14. Cảm Nghiệm Tình Chúa Yêu Tôi

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -SUY TÔN THÁNH GIÁ

  •  
    Tinh Cao
     

    Ngày 14 tháng 9

    Lễ Suy Tôn Thánh Giá

    CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

     

    Bài Ðọc I: Ds 21, 4-9

    "Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống".

    Trích sách Dân số.

    Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: "Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này". Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: "Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn".

    Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống". Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38

    Ðáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

    Xướng: 1) Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa. - Ðáp.

    2) Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng Thiên Chúa là Ðá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Ðấng cứu chuộc họ. - Ðáp.

    3) Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Ðối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người. - Ðáp.

    4) Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ. - Ðáp.

     

    Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

    "Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người".

    Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

    Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là [thân phận] Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Alleluia:

    Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Ga 3, 13-17

    "Con Người phải bị treo lên".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: "Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

    "Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ".

    Ðó là lời Chúa.

     

    image.png
     

     

    Le SuyTonThanhGia.mp3  

     

     

     

    PHỤNG VỤ GIỜ KINH LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

    Thay vì bài suy niệm, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội chiêm ngưỡng và suy tôn Thánh Giá ở những giờ Kinh Phụng Vụ  sau đây:

     

    Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành sau lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục Sinh, được xây ở Giê-ru-sa-lem trên mồ thánh (năm 335).

    Từ cõi chết phục sinh, Chúa Ki-tô đã chiến thắng sự chết. Thánh giá của Người tiêu biểu cho cuộc chiến thắng này.

    Truyền thống còn thấy ở đây dấu chỉ của Con Người, Đấng sẽ xuất hiện trên trời để loan báo ngày Người trở lại.

    Thánh thi (Giờ Kinh Sách)

     

     

    Sầu chất nặng, thêm giấm chua mật đắng,
    Đinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn đâm thâu,
    Thân nát tan, và máu nước tuôn trào
    Cho vũ trụ càn khôn được thanh tẩy !

    Ta tin thật : muôn rừng xanh chẳng thấy
    Một cây nào : cành, hoa, quả như ngươi !
    Mấy mũi đinh nhẹ quá, thập tự ơi,
    Sao mang nổi tấm hình hài vô giá ?

    Rủ cành xuống, hỡi cây cao bóng cả,
    Giãn thớ ra cho thân cứng hoá mềm
    Như chiếc giường vừa trải nệm ấm êm
    Chờ Vua Cả đến đặt mình nằm xuống.

    Ôi thập tự, chỉ ngươi là xứng đáng
    Giá chuộc đời, đem cất giữ trong tim !
    Biển trần gian, tàu cờ hiệu Máu Chiên,
    Ngươi rước kẻ đắm chìm cho cặp bến.

    Cung trầm bổng dệt bài ca cầu nguyện,
    Xin khấu đầu thượng tiến Chúa Ba Ngôi
    Đã đổ hồng ân cứu chuộc loài người
    Muôn muôn thuở, xin dâng lời vinh chúc !

     

    Bài đọc 2 (Giờ Kinh Sách)

    Thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô,
    thánh giá nâng Người lên cao

     

    Trích bài giảng của thánh An-rê, giám mục Cơ-rê-ta.

    Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh giá ; thánh giá đã xua tan bóng tối và đem lại ánh sáng. Chúng ta mừng lễ thánh giá, và cùng với Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa lên cao. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ trần gian và tội lỗi để được những của trên trời. Có được thánh giá là điều lớn lao biết mấy ! Ai có thánh giá là có một kho tàng. Tôi vừa dùng chữ kho tàng để chỉ điều người ta gọi, -và sự thật là như thế-, đó là của tốt nhất và đẹp nhất trong mọi của cải, vì trong đó, nhờ đó và vì đó mà tất cả điều cốt yếu của ơn cứu độ chúng ta được tạo lập và phục hồi.

    Quả vậy, nếu không có thánh giá, thì Chúa Ki-tô cũng đã không bị đóng đinh, sự sống cũng đã không bị đóng đinh vào cây gỗ và nguồn mạch trường sinh, máu cùng nước thanh tẩy thế giới cũng không vọt ra từ bên sườn Người, văn khế tội nợ cũng đã không bị xé, chúng ta cũng đã không được đón nhận tự do, cũng không được hưởng nhờ cây ban sự sống, thiên đàng cũng đã không mở ra. Nếu không có thánh giá thì sự chết đã không bị quật ngã, hoả ngục cũng đã không bị tước đoạt vũ khí.

    Vậy thánh giá vừa cao cả, vừa quý báu. Cao cả, vì thánh giá đã sinh ra nhiều ơn ích, bởi lẽ Chúa Ki-tô càng làm nhiều phép lạ và chịu đau khổ bao nhiêu thì Người lại càng chiến thắng lẫy lừng hơn bấy nhiêu. Quý báu, vì thánh giá vừa là sự đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là sự đau khổ, bởi vì Người đã tự nguyện chết trên đó ; là chiến tích, bởi vì ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó ; then sắt hoả ngục bị đập tan và thánh giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới.

    Thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô, thánh giá nâng Người lên cao. Thánh giá là chén đắng Người khát khao, là bảng thâu tóm mọi cực hình Người đã chịu vì chúng ta. Thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô, điều ấy, anh em hãy nghe chính Người nói : Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình. Vậy lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh Con bên Cha. Xin ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa. Điều ấy ám chỉ vinh quang Người sẽ được trên thánh giá.

    Thánh giá nâng Chúa Ki-tô lên cao, anh em biết đó, điều ấy là do chính Người nói ra : Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi. Bạn thấy đó : thánh giá là vinh quang của Chúa Ki-tô, thánh giá nâng Người lên cao.

     

    Lời nguyện (Giờ Kinh Sách, Kinh Sáng và Kinh Chiều)

    Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Chúng con cầu xin....

     

     

    Ca Vịnh (Giờ Kinh Sáng: 3 câu mở và kết ở từng Ca Vịnh)

     

    1- Đấng cam chịu khổ hình thập giá đã đập tan âm phủ, và đến ngày thứ ba đã sống lại đầy vinh hiển quyền năng.

     

    2- Ôi thập giá huy hoàng diễm phúc, thân xác Đấng nằm nghỉ trên ngươi, và máu đào Người đổ ra chan chứa sẽ chữa lành mọi thương tích phàm nhân.

     

    3- Ôi thập giá cao sang rực rỡ, mang ơn cứu độ đến trần gian, ôi thập giá toàn thắng và hiển trị, thập giá xua đuổi mọi tội tình.

     

    Thánh Ca Tin Mừng (Giờ Kinh Sáng: câu mở và kết)

    Chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính vì bởi cây thập giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.

     

    Lời cầu (Giờ Kinh Sáng)

     

    Đức Ki-tô đã chết trên thập giá để chúng ta khỏi chết muôn đời. Vậy ta hãy tin tưởng cầu xin :

    Chúa đã chịu khổ hình thập giá, xin cứu độ chúng con.

    Lạy Chúa Ki-tô là Con Thiên Chúa, xưa trong sa mạc, Chúa đã cứu dân Do-thái bằng dấu hiệu con rắn đồng, - nay xin dùng thập giá mà cứu chúng con khỏi vết thương tội lỗi.

    Chúa đã chịu khổ hình thập giá, xin cứu độ chúng con.

    Chúa là Vị Cứu Tinh Chúa Cha ban tặng cho loài người, để ai tin vào Chúa thì không phải hư mất, - xin cho những người đang tìm kiếm Chúa được hưởng cuộc sống muôn đời.

    Chúa đã chịu khổ hình thập giá, xin cứu độ chúng con.

    Chúa đã được Chúa Cha sai đến, không phải để lên án, nhưng là để cứu độ trần gian, - xin ban ơn đức tin cho thân bằng quyến thuộc chúng con, để họ được an vui hạnh phúc.

    Chúa đã chịu khổ hình thập giá, xin cứu độ chúng con.

    Chúa đã đến thắp lửa tin yêu trên toàn trái đất, và muốn cho lửa ấy bừng lên mãnh liệt, - xin cho chúng con biết sống theo sự thật và tìm đến cùng ánh sáng của Chúa.

    Chúa đã chịu khổ hình thập giá, xin cứu độ chúng con.

     

    Thánh thi (Giờ Kinh Chiều)

    Cờ Vua Cả tung bay phất phới,
    Thánh giá Người chói lọi oai phong,
    Ai ngờ chính Đấng Hoá Công
    Thân treo thập giá lạ lùng xiết bao.

    Người chịu đóng đinh vào khổ giá,
    Mũi giáo đâm thấu cả cạnh sườn,
    Máu đào cùng nước chảy tuôn,
    Rửa ta sạch hết ngàn muôn tội tình.

    Cây tô điểm đôi cành rực rỡ,
    Thấm máu Vua thắm đỏ cẩm bào,
    Lựa từ gốc rễ thanh cao,
    Xứng cho Thánh Thể tựa vào thân ngươi !

    Phúc thay giá chuộc đời treo sẵn,
    Trên cành ngươi trĩu nặng giờ đây,
    Thân hình Chúa Tể quyền oai
    Cứu người dương thế khỏi tay tử thần.

    Ôi Tế Phẩm, Tế Đàn cao sáng
    Đã chung phần khổ nạn quang vinh,
    Chúa Trời hằng sống dâng mình,
    Chết đi để phúc trường sinh cho đời.

    Lạy thánh giá, người người hy vọng,
    Trong ngày này, mở rộng thiên ân :
    Tôi trung phúc đức tăng phần,
    Khoan hồng tha thứ tội nhân quy hồi.

    Xin tán tụng Ba Ngôi một Chúa
    Chính là nguồn cứu độ trào dâng,
    Nhờ ơn thập giá đỡ nâng,
    Đoàn con khải thắng hát mừng thiên thu.

     

    Lời cầu (Giờ Kinh Chiều)

     

     

    Ta hãy nhìn lên Đức Ki-tô, Đấng chịu đóng đinh vào thập giá, và ta hãy tha thiết khẩn cầu Người :

    Chúa đã chịu treo cao trên thập giá, xin dẫn chúng con vào Nước Trời.

    Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã khước từ tất cả, mặc lấy thân phận nô lệ thấp hèn, và trở nên giống một kẻ phàm nhân, - xin cho mọi người trong Hội Thánh biết noi gương khiêm nhường của Chúa.

    Chúa đã chịu treo cao trên thập giá, xin dẫn chúng con vào Nước Trời.

    Chúa đã tự hạ, sống phục tùng, đến nỗi bằng lòng chết, và chết trên thập giá, - xin cho các tín hữu cũng biết sống kiên nhẫn và tùng phục lẫn nhau.

    Chúa đã chịu treo cao trên thập giá, xin dẫn chúng con vào Nước Trời.

    Chúa đã được siêu tôn, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, - xin cho các tín hữu Chúa được bền đỗ đến cùng.

    Chúa đã chịu treo cao trên thập giá, xin dẫn chúng con vào Nước Trời.

    Chúa đã được mọi nước mọi dân tuyên xưng là Đức Chúa, đồng vinh hiển với Chúa Cha, - xin cho những kẻ đã một lòng tin theo Chúa được vào hưởng vinh quang Nước Trời.

    Chúa đã chịu treo cao trên thập giá, xin dẫn chúng con vào Nước Trời.

     -----------------------------------------------


CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -CN23TN-A

Cảm thương người lầm lỗi

Một người mù đang dò đường, cố đi vội để tìm chỗ trú, vì trời nổi cơn giông tố và sắp đổ mưa; ông vô tình xông vào hàng rào kẽm gai, gai móc rách quần áo và da thịt. Những người qua đường thấy vậy bày tỏ những thái độ khác nhau:

– Hạng người thứ nhất là những người không biết ông bị mù nên trách móc: “Người gì đâu mà bất cẩn, dại dột… đường thẳng không đi, lại cứ hàng rào kẽm gai mà xông vào, chắc là đang say xỉn!”

Tương tự như thế, có nhiều người hễ thấy người khác lầm lỗi thì lên án, chửi rủa, trách móc…   dù chẳng biết nguyên nhân, chẳng tìm hiểu ngọn nguồn.

– Hạng thứ hai là những người vô cảm vô tâm, khi thấy người người mù lâm nạn như thế, chỉ ngoái cổ lại nhìn rồi thinh lặng bỏ đi.

Tương tự như thế, khi thấy người khác sa vào tội lỗi, nhiều người chọn thái độ im lặng, dửng dưng, không quan tâm hay cho lời khuyên bảo.

– Hạng người thứ ba là những người tốt bụng, tỏ lòng thương xót, chạy đến hỏi han, khử trùng vết thương, rồi dìu ông tránh khỏi hàng rào kẽm gai.

Tương tự như thế, có những người nhân đức, khi thấy người sa vào tội lỗi, họ tìm cách khuyên lơn, dạy dỗ người có tội ăn năn sửa mình.

Còn chúng ta, chúng ta thuộc hạng người nào trong ba thành phần trên đây?

Một là chỉ trích, phê bình, lên án, trách móc người có tội, mặc dù chưa biết rõ đầu đuôi sự việc thế nào mà cũng “ngứa miệng” phán xét, phê bình người khác.

Hai là thinh lặng làm ngơ trước những sai lỗi của người khác. Ứng xử cách này xem ra khỏe khoắn, nhẹ nhàng hơn cả.

Ba là cảm thương, khuyên lơn, dạy bảo cho người lầm lỗi trở về đàng lành. Việc này khó nhọc, tốn công tốn sức, ít ai muốn làm.

Qua bài Tin mừng Mát-thêu được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su truyền dạy chúng ta phải cảm thương, dạy bảo, sửa lỗi cho người khác, không phải chỉ một lần, mà nếu cần, thì phải kiên trì sửa dạy nhiều lần. Chúa nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội thánh” (Mt 18,  15-17).

Chúa truyền dạy như thế nhưng chúng ta thấy đây là việc khó làm, đòi hỏi nhiều hy sinh và nhẫn nại, nên đã bỏ qua. Cần có lòng cảm thương sâu xa mới làm được.

Cảm thương người tội lỗi vì họ mù quáng

Người sa vào tội lỗi cũng y như người mù vương vào hàng rào kẽm gai. Họ sa vào tội lỗi vì họ “không thấy đường.”

Nhà hiền triết Socrate cho rằng: “Không ai cố tình làm điều ác.” Đúng vậy. Sở dĩ người ta gây ra tội ác là vì không am hiểu, thiếu khôn ngoan, không đủ sáng suốt để nhận định điều đúng điều sai… Đó cũng là một thứ mù, thường được gọi là mù quáng. Mù quáng còn tai hại hơn mù mắt nhiều lần, vì thế, họ đáng thương hơn là đáng trách.

Trong cuộc thương khó, Chúa Giê-su chẳng những không lên án những người phỉ báng, xỉ nhục, hành hung Ngài cách dữ dằn thô bạo, rồi đóng đinh Ngài vào thập giá cách dã man… mà còn thương xót họ. Ngài thương xót họ vì họ mù quáng, không biết việc mình làm. Thế là Ngài tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Ngay cả Charlie Chaplin (được gọi là vua hề Charlot) cũng nhận ra sự thật này. Ông nói: “Sở dĩ người ta gây ra tội ác là do sự mù quáng của mình. Vì thế, người khôn thì thương xót họ, người ngu thì lên án họ.”

Chúa Giê-su đầy khôn ngoan, Ngài thừa biết người ta phạm tội vì mù quáng, nên Ngài thương xót những người có tội, ngay cả những kẻ đóng đinh Ngài;  còn chúng ta, chúng ta có đủ khôn ngoan để thương xót họ và cảm hóa họ hay không?

Lạy Chúa Giê-su,

Xin ban cho chúng con tấm lòng yêu thương và cảm thông sâu sắc đối với tội nhân, nhờ đó chúng con có thể yêu mến họ chân thành và tìm cách cảm hóa họ như Chúa đã nêu gương. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Tin mừng Mát-thêu 18,15-20: CÙNG HỢP NHAU CẦU NGUYỆN

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU CON - LM MINHANH-CN22TN-A

  •  
    Dominic Minh Anh
    CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI
    Sat, Aug 29 at 11:47 PM
     
     
    image.png
    Quý Anh Chị có thể đọc Lời Chúa Chúa Nhật XXII TNA tại đây: 
    hoặc bài Giêrêmia, thư Rôma và Tin Mừng ở đây:

    Trích sách Tiên tri Giêrêmia. Gr 20, 7-9

    Lạy Chúa, Chúa đã quyến rũ tôi, và Chúa đã quyến rũ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: "Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa".Đó là lời Chúa.

    ĐÁP CA: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9

    LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CON, LINH HỒN CON KHÁT KHAO CHÚA (c. 2b).

    1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!- Đáp.

    2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. - Đáp.

    3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. - Đáp.

    4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con. - Đáp.

    Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. Rm 12, 1-2

    Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo. Đó là lời Chúa.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Mt 16, 21-27

     

    Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".Đó là lời Chúa.

     
    •  
      MỘT TÌNH YÊU QUYẾN RŨ ĐẾN MỨC KHÔNG CƯỠNG NỔI.docx
      25.4kB

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - GM BÙI TUẦN

 

  •  
    Chi Tran
     
    Tue, Sep 1 at 12:04 AM
     

     

    Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con

    1.

    Tôi thường cầu nguyện với Chúa bằng những câu vắn tắt, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

    Câu vắn tắt tôi hay dùng nhất là: “Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con”. Câu đó cũng chính là lời cầu của vua Ðavid và của Chúa Giêsu xưa.

    Nhiều lúc, tôi nói với Chúa câu đó, mà lòng nghẹn ngào, nhưng luôn luôn với niềm tin.

    2.

    Chúa đã không bỏ rơi tôi. Tôi nhận ra điều đó, nhất là nhờ Ðức Mẹ.

    Ðức Mẹ âm thầm dạy tôi là Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi tôi, nếu tôi thực sự muốn điều đó.

    Ðể chứng thực tôi muốn Chúa đừng bỏ rơi tôi, thì Ðức Mẹ dạy tôi thực hiện hai điều sau đây.

     

           3.
          Ðiều thứ nhất cần thực hiện để được Chúa không bỏ rơi tôi, là tôi phải nhận mình yếu đuối, tội lỗi, đáng bị Chúa bỏ. Nhưng Chúa không bỏ, chỉ vì Chúa xót thương mà thôi.3.

     

    Nhận thức như thế đã được nhiều vị thánh nêu gương.

    4.

    Gương sáng gần tôi nhất được Ðức Mẹ nhắc cho tôi, là Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ngài viết: “Con tự hỏi tại sao Chúa đã gọi con? Tại sao Chúa đã chọn con? Con là đứa quá vụng về, quá ương ngạnh, quá nghèo nàn về trí khôn và tâm tình. Con hiểu rồi. Chúa đã chọn những người yếu đuối trong thế gian, để không một người nào có thể khoe mình trước mặt Chúa được (1Cr 1,17-18).

    Bây giờ xuất hiện trong trí nhớ con về lịch sử khốn nạn đời con. Một đàng được thêu dệt bằng những ân huệ phi thường, phát xuất từ lòng nhân từ khôn tả của Chúa, mà con hy vọng một ngày kia sẽ được xem thấy và sẽ ca tụng muôn đời. Một đàng bị tiêm nhiễm bởi những hành động vô phúc, không nên nhắc tới làm gì, vì chúng quá khiếm khuyết, bất toàn, dốt nát, dại dột.

    Lạy Chúa, con có điên rồi hẳn Chúa biết đó (x. Cv 68. 69, 6).

    Ðời sống bần tiện, lao đao, bủn xỉn, hẹp hòi, rất cần phải nhìn nhận, phải được tu bổ, phải được vô cùng thương xót.

    Con luôn coi cuộc đời của thánh Augustino, như một tổng hợp tuyệt vời: Sự khốn nạn của con và lòng từ bi của Chúa” (Observatore Romano 34, 21/8/1979).

    5.

    Ðức Phaolô VI đã nói như thế về những bóng tối của cuộc đời mình. Còn đời tôi có những bóng tối còn thê thảm hơn gấp bội. Từ nhận thức đó, tôi xin Chúa thương đừng bỏ rơi tôi. Chúa không bỏ rơi tôi, chỉ vì Chúa xót thương mà thôi.

    6.

    Ðiều thứ hai cần thực hiện, để được Chúa không bỏ rơi tôi, là tôi phải cố gắng đừng bỏ rơi những ai cầu cứu tôi đừng bỏ rơi họ.

    Gương sáng về sự dấn thân giúp đỡ những người cầu cứu đừng bị bỏ rơi, được Ðức Mẹ cho tôi thấy nhiều trong lịch sử đạo đời. Trong đó, cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã đánh động lương tâm tôi nhiều nhất.

    Bất cứ ai gặp cảnh khổ đau, bế tắc, mà đến nói với cha Diệp: Xin Cha đừng bỏ rơi con, đều được Ngài thương cứu giúp.

    Tôi thấy cha Diệp đã không bỏ rơi ai. Những người được ngài cứu chữa, đã tin vào Chúa.

    7.

    Riêng tôi, tôi coi lời cầu Xin đừng bỏ rơi con, đã mở lòng tôi ra, để tôi đón Chúa, và để tôi đón nhiều người đau khổ.

    Nhiều người cũng nói với tôi: “Xin cha đừng bỏ rơi con”. Và thú thực, họ đã giúp tôi biết mở lòng ra, để khi tôi cứu họ, tôi được Chúa coi như là tôi cứu chính Chúa ở trong họ.

    8.

    Trong đời tôi, tôi đã nhiều lần ở bên những người hấp hối.

    Tôi định từ giã họ, nhưng lời “Xin Cha đừng bỏ rơi con”, đã thực sự đưa tôi vào con đường tin cậy vững vàng ở Chúa mà ở lại bên họ.

    Tôi biết tôi tin vào ai”. Tôi tin vào Chúa là tình yêu thương xót. Khi tôi không bỏ rơi họ, thì Chúa cũng không bỏ rơi tôi.

    9.

    Khi tôi sống niềm tin với lời cầu: “Xin Chúa đừng bỏ rơi con”, với những gì tôi vừa chia sẻ trên đây, tôi chợt nhận ra là tôi đang sống lời thánh Phaolô khuyên xưa: “Các con đừng học theo cách sống của đời này” (Rm 12, 2).

    Thực vậy, con người thời nay thích tự đắc tự hào, chứ đâu có thích hạ mình xuống. Hạ mình xuống trước mặt Chúa cũng là điều khó. Hạ mình xuống trước mặt người ta càng là điều khó.

    Tuy nhiên, tôi thấy sự hạ mình xuống trước Chúa và trước mọi người, để sống yêu thương khiêm nhường: “Ðừng bỏ rơi nhau” vẫn là con đường nối kết, khác với con đường kiêu căng chỉ gây chia rẽ.

    10.

    Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con. Tôi biết là khi tôi sống trọn vẹn lời cầu đó, tôi sẽ phải phấn đấu nhiều, nhưng tôi luôn được bình an. Sự bình an đó mang nhiều niềm vui và hy vọng.

    11.

    Từ đó, tôi được sức mạnh thiêng liêng, để hoạt động cho Chúa là tình yêu thương xót. Trên đường hoạt động như thế, tôi sẽ không cô đơn. Tôi tin có nhiều người cùng đi với tôi. Nhất là tôi tin Chúa và Mẹ luôn đồng hành với tôi. Chúa và Mẹ luôn chia sẻ cho tôi lửa tình yêu của Chúa.

    12.

    Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi tôi. Tôi sống như vậy. Tôi sẽ ra đi như thế.

    Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai cậy tin vào Chúa, dù họ không biết nhiều về Chúa.

    Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai trong những người đã và đang nâng đỡ tôi trên con đường về quê trời. Tôi thành thực xin mọi người đừng bỏ rơi tôi.

    Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai trong những linh hồn đang trong lửa luyện ngục, bởi vì từ cõi chết, biết bao linh hồn mồ côi đang gởi về tôi lời nhắn nhủ thân thương: “Xin đừng bỏ rơi con”.

    Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con. Con xin phó thác hồn xác hèn hạ này trong tay Chúa.

     

    ...tôi thấy sự hạ mình xuống trước Chúa và trước mọi người, để sống yêu thương khiêm nhường: “Đừng bỏ rơi nhau” vẫn là con đường nối kết, khác với con đường kiêu căng chỉ gây chia rẽ...”

     
     ĐGM GB BÙI TUẦN
    Download all attachments as a zip file
    • 1598772595653blob.jpg
      1.8MB
    •  
      -------------------------------------

 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -LÒNG THƯƠNG XOT CỦA CHÚA

 

  •  
    Hong Nguyen
     
    Wed, Aug 19 at 10:29 AM
     
     


    Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư tuần XX Thường niên A - Lm. Huệ Minh



    Suy Niệm Lời Chúa, ngày 19. 8
    Thứ Tư tuần XX Thường niên

    LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
    Ez 34, 1-11; Mt 20, 1-16a


    Trang Tin Mừng hôm nay mở rộng thêm về chân dung của Thiên Chúa không chỉ là Đấng phân xử công bằng, mà còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
    Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” làm nổi rõ điều đó. Nếu cứ theo luật công bằng thì những người được mướn vào làm sau thời điểm tảng sáng chắc chắn chỉ đáng nhận được tiền công ít hơn so với người làm từ tảng sáng.

    Thế nhưng mọi chuyện thật phi lý khi vào cuối ngày ông chủ gọi từng người đến trả lương. Người làm cuối cùng lại được nhận tiền trước và nhận được số tiền như người làm từ tảng sáng. Chứng kiến việc chủ trả tiền cho những người thợ sau chót, hẳn nhiên những người đầu tiên sẽ phấn khởi mừng vui vì nghĩ mình chắc sẽ được nhiều hơn.

    Thế nhưng họ cũng chỉ nhận được một đồng. Và phản ứng bực tức, thất vọng, là điều dễ thấy. Phản ứng này làm chúng ta nhớ lại dụ ngôn về người cha nhân hậu, khi người anh cả cũng phản ứng giận dữ như vậy vì biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.

    Nhưng dụ ngôn cho chúng ta biết ông chủ không hề đối xử bất công đối với những người thợ làm từ tảng sáng vì ông đã trả cho họ đúng như đã thỏa thuận ban đầu. Câu cuối cùng của dụ ngôn đã làm nổi lời giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta : “Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh. Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn với tài sản của tôi sao?” Đó là nội dung chính yếu nói lên tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa dành cho con người.

    Tình thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đã vượt xa suy nghĩ của con người. Điều con người tưởng chừng như không thể tha thứ thì Thiên Chúa đã thứ tha. Anh trộm lành chấp nhận chịu hình phạt do mình đã gây ra và không thể ngờ Thiên Chúa sẽ thứ tha, thì chính Người đã nói với anh : “Ngày hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Anh là người thợ thứ 11 như trong dụ ngôn mà Chúa đã đưa ra. Anh được hưởng những gì mà người khác nhiều khi đã phải nỗ lực cả đời mới có. Nhưng nói cho cùng thì không ai có thể xứng đáng để vào Nước Thiên Chúa. Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban nhưng  không, hơn là một sự trả công cho những gì con người đã cố gắng đạt tới.

    Tấm lòng thương xót của Thiên Chúa còn thể hiện qua việc Ngài chờ đợi con người. Tại sao ông chủ lại phải mất công hàng giờ ra chợ tìm kiếm những con người đang đứng chờ vất vưởng ngoài ấy để gọi vào làm vườn nho? Cũng như tại sao người cha nhân hậu lại phải mỏi mòn chờ đợi đứa con hoang đàng trở về, để khi nó vừa về đến thì vội vàng chạy ra ôm chầm lấy nó.

    Tất cả là vì tình thương. Tất cả là ở lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho con người. Bởi thế con người đừng thất vọng vì nghĩ rằng mình không còn cơ hội để quay về làm hòa với Thiên Chúa. Cũng đừng chán nản vì đứng cả ngày ngoài chợ mà chưa có ai mời vào làm vườn nho Nước Trời. Sẽ có lúc Thiên Chúa sẽ đến và ban tặng ân phúc cho bạn mà bạn không thể ngờ. Thiên Chúa là thế, Ngài là Đấng nhân hậu và lòng nhân hậu ấy vẫn hằng sẵn sàng chờ đợi cho đến phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta.
    Đối với Chúa điều quan trọng đâu phải là trước sau, mà chính là giây phút hiện tại, là lúc này. Vì thế mọi sự chểnh mảng coi thường, hoặc giữ đạo cơ hội, xu thời sẽ khó có thể được hưởng hạnh phúc với Chúa.

    Hơn nữa, chính thái độ khoan dung nhân hậu của Chúa đã mở ra cơ hội cho nhiều người tuy đi sau nhưng lại về trước. Rất có thể họ đã có một quá khứ chẳng mấy tốt đẹp hay đã từng làm nhiều điều bất chính. Nhưng nhờ lòng xót thương của Chúa mà họ đã không chỉ được đứng dậy trở về, mà còn được vinh dự vào làm trong vườn nho của Chúa. Đây từng là câu chuyện của thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, các cột trụ của Giáo Hội.

     Ước gì mỗi chúng ta, cũng biết nhìn ra tình thương và lòng Thương Xót của Chúa để biết luôn cảm tạ thay cho nghi kỵ ghen ghét, ước gì mỗi người chúng ta nhận ra lòng tốt của Thiên Chúa đang dành cho mình, để chúng ta biết sống tốt với mọi người. Nhất là khi thấy anh em được những điều may lành. Từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thái độ buông xuôi chán nản mỗi khi có yếu hèn vấp ngã vì chúng ta biết rằng Chúa chúng ta là Đấng nhân hậu từ bi, chậm bất bình và rất mực khoan dung.

    Lm. Huệ Minh
    Kính chuyển:
    Hồng