần kề? Tìm đâu ra bộ tượng ba đấng mới thế vào bộ tượng bị phá tan? Nghi lễ dâng hoa cho ba đấng vào mỗi dịp lễ Thánh gia là một nghi lễ truyền thống đã được thực hiện xuyên suốt từ hơn trăm năm qua, lẽ nào năm nay không tổ chức được? Ngoài ra, ngày lễ Thánh gia đã cận kề nên cũng không thể đặt một bộ tượng khác thay thế.

Trước tình thế đó, Cha xứ có một sáng kiến táo bạo: Ngài cho mời đôi vợ chồng mới sinh đứa con trai đầu lòng được chừng tháng tuổi và mới được rửa tội mấy ngày trước, mặc y phục truyền thống thật chỉnh tề, đóng vai Đức Mẹ, thánh Giu-se và Chúa Giê-su thay cho bộ tượng hang đá bằng thạch cao đã hư hại. Ngài sắp xếp cho cặp vợ chồng quỳ bên trong hang đá, chầu hai bên đứa con thơ và kêu mời đại diện các gia đình trong giáo xứ dâng hoa cho ba vị nầy trong tư cách là hình ảnh của thánh gia Na-da-rét.

Sáng kiến nầy đã làm cho một số người trong họ đạo cảm thấy bị sốc. Họ cho rằng làm như vậy là quá đề cao gia đình người tín hữu và xúc phạm đến ba đấng thánh.

Cha Sở diễn giảng cho họ như sau:

Khi đề nghị gia đình anh chị Năm đóng vai Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Giê-su thế chỗ cho bộ tượng ba đấng bằng thạch cao bị hư, chúng ta không hề xúc phạm đến ba đấng thánh, nhưng xem gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh rất trung thực và cao quý của thánh gia Na-da-rét.

Tại sao tôi nói như vậy?

Thứ nhất, bộ tượng ba đấng mà ta kính viếng xưa nay là hình ảnh của Thánh Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Giê-su do tay người phàm tạo nên bằng thạch cao, không có sự sống; trong khi gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh của ba Ngôi Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa tạo dựng nên, có linh hồn, có lương tri, có sự sống.

Thứ hai, nhờ lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, anh chị Năm cũng như mỗi người chúng ta được trở thành chi thể của Chúa Giê-su (GLHTCG số 1267). Thánh Phao-lô cũng xác nhận điều nầy: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (I Cor 6,15).

Thứ ba, nhờ rước lấy Mình thánh Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, anh chị Năm được trở nên cùng chung máu thịt với Ngài, được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1, 4).

Ngoài ra, Chúa Giê-su và Hội thánh thường dạy chúng ta rằng “Thiên Chúa đồng hóa với con người”, con người là hiện thân của Thiên Chúa.

Thứ tư, Hội Thánh công giáo xưa nay vẫn nhìn nhận gia đình của ki-tô hữu là gia đình thánh nên Giáo hội quen gọi đó là những hội thánh tại gia, tức là thánh gia.

Như vậy, không có một bức tượng nào do tay người phàm làm ra dù bằng thạch cao, bằng gỗ, bằng đá hay bằng kim loại quý… xứng đáng được chọn làm hình ảnh của Chúa Giê-su, của Mẹ Maria, của thánh Giu-se cho bằng chính mỗi Ki-tô hữu chúng ta.

Sau khi hiểu được những điều cha xứ giải thích, mọi người vui vẻ dâng những đoá hoa thật đẹp thật tươi cho anh chị Năm được cử đóng vai thánh gia Na-da-rét.

Rồi qua những năm sau, nhiều người trong giáo xứ đều thấy thật là thích hợp và đầy ý nghĩa khi chọn một gia đình công giáo trong họ đạo đóng vai thánh gia Na-da-rét thay vì dùng bộ tượng thạch cao, nên cộng đồng giáo xứ thoả thuận với nhau rằng: đôi vợ chồng nào mới sinh con trai và được rửa tội sớm nhất trong tháng 12 dương lịch thì sẽ được chọn đóng vai thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giê-su để cho giáo dân thăm viếng. Và cũng từ lúc đó, thay vì dâng hoa cho ba Đấng như trước đây, người ta dâng cho em bé trong vai Giê-su những hộp sữa; dâng cho người mẹ trong vai Maria những cuộn chỉ, những chiếc kim, chiếc kéo; dâng cho người cha trong vai Giu-se những dụng cụ làm việc nho nhỏ như những chiếc kìm, chiếc búa, cái đục, cái bào…

Từ sự kiện nầy, các gia đình tín hữu trong xứ đạo đều ý thức mình là những thánh gia Na-da-rét thời mới. Các đôi vợ chồng trong các gia đình luôn trân trọng và yêu quý nhau như Mẹ Maria và thánh Giu-se; Cha mẹ biết chăm lo giáo dục con cái như Mẹ Maria và thánh Giu-se đã làm cho Chúa Giê-su; Con cái luôn vâng phục và thảo hiếu với mẹ cha như Chúa Giê-su đối với thánh Giu-se và Đức Mẹ.

Từ đó, niềm vui, hạnh phúc và đời sống thánh thiện chan hoà trong các gia đình.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

n

 
00:00
 
00:00
 
 
 

Bài Giảng Lễ Thánh Gia C

Video Player
 
00:00
 
13:16
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục