6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÒA VÀ GIA ĐÌNH - TS DUYỆT

  •  
    DM Tran
    Fri, Feb 25 at 1:16 PM
     
     

    NHỮNG THÁCH THỨC VÀ NHU CẦU GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Nếu bạn hỏi một em bé khoảng 5 tuổi trở lên “Lớn lên em sẽ làm già?” Câu trả lời tùy vào ảnh hưởng gia đình, ảnh hưởng môi trường và học đường. Các em nhỏ ở Mỹ trước thường thích lớn lên làm cảnh sát, lính chữa lửa. Nhưng sở thích đó giờ đây đang thay đổi dựa theo đà phát triển của xã hội, khoa học. Bây giờ có em thích làm cô giáo, phi công, phi hành gia, khoa học gia, bác sỹ, y tá, nha sỹ, dược sỹ, luật sỹ hoặc bác sỹ thú y…Tóm lại, những hình ảnh về một nghề trong tương lai của các em không phản ảnh quan niệm trước đây là con cái thường theo gót của cha mẹ.

     

    Nhưng có tới 75% bậc phụ huynh thì muốn rằng con mình sau này sẽ học và có một nghề trong lãnh vực STEM (Science -Khoa học, Technology - Kỹ thuật, Engineering - Kỹ sư, và Mathematics - Toán học). Lý do vì những chuyên môn này sẽ dẫn đến những ngành nghề liên quan đến khoa học, phát minh, y tế, và sự phát triển của nhân loại.

     

    Còn lại, khoảng 50% cha mẹ thì cho rằng con cái muốn làm gì là tùy sở thích và khả năng của chúng. [1]

     

    Nếu ở tuổi 5 tuổi trẻ lên, các em bắt đầu chú ý đến những việc làm sau này các em thích, dựa trên sự ưa thích cá nhân, và cảm tình. Nhưng phải chờ đến khoảng 15, 16 hoặc 18 tuổi, đa số các em mới có một cái nhìn rõ ràng về tương lai của mình. Rõ ràng nhất là tuổi 15, khi các em bắt đầu phát triển những sở thích và tài năng thích hợp với một ngành nghề trong tương lai. Tuy nhiên, ở một số em việc chọn lựa một ngành nghề vẫn gặp khó khăn. Có những trường hợp “nghề chọn mình, chứ không phải mình chọn nghề”. Và đó cũng là lý do nhiều người đã phải thay đổi nghề nghiệp đến 2 hoặc 3 lần.

     

    Nhưng dù con em muốn học ngành gì, phụ huynh muốn con mình sau này sẽ trở thành như thế nào, cái đó không nhất thiết quan trọng. Là một bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ, tiến sỹ, luật sỹ, kỹ sư, giáo sư… như như thế nào mới quan trọng. Và đây là cái mà cha mẹ phải chuẩn bị cho các con ngay từ khi chúng còn đang trong vòng tay ấm của gia đình.

     

    Nhưng dậy những gì?

     

    “Dậy con từ thuở lên ba” (Ca dao tục ngữ).

     

    Theo quan niệm giáo dục, và theo truyền thống giáo dục từ xưa, những đứa trẻ trong các gia đình cần được dậy cho biết lễ nghĩa, luân thường, đạo đức. Theo  Ca dao tục ngữ Việt Nam là: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, và “Tiên học lễ, hậu học văn”. Như vậy, quan niệm của xã hội xưa thì đàn ông, con trai phải lấy chữ trung làm đầu, đàn bà, con gái thì phải quyết giữ tiết hạnh. Một truyền thống giáo dục quý báu của dân tộc mà ngàn đời cha ông đã truyền lại cho con cháu. Mở đầu tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã viết hai câu thơ: “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình.” [2]

     

    Đọc qua những đòi hỏi đạo đức trên tưởng chừng như cha ông mình ngày xưa cổ hủ, lạc hậu và quá chú trọng vào hình thức, lễ nghĩa. Nhưng thực ra, nếu đem so sánh những kinh nghiệm trên với cái nhìn của khoa tâm lý giáo dục ngày nay thì không những không lạc hậu, bi quan mà còn là một điều hết sức cần thiết.

     

    Tuổi trẻ ngày nay đi hoang, sa đọa và coi thường giá trị căn bản của đời sống. Đời sống hôm nay như mất ý nghĩa và vô vọng. Giầu sang có, xe hơi có, nhà lầu có, những tiện nghi của khoa học hiện đại có, nhưng lòng người thì vô tâm, vô cảm, buồn phiền và chán ngán. Hoang đàng, vung vít trong tình yêu. Lẫn lộn yêu với đam mê, dục vọng. Lẫn lộn danh dự với danh giá hão huyền. Lẫn lộn giầu sang với bon chen, chộp giật và mánh mung. Hậu quả dẫn tới coi thường hôn nhân, ly thân, ly dị như thay đổi áo quần. Yêu nhau đồng tính, hôn nhân đồng tính. Nhân phẩm và mạng sống bị coi thường. Sau một thời gian dài ngừa thai, giờ thì phá thai được công khai và luật pháp hóa. Tất cả là kết quả của một nền “văn minh sự chết” (St. Gioan Phaolô II), của một nền luân lý tương đối (Moral realism).  

     

    Mục đích của giáo dục hiện nay

     

    Nhìn vào chương trình học hiện nay, có thể nói rằng những môn học cùng với việc giảng dậy có căn bản từ những công trình nghiên cứu bởi các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng một điều xem như rõ ràng là mục tiêu của nền giáo dục này là để trao cho học sinh, sinh viên những kiến thức, những kỹ năng cần để họ có thể phát triển hết tiềm năng của mình.

     

    Theo Barbara Danza, tác giả của các bài viết giá trị chú trọng đến những thách thức và hoàn cảnh nuôi dạy con trong thời hiện đại, và những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục gia đình, thì ngay từ nhỏ, các em cần được giáo dục về:

     

    Giao tiếp: Với truyền thống văn hóa cởi mở, tôn trọng phẩm giá con người tại các nước Tây Phương, thì đây là điều mà phụ huynh cần phải dậy con em mình ngay khi chúng còn trên gối mẹ. Điều này dễ hiểu và dễ phân biệt khi một em bé Việt Nam đứng bên một em bé Mỹ hay Pháp. Cách nói năng, biểu lộ tình cảm hoàn toàn khác nhau. Một bên khúm núm, sợ hãi, rụt rè, tự ty, còn một bên cởi mở, thoải mái, và tự tin.

     

    Đây là điều mà nền giáo dục Việt Nam, cũng như các cha mẹ Việt Nam cần một cái nhìn nhân bản dựa trên giá trị của con người khi theo dõi, và hướng dẫn các em từ lúc gửi đi vườn trẻ, cũng như tiếp tục sau này khi các em bước vào trung học. Một em bé ngoan, lễ phép, lịch sự không có nghĩa là phải cúi đầu, khép nép, và không được nhìn thẳng vào cha mẹ, người lớn khi nói năng, trao đổi.     

     

    Suy luận: Một trong những lợi ích của việc học toán, ngoài những ứng dụng thực tế đối với những ai sẽ theo đuổi về kỹ thuật, khoa học, và ngoài những ứng dụng trong việc hoạch định tài chính, môn toán dạy ta cách lý luận. Suy nghĩ có luận lý (logic) sẽ giúp các em khi lớn lên biết phân tích và định giá các công việc, giải quyết các vấn đề.

     

    Tại Hoa Kỳ hay tại những quốc gia tiên tiến Tây Phương, ngoài khả năng luận lý trong toán học, phân tích mọi chuyện, các em nhỏ còn được dậy cách trực diện và đặt những vấn đề với cha mẹ khi ở nhà. Lý luận học còn dậy các em biết xem xét những lập luận, những quan điểm trên phương diện lý tính, vì thế, trẻ em có thể sử dụng những yếu tố mang tính ngụy biện và đặt những giả thiết. Một con dao hai lưỡi, đó cũng là lý do mà phụ huynh cần phải chuẩn bị để không cảm thấy ngỡ ngàng, hoặc bị xúc phạm khi con cái mình có những thái độ thẳng thắn, thực tế khi nói chuyện, trao đổi về những vấn đề trong cuộc sống.

     

    Lịch sử: “Lịch sử hay sử học (gọi tắt là sử) là môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này.” [3]

    Lịch sử sử quốc gia, lịch sử thế giới sẽ giúp con người sống với niềm tự hào về văn hóa, truyền thống, và phong tục của mình. Nhưng lịch sử cũng rất dễ biến thành ngụy sử. Nhiều sử gia nghiên cứu và viết sử với ảnh hưởng chính trị, khuynh tả, hoặc khuynh hữu nhằm bênh vực, ngụy tạo, và hướng dẫn người đọc. Quan niệm về thế giới đại đồng, một trật tự thế giới mới đang làm cho cái nhìn về lịch sử trở nên méo mó, sai lạc. Các bậc cha mẹ, phụ huynh phải quan tâm đến những điều này khi giải thích lịch sử cho con cái.

     

    Nghệ thuật: Các nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới đã mang lại những thành quả về văn hóa rất đáng ghi nhận. Cảm quan về thẩm mỹ, vẻ đẹp, thiên nhiên, và con người là thứ mà các em có thể cảm nhận được qua những môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, kịch nghệ, khiêu vũ, văn học, thơ ca hay bất kỳ hình thức biểu đạt nghệ thuật nào khác. Bổn phận cha mẹ là khám phá và khuyến khích con cái phát triển những tài năng ấy. Một số có thể là nghề nghiệp sau này, và một số sẽ góp phần làm đẹp cho đời khi các em lớn lên.

     

    Phát triển tiềm năng: Tại trường học, mỗi học sinh đều có những ưu điểm riêng biệt, những tài năng thiên phú của chính mình. Các em cần được khuyến khích phát huy những tiềm năng này. Cho dù một cá nhân có mang trong mình tố chất của một văn nhân, một khoa học gia, một nghệ sĩ, một luật sư, một giáo viên, một giám đốc, một người thợ thủ công hay thợ sửa ống nước, thì tiềm năng của mỗi người đều phải nên được phát huy tối đa và tôn trọng.

     

    Phẩm chất đạo đức: Ca dao Việt Nam có câu: “Tiên học lễ hậu học văn.” Đây là truyền thống giáo dục đặc biệt và nổi vượt nhất của người Việt phù hợp với tâm lý giáo dục và tâm lý phát triển. Song song với việc truyền tải những giá trị về kiến thức, tài năng, thì đạo đức học là một phần rất quan trọng trong sứ mạng giáo dục. Nhờ đạo đức, con người mới có được khả năng phân định tốt xấu, để rồi có thể đứng về lẽ phải, biết cất lên tiếng nói công đạo, và sống đời liêm chính.

     

    Rất tiếc ngày nay tại các học đường đang dần dần loại bỏ hoặc coi nhẹ chương trình đạo đức. Do đó, cha mẹ và phụ huynh không thể khoán trắng cho nhà trường về tư cách đạo đức của con mình, nhưng phải quan tâm dậy dỗ chúng từ trong gia đình. Có thể không quá đáng khi nhấn mạnh đến giá trị và thành quả của đạo đức khi nói: “Có đức mặc sức mà ăn.” Nhưng với trào lưu sống hiện nay đang nghiêng về những thành quả vật chất và đời sống duy vật, nên việc thực hành đạo đức là một thử thách rất lớn lao. 

     

    Tôi muốn kết thúc bài viết bằng việc suy tư về một tấm hình mà người bạn đã chuyển cho tôi qua facebook. Trong tấm hình vẽ một người giầu có hai tay sách những vali đầy tiền đang tiến về ngôi mộ của mình. Đứng đón ông là thần chết, và vị thần chỉ tay về phía chiếc thùng chất đầy tiền (có lẽ của những người đã đi trước), và nói: “Tiền để lại đây. Khi chết chỉ được mang theo TỘI, PHÚC mà thôi!”.  

     

     ________

     

    Tham khảo:

    1. https://www.khon2.com › local-news › new-study-reveals...

    2. Trích dẫn từ Lục Vân Tiên của Wikipedia, Bách khoa Toàn thư Mở.

    3. https://vi.wikipedia.org › wiki › Lịch_sử

     

     

     

     

     


VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TS TRẦN MỸ DUYỆT

  •  
    DM Tran
    Sat, Feb 12 at 1:38 PM
     
     

    GIÁO DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

    Trần Mỹ Duyệt

     

     

    Chị là người mẹ quán xuyến và điều hành mọi việc trong gia đình từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Chồng chị, 3 đứa con của chị đều răm rắp vâng lời và hầu như không ai cãi lời chị, làm sai ý chị. Mọi chuyện xem như êm đẹp, và ai cũng khen chị là người vợ đảm đang, tài đức, người mẹ gương mẫu biết cách dạy dỗ con cái.

     

    Nhưng đời không như là mơ. Và cái nhưng đó đã xảy ra khi đứa con gái lớn 15 tuổi đã đánh em, cãi mẹ và đánh luôn cả mẹ. Không những thế, nó còn vào phòng dùng dao cắt tay lấy máu viết lời thề, và cắt luôn mái tóc đẹp óng ả của nó. Hành động của em là để tỏ dấu thống hối, để phản đối, hoặc bày tỏ sự bất mãn với cha mẹ; đặc biệt là mẹ, và các em?!!! Sự việc vừa xảy ra đã khiến cho cả nhà phải lo lắng.

     

    Câu chuyện trên cũng chính là một phần hoặc nhiều phần phản ảnh hiện tượng giáo dục gia đình, cách riêng trong môi trường xã hội ngày nay. Nó đang nói gì với chúng ta, những nhà luân lý, đạo đức, những nhà giáo dục, và các bậc phụ huynh?

     

    TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

     

    Định nghĩa thông thường của tuổi vị thành niên là tuổi từ 13 đến 19. [1] Mặc dù trên phương diện xã hội, luật pháp tại nhiều nơi vẫn công nhận khi một em đến tuổi 18 là người trưởng thành, và chịu trách nhiệm về những hành động dân sự của mình. Tuy nhiên, theo tâm lý, một người để được xem như hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm lý là ở tuổi 30. Nhận xét này cũng trùng hợp giữa hai quan niệm Đông và Tây: “Tam thập nhi lập”. 

     

    -Tuổi trưởng thành của phái nữ

     

    Con gái bắt đầu dậy thì ở tuổi 10-11, và kết thúc tuổi này ở khoảng 15-17. Trong khi đó, con trai bắt đầu dậy thì khoảng tuổi 11-12 và kết thúc ở tuổi 16-17. Con gái bắt đầu dấu hiệu làm mẹ khoảng 4 năm sau những phát triển cơ thể ở tuổi tiền dậy thì. [2]

     

    -Tuổi trưởng thành của phái nam

     

    Theo một khảo cứu gần đây, phái nam đạt được mức trưởng thành khi bước vào tuổi 43 – một thời gian 11 năm sau phái nữ. Điều này cũng cho thấy cả hai phái nam và nữ không đạt mức trưởng thành giữa tuổi 30 và trước 40. Nhưng trung bình, phái nữ trưởng thành tâm lý khi 32 tuổi. [3]

     

    Tóm lại, trong khi phụ nữ đạt mức tâm lý trưởng thành ở tuổi 32, tức khoảng 11 năm trước khi phái nam đạt mức trưởng thành ở tuổi 43. Đó cũng là lý do 8 trong số 10 phụ nữ trong cuộc khảo cứu nhận xét rằng phái nam không bao giờ sống trưởng thành. [4]  

     

    HÌNH ẢNH VỊ THÀNH NIÊN

     

    “Gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” (Ca dao tục ngữ).

     

    Phần đông phụ huynh khi nói và nghĩ đến tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên là nói và nghĩ về một thời điểm mà đứa trẻ lớn lên, thay da, đổi thịt. Ngoài phần phát triển thể lý là sự thay đổi đột ngột đến khó hiểu về tâm lý. Đứa trẻ trước đó một năm, một tháng, một ngày vẫn còn là đứa bé dễ thương, bảo gì, nghe nấy bỗng chốc thay đổi 180 độ. Nó trở nên ngang tàng, bướng bỉnh, khó bảo, cãi trả, và thậm chí xô đẩy, đánh lại cha mẹ như trường hợp của em bé gái mà câu chuyện vừa kể.

     

    Không những tính tình thay đổi mà cách sống, cách cư xử với những người chung quanh cũng thay đổi. Ngôn ngữ bình thường gọi là “nổi loạn”: áo quần đủ kiểu cọ, đầu tóc nhuộm đỏ, vàng, xanh, xỏ tai, xỏ mũi, xỏ lưỡi, xỏ cằm, xỏ rốn và xâm mình. Lời ăn tiếng nói thì chửi thề, văng tục, ngôn từ thì cộc lốc… Hình ảnh của một anh chàng, một cô nàng đang bước vào tuổi này là hình ảnh mà những bậc làm cha mẹ, phụ huynh không mấy ai muốn nghĩ đến, hoặc nghĩ đến thì ngao ngán. Những chuyện như vậy không chỉ xẩy ra cho một gia đình trong một trường hợp đặc thù nào. Nó xẩy ra cho hầu hết mọi gia đình và cho mọi nền văn hóa. 

     

    Qua những việc làm trên, giới trẻ muốn nói gì với phụ huynh, với cha mẹ và các nhà giáo dục? Chúng nói với họ rằng, bây giờ tôi đã lớn, đã trưởng thành, và tôi muốn xác định con người thật, suy nghĩ thật của mình. Tôi không phải là những đứa con nít rúc nách mẹ, hoặc nấp bóng cha nữa. Xin hãy dành cho chúng tôi sự kiêng nể, và tôn trọng…

     

    Tuy nói là nói vậy, nhưng ở tuổi này, ở thời gian này giới trẻ vẫn chỉ là những con “nai vàng ngơ ngác”. Rất hung hăng con bọ xít. Anh hùng rơm, mà cũng rất dễ làm mồi cho những cạm bẫy xã hội.      

     

    TRƯỞNG THÀNH

     

    Vậy thế nào là trưởng thành? Để có một cái nhìn tổng quát thế nào là một người trưởng thành, cần phải dựa trên những tiêu chuẩn sau đây:

     

    -Trưởng thành thể lý

     

    Khi một em bước vào tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì thân thể phát triển, các cơ quan nội ngoại cũng phát triển. Em bé cao, to và khỏe mạnh hơn. Râu, tóc bắt đầu mọc. Ngực, mông của các em gái bắt đầu phát triển. Về mặt tâm sinh lý, các em đã có thể trở thành người làm cha và làm mẹ. Chính vì vậy mà nhiều phụ huynh bất đắc dĩ phải làm ông bà nội, hoặc ông bà ngoại ngoài ý muốn. Tuy nhiên, các em chưa đủ mạnh mẽ, chín chắn để làm chủ con người bản năng của mình. Nói một cách khác, các em vẫn còn trẻ người, non dạ.

     

    -Trưởng thành tâm lý

     

    Trưởng thành tâm lý là khả năng làm chủ hoặc điều khiển được những cảm tình, cảm xúc. Nó có thể giúp làm chủ những phản ứng khi vui cũng như khi buồn, không nóng giận, bốc đồng và hành xử theo tình cảm. Như đã trình bày ở trên, mức độ trưởng thành tâm lý chỉ đạt được khi ở tuổi 30. Ở điểm này và trên phương diện giáo dục, cha mẹ hay phụ huynh vẫn còn phải tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, góp ý với con em mình mặc dù lúc này các cô cậu đã trở thành cử nhân, cao học, tiến sỹ, bác sỹ, luật sư, kỹ sư, nha sỹ hay bất cứ loại sỹ trẻ nào khác.

     

    Kinh nghiệm của người lớn là những bài học khôn ngoan, và sự tiếp tục học hỏi là bí quyết thành công trong lứa tuổi này.

     

    -Trưởng thành tâm linh

     

    Trưởng thành tâm linh. Đó là sự chín chắn, khách quan và vững vàng trong quan niệm về niềm tin, về tôn giáo. Tâm linh là một nếp sống chiều sâu dựa trên nền tảng tôn giáo. Mê tín, cuồng tín, hoặc vô thần là lối sống thiếu trưởng thành về tinh thần.  

     

    Ngoài ra, trưởng thành tâm linh phải là người biết căn cứ vào lương tâm, luân lý, và đạo đức để quyết đoán hành động của mình. Thí dụ, khi lái xe đến đèn đỏ thì không cần phải có cảnh sát hay người khác nhìn thấy, chính ý thức đạo đức tự nhắc bảo rằng mình cần phải dừng xe. Hoặc tôi không làm hại tiết hạnh, danh dự của người này không phải vì tôi sợ tội, sợ bị bắt và ở tù, nhưng vì tôi ý thức rằng hành động ấy không tốt đối với tôi.   

     

    NHỮNG GÌ PHỤ HUYNH CẦN

     

    Vai trò phụ huynh đối với trẻ em vị thành niên, khác với các em ở tuổi thơ, tuổi trẻ tức là thời gian dưới 12 tuổi. Giáo dục các em tuổi vị thành niên, dậy thì vì thế khác với giáo dục các em khi lên 3, lên 7 tuổi. Sau đây là một vài gợi ý để các phụ huynh và bậc làm cha mẹ cần áp dụng khi muốn nói, muốn trao đổi với các em.

     

    -Dành thời giờ cho con

     

    Nếu khi các em còn bé, cha mẹ dành một phần thời gian cho các em, thì khi các em bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần nhiều giờ hơn với các em. Nhiều phụ huynh đã nói: “Tôi không có thời giờ cho chúng nó. Tôi phải lo công việc, kiếm tiền, và lo cho tương lai chúng nó”.

     

    Những câu nói như vậy thực chất chỉ là những lời bào chữa tưởng như hữu lý và đúng đối với phía phụ huynh, hoặc cha mẹ. Nhưng đó không phải là tầm nhìn về tương lai con cái. Kinh nghiệm đã cho tôi biết điều này, nhiều phụ huynh, nhiều cha mẹ tiền rừng bạc biển nhưng ăn không ngon, ngủ không yên, và chết cũng không xong vì những đứa con rơi vào cạm bẫy xã hội, tù tội, hoặc bệnh tật tâm thần. Câu hỏi là: “Những cha mẹ, phụ huynh này đã đầu tư đúng hay sai cho tương lai con cái?”

       

    -Hòa đồng và lắng nghe

     

    Nói với tuổi trẻ ở tuổi này là điều khó, và thường rất khó chịu khi cha mẹ nói gà, con cái nói vịt. Cha mẹ bảo đúng, con cái cãi là sai. Vậy ai đúng? Ai sai? Thưa, cả hai đều đúng và cả hai đều sai. Nhưng cha mẹ và phụ huynh sai hơn vì họ đã có kinh nghiệm, và đã từng trải mà lại không nhận ra những gì mình đang đòi hỏi, đang phàn nàn, đang la lối con cái là những cái mà chính mình đã lỗi phạm khi ở tuổi của chúng.

     

    Vậy nói và nghe trong trường hợp này là nghe và chia sẻ cảm nghiệm. Để lắng nghe con cái và để nói với con cái, sau đây là một vài nguyên tắc:

     

    a)Các câu hỏi mang nghĩa tiêu cực:

     

    Không bao giờ tranh cãi với con cái ở tuổi vị thành niên. Theo tâm lý phát triển một em bé khi lên 15 tuổi, có đủ suy nghĩ và tư tưởng để cãi tay đôi với cha mẹ, đặt cha mẹ vào những câu hỏi khó lòng giải quyết.

     

    Tránh những câu hỏi mang nghĩa tiêu cực và những câu hỏi mà người bị hỏi coi như một thách thức. Thí dụ, Tại sao? Tại sao mày làm việc này? Tại sao mày yêu con ấy? Tại sao mày bỏ học? Tại sao mày tập tành hút thuốc? Hoặc làm cái gì? Mày làm cái gì vậy? Cái gì mà mày cứ dấu dấu, đút đút? Mày có biết làm vậy là sai không?... Đây là những câu hỏi chết (death end requests), những câu hỏi mang tính khiêu khích, coi thường đối với tuổi trẻ. Và đương nhiên, chúng sẽ tìm cách phản ứng cũng bằng những ngôn ngữ và thái độ tiêu cực.

     

    b) Các câu hỏi tích cực:

     

    Để chinh phục tuổi trẻ, phụ huynh hoặc cha mẹ cần biết nêu lên những câu hỏi mang tính cách mở (open questions), những câu hỏi tích cực. Thí dụ: Con cho mẹ biết lý do con nghỉ học? Con quen với bạn trai con lâu chưa? Sao mẹ không biết?... Những câu hỏi và lối hỏi như vậy sẽ tạo cơ hội cho tuổi trẻ dễ tâm sự và chia sẻ. Từ đó cha mẹ hiểu hơn về những băn khoăn, lo lắng và nhu cầu của con cái, đồng thời để chia sẻ kinh nghiệm của chính mình với con cái.

     

    Ngoài ra, phụ huynh và cha mẹ cũng nên biết thêm điều này, con gái ở tuổi dậy thì không ưa nói chuyện với mẹ. Và một lời nói của cha có giá trị hơn 5 lần một lời nói của mẹ.         

     

    -Khả năng làm phụ huynh

     

    Ở tuổi vị thành niên, con cái không chỉ nhìn nhận cha mẹ là những người đã sinh ra mình, chúng còn muốn được cha mẹ đối xử với chúng như một người anh, người chị, người bạn. Lý do, vì ở tuổi này, các em đang muốn xác định vị trí của mình, đang muốn chứng minh nhân cách của mình. Và muốn được người khác tôn trọng. Ở tuổi này, phương pháp giáo dục tốt nhất là lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn.

     

    Phương pháp được nhiều nhà tâm lý và giáo dục hiện nay áp dụng đó là helicopter parents (tạm dịch là canh chừng và hướng dẫn). Như một người lái chiếc trực thăng ở trên, theo dõi và chỉ đường. Người làm cha mẹ phải có cặp mắt tinh tường, nhận định và đưa ra những lời hướng dẫn. Phương pháp này phù hợp với cá tính tuổi trẻ, và tạo niềm tin giữa cha mẹ và con cái. Đánh, chửi, khóc lóc, hoặc chiều chuộng không phải là cách giáo dục dành cho tuổi vị thành niên.

     

    Tuyệt đối không so sánh con này với con khác, con mình với con người ta. Cha mẹ còn phải tùy thuộc vào tâm lý và tính cách của mỗi đứa con để đưa ra những lời hướng dẫn cần thiết. 

     

    Trong các ngành nghề chuyên môn, đòi hỏi phải có thời gian học tập, nghiên cứu và thực tập, riêng nghề làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ lại rất ít khi được quan tâm trau dồi và học hỏi. Bởi thế, những buổi hội thảo, hồi tâm, thuyết trình, hoặc những sách vở giá trị về ngành nghề này cần thiết đòi hỏi các vị phụ huynh phải quan tâm, và chuyên cần. “Không biết không có tội.” Đây là lời bào chữa rất nguy hiểm cho những phụ huynh vô trách nhiệm và thiếu sót bổn phận. Sự vô tâm, lười lĩnh của họ không chỉ gây tai hại cho chính họ, mà còn cả tương lai của những thế hệ con cháu sau này.

     

    Thượng Đế không vô lý khi đòi hỏi con cái phải thảo kính cha mẹ [5]. Nhưng Ngài cũng cảnh cáo những cha mẹ lười biếng này: “Nếu ai nên cớ phạm tội cho những đứa trẻ đang tin Thầy đây thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mat 18:6) 

     

     

    __________

     

    Tham khảo:

     

    1. https://www.merriam-webster.com › dictionary › teenager

     

    2. https://en.wikipedia.org › wiki › Puberty

     

     

    3.https://www.telegraph.co.uk › newstopics › howaboutthat

     

    4. https://xlcountry.com › men-arent-fully-mature-until-age-...

     

    5. Exodus 20:12, Ephesians 6:2.

     

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐINH -CHÚC TẾT MHÂM DẦN 2022

  •  
    Mo Nguyen
     
    Mon, Jan 31 at 11:51 AM
     
     
     

     

                       CUNG CHÚC TÂN XUÂN NHÂM DẦN 2022

     

     

    MORNING PRAYER

     

    Dear Lord,

    We pray with St Paul that we might all learn the true qualities of love.

    May we avoid the shallowness of so much of our modern world’s perception

    Of love and instead put Paul’s loving qualities into action in our lives.

    Amen.

     

                              Love Divine All Loves Excelling:

            https://www.youtube.com/watch?v=JGGcqhKShQ8

     

     

     

     

    Lk Dâng Chúa Ngày Xuân Nhạc Thánh Ca Không Quảng Cao hay 

     

    nhất 2022:

     

                                                                                                      https://www.bing.com/videos/search?q=chua+oi+nay+ngay+xuan&docid=608027087099876471&mid=80E5BB5FFD4868EC8A0E80E5BB5FFD4868EC8A0E                                                                       &view=detail&FORM=VIRE

     

     

     

     
     

                                    ĐỪNG LO LẮNG GÌ CẢ (Mc 6: 25-34)

     

    Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến.  Chúng ta cần nhìn lại một năm qua với cái nhìn của Chúa để thấy tất cả là hồng ân, kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.  Chúa đã cho chúng ta sống thêm một thời gian, thêm một năm trên đời.  Chúng ta nhận ra thời gian một ngày nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.  Nhà nông nhận ra thời gian một tháng nhờ mặt trăng tròn rồi lại khuyết.  Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu như vậy trên bầu trời.

     

    Thời gian theo Kitô giáo không đi theo đường xoắn ốc, nhưng theo đường thẳng.  Thời điểm nào cũng là duy nhất, đi rồi không trở lại, nên rất đáng quý.  Con Thiên Chúa làm người đã đắm mình trong dòng thời gian như ta.  Nhờ Ngài, dòng thời gian này sẽ đưa ta vào vĩnh cửu của Thiên Chúa.

     

    Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.  Chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt, chúc mọi sự như ý…

    Chúng ta có thể học được một cách chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6, 22-27).  Đức Chúa chỉ dạy cho ông Môsê để ông này chỉ lại cho ông tư tế Aaron biết cách chúc lành cho dân.

     

    Có ba lời chúc, mỗi lời đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:

    “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.

    Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.

    Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em và ban bình an cho anh em.”

     

    Ơn bình an là ơn bao gồm mọi ơn về sức khỏe, sống lâu, an ninh, thịnh vượng…  Rốt cuộc chính Đức Chúa mới là Đấng chúc lành cho dân Israel (c. 27).  Chính Đức Chúa đóng ấn Danh của Ngài trên họ để bảo trợ họ.  Và hôm nay chính Ngài cũng ban muôn ơn cho ta nhờ Danh Đức Giêsu.

     

    Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo về tương lai.  Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn trước mắt là có thật.  Có nhiều nỗi lo âu chỉ vì con người thấy mình quá đỗi mong manh.  Nỗi lo quấn lấy con người và làm tâm con người không yên. 

     

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo.”  Nếu Kitô hữu không bị quay quắt vì lo âu thì không phải vì họ là người vô lo, hay vì họ tự tin, giỏi giang hơn người khác.  Đơn giản chỉ vì họ có một Người Cha quan tâm đến mọi nhu cầu của họ.  Kitô hữu tận tụy hết mình cho công việc, nhưng lại không bất an, lo âu.  Tín thác như một đứa con ngồi trong lòng cha, họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết, và tin mọi sự khác sẽ được Ngài lo liệu.

     

    **********************************

    Lạy Cha, Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,

    đi thêm một đoạn đường đời.

    Nhìn lại đoạn đường đã qua,

    chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,

    vì Cha vẫn cho chúng con sống,

    và sống trong tình yêu.

    Mọi biến cố vui buồn của năm qua

    đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.

    Tạ ơn Cha

    vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,

    và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.

    Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc

    trong tinh thần vui tươi hoà nhã,

    và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.

    Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau

    là những lời chúc lành

    xuất phát từ trái tim yêu thương.

    và lạy Cha, năm mới đã đến,

    Trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,

    chúng con cũng muốn

    ở lại trong quỹ đạo của Cha,

    nhận Cha là trung tâm cuộc sống,

    và nhận mọi người là anh em. Amen.

     

    Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

     

     

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NHỮNG LO ÂU CUỘC SỐNG

  •  
    DM Tran
    Sat, Feb 5 at 2:21 PM
     
     

    ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG LO ÂU TRONG CUỘC SỐNG

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Thoắt sinh ra thì đà khóc choé,

    Trần có vui, sao chẳng cười khì?

    Khi hỉ nộ, khi ai lạc, khi ái ố, lúc sầu bi,

    Chứa chi lắm một bầu nhân dục![1]

    Uy Viễn Tướng Công đã luận cảnh nhàn dưới một cái nhìn vừa triết lý, vừa thực tế về số kiếp nhân sinh. Mọi người đều khóc khi lọt lòng mẹ. Khóc cho số phận đời mình. Khóc cho những vất vả, lao đao, nghiệt ngã, và cũng khóc cho những hạnh phúc, vui mừng. Nhưng những giọt nước mắt vì vui mừng, sung sướng, và hạnh phúc thường không nhiều, mà phần lớn là những giọt nước mắt của bất hạnh. Vì khổ lụy nên nhà Phật đã gọi đời là “bể khổ”, là chốn “trầm luân”. Ngay trong cái nhàn của Nguyễn Công Trứ cũng vẫn tiềm ẩn cái khổ: “Chứa chi lắm một bầu nhân dục!” [2]

    Đúng vậy, dục vọng đã khiến lòng người ra nặng nề, mê mẩn và say đắm. Nó là nguyên nhân khơi lên những ước muốn tham, sân, si, để rồi không chỉ tạo cho mình những đắng cay mà còn gây ra cho nhau muôn vàn khổ sầu, bi lụy! Tuy nhiên, ở một góc nhìn tích cực, đời vẫn đáng sống, vẫn có giá trị, thế nên chúng ta phải học cách“Quẳng gánh lo đi và vui sống.” (Dale Carnegie).

    Có lẽ vì ngụp lặn trong “bể khổ”, nên thường xuyên chúng ta đã cảm thấy bất an, lo lắng, buồn bực, hay thất vọng. Cũng từ đó, chúng ta loay hoay tìm cách để thoát khổ, thoát buồn, thoát sầu đau. Chúng ta mất ăn, mất ngủ, lo lắng khi một vấn đề chưa được giải quyết, mà khi đã giải quyết xong, chúng ta lại tiếp tục lo lắng không biết chuyện gì nữa sẽ xẩy ra trong tương lai! 

     

    Như vậy trước những nghịch cảnh, những thách đố và đau khổ chúng ta phải có thái độ như thế nào? Nguyền rủa cuộc đời, trốn chạy, cam chịu, hoặc can đảm trực diện với những hoàn cảnh ấy? Theo tâm lý, nếu “miễn cưỡng” chấp nhận những điều tiêu cực, chúng sẽ chỉ đem lại cảm giác bất ổn về tinh thần cũng như thể xác: thân thể bạc nhược, mệt mỏi, tâm trí khó tập trung, đầu óc trống rỗng hoặc rối loạn!

    TRỰC DIỆN VỚI ĐAU KHỔ

    Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng đã từng kinh nghiệm và gặp phải đau khổ. Những bất hạnh này đến từ nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, nội tại cũng như ngoại tại, thể lý cũng như tâm lý. Hoặc chính mình là nạn nhân, và cũng có thể mình là nguyên nhân gây ra những điều ấy cho người khác. Còn trẻ thì khổ vì nhà nghèo, bị hành hạ, lạm dụng, mồ côi, hoặc cha mẹ ly dị. Khi lớn lên thì khổ vì vợ hoặc chồng phản bội, ngoại tình, cờ bạc, rượu chè, vô tâm, vô trách nhiệm. Khổ vì làm ăn thua lỗ, bị bạn bè lường gạt. Lúc về già thì buồn khổ vì cô đơn, vì bị con cái hất hủi, xa tránh, bệnh tật. Để giúp trực diện với những bất hạnh cuộc đời, năm 1969, Elisabeth Kübler-Ross, một bác sỹ tâm thần và là người tiên phong khảo cứu về hiện tượng trước ngưỡng cửa sự chết. Qua tác phẩm On Death and Dying, bà đã đưa ra lý thuyết giúp đối diện với đau khổ, được gọi là phương pháp DABDA [3], bao gồm 5 cung bậc:

    1.Denial (Phủ nhận): Phản ứng đầu tiên khi gặp phải những nỗi buồn hay đau khổ, thất bại, là từ chối không muốn nhận sự thật. Thí dụ, khi nghe tin người thân của mình qua đời, hoặc nghe nói người tình, người yêu mình phản bội, thì tìm mọi cách không công nhận sự thật này. Không thể vậy. Điều này không đúng. Tôi không tin.

    2.Anger (Bực bội): Khi không thể phủ nhận sự thật là phản ứng bực tức, khó chịu và cay đắng. Cha tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi chết thật sao? Người yêu của tôi cắm sừng tôi thật sao? Cuộc đời bất công với tôi quá. Tôi chán ghét tình yêu. Tôi nguyền rủa sự chết! Tôi hận đời!

    3.Bargaining (Mặc cả): Tiếp theo là hành động mặc cả. Tự mình đánh lừa mình, tự mình an ủi mình. Điều đó xảy ra chắc có lý do. Tôi không thể tránh khỏi. Tốt hơn tôi nên chuẩn bị chấp nhận. Cha tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi đã chết! Tôi bị cắm sừng, bị phản bội cũng đành chịu vậy!  

    4.Depression (Chán nản): Từ những phản ứng tiêu cực trên là rơi vào trầm cảm, buồn nản, thất vọng, hoặc bí tắc. Có người tự tìm cái chết để trốn thoát, nhưng phần đông nhìn đời bằng cặp mắt bi quan, nhìn tình yêu bằng những ánh mắt nghi ngờ, oán hận.   

    5.Acceptance (Chấp nhận): Sau cùng, thực tế vẫn là thực tế. Chỉ có thể bằng an khi chấp nhận sự thật, khi đón nhận sự thật bằng thái độ hiểu biết của lý trí. Chấp nhận biến cố vừa xảy đến chính là hành động của nghị lực, và nhận thức trưởng thành về tâm lý.

    ĐƯƠNG ĐẦU VỚI LO ÂU [4]

    Đau khổ đem đến cho con người những cảm giác buồn phiền, sợ hãi đôi khi không lối thoát. Tuy nhiên mức độ lo lắng không phải ai cũng giống ai, nhưng nói chung, nó có thể khiến mất ăn, mất ngủ và ảnh hưởng đến mọi lãnh vực trong sinh hoạt cuộc sống.  

    Nhưng với cái nhìn tích cực, lo âu mang giá trị như một lời nhắc nhở vừa có tính cách vật lý, vừa có tính cách tâm lý. Nó nói với chúng ta rằng có cái gì đó không ổn mà mình cần phải hành động một cách sáng suốt. Theo tâm lý ứng dụng và trị liệu, sau đây là 5 bước để giúp đương đầu với những khó khăn, sợ hãi, buồn bực, hoặc thất vọng:     

    1. Challenge Anxious Thoughts (Thách thức những tư tưởng lo âu)

    Kinh nghiệm cho thấy, đứng trước những lo âu chúng ta thường bị tấn công bằng những tư tưởng tiêu cực và vô lý. Trong trường hợp này, phải nghĩ đến những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra, và đưa ra những cách giải quyết để kịp thời phản ứng. Hành động này sẽ trở thành một tập quán ứng xử trong các tình huống tồi tệ nhất, thay vì phủ nhận hoặc chối bỏ. 

    Để chống lại những tư tưởng bi quan, lo lắng là phải thực tế nghĩ đến chúng, thách thức chúng khi chúng xuất hiện trong đầu óc. Điều này sẽ phá vỡ lối suy nghĩ tiêu cực. Hãy tự hỏi mình: Đây có phải là sự sợ hãi vô căn cứ không? Nếu là đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Biết được như vậy, chúng ta sẽ có thái độ bình tĩnh và tự tin khi giải quyết.       

    2. Recognize Your Negative Thinking Patterns (Chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực)

    Thực tế rất khó để thách thức những suy nghĩ tiêu cực nếu không nhận ra chúng. Chúng không rõ ràng chỉ là sai hay đúng, đen hay trắng, hoặc có thể hay không có thể. Đôi khi chúng xuất hiện như những bóng đen phủ trên bề mặt cuộc đời. Trong những trường hợp ấy, lo âu sẽ có thể đem lại những hậu quả tiêu cực và giản bớt những điều tích cực. 

    Hãy cố gắng thừa nhận thực tế khi cảm thấy một điều xấu xa nhất đang sắp xảy ra. Tiếp tục thách thức với lo âu, và nói với chính mình rằng tôi có thể vượt qua một cách thành công. Bất cứ điều gì khiến phải lo lắng, nếu nó được đánh giá, phân tích, hoặc không quá bi quan đặt nặng vấn đề đều có thể có khả năng đem lại cơ hội chiến thắng nỗi sợ hãi đó. Tóm lại, để tìm ra những nguyên nhân đang làm ảnh hưởng cuộc sống, chúng ta phải bình tĩnh thừa nhận những suy nghĩ tiêu cực khi có những điều bất lợi hoặc phiền não xảy ra. 

    3. Cultivate An Optimistic Outlook (Tập cái nhìn tích cực) 

    Lo âu thường hướng dẫn suy nghĩ của chúng ta chú tâm vào những tình huống nhỏ nhoi. Suy nghĩ một cách tích cực cũng hành động giống vậy. Để thay đổi diễn tiến về suy nghĩ này, cần chú tâm vào những điểm nhỏ mọn đó, những thời khắc đặc biệt gây ra sự căng thẳng và rút ra những gì tốt có thể đến từ đó.

    Chấp nhận một tình huống trên quan điểm riêng mình, cũng có nghĩa là phải nhận ra nó trong bối cảnh tổng thể của cuộc đời. Sự căng thẳng này, hoặc sự lo lắng kia không kiểm soát cuộc đời bạn vì cuộc đời bạn lớn hơn bất cứ những điều nhỏ nhoi mà nó sẽ xảy ra. Điều này giúp hoặch định tốt hơn những gì cần để trực diện với những tình huống xấu trước mắt, biến đổi cảm xúc vô vọng thành một cái gì đó mà mình có thể kiểm soát được. Nó cũng cho phép nhận ra những tình trạng như thế để cảm giác vô vọng biến thành một cái gì có thể thay đổi, thay vì ném chúng ta vào bế tắc, vô vọng, và qụy ngã.  

    4. Take Time for Yourself (Dành thời giờ cho bạn) 

    Não bộ cũng cần những khoảnh khắc thư dãn. Khi thường xuyên giải quyết những lo âu, chúng ta cần một chỗ tĩnh lặng để giúp mình trốn thoát một cách tâm lý. Đọc sách, đi bộ, yoga, suy niệm (thiền) tất cả cho phép tâm trí những giây phút rong chơi mà không phải lo lắng. 

    Thư dãn và giải trí là chìa khóa để đạt mục đích cho một đời sống đầy đủ và quân bình. Cuộc nghỉ ngơi tâm thần này không phải là thứ mà chúng ta cần có một hay vài tuần mỗi năm. Đối với lợi ích đầy đủ từ một cuộc thư giãn tinh thần, phải có nó trong lịch sinh hoạt hàng ngày cũng như hàng tuần của mình. Mỗi ngày nên có ít phút riêng tư cho chính mình, và mỗi tuần cũng phải dành ít phút như vậy để thư giãn và nghỉ ngơi cho tâm hồn. Đây cũng là một hình thức tâm linh trị liệu: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mark 6:31)

    Nghỉ ngơi hay thư dãn tinh thần có thể là cái gì xa xỷ và không cần thiết đối với những người bận bịu với những lịch trình sinh hoạt dầy đặc. Tuy nhiên, dù chỉ là một thời khắc thư giãn để nghe một bản nhạc, tập yoga, ngồi thiền, suy niệm cũng có thể khiến đầu óc ra khỏi những suy nghĩ bận rộn. Nó sẽ chặn đứng những lo lắng không cần thiết để thăng hoa giá trị cuộc sống. Giảm thiểu căng thẳng trong đời sống là sống một lối sống lành mạnh.

    5. Create An Anti-Anxiety Toolbox (Bảng kiểm tra chống lo âu)

    Cách tốt nhất để đương đầu với những lo âu, buồn phiền khi không có phương tiện gặp một bác sỹ tâm lý, bác sỹ tâm thần, hoặc uống thuốc tâm thần là tự kiểm soát chúng. Sau đây là Bảng kiểm soát có thể giúp kiểm điểm tâm lý và thái độ mỗi khi gặp lo âu hoặc thử thách:  

    a-Đặt vấn đề. Khi nhận thấy mình trong tình trạng bất ổn, lo âu, hoặc sợ hãi, hãy đặt ra một số câu hỏi để giúp mình vượt qua. Thí dụ: Điều gì đang xảy ra với tôi đây? Nó ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Tôi có thể vượt qua nó được không? Đâu là câu trả lời thực tế cho tôi trong trường hợp này? Có những tình huống xấu nhất như vậy đã xảy ra trước đây chưa? Và tôi đã làm gì để thắng vượt chúng?

    b-Hành động. Khi thấy mình rơi vào những lo âu, tôi đã hành động thế nào? Cầu nguyện, uống thuốc, đi dạo, nghỉ ngơi, hoặc nói chuyện, chia sẻ với bạn bè thân quen. Một cách đơn giản khác nữa như viết nhật ký, nghe nhạc, vẽ hoặc dùng những câu danh ngôn tích cực để tự khích lệ mình. Thí dụ, “Sông có khúc, đời người có lúc.” “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai.” (Phan Bội Châu). Trong Thánh Kinh, Đức Giêsu cũng đã dạy: “Ngày mai để mai lo. Sự khó ngày nào đủ cho ngày nấy.” (Mt 6:34)   

    c-Giữ gìn sức khỏe. Kiểm soát sức khỏe thể lý. Khi cơ thể cảm thấy khó chịu như tim đập loạn nhịp, khó thở, tiêu hóa không đều, tê chân hoặc tay... Trong những trường hợp này, tôi có dùng thuốc hoặc những phương pháp trị liệu thể lý cũng như tâm lý không? Ăn uống điều độ, tập thể dục thường ngày, ngủ nghỉ đầy đủ, và tất cả những gì cần cho sức khỏe như thế nào? Sức khỏe tâm lý ảnh hưởng sức khỏe thể lý cũng như sức khỏe thể lý ảnh hưởng sức khỏe tâm lý. Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện (mens sana in corpore sano).   

     LY CHANH ĐƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI

    Bất hạnh trong cuộc đời là điều không ai muốn xảy ra, nhưng nó lại là một thực tế luôn gắn liền với kiếp người. Như vậy chẳng lẽ chúng ta đành bó tay nhìn đời mình đi vào những ngõ cụt tăm tối? Để đối phó với những tình trạng như thế, điều cần thiết nhất là phải tìm ra sứ điệp của những bất hạnh ấy. Chúng muốn nói với mình điều gì. Nếu không mạnh dạn “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, thì ít nhất “khi đời cho ta một trái chanh, hãy dùng nó để vắt lấy một ly chanh đường.” [5] 

     

    _________

     

    1. Chữ nhàn. Nguyễn Công Trứ, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1983.

    2. Lòng dục vọng của con người.

    3. https://www.psycom.net › depression.central.grief.html

    4. https://www.intrepidmentalhealth.com › blog › 5-ways-…

    5. "When life gives you lemons". Theidioms.com. The Idioms. Retrieved June 16, 2020.

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - LỜI CHÚC TẾT MỚI MẺ

  •  
    Chi Tran

     
     
     


    NĂM MỚI: SÁU CÁCH ĐỂ NÓI KHÁC

    NHỮNG CÂU CHÚC TẾT QUEN THUỘC

     

    Cuối năm người ta có phải gửi những lời cầu chúc không? Người ta có cơ hội để quan tâm đến những người ở xa hơn, và làm sâu sắc thêm mối tương quan với những người thân yêu của chúng ta không?

     

    Nhân dịp năm mới, chính Đức Thánh Cha đã trình bày những lời chúc mừng của mình bằng nhiều thứ tiếng nhất có thể để mọi người có thể đón nhận. Một cuộc điện thoại hay một tấm thiệp đơn giản gồm vài chữ được viết một cách tế nhị có thể làm dịu đi nỗi cô đơn, ngay cả khi nó không thể thay thế một cuộc thăm viếng. Đặc biệt là vì sự quan tâm này có thể là một trong số ít những sự quan tâm nhận được trong năm.

     

    Đầu năm mới người ta thường không đi chệch khỏi những câu chúc Tết quen thuộc muôn thuở. Nhưng làm thế nào để không rơi vào những công thức có sẵn như  “chúc mừng năm mới” và  “chúc những gì tốt đẹp nhất”?

     

    Sau đây là một vài cách để làm cho phong tục này đơm hoa kết trái nhiều hơn.

     

    Anne nói, “Đối với tôi, đó là một cách để hiện diện trong cuộc sống quá nhiều công việc của chúng ta. Chúng ta có thể làm điều này mỗi năm một lần, phải không?”

     

    Nhận thức được rằng không thể giới hạn mong muốn của mình dành cho một nhóm bạn bè khép kín, năm nay Stéphane đã chọn ngỏ lời với "kẻ thù tốt lành" của mình.

     

    Còn Julie thì quyết định viết thư cho chồng, cha mẹ và các con của mình: “Chúng tôi dành quá ít thời gian để nói với họ rằng chúng tôi yêu thươnghọ, và đôi khi điều đó còn khó khăn hơn vì ở gần nhau”.

     

    Vì vậy, năm nay, tại sao bạn không dành thời gian để tự hỏi mình sẽ gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến ai trước hết?

     

    1/ Nói điều tốt lành – dẫn tới làm điều tốt lành.

    Nhà tâm lý học Yves Boulvin viết: “Mối quan hệ của chúng ta với nhau thường bị chi phối bởi cãi vã, chỉ trích, phán xét, lên án hơn là chúc phúc, cởi mở cõi lòng.” Tìm lại ý nghĩa sâu xa của lời chúc, có nghĩa là mong ước điều tốt lành cho người kia, nói về điều tốt lành của người khác (benedicere trong tiếng Latinh, nghĩa mặt chữ là "nói tốt"). Đó là đi vào lý lẽ của tình yêu, trong đó ta nhìn thấy những điều tốt, những điều đẹp đẽ, mặt tốt của mỗi người và cảm ơn nhau vì điều đó.

     

    Đề cập đến phẩm chất hoặc bày tỏ lòng biết ơn đem lại những kết quả chắc chắn: “Những lời chúc phúc đem lại tốt lành cho tâm hồn”, tu sĩ dòng Biển Đức Anselm Grün đảm bảo như thế.

     

    2/ Hãy chúc phúc cho nhau

    Đức Trinh Nữ Maria, trong cuộc viếng thăm, được chúc phúc trước hết bởi bà Êlidabét, là người đã nhìn thấy nơi Mẹ mầu nhiệm của người phụ nữ và người con mà Mẹ đang mang trong mình. Một cách diễn tả không chỉ dành riêng cho một người phụ nữ ưu tuyển về mặt tâm linh, vì mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban phúc lành. Nếu Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta cách hoàn toàn nhưng không, thì tất cả chúng ta đều có thể chúc phúc cho nhau. Và do đó, chúng ta trở thành một nguồn phúc lành, cũng nhiều như những người khác dành cho chúng ta.

     

    Trong truyền thống Kitô giáo, lời chúc phúc luôn đi kèm với một lời nói. Qua lời nói của mình, tôi bày tỏ với người này những gì Thiên Chúa có thể ban cho người ấy, cách Thiên Chúa nhìn người ấy và ý nghĩa của người ấy đối với Ngài. Phúc lành vượt xa lời nguyện giúp cầu thay, phúc lành đó là để khẳng định “Bạn được Thiên Chúa yêu thương, bạn là quý giá đối với Ngài”.

     

    3/ Sử dụng từ ngữ cá nhân

    Dũng nói: “Khi tôi viết thư hoặc gọi điện vào thời điểm tôi muốn, tôi cố gắng ghi nhớ điều mà người nhận thư của tôi mong muốn nhất.” Sử dụng từ ngữ cá nhân ảnh hưởng nhiều hơn so với các công thức làm sẵn, với điều kiện là những từ này được lựa chọn cẩn thận, bởi vì những từ này tạo ra mối tương quan với người kia.

     

    Cách thức mà các từ được xây dựng cũng quan trọng như nội dung của chúng. Không cần phải viết dài, mà chỉ cần, càng gần càng tốt với những gì người kia mong đợi, mà không cần biết mục tiêu đã đạt được hay chưa. Một cách để học từ bỏ, một hành vi trao ban nhưng không. Điều gì sẽ đem lại sự tốt lành cho người khác? Đâu là khát mong của người ấy? Vì vậy, những lời chúc, ngoài công thức lịch sự, sẽ thể hiện một tình cảm dành cho người ấy.

     

    Đôi khi, một câu trả lời xác nhận tính chính xác của những nhận xét, “như người bạn này đã gửi cho tôi một lời ngắn ngủi mà tôi không ngờ tới, Sophie giải thích: “Những gì bạn nói với tôi khiến tôi hạnh phúc và do đó làm sáng tỏ những điều mà tôi cảm thấy tôi không biết làm thế nào để nói chúng thành lời”.

     

    Thật không may, những lời chúc chứa đầy ý định tốt có thể không thành công, hoặc thiếu tế nhị. Để tìm ra những từ thích hợp, Stéphane tâm sự, “Tôi cầu nguyện trước Thánh Thể, và xin Chúa Thánh Thần soi dẫn tôi bằng cách nghĩ đến từng người một”.

     

    4/ Đồng ý bày tỏ cảm xúc của bạn

    Lời cầu chúc chân thành đòi hỏi phải mạo hiểm để bày tỏ cảm xúc sâu sắc của mình, sao cho bản thân mình nhìn ra sự thật, nhờ đó bản thân mình được yêu thương. Những cảm xúc này có thể được thể hiện trong các ghi nhận khác nhau: tình bạn, lòng biết ơn đối với những khoảnh khắc ân sủng, sự cảm thông đối với những người đang trải qua thử thách, nối lại mối ràng buộc đã bị cắt đứt, cầu xin sự tha thứ, trong mọi trường hợp, đều là dịp để bày tỏ và sống tình bác ái. Chúng thúc đẩy một cuộc gặp gỡ đích thực.

     

    Đối với Anne-Charlotte, một người mẹ sống ở miền Đông nước Pháp, xa với bạn bè của mình, “Đó là một cách chia sẻ những gì chúng tôi đang sống cùng nhau mà vẫn để cho bạn mình sống trọn vẹn cuộc sống họ, tôn trọng những gì họ đang sống”.

     

    5/ Cầu chúc sự thật

    Việc tạo ra những lời cầu chúc không đồng nghĩa với chuyện một năm mới sẽ thoát khỏi mọi đau khổ, mọi khó khăn. Chúng ta chỉ có thể hy vọng chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy ra với sự tin tưởng, và tin rằng Chúa đang chờ đợi chúng ta sống những điều đó cùng với Ngài. Anne-Charlotte nói: “Đối với chúng tôi, những Kitô hữu, đây có thể là một cơ hội để coi năm mới này như một sự chào đời mới, như một đứa trẻ mong đợi mọi thứ”.

     

    Ước gì chúng ta bày tỏ ước muốn của mình không theo kiểu của những người chủ trương duy thắng lợi, nhưng trong an bình, như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói, “Chúng ta cũng được linh hoạt bởi ý thức rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể thỏa mãn những khao khát sâu xa của mỗi trái tim con người, và trả lời những câu hỏi nan giải nhất về đau khổ, bất công và sự dữ, về cái chết. và thế giới bên kia ” (1) 

     

    6/ Làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa

    Để quay trở lại những ngày đầu của truyền thống, chúng ta phải quay trở lại xa hơn thời Cổ đại, nơi người La Mã ném những con chim lên đỉnh Điện Capitol để mang theo mong muốn của họ đến biên giới của Đế chế. Vào ngày đầu năm, phụng vụ Thánh lễ nối lại lời chúc lành của Thiên Chúa trên Aaron của hơn ba nghìn năm trước, kết thúc bằng câu: “Nguyện Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Thiên Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Dân số 6: 22-27). Trong bản văn nguyên thủy, việc kêu gọi ba lần danh Thiên Chúa bảo đảm cho dân Israel về sự hiện diện của Thiên Chúa của Giao ước, là nguồn cội mọi phúc lành.

     

    Khi chúng ta chúc lành cá nhân cho riêng ai đó, lời nói của chúng ta phải thể hiện sự dịu dàng của người mẹ dành cho chúng ta, là điều cần phải tiếp tục cho đến tận cùng thời gian.
     
    Phêrô Phạm Văn Trung
    chuyển ngữ từ famillechretienne.fr.

    [1] Bài giảng tại sân vận động Bentegodi ở Verona, Ý, thứ năm, ngày 19 tháng 10 năm 2006, nhân chuyến thăm mục vụ của ĐGH Biển đức XVI tới Verona nhân dịp Đại hội Toàn quốc Giáo hội Ý lần IV.

    ------------------------------------