9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CN16TN-A

  •  
    Hong Nguyen
     
    Sat, Jul 18 at 5:21 PM
     

    Suy Niệm Chúa Nhật XVI Thường Niên A

    - Cứ Để Cả Hai Cùng Lớn Lên : Mt 13:24-33

    Cánh đồng được gieo những hạt lúa tốt, nhưng ban đêm kẻ thù gieo cỏ lùng vào, thế là trong ruộng có cả lúa lẫn cỏ lùng. Điều đó nói lên rằng trong cuộc sống chúng ta, cả người tốt lẫn người xấu đều sống chung trên một mảnh đất.

    Nhìn lại cuộc sống, chắc hẳn nhiều lần chúng ta đã thầm trách Thiên Chúa tại sao Chúa cứ để sự ác hòanh hành như vậy. Và thường khi chúng ta lại thấy kẻ ác xem ra lại được ưu đãi hơn người lành. Đó là một sự kiện chúng ta thường thấy xảy ra trong cuộc sống.

    Thiên Chúa để cho cỏ lùng và lúa cùng lớn lên, không phải Thiên Chúa dung túng cho sự ác, nhưng để nói lên rằng Thiên Chúa có thời gian của Thiên Chúa và thế gian có thời gian của thế gian. Thiên Chúa có chương trình của Thiên Chúa và Thiên Chúa cho phép ma quỉ thực hiện công việc của ma quỉ, nên Thiên Chúa phải chờ đợi, chờ đợi cho tới mùa gặt. Chính vì thế trong cuộc sống của chúng ta, cỏ lùng luôn mọc chung với lúa tốt, bóng tối luôn chen lẫn với ánh sáng, cái ác luôn sống chung với cái thiện. Thiên Chúa cũng không cho phép nhổ cỏ lùng ngay vì sợ hại đến lúa. Khi nhổ cỏ làm tung cả gốc lúa. Hơn nữa sợ nhổ lộn. 

    Phân biệt cỏ lùng và cây lúa đã khó, phân biệt kẻ xấu người tốt còn khó hơn nữa. Có những người bề ngòai xem ra đạo đức thánh thiện, nhưng cũng như cỏ lùng, nó đang âm thầm từng ngày hút hết phân bón của cây lúa. Nhưng cũng có những người bề ngòai xem ra bê bối tội lỗi, nhưng đó lại là những cây lúa chính hiệu. Biết đâu trong đó lại có chúng ta. Chúng ta là những cây lúa, nhưng phải sống chung với những cỏ lùng lâu ngày, bị ảnh hưởng nặng nề của ma quỉ nên có một giây phút nào đó đã giống như cỏ lùng. Thiên Chúa không phạt ngay vì để chúng ta có thời gian sám hối. Nên thực tế nhìn vào đồng ruộng, chúng ta thấy: 

    Những cây xem ra là lúa tốt nhưng thực sự lại là cỏ lùng

    Những cây xem ra là cỏ lùng nhưng lại là lúa tốt.

    Cuộc đời cứ hư hư ảo ảo nên tốt hơn là đừng can thiệp quá sớm, kẻo làm chết đi những gì đang sống. Với cái nhìn như thế chúng ta sẽ bình tĩnh hơn để chấp nhận cuộc đời như Thiên Chúa đã chấp nhận, để giờ đây, chúng ta học nơi Thiên Chúa lòng trắc ẩn và thương xót đối với tội nhân. 

    Rồi ta học nơi Chúa sự nhẫn nại, một sự nhẫn nại không biết mệt mỏi: "cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt". Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Cứ để lúa và cỏ lùng cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Cứ để người tốt và kẻ xấu cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Vì :

    - Có sự lành để ta biết và yêu mến sự tốt lành của Chúa, có sự dữ để thanh luyện người lành.

    - Có sự lành để ta được hưởng niềm vui ngọt ngào của Chúa, có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng thành của ta với Thiên Chúa.

    - Có thuận lợi để ta tiến bước trên con đường thánh thiện, có khó khăn để ta rèn luyện các nhân đức.

    Hãy để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Còn giờ đây hãy kiên nhẫn và mong muốn những điều tốt lành cho tha nhân như câu chuyện sau đây: Thượng Đế ra lệnh cho một vị thần đến gặp một người đạo đức nọ muốn gì và bảo anh sẽ có bất kỳ thứ gì mà anh ta khao khát. Nhận được tin tốt lành, anh ta trả lời: “ồ, nhưng tôi đã rất hạnh phúc rồi. Tôi đã có tất cả những gì tôi muốn”. 

    Vị thần giải thích rằng Thượng Đế muốn tặng anh một món quà, thì tốt hơn cả là hãy chấp nhận. 

    Người đàn ông tốt bụng này liền trả lời: “nếu quả là vậy, xin Thượng Đế phù hộ cho tất cả những ai đến với tôi đều được hạnh phúc” 

    Kể từ đó, mỗi khi người đạo đức này xuất hiện ở đâu, cây khô héo trở thành tươi tốt, những con vật đau ốm trở nên khoẻ mạnh, những con người bệnh tật được chữa lành, 

    những người bất hạnh trút bỏ được mọi gánh nặng, những ai đang mải đấu tranh tìm thấy an bình, và những ai gặp khó khăn đều tìm được lối thoát. 

    Người đạo đức tốt bụng phấn khởi ra đi khắp thế giới và mang hạnh phúc đến cho muôn người. Amen.

    Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
    Kính chuyển:
    Hồng
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ- RẮC REO ĐIỀU TỐT

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Fri, Jul 10 at 11:57 PM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    RẮC GIEO ĐIỀU TỐT

     

    Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là nguyền rủa bóng đêm. Thú vị là càng làm điều tốt, mảnh đất tâm hồn càng trở nên màu mỡ. Khi ấy cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều.

     

    Nhiều bạn nói với tôi rằng: “Thầy ơi, mình cứ làm điều tốt hoài thì được gì!? Xã hội cũng đâu có tốt lên mấy!” Thực ra những công việc tốt lành của bao người không biết bao giờ mới vực dậy một nền xã hội đang xuống cấp? Tuy vậy, Thiên Chúa không cho phép chúng ta dừng lại. Ngài chưa bao giờ ủng hộ con đường ùa theo sự dữ. Nếu là người con tốt của Chúa, người ta không còn con đường nào khác là gieo rắc tình thương và những điều thiện hảo[1].

     

    Ánh sáng của tin Mừng Chúa Nhật 15 hôm nay[2] cho ta nhiều động lực. Nếu bạn mở Tin Mừng theo thánh Mát–thêu hôm nay, đoạn này khởi đầu loạt bài giảng bằng dụ ngôn. Đức Giêsu rất thích dùng dụ ngôn để giới thiệu những màu nhiệm lớn lao. Đó là những câu chuyện có tính tượng trưng để dạy một bài học thực tế. Những chi tiết trong dụ ngôn thường được lấy ra từ cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn thời Đức Giêsu, nghề chăn nuôi, trồng trọt, đánh cá, v.v. là phổ biến, ai cũng biết. Hôm nay Đức Giêsu kể một dụ ngôn liên quan đến gieo giống.

    Tưởng tượng bạn có mặt lúc này với người gieo giống. Bạn cũng thích đi với người ấy trong ngày làm việc hôm đó. Bạn sẽ có thể rất khó chịu và có phần ngạc nhiên!

     

    Khó chịu vì cách người gieo giống:

     

     Bạn thấy người gieo giống không biết tính toán chỗ nào tốt để gieo hạt. Ông ta gieo tứ tung, chỗ nào cũng rắc (x Mt 13,3–8). Ngay cả vệ đường cũng có hạt giống; nơi sỏi đá, bụi gai ông ấy cũng rắc hạt giống vào. Dĩ nhiên, hạt giống ấy có lên cũng èo uột. May mà nhiều hạt giống cũng được gieo vào đất tốt. Chắc khi ấy bạn không còn khó chịu nữa, nhưng thấy hy vọng chứa chan vào ngày mùa bội thu.

     

    Ngạc nhiên vì ý nghĩa của dụ ngôn:

     

    Hóa ra hạt giống là những lời của người gieo lời. Người ấy đang rao giảng về mầu nhiệm Nước Trời. Thực tế là có những người không hiểu lời ấy, quỷ dữ liền đến lấy lời ấy đi: Đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường (Mt 13,19). Cũng có nhiều người hồ hởi đón nhận lời ấy, nhưng khi gặp thử thách, họ lại thoái lui: Đó là những kẻ được gieo trên sỏi đá. (Mt 13,20). Có những người đón nhận lời, nhưng vì lo lắng sự đời và vinh hoa phú quý bóp nghẹt, lời không sinh hoa kết trái: Đó là những người được gieo vào bụi gai. (Mt 13,21). Hạnh phúc nhất là người đón nhận và để cho lời biến đổi mình. Khi đó, cuộc sống của họ sẽ sinh nhiều hoa trái nhờ sức mạnh của lời. (Mt 13,23).

     

    Chính Đức Giêsu là người gieo lời: Lời Chúa. Suốt những năm trên dương thế, Ngài ban lời cho mọi thành phần. Bất cứ ai Đức Giêsu gặp, ngài cũng hướng họ đến chân thiện mỹ. Đáng mừng là có nhiều người đã đón nhận lời ấy. Kết quả là họ được gần Thiên Chúa. Thực tế cũng có nhiều người nghe lời Đức Giêsu chướng tai. Họ bỏ đi. Có người còn chống đối và loại bỏ lời. Nếu Đức Giêsu là Ngôi Lời[3] (Logos), thì thậm chí người ta đã đóng đinh và giết chết Ngôi Lời trong cuộc thương khó. Nhưng sau đó Ngôi Lời đã phục sinh và tiếp tục đưa con người đến gần với Nước Trời.

     

    Tôi ở đâu trong dụ ngôn người gieo giống?

     

    Đức Giêsu không chỉ nói cho thính giả thời của Ngài. Hôm nay và lúc này, những lời ấy cũng đang hướng trực tiếp đến tôi. Lời ấy chất vấn và đòi tôi đáp trả. Tùy vào thái độ của tôi mà lời ấy sinh hoa trái hay không. Giả như tôi chối từ lời của Ngài, cho Lời Chúa là điều quê mùa, lạc hậu, thì đời sống đức tin của tôi chắc èo uột và úa tàn. Nếu tôi đón nhận Lời Chúa nhưng không chịu vác thập giá đi cùng với Ngài, thì Lời Chúa cũng không sinh hoa trái. Lúc ấy tôi cũng sống vật vờ. Còn nếu tôi cộng tác, khao khát Lời Chúa, chắc hẳn cuộc sống của tôi trổ sinh nhiều bông hạt.

     

    Các nhà chú giải cho rằng trong dụ ngôn hạt lúa giống hôm nay, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến hiệu năng của ơn Chúa. Bởi thực tế có nhiều người đã biến đổi đời mình nhờ vào sức mạnh của Lời. Theo đó, chính họ cũng được mời gọi tham gia vào công cuộc gieo Lời Chúa đến với muôn dân. Đó không chỉ là các tu sĩ, giáo sĩ, nhưng còn dành cho mỗi người. Trong hành trình loan báo Tin Mừng Lời Chúa như thế, chính Đức Giêsu sẽ cho Lời hoạt động trong lòng của họ. Điều này nghe có vẻ rất ngồ ngộ đối với nhiều người.

     

    Bạn nghĩ sao khi nhiều vị thánh chỉ với một câu Lời Chúa đã biến họ nên thánh[4]! Khi đó, Lời Chúa không chỉ là âm thanh xa lạ, là ngôn ngữ khô khan, nhưng chính là Đức Giêsu: sống động và gần gũi. Qua những trang Tin Mừng, họ hiểu Đức Giêsu. Khi đó, họ có sức mạnh dấn thân cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhất là họ tìm được nguồn sức sống vô bờ từ Lời Thiên Chúa phán ra.

     

    Điều thú vị là người ta có thể biến đổi những mảnh đất tâm hồn theo thời gian. Từ tâm hồn sỏi đá có thể nên miền đất tốt để Lời Chúa đơm hoa kết trái. Tiếc cho những mảnh đất có khi màu mỡ, nhưng vì lý do nào đó, mảnh đất ấy trở nên khô cành cứng cỏi. Khi ấy Lời Chúa càng khó tác động đến tâm hồn họ.

     

    Trong lúc kể dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắc cho mỗi người thời Tân Ước là đoàn dân may mắn. Thực vậy, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính thời Cựu Ước đã mong mỏi thấy điều các môn đệ đang thấy, mà không được thấy, nghe điều các môn đệ đang nghe, mà không được nghe (Mt13,10–17). Dân Israel mong chờ Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia (chính Đức Giêsu!). Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Đó là ân huệ, là thời kỳ của Ngôi Lời đồng hành với con người.  

     

    Ước gì mỗi người hãy bắt chước Đức Giêsu gieo biết bao điều tốt đẹp cho cuộc đời. Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là nguyền rủa bóng đêm. Thú vị là càng làm điều tốt, mảnh đất tâm hồn càng trở nên màu mỡ. Khi ấy cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều.

     

    Để kết thúc, xin mượn vài nghịch lý[5] mà nhà văn và là lãnh đạo gia người Mỹ, Kent Keith, đã chỉ ra trong cuộc đời:

     

    • Nghịch lý thứ nhất: “Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ”.
    • Nghịch lý thứ hai: “Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt”.
    • Nghịch lý thứ ba: “Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.”
    • Nghịch lý thứ tư: “Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.”

    Lạy Chúa Giêsu, xin đến biến đổi tâm hồn con thành mảnh đất tốt cho Lời Chúa sinh hoa kết trái. Nếu lúc nào đó tâm hồn con nguôi lạnh, cứng cỏi, xin chạm lòng con bằng sức mạnh thần linh của Ngài. Amen.

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ(dongten.net)

    …………….

    [1] Vì con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên phải chăng đó không là lý do tại sao trong đáy

    thẳm của trái tim con người luôn có một sự khao khát về điều thiện, đến độ, cho dẫu có đam mê và ích kỷ đến đâu, conn người vẫn nghe được tiếng thôi thúc: “Hãy sống tốt đẹp cho đến lúc chết”? (Theo Lm Phêrô Nemeshegyi, SJ).

    [2] Chúa Nhật 15 Mùa TN. Is 55,10–11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-23.

    [3] Tin Mừng Nhất Lãm giới thiệu Chúa Giêsu như là vị thầy rao giảng Lời khôn ngoan (Mc 2,2), Lời của Thiên Chúa (Lc 5,1).

    [4] Chẳng hạn Thánh Phanxicô Xaviê: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9,25 ). Chúa đã can thiệp và đánh động Augustinô bằng một câu Thánh Kinh: “Đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14).

    -----------------------------------
     
     
     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - RÈN LUYỆN KHIÊM NHƯỜNG

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Tue, Jul 7 at 10:14 PM
     

     

    Rèn luyện sáu bước để có lòng khiêm nhường

    RÈN LUYỆN 6 BƯỚC ĐỂ CÓ LONG KHIÊM NHƯỜNG

     

    Không thể có được khiêm nhường mà không bị sỉ nhục; vì qua các nghiên cứu cho biết, chính qua con đường sỉ nhục mà chúng ta có thể có được lòng khiêm nhường.

     

     

    Các thánh nói rõ, lòng khiêm nhường là nền tảng của mọi con đường tăng trưởng thiêng liêng. Nếu chúng ta không khiêm nhường, chúng ta không phải là thánh. Đơn giản là như vậy. Nhưng đơn giản là phải biết, chúng ta phải khiêm nhường, không phải lúc nào cũng dễ để rèn luyện đức tính này. Sau đây là sáu cách để trau dồi nhân đức khiêm nhường. 

     

    1/ Cầu nguyện xin ơn để được nhân đức khiêm nhường

     

    Mọi nhân đức được hình thành trong tâm hồn chúng ta đều do liên lỉ cầu nguyện. Nếu chúng ta thực sự muốn được khiêm nhường thì chúng ta phải cầu nguyện xin ơn này mỗi ngày. Cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt lên được lòng tự ái. Như Thánh Cha xứ Ars đã dạy.

    Mỗi ngày chúng ta phải hết lòng xin ơn khiêm nhường và xin ơn để hiểu tự chính mình chúng ta chẳng là gì và bình an thể xác cũng như tinh thần đều từ Chúa mà đến.

    Với mục đích này, tôi xin mạnh mẽ đề nghị các bạn đọc Kinh Cầu khiêm nhường. 

    2/ Chấp nhận các sỉ nhục

    Có lẽ điều đau đớn nhất, nhưng cũng hiệu quả nhất để học đức khiêm nhường, đó là chấp nhận nhục nhã và xấu hổ. Linh mục Gabriel Thánh Maria-Mađalêna giải thích: Nhiều linh hồn yêu thích khiêm tốn, nhưng ít người trong số họ khát khao bị sỉ nhục. Nhiều người xin Chúa để được ơn sống khiêm nhường, họ sốt sắng cầu nguyện xin ơn, nhưng rất ít người muốn bị sỉ nhục. Tuy nhiên, không thể có được khiêm nhường mà không bị sỉ nhục; vì qua các nghiên cứu cho biết, chính qua con đường sỉ nhục mà chúng ta có thể có được lòng khiêm nhường.

    Cho đến khi nào chúng ta khao khát nhân đức khiêm nhường mà chưa sẵn sàng chấp nhận các phương thế để đến với nó, thì chúng ta không thực sự muốn đi trên con đường tốt để có được tính khiêm nhường. Thậm chí trong một số trường hợp, chúng ta có thể hành động một cách khiêm tốn, điều này có thể là nhờ kết quả của một khiêm tốn hời hợt bề ngoài, chứ không phải khiêm nhường thực sự và sâu đậm. Khiêm tốn là sự thật; vì thế, chúng ta biết, tự chính mình chúng ta không là gì, ngoại trừ tội lỗi, chính xác là chúng ta phải chịu nhận sỉ nhục và khinh bỉ.

    3/ Vâng phục quyền uy

    Một trong các biểu hiện hiển nhiên nhất của tính kinh ngạo là không vâng lời. Nghịch lý thay, không vâng lời và nổi loạn được xã hội phương Tây hiện đại ca tụng là các đức tính tốt. Sự sa ngã của Sa-tan là do tính kiêu ngạo của nó: Tôi sẽ không phục vụ, Non serviam.

    Mặt khác, đức khiêm nhường luôn được biểu hiện bằng sự vâng phục quyền uy, dù đó là quyền uy của người chủ hay của chính quyền. Như thánh Biển Đức nói: Mức độ đầu tiên của đức khiêm nhường là vâng lời không chậm trễ.

    4/ Dè chừng mình

    Các thánh cho chúng ta biết, nếu chúng ta dè chừng mình và chỉ tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ không phạm bất kỳ tội nào. Linh mục Lorenzo Scupoli nói:

    Dè chừng mình là điều cần thiết trong cuộc chiến thiêng liêng. Nếu không có nhân đức này, chúng ta không thể hy vọng chế ngự các đam mê thấp hèn nhất của mình, thậm chí còn không mong thắng được nó.

    5/ Nhận biết chúng ta chẳng là gì

    Một cách rất hiệu quả khác để trau dồi đức khiêm nhường là suy gẫm về sự cao cả và huy hoàng của Chúa, đồng thời nhận ra sự hư vô của chính mình trong mối quan hệ với Ngài. Cha xứ Ars xác quyết: Ai có thể chiêm ngưỡng sự vô cùng của Chúa mà không hạ mình xuống trong thân phận cát bụi chỉ với ý nghĩ Ngài đã tạo ra bầu trời từ hư vô? Và Ngài sẽ chỉ phán một lời, trời và đất lại trở thành hư vô? Thiên Chúa thật vĩ đại; sức mạnh của Ngài là vô hạn. Ngài hoàn hảo và vĩnh cửu vô cùng vô tận. Công lý và sự quan phòng của Ngài thật cao cả. Ngài khôn ngoan cai quản mọi sự và Ngài quan tâm chăm sóc đến muôn loài muôn vật. Trước mặt Ngài, chúng ta không là gì!

    6/ Lượng định các thực thể với chính mình

    Khi chúng ta kiêu ngạo, không tránh được, chúng ta sẽ nghĩ mình hơn người khác. Chúng ta cầu nguyện như người biệt phái: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa, vì con không giống như người khác.” Sự tự mãn này cực kỳ nguy hiểm cho tâm hồn chúng ta, và Chúa kinh tởm nó. Thánh kinh và các thánh nói, con đường chắc chắn duy nhất là nhìn nhận người khác tốt hơn mình. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Ph 2, 3).

    Tu sĩ thời Trung cổ Thomas a Kempis đã tóm tắt giáo huấn này ở chương 7 trong tác phẩm kinh điển Theo gương Chúa Giêssu Kitô:

    Đừng cho mình hơn người khác; có thể mình xấu xa trong mắt Chúa, Đấng biết biết những gì trong lòng con người. Đừng kiêu ngạo về các việc làm tốt của mình, vì phán xét của Chúa không phải là phán xét của con người, và điều làm con người hài lòng thường làm cho Chúa không hài lòng. Nếu có một cái gì đó trong lòng mình, thì hãy nghĩ rằng người khác còn có hơn để giữ lòng khiêm tốn. Bạn đừng liều nghĩ rằng mình thấp hơn tất cả mọi người, nhưng sẽ rất có hại cho bạn nếu bạn chỉ thích một mình bạn. Người khiêm nhường có được sự bình tâm không gì lay chuyển, sự tức giận và đố kị làm xáo trộn trái tim người kiêu ngạo.

    Kết luận

    Không nghi ngờ gì về điều này: đức khiêm nhường là nền tảng của tất cả đời sống thiêng liêng. Không có nhân đức này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tiến bộ trong con đường thánh thiện.Tuy nhiên, đức khiêm nhường không chỉ là một nhân đức trừu tượng để được ngưỡng mộ.

    KHIÊM NHƯỜNG là đức tính tốt để học hỏi và thực hành thường xuyên trong các hoàn cảnh đau khổ của cuộc sống hàng hàng ngày. NHỜ ƠN CHÚA, Hãy cố gắng hết sức có thể để luôn khiêm nhường, bắt chước gương Chúa Giêsu Kitô, “Đấng làm cho mình trở nên hèn hạ, mặc lấy thân phận nô lệ, xuống thế làm người giống con người.”

    Pacôme Hồng Phước dịch(phanxico.vn)
     

     

     

     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ

  •  
    TĨNH CAO
     
    Thu, Jul 9 at 8:02 PM
     
     

    “Đức tin là một nhân đức đối thần do Thiên Chúa ban,

    nhưng được Giáo Hội truyền đạt qua giòng lịch sử”.

     

    Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

    loạt bài giáo lý về Đức Tin Thứ Tư 31/10/2012

     bài thứ 3 về Bản Chất Giáo Hội của Đức Tin

     

     

    Anh chị em thân mến,

     

    Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta trong việc suy niệm về Đức Tin Công Giáo. Tuần vừa rồi tôi đã cắt nghĩa rằng đức tin là một tặng ân, vì chính Thiên Chúa là Đấng đã khởi đầu và đến gặp gỡ chúng ta. Bởi thế đức tin là việc đáp ứng ở chỗ chúng ta tiếp nhận Ngài như là một nền tảng vững vàng cho đời sống của chúng ta. Đức tin là một tặng ân biến đổi đời sống của chúng ta, vì đức tin giúp chúng ta có thể trông nhìn bằng cặp mắt của Chúa GiêsuĐấng hoạt động trong chúng ta và hướng chúng ta về tình yêu mến Thiên Chúa và những người khác.

     

    Hôm nay, tôi muốn tiến một bước xa hơn trong việc chia sẻ của chúng ta, cũng được bắt đầu bằng một số vấn nạn: Phải chăng đức tin chỉ là những gì riêng tư và cá thể? Phải chăng đức tin chỉ liên quan đến con người riêng của tôi thôi? Phải chăng tôi chỉ sống đức tin một mình thôi? Tác động đức tin thực sự là một tác động cá thể chuyên biệt xẩy ra trong thâm tâm thầm kín nhất của con người chúng ta và báo hiệu cho thấy một sự đổi thay về hướng đi, một cuộc hoán cải bản thân. Chính đời sống của tôi được đánh dấu bằng một khúc quanh và nhận được một hướng đi mới.

     

    Trong phụng vụ Phép Rửa, vào lúc thề hứa, vị cử hành yêu cầu biểu lộ đức tin và nêu lên câu hỏi thế này: Anh chị em có tin vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng hay chăng? Anh chị em có tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con của Ngài hay chăng? Anh chị em có tin vào Thánh Linh hay chăng? Theo lịch sử thì các câu hỏi này được đặt ra cho từng người lãnh nhận phép rửa, trước khi dìm họ ba lần vào trong nước. Cả đến hôm nay nữa, câu trả lời vẫn có tính cách cá nhân: “Tôi tin”.  Thế nhưng niềm tin tưởng của tôi không phải là thành quả của vấn đề suy nghĩ riêng của tôi, hay là sản phẩm về những suy tưởng của tôi. Trái lại, niềm tin là hoa trái của một mối liên hệ, của một cuộc đối thoại bao gồm việc lắng nghe, lãnh nhận và đáp ứng. Nó là một cuộc trao đổi với Chúa Giêsu khiến tôi ra khỏi cái “tôi” tự khép kín của mình để tôi có thể hướng về tình yêu của Thiên Chúa là ChaNó như là một cuộc tái sinh trong đó tôi khám phá ra rằng tôi được liên kết với chẳng những Chúa Giêsu mà còn với tất cả những ai đã bước đi và những ai đang tiếp tục bước đi trên cùng một con đường. Và cuộc tái sinh này, một cuộc tái sinh được bắt đầu nơi phép rửa, sẽ tiếp tục qua suốt cuộc sống. 

     

    Tôi không thể nào xây dựng đức tin của cá nhân tôi trên một cuộc trao đổi riêng tư với Chúa Giêsu, vì đức tin  được Thiên Chúa ban cho tôi qua cộng đồng các tín hữu là Giáo Hội. Đức tin liệt kê tôi vào thành phần đông đảo tín hữu, trong một mối hiệp thông không phải chỉ thuần về phương diện xã hội, mà hơn thế nữa, được bắt nguồn sâu xa từ tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa, Đấng mà nơi chính bản thân mình là mối hiệp thông Cha, Con và Thánh Thần – Đấng là Tình Yêu Ba NgôiĐức tin của chúng ta thực sự là riêng tư chỉ khi nào nó cũng có tính cách cộng đồng. Nó chỉ có thể là đức tin của tôi nếu nó sống động trong “cái chúng tôi” của Giáo Hội, nếu nó là đức tin của chúng ta, là đức tin chung của một Giáo Hội duy nhất.

     

    Vào ngày Chúa Nhật, khi chúng ta đọc “Kinh Tin Kính” (Kinh “Tôi Tin Kính”) trong Thánh Lễ, chúng ta diễn tả bản thân mình ở ngôi thứ nhất, thế nhưng chúng ta tuyên xưng một đức tin duy nhất của Giáo Hội như là một cộng đồng. Kinh “Tôi Tin Kính” mà chúng ta tuyên xưng theo cá nhân được liên kết với một ca đoàn bao la rộng lớn kéo dài cả về thời gian lẫn không gian, trong đó mỗi một người thực sự góp phần vào một thứ đa âm điệu hòa hợp của đức tin. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo tóm gọn điều này một cách rất rõ ràng như sau: “’Việc tin tưởng’ là một tác động của giáo hội. Đức tin của Giáo Hội có trước, sản sinh, nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Giáo Hội là mẹ của tất cả mọi tín hữu. ‘Không ai có Thiên Chúa là Cha mà lại không có Giáo Hội là Mẹ’ (Thánh Cyprian)” (số 181). Bởi thế, đức tin được hạ sinh trong Giáo Hội, dẫn đến Giáo Hội và sống trong Giáo Hội. Đó là điều rất quan trọng cần phải nhớ lấy.

     

    Vào lúc mở màn cho cuộc thám hiểm của Kitô giáo, khi Thánh Thần hiện xuống bằng quyền lực trên các vị môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần, như được thuật lại trong Sách Tông Vụ (cf, 2:1-13), thì Giáo Hội sơ khai lãnh nhận sức mạnh để thi hành sứ vụ được Vị Chúa phục sinh trao phó cho mình, đó là truyền bá Phúc Âm, tin mừng về Vương Quốc của Thiên Chúa, đến hết mọi nơi trên trái đất này, và hướng dẫn hết mọi người đến chỗ gặp gỡ Đức Kitô phục sinh cũng như đến đức tin cứu độ. Các Tông Đồ đã vượt qua hết mọi lo âu sợ hãi trong việc loan báo những gì các vị đã nghe, đã thấy và bản thân đã cảm nghiệm  về Chúa Giêsu. Nhờ quyền lực của Thánh Linh, các vị bắt đầu nói bằng các thứ ngôn ngữ mới, công khai loan báo mầu nhiệm các vị đã chứng kiến thấy.

     

    Bởi thế, trong Sách Tông Vụ, chúng ta đã được thuật lại về bài giảng trọng đại được Thánh Phêrô thực hiện vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngài bắt đầu bằng một đoạn trích sách Tiên Tri Joel (3:1-5), nói về Chúa Giêsu và công bố cái cốt lõi của đức tin Kitô giáo, ở chỗ: Người là Đấng đã dồi dào làm ích cho tất cả mọi người, và được Thiên Chúa chứng thực bằng các phép lạ và những việc thế lực, bị đóng đanh và sát hại, thế nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ trong kẻ chết, đặt để Người làm Chúa và là Đấng Thiên Sai. Nhờ Người, chúng ta đã tiến tới với ơn cứu độ sau hết như được các vị tiên tri loan báo, và bất kỳ ai kêu đến danh hiệu của Người đều được cứu độ (cf Acts 2:17-24). Nhiều người nghe thấy những lời của Thánh Phêrô đã cảm thấy bản thân nhức nhối; họ đã thống hối tội lỗi của mình và lãnh nhận phép rửa, nhận lãnh tặng ân Thánh Linh (cf Acts 2:37-41).

     

    Cuộc hành trình của Giáo Hội được khởi sự là như thế đó. Giáo Hội là cộng đồng thực hiện việc loan truyền này qua không gian và thời gian, một cộng đồng của Dân Thiên Chúa được thiết lập trên giao ước mới trong máu của Chúa Kitô, mà các phần tử của cộng đồng này không thuộc về bất cứ một phe nhóm xã hội hay sắc tộc đặc biệt nào mà là thành phần nam nữ thuộc hết mọi quốc gia và văn hóa. Giáo Hội là một dân “công giáo” nói những thứ ngôn ngữ mới và mở ra một cách phổ quát để đón nhận hết mọi người, một dân vượt lên trên hết mọi biên cương bờ cõi và không còn bất cứ một rào cản nào. Thánh Phaolô nói: “Ở đây không còn Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di mọi rợ, Scythian, nô lệ, tự do, mà Chúa Kitô là tất cả và ở trong tất cả” (Col 3:11).

     

    Bởi vậy, từ những ngày đầu tiên của mình, Giáo Hội đã là một nơi chốn của đức tin, một nơi chốn truyền đạt đức tin, một nơi chốn mà nhờ phép rửa, chúng ta được đắm mình vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, một mầu nhiệm giải thoát chúng ta khỏi ngục tù tội lỗi, ban cho chúng ta quyền tự do làm con cái và dẫn chúng ta vào mối hiệp thông cùng Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời chúng ta cũng được đắm mình vào một mối hiệp thông với những anh chị em khác trong đức tin, với toàn thể Thân Mình của Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta thoát khỏi cái lẻ loi cô độc của mình. Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng: “Thiên Chúa không thánh hóa con người và cứu độ con người thuần túy theo cá nhân, không liên hệ hay dính dáng gì giữa họ với nhau. Trái lại Ngài muốn mang con người lại với nhau thành một dân tộc duy nhất, một dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (Dogmatic Constitution, Lumen Gentium, 9).

     

    Nhắc lại phụng vụ Phép Rửa một lần nữa, chúng ta có thể nhận thấy rằng vào lúc kết thúc những lời thề hứa là chúng ta từ bỏ sự dữ và đáp rằng “tôi tin” đối với những chân lý chính yếu của đức tin, thì vị cử hành tuyên bố rằng: “Đó là đức tin của chúng ta. Đó là đức tin của Giáo Hội và chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Đức tin là một nhân đức đối thần do Thiên Chúa ban nhưng được Giáo Hội truyền đạt qua giòng lịch sử. Khi viết cho giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô lập lại rằng ngài đã truyền lại cho họ Phúc Âm chính ngài đã lãnh nhận (cf 1Cor 15:3).

     

    Có một móc nối liên tục trong đời sống của Giáo Hội, nơi việc loan truyền Lời Chúa, trong việc cử hành các Bí Tích, một thứ móc nối vươn tới chúng ta mà chúng ta gọi là Truyền Thống. Truyền Thống cung cấp cho chúng ta sự bảo đảm rằng những gì chúng ta tin tưởng đều là sứ điệp nguyên tuyền của Chúa Kitô, được các vị Tông Đồ rao giảng. Cốt lõi của việc loan báo ban đầu này đó là biến cố về Cái Chết và Phục Sinh của Chúa, từ đó phát xuất tất cả gia sản đức tin. Công Đồng Chung Vaticanô II nói: “Việc giảng dạy của vị tông đồ này, một việc giảng dạy được diễn tả một cách đặc biệt nơi các cuốn sách được linh ứng, đã được bảo trì bởi một thứ không ngừng liên tục các vị giảng dạy cho đến ngày cùng tháng tận” (Dogmatic Constitution Dei Verbum, 8). Thế nên, nếu Thánh Kinh chất chứa Lời Chúa thì Truyền Thống của Giáo Hội bảo trì Lời Chúa và trung thành truyền đạt Lời Chúa, nhờ đó con người ở hết mọi thời đại có thể tiến tới với nguồn phong phú bao la của Lời Chúa và được thăng hóa nhờ những kho tàng ân sủng của Lời Chúa. Như vậy, Giáo Hội, “nơi việc giảng dạy của mình, đời sống và việc tôn thờ của mình, đang kéo dài và truyền đạt cho tất cả mọi thế hệ toàn thể những gì chính Giáo Hội là, toàn thể những gì Giáo Hội tin tưởng” (ibid.)

     

    Sau hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng chính trong cộng đồng giáo hội mà đức tin của cá nhân mới tăng trưởng và chín mùi. Thật là lý thú khi nhận thấy rằng trong Tân Ước chữ “các thánh” ám chỉ toàn thể Kitô hữu – và chắc chắn không phải tất cả Kitô hữu đều có những tính chất cần thiết để được Giáo Hội tuyên bố là thánh. Vậy đâu là chủ ý trong việc sử dụng từ ngữ này? Sự kiện đó là những ai có đức tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh và sống đức tin này đều được kêu gọi trở thành mô phạm cho người khác, bằng việc làm cho họ giao tiếp với Con Người và Sứ Điệp của Chúa Giêsu, Đấng mạc khải cho thấy Dung Nhan của vị Thiên Chúa hằng sống. Điều này cũng đúng với cả chúng ta nữa, ở chỗ, một Kitô hữu để cho mình dần dần được dẫn dắt và hình thành theo đức tin của Giáo Hội – bất chấp nỗi yếu hèn của họ, các giới hạn của họ và những khó khăn của họ – thực sự trở nên một cửa sổ mở ra cho ánh sáng của vị Thiên Chúa hằng sống, một cửa sổ lãnh nhận ánh sáng này và truyền đạt ánh sáng ấy cho thế giới. Trong Thông Điệp Redemptoris mission – sứ vụ của Đấng Cứu Thế, Chân Phước Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “hoạt động truyền giáo là những gì canh tân Giáo Hội, là những gì tái sinh động đức tin và căn tính Kitô giáo, và cống hiến nhiệt tình mới cũng như động lực mới. Đức tin được kiên cường khi đức tin được cống hiến cho người khác!” (số 2).

     

    Khuynh hướng lan tràn ngày nay trong việc đẩy lui đức tin vào lãnh vực riêng tư là những gì phản lại với chính bản chất của đức tin. Chúng ta cần Giáo Hội trong việc củng cố đức tin của chúng ta cũng như trong việc cảm nghiệm được các tặng ân của Thiên Chúa: Lời của Ngài, các Bí Tích, sự nâng đỡ của ân sủng và chứng từ yêu thương. Nhờ đó, “cái tôi” của chúng ta biến thành “cái chúng tôi” của Giáo Hội – sẽ có thể nhận thấy chính mình như là một thụ nhân và là tham dự viên vào một biến cố trổi vượt hơn bản thân mình: cái cảm nghiệm về mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng thiết lập mối hiệp thông nơi con người. Trong một thế giới mà cá nhân chủ nghĩa dường như đang chi phối các thứ liên hệ của con người, khiến họ trở thành mong manh mỏng dòn hơn bao giờ hết, thì đức tin kêu gọi chúng ta hãy trở thành Giáo Hội, tức là trở thành những kẻ mang tình yêu và mối hiệp thông của Thiên Chúa đến cho tất cả nhân loại (cf. Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 1).  Xin cám ơn anh chị em đã lắng nghe.

     

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 31/10/2012 (những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

        

     

    Cảm nhận của người dịch:

     

    Theo thường lệ, vào Thứ Tư hằng tuần, trong Buổi Triều Kiến Chung ngày 31/10/2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Đức Tin của ngài cho Năm Đức Tin.

     
    Trong 2 bài giáo lý trước, ngài đã nhấn mạnh đến tính chất hiện thực hóa rất quan trọng của đức tin nơi đời thường của Kitô hữu. Thế nhưng, trong bài giáo lý thứ ba này, ngài đã hướng chúng ta về một chiều kích quan trọng khác của đức tin, đó là chiều kích Giáo Hội của đức tin. 

    Trước hết, ngài đã tái khẳng định đức tin vừa là một tặng ân của Thiên Chúa vừa là một đáp ứng của con người, nhờ đó con người được biến đổi:

     
    Đức tin là một tặng ân biến đổi đời sống của chúng ta, vì đức tin giúp chúng ta có thể trông nhìn bằng cặp mắt của Chúa GiêsuĐấng hoạt động trong chúng ta và hướng chúng ta về tình yêu mến Thiên Chúa và những người khác 

    Sau nữa, ngài đã đặt 3 vấn đề liên quan đến chiều kích giáo hội của đức tin như thế này:

     
    Phải chăng đức tin chỉ là những gì riêng tư và cá thể? Phải chăng đức tin chỉ liên quan đến con người riêng của tôi thôi? Phải chăng tôi chỉ sống đức tin một mình thôi?  

    Sau hết, ngài đã dẫn giải chiều kích giáo hội của đức tin bằng những câu khẳng định tiêu biểu như sau:

     
    ’Việc tin tưởng’ là một tác động của giáo hội. Đức tin của Giáo Hội có trước, sản sinh, nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.
     
    Bởi vậy, từ những ngày đầu tiên của mình, Giáo Hội đã là một nơi chốn của đức tin, một nơi chốn truyền đạt đức tin, một nơi chốn mà nhờ phép rửa, chúng ta được đắm mình vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, một mầu nhiệm giải thoát chúng ta khỏi ngục tù tội lỗi, ban cho chúng ta quyền tự do làm con cái và dẫn chúng ta vào mối hiệp thông cùng Thiên Chúa Ba Ngôi.
     
    Đức tin là một nhân đức đối thần do Thiên Chúa ban nhưng được Giáo Hội truyền đạt qua giòng lịch sử.
     
    Chính trong cộng đồng giáo hội mà đức tin của cá nhân mới tăng trưởng và chín mùi.
     
    Một Kitô hữu để cho mình dần dần được dẫn dắt và hình thành theo đức tin của Giáo Hội – bất chấp nỗi yếu hèn của họ, các giới hạn của họ và những khó khăn của họ – thực sự trở nên một cửa sổ mở ra cho ánh sáng của vị Thiên Chúa hằng sống, một cửa sổ lãnh nhận ánh sáng này và truyền đạt ánh sáng ấy cho thế giới.
     
    Trong một thế giới mà cá nhân chủ nghĩa dường như đang chi phối các thứ liên hệ của con người, khiến họ trở thành mong manh mỏng dòn hơn bao giờ hết, thì đức tin kêu gọi chúng ta hãy trở thành Giáo Hội, tức là trở thành những kẻ mang tình yêu và mối hiệp thông của Thiên Chúa đến cho tất cả nhân loại
     
    Chiêu kích Giáo Hội của đức tin và liên quan đến mối hiệp thông được ĐTC nhấn mạnh trong bài giáo lý thứ 3 này rất hợp với lời thánh Gioan  ở đầu bức thư thứ 1 của ngài, như sau:
     

    (1) Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,

    điều chúng tôi đã nghe,

    điều chúng tôi đã thấy tận mắt,

    điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,

    và tay chúng tôi đã chạm đến,

    đó là Lời sự sống.

    (2) Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,

    Chúng tôi đã thấy và làm chứng,

    chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời:

    sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha

    và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.

    (3) Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe,

    chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,

    để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi,

    mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha

    và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người.

    (bản dịch 3 câu Tân Ước trên đây của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

     
    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

     

     

     

    --
    You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
    To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHoX5UnROdgZDHvuSjweeTFUDMc4wwzJb74ucwEdZk%2BUEw%40mail.gmail.com.
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - DỊU HIỀN- CHRISTIE PHAN

  •  
    Kristie Phan
    Mon, Jul 6 at 12:20 PM
     
     
     
     
    DỊU HIỀN
     
       Truyện kể: Thánh Jean Vianney, lúc còn là chủng sinh học hành rất chậm.  Ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh Đức giám mục, đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục không.  Vianney không thể trả lời xuông sẻ câu hỏi nào cả.  Vị giáo sư nổi nóng đập bàn nói: Vianney, anh dốt đặc như con lừa.  Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì?  Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: Thưa Thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương con lừa mà đánh bại 3 ngàn quân Philistin.  Vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?
     
    Sách tiên tri Giacaria được xếp vào áp cuối của bộ sách Cựu Ước.  Giacaria sinh sống tại Giêrusalem và thi hành sứ vụ tiên tri vào khoảng năm 520-518 trước Công nguyên.  Với việc lên ngôi của Zerubbabel, dòng dõi vua Đavid, Thiên Chúa khai mở triều đại mới trong vinh quang và sang giầu cho Giêrusalem.  Thiên Chúa muốn Zerubbabel và Joshua xây dựng lại Đền Thờ và lập lại hàng giáo sĩ giữ việc thờ phượng và dâng hương tại đó.  Giacaria cũng là một trong những người Do-thái bị lưu đầy được trở về Giêrusalem.  Ông cùng được dự phần trong nhóm các tiên tri Do-thái.  Ông phấn chấn lòng dân về tin mừng của Đấng cứu độ: Đây Chúa phán: Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng: Nầy vua ngươi đến với ngươi.  Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ.  Người khiêm tốn ngồi trên lừa con của lừa mẹ (Zach 9, 9).  Tiên báo về Đấng công chính ngồi trên lưng lừa con bước vào thành thánh Giêrusalem với lời tung hô vạn tuế.  Con cái Sion tung hô nhảy mừng ca hát: Vạn tuế, tung hô Đấng nhân danh Chúa mà đến.
     
    Người đời hãnh diện với danh vọng và quyền lực để cai trị nhân dân.  Có nhiều người tự cao tự đại làm như họ sở hữu mọi gia sản trên đời.  Sự khôn ngoan, tài trí, sức mạnh và cả sự sống đều là ân huệ được trao ban.  Mỗi người có khả năng để phát triển tất cả kho tàng quý báu được ẩn dấu và phú bẩm.  Không có sự gì chúng ta sở hữu mà không do ơn trên ban cho.  Cho dù có thông giỏi, quyền thế và uy lực, con người cũng không thể hiểu thấu chính mình và vũ trụ chung quanh.  Chúa Giêsu Đấng trung gian vạn vật đã lên tiếng nói rằng: Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn (Mt 11, 25).  Thiên Chúa mạc khải nước trời cho những tâm hồn đơn sơ và chân thành.  Không phải cứ thông minh hiền triết là nắm giữ được chìa khóa của sự khôn ngoan.  Sự khôn ngoan gắn liền với sự đơn sơ khiêm tốn.
     
    Sau khi chịu chức linh mục, cha Jean Vianney vì nổi tiếng nhân đức, giáo dân các giáo họ lân cận tuôn đến tham dự thánh lễ, nghe giảng và xưng tội.  Một cha sở kia tức giận vì tín hữu bỏ mình đến với cha Vianney.  Ông cha này đã viết thơ nhục mạ cha Vianney.  Cha Vianney nhận thơ, vội tìm tới xin cha sở kia xin tha lỗi và khẩn khoản xin cha sở kia giúp trình Đức giám mục đổi Vianney đi vùng khác hay tốt hơn cho nhập dòng nào đó để khỏi làm phiền các cha lân cận.  Trước thái độ khiêm hạ đó, cha sở kia quì mọp xuống xin lỗi và từ đó chọn cha Vianney là cha linh hướng.
     
    Hãy tìm học với Chúa Kitô: Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an (Mt 11, 29).  Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa toàn năng toàn mỹ.  Chúa cư ngụ giữa xã hội con người đầy tội lỗi, yếu đuối và mỏng dòn.  Dù tình trạng con người xấu xa đến mức nào đi nữa, Chúa vẫn yêu thương, chữa lành và cứu độ.  Chúa không loại trừ sự dơ dáy tanh hôi của bệnh tật và tội lỗi.  Một Thiên Chúa tốt lành vô cùng lại phải đối đầu với sự tà tâm của con người.  Chúa đã nhiều lần tranh luận, thuyết phục, răn dậy, sửa sai, hướng dẫn và dậy dỗ cả các Thượng tế, Tư tế, Biệt Phái, Luật sĩ, các Đầu mục các phái, các vị lãnh đạo và toàn dân.  Với lòng thương xót tuyệt đối, ánh sáng của Chúa chiếu dọi vào từng tâm hồn.  Chúa muốn chúng ta hãy học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.
     
    Trong khi loài người, gọi là đồng loại, thì phân biệt và cách biệt.  Phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, mầu da, sắc tộc, giầu nghèo, học thức, chức vị và muôn ngàn cách thế dị biệt.  Hình như nhiều người luôn tìm cách đánh giá sự hơn thua và vinh nhục ở đời như là cùng đích.  Dân tộc nào cũng muốn trội hơn.  Người nào cũng muốn khoe tài, khoe của.  Đâu mấy ai khoe sự khó nghèo, khiêm nhường hay hiền lành.  Nếu cứ mải mê chạy đua tìm kiếm những triều thiên giả tạo, chúng ta sẽ bị chìm đắm trong vòng xoáy tục lụy trần đời.  Biết rằng, sống là phải vươn lên và phấn đấu không ngừng.  Cho dù đứng trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, chúng ta cũng chỉ là một con người đầy khuyết điểm và yếu đuối.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đấng kế vị thánh Phêrô, đã tiếp nhận được bài học quý giá của sự dịu hiền và khiêm hạ.  Từng việc cụ thể ngài thực hiện trong những ngày tháng qua đã làm nổi bật sứ vụ của đấng thay mặt Chúa.  Đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.
     
    Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt đối cho mọi người trong mọi thời.  Là môn đệ của Chúa, chúng ta cần suy tư sâu lắng tất cả những lời chỉ dậy và hành động gương sáng của Chúa.  Chúa giảng về sự tha thứ, thương xót, bác ái, khó nghèo, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, chịu đựng, hy sinh và ngay cả chết cho bạn hữu.  Chúa đã giảng và đã thực hành.  Trong khi chúng ta thích khoe mẽ, nói nhiều mà chẳng muốn áp dụng.  Lời nói chẳng đi đôi với việc làm, đôi khi còn ngược lại, nói một đường, làm một nẻo.  Khuyên dậy, giảng giải, trình bầy và thuyết phục điều hay lẽ phải thì ai cũng có thể làm được, nhưng thực hành những điều này cần có một ý chí và quyết tâm cao.  Thực hành sống đạo cũng thế, chúng ta cần có thái độ chọn lựa dứt khoát bước theo lề phải.  Tu thân tích đức từng bước mỗi ngày.  Các thói quen tốt lành sẽ trở thành các nhân đức.  Nhân đức dẫn chúng ta tiến gần trên con đường trọn lành.
     
    Thánh Phaolô khuyên dậy: Vì chưng, nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được các hành động thân xác, thì anh em sẽ được sống (Rm 8, 13).  Thân xác con người vốn có bản năng yếu đuối.  Các cơn cám dỗ luôn rình rập kéo lôi chúng ta trở lại tình trạng man rợ xa Chúa.  Nhờ thần trí hướng dẫn, chúng ta có thể thắng vượt những cạm bẫy giăng mắc quanh môi trường cuộc sống.  Xác thịt thì nặng nề yếu đuối nhưng thần trí cần phải dũng mạnh và cương trực.  Thân xác là máng chuyển các ơn huệ vào tâm hồn.  Chúng ta cần bồi dưỡng sức mạnh cho cả xác lẫn hồn để có hồn trong, xác mạnh.  Sứ mệnh và cùng đích của toàn diện cuộc sống con người là sự sống viên mãn ngày sau.
     
    Lạy Chúa, dòng nước sẽ tuôn chảy về chỗ thấp trũng.  Ơn sủng của Chúa cũng tuôn đổ vào những tâm hồn biết khiêm nhượng đón nhận.  Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân của Chúa.
     
    Lm. Giuse Trần Việt Hùng
     


    --Certified Virus Free by 4SecureMail.com ICSA-Certified Scanner--
    Download all attachments as a zip file
    •  
      DỊU HIỀN.docx
      113.9kB
    • Khiem-nhuong-va-kieu-ngao.jpg
      95.8kB