9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ

  •  
    Kim Vu

     

    THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ

    *VỊ THÁNH ĐẶC BIỆT - MỜI QUÝ VỊ ĐỌC KỸ BÀI NÀY NHÉ!

     

    Thánh Barnaba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái.  Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36). 

    Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Barnaba cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.  Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26).  Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37).  Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24).  Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).

     

    Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Barnaba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô.  Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26).  Thánh Barnaba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á.  Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem.  Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất đưa ra quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cho cả người Do-thái lẫn người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).

     

    Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Barnaba vì vấn đề liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy định của Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), cũng như vì vấn đề của Gio-an Mác-cô, em họ của Barnaba.  Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau.  Sau đó, Thánh Barnaba cùng với Thánh Mác-cô đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39).  Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, thì Thánh Barnaba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân.  Cũng theo truyền thuyết, Thánh Barnaba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I.  Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này.  Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài được phúc Tử Đạo với việc bị ném đá đến chết.

     

    Một số chuyên gia đã coi Thánh Barnaba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.  Có một bức thư mang tên Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng các sách Ngụy Thư.  Bức thư này muốn chứng minh những giáo thuyết của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi là thành phần của quy điển Tân Ước.  Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên nó không được công nhận là của Thánh Barnaba.  Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền.  Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn.  Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Barnaba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái.  Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.

     

    Tương truyền về việc Thánh Barnaba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn.  Nếu đúng thế thì Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp).  Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết ngay trên ngôi mộ của Ngài.  Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó.  Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Barnaba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài.  Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy.  Khi khai quật ngôi mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, lúc Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài với một cách thức hết sức trang trọng.  Trên ngực của Thánh Barnaba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Barnaba chép lại.  Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật.  Với việc đó, vị Tổng Giám mục của Giáo hội Sýp đã thành công trong việc thuyết phục nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Barnaba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó.  Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay.  Nguồn suối ấy được cho là có khả năng chữa lành cũng như có nhiều khả năng kỳ diệu khác, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da.  Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Barnaba.

     

    Các Thánh Tích của Thánh Barnaba đã được bảo quản và tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, cũng như tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).

     

    Từ năm 1530, Hội Dòng do Thánh Anton Maria Zaccaria thành lập đã đến đóng đô tại Tu Viện Thánh Barnaba ở Mi-lan.  Người ta cũng gọi Hội Dòng này là Dòng Thánh Barnaba.

     

    Vào năm 1521, người Pháp muốn đánh chiếm thành phố Logroño của Tây-ban-nha.  Nhưng sau hơn 6 tuần vây hãm, người Pháp vẫn không sao chiếm được thành phố ấy, nên đành phải rút quân.  Ngày lui binh của quân đội Pháp rơi đúng vào ngày 11 tháng 06 cùng năm.  Vì thế, ngay sau khi quân Pháp thoái triệt, Thánh Barnaba đã được thành phố Logroño nhận làm Bổn Mạng.  Trong ngày mừng Bổn Mạng của mình, người dân thành phố Logroño luôn sử dụng cá để làm món ăn chính, vì trong suốt hơn 6 tuần bị người Pháp vây đánh, dân chúng trong thành phố này đã sống sót nhờ vào việc ăn cá được bắt từ hồ Ebro.

     

    Ngay từ thế kỷ thứ IX, Thánh Barnaba đã được Giáo hội Rô-ma mừng kính vào ngày 11 tháng 06 hàng năm, nhưng các Giáo hội Phương Đông thì lại cử hành Lễ kính Thánh Nhân vào ngày 11 tháng 04.

     

    Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Anh giáo cũng cử hành Lễ Kính Thánh Barnaba vào ngày 11 tháng 06.

    Còn các Giáo hội Chính thống thì cử hành hai ngày để kính Thánh Barnaba, đó là ngày mồng 04 tháng Giêng và ngày 11 tháng 06.

     

    Riêng tại Giáo hội Armenia thì Thánh Barnaba được mừng kính tới 4 ngày, gồm: mồng 09 tháng 04, 11 tháng 06, 29 tháng 10, và thứ Năm sau Chúa Nhật Suy Tôn Thánh Giá.

     

    Giáo hội Cóp-tít cử hành hai ngày Kính Thánh Barnaba: 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

     

    Giáo hội Chính Thống Syria cử hành ba ngày kính Thánh Barnaba, gồm: 11 tháng 05, 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

     

    Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist

     

    --
     
    Download all attachments as a zip file
    • image002.jpg
      37.2kB
    • image001.jpg
      193.3kB
    •  
      THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ.docx
      211.6kB

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - TĨNH TÂM VỚI TIN MỪNG LUCA

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THẮC MẮC GIỚI TRẺ

  •  
    Chi Tran
     


    GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

    Bài 55: SỐNG CHIỀU SÂU

     

    Hỏi: Sinh viên chúng con muốn đi sâu, tìm hiểu sâu hơn về đời sống thiêng liêng, cũng như đi sâu vào đời sống xã hội một cách đúng đắn nhất. Chúng con phải làm sao?

    Trả lời:

     

    Bạn thân mến,

    Câu hỏi của bạn làm tôi ấn tượng bởi những tính từ mạnh mẽ như “sâu” (3 lần), “đúng đắn nhất,” đi kèm những động từ thể hiện sự quyết liệt như “đi (sâu)”, “tìm hiểu (sâu).” Hẳn là trong lòng bạn đang dấy lên một thao thức muốn được sống cuộc đời thật đầy đủ ý nghĩa. Bạn đang muốn dấn thân trọn vẹn cho niềm tin lý tưởng của mình.

     

    Thật ra không chỉ những sinh viên như bạn, tất cả mọi người nói chung đều có khao khát đó. Tuy nhiên, khác với những người có tâm hồn già nua, người trẻ thường năng động và nhạy bén hơn trước những điều mới lạ. Các bạn mong muốn được học hỏi thêm để hoàn thiện mình, dễ dàng mở lòng ra đón nhận điều hay lẽ phải, nhiệt tình mạnh mẽ dấn thân đấu tranh cho những gì mình tin tưởng.

     

    Là sinh viên, bạn có thuận lợi là được cung cấp khí cụ tri thức, được đào tạo trong môi trường học đường. Bạn có nhiều cơ hội vươn tới những chân trời mới, không chỉ là kiến thức, nghề nghiệp hay tiền bạc, mà còn là nhân cách, lẽ sống và lý tưởng của đời người. Phía trước bạn là một tương lai dài với những cánh cửa đang dần được mở ra, chờ đợi bạn bước tới. Tương lai đó hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng đầy cạm bẫy, rủi ro.

     

    Do vậy bạn muốn tìm ra cho mình một chìa khóa vạn năng để có thể bước qua những cánh cửa tương lai ấy một cách tự tin và vững vàng. Theo như từ ngữ bạn sử dụng trong câu hỏi đặt ra, tôi nghĩ rằng hành trang bạn cần không phải cụ thể là cái này hay cái kia, mà là cách tiếp cận có “chiều sâu” trong mọi thứ: từ đời sống thiêng liêng (tương quan với Thiên Chúa) cho đến đời sống xã hội (tương quan với tha nhân).

     

    Nói cách khác, bạn không cầu xin những bữa ăn được dọn sẵn nhưng bạn cần ai đó chỉ cho bạn nguyên tắc nấu nướng. Điều ấy giúp bạn có khả năng biến tấu tất cả mọi gia vị đắng cay mặn ngọt mà cuộc đời gửi đến cho mình thành những món ăn ngon, hoặc chí ít là dùng được. Nếu không hiểu nhầm ý của bạn thì tôi gọi nguyên tắc đó chính là “chiều sâu.”

     

    Bạn đủ khôn ngoan để nhận ra hậu quả của một lối sống hời hợt. Đó là lối sống chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất hay danh vọng chóng qua ở đời này, không có chiều sâu nội tâm và nhất là không hề thao thức về chiều kích thiêng liêng. Những người sống như vậy rất dễ bị bầm dập trước sóng gió cuộc đời. Vì cái họ theo đuổi không bao giờ đủ để đem lại cho họ hạnh phúc và bình an đích thực.

     

    Ví dụ, rất nhiều nhà có điều kiện nhưng con cái hư hỏng, thay vì chăm chỉ học hành đầu tư cho tương lai thì chúng lại sống buông thả, hưởng thụ, ỷ lại cha mẹ. Các em nghĩ rằng sống như vậy là sung sướng hạnh phúc nhưng đâu biết rằng đó là con đường dẫn đến ngõ cụt. Không chỉ có người trẻ mà người lớn cũng lâm vào tình trạng này. Nhiều người thay vì chăm chỉ làm ăn, vun đắp mái ấm gia đình, chăm sóc con cái hay giúp đỡ người khác thì lại chiều theo thú vui xác thịt, tiêu xài phung phí để rồi khi biết nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn màng. Theo suy tính khôn khéo của con người, họ được coi là những người nghĩ ngắn mà không nghĩ dài, hiểu cạn chứ không sâu, thấy gần mà chẳng thấy xa.

     

    Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện trên chính là một đời sống thiếu nền tảng, không có mục đích hay định hướng cuộc đời. Lỗi của họ không phải là do tìm kiếm vật chất hay danh vọng, nhưng là vì không biết dùng chúng như thế nào để vun đắp cho cuộc sống mình thêm ý nghĩa và để có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Cái nền tảng hay định hướng cuộc sống mà người ta đang cần đó vượt lên trên những gì họ có thể sở hữu ở đời này. Con người được đặt trong tương quan với Đấng siêu việt, quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Đó mới là cùng đích của đời mình.

     

    Bạn đủ trưởng thành để hiểu rằng dù có muốn thì bạn cũng không thể né tránh cuộc đời. Cách duy nhất là bạn phải can đảm bước tới đối diện những thử thách xảy đến với mình. Vì thế nên bạn mới thao thức về một đời sống có “chiều sâu,” vì cái sâu hơn thì chắc chắn sẽ bám chắc hơn, dù là trong lĩnh vực nào đi nữa. Bạn khao khát tìm cái sâu vì nghĩ rằng cái hiện tại vẫn chưa đủ sâu, chưa đủ vững chắc. Mà như thế nào là sâu? Như thế nào là cạn? Đâu là thước đo?

     

    Suy cho cùng thì “chiều sâu” mà bạn đề cập tới dường như không có giới hạn. Bạn càng đi sâu thì càng thấy những chân trời mới được mở ra mời gọi bạn khám phá. Nhất là bạn ở trong chiều sâu của mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Bạn sẽ không bao giờ đi đến tận cùng của “chiều sâu” mà bạn muốn. Tuy vậy khao khát ấy nâng bạn lên cao. Để rồi từ đó bạn sẽ nhìn về cuộc đời và nhìn về con người trong xã hội với con mắt khác:

     

    Bạn sẽ có được một cái nhìn bao quát hơn về mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời theo kế hoạch của Thiên Chúa. Để rồi bạn không chán nản thất vọng mỗi khi gặp điều không may.

     

    - Bạn sẽ thấy được tất cả mọi người đều đáng yêu mến và trân trọng. Họ và bạn là anh chị em của nhau trong Chúa.

     

    - Bạn sẽ bao dung hơn với lầm lỗi của người khác, vì bạn nhận thấy mình cũng bao lần vấp ngã nhưng được Chúa thứ tha.

     

    -Thêm vào đó, bạn sẽ không còn coi mình hay bất cứ tạo vật nào khác là trung tâm của vũ trụ nữa, nhưng biết quy hướng mọi sự về Thiên Chúa.

     

    Bởi vì “chiều sâu” này chính là thái độ sống của bạn. Nó là đôi mắt bạn nhìn về thế giới này. Thái độ này xâm nhập tất cả, chiếm trọn tất cả mọi chiều kích trong cuộc sống bạn. Do đó, khi bạn chỉ ra hai lĩnh vực mà bạn muốn sống có “chiều sâu” là đời sống thiêng liêng và đời sống xã hội, tức là bạn cũng đang hướng đến chiều sâu trong tất cả mọi sự rồi. Thực ra hai mảng này không thể dễ dàng tách rời nhau như bạn nghĩ. Không phải cứ thiêng liêng là hướng lên trời, còn xã hội là sống dưới đất.

     

    Là tín hữu, bạn được mời gọi phải hội nhất hay kết nối toàn bộ mọi chi tiết trong đời sống của bạn với Chúa. Nghĩa là bạn để Thiên Chúa chiếm trọn con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói cách khác, bạn phải sống thiêng liêng trong lòng xã hội, và sống đời sống xã hội một cách thiêng liêng. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của bạn đều phản chiếu chiều sâu thiêng liêng. Khi đó dường như không còn ranh giới giữa đời sống thiêng liêng và đời sống xã hội nữa.

     

    Dù có nhận biết và tin vào Thiên Chúa hay không, đời sống của mỗi người đều mang chiều kích thiêng liêng. Đời sống của con người không thể tách rời khỏi mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa và đều được Chúa yêu thương. Do đó, nơi mỗi người đều có một khao khát sâu thẳm là được tìm về với cội nguồn và cùng đích của đời mình.

     

    Hành trình tìm kiếm có thể được gọi theo ngôn từ của bạn là hướng về “chiều sâu.” Chỉ trong sâu thẳm nội tâm thì con người mới nhận ra ý nghĩa đích thực của đời mình, biết xác định những gì đáng để tìm kiếm. Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi sống trên đời này để làm gì? Rồi cuộc đời tôi sẽ đi về đâu?...

     

    Không ai có thể tìm ra câu trả lời rốt ráo cho những câu hỏi trên. Đó sẽ mãi là nỗi khắc khoải khôn nguôi của phận người. Chính vì chưa tìm thấy lời giải đáp thỏa mãn nên con người tiếp tục thao thức, tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục đi vào “chiều sâu.” Vì được đặt trong tương quan với Thiên Chúa nên dù con người có giới hạn nhưng vẫn luôn được mời gọi đắm mình trong “chiều sâu” của Thiên Chúa là Đấng không bị giới hạn.

     

    Xét từ thái độ đức tin, con người bước vào tương quan với Thiên Chúa ở các cấp độ “chiều sâu” khác nhau. Có người không tin có Chúa (vô thần). Có người tin có Chúa nhưng không phó thác đời mình cho Chúa. Có người khác nữa không chỉ tin có Chúa mà còn tin nơi Chúa. Tuy nhiên, khi nói tới “chiều sâu” là chúng ra đang nhìn ở khía cạnh con người, chứ thật ra ở trong Thiên Chúa thì mọi sự đều mang lấy chiều sâu của Ngài. Nghĩa là tất cả mọi tạo vật đều được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Ngay cả người sống tương quan với Chúa đang ở mức thấp nhất là vô tín thì họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và tìm cách mời gọi đi vào “chiều sâu” với Ngài trong hoàn cảnh sống của họ.

     

    Như vậy, một đời sống gắn kết Thiên Chúa trong tương quan tình yêu mang lại cho bạn đôi mắt biết nhìn nhận mọi sự vật, sự việc với “chiều sâu.” Đó cũng chính là yếu tố nền tảng để bạn đi sâu vào đời sống thiêng liêng cũng như đời sống xã hội. “Chiều sâu” này trước hết phải có tác dụng nơi chính bản thân bạn.

     

    Một người sống với Thiên Chúa trong chiều sâu thiêng liêng thì không thể không trổ sinh những hoa trái tốt đẹp trong cách họ tương quan với tha nhân cũng như với những tạo vật khác. Trong tương quan với tha nhân, một người yêu mến Chúa phải là người yêu mến tất cả mọi người. Cũng vậy, người yêu mến Chúa cũng phải là mẫu gương trong việc bảo vệ môi trường. Vì đó chính là ngôi nhà chung do Thiên Chúa dựng nên cho vạn vật sinh sống.

     

    Tin nơi Chúa không phải là một quan niệm hay nhận thức mà phải là một lối sống. Nói cách khác, tin nơi Chúa là sống nơi Chúa, với Chúa và cho Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy các cấp độ của “chiều sâu” thiêng liêng, đỉnh cao nhất là “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki–tô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Hiểu theo nghĩa như vậy thì sống có chiều sâu cũng đồng nghĩa với việc hoán cải, thay đổi đời sống của mình để ngày càng gắn kết mật thiết với Thiên Chúa hơn.

     

    Nếu bạn cần một mẫu gương về chủ đề này: đó chính là Đức Giêsu. Trong tương quan với Thiên Chúa, Ngài với Chúa Cha là một. Đó là sự kết hợp không thể nào “sâu” hơn được nữa! Chúng ta không phải là người ngoài cuộc trong mối tương quan tình yêu ấy. Như Chúa Giêsu đã chỉ ra một con đường và chính Ngài là con đường để chúng ta đi vào chiều sâu với Thiên Chúa:“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23).

     

    Chính sự gắn kết mật thiết với Chúa Cha chính là nguồn động lực và sức mạnh để Chúa Giêsu dấn thân sâu vào đời sống xã hội. Chúa Giêsu sống dấn thân trong xã hội không chỉ để hòa mình vào trong đó, nhưng còn là để soi chiếu cho mọi người thấy giá trị Nước Trời. Đó là nơi những gì nhỏ bé tầm thường, nơi những con người bị xã hội đối xử ghẻ lạnh. Chúa Giêsu mạnh mẽ lên án thói giả hình. Ngài ra tay bảo vệ kẻ cô thân cô thế, bênh vực người nghèo, chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn những người cần Ngài giúp đỡ.

     

    Ước gì chúng ta ngày càng tiến gần hơn đến một đời sống có chiều sâu. Mỗi ngày giống Chúa Giêsu một chút.

     

    (Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

    WHĐ (06.6.2022)

    Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

     

     
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ -SOV CATHOLIC BOOKSTORE

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - SOV CATHOLIC BOOKSTORE