9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - ĐỨC TIN NGƯỜI TU SĨ

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Fri, Aug 7 at 9:13 PM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    ĐỨC TIN NƠI NGƯỜI TU SĨ

     

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức tin của người tu sĩ không phải là một đức tin của phòng thí nghiệm, nhưng là đức tin đang trong hành trình”, tu sĩ được sai đi để loan báo Tin mừng của Vua Hằng Sống, làm men muối gọi mời tin yêu.

     

     

     Đi tu là một hành trình liên lỉ để nên giống Đức Giêsu Kitô và hơn bao giờ hết, hành trình ấy cần dựa trên  một nền tảng đức tin vững mạnh. Ta không thể đi theo một ai đó, nếu ta không tin vào những gì người ấy nói, hay sâu đậm hơn, không tin vào chính người ấy. Đã hẳn niềm tin là điều cốt yếu của mọi Kitô hữu, nhưng với người tu sĩ, các chiều kích của niềm tin càng đòi hỏi ở một mức độ mãnh liệt hơn, cứng cáp hơn và trưởng thành hơn. Trên con đường dâng hiến, tu sĩ được gọi mời dấn bước trong niềm xác tín vào tay Chúa dẫn đưa. Có như thế, họ mới dám lao mình về phía trước để hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người.

    Người tu sĩ cảm nghiệm được sức sống của hạt mầm đức tin ngay khi lời mời gọi “hãy theo Thầy” vang lên trong tâm hồn. Lời mời gọi ấy vô thanh vô sắc, không thể nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, không thể được kiểm chứng bằng máy móc. Làm sao người tu sĩ có thể xác tín là có một tiếng gọi như thế vang vọng đến mình, nếu họ không có niềm tin? Họ tin là mình được mời gọi. Họ tin là có một Đấng đang ngỏ lời với mình. Họ tin rằng Đấng ấy là Đấng đáng cho mình hy sinh tất cả để đi theo. Họ tin là khi theo Đấng ấy, mình chẳng mất mát gì nhưng còn được lợi gấp trăm triệu lần. Họ tin đến độ, dù phải đối diện với bao nhiêu thử thách, họ vẫn không nghĩ là mình sai.

    Từ đó, họ đi tìm, lần theo và xác tín vào tiếng gọi của Thầy Giêsu, một tiếng gọi có sức xoay chiều cuộc đời mình, để rẽ vào linh đạo dâng hiến. Ở đó, hạt mầm đức tin gặp được mảnh đất màu mỡ là tình yêu thương của Chúa, được tưới gội bằng làn mưa ân sủng từ trời cao, bắt đầu mọc lên những chồi non tươi tốt. Ngày từng ngày sống với Chúa, người tu sĩ càng xác tín hơn về những gì mình tin. Niềm tin ấy cứ vươn cao vươn mạnh, bất chấp bao cuồng phong kéo đến làm nó ngã nghiêng. Cho đến khi niềm tin ấy đạt đến một độ chín mùi cần thiết, người tu sĩ hân hoan cất lên lời tuyên khấn thuộc trọn về Chúa. Đó là hoa trái ngọt ngào của đức tin mà Thiên Chúa ban tặng cho họ thuở nào. Như vậy, càng xác tín vào tiếng gọi mời của Thầy Giêsu, người tu sĩ càng đủ sức để trọn vẹn dâng cả đời mình cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

    Cùng với niềm tin vào Thiên Chúa, hành trình hiến dâng của người tu sĩ cũng đi kèm với lòng trông cậy và tình mến yêu dành cho Ngài. Ai đã tin thì chất chứa hy vọng. Ai có thể hy vọng là vì họ có tình yêu. Tin vào lời mời gọi, người tu sĩ cất bước theo Giêsu. Hành trình đi theo ấy tuy lắm gian nan, nhưng không sao làm người tu sĩ chùn bước, vì lòng họ lúc nào cũng nuôi dưỡng một niềm hy vọng lớn lao vào ngày mai. Ngày mai ấy là ngày mà cánh đồng trổ bông nặng hạt, được gánh về với niềm hớn hở vui ca. Ngày mai ấy là ngày mà khắp nơi chẳng còn tiếng khóc than hay buồn phiền ai oán, nhưng chỉ là tiếng cười của ngày gặt bội thu. Ngày mai ấy, người tu sĩ sẽ cùng với Giêsu trở nên một với nhau, có một tình yêu sâu đậm nối kết mà không một thế lực nào, dù mạnh mẽ đến đâu, có thể ngăn chia được. Vì tình yêu ấy, họ sẵn sàng từ bỏ để hiến dâng, bước vào con đường thập giá, trở nên ngu dại và điên rồ vì yêu như Đấng mà mình yêu mến. Càng tin, càng hy vọng, tu sĩ càng nồng cháy lửa yêu để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

    Bằng một tình yêu và đức tin cá vị, tu sĩ sống trong sự hiện diện cụ thể của Thầy Giêsu. Họ trở nên những con người đáng tin và thật gần gũi. Một tu sĩ thánh thiện thì không lừa lọc ai, cũng chẳng bội tín hay vô ơn với người nào. Với một cuộc sống đơn sơ và giản dị, họ chan hòa với thế giới và được tha nhân mến thương. Họ không thích sự xa hoa lộng lẫy, hay chẳng mong quyền lực chức cao. Đã có được Giêsu, họ xem tất cả những điều này như cỏ rác. Điều mà họ mong mỏi là ngày càng trở nên giống hình ảnh một Giêsu rất mực yêu thương đàn chiên và sống chết cho đàn chiên ấy. Chính Tin Cậy Mến đã giúp cho người tu sĩ hiện thực hóa được điều này.

    Trở thành một dấu chứng khả tín về thực tại Nước Trời, người đi tu không thể bị đóng khung nơi khuôn viên nhà dòng. Cho dẫu sống đời chiêm niệm, cả đời sống trong dòng kín, người tu sĩ vẫn phục vụ Giáo Hội bằng những lời cầu nguyện tán dương Thiên Chúa thay cho nhân thế. Lời nguyện cầu của họ cũng có thể bay xa đến tận chân trời góc bể, thấm sâu vào lòng Giáo Hội và chạm đến được từng phận người. Nhờ đó, họ nên men muối ướp mặn thế trần. Người tu sĩ nào cũng phải mang trong mình tâm thức “loan báo Tin Mừng”, mà loan báo Tin Mừng cũng là làm lan truyền lòng tin cậy mến mà họ ấp ủ trong tim. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức tin của người tu sĩ không phải là một đức tin của phòng thí nghiệm, nhưng là đức tin đang trong hành trình”, tu sĩ được sai đi để loan báo Tin mừng của Vua Hằng Sống, làm men muối gọi mời tin yêu.

    Lạy Chúa Giêsu, sắp tới sẽ diễn ra Thượng HĐGM về giới trẻ, đặc biệt về tương quan giữa người trẻ, đức tin và ơn gọi, chúng con thiết tha cầu nguyện cho ơn gọi, xin Ngài ban thêm niềm tin cho những ai đang muốn bước vào đời tu, ban cho từng tu sĩ, sưởi ấm con tim của họ, giúp họ luôn tín trung và yêu mến Ngài đến cùng. Cho dù phải xông pha nơi biên thuỳ nguy hiểm, nhưng với đức tín son sắt, yêu mến nồng nàn và cậy trông vững vàng, các tu sĩ có thể nên giống Chúa Giêsu trong hành trình dâng hiến.

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J. (dongten.net)

     
     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - MỤC TỬ ĐẸP LÒNG CHÚA

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Thu, Jul 30 at 1:43 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    MỘT VỊ MỤC TỬ SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA

     

    Hôm nay – 24/07/2020 - lời ước hẹn xưa đã được thực hiện trong dịp lễ giỗ 100 ngày của ngài. Đức giám mục giáo phận, các linh mục trong và ngoài giáo phận đã hiện diện tại giáo họ Vô Nhiễm kinh C1 cùng mọi người trong giáo họ cũng như giáo xứ có liên hệ, và anh chị em linh tông huyết tộc dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Phêrô một cách trọng thể nhưng lại khác thường.

     

     

     

    Thánh lễ được cử hành một cách trọng thể bao nhiêu có thể như là bù đắp những điều đáng lý ra phải có cách đây 100 ngày. Và 100 ngày qua đi, mọi người đều có thời gian, điều kiện để suy ngẫm, để nhìn ra và sắp xếp những gì mà mình cần phải làm mà đền đáp công ơn cha cố Phêrô đã làm cho mọi người đặc biệt là trong Giáo Họ qua vai trò mục tử, hay là người hướng dẫn tinh thần…mà ai ai cũng cảm nhận được nơi cha cố Phêrô một hình ảnh quá ấn tượng, đó là một người mục tử rất thân ái, đơn sơ, giản dị…rất gần gũi với mọi người như bộc bạch của vị đại diện Giáo họ.

     

    Sự khác thường muốn đề cập đến ở đây là sự chia ly quá nhiều đau xót, thảm thương của ngày tiễn biệt cha cố ấy, mà vị đại diện Giáo họ đã không thể nào quên được hình ảnh của ngày hôm ấy: “Mọi người đến tham dự Thánh lễ An táng Cha Phêrô lúc 9g00' sáng thứ năm, ngày 16/04/2020, tại nhà thờ giáo họ Vô Nhiễm, phải đeo khẩu trang, phải rửa tay bằng dung dịch, phải ngồi cách xa nhau 2 mét, tuy nhiên còn rất nhiều người đi dự lễ Tang của Cha phải ngồi ngoài nhà thờ, ở những bụi cây có tán lá che nắng, vì lý do trong nhà thờ hết chỗ, lễ tang của Cha không tiếng kèn không tiếng trống đưa tiễn…”Buồn làm sao!!!

     

    Hôm nay không còn những tiếng khóc nức nở thương nhớ đong đầy như cách đây 100 ngày nữa, mà thay vào đó là những sự nhung nhớ tha thiết về một hình ảnh đầy thân thương trìu mến của một vị mục tử đã sống đúng như mong muốn của Đức giáo hòang Phanxicô khi ngài nhấn mạnh “ mang lấy mùi chiên ”. Điều này cũng có nghĩa là trở nên đồng hình đồng dạng với con chiên của mình, đặc biệt là tại Giáo Họ này, giống như Chúa Giêsu ngày xưa đã chạnh lòng thương xót mọi người đang tìm đến Ngài. Đúng như lời bộc bạch của vị đại diện Giáo Họ phác họa: “Đời linh mục phải luôn sống đúng lời khấn khó nghèo, như Cha đã khấn vâng lời, khiết tịnh. nhưng với Cha Phêrô ngài còn sống kham khổ hơn thế nữa, nếu ai từng đến Giáo họ Vô Nhiễm kênh C1 một lần vào những ngày bình thường trong tuần khó có thể nhận diện, phân biệt Cha với giáo dân trong giáo họ. Với thân hình nhỏ con hai lúa da ngăm đen, hằng ngày với một cái áo cũ sờn vai, xuống màu và đôi chỗ rách, một đôi dép lào cũ, đầu đội chiếc nón lá tay cầm cái xô đi câu cá rô ngồi đầu cầu nhà thờ, bụi rậm ven sông , rau và măng tre tự mọc xung quanh nhà xứ là những món ăn Cha thường dùng. Mãi đến năm 2016 Ông phó Đức xây dựng công trình nhà ăn tập thể dành cho GH, Cha Phêrô mới có một cái tủ lạnh để sử dụng dự trữ thực phẩm.

     

    25 năm đời linh mục không có người phụ bếp, mọi sinh hoạt thường ngày Cha đều tự lo, không có máy giặt, không có máy lạnh, Cha rất giản dị chỉ có một chiếc xe Honda City màu đỏ nghĩa địa để đi lại hằng ngày.

     

    25 năm LM Cha đã từng phục vụ ở các giáo xứ truyền giáo như: Giáo xứ Ông Chưởng, GX Cù Lao Giêng, GX Chợ Mới và cuối cùng là giáo họ Đức Mẹ Vô Nhiễm kinh C1, Cha rất mộc mạc giản đơn lạc quan, vô tư, ai gặp cha một lần cũng nhớ mãi…”

     

    Để rồi, hôm nay thay cho những tiếng khóc nức nở thương nhớ não nề ấy, mà thay vào đó là những lời cầu nguyện tha thiết cho cha cố Phêrô được Chúa thưởng cho người tôi tớ tốt lành đã sống đẹp như lòng Chúa mong ước, đúng như lời chia sẻ của Đức giám mục giáo phận “ Cha cố Phêrô là một linh mục nhiệt thành trong sứ mạng qua việc sống trọn một đời hết lòng vì con chiên”. Đồng thời qua đó, ngài cũng mời gọi mọi người hãy học theo cha cố Phêrô qua những nhân đức, gương lành ngài để lại để cho cuộc đời của mình được trở nên tốt đẹp ngay từ bây giờ. Có như thế, mới mong có ngày đạt kết quả tốt đẹp như hạt giống trong Tin Mừng được đọc trong thánh lễ hôm nay: Hạt được 100, hạt được 60, hạt 30… Vì cuộc đời của con người ở trần gian này chỉ như cơn gió thoảng qua, vì vậy, nếu không lo tìm kiếm Nước Trời thì cuộc đời này còn có ý nghĩa và giá trị gì?

     

    Và còn khác thường nữa, là sau thánh lễ mọi người từ khắp muôn nơi có dịp ngồi lại với nhau rất đầm ấm, thân thương, và cả vui vẻ trong bữa cơm thanh đạm để kể cho nhau nghe về những điều mà bản thân không thể nào quên được nơi cha cố Phêrô trong đó có cả con cháu và những người có liên hệ với cha cố Phêrô một cách nào đó…

     

    Những hình ảnh thật là đậm đà nét yêu thương sẽ để lại cho những người tham dự lễ giỗ 100 ngày cha cố Phêrô không thể nào quên được, nhất là những người em, người con, người cháu đang bước theo chân cha cố Phêrô sống đời thánh hiến, luôn nhận ra, những gương sáng đó không chỉ dừng lại nơi cha cố Phêrô, nơi giáo họ này hay những nơi cha cố Phêrô đã đi qua, mà sẽ đi vào chính đời sống thân thương của những người cùng dòng máu với cha cố Phêrô, vì như ông bà đã nói “ Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh..”.

     

    Đúng là như thế, cha cố Phêrô là một người mục tử đã phục vụ mọi người trong 28 năm dài, cụ thể nhất là tại giáo họ mà cha cố Phêrô đã gắn bó tới 11 năm đã làm cho biết bao người phải cảm mến mà trong lời chia sẻ của ông đại diện Giáo họ đã tóm tắt một phần nào. Hay nói cách khác, cha cố Phêrô đã phục vụ mọi người một cách hăng say, nhiệt thành đến như thế, vì cha cố Phêrô đã cảm nghiệm và có được một nguồn vui bất tận mà chẳng có ai ngờ, khi cuộc đời cha cố, đặc biệt là trong vai trò là người mục tử, Cha Cố đã nguyện một lòng thuộc về Thiên Chúa giữa mọi người, và cha cố đã thể hiện một cách đầy ấn tượng qua cuộc sống, điển hình là tại Giáo Họ này mà đến giờ chắc có nhiều người đã nhận ra:

    “ Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi

    Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn…” ( Tv 62,2)


    Thiên Quang sss

     

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - MÔ TÔ VÌ HÒA BÌNH

Sứ vụ nhân đạo bằng mô tô: “Mô tô vì Hòa bình”

“Mô tô vì Hòa bình” là tên dự án của một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2000 tại Ý. Các thành viên gồm lực lượng cảnh sát Ý và châu Âu. Họ là những người có chung niềm đam mê mô tô nhưng cũng yêu thích các hoạt động nhân đạo. Chính vì thế họ đã tập hợp lại, dùng đam mê của mình cho sứ vụ nhân đạo.

“Nhiên liệu” là niềm tin

Với nụ cười thân thiện, thoải mái và sẵn sàng giúp đỡ người khác, các thành viên của hiệp hội thi hành sứ vụ nhân đạo bằng mô tô dọc theo các con đường trên thế giới, gặp gỡ những người đau khổ, những người cần giúp đỡ, những người không còn hy vọng.

Các thành viên của Hiệp hội không sợ bụi bẩn của những đoạn đường ghồ ghề, không ngại điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở bất kỳ vĩ độ nào trên thế giới. Họ xuyên qua mọi biên giới: từ địa lý đến chính trị, từ xã hội đến tôn giáo. “Nhiên liệu” của họ là niềm tin, cùng với mong muốn đi du lịch và gặp gỡ người khác.

Cộng tác với Tòa Thánh

Từ năm 2018, những chuyến đi này có sự hỗ trợ về kinh tế, hậu thuẫn và hợp tác của Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện của Tòa Thánh, từ đó họ chọn lộ trình và nhiệm vụ cần đạt được. Hiệp hội cũng hợp tác với Bộ Truyền thông để phổ biến tin tức về các hoạt động của Hiệp hội nhằm thu hút nhiều người vào dự án nhân đạo này.

Sứ vụ cuối cùng trong năm nay bắt đầu từ Nam Mỹ đã phải kết thúc đột ngột do dịch Covid-19. Tại La Paz, Colombia, các tay lái mô tô đã phải từ bỏ lịch trình dài đi Peru, Bolivia, Paraguay, Argentina và Chile, với tổng số gần 14.000 km. Sáng kiến​​này phát sinh qua sự cộng tác của hai Bộ của Tòa Thánh, cùng với quỹ Populorum Progressio tài trợ cho một số dự án ở châu Mỹ Latinh.

Cuộc phiêu lưu bắt đầu vào năm 2000

Các cuộc phiêu lưu bằng xe máy bắt đầu vào năm 2000, với khoảng 140.000 km trong một năm. Những vùng khó khăn và thiệt thòi nhất trên thế giới đã được chọn để hỗ trợ các dự án nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, để bảo vệ và giáo dục trẻ em, và để cung cấp tài liệu giáo dục, bệnh viện và y tế cho người dân nghèo.

“Cầu nối châu Phi”

Sứ vụ đầu tiên là vào năm 2000 tại Capo Nord, Na Uy. Tiếp đến vào năm 2001 là Balkan. Sau đó vào năm 2002, những người lái mô tô này đã đi 15.000 km từ Roma đến Bắc Kinh để gây quỹ cho tổ chức phi lợi nhuận châu Á, hỗ trợ một phòng khám y tế nhỏ của Tây Tạng. Năm 2004, nhiệm vụ của Hiệp hội mang tên “Cầu nối châu Phi” với 10.000 km nhằm mục tiêu bảo đảm quyền giáo dục trẻ em qua việc sửa sang và cung cấp trang thiết bị cho một trường nội trú ở thị trấn Boumia, Marốc.

“Hành trình vì sự sống”

Năm 2005, đến lượt nhiệm vụ ở Tangier, cũng ở Marốc, 5.000 km được gọi là “Hành trình vì sự sống”, phối hợp với Hiệp hội Cảnh sát Quốc tế của Catalonia, Tây Ban Nha. Các thiết bị y tế và thuốc đã được tặng cho hiệp hội Al Boughaz. Cùng năm đó, một lịch trình cũng đã được thực hiện ở các tỉnh của Ý từ Trapani đến Aosta nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa hòa nhập cho mọi người.

Hành trình vì Trung Đông

Năm 2006, đến lượt sứ mệnh hòa bình Trung Đông. Hai xe cứu thương, thiết bị y tế và các thiết bị khác đã được chuyển đến chính quyền Libăng và trẻ em Palestine trong các trại tị nạn Sabra và Chatila và Dalal Al Moghrabi Kg ở Burj El-Barajneh ở Beirut.

Hành trình cho châu Mỹ

Năm 2007, nhiệm vụ hướng đến châu Mỹ, chính xác là trên đường con đường Pan-American, qua Venezuela, Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, Chile và Argentina với tổng số 16.000 km. Hợp tác với tổ chức phi chính phủ Cospe, mục đích của chuyến này là tài trợ cho bốn trung tâm cho trẻ em tại các trường công lập.

Hành trình cho châu Phi

Vào năm 2009, họ đã đến trung tâm châu Phi: 8.000 km từ Douala đến Dakar để mang tài liệu và thiết bị cho tổ chức Tây Ban Nha “Selva Cameroun”.

Năm 2010, ở châu Phi, 16 ngàn người được huy động để hỗ trợ một dự án bắt đầu vào năm 2007 từ sợ hợp tác quốc tế nhằm cải thiện điều kiện sống của phụ nữ và trẻ em ở Etiopia. Một cuộc phiêu lưu ngoạn mục từ Tunis đến Cape Town, trong khoảng 17.000 km.

Hành trình cho châu Á

Năm 2011, nhiệm vụ 10.000 km là Red băng qua Trung Quốc, hợp tác với Benelli qj nhằm mục đích gây quỹ ủng hộ quỹ từ thiện Trung Quốc, ủng hộ các nạn nhân của trận động đất xảy ra ở Tứ Xuyên năm 2008.

Năm sau, hoạt động này diễn ra ở Syria, những nguồi lái mô tô trải qua 6.000 km, đã mang tiền cho ba xe cứu thương, thiết bị y tế và giáo dục cho Dòng Cát Minh của Mẹ Maria Agnes Thánh Giá, tu viện này cách Damas 95 km về phía đông bắc, dòng này chuyên giúp người tị nạn và túng thiếu.

Vào năm 2014, điểm đến được lựa chọn là Nepal, tặng 10 xe máy cho các bác sĩ của một khu y tế gần thủ đô Kavre.

Vào năm 2016, nhiệm vụ đã diễn ra ở Bolivia, các quỹ đã được huy động cho một trại trẻ mồ côi và năm trung tâm y tế ở nhiều quận của Honduras để giúp đỡ trẻ em lang thang.

“Những người ẩn danh của đức tin”

Năm 2018, đến lượt miền nam châu Phi với chuyến đi mang tên “Những người ẩn danh của đức tin”, để mang viện trợ cho các nhà truyền giáo Công giáo, những người làm việc trong hoàn cảnh nghèo đói và bấp bênh trong xã hội.

Các dự án “Mô tô vì Hòa bình” của Hiệp hội có sự hỗ trợ của Cảnh sát và tổng thống Ý. Hiệp hội đã được tặng 9 huy chương từ Tổng thống như một sự khích lệ vì các nhiệm vụ cao cả mà họ đã hoàn thành.

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - NIỀM HY VỌNG KITO GIÁO

  •  
    Tinh Cao
     
    Tue, Jul 28 at 8:08 AM
     
     

    Niềm hy vọng Kitô giáo là niềm mong đợi một điều gì đó đã hoàn thành  

     

    Xin chào Anh Chị Em thân mến!

     

    Trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã bắt đầu loạt bài về đề tài niềm tin tưởng hy vọng, bằng việc đọc lại theo chiều hướng này một số đoạn Cựu Ước. Giờ đây chúng ta muốn tiến sâu hơn vào lãnh vực ngoại lệ của nhân đức này trong Tân Ước, khi nó gặp được cái mới mẻ của mình nơi Chúa Giêsu Kitô và biến cố vượt qua, đó là niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo. Kitô hữu chúng ta là những con người nam nữ của niềm tin tưởng cậy trông.

     

    Đó là những gì rõ ràng hiện lên từ bản văn đầu tiên được viết đó là Bức Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Thessalonica. Tất cả những gì là tươi mới và đẹp đẽ của việc loan báo Kitô giáo tiên khởi đều được nhận định ở trong đoạn thư chúng ta vừa nghe. Cộng đoàn Thessalonica là một cộng đoàn trẻ trung, vừa được thành lập, bất chấp những khó khăn và nhiều thử thách, cộng đoàn này được bén rễ đức tin và hoan hỉ hăng say cử hành cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bởi thế mà vị Tông Đồ này đã tỏ ra hết sức vui mừng cùng với tất cả mọi người, giống như những ai được tái sinh vào Lễ Phục Sinh thực sự trở thành "con cái của ánh sáng và con cái của ban ngày" (5:5), nhờ mối hiệp thông trọn vẹn của họ với Chúa Kitô. 

     

    Khi Thánh Phaolô viết thư cho họ thì cộng đoàn Thessalonica vừa mới được thành lập, và chỉ mới có mấy năm cách cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thôi. Bởi thế, vị Tông Đồ này cố gắng làm cho họ hiểu tất cả những tác dụng và thành quả của biến cố đặc thù và quyết liệt này, tức là biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô, bao hàm cả lịch sử và đời sống của từng người. Cái khó khăn đặc biệt đối với cộng đồng này không phải chỉ ở chỗ nhìn nhận Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô, tất cả đều tin tưởng như thế, nhưng là tin vào việc phục sinh của kẻ chết. Phải, Chúa Giêsu đã phục sinh, thế nhưng cái khó là ở chỗ tin rằng kẻ chết sẽ sống lại. Về vấn đề này, Bức Thư ấy lại càng cho thấy tính cách hợp thời hơn nữa. Mỗi lần chúng ta đối diện với cái chết của mình, hay cái chết của một người thân yêu, chúng ta cảm thấy đức tin của chúng ta bị thử thách. Tất cả mọi ngờ vực của chúng ta nổi lên. Tất cả những gì là mỏng dòn của chúng ta, và chúng ta ngẫm nghĩ: "Thế nhưng thực sự có đời sau hay chăng...? Tôi sẽ có thể được thấy lại và ôm lấy những người thân yêu của tôi hay chăng...?" Một người đàn bà đã hỏi tôi câu này mấy ngày trước đây trong một buổi triều kiến, bày tỏ một mối ngờ vực nào đó: "Tôi sẽ gặp lại người thân của tôi hay chăng?" Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải trở về với cội rễ và nền tảng đức tin của chúng ta, để nhận thấy được tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô và chết chóc nghĩa là gì. Tất cả chúng ta một cách nào đó sợ cái bất định của cái chết này. Tôi nhớ có một người già nhỏ con và là một lão ông tốt lành, đã nói rằng: "Tôi không sợ chết. Tôi hơi sợ thấy nó xẩy ra". Ông ta sợ điều ấy.

    Trước những nỗi lo sợ và bối rối của cộng đồng này, Thánh Phaolô mời gọi hãy đội chặt lên đầu một cái mũ sắt, nhất là trong những cơn thử thách và trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời chúng ta, đó là "niềm hy vọng cứu độ". Nó là một chiếc mũ sắt. Hãy nhìn xem đâu là niềm hy vọng Kitô giáo. Khi nói về hy vọng chúng ta có thể được dẫn đến chỗ hiểu nó theo ý nghĩa thường tình của chữ nghĩa, tức là đến một cái gì đó tốt đẹp chúng ta mong muốn, mà là cái có thể hoặc không thể hiện thực. Chúng ta hy vọng nó sẽ xẩy ra; nó như là một ước muốn. Chẳng hạn người ta nói: "Tôi hy vọng rằng thời tiết ngày mai sẽ tốt đẹp!" thế nhưng chúng ta biết rằng, thời tiết trái lại có thể sẽ xấu vào ngày hôm sau... Niềm hy vọng Kitô giáo không như thế. Niềm hy vọng Kitô giáo là một niềm mong đợi một điều gì đó đã được hoàn thànhcửa ngõ ở đằng kia và tôi hy vọng đến cửa ngỏ này. Tôi cần phải làm gì? Tôi cần phải bước tới cái cửa ngõ đó! Tôi tin rằng tôi sẽ đến cửa ngõ ấyNiềm hy vọng Kitô giáo giống như thế, ở chỗ tin rằng tôi đang tiến đến một cái gì đó là nó chứ không phải là cái tôi muốn nó phải là.

    Đó là niềm hy vọng Kitô giáo. Niềm hy vọng Kitô giáo là niềm mong đợi một cái gì đó đã được hoàn thành và chắc chắn có thể hiện thực cho từng người chúng ta. Bởi thế, việc phục sinh của chúng ta, và việc phục sinh của người quá cố thân yêu của chúng ta, không phải là một điều gì đó có thể hay không thể xẩy ra, nhưng là một thực tại chắc chắn, vì nó bắt nguồn từ cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Thế nên, hy vọng nghĩa là học biết sống trong niềm trông đợi; học biết sống trong niềm trông đợi và tìm gặp sự sống. Khi một người đàn bà nhận thấy mình có thai thì học biết sống hằng ngày trong niềm trông đợi thấy được ánh mắt của đứa con sẽ chào đời. Bởi vậy chúng ta cũng cần phải sống và học biết từ những niềm trông đợi loài người này cũng như sống trong niềm trông đợi thấy Chúa, gặp Chúa. Đó không phải là điều dễ, mà là điều có thể học biết: sống trong niềm trông đợi. Hy vọng nhắm đến và bao hàm một tấm lòng khiêm hạ, một con tim nghèo khó. Chỉ có người nghèo mới biết đợi chờ. Kẻ nào đã tràn đầy bản thân mình cùng những sở hữu của mình thì không đặt niềm tin tưởng vào bất cứ cái gì khác ngoài chính bản thân mình.

    Một lần nữa Thánh Phaolô đã viết: "Người (Chúa Giêsu) đã chết vì chúng ta để dù chúng ta tỉnh thức hay thiếp ngủ chúng ta được sống với Người" (1Thessalonica 5:10). Những lời này bao giờ cũng là một phấn khích cho niềm an ủi và bình an lớn lao. Bởi thế, chúng ta cũng được kêu gọi để cầu nguyện cho những người yêu dấu của chúng ta là những người đã lìa bỏ chúng ta, nhờ đó họ sẽ sống trong Chúa Kitô và trọn vẹn hiệp thông với chúng ta.  Điều khiến tôi cảm động rất nhiều đó là lời diễn tả của Thánh Phaolô cũng ngỏ cùng giáo đoàn Thessalonica. Nó làm cho tôi tràn đầy niềm tin tưởng hy vọng. Ngài nói như thế này: "bởi vậy chúng ta sẽ luôn ở với Chúa" (1Thessalonica 4:17). Một điều tuyệt vời, ở chỗ, hết mọi sự qua đi nhưng sau cái chết chúng ta sẽ luôn luôn được ở với Chúa. Đó là tất cả niềm tin tưởng cậy trông. Đó cũng là điều trước đó rất xa đã làm cho Ông Gióp than lên rằng: "Vì tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống [...] Đấng tôi sẽ thấy ở bên tôi, và mắt của tôi sẽ chiêm ngưỡng Ngài" (19:25,27). Vậy chúng ta sẽ luôn được ở với Chúa. Anh chị em có tin điều ấy chăng? Tôi xin hỏi anh chị em rằng anh chị em có tin điều ấy chăng? Để lấy sức tôi mời anh chị em cùng với tôi nói lên điều này 3 lần: "Vậy chúng ta sẽ luôn ở với Chúa". Và chúng ta sẽ gặp Chúa ở đó.

     

    https://zenit.org/articles/general-audience-christian-hope-is-also-the-expectation-of-the-resurrection-pope-francis-says/ 

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu     

     

    --
    You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
    To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHo0mSxg0KTmLrbdXZaCm98ZYV7qD2-vdWDm1UPptV-UOg%40mail.gmail.com.
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THỨ HAI CN16TN-A

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Mon, Jul 20 at 2:21 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    Dấu lạ Giô-na.

    20/07 – Thứ hai tuần 16 thường niên.

    "Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".

     

    Lời Chúa: Mt 12, 38-42

    Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ".

    Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy.

    Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona.

    Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon".

     

     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ : Đòi dấu lạ

     

    Sinh trong một gia đình người Pháp giàu có, quý phái và đạo đức,

    Anh Charles de Foucauld mất đức tin từ năm 16 tuổi.

    Hai năm sau Anh học ở trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng của Pháp,

    đã đi thám hiểm nước Ma rốc ở châu Phi và được huy chương vàng.

    Sau thời gian đó anh đã muốn suy nghĩ về đời mình.

    Đời sống đạo đức của người chị em họ đánh động Anh nhiều.

    Anh đi nhà thờ dù chẳng tin gì, chỉ thích lặp đi lặp lại lời nguyện này:

    “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, thì xin làm cho con nhận biết Chúa.”

    Chúa đã làm cho Anh nhận biết Ngài vào một ngày cuối tháng 10-1886.

    Khi được chị họ giới thiệu với cha sở Huvelin ở Paris, anh đã xin học đạo.

    Nhưng cha lại bảo anh vào tòa giải tội và xưng tội.

    Anh ngần ngại, nhưng đã chấp nhận quỳ xuống,

    và bất ngờ nếm được niềm vui khôn tả của người con lưu lạc trở về.

    Đời Anh đã bắt đầu sang trang từ giây phút ấy.

    Chúa đưa Anh trở lại không bằng những dấu lạ lùng,

    nhưng qua bà chị họ đạo đức, qua cha sở Huvelin nhiều kinh nghiệm.

    Ơn hoán cải của Anh không dựa trên những dấu lạ làm Anh ngất ngây,

    nhưng đến từ khiêm nhường tìm kiếm và quỳ xuống đón nhận.

    Chỉ ai biết quỳ xuống mới nhận ra dấu bình thường là dấu lạ.

    Đức Giêsu không vui khi người Pharisêu và những người đương thời

    muốn thấy dấu lạ và tìm kiếm dấu lạ (cc. 38-39).

    Họ chờ mong một dấu lạ làm họ lóa mắt, gây ấn tượng mạnh,

    khiến họ không thể chối cãi và buộc họ phải tin.

    Tiếc rằng Đức Giêsu không bao giờ có ý muốn làm thứ dấu lạ như vậy.

    Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn quyền năng của mình trước con người.

    Ngài chỉ làm dấu lạ để phục vụ nhu cầu con người và loan báo Nước Chúa.

    Dấu lạ là dấu chỉ mời gọi chứ không cưỡng bức người xem phải tin.

    Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, nhưng họ vẫn không tin, vẫn đòi dấu lạ mới,

    và còn bảo dấu lạ của Ngài là nhờ dựa vào tướng quỷ (Mt 12, 24).

    Khăng khăng đòi dấu lạ cho thấy lòng họ dứt khoát từ chối Đức Giêsu.

    Chẳng có dấu lạ nào làm họ thay đổi được cái nhìn về Ngài.

    Đức Giêsu đã từng trách các thành vùng Galilê vì họ không sám hối (Mt 11,20).

    Nay Ngài cũng quở trách một số người Pharisêu như vậy.

    Vào ngày phán xét, chính dân Ninivê và Nữ hoàng Phương Nam sẽ kết án họ,

    vì họ đã cứng lòng không tin Đức Giêsu (cc. 41-42).

    Làm thế nào chúng ta nhận ra những dấu lạ Chúa vẫn làm cho đời ta,

    để ta không đòi hỏi thêm dấu lạ nữa,

    nhưng mãn nguyện với những gì mình nhận được?

    Làm thế nào để chúng ta hạnh phúc

    vì vẫn được nghe giảng bởi chính Đấng còn hơn Giôna nữa,

    vẫn được tiếp xúc với Đấng còn khôn ngoan hơn vua Salômôn nữa?

     

    Cầu nguyện :

    Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

    những ơn con thấy được,

    và những ơn con không nhận là ơn.

    Con biết rằng

    con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

    biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

    Con thường đau khổ vì những gì

    Cha không ban cho con,

    và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

    Tạ ơn Cha vì những gì

    Cha cương quyết không ban

    bởi lẽ điều đó có hại cho con,

    hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

    NHỜ ƠN CHÚA, con vững tin vào tình yêu Cha

    dù con không hiểu hết những gì

    Cha làm cho đời con.

    Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

     

    ------------------------------