6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - ĐỐ VUI CHUC TẾT

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TẬP THÓI QUEN TỐT

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Wed, Dec 30 at 12:23 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    NHỮNG THÓI QUEN GIÚP CHO NĂM MỚI
    TỐT ĐẸP VÀ THÁNH THIỆN
    Hãy cho đi thứ mà bạn yêu thích. Bạn có thể tặng những thứ bạn không dùng đến, nhưng thỉnh thoảng hãy tặng một món đồ bạn yêu thích.
    Khởi sự năm 2021 với những bước chân thiêng liêng đúng đắn.
    Tạm biệt năm 2020, một năm nhiều khó khăn. Nhưng năm 2020 này thực ra lại mạnh mẽ thúc đẩy ta tìm ra một giải pháp tốt đẹp cho Năm Mới 2021. Và tốt đẹp, có nghĩa là thánh thiện. Thế giới luôn khiến chúng ta thất vọng - nhất là vào năm 2020 - nhưng chúng ta biết rằng Chúa luôn có những điều tốt đẹp dành cho chúng ta.
    Hãy đặt ra những mục tiêu để cải thiện bản thân trong thế giới này - chẳng hạn như tập thể dục hoặc bỏ hút thuốc - nhưng rồi sau đó, hãy đi sâu hơn nữa, đi sâu vào tâm hồn và xem xét các phương cách để phát triển mạnh mẽ và gần gũi hơn với Chúa vào năm 2021.
    Tạo ra những thói quen thánh thiện chính là điều đã thôi thúc tôi viết ‘Holy Hacks’: ‘Phương Thế Hằng Ngày Sống Đức Tin và Vào Cõi Thiên Đường’ để mở rộng khả năng nên thánh trong ngày sống. Làm như thế, ta sẽ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong suốt năm 2021 vì các hành vi mới sẽ dễ dàng trở thành thói quen. Dưới đây là một số ý tưởng:
    1. Đáp lại những quà tặng. Khi sử dụng một món quà, hãy đọc ngay một kinh cho người tặng quà. Ví dụ, tôi đọc ngay một kinh Kính Mừng cho người đã tặng cho tôi một cây phong mỗi khi tôi tưới cây này. Khi sử dụng quần áo hoặc đồ trang sức do ai đó tặng cho bạn, hãy đọc một kinh cho người đó.
    2. Cầu nguyện ngẫu nhiên. Chọn ai đó để cầu nguyện cho họ trong suốt một ngày. Đó có thể là một chính trị gia mà bạn nghe thấy đang cổ vũ cho việc phá thai, hoặc một người nào đó trong một chiếc ô tô chạy ngang qua, hay một người mua sắm trong tiệm tạp hóa. Nếu ai đó cản trở bạn trong giao thông, hãy cầu nguyện cho họ, và cơn giận của bạn sẽ dịu đi – nhờ thế cả hai cùng được ơn phúc.
    3. Gặp Chúa Giêsu thường xuyên hơn. Hẹn hằng tuần đến thăm Chúa Giêsu nơi Nhà Tạm. Bạn càng dành nhiều thời gian cho Chúa Giêsu, thì Ngài càng có thể cho bạn nhiều ơn hơn.
    4. Dội lại. Thuở còn thơ bé, chúng tôi hay nói: “Tôi là cao su, còn bạn là keo dán; bất cứ điều gì bạn nói đều dội lại từ tôi rồi dính vào bạn.” Hãy nhớ Chúa nói với ta: “Ta là Chúa, và Ta đã dựng nên ngươi; bất cứ điều gì ngươi làm cho người khác, điều đó sẽ quay trở lại với ngươi”. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7,2)
    5. Trở nên vô hình. Hãy tìm kiếm những cách thế vô hình để làm điều tốt. Ví dụ, bỏ qua một chỗ đậu xe tốt gần cửa ra vào và cầu nguyện cho người sẽ đậu xe ở chỗ bạn đã nhường cho họ. Vào siêu thị, hãy xếp một giỏ hàng nào đó vào đúng chỗ cần thiết và cầu nguyện cho người đã bỏ nó ngổn ngang, đồng thời cầu nguyện cho người sắp sử dụng nó. “Bấy giờ, Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 6).
    6. Đọc Lời Chúa. Đặt một cuốn Kinh Thánh ở nơi nào đó thuận tiện và mở nó ra đọc mỗi ngày một lần.
    7. Gọi cho người quản lý để khen ngợi nhân viên của họ. Khi bạn nhận được một dịch vụ tốt từ một nhân viên, hãy gọi để báo cáo điều này cho người quản lý của nhân viên ấy. Đó sẽ là một ngày đẹp cho nhân viên này. Rồi hãy thêm lời cầu nguyện cho họ.
    8. Cầu xin Chúa sắp xếp chỗ ngồi và các cuộc trò chuyện của bạn. Tôi đã biết những người (và cả bản thân tôi nữa) có những trải nghiệm đáng kinh ngạc khi cầu xin Chúa sắp xếp những người đến ngồi bên cạnh tại các sự kiện hoặc trên máy bay, và chỉ đạo các cuộc trò chuyện này (ngay cả khi giãn cách xã hội). Hãy thử làm như thế, và tôi chắc chắn là bạn sẽ rất ngạc nhiên về những sắp xếp tuyệt diệu của Chúa.
    9. Chay kiêng hằng ngày. Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ. Để làm cho việc nhịn ăn thành một hy sinh mỗi ngày, hãy bỏ qua một món ăn nào đó đã được dọn ra trong bữa ăn: Bỏ qua khoai tây chiên hoặc nước sốt cà chua hoặc không phết bơ lên ​​bánh mì…
    10. Tận dụng lúc phải chờ đợi. Bạn sẽ làm gì trong khi chờ đồ ăn chín dần trong lò vi sóng hoặc chờ ai đó trả lời điện thoại? Hãy biến những khoảnh khắc chờ đợi vụn vặt ấy thành những lời cầu nguyện.
    11. Kết thúc giao dịch mua bán với một lời nói bất ngờ. “Cảm ơn và chúc một ngày tốt lành”: Câu nói ấy bình thường đến nỗi nhân viên thu ngân hầu như không nghe thấy. Với biểu cảm chân thành, hãy thử nói khác đi: “Cảm ơn và cầu Chúa phù hộ cho bạn”. Họ sẽ cảm nhận được lời nói đó của bạn, và sẽ mỉm cười rồi đôi khi đáp lại: "Chúa cũng phù hộ cho bạn!"
    12. Hãy biến còi báo động và đèn nhấp nháy của xe cấp cứu thành tín hiệu nhắc ta cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho người đang cần chiếc xe cấp cứu ấy, cũng như cầu nguyện cho bất kỳ ai đang gọi cảnh sát. Vì bất cứ lý do gì, họ cũng đang cần có thêm lời cầu nguyện.
    13. Quên mình. Khiêm tốn sẽ dẫn đến thánh thiện. Vì thế, hãy tránh sửa lỗi người khác nếu không cần thiết. Hãy xếp mình ở chỗ chót hết. Hãy cảm ơn Chúa về sự thất bại, và xin Ngài đưa ta đến những nơi Ngài muốn.
    14. Hãy nói chuyện với những người không ai trông thấy. Hãy tìm hiểu vị thánh được mừng trong ngày và xin ngài cầu nguyện cho bạn.
    15. Hãy cho đi thứ mà bạn yêu thích. Bạn có thể tặng những thứ bạn không dùng đến, nhưng thỉnh thoảng hãy tặng một món đồ bạn yêu thích. Đó là sự khác biệt giữa lễ vật của Cain và Abel dâng lên Thiên Chúa.
    16. Hãy đeo Thánh giá – là chứng nhân thầm lặng cho tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giêsu.
    17. Hãy chay kiêng thêm chút nữa. Hãy dành một ngày không uống cà phê, không đeo đồ trang sức, không lên mạng xã hội, hoặc chay kiêng một thứ gì đó trong ngày này...
    18. Một ngày không phàn nàn. Mỗi tuần hãy dành một ngày không phàn nàn bất kỳ điều gì.
    19. Chúc phúc cho ngôi nhà. Hãy xin một linh mục đến ban phúc lành cho ngôi nhà của bạn trong năm 2021.
    20. Tặng quà bất ngờ. Hãy tha nợ cho ai đó; âm thầm biếu thẻ quà tặng hoặc cho tiền ai đó vào thời điểm họ gặp khó khăn; gửi bánh pizza hoặc bánh nướng đến: đồn cảnh sát, viện dưỡng lão, nhân viên bệnh viện hoặc một gia đình đông người…
    Chúc bạn Năm Mới 2021 hạnh phúc và thánh thiện!
    Patti Armstrong (NCR)
    Vi Hữu chuyển ngữ (T
     

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CACH DAY CON

  •  
    Hung Dao
     
    Mon, Dec 21 at 1:50 PM
     
     
     
     
     
    Subject: DOI SONG :Cách dạy con của người phương Tây khác phương Đông như thế nào?
     

    Cách dạy con của người phương Tây khác phương Đông như thế nào?

     
     

    Khác với các bà mẹ phương Đông thường chăm chút từng ly từng tí cho con, các bà mẹ phương Tây lại có phần “làm ngơ” các con của mình. Tuy nhiên, trẻ em phương Tây lại được đánh giá là khá ngoan và tự lập rất tốt.

    Tôn trọng con trẻ

    Tuy các con còn nhỏ nhưng các bà mẹ phương Tây không vì thế mà bỏ đi sự tôn trọng “nhỏ nhoi” đối với con mình. Khi đến chơi nhà bạn và được mời thức ăn, các bé được toàn quyền nói Có hoặc Không đối với món ăn đó. Rất ít khi các mẹ Tây ngăn cản con không được ăn (do sĩ diện hoặc e ngại làm phiền) hay ép con chọn món ăn được mời (để lấy lòng gia chủ).

    Ngoài ra, khi con mắc lỗi, hầu như bố mẹ không bao giờ quát mắng con nơi công cộng mà thường có những buổi “nhỏ to tâm sự”. Trẻ nhỏ với tính bắt chước cao cũng học theo sự tôn trọng này một cách vô thức và lâu dần hình thành thói quen tôn trọng người khác. Do đó, những trẻ được bố mẹ tôn trọng tỏ ra rất hợp tác với bố mẹ, hữu hảo với bạn bè, và không có cảm giác mất tự nhiên khi nói chuyện với người lớn.

    Để con “Tự phục vụ”

    Tuỳ vào khả năng của bé theo độ tuổi mà phụ huynh Tây phương thường “khai thác tối đa” khả năng tự phục vụ của con. Chẳng hạn, khi bé đã có thể tự ngồi và cầm nắm đồ vật, các bé sẽ được làm quen ngay với “bạn muỗng” và “bạn thân của bạn muỗng” là chén bột. Trẻ có thể ăn chưa khéo và múc lung tung cả lên hoặc thậm chí vục mặt vào chén bột nhoe nhoét.

    Các mẹ Tây luôn quan sát để đảm bảo an toàn tính mạng cho con (không sặc bột hoặc nghẹt thở), còn lại thì luôn để con “tự xử” trong khả năng của con. Trẻ con vốn có bản năng sinh tồn, sẽ biết cách xoay sở để “chiến đấu” với khẩn phần ăn của mình. Tương tự, bé lớn hơn một chút đã phải tự thay quần áo, mang giày,… mà hiếm khi có sự trợ giúp từ bố mẹ.

    Để con tự giải quyết vấn đề

    Đây là phương pháp “Nếu con ngã, con sẽ phải tự đứng dậy”, “Nếu con biết cách tự kích hoạt chế độ khóc, con cũng phải tự biết bấm nút ngừng khóc”.

    Các mẹ Tây ít khi dỗ dành con nín khóc như các mẹ Châu Á. Ngược lại khi con khóc, họ sẽ vẫn tiếp tục làm việc của mình cho đến khi trẻ ngừng khóc. Họ chỉ đến xem và kiểm tra bé có ổn không trong trường hợp bé khóc quá lâu hoặc đột ngột ngừng khóc. Đây là lý do các bé ít hờn dỗi và mè nheo như các bé Châu Á.

    Các bà mẹ Tây cũng thường để con tự giải quyết các vấn đề phát sinh với bạn bè hoặc anh chị em của bé. Nếu các trẻ tranh giành đồ chơi của nhau thì bé có thể tự chọn giải pháp hoặc chơi đồ chơi của mình một mình hoặc chấp nhận chia sẻ chung với bạn.

    Nhiều bé ban đầu cũng chọn giải pháp chơi một mình nhưng chúng nhanh chóng nhận ra sự buồn tẻ trong khi các bạn khác đang tíu tít chơi với nhau. Thế là chúng sẽ tự biết hoà mình vào niềm vui chung.

    Kiên nhẫn với con

    Một điểm dễ thấy khác ở trẻ con là chúng rất hay hỏi “Tại sao” và “Tại sao không”. Ngược lại với các mẹ Á Đông đôi khi chỉ trả lời qua loa hoặc ậm ừ qua chuyện, các mẹ Tây lại rất nhẫn nại trong việc giải thích cho con mình đến thoả mãn mới thôi.

    Khi con làm sai, họ luôn nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên định trong việc bảo cho biết “Không được” kèm lời giải thích cụ thể. Các mẹ Tây luôn kiên trì nói “Không được” cho đến khi đứa trẻ hiểu ra mới thôi.

    Hào phóng lời khen

    Trái với suy nghĩ khen con nhiều sẽ khiến chúng tự phụ, các mẹ Tây lại luôn cho con sống trong thế giới của những lời khen và động viên. Tuy nhiên, họ không bao giờ khen suông mà luôn hướng lời khen vào hành động cụ thể của con. Ví dụ, khi trẻ biết tự mặc quần áo, mẹ sẽ không bao giờ chỉ khen “Con mẹ giỏi quá” mà thay vào đó là, “Cô bé này biết tự mặc quần áo rồi đây. Cô ấy thật giỏi!”

    Mặc dù mỗi nơi đều có nền văn hoá riêng và phương pháp dạy con của các mẹ phương Tây chưa hẳn đã hoàn toàn phù hợp với quan niệm của người phương Đông, tuy nhiên các mẹ Á Đông vẫn có thể tham khảo để giáo dục con “nhàn” và hiệu quả hơn.

    HOA TỰ DO
    Chính nghĩa thắng gian tà       

     

    --
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH -ĐẠO BINH ĐỨC MẸ- GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN

Gia đình cầu nguyện

Cách đây ít lâu, tạp chí Reader’s Digest có đăng một bài báo tựa đề “thăm dò gia đình”. Bài này gồm 12 câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ. Một trong những câu hỏi đó như sau: “Hôm lễ Giáng Sinh, trong bữa ăn tối có mời khách, bạn có cảm thấy thoải mái, dễ dàng khi bạn yêu cầu bất cứ một đứa con nào của bạn đọc kinh không?”. Câu hỏi này khiến ta phải lưu ý tới một trong những vấn đề chính yếu phải quan tâm của mọi gia đình đó là đời sống cầu nguyện trong gia đình.

Đời sống cầu nguyện trong gia đình phải được thực hiện dưới ba hình thức khác nhau:

Trước hết là hình thức cầu nguyện riêng tư, cá nhân. Mỗi người trong gia đình cầu nguyện riêng với Thiên Chúa. Chẳng hạn người cha cầu nguyện trên đường đi tới sở làm việc. Người mẹ cầu nguyện khi chăm sóc đứa con sơ sinh bị đau. Các con trong nhà cầu nguyện trước khi đi ngủ. Có nhiều cách cầu nguyện riêng một mình.Có thể cầu nguyện bằng cách đọc kinh đã làm sẵn, chẳng hạn như kinh Lạy Cha, vừa đọc vừa suy gẫm những lời ta đọc. Cũng có thể cầu nguyện bằng Thánh Kinh bằng cách đọc một đoạn ngắn rồi suy gẫm những tư tưởng trong đó. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện bằng chính những lời lẽ của mình, tự do nói với Thiên Chúa những tâm tình từ trái tim mình.

Chúa Giêsu thường cầu nguyện một mình. Chẳng hạn Ngài cầu nguyện khi để Gioan tẩy Gỉa rửa tội cho mình tại dòng sông Giođan. Ngài cầu nguyện khi thi hành tác vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Ngài hay cầu nguyện ở trong các khu vườn.

Một trong những món qùa qúi báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là làm cho chúng biết yêu thích và thường thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không có cách nào thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính những gương sáng của mình.

Dorothy Day là một phụ nữ được báo New York Times gọi là “người có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử công giáo Hoa kỳ”, bà nói rằng một trong những hấp lực đầu tiên lôi kéo bà đến với đạo công giáo là khi còn nhỏ bà được nhìn thấy một người công giáo đứng tuổi đang cầu nguyện. Bà viết: “hôm đó vào khoảng 10 giờ sáng, tôi đến nhà Kathryn để thăm và để rủ cô ấy đi chơi. Lúc đó không có ai ngoài hành lang hay trong nhà bếp cả…Tôi bước đại vào nhà thì thấy bà Barrett đang qùi đọc kinh ở phòng ngoài. Bà quay lại bảo tôi rằng Kathryn và bọn trẻ đã đi ra cửa hàng mua đồ, rồi bà lại tiếp tục cầu nguyện. Thế là tôi cảm thấy có một niềm yêu thương ấm áp nẩy sinh trong tâm hồn tôi đối với bà Barrett”. Đó là một cảnh tượng thật đẹp, và tôi chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta cũng có thể kể những thí dụ tương tự về những người công giáo đã lớn tuổi đang cầu nguyện như thế.

Hình thức thứ hai của việc cầu nguyện trong gia đình là cầu nguyện chung: mọi người trong gia đình cầu nguyện chung với nhau. Chẳng hạn cầu nguyện lúc mọi người tề tựu chung quanh bàn ăn để dùng bữa hay lúc chuẩn bị đi ngủ, hay vào những lúc thuận tiện khác. Đức Giêsu thường cầu nguyện chung với gia đình Ngài. Người Do Thái đặt rất nặng việc cầu nguyện chung trong gia đình, đặc biệt vào các bữa cơm gia đình. Người Do Thái có một câu tục ngữ cổ nói rằng ai ăn mà không tạ ơn Thiên Chúa thì đó là người ăn cắp của Thiên Chúa. Đức Giêsu thường cầu nguyện trong các bữa ăn. Chẳng hạn Người cầu nguyện khi cho đám dân chúng đang đói được ăn no trên sườn đồi (Lc.9,16). Ngài cầu nguyện trong bữa tiệc ly (Lc.22, 19). Ngài cầu nguyện khi ăn chung với hai môn đệ làng Emmau (Lc 24,30).

Một lần nữa, ta có thể nói rằng một trong những món qùa qúi báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là làm cho chúng biết yêu thích và thưởng thức việc cầu nguyện chung cho gia đình. Trong tiểu sử của tướng Douglas Mac Arthur, Couttney Whitney có trưng dẫn một câu nói của ông: “Tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, tôi hãnh diện về điều ấy. Nhưng tôi còn hãnh diện hơn, hãnh diện hơn rất nhiều vì được làm một người cha…và niềm hy vọng của tôi là: Khi tôi đã về bên kia thế giới, thì con tôi vẫn nhớ đến tôi không phải với những hình ảnh ở trận chiến mà là những hình ảnh ở nhà tôi, khi tôi cùng đọc với nó bài kinh thường đọc hàng ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Cuối cùng là hình thức cầu nguyện với cộng đoàn, trong đó gia đình cầu nguyện với những gia đình khác, vào các ngày Chúa nhật. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng tổ chức được những buổi cầu nguyện chung cho nhiều gia đình như thế. Nhưng nếu các gia đình đều cố gắng thực hiện những điều đó, thì vẫn có thể tổ chức được dưới hình thức này hay hình thức khác. Chẳng hạn các gia đình công giáo ở gần nhau, trong cùng một khu vực, một xóm hay một làng, có thể cùng tụ họp ở một gia đình nào đó, luân phiên nhau nay nhà này mai nhà khác, để cùng cầu nguyện chung với nhau hằng ngày hay hằng tuần. Nhờ vậy các gia đình trở nên gần gũi nhau hơn, sự gắn bó và đoàn kết các gia đình trở nên chặt chẽ hơn. Thông thường hơn cả là các gia đình tụ họp chung tại nhà thờ họ đạo vào những giờ giấc nhất định trong ngày, chẳng hạn như vào các buổi tối, như một sinh hoạt bình thường của họ đạo.

Đức Giêsu thường cầu nguyện theo kiểu này. Ngài cùng cầu nguyện chung với các gia đình khác. Thánh Luca có viết trong Tin Mừng của ngài: “Đức Giêsu trở về Nazaret nơi Ngài sinh trưởng, hôm đó là ngày Sabat, Ngài đến hội đường (để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện ) như thường lệ (Lc. 4.16)

Lễ Thánh Gia hôm nay là một dịp để chúng ta tự vấn về chất lượng cầu nguyện trong gia đình của mình. Nói cụ thể hơn là chúng ta – cha mẹ, con trai, con gái- đã góp phần vào đời sống cầu nguyện trong gia đình như thế nào. Chúng ta hãy nhớ lại cách mà bài “thăm dò về gia đình” đặt vấn đề đối với các bậc cha mẹ: “hôm lễ Giáng Sinh, trong bữa ăn tối có mời khách, bạn có cảm thấy thoải mái, dễ dàng, khi bạn yêu cầu bất kỳ đứa con nào của bạn đọc kinh không ?” Nếu chúng ta trả lời không (nghĩa là không thoải mái dễ dàng), thì những bài đọc Thánh Kinh hôm nay là một sứ điệp quan trọng đối với chúng ta.

Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện bằng một bài kinh. Tướng Douglas Mar Artur viết bài kinh này khi ở Philippines trong những ngày mở đầu cuộc chiến tranh tại Thái Bình Dương. Mặc dù đó là bài kinh ông cầu nguyện cho các con trai ông, nhưng nó cũng thích hợp cho các thiếu nữ. Xin mọi người hãy im lặng và cùng cầu nguyện với tôi:

“Lạy Chúa, xin hãy ban cho đứa con trai của con được đủ sức mạnh để biết được lúc nào nó yếu đuối, đủ dũng cảm để đối diện với chính mình khi nó cảm thấy sợ hãi…Xin đừng để cho đứa con trai của con chỉ biết ước muốn mà không dám hành động…Xin Chúa đừng để nó đi vào con đường thích dễ dãi tiện nghi, nhưng hãy hướng dẫn nó đi vào con đường bắt buộc nó phải cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách.

“Xin hãy tập cho nó đứng vững trong bão tố, nhưng lại biết thông cảm với những ai gục ngã.

“Xin hãy ban cho đứa con trai của con có một trái tim trong sạch, có một mục đích cao cả, biết tự chủ lấy mình trước khi muốn làm chủ người khác, biết lo lắng cho tương lai mà không bao giờ quên qúa khứ.

“Và khi Chúa đã ban cho nó tất cả những điều ấy, xin Chúa hãy ban cho nó có đủ tính khôi hài để nó có thể luôn luôn nghiêm nghị nhưng không bao giờ nghiêm nghị một cách qúa đáng.

“Như vậy, là cha nó, con dám tự nhủ rằng con đã không sống một cách vô ích”.

Cha Mark Link, S.J.

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH -NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ

  •  
    Binh Huynh
     
    Sat, Dec 12 at 10:20 AM
     
     
    Những Món Quà Vô Giá Dành Cho Ông Bà Cha Mẹ!
     
    Huỳnh Quốc Bình

    … Con cháu nào biết dành thì giờ hỏi han cha mẹ, ông bà, và chịu khó lắng nghe những “tâm sự” của các cao niên thì mới thật sự là những món quà vô giá mà mình muốn dành cho các vị ấy trong những mùa lễ lớn…

    Đề cập đến việc quà cáp, người ta dễ dàng chú ý đến những gì có tính cách vật chất hơn là tinh thần, nhưng thực chất cho thấy, các món quà tinh thần thường mang nhiều ý nghĩa sâu đậm hơn vật chất. Nói như vậy không có nghĩa là người đang đói rét có thể no lòng hay ấm áp bởi những lời hỏi thăm theo kiểu lấy lệ hay chúc lành theo kiểu thiêng liêng như Thánh Kinh đã khuyến cáo trong sách Gia Cơ 2:16b “Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?”

    Vào những ngày lễ lớn người ta thường “đau đầu” vì không biết là mua quà gì tặng cho người thân hay bằng hữu mà có ý nghĩa nhất. Cho nên ở trên mạng lưới toàn cầu (Internet) có nhiều bài viết liên quan đến việc tặng quà. Nào là: Tặng quà cho bố mẹ bạn gái như thế nào? Chọn quà Tết cho bố mẹ vợ như thế nào để thể hiện thành ý của con rể? Quà biếu bố mẹ chồng nên chọn như thế nào cho ý nghĩa? Đau đầu chọn quà Tết cho bố mẹ vợ? Mua quà gì biếu Tết bố mẹ chồng và bên nội, bên ngoại xa gần của nhà chồng?… Nhưng tôi lại ít thấy hay không thấy người ta đề cập đến việc tặng quà cho cha mẹ ruột hay ông bà của mình.

    Người Việt mình có câu “của cho không bằng cách cho”, cho nên việc tặng quà cho người trên trước mà không đủ khéo léo, có khi đã tốn kém về vật chất nhưng còn bị tổn thương về tình cảm, chứ không phải chuyện tầm thường. Tôi đã từng học những bài học để đời chỉ vì mình nghĩ ai cũng dễ tính hay đơn giãn giống như mình. Nghĩ theo nghĩa tích cực thì dù sao đó cũng là cơ hội để tôi “học khôn”. Dù vậy, khổ nỗi “không có cái dại nào giống cái dại nào” như các cụ đã nói.

    Vợ chồng tôi có quen một bà Mỹ. Bà “than phiền” rằng, ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề rồi mà không biết mua quà gì cho mẹ của bà. Bà hỏi chúng tôi là có ý kiến gì không? Tôi mách với bà là hãy tặng cho mẹ bà “một cuộc thăm viếng”. Bà cười khi nghe tôi nói “khôi hài” như thế và bà cho biết rằng mẹ của bà ở tận bên miền Đông Hoa Kỳ còn bà đang ở miền Tây nên việc thăm viếng rất tốn kém. Mà bà ngại tốn kém cũng phải. Bởi với cái nhà gần mười phòng ở vùng Lake Oswego của Tiểu Bang Oregon thì nội trả tiền hằng tháng cho nhà băng cũng đủ để “tắt thở”. Theo lời tâm tình của bà thì một hay hai năm bà mới thăm viếng mẹ được một lần. Tôi nói “Nếu không thăm viếng được thì bà nên thường xuyên gọi hỏi thăm, trò truyện cũng là đáng quý”. Bà đã nói lời cảm ơn về sự khích lệ đó của chúng tôi.

    Sở dĩ tôi mách cho bà bạn Mỹ như thế là vì tôi cũng thường nhắc những người bạn thân hay quen thân của tôi, gồm những người có phước mà ông bà hay cha mẹ còn sống, là hãy thường xuyên thăm viếng các vị ấy nếu mình không may phải sống xa cách các đấng sinh thành. Chứ đừng chờ sau khi họ qua đời hay không còn biết gì nữa rồi đến thăm hay tham dự tang lễ với những lời than khóc, thì đã muộn.

    Tôi tin rằng những ai đang ở vị trí ông bà, cha mẹ, rất cần con cháu thăm viếng hay hỏi han hơn là chờ những món quà về mặt vật chất. Tâm lý cho thấy người cao niên có ai hỏi han, thăm viếng và chịu khó ngồi nghe họ nhắc chuyện dĩ vãng là họ vui lắm. Thông thường thì các con cháu hay người trẻ tỏ ra bực dọc vì ông bà cha mẹ của họ cứ thích nhắc chuyện quá khứ. Nghĩ cho cùng thì người trẻ còn có hiện tại và tương lai, riêng các cao niên với một quá khứ dù u ám hay vàng son đã qua, nhưng hiện tại thì “mịt mù” còn tương lai thì “đen tối”… Thì làm sao mà họ không tiếc nuối hay thích nhắc chuyện đã qua.

    Dù tôi không phải là thành phần “ăn không ngồi rồi” nhưng nếu có cao niên nào muốn kể cho tôi nghe chuyện quá khứ của họ, tôi sẵn sàng nghiêm chỉnh ngồi nghe. Tôi từng ngồi hằng giờ để trực tiếp nghe hay nghe qua điện thoại về quá khứ của những cao niên mà tôi quen biết. Tôi thích nghe để học hỏi và tôi cũng muốn nhân cơ hội đó tặng cho họ một món quà tinh thần mà tôi cho là “vô giá”, đó là lắng nghe người cao niên tâm sự chuyện đời của họ.

    Cao niên nào còn đủ đôi, đủ cặp, cho dù không có con cháu ở gần hay ở cùng thì cũng còn đỡ khổ, bởi “bên em đã có anh” hay “bên anh cũng còn có em”; chứ đối với ông bà cụ nào mà người bạn đời đã lìa trần, thì còn nỗi cô đơn nào khủng khiếp hơn? Cho nên con cái mà biết dành thì giờ thăm viếng ông bà, cha mẹ tức là họ đã “tiêm thuốc bổ” cho các vị ấy chứ không chỉ là những cuộc thăm viếng tầm thường.
    Con cháu nào biết nhớ đến ông bà cha mẹ mà mang quà đến tặng trong những lần thăm viếng là chuyện đáng khen, nhưng đáng khen hơn nữa nếu họ biết dành thì giờ hỏi han cha mẹ, ông bà, và chịu khó lắng nghe những “tâm sự” của người già, thì mới thật sự là những người con hay cháu có lòng hiếu thảo.

    Trong bài viết “Thái độ tạ ơn” tôi có đề cập rằng: Không ít người trong chúng ta cũng nhân thời điểm “Lễ Tạ Ơn” để tổ chức những bữa tiệc linh đình hầu “tạ ơn Chúa” hay “nhớ ơn Người” nhưng thực chất thì tinh thần biết ơn không mấy đúng nghĩa. Cũng có thể trong thời điểm chúng ta đang ăn uống no say thì ông bà, cha mẹ của của chúng ta đang ở một xó nào đó mà chúng ta không còn nhớ tới, hay họ đang nằm liệt giường trong bệnh viện, hoặc đang ngồi gục gặc, ngoẻo đầu trên chiếc xe lăn trong các việc dưỡng lão, mà con cháu vì bận tố chức “tạ ơn Trời” hay “cảm ơn Người” nên không còn thì giờ để ghé tạt vào thăm. Hoặc những người mà chúng ta từng thọ ơn họ một cách trực tiếp hay gián tiếp đã không còn trong trí nhớ của chúng ta, chỉ vì chúng ta đang bận tổ chức những buổi “tạ ơn Trời” hay “nhớ ơn người”.

    Khi tôi đề cập đến điều này rất dễ cho những ai không làm được điều đó có nhiều lý cớ để biện minh, nào là ở hải ngoại này ai cũng bận rộn đủ mọi thứ chuyện, chứ đâu phải giống bên Việt Nam. Ai có thì giờ đâu mà thăm viếng thường xuyên hay ngồi đó mà nghe chuyện “vô bổ” của đời xưa?

    Nếu độc giả nào mà được phước có ông bà cha mẹ còn sống như tôi đã nói, mà đọc đến đây nhưng lại không tin điều tôi nói thì hãy chịu khó cắt bài báo này rất giữ. Quý vị chờ sau khi ông bà hay cha mẹ của mình qua đời thì quý vị sẽ cảm được những gì tôi đề cập hôm nay.

    Trở lại chuyện quà cáp, một ông bạn thân của tôi cho biết là năm nào vào ngày Tết Nguyên Đán vợ chồng ông cũng nhắc các con mua quà tặng cho bên chồng hay bên vợ. Một ông bạn khác có hai cô con gái, vợ chồng ông cũng thường nhắc con mình thường xuyên thăm viếng nhà chồng và nhớ mua quà Tết cho nhà chồng, bởi đó là lễ nghĩa hay văn hóa của người Á đông hay của người Việt chúng ta. Vợ chồng ông giải thích rằng, quà cáp không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn mang nặng về mặt tinh thần, lễ nghĩa, yêu thương trong đó.

    Trước khi chấm dứt bài viết này tôi muốn kể quý độc giả nghe một câu chuyện thật 100%. Có lần tôi vào thăm một người bạn đang ở trong “Nursing home” tại miền Nam California. Nhìn Cụ Bà Việt Nam tuổi ngoài bảy mươi hay tám mươi, đang ngồi trên xe lăn, nên tôi đến gần chào hỏi. Sau đây là mẫu đối thoại giữa tôi và cụ:

    “Cụ ở trong này được bao lâu rồi?” Tôi hỏi.
    “Tôi ở đây khoảng ba bốn năm rồi”. Cụ trả lời.
    “Trông cụ còn minh mẫn quá mà tại sao phải vào đây? Chắc là cụ không có con cháu ở gần phải không?” Tôi dồn dập hỏi thêm.

    “Các gia đình con cháu tôi ở trong thành phố này. Gần lắm, chỉ cần năm mười phút lái xe thôi. Tôi bị tai biến, nên bị liệt nửa thân người, tôi không còn khả năng tự lo vấn đề vệ sinh cá nhân nên các con tôi phải đưa tôi vào đây”.

    Vì thấy cụ thân thiện, cởi mở, nên tôi nói tiếp những lời khích lệ: “Cụ còn có phước hơn nhiều người lắm, bởi các con của cụ ở gần, các anh chị ấy vào thăm viếng cụ dễ dàng hơn.”

    Nói xong câu nói đó tôi mới thấy mình bị hố, bởi tôi đã vô tình gây xúc động cho vị cao niên này. Bằng gương mặt buồn thảm và nước mắt lưng tròng, cụ đã nói với tôi trong nghẹn ngào:

    “Vâng, tôi biết mình có phước hơn những người không có con cái ở gần. Dù sao thì các con tôi mỗi năm chúng nó cũng vào thăm tôi vài lần trong những ngày lễ lớn…”.

    Tôi từng đọc một bài báo nói về một phụ nữ khoảng 65 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên không còn đi đứng và nói năng gì cả. Được biết cách đó 26 năm, hai vợ chồng bà cùng sáu đứa con di cư sang Mỹ. Cũng giống như mọi người, họ bắt đầu lại từ đầu, làm đủ thứ nghề để mong sao con cái được ăn học nên người. Thời gian qua mau, các con của họ đã thành đạt, có nhà cao cửa rộng. Thời điểm đó, chồng bà phát hiện bị ung thư gan, nên quyết định về hưu sớm, bán hết nhà cửa, xe cộ, gom hết tiền bạc dọn về ở gần với sáu đứa con, tiền bạc chia cho các con giữ hết. Chồng đã qua đời vì bệnh ung thư ở thời kỳ cuối. Bà cũng bị tai biến mạch máu não và được đưa vào nhà dưỡng lão từ đó tới bây giờ. Sau đó vài tháng, bà bị nhà dưỡng lão từ chối không nhận bà nữa nên đề nghị các con bà đem bà về nhà chăm sóc. Các con bà đều từ chối với lý do bận đi làm, không có thời gian chăm sóc mẹ. Điều “thê thảm” nhất khi bà bị Medical từ chối bởi cơ quan chính phủ có bằng chứng là bà từng có tài sản do chồng bà để lại dưới tên của bà ấy, nhưng thực chất thì tài sản đó đang nằm trong tay các con của bà. Đây là câu chuyện thật trớ trêu. Một người làm việc vất vả cả đời, nuôi đàn con khôn lớn nên người, mong về già để được thảnh thơi; vậy mà giờ đây, nhà của các con cháu không về ở được, mang tiếng có tiền mà không xài được, uất ức trong lòng nói cũng không xong.

    Không biết người đàn bà đáng thương này nằm trong viện dưỡng lão có được con cháu vào thăm viếng không, hay là vì quá bận nên con cháu của bà không thể vào thăm bà được, như đã nói?

    Tôi xin quý độc giả giúp cho tôi phần kết luận chứ tôi không còn ý gì để viết tiếp.

    Huỳnh Quốc Bình
    Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.