9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - MÙA CHAY TRONG CƠNDỊCH

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Sun, Mar 1 at 1:43 AM
     
     
     
     
     
     

    MÙA CHAY TRONG MÙA DỊCH

     

    Mở đầu lá thư mục vụ mùa Chay năm 2020 của giáo phận Mỹ Tho với chủ đề “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), Đức Giám mục Phê-rô Nguyễn Khảm đã viết như sau: “Năm nay, người Công giáo bước vào Mùa Chay thánh trong lúc cả thế giới âu lo trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới, gọi tắt là Covid-19. Phải chăng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đây là ‘dấu chỉ thời đại’ (Mt 16,1-3), qua đó Thiên Chúa muốn gửi cho chúng ta sứ điệp của Ngài? Phải chăng đây là thời điểm cần lắng nghe cách khẩn thiết hơn lời kêu gọi của Chúa Giêsu: ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’?”. [1]
     

    Quả thực, mùa Chay đã khởi đầu đúng vào thời điểm mà dường như mùa dịch cúm Covid-19 đang có dấu hiện phát triển nhanh và lan ra trên diện rộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24-2 cho biết dịch Covid-19 chưa phải đại dịch nhưng có khả năng trở thành đại dịch nếu các quốc gia không hợp tác để làm chậm sự lây lan. Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ở Hàn Quốc, Italy và Iran rất đáng lo ngại. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu tuyên bố: “Đây là mối đe dọa chung. Chúng ta chỉ có thể cùng nhau đối mặt và vượt qua”.

     

    Do tình hình như trên, chúng ta có thể tận dụng mùa Chay năm nay như là một cơ hội đặc biệt để sống đức tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù tình trạng bệnh dịch diễn ra thế nào đi nữa thì chúng ta cũng được mời gọi “sống chung với dịch”. “Sống chung” để nhờ đức tin chúng ta khám phá ra mầu nhiệm sự chết trong ánh sáng phục sinh của Đức Ki-tô. Đồng thời nhờ đó chúng ta nhận ra rằng tai họa lớn nhất của con người không phải là “dịch” nhưng là sự vắng bóng của Thiên Chúa tình thương.

     

    Ngày 24-2 vừa qua, ĐTC Phan-xi-cô đã công bố Sứ điệp Mùa Chay, trong đó ngài đã chia sẻ như sau:

     

    “Trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những điều tôi đã viết cho các bạn trẻ trong Tông huấn Christus vivit – Đức Kitô sống: Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để cho mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này, các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ” (số 123).

     

    “Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện của quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn luôn hiện tại và cho phép chúng ta ngắm nhìn và bằng đức tin, chạm vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ…” [2]

     

    MÙA CHAY: CHẾT ĐỂ SỐNG

     

    Thực vậy, bước vào mùa Chay là chúng ta bước vào một cuộc hành trình theo Chúa xuyên qua những biến cố trong cuộc đời. Chúng ta sẽ tập luyện hằng ngày để được chết như Chúa và với Chúa. Mùa Chay trước hết giúp chúng ta thông hiệp vào mầu nhiệm sự chết của Chúa nhờ đó chúng ta, tuy chết từng ngày từng giờ, nhưng sự sống mới của chúng ta sẽ tiềm ẩn trong Thiên Chúa cùng với Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chứ tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3, 2-3).

     

    Vậy thời gian mùa Chay là “mùa” giúp chúng ta thay đổi não trạng giữ đạo cố hữu của mình. Phần đông chúng ta thường chú tâm thực hành mấy việc đạo đức như ăn chay, kiêng thịt, xưng tội, ngắm thương khó vv. Nhiều khi chúng ta làm vì thói quen hay vì sợ phạm luật hơn là vì yêu mến. Thực ra, Chúa Giê-su cũng kêu gọi người ta ăn chay, sám hối, cầu nguyện, làm phúc bố thí…nhưng Ngài luôn nhắc nhở chúng ta phải thực hành những việc ấy như ý Thiên Chúa. Tất cả vì lòng mến xuất phát từ mối tương quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Những việc ấy cần được thực hiện cách âm thầm, kín đáo, khiêm tốn. Phải thật khiêm nhường, tránh kiêu căng giả dối (x. Mt 6, 6).

     

    Chúng ta có thể lấy một vì dụ. Hôm thứ tư lễ Tro vừa qua (26-2), nhiều người, nhất là các bạn trẻ, lên mạng XH tranh luận về việc ăn chay, kiêng thịt theo luật buộc. Việc tranh luận này có lúc trở nên sôi động và chỉ xoay quanh mấy điểm thiên về hình thức hơn là nội dung. Trong khi đó Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa”. (Ge 2, 12-13)

     

    Chúng ta chú trọng tới “Luật” coi đó như là cùng đích, nhưng thực ra đó chỉ là phương cách giúp ta đi sâu vào nội dung cốt lõi. Thiên Chúa không thích những ai câu nệ hình thức. Người yêu mến những ai thực hành Lời Chúa với lòng yêu mến, sự khiêm tốn và lòng cậy trông. Rất nhiều khi chúng ta ăn chay, kiêng thịt nhưng lòng chúng ta còn khép kín, chúng ta chưa trở về với Thiên Chúa và chưa sẵn sàng làm hòa với anh em.

     

    Vậy, việc đầu tiên trong mùa Chay, chúng ta hãy tập chết bằng việc sám hối. Đầu mùa Chay, Hội thánh nhắc nhở chúng ta qua Lời Chúa nói: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

     

    . Chết nhờ hoán cải

     

    Hoán cải hay sám hối là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiếp nhận Tin Mừng của Chúa, để nghe được tiếng Chúa và nhất là để vững vàng bước đi theo Chúa. Hoán cải không đơn giản là xét mình năm ba phút rồi vào tòa giải tội xưng thú vài ba điều lỗi phạm, và thế là xong! Sau đó, con người và cuộc sống của ta lại theo con đường cũ. Như người ta thường nói, “vẫn chứng nào tật nấy!”. Như thế không phải là hoán cải hay sám hối theo ý Chúa.

     

    Thực vậy, “Hoán cải, theo từ Hy Lạp (Metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Như vậy, dường như nó chỉ liên hệ với tâm trí, với sự thay đổi bên trong. Không phải thế. Phải hiểu nó theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia. Nó có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, bỏ đường tà trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, và dấn bước vào một cuộc sống mới. Vì Cựu Ước coi con người như một toàn thể, nên hoán cải không chỉ là thay đổi tâm trí, mà là cả con người. Không chỉ trong ý nghĩ mà cả trong hành động.

     

    “Cũng theo quan niệm của Kinh Thánh, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), đặc biệt hoán cải còn có chiều kích thần học. Chính chiều kích thần học làm nền tảng cho chiều kích luân lý. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của mình. Một cách cơ bản hơn, phải hiểu cho đúng mình là ai trước mặt Thiên Chúa, để có thể hướng về Ngài. Trên thực tế, ta luôn có khuynh hướng đánh giá mình quá cao nên không thể công chính trước mặt Thiên Chúa và đối với anh chị em”. [3]

     

    Như vậy, nhờ sự hoán cải mà ta chết đi con người cũ của ta để từng ngày sống với con người mới theo gương Chúa Giê-su. Chẳng hạn:

     

    - mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo của mình.

     

    - mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát của mình.

     

    - mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo của mình.

     

    - mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ của mình.

     

    Còn cần biết bao nhiêu cái chết khác nữa trong cuộc đời chúng ta để làm thành sự sống mới của mình trong Đức Ki-tô. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh. [3]

     

    . Chết nhờ buông bỏ

     

    Ngày nay người ta nói nhiều đến hai chữ “Buông bỏ” như là phương thế giúp ta sống an nhiên tự tại. Buông bỏ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “Tham, sân, si”, để thoát khỏi những những ràng buộc của vật chất hư vô, của cái “Tôi” nặng nề ích kỷ, của cuộc sống quá ư là đa đoan phức tạp…

     

    Trong khi đó buông bỏ theo nghĩa của Tin Mừng Ki-tô giáo, là bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Hay phải buông bỏ như các môn đệ, muốn theo Chúa thì phải lìa bỏ cha mẹ, vợ con, người thân, ruộng vườn, nhà cửa. Hay như chuyện người thanh niên giàu có muốn theo Chúa, thì điều tiên quyết là buông bỏ những gì mình có, trở nên nghèo khó trống rỗng, rồi theo Chúa. “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21).

     

    Trở nên nghèo, sống nghèo cũng là một cách buông bỏ. ĐTC Phan-xi-cô khuyến khích các Ki-tô hữu thực hành đức khó nghèo theo Tin Mừng. Theo ngài, sống nghèo không phải là cho đi những gì mình dư thừa, nhưng là chia sẻ những gì là thiết yếu của mình, những gì mình đang cần, những gì mình đang sử dụng. Đó chính là sự buông bỏ, là mất đi cái mình sở hữu chứ không phải là cho đi cái mình dư thừa. Ngài nói:

     

    “Khi chúng ta giúp người nghèo, chúng ta đang không làm công việc của các cơ quan cứu trợ ‘bằng cách thế Kitô Giáo’. Những việc này là tốt, nhưng nó là một điều bị giảm xuống thành thực hiện – công việc cứu trợ là tốt và rất nhân bản – nhưng đó không phải là sự nghèo khó Kitô Giáo, là điều mà Thánh Phaolô mong muốn chúng ta và giảng dạy cho chúng ta. Sự nghèo khó Kitô Giáo là điều mà tôi cho đi phần của tôi, chứ không phải là điều tự bản chất là dư thừa – tôi cho đi thậm chí là điều mà tôi đang cần thiết cho chính tôi, cho người nghèo, bởi vì tôi biết rằng người nghèo làm cho tôi nên giàu có. Tại sao người nghèo lại làm cho tôi nên giàu có? Bởi chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài ở nơi người nghèo”. [4]

     

    Chúa Giê-su cũng kêu gọi chúng ta sống nghèo và sống buông bỏ. Buông bỏ chính sự sống của mình vì lòng mến và vâng phục. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được điều đó và đã mạc khải cho các tín hữu, như sau:

     

    “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2, 6-8)

     

    Chúa Giê-su chẳng những buông bỏ địa vị ngang hàng Thiên Chúa, vinh quang thiên giới, mà Ngài còn tự nguyện vâng lời Cha, hạ mình chịu chết. Ngài đã chấp nhận hủy-mình-ra-không (Kenosis) vì lòng mến tột cùng. Ngài nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).

     

    Thực vậy, hành trình tự hủy của Chúa Giêsu phải là mẫu gương chuẩn mực để người tín hữu, nhất là những người sống đời thánh hiến cần soi mình học hỏi mỗi ngày và cố gắng noi theo. Bởi lẽ, trong đời sống Đạo, muốn trở nên trọn lành, người tín hữu phải chấp nhận hy sinh để chiến đấu chống lại sự cám dỗ, phải chấp nhận chịu thiệt thòi để tuân giữ cho trọn Luật Chúa dạy, phải can đảm coi nhẹ mạng sống của mình để giữ vững niềm tin. Nhờ đó, Giáo Hội có được những con người thánh thiện, là hoa thơm trái tốt, hằng nuôi dưỡng và điểm tô cho cuộc đời. [5]

     

    . . . . . . . . . . . . . . . . . .  

     

    Mùa Chay năm nay trùng với biến cố dịch cúm Covid-19. Nhiều nơi trên thế giới vì lý do lo sợ dịch lây lan nên đã không có thánh lễ, không cử hành thứ tư lễ Tro. Nhiều người phải chết đột ngột vì nhiễm virus như ở Vũ Hán (Trung Quốc) hay Daegu (Hàn Quốc). Trong khi đó, có nhiều người vì tình nhân loại đã dấn thân dám hiên ngang đi vào vùng dịch để cứu các nạn nhân. Họ không sợ chết. Đã có linh mục, bác sĩ, y tá vĩnh viễn ra đi tại vùng có dịch. Họ thực sự đã sống mùa Chay, đã chết cho chính mình để người khác được sống.

     

    Chúng ta có thể nghe kể về những hy sinh thầm lặng của những con người dám “chết vì tha nhân”.

     

    Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống vi rút corona tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã có rất nhiều bác sĩ hy sinh do nhiễm bệnh trong lúc điều trị cho bệnh nhân. Như Bác sĩ Lý Văn Lượng (34 tuổi) - bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, Trung Quốc, ra đi để lại bố mẹ già, một con nhỏ 5 tuổi và người vợ đang mang thai đứa con thứ 2. Ông cũng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra ở Vũ Hán nhưng bị chính quyền thành phố cáo buộc tung tin đồn thất thiệt và buộc phải giữ im lặng. Ngay cả trước khi qua đời, bác sĩ Lý đã trở thành anh hùng đối với nhiều người Trung Quốc, khi những cảnh báo của ông được chia sẻ trên mạng xã hội giúp người dân thêm cảnh giác về dịch bệnh. Người dân Vũ Hán, Trung Quốc và trên thế giới đều bày tỏ sự tiếc thương và khen ngợi bác sĩ Lý vì những nỗ lực của anh trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

     

    Bác sĩ Peng Yin Hua (29 tuổi) - bác sĩ khoa hô hấp Bệnh viện Hiệp Hòa Giang Nam và Bệnh viện Nhân dân số 1 Giang Hạ, mới qua đời do nhiễm COVID-19. Bác sĩ Hua ra đi khi chưa kịp thực hiện lời hứa làm đám cưới với người vợ mang thai do anh phải gác lại đám cưới để đi chống dịch vi rút corona ở tuyến đầu.

     

    Nữ bác sĩ Hạ Tư Tư, ở Bệnh viện Hiệp Hòa ở Giang Bắc (thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) cũng đã tử vong vì COVID-19, để lại đứa con trai 2 tuổi đau ốm thường xuyên do sinh thiếu tháng. Nữ bác sĩ bị nhiễm vi rút chết người này từ bệnh nhân khi tham gia công tác phòng chống dịch ở tuyến đầu vv…

     

    Và còn rất nhiều bác sĩ, y tá khác họ hy sinh thầm lặng cho công việc, cho cuộc chiến chống vi rút corona. Người thì phải rời xa vòng tay vợ và con nhỏ, người phải cắt phăng mái tóc yêu thích, nhiều người bị thương ở tay và mặt. Hay có nữ y tá tự nguyện kết thúc thời gian nghỉ thai sản trước thời hạn và trở lại làm việc sớm cùng chồng để chữa trị cho các bệnh nhân giữa tâm dịch COVID-19 tại Vũ Hán…Thật không thể kể xiết những hi sinh thầm lặng của y bác sĩ tuyến đầu chống dịch corona vi rút.

     

    Dù căng thẳng và vất vả, nhưng tất cả đều là tự nguyện. Bởi hơn ai hết họ hiểu rằng, nhiều sinh mạng quý giá đang đặt trong tay mình. Nhưng nghề nào cũng có những thăng trầm, cao quý, vui buồn lẫn lộn, cũng lắm vất vả lo toan, đầy niềm trắc ẩn. Niềm vui, là cứu sống được người bệnh; nỗi buồn, là khi người bệnh cứ bệnh nặng hơn [6] ./.

     

    Aug. Trần Cao Khả

     
     
     

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CẦN THA THỨ - CN7TN-A

  •  
    Hong Nguyen - Feb 23 at 10:55 AM
     
     


    CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A

    NGÀY 23-02-2020
     


                       Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (5: 38-48)
    CÙNG THAM DỰ TIỆC LỜI CHÚA VÀ TIỆC THÁNH THỂ MỖI NGÀY ĐỂ SỐNG
     
    38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

    TÔI ĂN-NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA
     
    Theo lẽ thường ở đời, người ta quan niệm rằng: sống là "phải phân biệt rõ đâu là bạn, đâu là thù”, để “bạn thì trân trọng quý mến” còn “thù thì phải dứt khoát cắt đứt, tránh xa, hay oán ghét”. Thế nhưng, Lời Chúa qua đoạn Tin Mừng, thì chính Chúa Giêsu lại dạy: “phải yêu thương kẻ thù và tha thứ cho họ”. Quả thật, điều này nghe có vẻ thật điên rồ, nhưng "hãy trở nên điên rồ để được khôn ngoan thật” như nội dung đoạn thư của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ hai.

    “Yêu kẻ thù và tha thứ cho họ”, nếu chúng ta nói thì không thành vấn đề, nhưng thực hiện là điều không dễ dàng chút nào. Có những người đến chết vẫn không thể quên kẻ thù để rồi mối thù đó lại truyền từ đời này sang đời khác. Và người ta cũng quan niệm rằng: trả thù, đó là đòi hỏi của lẽ công bằng, của lòng tự trọng! Chính vì lẽ đó, mà tha thứ được coi là hèn nhát, là đồng loã với tội ác, là để mặc cho kẻ ác tung hoành. 

    Nếu hiểu như thế, thì Lời Chúa hôm nay thật khó chấp nhận!

    Thế nhưng, người xưa vẫn dạy rằng: “oan oan tương báo", nếu cứ lấy ác báo ác thì sự ác sẽ không bao giờ chấm dứt. Cho nên, cần có sự tha thứ. 
    Khi tìm ra phương thế để giải thoát con người  khỏi vòng đau khổ, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chủ trương giáo thuyết “từ bi”. Lấy từ bi, tức là lấy tấm lòng cao cả bao dung làm phương châm cho mọi hoạt động.
     
    Mà một khi đã từ bi thì phải hỉ xả, nghĩa là hành động có ảnh hưởng tốt đến người khác với một niềm vui vô tận. Do đó, Đức Phật không thể chấp nhận luật công bằng theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Đức Phật đã từng nói: “Nếu lấy oán báo oán, thì oán ấy chất chồng. Nhưng nếu lấy đức báo oán, thì oán ấy tiêu tan”.

    Còn ông Gandhi, một người được xem là anh hùng dân tộc An Độ đã nói: “Luật vàng của đối nhân xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn độ khỏi ách thống trị của Đế quốc Anh.

    Thế nhưng, thực tế phải nhìn nhận: theo bản tính hư hèn yếu đuối của con người thì việc yêu kẻ thù luôn gây ra cho chúng ta sự nhức nhối và khó chịu vì nó đi ngược lại tình cảm thông thường của con người. Và nó còn đòi buộc chúng ta phải có một sự cố gắng không ngừng. 

     Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại đời sống Kitô hữu của mình:

    Là Kitô hữu, chúng ta phải cố gắng học theo lòng quảng đại của Chúa Giêsu, sẵn sàng tha thứ, chứ không phải đòi trả thù hay oán hận chống lại người khác. 

    Chính trong sự tha thứ sẽ giải thoát chúng ta, còn nếu như nuôi lòng hận thù báo oán thì chúng ta sẽ chuốc lấy sự đau khổ. 

    Lời Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay không có nghĩa là Chúa đề cao lối sống buông xuôi, đầu hàng, hay cam chịu. Nhưng Chúa Giêsu muốn dạy: Hãy khôn ngoan mà dùng tình thương để xóa bỏ hận thù, lấy ơn mà đền oán, chứ không thể áp dụng "dĩ độc trị độc". Bởi vì, trả thù không bao giờ xóa bỏ được hận thù, mà còn chồng chất hận thù lên mãi. 

      *SUY TƯ VÀ HÀNH ĐỘNG: “Nhân vô thập toàn”, không ai mà không có lỗi lầm hay thiếu sót, cho nên mỗi người NHỜ ƠN CHÚA QUYẾT TÂM sống tâm tình yêu thương: quên đi những xúc phạm của nhau, biết làm hoà để thêm bạn bớt thù. Đồng thời, cũng biết tha thứ cho nhau để tìm được sự bình an trong tâm hồn cho mình và cho người  chung quanh. 

    Xin Chúa luôn ban ơn giúp sức để chúng con biết tha thứ lỗi lầm của nhau, như Chúa đã luôn tha thứ cho chúng con. Amen.

    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
    KÍnh chuyển:
    Hồng
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - TẬP SỐNG NẾT NHÂN BẢN

Thực tập nếp sống nhân bản: Ứng xử lịch sự tế nhị với tha nhân

1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô khuyên đồ đệ Ti-mô-thê như sau: “Hãy thận trọng trong mọi sự (2 Tm 4,5).

2.. CÂU CHUYỆN: GƯƠNG ỨNG XỬ TẾ NHỊ ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI HÀNH KHẤT

“Một hôm trên đường đi tập thể dục buổi sáng, tôi đã gặp một ngừới hành khất cao niên. Với cặp mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt và áo quần tả tơi, ông lão chìa đôi bàn tay run run ra xin tôi giúp đỡ. Tôi lục hết túi quần đến túi áo mà không tìm ra được một đồng nào để giúp cho ông. Dù vậy ông lão ăn xin vẫn kiên nhẫn đứng đợi. Bấy giờ tôi không biết làm gì hơn là nắm lấy hai bàn tay run rẩy vì lạnh của ông và nói: “Xin ông thứ lỗi. Hôm nay cháu đi mà không mang tiền theo”.

Tôi thấy đôi môi của ông lão chợt nở ra một nụ cười tươi và ông nói với tôi rằng: “Cảm ơn cháu nhé! Hôm nay cháu đã cho ông một món quà quý giá nhất đó là thái độ lịch sự tế nhị của cháu mà từ trước đến nay ông chưa bao giờ gặp thấy”. Bấy giờ tôi chợt nhận ra: Chính tôi cũng vừa nhận được một món quà quý giá của ông lão cho tôi là lòng biết ơn.” (Viết theo TUỐC-GHÊ-NHÉP).

3. THẢO LUẬN:

1) Thế nào là thái độ ứng xử lịch sự tế nhị?

2) Qua Tin Mừng Mát-thêu về việc sửa lỗi cho anh em (x Mt 18,15-17) và một số đọan khác, bạn học được gì về cách ứng xử lịch sự tế nhị của Đức Giê-su?

3) Bạn cần làm gì để trở thành một con người lịch sự tế nhị trong lời nói, cử chỉ và hành động?

4. SUY NIỆM:

1) THẾ NÀO LÀ LỊCH SỰ TẾ NHỊ? :

– Lịch sự là những cử chỉ, hành vi giao tiếp ứng xử phù hợp với quy định của xã hội, truyền thống đạo đức dân tộc

– Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp ứng xử, biểu lộ là một con người có hiểu biết và có văn hóa

– Lịch sự tế nhị biểu lộ qua lời nói và hành vi ứng xử khi giao tiếp, biểu lộ sự hiểu biết các qui định phép tắc xã hội trong quan hệ giữa người với người, nói lên sự tôn trọng tha nhân

– Lịch sự tế nhị cho thấy cách rõ nét về trình độ văn hóa, đạo đức của mỗi người.

2) ĐỨC GIÊ-SU : MẪU GƯƠNG CON NGƯỜI LỊCH SỰ TẾ NHỊ: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại lời dạy của Đức Giê-su về việc sửa lỗi cho anh em cách lịch sự tế nhị (x Mt 18,15-17), chúng ta hiều được một người lịch sự tế nhị phải hành xử thế nào trong giao tiếp?

– Người lịch sự tế nhị là người biết cảm thông với kẻ khác: Đức Giê-su luôn cảm thông khi tỏ ra từ bi nhân hậu với kẻ tội lỗi khi dạy các môn đệ phải biết tế nhị sửa lỗi cho anh em cách kín đáo thay vì kết án họ. Vì ai cũng có lòng tự trọng, nên cần cảm thông và tránh xúc phạm đến danh dự của kẻ có lỗi.

– Người lịch sự tế nhị có lối hành xử lễ độ văn hóa: Người biết đối xử nhã nhặn lịch sự chắc chắn sẽ gây được thiện cảm và sự nể phục của mọi người chung quanh.

– Người tế nhị sẽ hành xử khiêm tốn khi giúp đỡ tha nhân: Những kẻ tự cao tự đại thường đổ lỗi cho người khác. Còn người tê nhị sẽ khiêm tốn nhận lỗi, như người xưa dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” : Khi giúp đỡ cho ai điều gì, người kiêu ngạo thường hay kể công và khinh thường người khác, đang khi người tế nhị sẽ âm thầm kín đáo và không muốn cho người thứ ba biết.

3) Cần làm gì để thành một người lịch sự tế nhị cả về lời nói, cử chỉ lẫn hành động?

+ LỜI NÓI LỊCH SỰ TẾ NHỊ:

Ngừơi lịch sự sẽ không nói tục tĩu, không nói quá to giữa chỗ đông người, biết chào hỏi, nói lời cám ơn hay xin lỗi, biết thành thật khen ngợi người khác, biết tự nhận lỗi về phía mình. Suy nghĩ kỹ trước khi nói, nhưng không nói ra tất cả những gì mình nghĩ. Nếu nói sự thật mà thiếu tế nhị thì cũng dễ bị phủ nhận. Dĩ nhiên đôi khi cũng phải nói thẳng nói thật như Chúa Giê-su đã từng làm đối với bọn biệt phái lòng chai dạ đá (Mc 15, 7; 23, 13-29).

+ CỬ CHỈ LỊCH SỰ TẾ NHỊ:

Thái độ của mỗi người cũng là một cách nói, có khi còn mạnh mẽ và giá trị hơn cả lời nói nữa. Qua thái độ tế nhị, người đối diện sẽ hiểu vấn đề sâu sắc hơn, sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, được yêu thương hơn. Chúng ta hãy học nơi Đức Giê-su về thái độ khôn ngoan tế nhị khi tiếp xúc với người phụ nữ ngoại tình (x Ga 8,2-11), Người tránh nhìn trực diện vào người có tội, và đã làm cho những kẻ đòi kết án tự nhận ra tội của mình và âm thầm rút lui.

+ HÀNH ĐỘNG LỊCH SỰ TẾ NHỊ:

Ngừơi lịch sự tế nhị sẽ không tò mò tọc mạch vào đời tư của người khác, không chế nhạo về một thói tật nào đó của tha nhân, không tự tiện lục túi xách, đọc trộm nhật ký và lưu bút hay thư riêng, tin nhắn điện thọai, không nghe lén khi người khác đang nói chuyện riêng v.v…

5. TỰ KIỂM:

HỎI: Tình huống: Trưởng Nhóm sẽ ứng xử thế nào khi có nhóm viên thường xuyên đi họp trễ và cho biết tại sao chọn hay không chọn cách ứng xử ấy?

+ Phê bình kẻ đi trễ với thái độ và lời lẽ gay gắt

+ Lờ đi và coi như không có chuyện gì xảy ra.

+ Không góp ý với người có lỗi mà đưa ra trước tập thể đòi xử lý ngay.

+ Không nói ngay lúc ấy, tan họp sẽ nhắc phân tích nhẹ nhàng..

ĐÁP ÁN:

+ Phê bình kẻ đi họp trễ với thái độ gay gắt sẽ làm cho ngừơi đến trễ cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương, làm bầu khí buổi họp nặng nề và có thể nhóm viên sẽ bỏ không đi sinh họat nhóm..

+ Lờ đi và coi như không có chuyện gì sẽ làm cho ngừơi sai lỗi và mọi người không ý thức đi trễ là sai và từ đó nhiều người sẽ bắt chước đi họp trễ khiến Nhóm khó lòng thăng tiến..

+ Tố cáo trước tập thể để yêu cầu xử lý sẽ làm cho sự việc nên nghiêm trọng không cần thiết.

+ Nhắc nhở và phân tích nhẹ nhàng lợi hại của việc đi họp trễ: sẽ giúp người có lỗi nhận ra lỗi của mình và tự sửa.

6. LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con biết ứng xử lịch sự tế nhị với tha nhân. Xin cho con biết nói năng tế nhị, ứng xử nhã nhặn với mọi người. Xin cho con biết khôn ngoan tế nhị và bao dung khi phải xây dựng góp ý với anh em sai lỗi. Xin cho con biết tránh đề cập đến những đỉều thuộc về đời tư của anh chị em… Nhờ đó con sẽ gây được thiện cảm với mọi người, xứng đáng làm môn đệ của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - LẬP TÔNG TÒA PHERO

  •  
    Hong Nguyen - Feb 21 at 10:58 AM
     
     


    THỨ BẢY TUẦN VI THƯỜNG NIÊN A

    LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ – Lễ kính
     
     

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 16: 13-19)

    13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?"14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ".15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống".17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".

    Suy niệm

    Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ ngày Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh của Giáo Hội Chúa. Thánh nhân sẽ thay mặt Chúa chăm sóc, cai quản Giáo Hội mà Chúa mới thiết lập: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời: dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc; dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi”.

    Giáo Hội lập lễ này để mừng ngày thánh Phêrô đến Rôma, sau 7 năm ngự tòa ở Antiôkia. Ơn Chúa thật nhiệm mầu: Sau khi vị thủ lãnh của Giáo Hội dời giáo đô về Rôma, nơi đây là nơi ngoại giáo, chẳng những dần dà thành phố đa thần này đón nhận Tin Mừng Chúa Kitô, mà từ đó, trở thành trung tâm điểm của toàn Giáo Hội. Ngai tòa của các vua chúa ngoại giáo, trở thành Tông tòa của vị lãnh đạo Giáo Hội. Chính tại nơi đã từng là miền đất của dân ngoại, vị Tông đồ cả, Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội, và các Giáo hoàng qua mỗi thời đại, thi hành chức vụ thánh hóa, giáo huấn và cai quản đoàn dân Chúa trên khắp hoàn cầu.

    Hiện nay, tại Rôma, trong đại thánh đường thánh Phêrô, Giáo Hội còn giữ được ngai tòa (tiếng Latinh là Cathedra) của vị Giáo hoàng tiên khởi. Tức là, theo truyền thống cho biết, ngai tòa này thánh Phêrô đã từng sử dụng. Nó là biểu hiện cho quyền bính của đức Giáo hoàng như là thầy dạy, là thượng tế và mục tử của Hội Thánh.

    Sau này, chính thánh Giáo hoàng Lêô Cả xác quyết: “Trong tất cả thiên hạ, chỉ một mình thánh Phêrô được chọn để đứng đầu các dân tộc được kêu gọi, để hướng dẫn các tông đồ và giáo phụ, dù trong dân Chúa có nhiều linh mục và mục tử, chính thánh Phêrô điều hành tất cả. Đang khi Chúa Kitô cai trị mọi người với tư cách là thủ lãnh. Chúa đã ban cho ngài danh dự cao cả và kỳ diệu, được dự phần vào quyền năng của Chúa. Và nếu Chúa muốn ban cho các vị thủ lãnh khác ơn gì chung với ngài, thì bao giờ Chúa cũng dùng ngài để ban cho họ tất cả những gì Chúa không từ khước ban cho những người khác”.

    Mừng kính lễ này, chúng ta cảm ơn Chúa vì Chúa đã thương cho chúng ta nhìn biết Chúa, gia nhập Giáo Hội của Chúa, là bí tích của ơn cứu rỗi đưa ta về với Chúa, sống trong sự sống của Chúa.

    Chúng ta không quên cầu xin cho mình, cho mọi thành phần dân Chúa, luôn trung thành bền đỗ tin theo Chúa, tuân phục Đức Giáo hoàng là đại diện hữu hình của Chúa trên trần gian. Chúng ta cầu nguyện cho các giáo phái đã tách lìa Giáo Hội, được hiệp nhất trong một đàn chiên và một chủ chăn, như ý Chúa muốn.

    Lạy Chúa, xin gìn giữ Đức Giáo hoàng và Giáo Hội của Chúa, để nhờ sự dẫn dắt mà Chúa trao cho Đức Giáo hoàng, Giáo Hội của Chúa ngày thêm phong phú về đời sống đức tin và sự khôn ngoan, để vượt thắng mọi kẻ thù của linh hồn, có thể làm chúng con xa Chúa. Chúng con nguyện xin Chúa ban cho chúng con luôn kiên cường mạnh mẽ, vượt thắng mọi thử thách, hầu xứng danh Kitô hữu, kẻ được Chúa đổ máu cứu chuộc. Amen


    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

    Kính chuyển:
    Hồng
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CHA GIUSEPPE GHIRELLI

Cha Giuseppe Ghirelli, vị linh mục bắt đầu sứ vụ truyền giáo ở tuổi 60

Ở tuổi 60, Cha Giuseppe Ghirelli bắt đầu cuộc đời thứ hai của mình khi đến truyền giáo tại Ethiopia. Cha mở trường dạy học cho các trẻ em, mở nhà nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, nối kết những nguuời thuộc các sắc tộc khác nhau. Dù cộng đoàn Công giáo của cha bé nhỏ nhưng cha cảm nhận được niềm vui khi có sự hiệp thông trong cộng đoàn.

Trên một vùng đất rộng 20 kilomét vuông ở miền đông nam nước Ethiopia chỉ có một linh mục Công giáo duy nhất, đó là cha Giuseppe Ghirelli. Năm 2014, ở tuổi 60, sau hơn 30 năm làm cha xứ tại giáo phận Anagni-Alatri của Ý, cha Ghirelli đã nhìn thấy sự thay đổi trong chân trời sứ vụ của mình khi đức giám mục chấp thuận yêu cầu của cha được lên đường đến với mặt trận truyền giáo. Cha bắt đầu cuộc đời thứ hai của mình như một linh mục “hồng ân đức tin” tại Oromia, miền đông nam Ethiopia, một khu vực đa số dân theo Hồi giáo.

Mong ước truyền giáo của cha Ghirelli nảy sinh từ kinh nghiệm điều hành trung tâm truyền giáo của giáo phận. Cha kể: “Trong giáo phận của chúng tôi có nhiều nhà truyền giáo và tôi đã tiếp xúc với họ. Tôi muốn phụ giúp một tay và dấn thân vào môi trường mà tôi chưa biết.”

Ethiopia là quốc gia có đa số tín hữu Chính thống Copte nhưng môi trường truyền giáo của cha lại là nơi người Hồi giáo chiếm đa số và rất ít tín hữu Công giáo. Sự hiện diện duy nhất là cộng đoàn các sơ dòng Mẹ Têrêsa cách đó 7 tiếng đồng hồ. Dù là địa điểm này được chọn thông qua Văn phòng truyền giáo nhưng tự trong lòng, cha muốn đi đến nơi chưa có hoạt động truyền giáo. Vì vậy cha đã chọn miền nam Ethiopia, một vùng rộng bằng 1/3 nước Ý.

Truyền giáo bằng sự đơn giản, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người cần được chăm sóc và giáo dục

Làm thế nào để loan báo Tin Mừng tại miền đất hầu như không có Kitô hữu? Cha Ghirelli giải thích: “Bằng sự đơn giản, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người cần được chăm sóc và giáo dục. Và làm chứng bằng sự phục vụ cuộc sống của Tin Mừng.” Cha học tiếng Anh và tiếng afaan oromo để tiếp xúc với người dân được trao phó cho cha ở Adaba. Khu vực này chỉ có 20% đất có thể trồng trọt, ¼ là đồng cỏ và hơn một nửa là rừng. Con đường đất duy nhất nối liền khu vực này với thủ đô Addis Ababa, cách 300 cây số về phía bắc. Nơi đây cũng thiếu điện nước.

Giáo hội Công giáo là điểm tham chiếu về tôn trọng văn hóa địa phương

Bên cạnh người Hồi giáo và Chính thống Copte, có 900 người Công giáo trong số 4 triệu người. Thêm vào số này là khoảng 50 người được cha Ghirelli rửa tội. Cha giải thích: “Giáo hội Công giáo là một sự hiện diện nhỏ về số lượng, nhưng lại là một điểm tham chiếu chắc chắn cho mọi người trong việc tôn trọng văn hóa địa phương. Giáo xứ được khai sinh tại nơi trước đây không có gì. Ngày nay, ngoài trường mẫu giáo và tiểu học với 900 học sinh, còn có một ngôi nhà gia đình dành cho trẻ mồ côi hiện đang học trung học”, một điều hiếm có ở Ethiopia.

Tin mừng và sự phục vụ nâng đỡ người trẻ

Xung quanh căn nhà gia đình có một phòng máy tính, một thư viện và một vườn rau. Cha Ghirelli chia sẻ: “Tin mừng và sự phục vụ nâng đỡ người trẻ”. Trước mặt cha là một sân bóng nhỏ nơi người trẻ từ khắp nơi trong khu vực đến chơi bóng đá. Đó là nguồn tài nguyên giáo dục ở quốc gia có một nửa dân số dưới 20 tuổi. Cha giải thích: “Thật hiếm khi họ thấy người dân thuộc các sắc tộc khác nhau sống chung với nhau như anh em, như những gì xảy ra với những người trẻ tuổi của chúng tôi”. Nước Ethiopia được hình thành từ các khu vực chia rẽ theo sắc tộc. Và ở Oromia, tinh thần độc lập rất mạnh mẽ, sau nhiều thập kỷ bị đàn áp với lý do sắc tộc và chia sẻ nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú. Từ năm 2018, Ethiopia lần đầu tiên có một thủ tướng của sắc tộc Oromo, Abyi Ahmed, một biểu tượng bất ngờ của sự thống nhất trong một quốc gia có nguy cơ bùng nổ với hơn 80 nhóm sắc tộc. Ông  được Giải thưởng Nobel Hòa bình 2019 vì hiệp ước chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài với Eritrea. Ông nói: “Chúng tôi tự hào là một quốc gia.”

Sự hiệp thông giữa tất cả người Công giáo, ngay cả khi ít ỏi

Các nhu cầu, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và sa mạc, rất nhiều: thiếu thốn các dịch vụ cơ bản, y tế, nước và đường xá. Ngoài các hoạt động giáo hội, các dự án phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, trường học, các khóa đào tạo cho phụ nữ, gia đình cho trẻ em và xây dựng một bệnh viện thần kinh cũng được thực hiện. Cha nói: “Sự hiện diện của tôi đã được đón nhận, dân chúng biết rằng chúng tôi ở đó không phải vì lợi ích kinh tế mà là để phục vụ mọi người, ngay cả những người không theo Công giáo hoặc không có ý định như thế. Dân chúng đánh giá cao việc người nào đó chọn ở bên họ, họ biết rằng điều này là một sự hy sinh do những khó khăn khi sống trong một môi trường khác nhau như vậy. Tuy nhiên, một trong những điều tốt đẹp về những tình huống truyền giáo này là sự hiệp thông giữa tất cả người Công giáo, ngay cả khi ít ỏi. Ở Ý, chúng tôi không nhận ra điều đó bởi vì chúng tôi rất nhiều. Ngược lại, ở đây, nó giống như một gia đình, nó khiến bạn trải nghiệm mọt sức mạnh lớn hơn”.

Vatican News Tiếng Việt

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts