24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

NGOÀI GIÁO HỘI, CÓ ƠN CỨU ĐỘ KHÔNG?

 

Hỏi: xin cha cho biết nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì có được cứu rỗi không?

 

Trả lời: Câu hỏi này gợi lại giáo lý của một số Giáo phụ (Church Fathers)  xưa kia đã dạy  rằng “ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ” (No salvation outside the Church). Nghiã là,  nếu không gia nhập Giáo Hội do Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ thì không được cứu rỗi đời đời. Lời dạy này bắt  nguồn từ chân lý  là chính Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội  trên “Tảng Đá Phêrô” như phương tiện cưú rỗi cần thiết, căn cứ vào lời  Chúa nói với Phêrô sau đây:

Còn Thầy, Thầy bảo cho  anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh  của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất  anh tháo gở điều gì, trên trời  cũng sẽ tháo gở như vậy.” ( Mt 16: 18-19)

 

Đây là Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô đã thiết lập như phương tiện cần thiết để chuyên chở ơn cứu độ của Người trên trần thế này cho đến ngày mãn thời gian. Giáo Hội này được ví như Chiếc Tầu của ông Nô-e trong thời  Hồng Thủy, khi  loài người và mọi sinh vật trên trái đất  đã bị hủy diệt trừ người và những sinh vật được đưa lên  tầu này trước khi nước dâng lên cao và cuốn đi mọi sinh vật khác (x. St. 6-8). Giáo Hội này “tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển.” (x. Lumen Gentium, số 8))

 

A- Áp dụng cho những người đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo

 

Để gia nhập Giáo Hội Công Giáo và được coi là thành viên của Giáo Hội này đòi hỏi người ta phải chịu phép rửa và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu. Nhưng phải kiên trì sống niềm tin ấy cho đến hơi thở cuối cùng thì mới được ơn cứu độ. Thánh Công Đồng Vaticanô II,  trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium,  đã nói rõ điều này như sau: “…Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo,  được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (LG. 14)

 

Nghĩa là, trước hết, phải gia nhập Giáo Hội qua phép rửa. Sau đó, phải sống và thực hành những cam kết khi lãnh nhận bí tích này. Đó là tin yêu một Thiên Chúa Ba Ngôi, tin công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và cam kết từ bỏ ma quỉ với mọi cám dỗ của chúng

Tuy nhiên, xác tín trên không hoàn toàn loại bỏ những ai không gia nhập Giáo Hội không vì  lỗi của họ.

 

Thật vậy, chỉ những ai đã biết Giáo Hội là phượng tiện cứu rỗi cần thiết mà không chịụ gia nhập  hay đã gia nhập mà laị không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này thì mới không được cứu độ mà thôi.

 

Không kiên trì sống có nghĩa là từ bỏ Giáo Hội nửa chừng để gia nhập một Giáo hội khác hay trở thành vô thần  vì mất hết niềm tin ban đầu do những khủng hoảng gặp phải  hay vì những lôi cuốn của chủ nghĩa vật chất  hưởng thụ gây ra. Như thế, muốn được cứu độ, thì phải quyết tâm sống đức tin trong mọi hoàn cảnh và thực hành những giáo lý căn  bản  mà Giáo Hội  thay mặt Chúa để giảng dạy không sai lầm trong hai phạm vi tín lý và luân lý. Nếu sống trong Giáo Hội  mà không tuân thủ những giáo huấn căn bản của Giáo Hội, nhất là  không thực thi đức tin, đức cậy và đức mến thì “tuy thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội” và như  thế, “sẽ không được cứu rỗi”.  (LG.14).

 

B- Đối với những người hiện sống bên ngoài Giáo Hội Công Giáo

 

Nhưng đối với những người không biết  Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa không vì lỗi của họ thì lại là vấn đề khác. Về vấn đề này, giáo  lý và tín lý của Giáo Hội dạy như sau:

Thực tế những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong đời sống theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể được cứu rỗi.” (x, LG. 16; SGLGHCG, số 847)

 

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu mới xuống trần gian và hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người cách nay mới trên 2000 năm;  trong khi con người  đã có mặt trên quả đất này  không biết là bao nhiêu ngàn năm  rồi.

 

Như thế, có biết bao triệu triệu con người đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế ra đời  rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cũng như thiết lập Giáo Hội  làm phương tiện chuyên chở ơn cứu độ này. Họ không biết Chúa Kitô và không gia nhập Giáo Hội của Chúa qua Phép Rửa thì hoàn toàn không phải lỗi của họ, vì không có ai rao giảng cho họ biết về việc này. Như vậy, Chúa không thể bất công bắt lỗi họ về việc không nhận biết Chúa và Giáo Hội của Người.

 

Tuy nhiên, vì Thiên Chúa mong muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tim 2:4) và vì  “Chúa Kitô-Giêsu làĐấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” nên Thiên Chúa vẫn có nhiều cách để cứu chuộc những ai không vì lỗi của họ mà không nhận biết Chúa Kitô và gia nhập Giáo Hội của Người như giáo lý  của Giáo Hội dạy trên đây.. Điều này cũng áp dụng chung cho những người tin hay không tin Chúa Kitô hiện  đang sống  tản mát trong nhiều tôn giáo hay giáo phái bên ngoài Giáo Hội Công Giáo. Đối với những anh chị em này, Giáo Hội chưa từng lên án họ mà chỉ tha thiết cầu xin để mong sớm tiến đến hiệp nhất trong cùng một niềm tin, một phép rửa, và một Giáo Hội duy nhất do chính Chúa Kitô đã thiết lập trên “Tàng Đá Phêrô”.

 

Tóm lại, Giáo Hội chỉ quan  ngại đặc biệt  cho phần rỗi của những ai đã nhận biết Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội thật của Chúa Kitô mà không chịu gia nhập hay đã gia nhập mà không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội  này mà thôi.

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - NGƯỜI BỊ QUỶ ÁM?

 

  •  
    nguyenthi leyen
    HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO
     
    Tue, Jan 12 at 12:25 AM
     
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    Làm sao biết chắc một người bị quỷ ám?
     
    Theo lời một linh mục, đồng thời cũng là một người trừ quỷ có thâm niên, thì phân biệt giữa người bị quỷ ám với người đang vật lộn với các tật bệnh tâm lý và các suy nhược khác, là một yếu tố sống còn trong khi thi hành tác vụ trừ quỷ.

    Linh mục Cipriano de Meo, đã trừ quỷ từ năm 1952, nói với hãng tin CNA (phiên bản tiếng Ý) rằng, rất hay xảy ra việc, người ta thực ra không bị quỷ ám, nhưng đang mắc phải với một số bệnh tật nào đó.

    Theo linh mục này, chìa khoá giúp phân biệt dựa trên việc biện biệt có được nhờ qua lời cầu nguyện của người thực hiện việc trừ quỷ và người bị quỷ ám – và căn cứ vào phản ứng của người nghi bị quỷ ám trước người trừ quỷ và trước những lời cầu nguyện.

    Người trừ quỷ thường “cầu nguyện dài dòng cốt để xác định xem, có ‘động tĩnh’ gì không, vì nếu có ‘động tĩnh’, có phản ứng chống trả, tức là có quỷ ở đó” .

    “Người bị quỷ ám phản ứng đủ kiểu, đủ trò trước người trừ quỷ, vì với ma quỷ, người trừ quỷ là kẻ thù trực tiếp, đang sắp sửa đánh nó”.

    Linh mục de Meo mô tả phản ứng đáng sợ thường thấy của người bị quỷ ám, cha kể chi tiết về kiểu phản ứng điển hình trước lời cầu trừ tà.

    “Khuôn mặt với những biểu cảm rợn người, những cử điệu và ngôn từ đủ loại, đặc biệt là những ngôn từ và cử điệu đe dọa, và rõ ràng nhất là những lời báng bổ chống lại Chúa và Mẹ”.

    Giáo lý Hội thánh Công giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phân biệt giữa những biểu hiện của quỷ ám với các bệnh tật tâm thể lý. Số 1673: “Nghi thức trừ ta nhằm trục xuất ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giêsu đã uỷ thác cho Hội thánh. Mục đích này khác hẳn với các việc chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó, trước khi cử hành nghi thức trừ ta, phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý (x. CĐ Nixêa 2: DS 601; 603; CĐ Trentô: DS 1822) .

    Tháng Tư năm vừa qua, Thánh bộ Giáo sĩ đã tổ chức một khóa học tại Đại học Giáo hoàng Regina (Rôma), huấn luyện chuyên biệt cho các linh mục và giáo dân để họ phân biệt giữa các trục trặc tâm lý và quỷ ám.

    Cuộc hội thảo này quy tụ nhiều chuyên viên đủ loại làm công việc liên quan, dính líu đến trừ tà, bao gồm những người trừ tà, các chuyên viên y khoa, các nhà tâm lý học, luật sư, và các thần học gia.

    Linh mục de Meo cũng nhấn mạnh, chẳng có trường hợp quỷ ám nào giống nhau cả, do vậy những người trừ quỷ cần phải được huấn luyện, đạo tạo một cách nghiêm cẩn, và việc ấy rất là can hệ.

    “Vị linh mục thực thi sứ vụ này phải biết cách giải quyết sự vụ, theo ý Chúa, bằng tình thương và với sự khiêm tốn”.

    “Vì thế, được đức giám mục cho phép, trong 13 năm qua, tôi đã mở một trường huấn luyện các nhà trừ quỷ. Tôi nỗ lực chuyên tâm đào tạo những người khởi sự thực thi sứ vụ này”.


    Linh mục cũng cho biết, tuy vậy, dù rằng việc bị quỷ ám thì ít thấy hơn là những trường hợp mắc các tật bệnh tâm lý, đa số người ta quá xa lạ, và thiếu hiểu biết một cách trầm trọng về các thực tại siêu nhiên, tinh thần (spiritual realities).

    Năm 2014, Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế (AIE) đã phát đi lời kêu gọi, khẳng định sự bùng phát hoạt động liên quan đến các giáo phái là một “sự kiện hết sức cấp bách mang tính mục vụ”.

    “Thường lúc đầu người ta tham dự do sự thiếu hiểu biết, nông cạn, dốt nát, cũng có thể họ tham dự như một cảm tình viên, tham dự một cách tích cực, hoặc chỉ tham dự như một quan sát viên. Thế nhưng, các hậu quả thì lúc nào cũng khủng khiếp” 
    , phát ngôn viên của AIA, tiến sỹ Valter Cascioli đã khẳng định như thế với hãng tin CNA.

    Linh mục de Meo cho biết, người ta thường dựa vào “những lời ú ớ của các tay phù thủy, thầy bói thầy chiêm” để đưa ra quyết định, hơn là cậy dựa vào “những khí cụ mà Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta”.

    Khi người ta muốn tìm cho mình những câu trả lời, hay những dấu chỉ rõ ràng, cách phòng tránh nguy cơ bị quỷ ám hữu hiệu nhất đó là một đời sống đơn sơ, thành tín, năng lãnh nhận các bí tích, vị linh mục cho biết.

    “Quan trọng là người ta phải sạch tội, người ta phải sống trong ân sủng Thiên Chúa”.

    “Giáo hội quả thực, mong muốn con cái mình cầu nguyện, không những là chính vị linh mục phải cầu nguyện, nhưng người tín hữu cậy nhờ sự can thiệp của vị linh mục này cũng phải cầu nguyện nữa, người này cũng hưởng nhờ các trợ lực, phúc ấm từ các người trong gia đình, gia tộc của mình”.


    Sách Giáo lý cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn giúp tránh bị ma quỷ tác động: phải loại bỏ bất cứ điều gì nhân danh, hay cậy thế ma quỷ, không được thực hiện bất cứ nỗ lực gọi hồn hoặc tiên tri, dự báo tương lai.

    Sách Giáo lý Công giáo số 2116 dạy rằng: “Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy nhờ Xa-tan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai (x. Ðnl 18,10; Gr 29,8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Ðiều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa.”

    Về phần các người trừ quỷ, rất can hệ việc cần phải biết khiêm nhường và luôn ý thức rằng năng quyền họ có là do bởi Đức Kitô, linh mục de Meo nói thêm.

    “Về việc chuẩn bị tâm linh, cần phải giữ lòng khiêm tốn và tự ý thức rằng, dù giữ vai người trừ quỷ, mình không thực sự đánh bại ma quỷ kẻ chống lại Đức Kitô. Chúng ta được kêu mời chiến đấu nhân danh Đức Kitô”.

    (Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
    http://www.catholicnewsagency.com
     

 

 

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - TẠI SAO MA QUỈ GHET ĐỨC MẸ?

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Wed, Dec 9 at 12:49 AM
     
     
     
     
     

    Ảnh cùng dòng

     

    TẠI SAO MA QUỶ GHÉT ĐỨC MẸ?

    “Tại sao ma quỷ ghét Đức Mẹ?” Câu hỏi này ngụ ý nhắc chúng ta phải tự hỏi chính mình: “Tại sao tôi yêu mến Đức Mẹ?”.

    Satan rất ghét Đức Mẹ. Thật vậy, nó làm mọi cách để người ta giảm lòng sùng kính Đức Mẹ. Bạn có thấy rằng các tín điều về Đức Mẹ và lòng sùng kính Đức Mẹ tạo nên các phản ứng mạnh mẽ nhất ở những người chống đối Giáo Hội? Ngay cả một số người Công giáo tốt cũng thấy lúng túng về lòng sùng kính Đức Mẹ, họ cảm thấy chúng ta không nên quá cực đoan trong việc tôn kính Đức Mẹ.

    Có thể chính bạn cũng thắc mắc tại sao Giáo Hội đề cao Đức Mẹ Vô Nhiễm như vậy. Có thể chính bạn cũng thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại chọn Đức Mẹ để làm công việc cứu độ. Hôm nay, chúng ta hãy nhìn vào lý do mà ma quỷ ghét Đức Mẹ nhiều đến thế, và lý do mà chúng ta nên trở thành các hiệp sĩ của Đức Mẹ.

    ĐỨC MẸ ĐẠP NÁT ĐẦU MA QUỶ

    Khung cảnh là Vườn Địa Đàng. Các nhân vật là Thời Cuối Cùng, con rắn, ông Adam và bà Eva. Ma quỷ đang cười đắc thắng. Nó đã lừa được bà Eva, và lừa cả ông Adam qua sự nhõng nhẽo của bà vợ. Ôi chao, nó kiêu hãnh và tự mãn. Bạn có thể cảm thấy sự kiêu căng quỷ quyệt trong việc hủy hoại, vì nó đã thành công trong việc làm hư hại công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, và lôi kéo loài người vào sự chết và khốn khổ.

    Thiên Chúa hiện ra tẩy sạch sự hỗn độn, tuyên bố lời nguyền rủa dành cho nó, nhưng cũng tuyên bố lời vui mừng, gợi ý đầu tiên trong Phúc Âm và số phận của ma quỷ. Thiên Chúa bắt đầu bằng cách cho Satan biết rằng nó phải bò đi bằng bụng và ăn bùn đất suốt đời (St 3:14). Rồi Ngài mặc khải điều làm cho nó co rúm vì hoảng sợ: CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG THUỘC VỀ MỘT NGƯỜI NỮ.

    Thiên Chúa công bố: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15).

    Ngày nay, các học giả vẫn tranh luận về giới tính trong câu “dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” – nghĩa là chính Đức Maria hoặc Đức Giêsu Kitô. Thiết tưởng điều đó không thành vấn đề. Bạn thấy đó, Chúa Giêsu đạp nát đầu Satan qua Đức Mẹ. Đức Mẹ là khí cụ mà Chúa Giêsu sử dụng khi Ngài hủy diệt kẻ thù. Tại sao Thiên Chúa muốn dùng Đức Mẹ để chiến thắng Satan?

    CHÚA HẠ BỆ NHỮNG AI QUYỀN THẾ…

    Ma quỷ ghét Đức Mẹ vì chiến thắng cuối cùng nằm trong tầm tay của một Nữ Tỳ Hèn Mọn. Theo cách nào đó, trái tim kiêu ngạo của nó có thể xoay xở tình trạng thua cuộc vì Thiên Chúa toàn năng và tuyệt đối. Nhưng còn chuyện bị đạp nát đầu vì một phụ nữ người Na-da-rét rất khiêm nhường? Điều đó khiến nó phát điên lên. Bởi vì nếu có điều gì đó nó ghét nhất thì đó là đức khiêm nhường.

    Satan thua một Trinh Nữ khiêm nhường vì người đó là phụ nữ, mà các phụ nữ đều là phái yếu (1 Pr 3:7), và nó coi thường sự yếu đuối. Nó không thích gì hơn là thấy phụ nữ bị lạm dụng, bị hạ giá. Đó là chưa nói tới Đức Mẹ là thụ tạo, Satan ghét con người bởi vì chúng ta có thân thể, còn nó là “thần” nên nó nghĩ rằng thân thể đáng ghê tởm. Có một lý do khác sâu xa hơn khiến ma quỷ không thích bị thua Đức Mẹ, đó là Đức Mẹ đã thay thế vị trí của nó trên Thiên Quốc.

    Bạn biết đó, lúc đầu quỷ vương Luxiphe là thành tựu hảo hạng của Thiên Chúa. Nó xinh đẹp hơn và mạnh mẽ hơn mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Nó rất rực rỡ, rất oai phong, rất uy quyền đến nỗi nó tưởng nó hơn Thiên Chúa. Đặc điểm của Satan là TÍNH KIÊU NGẠO và THAM LAM QUYỀN LỰC (nói theo kiểu ngày nay là Tham Quyền Cố Vị).

    Còn đặc tính của Đức Mẹ? Trước tiên và hơn hết, đó là Đức Mẹ VÔ CÙNG KHIÊM NHƯỜNG. Thật vậy, Đức Mẹ là thụ tạo khiêm nhường nhất. Ma quỷ càng kiêu ngạo bao nhiêu thì Đức Mẹ càng khiêm nhường bấy nhiêu, còn khiêm nhường gấp đôi. Trái tim đen tối của Satan đầy độc tố ghen tương, ghen tỵ và hiềm khích; trái tim của Đức Mẹ chan chứa phẩm chất yêu thương, thờ phượng và chúc tụng. Tâm hồn ma quỷ đầy sự hư hỏng, tâm hồn Đức Mẹ đầy sự thuần khiết và sinh ích. Bằng ân sủng, Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ trở nên thụ tạo tinh túy và vinh quang nhất – điều mà ma quỷ đã từng đòi hỏi.

    Trong mọi cách, Đức Mẹ Vô Nhiễm là đối lập cực cấp của Satan, vì Đức Mẹ thay thế nó, và nó biết điều đó. Cuộc trao đổi của Đức Mẹ về Satan được mặc khải trong bài ca chúc tụng Magnificat (Lc 1:46-55) của Đức Mẹ: 

    Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

    thần trí tôi hớn hở vui mừng

    vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

    Phận nữ tỳ hèn mọn,

    Người đoái thương nhìn tới;

    từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

    Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

    biết bao điều cao cả,

    danh Người thật chí thánh chí tôn!

    Đời nọ tới đời kia,

    Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

    Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

    dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

    Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

    Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

    Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

    người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

    Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

    như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

    vì Người nhớ lại lòng thương xót

    dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.

    Trong Thánh Ca Magnificat, chúng ta thấy vai trò của Đức Maria trong việc cứu độ:

    ◾ Sự khiêm nhường của Đức Mẹ: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”.

    ◾ Ân sủng của Thiên Chúa tác động nơi Đức Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.

    ◾ Thiên Chúa triệt hạ Satan: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế”.

    ◾ Thiên Chúa đặt Đức Mẹ vào vị trí của Satan: “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

    Thật khốn cho Satan, vị trí của nó trên Thiên Đàng bị thay thế bằng một Trinh Nữ, Mẹ của Đấng Ngôi Lời Vĩnh Hằng, Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu khổ đau và chịu chết để cứu độ nhân loại mà lũ quỷ tìm mọi cách để hủy hoại. Lời “xin vâng” của Đức Mẹ đã làm cho Thiên Chúa “gỡ rối” cho sự bất tuân của bà Eva, dọn đường cho công cuộc cứu độ của Adam Mới. Chính sự yếu đuối của bà Eva khiến Satan bị nguyền rủa đã được thay thế bằng sự tuân phục khiêm nhường của Đức Maria, tuân phục Thánh Ý Thiên Chúa làm cho Đức Mẹ quyền thế vượt qua giới hạn. 

    Đó là kế hoạch của Thiên Chúa đối với việc đánh bại kẻ thù Satan. Đó là nỗi nhục nhã và số phận của Satan và bè lũ của nó.

    HASTA LA VISTA, SATAN – HẸN GẶP LẠI SATAN

    Nếu bạn không “hẹn tái ngộ” thì Satan ghét bạn lắm. Nó cũng thù ghét bạn nếu bạn yêu mến Thiên Chúa và Đức Mẹ. Sự thèm khát của nó khiến nó hủy hoại cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, muốn kéo loài người xuống Hỏa Ngục với nó. Nó rất muốn chiếm đoạt bạn vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa, nó muốn bạn theo phe nó và vào hồ lửa đời đời với nó, cùng chịu cực hình với nó.

    ĐỪNG SỢ NÓ! Con rắn xưa đã bất lực chống lại Đức Mẹ Vô Nhiễm, vì theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Mẹ là khí cụ mà Chúa Giêsu sử dụng để tiêu diệt nó. Bạn có muốn đạp đầu ma quỷ trong cuộc đời của mình? Bạn có muốn an toàn trong cơn bĩ cực, cám dỗ, và bão tố trên đường về Quê Thật? Câu trả lời đơn giản: HÃY KÊU CẦU ĐỨC MẸ. Hãy yêu mến Đức Mẹ, là đầy tớ trung tín, là hiệp sĩ, là người bảo vệ, là tông đồ của Đức Mẹ. Hãy hoàn toàn tận hiến cho Đức Mẹ – vì không có gì thuộc về Mẹ mà phải hư mất. Thánh Gioan Damascene nói: “Lạy Đức Thánh Trinh Nữ, sùng kính Mẹ là cánh tay cứu độ mà Thiên Chúa ban cho những ai Ngài muốn cứu độ”.

    Satan đang trong cơn điên loạn, tìm mọi cách để tung đòn trả thù – bởi vì nó biết thời gian của nó đang đến hồi kết thúc. Nó hoảng sợ và giận dữ, bởi vì nó biết “ngày tàn của bạo chúa” không còn bao lâu, nó sẽ bị Người Nữ đạp nát đầu, chính Người Nữ này khiến trái tim nó run rẩy, Người nữ đó đã được Kinh Thánh đề cập: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6:10).

    CẦU NGUYỆN

    Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và Nữ Vương Các Thiên Thần, Mẹ đã được Chúa ban uy quyền và sứ vụ đạp nát đầu Satan, chúng con khiêm nhường cầu xin Mẹ sai đạo binh Thiên Quốc tới, dưới quyền chỉ huy của Mẹ, để tiêu diệt mọi ác thần, kiềm chế sự lộng hành của chúng, và bắt chúng phải trở về Hỏa Ngục.

    Lạy Mẹ nhân lành, Mẹ luôn là niềm cậy trông và tình yêu thương của chúng con. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin sai các thiên thần tới bảo vệ chúng con và xua đuổi quân thù. Lạy các Thiên Thần và Tổng Lãnh Thiên Thần, xin bảo vệ và gìn giữ chúng con.

    SAM GUZMAN

    TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ https://www.catholicgentleman.net/2015/01/devil-hates-blessed-virgin-much-love)

     

 

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

 CÔNG NGHIỆP CỨU CHUỘC CỦẢ  CHÚA KITÔ  ĐÃ ĐỦ CHO TA ĐƯỢC CỨU RỖI CHƯA?

Mùa Vọng (Advent) là thời điểm thuận tiện mời gọi mọi người tín hữu chúng ta suy niệm sâu xa về tình thương tha thứ của Chúa Cha  “ Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.”( 1Tm 2:4)

Chúa Kitô đã vâng phục Chúa Cha, đến thế gian trong thân phận CON NGƯỜI  để vui lòng chịu muôn vàn khốn khó đau khổ và hy sinh “ mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” ( Mt 20 :28). Chúa  đã hoàn tất Chương Trình Cứu Chuộc đó qua khổ hình thập giá, chết và sống lại ,và lên Trời để cho chúng ta có hy vọng được cứu rỗi và sống với Người  vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau.

Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu KITÔ thực vô giá vì không có sự hy sinh nào, lễ vật nào cao trọng đẹp lòng Chúa Cha và có giá trị cứu rỗi  hơn  Hy Tế  cực trọng  mà Chúa Kitô đã một lần dâng trên thập giá năm xưa và nay còn tiếp tục dâng trên bàn thời ngày nay  qua tác vụ của Giáo Hội, và “ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên Bàn Thờ , nhờ đó Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta  chiu hiến tế, ( 1 Cor 5: 7 ) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” (x.Lumen Gentium LG số 3)

Nghĩa là, xưa kia một lần Chúa Kitô đã đổ máu thực sự trên thập giá để làm hy tế dâng lên Chúa Cha để xin ơn tha tội cho nhân loại thế nào, thì nay trên Bàn Thờ ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội, mỗi khi Thánh lễ Tạ Ơn ( Euchrist) được cử hành, thì  Chúa Kitô lại hiện diện cách bí tích nơi các thừa tác viên con người ( Giám mục hay Linh mục) để diễn lại- hay làm sống lại cách bí tích-  Hy Tế thập giá của Người  với cùng  mục đích và ích lợi thiêng liêng cho chúng ta ngày nay  như xưa  Chúa tự hiến tế  trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi.

Do đó, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thực  đã quá đủ cho chúng ta được tha thứ tội lỗi và giao hòa lại với Thiên Chúa như Thánh Phêrô đã dạy như sau:  

Chính Chúa Kitô đã chịu chết  một lần vì tội lỗi. Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” ( 1 Pr 3 :18)

Như thế , nếu không có công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô,  thì tuyệt đối không ai có thể   làm được việc gì đáng được cứu rỗi . Nhưng nhờ công ghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, mà con người  mới có hy vọng  được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời với Chúa, sau khi phải chết đi  trong thân xác của mỗi người một ngày nào đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào công nghiệp cứu chuộc  này để  không làm gì nữa về phía con người, thì  ơn cứu chuộc ấy cũng không tự động sinh  ích gì cho ai .

Sở dĩ  thế, vì Công nghiệp cứu độ của Chúa Kitô- kể cả Phép Rửa- đều không tức khắc biến đổi con người  thành hoàn hảo ngay và không còn biết gì là tội lỗi nữa.

Trái lại, dù Chúa đã chết cho tội lỗi con người và dù đã  lãnh nhận Phép Rửa  để được tái sinh trong sự sống mới, con người vẫn còn đầy rẫy tính hư nết xấu, vẫn còn khuynh hướng nghiêng chiều về sự xấu, sự tội để cho ta phải chiến đấu để lập công.Thêm vào đó  là ma quỉ, “ thù địch của anh  em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh  em hãy đứng  vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh  em  trên trần gian đều trải qua cùng một  loại thống khổ như thế ” như  thánh  Phêrô đã dạy. ( 1 Pr  5 : 8-9).

Ngoài nguy cơ đến từ ma quỷ mà Thánh Phêrô cảnh giác trên đây, còn nguy cơ khác không kém hiểm nguy là thế gian nơi đầy rẫy gương xấu và dịp tội với tà thuyết vô thần chối bỏ Thiên Chúa, chủ nghĩa chuộng khoái lạc ( Hedonism) và tục hóa ( secularism, vulgarism) cổ võ  tôn thờ tiền bạc , của cải vật chất  và mọi vui thú vô luân vô đạo của “văn hóa sự chết”  như bộ mặt thật của thế giới ở khắp nơi ngày nay.

Mặt khác, nơi bản thân mỗi người chúng ta, không ai có thể phủ nhận những thực tại sau đây còn tồn tại trong chúng ta như Chúa Giêsu  đã nói với các môn đệ xưa :

        “ Cái gì từ trong con người phát ra , cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong , từ lòng người phát xuất  những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.Tất cả những điều xấu đó đều từ bên trong xuất phát và làm cho con người ra ô uế”.( Mc 7 :21-23)

Chính vì thực trạng trên đây còn đồn trú  nơi mỗi người chúng ta cho nên đã làm phát sinh những sự dữ như giết người, giết thai nhi, hiếp dâm, trộm cướp, bất công , bóc lột hà khắc, nghèo đói, chiến tranh, bạo động, thủ tiêu, trả thù, kỳ thị, buôn bán phụ nữ cho nô lệ tình dục, bắt cóc và buôn bán trẻ nữ để bán cho bọn bất lương hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi như  đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới vô luân vô đạo ngày nay. Đặc biệt ở các quốc gia độc tài cai trị, tự do dân chủ giả hiệu, cánh chung luận mơ hồ,  xảo trá, thì thực  trạng tha hóa, xuống cấp thê thảm  về luân lý, đạo đức cũng như suy thoái về kinh tế  phải là hậu quả tất nhiên, vì tập đoàn thống trị  chỉ cai trị để  vơ vết mọi của cải vật chất và  gửi tiền ăn cướp được  ra nước ngoài mua cơ sở làm ăn  hoặc gửi tiền ở các ngân hàng ngọai quốc để  phòng thân , trong khi  nhắm mắt bịt tai trước mọi bất công  xã hội và nghèo đói của đa số người dân đen, nạn nhân của chế độ cai trị hà khắc, vô nhân đạo..

Trước thực trạng trên đây, là người có niềm tin  Thiên Chúa cực tốt cực lành, người tín hữu chúng ta phải sống cách nào để cho ơn cứu độ của Chúa Kitô không trở nên vô ích cho chính mình ?

Thât vậy,.như đã nói ở trên, Chúa Kitô chết trên thập giá và Phép Rửa đều không tức khắc thay đổi chúng ta thành những con người mới vẹn toàn và không bao giờ phạm tội nữa.

Sự thật trái lại là  chúng ta  vẫn yếu đuối trong nhân tính, với những khuynh hướng xấu còn để lại cho ta phải chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng của đời mình. Ma quỷ , đich thù của chúng ta , triệt để khai thác bản chất yếu đuối  trên với sự tiếp tay của thế gian để  cố đẩy chúng ta ra  khỏi  tình yêu của Thiên Chúa, và làm mất hy vọng được cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô.

Mặt khác, sở dĩ  con người ở khắp mọi nơi đã và đang làm những sự dữ, sự xấu như giết người, cướp của, dâm loạn, xảo trá, căm thù … là vì con người vẫn còn có tự do mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng và phải chiu trách nhiệm trước Thiên Chúa giầu tình thương nhưng rất công bình khi phán xét con người.Chúa  không phán xét loài vật  sống thuần với bản năng mà chỉ phán đoán con người có lý trí và ý muốn tự do (  intelligence and free will) mà thội. Có tự do nên người ta  có thể chọn sống theo đường lối của Chúa để được cứu độ hay khước từ Chúa để sống theo thế gian, theo văn hóa của sự chết chổi bỏ Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, khiến mất hy vọng được cứu độ mà vào Thiên Đàng để hưởng vinh phúc đời đời với Chúa. Đó là thực trạng của con người ở khắp nơi nói chung  và của rất nhiều tín hữu ngày nay nói riêng. Đó là  những người chỉ có tên là Kitô hữu hay Công giáo, nhưng thực chất lại sống phản lại danh xưng đó.

Phản lại vì đã chọn lựa sống theo đường lối gian tà của thế gian, chạy theo những quyến rũ của tiền bạc, danh  lợi  phù phiếm, làm tay sai cho tập đoàn cai trị để  hưởng tư  lợi, đánh mất lương

tâm vì không dám bênh vực  cho chân lý, cho luân lý đạo đức, cho công bằng bác ái  và cho phúc lợi của mọi công dân.    

Chính vì con người còn có tự do để chọn lựa  yêu mến Chúa hay yêu mến thế gian và buông mình chiều theo những quyến rũ của xác thịt, ma quỷ và  trần thế ,  nên xưa kía Thiên Chúa đã nói với dân Do Thái qua miệng ông Môisê  như sau; 

     “ Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh  em chọn : hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh  em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh  em mà tôi truyền cho anh  em hôm nay.Anh  em sẽ bị nguyền rủa nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh  em, nếu anh  em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh  em phải đi, mà theo những thần khác anh  em không biết.” ( Đnl 12 : 26-28)

Nhưng vì dân Do Thái đã nhiều lần tự do chọn bất tuân mệnh lệnh của Chúa để sống  theo ý riêng của họ, nên Thiên Chúa đã nổi giận trách mắng họ như sau :

       “ Bốn mươi năm trường,  dòng giống này làm Ta chán ngán

                    Ta đã nói : đây là dân tâm hồn lầm lạc

                      Chúng nào biết đến đường lối của Ta

                         Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng

                    Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta”. ( Tv 95 (94) : 10-11)

Tuy Chúa nổi giận với họ, nhưng khi họ biết sám hối ăn năn, Chúa lại tha thứ, vì “ Người có giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời.”( Tv 30 (29) :6)

Sau này khi đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu cũng đã nói với các môn đệ Người như sau :

     “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa! , Lậy Chúa! là được vào nước Trời cả đâu,  ! nhưng chỉ những ai thi hành  muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7 :21)

Thi hành “ý muốn của Cha Thầy”có nghĩa là  tự ý chọn sống theo đường lối của Chúa Cha là đường ngay chính dẫn đến sự sống đời đời.Chúa Giêsu chính là con Đường đó như Người  đã nói với các môn đệ : Chính Thầy là con đường , là sự thật và là sự sống.” ( Ga 14: 6)

Do đó, bước đi theo Chúa Giêsu và quay lưng lại với thế gian, là bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi của mọi người chúng ta.Chúa đã hy sinh chịu chết trên Thánh giá  để cứu chuộc cho mọi người và cho chúng ta hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ như lời Chúa trong thư Do Thái sau đây:

      “Chúng  ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn chìm sâu vào bên trong bức màn Cung Thánh. Đó là nơi Đức Kitô đã vào như người tiên phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật  Men-ki-xê-đê”. ( Dt 6:19-20)

Nhưng cho được chắc chắn bước  vào “ Cung Thánh” với Chúa Kitô, nghĩa là được cứu độ để vào Nước Trời thì trước hết chúng ta phải cậy nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, vì nếu không có công nhiệp này thì không ai có thể được cứu rỗi.

Nhưng , như đã nói ở trên, cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô không thôi chưa đủ mà còn phải cộng tác với ơn cứu độ bằng quyết tâm bước đi theo Chúa Kitô,  là  Đường là sự Thật và là sự Sống.( Ga 14:6) Phải quyêt tâm từ bỏ tội lỗi và mọi gian tà thì mới có thể  đi theo Chúa và được cứu độ. Đây là một cuộc chiến rất cam go cho những ai muốn chọn Chúa và khước từ thế gian và ma quỷ, là những thế lực luôn tìm cách ngăn cản con người đến với Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ xưa  hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào vì tôi nói cho anh  em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” ( Lc 13: 24).

Công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô có thể  tạm ví như một dòng  suối nước  chảy liên lỉ và vô tận.Nhưng  ai khát nước, thì  phải cúi xuống múc lấy nước mà uống , vì nước kia không có chức năng phải nhẩy  lên từ dòng suối để chẩy vào miệng kẻ khát đang nằm bên bờ suối nước.

Nếu không có suối nước thì con người phải chết khát vì không tìm được nước ở đâu mà uống.Nhưng nằm bên dòng nước cuồn cuộn chảy kia mà không cúi xuống múc lấy nước để  uống thì vẫn chết khát như thường, vì nước không khi nào nhẩy lên bờ để chảy vào miệng ai..

Như vậy, cúi xuống để múc nước từ dòng suối là nỗ lực của mỗi cá nhân cộng tác với ơn Chúa để được cứu độ. Không có nỗ lực này thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô  sẽ vô ích cho những  ai  ỷ có công nghiệp này  rồi  cứ  sống buông thả theo  những đòi hỏi bất chính của xác thịt, cám dỗ của ma quỷ và gương xấu của thế gian, thay vì phải chiến đấu với ơn Chúa nâng đỡ để chống lại mọi khuynh hướng xấu ,  mọi cám dỗ của ma quỷ và mời mọc quyến rũ của thế gian với đầy rẫy gương xấu và dịp tội. Không thể miệng nói Lậy Chúa, lậy Chúa mà tay lại chém giết người, chân lại bước đi vào nhưng nơi tội lỗi như sòng bài, nhà điếm, nơi ăn chơi thác loạn…

Tóm lại, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá (invaluable, priceless) và quá đủ cho con người được cứu độ.Tuy nhiên Chúa vẫn đòi hỏi con người phải có thiện chí muốn nhận ơn cứu độ của Người bằng quyết  tâm sống theo đường lối của Chúa, yêu mến Người trên hết mọi sự , yêu thương tha nhân như chính mình, và xa lánh mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới ngăn cách và đẩy xa chúng ta ra  khỏi  tình thương, khoan dung và tha thứ.của Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời.Amen.

Tóm lại, phải cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và thiện chí muốn cộng tác với ơn cứu chuộc này thì mới đủ cho ta được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng.

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, DMin.( Doctor of Ministry)

------------------------------------------

 

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - NÓI DỐI TỘI NẶNG HAY NHẸ?

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Tue, Dec 1 at 10:58 PM
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng
     

    Nói dối trá, sai sự thật,

    tội trọng hay tội nhẹ?

    Thiên Chúa coi việc nói dối là công trình của ma quỷ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

    Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng 10 điều răn đưa ra những nghĩa vụ quan trọng. “Tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?  - Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19, 16-17).

    Không ai có thể được miễn trừ khỏi những điều buộc của 10 điều răn, bởi vì chúng đã được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim của nhân loại và chúng liên quan đến những bổn phận thiết yếu.

    Nói dối

    Điều răn thứ 8 liên quan đến nói dối: "Ngươi không được làm chứng gian hại người" (Xh 20, 16).

    Điều răn thứ tám cấm làm sai lệch sự thật trong mối tương quan với người khác. 

    Các hành vi xúc phạm đến sự thật, bằng lời nói hay hành động, thể hiện qua việc từ chối tham gia việc đạo đức công bình. Chúng là sự bất trung nghiêm trọng đối với Thiên Chúa, và theo nghĩa này, chúng làm suy yếu các nền tảng của Giao ước. 

    Sự thật hay chân thật là đức tính thể hiện sự chân thành trong các hành động và trong việc nói những lời chân thật, bằng cách tránh nước đôi, giả vờ, giả hình. 

    Trước quan Philatô, chính Chúa Kitô tuyên bố rằng Ngài đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Điều này đã đủ cho chúng ta thấy được chiều kích quan trọng của việc chỉ nói sự thật và không bao giờ nói dối.

    Xúc phạm sự thật

    Một hành vi xúc phạm đến sự thật là làm chứng dối và khai man. Đó là một tuyên bố trái với sự thật; là một hành vi dối trá gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Một người được cho là khai man khi đứng trước tòa án thực hiện lời thề bằng những lời chứng dối. 

    Những kiểu hành động này vừa góp phần kết án người vô tội và tha bổng cho kẻ có tội hoặc làm tăng thêm hình phạt mà bị cáo có thể phải chịu, và làm tổn hại nghiêm trọng đến việc thực thi những bản án công lý, công bình của các thẩm phán.

    Trong bối cảnh liên quan đến các mạng lưới xã hội, kiểu nói dối này – tuyên truyền tin tức giả mạo, fake news – dùng để phá hoại hình ảnh của một người qua internet. 

    Theo nghĩa này, gièm pha và vu khống cả hai đều làm chứng gian, vì chúng phá hủy danh tiếng và danh dự của người khác.

    Danh dự là bằng chứng xã hội được trao ban nơi phẩm giá con người, và tất cả mọi người đều có quyền cơ bản để tôn vinh tên tuổi, danh tiếng và sự tôn trọng của mình. Vì vậy, gièm pha và vu khống người khác làm tổn hại đến đức công bình và đức ái.

    Tính nghiêm trọng của việc nói dối

    Chúng ta đi đến cốt lõi của sự dối trá.

    Nói dối là nói những lời sai trái với ý định lừa dối.

    Thiên Chúa coi việc nói dối là công trình của ma quỷ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

    Nói dối là xúc phạm trực tiếp đến sự thật. Nói dối là lời nói hay hành động trái ngược với sự thật, dẫn đến sai lầm. Nói dối phá hoại mối tương quan của con người với sự thật và với tha nhân. Lời nói dối xúc phạm đến mối tương quan nền tảng của con người và lời nói của họ với Thiên Chúa.

    Mức độ nghiêm trọng của việc nói dối được đo bằng bản chất của sự thật, tùy theo hoàn cảnh, mà qua đó nó bóp méo những ý định của người nói sự thật và gây thiệt hại cho các nạn nhân.
     
    Khi nào nó trở thành tội trọng

    Cho dù nói dối đôi khi là tội nhẹ, nhưng nó trở thành tội trọng khi làm tổn hại nghiêm trọng đến đức công bình và bác ái. 

    Ý định cố tình lừa dối người khác thông qua những tuyên bố sai lầm trái với sự thật, chúng thể hiện sự thiếu công bằng và bác ái. Lỗi này trở nên nặng hơn khi ý định lừa dối có thể gây ra hậu quả tiêu cực làm cho nhiều người đi trệch với sự thật. 

    Nói dối chứa đựng trong nó sự chia rẽ của thần dữ và toàn bộ sự dữ do nó gây ra. Đó là điều tiêu cực cho toàn xã hội: chúng phá hủy nền tảng tin cậy giữa con người và làm suy yếu các mối tương quan xã hội (GLCG 2464-2487).
    Aleteia​​​

    Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

    Nguồn tin: gpquinhon.org