14. Cảm Nghiệm Tình Chúa Yêu Tôi

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

  •  
    nguyenthi leyen
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    TÌNH YÊU BỊ TỪ CHỐI

    Chúa Nhật 28 Thường Niên năm A : Mt 22, 1-14

     

     

     

    Suy niệm / THAM DỰ BÀN TIỆC LỜI CHÚA

     

    Một ông vua mở tiệc cưới cho con mình và sai các đầy tớ đi mời các quan khách đến dự tiệc. Các đầy tớ đến mời lần thứ nhất, họ không đến. Chủ lại cho nhóm đầy tớ khác đến mời lần thứ hai, nhưng họ không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Ta có thể gọi tên của dụ ngôn này là “Tình yêu bị từ chối”: Thiên Chúa bị từ chối khi mời gọi con người đến tham dự niềm vui Nước Trời.

     

    Chúng ta dễ có một hình ảnh về Thiên Chúa thật nghiêm khắc, cấm đoán, hay trừng phạt. Ở đây ta bắt gặp một Thiên Chúa tha thiết muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho con người. Ngài cần con người đáp lại lời mời đó để tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Qua dụ ngôn ta có cảm thấy được nỗi chờ mong của Thiên Chúa khi khách được mời không đến? Ta có cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi con người hờ hững trước bữa tiệc mà Ngài đã đặt vào đó cả tấm lòng?

     

    Dân Do Thái được Thiên Chúa chính thức mời dự tiệc, nhưng họ đã khước từ và giết cả các ngôn sứ được sai đến. Họ không cảm thấy được vinh hạnh mà còn khinh thường và xúc phạm nặng nề, một sự phụ bạc trắng trợn trước tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Các lý do từ chối có thể gom lại trong Phúc Âm Matthêu và Luca là lo làm ăn và lo hưởng thụ. Con người thời nào cũng thế, dễ chạy theo lối sống thực dụng, đánh mất tính cách cao quí và khả năng vươn cao tỏa sáng của đời mình. Thế là bữa tiệc linh đình vốn dành cho khách quý nay trở thành bữa tiệc dành cho tất cả mọi người không trừ ai, gồm những người tốt và cả những người xấu, trong đó có chúng ta hôm nay, được gia nhập Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa tội.

     

    Tuy nhiên, trên đời sống đạo thực tế, chúng ta cũng dễ thoái thác trước lời mời của Chúa, không muốn đáp lại tình yêu của Ngài, mà chỉ lo được những điều mình muốn được; chỉ lo sống những điều mình muốn sống, mà không biết rằng mình đang chạy theo những cái bóng, chứ không phải thực tại của một khát vọng thâm sâu. Bên ngoài ta thờ phượng Chúa nhưng bên trong vẫn mơ mộng hão huyền. Ta có nhiều thứ ưu tiên nên việc đến gặp Chúa bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Lý do cũng vẫn là danh, lợi, thú. Chúng ta dễ sống với những cái trước mắt và mau qua, mà quên mất tương lai sẽ đến. Nhưng Chúa vẫn kiên trì và tiếp tục gọi mời, để một lúc nào đó ta chợt nhận ra lẽ sống đích thật của đời mình.

     

    Dù Chúa vẫn sẵn lòng chờ đợi ta, nhưng hãy nhớ, thời gian không chờ đợi ai, kẻo một phút sa chân là ngàn đời ân hận. Thật ra, Chúa không trách ta lo làm ăn và phát triển cuộc sống, nhưng lo đời này đến nỗi quên bẵng đời sau; lo những cái phụ thuộc đến nỗi quên điều chính yếu; lo đủ thứ những cái bên ngoài mà quên mất lòng tin mến bên trong, khác nào như năm cô khờ dại đi đón chàng rể lo mang đèn mà không mang dầu, làm trễ mất chuyến xe định mệnh. Ta dễ quên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).

     

    Cuối cùng, có điều quan trọng ở cuối bài Phúc Âm mà chúng ta cần hết sức cảnh giác về chính mình. Đó là “y phục lễ cưới”, nghĩa là phải đổi đời như điều kiện phải có để tham dự niềm vui Nước Trời. Có người đã đi vào sự hiệp thông trong Hội Thánh nhưng vẫn không được vào Nước Trời, vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội, mất sự sống linh thiêng là Đức Kitô trong lòng mình.

      *Bởi vậy thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24); “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27). Hãy để Đức Kitô chiếm trọn lấy toàn thể đời sống ta, để ta luôn được sống và hành động trong Ngài. Siêng năng kết hợp mật thiết với Chúa trong thánh lễ, đem lại cho ta sức mạnh linh thiêng để đạt tới chính Chúa, là nguồn hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.

     

    Lời nguyện

    Lạy Chúa!
    Con nào hiểu được lòng Chúa ước mong,
    muốn được cùng con sống hiệp thông,
    muốn dành cho con điều cao trọng,
    nhưng con chểnh mảng coi như không.

     

    Chúa muốn yêu thương con cả tấm lòng,
    muốn cho con niềm vui trọn cuộc sống,
    nhưng xem ra con vẫn cứ viễn vông,
    vì còn ôm ấp nhiều giấc mộng.

     

    Có ai hiểu được nỗi đau của Chúa,
    khi yêu thương mà bị từ khước,
    trải rộng lòng mình mà vẫn bị chối từ,
    nhưng Chúa vẫn bao dung và tha thứ,
    để con biết khởi sự lại đời mình.

     

    Chúa đã mời gọi con dự tiệc thánh,
    nhưng bao lần con lỡ hẹn và né tránh,
    chỉ vì lòng con còn những nỗi phân tranh,
    nên ước mơ của chúa đã không thành.

     

    Con thấy mình sao quá hững hờ,
    tâm trí lại nhiều lúc quá ngu ngơ,
    để bao lần tim Chúa phải ngóng chờ,
    mà đời con thì cứ mãi bơ vơ.

     

    NHỜ ƠN CHÚA, CON QUYẾT dừng lại những đam mê,
    dám buông bỏ những xa hoa phù thế,
    dám buông rơi những toan tính lê thê,
    dám buông xuống những ham muốn nặng nề,
    dám buông xả để trở về bên Chúa,
    biết hân hoan dự tiệc thánh Ngài ban,
    để đời con đầy tràn niềm vui sống. Amen.

     

    Lm. Thái Nguyên

     

     

     
     
     
     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -CN27TN-A

  •  
    Jerome Nguyen Van Noi
     
     
    Fri, Oct 2 at 5:19 PM
     
     

    SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

    ----oooOooo----

    CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM A(04/10/2020)

    LỄ KÍNH TRỌNG THỂ MẸ MÂN CÔI

    MỌI VIỆC TÙY THUỘC VÀO TIẾNG ”XIN VANG”  

    "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,

    xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

    TIN MỪNG LUCA 1, 26-38

     

    I. DẨN VÀO LỜI CHÚA

    Nói hay viết về Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và Mẹ của mỗi người tín hữu, chúng ta có thể dùng 3 từ chia khóa:

    FIAT= XIN VÂNG,

    MAGNIFICAT = NGỢI KHEN và

    STABAT = ĐỨNG BÊN THẬP GIÁ.

    Mọi việc bắt đầu và tùy vào tiếng XIN VÂNG = YES, OK, OUI! của Đức Trinh Nữ Maria thưa với sứ thần, với Thiên Chúa, với kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Thật kỳ diệu và lạ lùng!

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 1,26-38:  Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai. 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.  28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

    30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

    34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" 35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

    38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

    III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 1,26-38:

    3.1 Thiên Chúa có một kế họach: Đó là Ngôi Lời nhập thể làm người để mạc khải về Thiên Chúa (là Tình Yêu) cho loài người và để cứu chuộc loài người bằng cái chết thập giá và phục sinh từ cõi chết: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

    3.2 Thiên Chúa chờ đối tác và cộng sự: Muốn thực hiện kề họach trên Thiên Chúa cần một đối tác, một cộng sự  tự nguyện và tương xứng. Thiếu nữ Ma-ri-a của làng quê Na-da-rét đã được chọn. Thiên sứ  được sai đến để trao đổi với Đức Ma-ri-a:  "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà… Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”

    3.3 Đối tác và cộng sự Ma-ri-a đã hân hoan chấp thuận đề nghị của Thiên Sứ:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

    IV. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 1,26-38:

    Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, có ba phải phải làm:

    Một là cảm tạ Thiên Chúa về kế hoạch Cứu Độ nhiệm mầu:  Đó là cách đầu tiên chúng ta phải làm để thực thi sứ diệp bài Phúc âm hôm nay. Chúng ta biết là tất cả những gì chúng ta đang có (sức khỏe, tài năng, nhà cửa và của cải …) đều là quá tặng của Thiên Chúa, đều là những chỉ/lượng vàng, những chỉ/lượng bạc mà Thiên Chúa giao cho chúng ta để chúng  ta làm chúng sinh lời cho mình va cho Nước Thiên Chúa! 

     

    Hai là ghi nhớ công ơn của Đức Ma-ri-a và bắt chưốc Ngài thưa XIN VÂNG với Thiên Chúa: Chúng ta không biết câu truyện sẽ ra sao nếu như Đức Ma-ri-a không XIN VÂNG. Chắc Thiên Chúa có cách của Người. Nhưng rõ ràng là nhân loại chúng ta chịu ơn Đức Ma-ri-a vì Ngài đã nói lời XIN VÂNG để trở thành Mẹ Chúa Cứu Thế.  Cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn là chúng ta noi gương bắt chước Đức Ma-ri-a để thưa XIN VÂNG với Thiên Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc đời chúng ta.

     

    Ba là chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của kẻ tin với những người xung quanh chưa biết Chúa. Tháng 10.2019 này đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chọn làm Tháng Truyền Giáo Ngoại Lệ để kỷ niệm 100 năm (2019-1919) ngày Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XV ban hành Tông Thư Maximum Illud và khuyến khích Giáo Hội tăng cường ý thức và hoạt động Loan Báo Tin Mừng cho thời đại chúng ta đang sống.

     

    V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA   1,26-38:

    MỞ ĐẦU:   

    Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, chúng con ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Cha vì Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô đã nhập thể làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Nữ Tỳ của Cha. Xin Cha lắng nghe lời cầu nguyện tha thiết của chúng con.

     

    Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN

    1.  «Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa Cha cho càng ngày càng có nhiều người tin vào Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời.

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2. «Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa Cha cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng trong Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để các Hồng Y, Giám Mục và Linh mục nhận thức sâu sắc về ơn gọi và sứ vụ mà Thiên Chúa ban cho các ngài.

    Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3 «Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa Cha cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, mở lòng đón nhận Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.

    Xướng:  Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    4 «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa Cha cho hết mọi người biềt noi gương bắt chước Đức Maria mà nói lời XIN VÂNG với Thiên Chúa và để Người thực hiện kế hoạch của Người.

    Xướng: Chúng con  cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    KẾT: 

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã sai Con Một Cha xuống trần gian để đem Ơn Cứu Độ cho chúng con. Chúng con chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha vì Cha đã chọn Đức Ma-ri-a là đối tác và cộng sự trong kế họach diệu kỳ của Cha.

    Chúng con xin Cha ban cho chúng con biết sống theo gương XIN VÂNG của Đức Maria.

    Chúng con cầu xin Cha, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con. Amen

    Sài-gòn ngày 03 tháng 10 năm 2019

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.  

     

     

     

     

     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

  •  
    Tinh Cao
    Mon, Sep 28 at 3:33 PM
     
     
     

    BA TỔNG THẦN MINH-KHA, GA-BIÊN VÀ RA-PHIÊN

    (29/9)

      

    image.png
     
     

    Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14

    "Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người".

    Trích sách Tiên tri Ðaniel.

    Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.

    Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Hoặc đọc: Kh 12, 7-12

    "Michael và các thiên thần của ngài giao chiến với con Rồng".

    Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

    Ðã xảy ra có đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.

    Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời rằng: "Nay đã thành sự: toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và quyền bính của Ðức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ tố cáo họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã thắng được nó nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết. Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!"

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5

    Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).

    Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Ðáp.

    2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Ðáp.

    3) Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: "Thực vinh quang của Chúa lớn lao!" - Ðáp.

     

    Alleluia: Tv 102, 21

    Alleluia, alleluia! - Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Ga 1, 47-51

    "Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".

    Ðó là lời Chúa.

    Thánh thi (Phụng Vụ Giờ Kinh Sách 29/9)  

    Câu ca khúc nhạc vang ngân
    Mừng hàng tổng lãnh thiên thần hiển dương,
    Toà cao rực rỡ thiên đường,
    Triều thần Vua Cả cao sang lẫy lừng.

    Nguyện xin thủ lãnh oai phong,
    Mi-ca-en chính tướng hùng thiên binh,
    Chúng tôi thân phận mỏng manh,
    Ngài giơ tay hữu uy linh giữ gìn.

    Xin thiên sứ Gáp-ri-en,
    Chúa Cha tuyển chọn loan tin cứu đời,
    Xin ngài dẫn dắt chúng tôi
    Quang minh chính đại đường đời vững chân.

    Ra-pha-en hỡi sứ thần,
    Chúng tôi lữ khách tay chân rã rời,
    Ngài cho thần dược hôm mai,
    Hồn an xác mạnh đường dài quản chi.

    Hỡi đoàn thiên sứ quang huy,
    Kính xin che chở phù trì chúng tôi,
    Một mai đoàn tụ quê trời,
    Cùng nhau hưởng phúc an vui vô ngần.

    Dâng lời ca tụng tri ân
    Chúa Cha, Thánh Tử, Thánh Thần quang vinh,
    Ba Ngôi một Chúa nhân lành,
    Thiên thu vạn đại đồng thanh hát mừng.

    Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Ra-pha-en và Gáp-ri-en   

    Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, về Tin Mừng. (Phụng Vụ Giờ Kinh Sách 29/9) 

    Nên biết rằng “thiên sứ” là danh từ chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính, bởi các thánh thiên thần ở trên trời bao giờ cũng là thiên thần, nhưng không phải bao giờ cũng được gọi là “thiên sứ”. Các vị ấy chỉ là “thiên sứ” khi được sai đi loan báo một điều gì thôi. Các vị loan báo điều nhỏ thì gọi là “thiên sứ”, còn vị nào loan báo điều lớn thì gọi là “tổng lãnh thiên sứ”.

    Quả thế, không phải bất cứ “thiên sứ” nào cũng được sai đến với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, mà phải là tổng lãnh thiên sứ Gáp-ri-en, vì một thiên sứ cao cả đến loan báo một việc hệ trọng thì thật là chính đáng. Người ta cũng biết đến một số vị nhờ các tên riêng, để thấy được công việc của các ngài qua những danh xưng đó. Trong thành thánh trên trời, nơi tri thức đạt tới mức hoàn hảo nhờ ơn hưởng kiến Thiên Chúa toàn năng thì không cần có tên riêng, vì đâu phải không có tên mà ngôi vị các ngài không được biết đến. Nhưng chỉ khi nào đến với chúng ta để thi hành một tác vụ, thì ở giữa chúng ta các ngài mới mang tên gọi liên quan đến tác vụ đó. Vì thế, Mi-ca-en có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa”, Gáp-ri-en có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa” và Ra-pha-en có nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”.

    Mỗi khi có việc cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Mi-ca-en được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Bởi vậy, vì kiêu ngạo, kẻ cựu thù kia đã muốn nên giống Thiên Chúa, khi dám nói : “Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa... ta sẽ nên như Đấng Tối Cao.” Trong ngày tận thế, lúc còn được thi thố sức mạnh của mình, trước khi chịu khổ hình đời đời kiếp kiếp, nó sẽ giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en, như lời thánh Gio-an nói : Có cuộc giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en.

    Cũng thế, thiên sứ Gáp-ri-en mệnh danh là “sức mạnh của Thiên Chúa” được sai đến với Đức Ma-ri-a làm sứ giả loan báo Đấng đoái thương xuất hiện như một kẻ hèn mọn để chiến đấu chống những quyền lực trên không. Vậy phải nhờ “sức mạnh của Thiên Chúa” mà loan báo Đấng là Đức Chúa nắm giữ quyền lực và oai hùng khi xuất trận sắp ngự đến.

    Như đã nói, thiên sứ Ra-pha-en cũng được giải nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”, vì khi người chạm tới đôi mắt của ông Tô-bi-a như làm công việc chữa bệnh, thì người xua tan bóng tối là sự mù loà. Vậy, gọi đấng được sai đến để chữa lành là “linh dược của Thiên Chúa”, thì thật là đích đáng.

    Lời cầu (Phụng vụ giờ kinh sách 29/9)

    Các thiên thần luôn hầu cận trước tôn nhan Chúa, và đồng thanh chúc tụng Người. Vậy chúng ta hãy hợp lời ca ngợi và tung hô :

    Hợp cùng các thiên thần,
    chúng con xin dâng lời ca ngợi Chúa.

    Lạy Chúa, Chúa đã truyền cho các thiên sứ hằng gìn giữ chúng con trên khắp nẻo đường, - xin cho chúng con ngày hôm nay luôn bước đi trong đường lối Chúa, để không bao giờ phải vấp ngã.

    Hợp cùng các thiên thần,
    chúng con xin dâng lời ca ngợi Chúa.

    Các thiên thần hộ thủ chúng con hằng chiêm ngưỡng Chúa, - xin cho chúng con cũng tha thiết tìm kiếm Thánh Nhan.

    Hợp cùng các thiên thần,
    chúng con xin dâng lời ca ngợi Chúa.

    Mai kia khi được vào thiên quốc, con cái Chúa sẽ như thiên thần, - giờ đây xin gìn giữ chúng con được xác hồn trong trắng.

    Hợp cùng các thiên thần,
    chúng con xin dâng lời ca ngợi Chúa.

    Xin sai phái tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en đến trợ giúp chúng con, - để chiến đấu chống lại mọi mưu thâm chước độc của ác thần.

    Hợp cùng các thiên thần,
    chúng con xin dâng lời ca ngợi Chúa.

    Lời nguyện (phụng vụ các giờ kinh ngày 29/9)

    Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ, xin cho các thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin

         

     

     

    --

     
     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI- THÁNG 10 VÀ FATIMA

  •  
    Anh Le
     
    Sat, Oct 3 at 7:39 AM
     


    Tháng 10 và Fatima

    Trong Giáo Hội Việt Nam, tháng 10 là tháng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Đặc biệt ở việc lần chuỗi Mân Côi đều khắp. Đặc biệt còn ở chỗ sốt sắng nhớ về biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.

    Đức Mẹ hiện ra ở Fatima nhiều lần. Lần hiện ra sau cùng là vào ngày 13 tháng 10 năm 1917.

    Ở Fatima, Đức Mẹ đã cho con cái Mẹ nhìn thấy một tình hình khủng khiếp. Nhưng đồng thời cũng đem lại cho đoàn con niềm hy vọng cứu rỗi. Những gì Đức Mẹ nhắn nhủ ở Fatima chỉ là nhắc lại những điều căn bản của Phúc Âm. Toà Thánh đã công nhận biến cố Fatima.

    Trước tình hình thế giới hiện nay có khả năng bùng nổ nhiều bất ổn bất ngờ, tôi thiết nghĩ sự nhắc lại sứ điệp Fatima là điều hữu ích, cần làm.

    Những gì tôi nhắc lại dưới đây về biến cố Fatima đều được rút ra từ tài liệu chính thức phát hành ở Fatima. Đó là tạp chí nói về hai Á thánh Phanxicô và Giaxinta, số tháng 9/2004. Tất nhiên đây là những thông tin, không buộc phải tin, nhưng nên tiếp thu suy gẫm.

    Những cảnh khủng khiếp.

    Theo tiết lộ của Lucia được viết ra trên giấy, để nộp cho Giáo quyền và đã được Toà Thánh cho phép công bố năm 2000, thì Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã cho ba trẻ thấy hai cảnh khủng khiếp này:

    Một cảnh khủng khiếp xảy ra cho Hội Thánh ở thế gian này.

    Một Giám mục mặc y phục trắng (chúng con có cảm tưởng đó là Đức Giáo Hoàng) tiếp theo là nhiều giám mục khác, nhiều linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ, trèo lên một ngọn núi hiểm trở. Trên ngọn núi ấy có một cây thánh giá lớn coi vẻ như làm bằng cây gỗ sến còn nguyên vỏ. Trước khi tới được thánh giá, Đức Thánh Cha phải đi qua một thành phố nửa hoang tàn, nửa hoảng sợ. Ngài bước đi thất thểu, mệt mỏi vì khổ đau buồn sầu. Ngài cầu nguyện cho những hồn người bỏ mạng nằm ngổn ngang trên đường. Khi tới đỉnh núi, Ngài quì xuống dưới cây thánh giá. Lập tức Ngài bị một đội lính bắn nhiều phát súng và cung tên vào Ngài.

    Cùng chết như Ngài, là một số giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và nhiều giáo dân, đàn ông, đàn bà thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

    Dưới hai cánh thánh giá, có hai thiên thần, mỗi vị cầm một chén thuỷ tinh hứng lấy máu các vị tử đạo, và rảy xuống trên các linh hồn đang đến gần Chúa”.

    Trên đây là một cảnh khủng khiếp có thể đã, đang và sẽ xảy ra chỗ này nơi nọ, dưới nhiều hình thức độc ác khác nhau, do những động lực không nhất thiết giống nhau.

    Thêm vào cảnh khủng khiếp trên đây xảy ra ở cõi đời này, là cảnh khủng khiếp xảy ra trong cõi đời sau. Đó là hoả ngục.

    Trong thư Lucia viết cho Đức Cha giáo phận của chị, theo lệnh của Ngài, chị trình rõ: Ba trẻ đã được Đức Mẹ cho thấy cảnh hoả ngục.

    Chúng con thấy một biển lửa. Bị giữ trong đó là những quỷ và những hồn bọn bị kết án. Những hồn này hình người, màu đen. Họ lềnh bềnh trong biển lửa. Các ngọn lửa lúc tung họ lên, lúc ném họ xuống, giống như những tàn lửa giữa đám khói mù. Họ gào thét, rên xiết với những giọng đau đớn, thất vọng và sợ hãi... Còn các quỷ thì mang hình những thú vật dữ tợn, ghê tởm, đen như những cục than lửa đỏ”.

    Thời gian ba trẻ xem thấy cảnh hoả ngục chỉ rất vắn, nhưng ba trẻ đã quá sợ. Nếu thị kiến kéo dài thêm, chắc ba trẻ sẽ chết, vì không chịu nổi cảnh khủng khiếp như vậy.

    Những ngả đường để được cứu.

    91010Fatima.jpg

    Cùng với sự cho thấy những cảnh khủng khiếp, Đức Mẹ cũng đã cho ba trẻ nhận ra những ngả đường được cứu khỏi những cảnh kinh khủng đó. Đức Mẹ nhấn mạnh đến ba ngả đường:

    1. Một là sám hối, đền tội.
    2. Hai là tôn sùng trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
    3. Ba là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

    Ở Fatima, Đức Mẹ nói rất vắn về ba ngả đường trên. Nhưng dần dần, sự thực hành đã được hướng dẫn. Thí dụ:

    Khi sám hối, đền tội, con người cần ý thức về việc phạm tội của mình xúc phạm nặng nề đến Chúa và gây hại vô vàn cho chính mình. Cần dốc lòng sửa mình để đón nhận ơn tha thứ. Còn đền tạ thì không gì bằng thực thi bác ái hy sinh.

    Khi tôn sùng trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, con người cần tựa nương vào tình khiêm tốn “xin vâng” của Mẹ, để phát triển mình theo đúng hướng đi lên những giá trị trong sáng.

    Khi cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, con người sẽ nhớ mình cần được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đồng hành với mình. Và như thế, dù trên những chặng đường khó khăn nhất, họ tin tưởng có ngày sẽ qua được chặng đường thánh giá, để được Phục sinh với Chúa Giêsu, trở về Nhà Cha giàu tình yêu thương xót.

    Càng thực hành những gì Đức Mẹ dạy ở Fatima, người ta càng có cảm tưởng Đức Mẹ rất gần gũi mình, dù mình bé mọn, tội lỗi. Một cảm tưởng rất mạnh và rất rõ họ cảm nhận được, đó là mình không thể dửng dưng, quay lưng hoặc chạy trốn Đức Mẹ được.

    Thiết tưởng, cảm nhận đó sẽ cứ mãi được tiếp tục, nhất là trong hoàn cảnh bi đát.

    Chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ cho chúng ta luôn biết khẩn cầu Mẹ. Nhất là khi chúng ta bị rơi vào guồng máy của nếp sống xa Phúc Âm, bị trói chặt vào vòng quay của nó, đồng thời nó lại tạo cho ta một ảo tưởng là mình đang được an toàn trong đạo đức.

    Tình hình đang biến chuyển phức tạp. Xin Mẹ thương ban cho chúng ta ơn luôn biết khẩn cầu với Mẹ, biết luôn sống theo tinh thần sứ điệp mà Mẹ đã thương gởi đến từ Fatima. Thực ra Mẹ Fatima, một cách nào đó, đang ở bên ta.

    Gm. J.B. Bùi Tuần

     
     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Mon, Sep 21 at 12:20 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA

    NHỮNG GÌ LÀM VUI THỎA CON NGƯỜI ?

    I. Thú vui trần thế chăng ?

     

    Những gì là thú vui trần thế không thể làm thỏa-mãn con người được, chỉ một mình Chúa vui thỏa lòng con người mà thôi: “Hãy yên vui trong Yavê, và người sẽ cho như lòng ngươi mong ước.” (Thánh Vịnh 37:4).

     

    Con người thường tìm thú vui nơi sự giàu-sang, phú-quý, ăn chơi, nhưng không sao thỏa-mãn được, chỉ có Chúa mới đem an vui cho con người mà thôi.

     

    Không thể tìm được an vui trong quãng đời chạy theo lạc thú trần gian như Thánh Augustinô đã thú nhận: “Lòng tôi hằng bối-rối, lo âu cho tới khi tôi tìm gặp và an nghỉ trong Chúa”.

     

    Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa là niềm an-vui tâm-hồn. Trên ngôi báu, Vua thánh Đavit đã hưởng các thú vui trần thế, nhưng vua đã than thở: “Nước mắt chan hoà là bánh ngày đêm.” (Thánh Vịnh 42:4)

     

    II. Được vui thoả khi làm tôi thờ phượng Chúa.

     

    Trong khi những người chạy theo trần thế, chuốc lầy phiền-m uộn, thì những người lành thánh sống an vui. Thánh Phanxicô thành Assisi bỏ mọi sự vì Chúa, mình mặc vải thô, mệt lã vì khí lạnh và bụng đói, nhưng lòng đầy cảnh vui sướng thiên-đàng, đã reo lên: “Lạy Chúa, Chúa là tất cả gia-nghiệp đời con.”

     

    Sau khi trở thành tu-sĩ, Thánh Phanxicô Borgia đầy tràn niềm an-vui, đến nỗi nhiều đêm Ngài trằn-trọc mãi không ngủ được. Bỏ mọi sự để theo Chúa, Thánh Philippê Nêri được Chúa cho hưởng niềm vui sướng đến nỗi mỗi lần đi ngủ, Ngài kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, con vui sướng quá không ngủ được, xin Chúa đem giấc ngủ đến cho con với.”

     

    Cha Sác-lờ (Charles), một tu-sĩ dòng Tên và là ông hoàng thành Lô-ren (Lorraine), nhiều lần đã nhảy mầng, mặc dầu đang sống trong một túp lều xiêu vẹo.

     

    Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, lúc ngọn lửa yêu mến bùng cháy trong tâm hồn vừa mở cúc áo vừa kêu lên: ”Lạy Chúa, đủ rồi, nguồn an vui quá đủ cho con rồi, con không thể chịu đựng nhiều hơn nữa!”

     

    Thánh nữ Têrêxa cho rằng một chút an-ủi từ trời làm cho ta vui sướng hơn tất cả các thú vui trần gian. Và xưa Chúa đã hứa: “Ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con ruộng vườn vì danh Ta, sẽ được thưởng gấp trăm và sẽ được sống đời đời.” (Mát-thêu 19:29)

     

    Chúa không bao giờ sai lời hứa.

     

    III. Nguồn an ủi ngọt ngào trong đau khổ.

     

    Chúng ta tìm kiếm gì? Hãy đến với Chúa, như lời Chúa đã hứa: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh vác nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho.” (Mát-thêu 11;28)

     

    Những ai yêu mến Chúa sẽ tìm được nguồn an vui hơn mọi thú vui trần gian: “Sự bình an của Chúa, không một ai hiểu biết được, sẽ gìn giữ lòng trí anh chị em trong Đức Kitô.” (Phi-Lip-phê 4 :7)

     

    Thật ra ngay cả các thánh cũng chịu đau khổ, vì trần gian này là chỗ lập công đền tội, và không thể lập công đền tội mà không có đau khổ. Nhưng tình yêu Thiên-Chúa ngọt-ngào hơn mật ong, nên đã làm cho những nỗi đắng-cay nhất trở nên ngọt-ngào, như lời Thánh Bonaventura đã nói: “Ai yêu Chúa thì yêu mến Thánh Ý Người,”

     

    và tâm-hồn họ an vui ngay giữa những phiền-muộn, vì lúc hôn-ẳm đau khổ, họ biết rằng họ làm vui lòng Chúa.

     

    Lạy Chúa, những kẻ tội-lỗi chê ghét đời sống thiêng-liêng, nên họ không cố gắng tập-luyện, như lời Thánh Bênadô đã nói: “Những người tội-lỗi chỉ thấy thánh-giá đau khổ, nhưng không cảm-nhận được hương-vị thơm tho của Thánh-giá. Họ thấy những hy-sinh hảm mình của những kẻ yêu mến Chúa và sự an vui họ đánh mất, nhưng họ không tiếp nhận được ánh sáng thiêng-liêng, mà Chúa đã chiếu-dõi trên họ.”

     

    Ôi, những người tội-lỗi ước ao nếm sự bình-an, mà các linh hồn lành thánh đang được hưởng, nhưng đâu họ có để được hưởng. Vua Đavít đã nói: “Bạn hãy nếm thử và hãy nhìn xem, Chúa ngọt ngào dường bao.” (Thánh vịnh 33 : 9)

     

    Bạn thân mến, ngay từ hôm nay, bạn hãy bắt đầu cuộc suy-gẫm hàng ngày, viếng Thánh-Thể, từ bỏ trần gian và làm hoà với Chúa, bạn sẽ tìm được nguồn an vui Chúa ban cho, nhưng bạn không bao giờ tìm được một tý an vui nào trong các thú vui trần thế: “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem”.

     

    Những ai không chịu nếm thử, không bao giờ hiểu được nguồn an vui Chúa ban cho một linh-hồn yêu mến Người.

     

    LỜI NGUYỆN MẾN YÊU.

     

    Lạy Đấng Cứu-Chuộc rất đáng mến của con, con thật ngu-muội khi xa lìa Chúa là Đấng tốt lành vô biên, là suối tình thương, để chạy theo những thú vui đê-hèn trần thế! Con thật ngạc nhiên về sự ngu-muội của con. Nhưng con lại ngạc nhiên hơn khi nghĩ đến lòng từ-bi hải-hà của Chúa, vì bao hồng-ân Chúa đã đổ xuống trên con.

     

    Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã soi sáng cho con, để con nhận-thức được sự dại dột của con, và tình yêu mà con phải dành cho Chúa.

     

    Xin Chúa kết-hợp con trong tình yêu Chúa, vì Chúa đáng vô cùng mến yêu, vì Chúa luôn sưởi ấm con trong tình yêu Chúa, và Chúa luôn mong muốn tình yêu của con. Lạy Đấng Cứu-Chuộc con, xin Chúa thanh-tẩy khỏi tâm hồn con những gì là nhơ-uế, nó ngăn cản con yêu Chúa. Xin Chúa đốt cháy trong con ngọn lửa mến yêu.

     

    Xin Chúa tách rời xa con những gì không thuộc về Chúa. Con đau lòng vì đã làm mất lòng Chúa, và con dốc lòng dùng quãng đời còn lại của con vào tình yêu Chúa, vì Chúa đã chịu cực hình và đổ máu cực châu báu ra vì yêu con.

     

    Trước kia, tâm hồn con đầy tràn sự yêu mến trần thế, nay xin Chúa đốt cháy tâm hồn con với ngọn lửa tình yêu của Chúa, Đấng tốt lành vô biên.

     

    Lạy Mẹ là nguồn tình yêu, xin Mẹ bầu-cử với Chúa cho con được đốt cháy trong ngọn lửa yêu đương của Chúa.

     
    Tác giả: Thánh An-Phong-Xô Li-go-ri  
    (Phêrô Bùi-Đắc-Hữu, dịch)