9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - HẬU QUẢ LM THIẾU CẦU NGUYỆN

 

  •  
    nguyenthi leyen
    Fri, May 15 at 12:37 AM
     

    Linh mục quá bận, không có giờ cầu nguyện

    1. Linh mục Lutherô

    Trong lịch sử Hội Thánh Công giáo có vị linh mục danh tiếng tên là Lutherô, thuộc dòng thánh Augustinô tại nước Đức. Mới 35 tuổi đã làm tới chức Bề trên Giám tỉnh. Nhưng Giám tỉnh ấy lại quá bận rộn với công việc. Ông nói:

    - Tôi quá bận: nào phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, nên không có giờ đọc kinh Nhật tụng, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng lễ, không có giờ cám ơn Chúa. Có lúc tôi phải bỏ luôn cả làm lễ...

    Kết quả là vị linh mục thông thái này đã đâm kiêu ngạo, chống đối Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, chủ trương lạc thuyết, ly khai khỏi Hội Thánh, ra khỏi Dòng, lấy vợ là một nữ tu dòng Xitô theo bè của ông, và lôi kéo không biết bao nhiêu kẻ theo mình, làm cho Hội Thánh phải bị tổn hại thật nặng nề.

    Ngay từ năm 1525 Lutherô đã nhận ra một cách chua cay, ông nói: "Không một ai trong giáo dân của chúng ta lại không có đời sống xấu xa hơn trước".

    Melanthon, môn đệ của Lutherô cũng rầu rĩ than rằng: "Hãy nhìn cái xã hội Tin lành: biết bao người ngoại tình, say sưa, du đãng, biết bao cảnh xấu xa ghê tởm. Hãy xem các gia đình, họ có sống trinh khiết hơn những người bị coi là kẻ ngoại không?"

    Sau đó ông kết luận: "Tất cả dòng sông Elbe cũng không đủ nước để than khóc những tai ương do cuộc Cải cách (Tin lành) gây ra". (Lm Bùi Đức Sinh, OP, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Chân Lý xuất bản, Sài gòn 1972, Phần nhì, trang 29).

    Trong mấy năm cuối cùng, Lutherô buồn rầu nhìn vào tình trạng Giáo hội Cải cách của ông, lại thêm nhiều bệnh tật, ông trở nên khó tính. Dầu vậy, trước khi chết, dù không nói được (cấm khẩu), Lutherô vẫn cố viết lên tường những lời nguyền rủa Đức Giáo Hoàng:

    - " Hỡi Giáo Hoàng, khi sống ta đã là ôn dịch cho ngươi, khi chết ta sẽ là tử hình cho ngươi " (Sách trên trang 30).

    2. Linh mục Lamenais

    Lamenais người Pháp. Là một linh mục nổi tiếng, đồng thời là một văn hào danh tiếng lẫy lừng.

    Ông cũng cùng lối sống như Lutherô, suốt ngày lo lắng nhiều việc, bỏ bê giờ cầu nguyện, chỉ cậy vào trí khôn mình mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Nên hồi kết thúc cũng không hơn gì Lutherô: kiêu căng, bất tuân phục cấp trên, kéo khốn nạn xuống bản thân mình cùng kéo nhiều người khác nữa. (HY Nguyễn Văn Thuận- Những người Lữ hành trên đường hy vọng).

    3. Tâm sự một linh mục ham danh giá, viết sách, bỏ cầu nguyện, xuất tu

    Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, số tháng 10 năm 2000 có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh cáo cho tất cả chúng ta nếu chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hàng ngày.

    "Không có gì tách tôi ra khỏi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi thâm tín rằng dù sống hay dù chết, dù tù đầy bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô".

    Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đầy, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này! Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công Giáo, tôi kiện họ lên tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à?

    Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là "bứng" tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

    Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay "Tiếng thở dài" (The Sigh). Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết: họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa "Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa.Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì?"

    Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hàng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần.

    Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên.

    Chuyện gì đến thì cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt.

    Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa Kitô không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé đã giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Chẳng vậy, mà trong Phúc Âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này "Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện".

    - Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì? mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh?

    - Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao?

    - Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các thánh mà chúng ta sẽ long trọng mừng vào ngày 1/11 sắp tới. Chính sự cầu nguyện đã giúp các ngài nên thánh.

    Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong cuốn "Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng":

    "Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí 'dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa' (1 Cr 2,10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình Yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy, và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng."

    Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi linh mục trong tôi.

    Lời Chúa:

    Ga 15,5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.

    Ga 15,6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
    ST
     -----------------------------------------
     
     
     
     
     
     
     
     
     

     
     
     
     
     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - NGƯỜI TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA

 

  •  
    nguyenthi leyen 
    Mon, May 11 at 1:31 AM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    KHÔNG ĐỦ ĐIỀU NÀY, KHÔNG THỂ LÀ NGƯỜI TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA

     

    Người tông đồ chắc chắn phải là người có trái tim rộng lớn. Nếu không, họ sẽ chẳng mang “yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. 

     

     

    Người ta phải trải qua một quá trình học và đào luyện lâu dài để có thể trở thành một linh mục, hay rộng hơn là người tông đồ của Chúa. Ấy là bởi vì trở thành “người tông đồ” thách đố người ta rất nhiều. Làm dâu trăm họ chưa bao giờ là điều dễ dàng – như người ta vẫn nói. Song song với những kiến thức triết thần đủ để phục vụ, những kỹ năng về mục vụ cùng nhiều lĩnh vực khác, người tông đồ cũng phải trưởng thành trong cách sống và làm việc của mình. Từ suy nghĩ cá nhân (chắc sẽ có thiếu sót), tôi nghĩ rằng nếu không có “đủ” những điều sau, sẽ rất khó để là một người tông đồ đúng nghĩa.

     

    1/ Đủ yêu và đủ ghét

     

    Người tông đồ chắc chắn phải là người có trái tim rộng lớn. Nếu không, họ sẽ chẳng mang “yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Họ phải yêu và yêu nhiều lắm. Tình yêu ấy trải rộng cho mọi người, lan toả ở bất cứ nơi đâu họ đặt chân đến. Tình yêu đó là động lực để họ hăng say làm việc, phục vụ người khác một cách vô vị lợi, không đòi đền đáp; dù có khi gặp chống đối hay khó khăn, họ vẫn can trường đối diện và vượt qua. Nói nôm na, họ là người rất tình cảm, hay xúc động, dễ cảm thương. Một người tông đồ không biết yêu thì không xứng với danh xưng “tông đồ”.

     

    Nhưng họ cũng phải là người biết ghét. Ghét những điều đối nghịch với Thiên Chúa, những điều làm hại đối tượng phục vụ của mình. Họ khinh chê những thứ phù phiếm, chóng qua của thế giới này. Ghét kiểu sống bầy đàn, giả tạo. Ghét những vinh hoa hư ảo, những lời khen bóng bẩy chót lưỡi đầu môi. Họ chà đạp nó dưới chân như một thứ gì thật ghê tởm. Đủ ghét những điều này thúc đẩy họ đến một cuộc sống hoàn toàn thanh thoát, tự do tự tại, không hề dính bén gì đến những ảo tưởng đó của thế gian.

     

    2/ Đủ nóng và đủ lạnh

     

    Đủ nóng, hay đủ nhiệt [nhiệt thành], là cái làm cho người tông đồ hăng say trên hành trình sứ mạng, luôn nghĩ ra sáng kiến để giúp đỡ người khác, “làm việc không tìm nghỉ ngơi”. Một người nhiệt thành chẳng bao giờ có thời gian rảnh, bởi họ luôn thấy trước mắt là những nhu cầu rộng lớn. Ngọn lửa bên trong trái tim thôi thúc bàn chân họ luôn cất bước lên đường. Sức nóng ấy cũng giúp làm ấm áp những nơi lạnh lẽo thiếu tình thương. Ai ở gần họ cũng thấy như thể được lòng nhiệt thành ấy của họ đốt cháy, khơi nguồn mọi hứng khởi và dấn thân tông đồ.

     

    Nhưng họ cũng phải là người đủ lạnh, để có thể làm chủ mọi cảm xúc dính bén, vốn là cái hằng có nơi bất cứ con người nào. Không phải là một kiểu lạnh lùng không cảm xúc, nhưng là một khả năng làm chủ mọi xung động trong mình. Người có lòng nhiệt thành thì luôn được quý mến. Phục vụ ở đâu đó trong một khoảng thời gian, có thể họ sẽ được nhiều người thương yêu. Nếu họ không đủ “lạnh” (nếu không muốn nói là đủ lạnh lùng) để dứt bỏ, thì đôi bàn chân sẽ trở nên rất nặng nề, khó có thể tiếp tục đến phục vụ nơi khác, đôi bàn tay sẽ khó có thể buông ra để vươn rộng vươn dài. Đủ lạnh để biết thiêng liêng hoá mọi tương quan và gắn bó, để lòng được trải rộng hơn.

     

    3/ Đủ nhớ và đủ quên

     

    Họ phải biết và phải nhớ “mùi chiên”. Nhớ không chỉ bằng trí óc, nhưng còn khắc sâu vào trong tâm khảm. Nhớ từng người và từng vấn đề để có thể giúp đỡ cách hiệu quả hơn, để con chiên biết là mình được yêu thương, được quan tâm. Nhớ đến chiên chính là điều nối kết họ với chiên, sẽ làm cho chiên tin tưởng họ nhiều hơn. Họ nhớ mọi điều tốt đẹp, dù là nhỏ nhặt, mà con chiên đã làm. Một người lơ đễnh, chẳng quan tâm và ghi khắc trong trái tim và trí óc mình một ký ức hay kiến thức nào về con chiên, thì chẳng thể làm được gì cho họ.

     

    Nhưng họ cũng phải biết quên. Quên những gì không giúp ích cho họ và cho đàn chiên. Quên những sai lỗi của con chiên, đặc biệt là những lỗi họ gây ra, làm tổn hại đến mình. Phải quên mọi hận thù, mọi cảm xúc tiêu cực, mọi ký ức buồn. Quên theo nghĩa này cũng là tha thứ. Không phải là một kiểu giả vờ chẳng nhớ gì, chẳng biết gì; nhưng là không để những điều không tốt chế ngự khối óc và con tim. Họ nhìn những biến cố không vui bằng một cái nhìn khác, rộng lượng và khoan dung, cùng với một niềm hy vọng mọi sự sẽ nên tốt vào một lúc không xa. Đã hy sinh phục vụ người khác mà cứ khư khư giữ mãi những níu kéo hay những điều tiêu cực thì làm sao có thể phục vụ tốt được? Trong cái nhìn sứ mạng, cái quên này cũng là một sự dứt khoát với quá khứ, “để lao mình về phía trước” như Phaolo. Nói chung, đó là một sự thanh thoát hoàn toàn với cái gì không tốt cho sứ mạng hiện tại.

     

    4/ Đủ cứng và đủ mềm

     

    Có biết bao khó khăn và thử thách đang chờ đợi người tông đồ phía trước. Không đủ cứng, người ấy sẽ rất dễ gục ngã khi bão táp kéo về. Đó là một sự vững vàng trong lập trường, học thức, kinh nghiệm, tâm lý và rất nhiều điều khác. Khi một kế hoạch đã vạch ra (và xác quyết rằng đó là ý Chúa), phải đủ kiên cường để thực thi nó, không nhụt chí hay nản lòng khi gặp chống đối hay cản trở. Nếu không, họ sẽ chẳng làm được chuyện gì cho ra hồn, không thể nào đưa các dự phóng về đến đích mong đợi. Kẻ bàn ra, người bàn vô, kẻ ủng hộ, người nói xấu… đủ sức để chịu đựng được những điều đó cũng đòi hỏi một sự mạnh mẽ to lớn. Sự cứng cáp nơi họ làm cho những người hợp tác hay bề dưới dành cho họ sự nể trọng. Nếu không có điều này, cộng đoàn hay công việc ắt sẽ loạn và không đi vào khuôn phép.

     

    Tuy nhiên, họ cũng phải là người biết mềm mỏng, linh hoạt. Cứng như đá thì dễ vỡ, còn nhẹ như lông thì có rơi từ độ cao bao nhiêu cũng chẳng sợ. Mềm không phải là yếu ớt, nhưng là khả năng mở ra với những cái mới. Có thể “mềm” là cả một nghệ thuật lớn lao. Người đó phải nhận định rất tốt, nắm bắt hoàn cảnh rất rõ, suy nghĩ rất thấu đáo. Trong tương quan với người khác, đặc biệt là người dưới, mềm là một kỹ năng đòi hỏi sự khiêm nhường và khéo léo, để vừa biết nương theo khả năng của người kia, vừa biết điều chỉnh cho phù hợp nhằm đạt đến một kết quả tốt hơn. Mềm như dòng nước chảy, có thể thích ứng với mọi vật chứa nó, nhưng lại có sức mạnh kinh hoàng đục khoét được cả đá núi. Mềm như gió, chẳng gì thấy hay làm hại được nó, nhưng nó có thể làm bật tung mọi thứ. Khả năng “mềm” giúp cho người tông đồ thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh và có thể tiếp cận với mọi hạng người mà không gặp quá nhiều khó khăn. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao?

     

    5/ Đủ nắm và đủ buông

     

    Nắm để có sự gắn bó, gần gũi. Nắm để gìn giữ và làm thăng hoa. Không có một cái gì trong tay thì cũng chẳng thể làm gì được để giúp người khác. Hơn nữa, trong quá trình phục vụ, chắc chắn sẽ có những cái tự dưng đến với người tông đồ. Họ sẽ tích trữ nhiều hơn, sẽ trở nên “giàu” hơn, từ những tương quan có được, cho đến những thành công, sự thừa nhận, chỗ đứng, tiếng tăm. Tất cả những điều này đều cần thiết, người ta cần nó để có thể làm việc hiệu quả. Người nào biết nắm giữ và sử dụng nó đúng cách thì việc tông đồ của mình sẽ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.

     

    Tuy nhiên, những cái đó chỉ là phương tiện, chứ không phải cùng đích. Phương tiện là cái mà nếu nó giúp ích thì ta dùng, không giúp ích thì buông. Nhưng “buông” lại không phải là chuyện dễ làm. Có nhiều người, dù đã lên đường thực thi sứ vụ khác, vẫn chẳng thể nào buông được những gì tại nơi cũ. Họ cho rằng công trạng của mình thật lớn, nên có quyền can thiệp vào chuyện người ta, dù chẳng có quyền gì. Họ luôn tỏ vẻ như thể mình là người giỏi giang, tất cả mọi công trình đều có mồ hôi nước mắt của mình, để rồi tự hào về nó. Đôi khi họ không cắt đứt được với những tương quan cũ, vẫn muốn mình “sống mãi” tại nơi mình đã từng phục vụ, muốn mình trở thành tượng đài. Suy nghĩ và thái độ sống này rõ ràng không làm nên người tông đồ đúng nghĩa.

     

    *SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG: Cả năm điều “đủ…đủ…” này dường như có tương quan với nhau, nếu không muốn nói là chúng chỉ diễn tả một ý qua năm ngôn từ. Đủ yêu thì cũng đủ nóng, đủ nhớ, đủ cứng, đủ nắm; đủ ghét thì cũng đủ lạnh, đủ quên, đủ mềm, đủ buông. Ắt hẳn sẽ còn nhiều cái “đủ… đủ” như vậy nữa. Nhưng tựu trung, nó muốn nhắm đến một thái độ quân bình và thanh thoát. Muốn trở thành một người tông đồ của Chúa, người ấy trước hết phải là người của Chúa, thuộc về Chúa. Mong sao tôi và tất cả những ai tự xưng là “tông đồ” có thể có được điều này.

     

    Còn bạn, bạn nghĩ là người tông đồ cần phải có cái “đủ… đủ…” nào nữa?

    Pr. Lê Hoàng Nam, SJ(dongten.net)

     
     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ -PHỤ NỮ CHO PHỤC HƯNG

Phụ nữ cho một thời kỳ Phục hưng, phục vụ công ích

Sơ Alessandra Smerilli

Mười hai phụ nữ, gồm các nhà kinh tế, nhà nghiên cứu và doanh nhân được kêu gọi tham gia vào lực lượng đặc nhiệm do chính phủ Ý ủy quyền, mục đích đưa ra các đề xuất nhằm tái xây dựng nước Ý sau đại dịch. Trong số đó có sơ Alessandra Smerilli, Ủy viên của Quốc gia Thành Vatican và là giáo sư kinh tế chính trị tại phân khoa Giáo dục Ailen.

Trong thời điểm này, trên thế giới, mọi người đều nhận thấy hậu quả do đại dịch virus corona gây ra không chỉ liên quan đến sức khỏe nhưng còn ở nhiều lãnh vực khác. Vì thế, các chính phủ, các vị nguyên thủ quốc gia trong khi ứng phó với đại dịch trong thời điểm hiện tại, thì đã phải nghĩ đến những cái đến sau. Cụ thể, phải nghĩ đến việc cần phải phục hồi bộ máy xã hội, văn hóa và kinh tế. Và đây là mục tiêu của lực lượng đặc nhiệm “Phụ nữ cho một thời Phục hưng mới” của Ý do bà Elena Bonetti, Bộ trưởng Bộ Gia đình và Cơ hội bình đẳng của Ý đưa ra để xây dựng các đề xuất có khả năng khởi động lại đất nước.

Trong lực lượng đặc nhiệm này có một nhóm mười hai phụ nữ với những tài năng chuyên môn khác nhau, do bà Fabiola Gianotti, nhà vật lý và là giám đốc Trung tâm Cern đứng đầu. Trung tâm Cern là Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu, là một trong những trung tâm lớn nhất và được tôn trọng nhất trên thế giới về nghiên cứu khoa học. Nhóm đã có một buổi gặp gỡ qua online vào thứ Tư 15/4/2020. Trong số các đại diện của nhóm đặc biệt này có sơ Alessandra Smerilli, giáo sư kinh tế chính trị tại phân khoa Giáo dục Ailen và Ủy viên của Quốc gia Thành Vatican. Vatican News có cuộc phỏng vấn với sơ Alessandra Smerilli về công việc của nhóm.

Xin sơ vui lòng giải thích mục tiêu của sáng kiến

Lực lượng đặc nhiệm đã đặt ra mục tiêu cho một kế hoạch tái khởi động quốc gia. Tất cả đang cố gắng đưa các nguồn lực nữ giới đóng góp cho mục tiêu này.

Theo sơ, cần phải chuẩn bị như thế nào cho việc phục hồi sau thảm họa này? Cụ thể là vấn đề kinh tế, phải có định hướng như thế nào?

Tại thời điểm này, thật khó tưởng tượng khi nào và bằng cách nào có thể bắt đầu lại. Tôi nói điều này cụ thể cho nước Ý và cho tất cả thế giới, có nhiều điều chưa chắc chắn. Điểm đầu tiên để chuẩn bị cho việc tái sinh là phải quán sát, đọc và phân tích hoàn cảnh một cách cẩn thận. Và cố gắng nhìn hoàn cảnh, ít ra theo quan điểm của tôi từ cái nhìn của người yếu đuối hơn cả, những người chiếm số đông trong xã hội nhưng lại chịu thiệt thòi nhiều. Và sau đó, cố gắng triển khai các phương sách mà trong thời điểm này có thể đưa ra và cố gắng cùng nhau suy luận vì công ích. Điều tệ hại nhất có thể xảy ra sau đại dịch này đó là các chuỗi phân phối của cải không đồng đều tiếp tục diễn ra.

Tại thời điểm phức tạp và bất ổn này, các câu hỏi thường tập trung vào thời điểm hiện tại. Nhưng những câu hỏi không kém phần quan trọng liên quan đến tương lai. Đâu là những cơ hội và thách đố mà thế giới sẽ nắm bắt và phải đối phó để sống một thời kỳ phục hưng thực sự, khi cuối cùng thời điểm nguy cấp này sẽ được khắc phục?

Những cơ hội để nắm bắt là những gì chúng ta đang thấy trong lúc này. Tôi là một giảng viên đại học và tất cả những gì chúng tôi nghĩ phải làm nhưng chúng tôi chưa bắt đầu thực hiện, như học từ xa, thì giờ đây chúng tôi bắt buộc phải thực hiện. Chúng tôi nhận thấy rằng đây không chỉ là điều có thể thực hiện, nhưng còn là một cách tốt để giữ liên lạc với sinh viên. Điều này áp dụng cho thế giới đại học và cũng phải được áp dụng cho các công việc khác.

Tiềm lực của các công nghệ mới và các kỹ năng kết nối cho phép chúng ta có thể nghiên cứu các cách làm việc khác, như thế có thể tôn trọng trái đất và thiên hiên hơn. Thực tế, các công nghệ mới cho phép chúng ta không phải di chuyển nhiều, ngay cả khi nếu điều này không thể thực hiện cho tất cả mọi công việc. Tôi nghĩ đây là một cơ hội chúng ta phải nắm bắt.

Những thách đố có liên quan đến sức khỏe. Thực tế, virus này gây thiệt hại cho những người yếu đuối, trước hết là những người già. Tương tự như vậy, kinh tế bị chững lại sẽ tạo ra những suy thoái nghiêm trọng, gây thiệt hại cho những người yếu đuối và những người ít được bảo vệ. Vậy thì, năng lượng mà chúng ta đang sử dụng để cứu sự sống nhân loại, cũng là lý do tại sao chúng ta phải dừng kinh tế, chúng ta sẽ phải làm như thế để bắt đầu lại, trong tinh thần những người yếu đuối không bị gạt ra bên lề. Nhưng chúng ta phải thực sự cảm nhận được rằng tất cả đều là anh chị em cùng đối phó với những thách đố này. Nếu chúng ta có thể làm điều này, tôi nghĩ chúng ta sẽ trở nên tốt hơn và xã hội cũng tốt hơn. Từ một nỗi đau lớn và một điều xấu chúng ta tái khám phá điều tốt khi ở cùng nhau.

Mười hai phụ nữ, mười hai chuyên gia và kinh nghiệm sống khác nhau là một phần của lực lượng đặc nhiệm. Theo sơ, trong giai đoạn cần phải suy nghĩ lại về đời sống xã hội, đâu là đóng góp tư tưởng mà các “thiên tài” này có thể đưa ra?

Trong cuộc họp đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm, tôi đã xem xét có bao nhiêu và những năng lực nào có trong nhóm này. Tôi nhận ra rằng thực sự có một thiên tài và những khả năng mà phụ nữ có thể phát huy tác dụng, chẳng hạn như được sử dụng để làm việc ở cấp độ đa chiều. Phụ nữ thường sẵn sàng hơn trong việc điều chỉnh. Nhiều khi, vì là phụ nữ, chúng tôi phải chịu đựng sức nặng đời sống xã hội nhiều hơn; một xã hội mà không phải lúc nào cũng đáp ứng tất cả các nhu cầu liên quan đến công việc và chăm sóc người khác. Và điều này tạo ra khả năng phục hồi và cả sự sáng tạo. Tôi nghĩ đó là tất cả các nguồn lực có sẵn, nhưng để cải thiện tất cả mọi người.

Tôi nghĩ về chủ đề công việc và chăm sóc. Ngày nay chúng ta đang nhận ra tầm quan trọng và những gì định nghĩa chúng ta như là những con người, phẩm giá của lao động nhưng cũng là chiều kích của việc chăm sóc lẫn nhau. Tất cả điều này đã được giao cho phụ nữ, cho cá nhân. Tại thời điểm này, các gia đình đều ở nhà, mọi người, cha mẹ và con cái được kêu gọi quản lý mọi sự. Chúng ta cũng bắt đầu thấy một sự phân chia công việc và nhiệm vụ chăm sóc khác nhau. Và rồi, những gì phụ nữ đã có thể tạo ra cho đến nay, có lẽ có thể được đưa trở lại trong các lĩnh vực để toàn nhân loại học hỏi giá trị của việc chăm sóc kết hợp với công việc.

Kinh tế Phanxicô” dự kiến diễn ra vào tháng 11, cuộc gặp gỡ quốc tế giữa các học giả trẻ và các nhà điều hành kinh tế do Đức Thánh Cha triệu tập. Rõ ràng, tên của sự kiện này có liên quan đến Vị Thánh của Assisi, mẫu gương tuyệt vời về chăm sóc những người bé nhỏ và một hệ sinh thái toàn diện, nhưng cũng đề cập đến các bài viết và phát biểu của Đức Thánh Cha. Có phải Đức Thánh Cha thường mời mọi người tạo ra một mô hình kinh tế mới, chăm sóc các căn bệnh của nền kinh tế thế giới?

Vâng đúng vậy, trong thư mời tham gia sự kiện kinh tế này, Đức Thánh Cha đã đưa ra một sứ điệp, mời gọi các bạn trẻ gặp lại nhau vì một hiệp ước có khả năng thay đổi nền kinh tế hiện tại và mang lại một linh hồn cho kinh tế tương lai. Rõ ràng đây là một điểm tham chiếu cho chúng tôi, những người đang chuẩn bị sự kiện này. Hình ảnh đôi tay của Thánh Phanxicô ôm lấy người phung cùi đã làm thay đổi cuộc đời và câu chuyện cuộc đời Thánh nhân. Chúng tôi nói với nhau rằng điều này phải là mục tiêu của “Kinh tế Phanxicô”, trong một cách thức có một cái ôm này với người phung cùi, người nghèo không bị loại ra ngoài lịch sử, người nghèo có thể được đặt ở trung tâm. Chúng tôi đang chuẩn bị theo cách này và quá trình liên quan đến “Kinh tế Phanxicô” đã bắt đầu. Với hai ngàn bạn trẻ và những người lớn đã sẵn sàng, chúng tôi đang làm việc tại 12 ngôi làng theo chủ đề được xác định để bắt đầu đưa ra các đề xuất nhằm thay đổi nền kinh tế. Tôi phải nói rằng tôi đang làm quen với các bạn trẻ thực sự thông minh, vững chãi từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi gặp nhau, làm việc để có thể đưa ra các đề xuất. Tôi tin rằng đây cũng là một hoa trái tốt của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ. Có những người trẻ có khả năng đóng góp và tôi tin cùng với các nhà kinh tế vĩ đại, những bạn trẻ này sẽ có thế đưa ra những đề xuất sáng tạo để tương lai mà chúng ta đang chuẩn bị, bắt đầu từ đại dịch này thực sự là khoảng thời gian không uổng phí.

Vatican News

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - ĐỘC THÂN LINH MỤC

  •  
    nguyenthi leyen
    Tue, May 5 at 8:20 PM
     
     

    Ảnh cùng dòng

    Tầm nhìn Giáo hội học và Mục vụ về độc thân linh mục

     

    Benoit XVI, Cardinal Robert Sarah, Des Profondeurs de nos coeurs, Fayard 2020. 

    Từ đáy lòng chúng tôi (Des profondeurs de nos coeurs) là tựa đề một quyển sách với nội dung chính là bài viết của Đức Bênêđictô XVI, “Chức linh mục Công giáo”, và bài của Đức hồng y Robert Sarah, “Yêu đến cùng: tầm nhìn giáo hội học và mục vụ về độc thân linh mục”. Cả hai bài đều đào sâu suy tư Kinh Thánh, thần học, mục vụ để bảo vệ sự độc thân linh mục. Sau khi quyển sách được xuất bản, Đức hồng y Robert Sarah đã dành cho tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài trình bày những điểm chính yếu trong quan điểm của Giáo Hội Công giáo về vấn đề độc thân linh mục. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.

    + Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 

    ĐỨC HỒNG Y ROBERT SARAH: 
    TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA NATIONAL CATHOLIC REGISTER 

    Kính thưa Đức hồng y, tại sao ngài viết quyển sách này?

    Vì chức linh mục Kitô giáo đang bị nguy hiểm chết người, đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn! Sự phát hiện một số lớn những lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ, kể cả nơi các Giám mục, là triệu chứng không cần bàn cãi về vấn đề này. Đức Bênêđictô XVI đã nói về đề tài này rất mạnh. Nhưng rồi những suy tư của ngài bị xuyên tạc và lờ đi. Cũng như ngày nay vẫn có những tính toán bắt ngài phải im tiếng, và đủ thứ thao túng được dựng lên để làm cho người ta không chú tâm tới sứ điệp tiên tri của ngài. Thế nhưng tôi xác tín rằng ngài đã nói với chúng ta điều thiết yếu – điều mà không ai muốn nghe. Ngài đã chỉ cho thấy ở gốc rễ của những lạm dụng trong hàng giáo sĩ là sự sai lầm trong việc đào tạo. Linh mục là người được tách riêng ra để phụng sự Thiên Chúa và Hội Thánh. Linh mục là người được thánh hiến. Toàn bộ đời sống linh mục được tách riêng ra để dành cho Chúa. Nhưng người ta lại muốn tục hóa đời sống linh mục, biến nó thành phàm tục, tầm thường. Họ muốn làm cho linh mục thành một người giống như bất cứ người nào khác. Một vài linh mục được đào tạo theo hướng không đặt Thiên Chúa, kinh nguyện, dâng Thánh Lễ, khao khát tìm kiếm sự thánh thiện, như tâm điểm đời sống mình.

    Như Đức Bênêđictô XVI nói: “Tại sao lại có nhiều lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên như thế? Phân tích đến cùng thì đó là vì vắng bóng Thiên Chúa. Chỉ nơi đâu Đức tin không còn quyết định hành động của con người thì mới có thể xảy ra những tội ác như thế”.

    Rõ ràng như Đức hồng y nói, việc đào tạo trên thật thiếu sót. Vậy hậu quả ra sao?

    Các linh mục được đào tạo mà không được dạy rằng Thiên Chúa là điểm nâng đỡ duy nhất cho đời sống của họ, cũng không trải nghiệm được rằng đời sống của họ chỉ có ý nghĩa nơi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Không có Chúa, họ chẳng còn gì khác hơn là quyền lực. Một vài người rơi vào thứ lôgích ma quỷ lạm dụng quyền bính và những tội ác về tình dục. Nếu một linh mục không kinh nghiệm hằng ngày rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Thiên Chúa, nếu một linh mục không thường xuyên đặt mình trước nhan Chúa để phụng sự Người với trọn tâm hồn, thì rồi linh mục đó sẽ bị nhiễm độc vì ham muốn quyền lực. Nếu đời sống một linh mục không phải là cuộc đời được thánh hiến, thì linh mục sẽ có nguy cơ lớn rơi vào ảo tưởng và những chia trí bên ngoài.

    Ngày nay một số người muốn đi một bước xa hơn theo hướng này. Họ muốn tương đối hóa sự độc thân linh mục. Thật là tai họa! Bởi lẽ sự độc thân là thể hiện hiển nhiên nhất rằng linh mục thuộc về Chúa Kitô và linh mục không còn thuộc về chính mình nữa. Độc thân là dấu chỉ của một đời sống chỉ có ý nghĩa nơi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Muốn phong chức linh mục cho người đã kết hôn là hàm nhận rằng đời sống linh mục không phải là công việc trọn thời gian, đời sống đó không đòi hỏi sự cho đi hoàn toàn, đời sống đó cho phép người ta tự do để làm những việc khác như kiếm thêm một nghề, và đời sống đó cho người ta có thời giờ tự do để sống đời tư của mình. Nhưng tất cả những điều đó đều sai. Linh mục là linh mục trọn thời gian. Phong chức linh mục trước hết không phải là một cam kết quảng đại, nhưng là sự thánh hiến toàn bộ hữu thể, linh hồn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đòi hỏi chúng ta phải hoán cải thường xuyên để nên giống Người. Độc thân là dấu chỉ không thể tranh cãi rằng làm linh mục là để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm hữu mình. Đặt vấn đề về độc thân linh mục sẽ làm trầm trọng hơn cơn khủng hoảng về chức linh mục.

    Đức Bênêđictô XVI có chia sẻ quan điểm này không?

    Chắc chắn, và ngài đã nói với tôi như thế trong nhiều dịp, diện đối diện. Đau khổ lớn nhất của ngài và thử thách đau đớn nhất của Giáo Hội La tinh là tội ác của các linh mục lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, các linh mục vi phạm đức khiết tịnh. Chúng ta phải đọc lại những gì ngài đã viết về đề tài này khi còn là Hồng y, rồi trong triều giáo hoàng của ngài, và gần đây nhất, trong cuốn Từ đáy lòng chúng tôi.

    Ngài không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của độc thân linh mục với toàn thể Hội Thánh. Tôi muốn nhắc lại ở đây lời của ngài: “Nếu chúng ta tách biệt sự độc thân khỏi chức linh mục, chúng ta sẽ không còn thấy đặc tính đoàn sủng của chức linh mục nữa. Chúng ta sẽ chỉ thấy linh mục như một chức vụ mà Giáo Hội cơ cấu cung cấp để đáp ứng sự an ninh và nhu cầu của mình. Nếu chúng ta muốn nhìn chức linh mục như thế…thì Hội Thánh chỉ còn là một tổ chức thuần túy nhân loại”.

    Thế nhưng người ta muốn bịt miệng Đức Bênêđictô XVI. Tôi phản kháng mạnh mẽ trước sự vu khống, bạo lực và thô lỗ mà người ta dành cho ngài. Đức Bênêđictô XVI muốn nói với thế giới nhưng người ta tìm cách dập tắt lời của ngài. Tôi biết ngài cương quyết trình bày những gì được viết trong quyển sách này và ngài vui mừng khi thấy quyển sách được xuất bản. Ngài muốn viết và công khai bày tỏ niềm vui của ngài, nhưng người ta lại tìm cách ngăn cản. Tuy nhiên những tính toán đó đều vô hiệu. Tôi không muốn nói nhiều về những tính toán dơ bẩn này, những người có trách nhiệm sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa.

    Điều gì ẩn sau những chống đối này?

    Những người chống đối chức linh mục không muốn đi tới cùng trong cuộc tranh luận. Họ biết những lập luận của họ chỉ dựa trên những sai lầm về mặt lịch sử và những ngộ nhận về thần học. Họ biết rằng độc thân linh mục là cần thiết cho công cuộc Phúc-âm-hóa trong các xứ truyền giáo. Vì thế họ tìm cách tấn công quyển sách. Không chống đối được điều gì trong nội dung bản văn, họ quay ra tấn công bìa sách. Thật tội nghiệp! Họ biến Đức Bênêđictô XVI thành một cụ già. Thế nhưng bạn có đọc những gì ngài viết không? Liệu một người có thể viết những trang sâu sắc như thế mà lại không có sự minh mẫn và tỉnh táo? Một vài người muốn coi chúng tôi là những kẻ ngây thơ. Họ cố thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi đã bị các nhà xuất bản thao túng và lợi dụng. Thế nhưng điều đó hoàn toàn sai. Không có sự hiểu lầm nào ở đây cả. Đơn giản là nhà xuất bản tiếng Pháp đã thực hiện những gì tôi đã bàn với Đức nguyên Giáo hoàng. Tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn đối với các nhà xuất bản, cách riêng nhà xuất bản tiếng Pháp.

    Tất cả những cuộc bút chiến trên chỉ là chiến thuật nhằm lôi người ta khỏi điều chính yếu: nội dung của quyển sách.

    Về thời điểm phát hành sách ngay trước ngày 12 tháng 02, là ngày dự định công bố Tông huấn hậu Thượng hội đồng giám mục về Amazon – có thể chấp nhận đề nghị của các nghị phụ về việc phong chức linh mục cho những người đã kết hôn ở vùng Amazon, Đức hồng y có nghĩ là gây sức ép lên Đức Giáo hoàng Phanxicô?

    Tôi đã viết: “Bất cứ ai chống lại Đức Giáo hoàng, người đó ở ngoài Hội Thánh”, nhưng tôi lại bị người ta cho là kẻ chống đối Đức Phanxicô. Kể cả được đặt ở vị trí hàng đầu những người chống đối. Những lời tố cáo này khiến tôi đau lòng và rất buồn. Nhưng lòng tôi thanh thản và tin tưởng rằng Đức Giáo hoàng không để ý tới những hàm ý giả dối đó.

    Không đời nào tôi chống đối Đức Giáo hoàng Phanxicô. Những ai cho rằng tôi đang cố gắng gây chia rẽ trong Hội Thánh, họ nói dối và chơi trò ma quỷ. Tôi viết quyển sách này với sự khiêm tốn và hiền thảo để góp phần với Đức Giáo hoàng trong tinh thần hiệp hành. Tôi đố bạn có thể tìm được trong những gì tôi viết có dòng nào, từ nào phê phán chống lại Đức Giáo hoàng!

    Tuy nhiên tôi thấy khó chịu. Ở bên Đức, diễn ra một công nghị lạ lùng rõ ràng nhắm tới việc đặt lại vấn đề về sự độc thân linh mục. Tôi muốn kêu to lên mối quan tâm của tôi: Đừng xé rách Hội Thánh! Bằng cách tấn công sự độc thân của các linh mục, các người đang tấn công Hội Thánh và mầu nhiệm Hội Thánh!

    Hội Thánh không thuộc về chúng ta; Hội Thánh là quà tặng của Thiên Chúa. Hội Thánh thể hiện mình qua thừa tác vụ của các linh mục, cũng là quà tặng của Thiên Chúa chứ không do con người tạo ra. Mỗi linh mục là hoa trái một ơn gọi, tiếng gọi cá vị và thân tình của chính Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI giải thích điều đó thật sâu sắc trong quyển sách này. Chúng ta không tự quyết định mình thành linh mục. Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và Hội Thánh khẳng định tiếng gọi đó. Sự độc thân đảm bảo tiếng gọi đó. Một người chỉ có thể từ bỏ việc xây dựng gia đình và đời sống lứa đôi nếu người đó chắc chắn rằng mình được Thiên Chúa kêu gọi sống sự từ bỏ ấy. Chức linh mục của chúng ta bám vào tiếng gọi của Chúa và lời cầu nguyện của Hội Thánh cho ơn gọi.

    Như thế, đặt vấn đề về sự độc thân linh mục là muốn biến Hội Thánh thành một thể chế nhân loại, trong tầm tay và quyền lực của con người. Điều đó có nghĩa là khước từ mầu nhiệm Hội Thánh như quà tặng của Thiên Chúa.

     

    Thượng hội đồng về Amazon không đề nghị đặt lại vấn đề về độc thân linh mục cách chung, nhưng chỉ cho phép những trường hợp đặc biệt vì thiếu vắng linh mục. Đức hồng y thấy có thể chấp nhận không?

    Việc phong chức cho những người đã kết hôn là sự “tưởng tượng” của các nhà hàn lâm Tây phương tìm cách vi phạm luật độc thân. Tôi muốn khẳng định cách mạnh mẽ rằng người nghèo, người đơn sơ, các Kitô hữu bình dân không đòi chấm dứt luật độc thân! Họ mong ước các linh mục thánh thiện, hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa và Hội Thánh. Họ nhìn các linh mục độc thân như hình ảnh Chúa Kitô, Hôn phu của Hội Thánh. Tôi muốn khẳng định trong quyển sách này rằng chúng ta phải giúp Đức Giáo hoàng Phanxicô đứng về phía người nghèo và đơn sơ, và từ chối sức ép của những kẻ có quyền lực, những người có phương tiện tài trợ cho những kế hoạch truyền thông. Một vài tổ chức Giáo Hội nắm tiền trong tay và họ cho rằng họ có thể gây sức ép lên Đức Giáo hoàng và các Giám mục. Chúng ta thấy điều đó tại Đức quốc. Một vài người muốn áp đặt dự án của họ lên toàn thể Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng; chúng ta phải giúp ngài chống lại sức ép của những tổ chức giàu có và quyền lực này. Chúng ta phải giúp ngài bảo vệ đức tin của người đơn sơ, bảo vệ người nghèo ở vùng Amazon chống lại những kẻ muốn khai thác họ bằng cách không cho họ có được các linh mục hiến thân trọn vẹn trong đời sống độc thân. Quyển sách này được viết trước hết là để hỗ trợ Đức Giáo hoàng trong sứ vụ của ngài.

    Đàng khác, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra khi kết thúc Thượng hội đồng, vấn đề thực của Amazon không phải là chuyện phong chức cho các phó tế đã kết hôn. Vấn đề chính là Phúc-âm-hóa, loan báo Tin Mừng. Chúng ta đã khước từ việc loan báo đức tin, ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Rất nhiều khi chúng ta chỉ còn là những người làm công tác xã hội và hỗ trợ nhân đạo. Ở vùng Amazon, chúng ta thiếu những giáo dân thực sự thi hành ơn gọi truyền giáo. Chúng ta cần các giáo lý viên. Cho phép tôi nhắc tới một hoàn cảnh mà bản thân tôi có kinh nghiệm. Vào đầu năm 1976, là một linh mục trẻ, tôi tiếp cận với những ngôi làng xa xôi ở Guinea. Một số ngôi làng chỉ được các linh mục đến thăm từ 10 năm trước, vì các thừa sai Âu châu đã bị Sekou Touré trục xuất từ năm 1967. Các giáo lý viên tiếp tục dạy Giáo lý cho trẻ nhỏ và đọc kinh lần hạt hằng ngày. Vào Chúa nhật họ tụ lại để nghe Lời Chúa. Tôi được hồng phúc gặp gỡ những giáo dân giữ đức tin mà không có sự trợ giúp bí tích nào vì thiếu linh mục. Tôi không bao giờ quên niềm vui không tưởng tượng nổi khi tôi dâng lễ cho họ, vì lâu lắm họ không được dự lễ. Tôi tin rằng nếu những người đã kết hôn nay được phong chức linh mục trong mọi ngôi làng, thì cơn khát bí tích Thánh Thể nơi người tín hữu có lẽ sẽ bị dập tắt. Người dân mất đi niềm vui được đón tiếp, nơi linh mục, một Chúa Kitô khác. Vâng, với bản năng đức tin, người nghèo biết rằng một linh mục đã khước từ hôn nhân sẽ trao ban cho họ trọn tình yêu của ngài, như người chồng đối với vợ.

    Về việc thiếu vắng linh mục, đây là điều có thật. Nhưng tôi tin rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đúng khi ngài viết: “Nhiều nơi đang trải nghiệm sự khan hiếm ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Sự khan hiếm đó thường do việc thiếu nhiệt tình tông đồ nơi các cộng đoàn, kết quả là mất đi sự nhiệt tình và thu hút. Bất cứ nơi đâu có sự sống, nhiệt tâm và ước mong mang Chúa Kitô đến cho người khác, thì các ơn gọi đích thực sẽ xuất hiện” (Niềm vui Phúc Âm, số 107). 

    Thế còn những trường hợp được miễn giữ luật độc thân thì sao, chẳng hạn theo nghi thức Công giáo Đông phương hoặc với các địa hạt Anh Giáo?

    Theo định nghĩa, luật trừ mang tính tạm thời và là “ngoặc đơn” đối với tình hình chung. Đây là trường hợp các mục tử Anh giáo nay trở về sự hiệp thông trọn vẹn với Công giáo. Nhưng sự thiếu vắng linh mục không phải là luật trừ. Đây là tình trạng thông thường của bất cứ Hội Thánh nào, hoặc non trẻ như vùng Amazon, hoặc đang già cỗi như phương Tây. Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít. Việc phong chức cho người đã kết hôn trong các cộng đoàn Kitô hữu non trẻ sẽ ngăn cản việc gầy dựng ơn gọi linh mục độc thân. Luật trừ sẽ trở thành thông thường. Làm suy yếu đi nguyên tắc độc thân, kể cả chỉ giới hạn ở một vùng miền, điều đó sẽ không còn là luật trừ nhưng là sự nứt gãy, một vết thương trong sự chặt chẽ nội tại của chức linh mục. Đàng khác, (vì sự độc thân linh mục mà) phẩm giá và sự vĩ đại của hôn nhân càng được hiểu biết tốt hơn. Như Đức Bênêđictô XVI cho thấy trong quyển sách này, hai tình trạng này (kết hôn và độc thân) không tương hợp với nhau vì cả hai đều đòi hỏi sự trao ban tuyệt đối và trọn vẹn.

    Ở Đông phương, một vài Hội Thánh có hàng giáo sĩ kết hôn. Tôi không hề đặt vấn đề về sự thánh thiện cá nhân của các linh mục này. Nhưng một hoàn cảnh như thế chỉ có thể sống được nhờ sự hiện diện đông đảo của các tu sĩ. Hơn nữa, từ quan điểm nhìn chức linh mục như dấu chỉ được ban cho toàn thể Hội Thánh thì có nguy cơ lẫn lộn ở đây. Nếu một linh mục kết hôn, ông có đời sống riêng, đời sống lứa đôi và gia đình. Ông phải dành thời giờ cho vợ con. Ông không thể bày tỏ bằng chính đời sống của mình là ông hoàn toàn và tuyệt đối hiến thân cho Thiên Chúa và Hội Thánh. Thánh Gioan Phaolô II đã nói rất rõ: Hội Thánh muốn được các linh mục của mình yêu thương bằng chính tình yêu Chúa Giêsu yêu thương Hội Thánh, nghĩa là một tình yêu độc hữu, phu thê. Các linh mục cần phải hiểu động lực thần học của việc sống độc thân. Ngài nói: “Không nên nhìn độc thân linh mục chỉ như một lề luật hoặc một điều kiện hoàn toàn bên ngoài phải chấp nhận để được phong chức, nhưng đúng hơn phải nhìn như một giá trị gắn kết sâu xa với việc chịu chức linh mục, qua đó một người được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Mục tử nhân lành và Hôn phu của Hội Thánh” (Pastores dabo vobis, số 50). Đây là điều mà cùng với Đức Bênêđictô XVI, chúng tôi muốn nhắc lại. Nền tảng chân thực của sự độc thân không phải là chuyện pháp lý, kỷ luật hay thực dụng, mà là quy hướng về Thiên Chúa. Về chủ đề này, tôi đề nghị bạn xem lại diễn văn đặc biệt của Đức Bênêđictô XVI cho Curia Rôma ngày 22 tháng 12 năm 2006. Trong mắt của thế giới tục hóa và vô thần, việc độc thân vì Chúa quả là hàm hồ. Độc thân là scandale đối với con người đương đại. Thế nhưng (chính vì thế) độc thân lại chứng tỏ Thiên Chúa là thực tại. Nếu đời sống linh mục không chỉ cho thấy cách cụ thể rằng Thiên Chúa là đủ để làm cho chúng ta hạnh phúc và ban tặng ý nghĩa cho đời sống chúng ta, thì thử hỏi ai sẽ loan báo Thiên Chúa? Hơn bao giờ hết, xã hội ngày nay cần sự độc thân linh mục vì nó cần đến Thiên Chúa. 

    Đức hồng y nói sao về quan điểm cho rằng độc thân linh mục là luật mới xuất hiện sau này trong Hội Thánh Công giáo?

    Về vấn đề này, chúng ta thường là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết về lịch sử cho tường tận. Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh có những linh mục đã kết hôn. Thế nhưng khi được phong chức, họ được yêu cầu phải hoàn toàn kiêng cữ chuyện vợ chồng. Đức Bênêđictô XVI nhắc điều đó rất rõ trong quyển sách này. Mọi người đều biết ngài có sự hiểu biết lịch sử sâu sắc và kiến thức tuyệt vời về truyền thống cổ xưa. Đây là điều chắc chắn và được chứng minh bởi những nghiên cứu lịch sử mới nhất. Không có sự cấm kị trong đòi hỏi này, cũng không vì sợ hãi tính dục, nhưng là khẳng định rằng linh mục là hôn phu của Hội Thánh, cả xác lẫn hồn. Từ quan điểm lịch sử, mọi sự rõ ràng là: từ năm 305, Công đồng Elvira nhắc lại luật “đã đón nhận từ các Tông đồ”, về sự tiết dục của các linh mục. Khi Hội Thánh vừa thoát ra khỏi giai đoạn bị bách hại thì một trong những mối quan tâm đầu tiên là khẳng định rằng các linh mục phải kiêng cữ chuyện vợ chồng. Thật vậy, Công đồng xác định: “Công đồng nhất trí rằng các giám mục, linh mục, phó tế, tức là mọi giáo sĩ phải kiêng cữ chuyện vợ chồng và sinh con; bất cứ ai làm như thế sẽ bị tuyên bố loại ra khỏi hàng giáo sĩ” (Canon 33). Nếu đây là một đòi hỏi mới mẻ thì chắc đã gây ra sự chống đối rộng rãi nơi các linh mục. Tuy nhiên đòi hỏi trên đã được đón nhận nhẹ nhàng bình an. Các Kitô hữu đều biết rằng một linh mục dâng Thánh Lễ, tức là hiện tại hóa hy tế của Chúa Kitô vì phần rỗi thế gian, linh mục phải dâng chính mình – cả xác lẫn hồn – cho Thiên Chúa và toàn thể Hội Thánh. Ngài không còn thuộc về chính mình nữa. Chỉ sau này, vì hiểu sai bản văn nên phương Đông mới thay đổi kỷ luật này, nhưng vẫn không bao giờ khước từ mối liên kết mang tính hữu thể giữa chức linh mục và sự tiết dục. 

    Trong quyển sách này, nhiều lần Đức hồng y nói đến sự cần thiết phải sống Phúc Âm cách triệt để. Đức hồng y có nghĩ rằng chúng ta đang thấy sự sa sút nhiệt tình tông đồ, và Hội Thánh mất đi chất muối của mình?

    Tôi vui vì bạn đặt câu hỏi này. Chắc chắn đây là khía cạnh quan trọng nhất của quyển sách này, nhưng chẳng ai ghi nhận hoặc phê bình về điều đó cả. Chúng ta bằng lòng với những tranh luận thứ cấp và vô bổ. Tôi cho rằng chúng ta đã bị chế ngự bởi sự tầm thường và nguội lạnh. Chúng ta phải khao khát sự thánh thiện. Đức Bênêđictô XVI, với sự can đảm mang tính tiên tri, dám khẳng định rằng: “Không có sự từ bỏ của cải vật chất thì không thể có chức linh mục. Tiếng gọi bước theo Chúa Giêsu không thể thành hiện thực nếu không có dấu chỉ tự do này và sự khước từ mọi thỏa hiệp”. Như thế, ngài đặt nền móng cho sự canh tân đích thực hàng giáo sĩ. Ngài kêu gọi sự thay đổi tận căn trong đời sống các linh mục khi ngài tiếp tục nói: “Không thể đạt đến ý nghĩa trọn vẹn của sự độc thân nếu chúng ta uốn mình theo của cải và những cách sống quen thuộc ngày nay”. Tôi xác tín rằng đây thực sự là tính triệt để trong tiếng gọi sống thánh thiện, điều đó làm chúng ta khó chịu và không muốn nghe. Quyển sách này gây khó chịu vì Đức nguyên giáo hoàng cống hiến một viễn tượng tiên tri và đòi hỏi cao.

    Về phần mình, tôi cố gắng phát triển tiếng gọi này bằng cách nhấn mạnh rằng các linh mục phải tìm ra những cách thế cụ thể để sống các lời khuyên Phúc Âm. Các giám mục phải suy nghĩ về điều này, cho chính mình và cho các linh mục: Chúng ta phải thực sự đặt Thiên Chúa là tâm điểm đời sống chúng ta. Đời sống các linh mục không thể là đời sống theo thế gian. “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Tây phương đang hết hơi. Tây phương đang già cỗi và chờ đợi người trẻ, chờ đợi các linh mục thánh thiện cách triệt để. (“Cardinal Sarah: The Priesthood today is in Mortal Danger”, National Catholic Registerhttps://www.ncregister.com

    (10/2/2020.)

     

    Nguồn: giaophanmytho.net

     
     
     
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI TÔI

Mời ông ở lại với chúng tôi

Nếu như Chúa nhật tuần trước chúng ta lặp đi lặp lại câu : Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, và kêu cầu Chúa xót thương chúng ta và toàn thế giới, thì hôm nay chúng ta thưa với Chúa : Lạy Chúa xin ở lại với chúng con.

Mời ông ở lại với chúng tôi ( Lc 24, 29 ). Đó là lời mời kèm theo ý muốn tha thiết của hai môn đệ làng Emmaus, theo bản văn Tin Mừng Luca là lời năn nỉ nài van thúc ép đối với Người Khách Bộ đồng hành mà các ông gặp được vào ngày thứ nhất trong tuần, trong tâm trạng buồn thảm của bóng chiều tà, ngày sắp tàn, bóng tối đang bao phủ không gian, tâm hồn trĩu nặng đang bỏ cuộc về quê.

Ít ai biết đến “một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm” (Lc 24, 13), nếu không có một Người Bộ Hành mà hai môn đệ coi là “khách hành hương” cùng đi với họ thì ngôi làng Emmaus ấy đã bị lãng quên từ lầu rồi.

Hai ông cũng như bao nhiều người khác đổ về Giêrusalem khi nghe biết có người tên là Giêsu, Đấng người ta gọi là Mêsia, vua người Do Thái đang mong chờ. Thầy Giêsu đến, các ông muốn gặp và đi theo, nhất là muốn trở thành môn đệ Đức Giêsu thành Nagiarét ” với hy vọng Người sẽ cứu Israel ” (Lc 24, 21), Thầy làm vua, hai ông cũng có vị thế trong tương lai.

Vậy mà, bỗng chỉ một đêm nơi Vườn Dầu, một tòa án được lập lên, kết án tử cho Người. Giấc mơ của họ tan thành mây khói, họ đau khổ, thất vọng, đắng cay sau cái chết của Thầy, mỗi người một ngả, đức tin bị tan vỡ, niềm hy vọng tắt ngúm tựa như chôn cùng với xác Thầy đến nay đã 3 ngày rồi. Mọi sự xem ra đã hết, dù có nghe mấy phụ nữ nói rằng Thầy đã sống lại, nhưng cũng chưa đủ tin, khăn gói lên đường về quê là tốt nhất.

Chúng ta hình dung ra dáng đi, vẻ mặt và tâm tình của hai người đang bỏ cuộc như thế nào. Tác giả Tin Mừng thuật lại.

Trên đường về làng Emmaus: “Họ đang trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xẩy ra” (Lc 24,14), dáng đi nặng nề và “vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24,17). Chết là hết, là thất bại, là đi vào ngõ cụt, họ mất hướng đi.

Giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đồng hành và gợi chuyện : “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy ?” (Lc 24, 17).  Nghe hỏi thế, họ bộc bạch về khổ đau và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết. Chúa nói chuyện với hai ông và ” giải thích Kinh Thánh … bắt đầu từ Môsê và các tiên tri” (x. Lc 24, 27), làm cho tâm hồn họ “ bừng cháy”. Chúa đã nhóm lên một tia sáng, khơi lên niềm hy vọng, đưa họ ra khỏi bóng tối của buồn phiền và thất vọng, thức tỉnh lòng họ khao khát muốn được ở gần Người, khiến họ nài ép : “Mời ông ở lại với chúng tôivới lý do vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn ” ( Lc 24, 29 ).

Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Với một hành vi ” bẻ bánh ” đơn giản trong bữa ăn ( Lc 24, 35 ), trí khôn được soi sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ ” chỗi dậy trở về Giêrusalem ” ( Lc  24, 33 ) thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho ” mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp ” (Lc 24, 33).

Chúng ta không biết tên của một trong hai môn đệ, chỉ biết một người tên là Clêophas, còn người kia thì không, có thể mỗi chúng ta trên thế giới này đang đương đầu với dịch bệnh Covid, một số người đang sống những giờ đen tối nhất, buồn thảm, vì người thân qua đời, con người vẫn đang bó tay, chưa tìm ra thuốc chữa. Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus có thể hình ảnh của mỗi gia đình chúng ta. Giữa biết bao khó khăn trước virus corona, ngay cả những thất vọng nặng nề, Người Bộ Hành Thần Linh vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh chúng ta, mở ra cho chúng ta những trang Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta hãy van nài : ” Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con .

Chúa luôn ở với chúng ta, hãy năng đến gặp Người nơi Bí tích Thánh Thể và lắng nghe Lời Chúa. Chính Ðấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu (x. Lc 24,35), liền quay về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.

Có người nói, dịch bệnh lây lan, nhà thờ đóng cửa, không thánh lễ, không giờ kinh, còn đâu ra Lời Chúa và Thánh Thể. Nến nhớ rằng, trong hoàn cảnh bất khả kháng, người tham dự Thánh Lễ không thể họp nhau thành một cộng đoàn đông đúc tại nhà thờ, nhưng vẫn có thể hiệp thông để theo dõi và tham dự Thánh Lễ qua các phương tiện truyền thông. Đây là cách hiệp thông hữu hiệu để cầu nguyện cho mình và cho cả thế giới. Đừng thất vọng, đừng nản lòng, hãy cậy trông vào Chúa, Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin an ủi chúng con, xin giúp chúng lắng nghe Lời Chúa, chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, nhất là kiên trì cầu nguyện và kêu cầu Danh Chúa. Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts