24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - BÀI VỀ ĐỨC MẸ

  •  
    Chi Tran


     
     
    Ảnh cùng dòng


    ĐỨC MẸ LÊN TRỜI,

     Ngày 15/8

    Lc 1, 39-56

    ĐỨC MARIA CẢ HỒN và XÁC LÊN TRỜI

     

    Ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố tín điều vô ngộ trong bửu sắc Munificentissimus Deus như sau: “ Chúng Tôi công bố, tuyên xưng, và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này : Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hòan tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên Trời Hiển vinh cả Hồn lẫn xác”. Vâng, Mẹ Maria là người Nữ Tử Sion tuyệt hảo Thiên Chúa đã tuyển chọn Người làm Mẹ Thiên Chúa. Do đó, Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ những đặc ân cao quí nhất, nhân loại không ai được Ngài  trao ban những ân huệ quí giá như vậy.

    ƠN HỒN XÁC LÊN TRỜI : Đức Thánh Cha Piô XII khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Ngài không nói mông lung, nhưng Ngài đã tuyên tín điều này với tất cả niềm tin và đức tin này dựa trên những cơ sở chắc chắn như thế kỷ V. Người ta mừng kính lễ Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời ở Syria, thế kỷ VI, giáo đoàn Giêrusalem đã mừng kính lễ Đức Mẹ Hồn Xác về Trời, cuối thế kỷ VIII, khắp Hội Thánh Tây Phương đã cử hành lễ này…Thánh Kinh cũng đã cung cấp các dữ kiện, các luận cứ về việc Đức Maria Hồn Xác lên Trời: “ Đức Maria là Hòm Bia của Chúa Kitô”, ngôn sứ Isaia đã viết :” Ta tôn vinh chỗ Ta đặt chân”( Is 60, 13 ), sách Khải Huyền cũng khẳng định:”Người Nữ trốn vào sa mạc, ở đó đã có chỗ Thiên Chúa dọn sẵn cho Bà”( Kh 12,6 )”. Giáo lý Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội đưa đến kết luận:” Không như mọi con cái của Evà, Đức Maria, Evà Mới, sẽ không phải chết về phần xác “. Niềm tin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa cũng đưa Giáo Hội đến chỗ tin rằng Chúa Giêsu sẽ không để Mẹ Maria, Mẹ yêu quí của Người phải chịu cảnh hư nát vì sự chết. Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo viết:” Việc Đức Trinh Nữ được lên Trời Hồn Xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu”( số 966 ). Do đó, ta hiểu được rằng đặc ân Hồn Xác lên Trời của Đức Mẹ là một ơn huệ cao quí không một người nào ở trần thế được Thiên Chúa thưởng công như thế.

    TẠI SAO MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI ?: Người Nữ trong sách Khải Huyền nói đến hôm nay là tiên trưng cho Đức Trinh Nữ Maria. Maria, ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc đời đã được Thiên Chúa giữ gìn, bảo toàn và tuyển chọn dành riêng cho Ngài. Nên, tâm hồn và thể xác của Mẹ luôn tinh trong, không vương chút tì ố, không mang trong mình vết tích của tội nhơ nguyên tổ. Mẹ đã được chọn giữa muôn người phụ nữ làm Mẹ Thiên Chúa, làm Mẹ Đức Giêsu Kitô, do đó, Mẹ đã được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thân xác và tâm hồn của Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Con của Mẹ là Chúa Giêsu mà Mẹ cưu mang trong cung lòng là bởi phép Chúa Thánh Thần. Mẹ sinh con mà vẫn trọn đời trinh khiết. Đây là đặc ân cao quí nhất chưa hề có người phụ nữ nào được ân phúc như Mẹ. Hình ảnh người Nữ mà thánh Gioan diễn tả:”  Mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao là hình ảnh của chính Mẹ Maria và Giáo Hội của Chúa Kitô “. Maria là hình ảnh vẹn toàn nhất của Giáo Hội ngày mai, là bình minh của Giáo Hội khải hoàn. Bài Magnificat trong Tin Mừng của thánh Luca 1, 39-56 là lời cảm tạ tuyệt hảo Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ để Maria cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì muôn vàn hồng ân Ngài đã ban cho Mẹ Maria. Chính niềm tin tuyệt đối của Mẹ Maria vào Thiên Chúa đã khiến Maria trở nên vững mạnh và đáng được thế giới chúc tụng Mẹ muôn muôn ngàn đời. Sự tinh trắng, nguyện vẹn của thể xác và tâm hồn của Mẹ Maria đã khiến Mẹ được được đậc ân riêng biệt:” Vô Nhiễm Nguyên Tội “. Sự vô tì tích của tâm hồn và thể xác Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc cho cả hồn lẫn xác của Mẹ sau khi trọn vẹn cuộc hành trình đức tin trần thế, được lên Trời hưởng vinh quang vĩnh cửu cùng với Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần thánh trên Trời.

    MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI CHÚNG TA ?: Sự kiện Đức Maria hồn xác lên Trời là một mầu nhiệm đức tin. Tín điều vô ngộ của Đức Thánh Cha Piô XII về Đức Mẹ cả Xác lẫn Hồn lên Trời cũng là mầu nhiệm của lòng tin. Việc Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời đã xẩy ra trong lịch sử nhân loại và lịch sử cứu rỗi. Nó là mầu nhiệm của đức tin. Nên, tín điều Hồn Xác Lên Trời của Đức Mẹ mà Hội Thánh qua miệng Đức Giáo Hoàng công khai tuyên bố trên toà ngai thánh Phêrô đã minh định cho nhân loại, cho con người biết rằng:” Maria có liên hệ chặt chẽ với mỗi người chúng ta”. Nhờ sự trinh khiết, tinh ròng và vô tì tích cả hồn lẫn xác của Đức Trinh Nữ Maria, mọi người có lòng tin sẽ được hưởng nhờ đặc ân cứu độ của Thiên Chúa và tin vào sự giải thoát tội lỗi Thiên chúa dành cho Maria là ta tin vào chính Đức Kitô chết và sống lại. Maria đã lên Trời cả Hồn lẫn xác. Maria đã được diện đối diện với Thiên Chúa. Maria lên Trời là hình ảnh của Giáo Hội khải hoàn và là vinh quang của thập giá Đức Kitô, Con Mẹ. Tin vào thập giá sẽ được cứu độ. Vì thế, tin vào Đức Kitô đã giải thoát Mẹ khỏi sự chết của tội lỗi, tức là tin vào sự bất diệt của tâm hồn và thể xác Thiên Chúa dành cho Maria, cũng như cho Hội Thánh khải hoàn.

    Mừng lễ Mẹ Maria hồn xác lên Trời, chúng ta cầu khẩn Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria cho chúng ta cũng được lên Trời vinh hiển với Mẹ mai sau.

    LỜI KINH CẦU NGUYỆN CÙNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA của ĐỨC THÁNH CHA PIÔ XII:

    Ôi Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ toàn thể nhân loại.

    Với lòng tin sốt sắng, chúng con vững tin xác hồn Mẹ đã được vinh hiển lên trời, nơi đó, Mẹ được đặt làm Nữ Vương toàn thể cơ binh thiên thần và toàn thể các thánh. Chúng con xin hợp với các Ngài để ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng đã siêu tôn Mẹ trên mọi thụ tạo, và chúng con xin dâng lên Mẹ lòng sùng kính sốt sắng và yêu mến…

    Từ cõi trần gian đang lê bước lữ hành, chúng con được an tâm nhờ niềm tin vào cuộc phục sinh tương lai; chúng con nhìn lên mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và niềm hy vọng của chúng con. Xin Mẹ lôi kéo chúng con bằng sự dịu ngọt của giọng nói của Mẹ, để một ngày kia, sau cuộc lưu đầy này, Mẹ cho chúng con được nhìn thấy Chúa Giêsu, quả phúc của lòng Mẹ.

    Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria Trọn Đời Đồng Trinh. Amen.

    Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


     
     
     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - ĐTC - GIÁO LÝ VỀ GALATA

  •  
    Tinh Cao
     

    ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata

      

    Bài 4 - Lề Luật Moisen

     

    Chào anh chị em,

    "Tại sao luật?" (Galata 3:19). Đây là vấn nạn chúng ta muốn đào sâu hôm nay, tiếp tục với Thánh Phaolô, để thấy được tính chất mới mẻ của đời sống Kitô giáo là đời sống được khơi động bởi Thánh Linh. Thế nhưng, nếu Thánh Linh hiện hữu, nếu Chúa Giêsu là Đấng đã cứu chuộc chúng ta, thì tại sao lại còn phải có lề luật chứ? Đó là những gì chúng ta cần phải suy nghĩ hôm nay. Vị Tông đồ này đã viết: "Nếu anh em được Thần Linh dẫn dắt, thì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật" (Galata 5:18). Trái lại, thành phần gièm pha phỉ báng vị tông đồ vẫn chủ trương rằng Kitô hữu Galata phải tuân theo lề luật nữa mới được cứu độ. Họ đã đi giật lùi. Họ hoài niệm về những thời điểm đã qua đi, về những thời điểm trước Chúa Giêsu Kitô. Vị Tông đồ này không đồng ý với họ một tí nào. Những điều này không phải là những từ ngữ ngài đã đồng ý với các vị Tông đồ khác ở Giêrusalem. Ngài nhớ rất rõ những lời của Tông đồ Phêrô khi vị Tông đồ này nói rằng: "Tại sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, bằng cách chất lên đầu lên cổ của những người môn đệ này cái ách mà cha ông của chúng ta hay cả chúng ta nữa đã không thể nào mang nổi?" (Tông Vụ 15:10). Những giải định này đã xuất phát từ "công đồng thứ nhất" - công đồng chung đầu tiên đã diễn ra ở Giêrusalem - và những giải định này đã hiện lên rất ư là rõ ràng. Các vị đã nói rằng: "Vì Thánh Linh và chúng tôi quyết định là không nên áp đặt gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này, đó là anh em hãy kiêng lành những gì cúng tế cho các thứ ngẫu tượng [tức là thờ ngẫu tượng], máu huyết cùng những vật bị chết ngạt, cũng như những gì là dâm ô lăng loàn" (Tông Vụ 15:28-29). Những điều này liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và việc tôn thờ ngẫu tượng, cùng những gì về đường lối nhận thức váo thời bấy giờ.

    Khi Thánh Phaolô nói về Lề Luật, ngài thường ám chỉ đến Luật Moisen, luật được ban bố bởi Moisen, đó là Thập Giới. Nó có liên hệ đến, nó là một thứ dọn đường, nó liên quan tới Giao Ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân của Ngài. Theo những bản văn Cựu Ước khác nhau, Ngũ Kinh - chữ Do Thái được sử dụng để nói đến Lề Luật - là tổng hợp tất cả những qui định và chuẩn định dân Do Thái cần phải tuân giữ bởi Giao Ước với Thiên Chúa. Một tổng luận hiệu năng về những gì là Ngũ Kinh có thể thấy được trong Sách Đệ Nhị Luật, như thế này: "Chúa hân hoan vì làm cho các ngươi được thịnh vượng, cũng như Người đã lấy làm vui nơi cha ông của các ngươi, miễn là các ngươi nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Ngài, được ghi trong sách Luật này, miễn là các ngươi hết lòng hết dạ trở về với Chúa, Thiên Chúa của các ngươi". Vậy, việc tuân giữ Lế Luật đã bảo đảm cho dân này các phúc lợi của Giao Ước, cùng bảo đảm mối liên hệ đặc biệt của họ với Thiên Chúa. Dân này, con người này, được liên kết với Thiên Chúa, và họ tỏ hiện mối liên hệ với Thiên Chúa ấy, bằng việc hoàn trọn, bằng việc tuân giữ Lề Luật. Để thực hiện Giao Ước với dân Do Thái, Thiên Chúa đã cống hiến cho họ Ngũ Kinh, Lề Luật, để họ có thể hiểu được ý muốn của Ngài và sống một cách công chính. Chúng ta phải nghĩ rằng vào thời điểm ấy, một thứ Lề Luật như thế là những gì cần thiết, nó là một tặng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài. Tại sao? Vì vào lúc ấy chiều hướng dân ngoại lan tràn khắp nơi, việc tôn thờ ngẫu tượng ở khắp chốn, và tác hành của con người là hậu quả của việc tôn thờ ngẫu tượng này. Vì thế mà lề luật mới là tặng ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài, để họ có thể kiên trì. Có một đôi lần, nhất là ở trong các sách ngôn sứ, đã đề cập đến việc không tuân giữ các chỉ thị của Lề Luật đã tạo nên một thứ phản bội thực sự đối với Giao Ước, khiến Thiên Chúa nổi giận. Mối liên hệ giữa Giao Ước và Lề Luật chặt chẽ đến độ hai thực tại này bất khả phân ly. Lề Luật là đường lối mà một người, một dân tộc chứng tỏ họ gắn bó với Giao Ước của Thiên Chúa.

     Bởi vậy, căn cứ vào tất cả những điều ấy, cũng dễ hiểu hơn nữa làm thế nào mà những tay truyền giáo này đã làm xâm nhập vào Kitô hữu Galata cái trò có vẻ hay ho đẹp đẽ này, bằng việc chủ trương rằng gắn bó với Giao Ước cũng bao gồm cả việc tuân giữ Luật Moisen như đã thực hiện thời bấy giờ. Tuy nhiên, chính ở chỗ này, chúng ta mới có thể khám phá thấy sự thông minh về tâm linh cùng với những minh thức cao cả được ngài bày tỏ, do ân sủng ngài đã lãnh nhận trong sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của ngài.

    Vị Tông đồ này giải thích cho Kitô hữu Galata rằng, thực sự, Giao Ước và Lề Luật không liên kết với nhau một cách bất khả phân ly - Giao Ước với Thiên Chúa và Lề Luật Moisen. Yếu tố thứ nhất ngài dựa vào đó là Giao Ước Thiên Chúa thiết lập với Abraham được căn cứ vào đức tin trong việc hoàn trọn lời hứa, chứ không vào việc tuân giữ Lề Luật vào lúc nó chưa có. Abraham đã bắt đầu cuộc hành trình của mình nhiều thế kỷ trước khi có Lề Luật. Vị Tông đồ viết:  "Tôi muốn nói là: một giao ước đã được Thiên Chúa lập đúng thể thức (với Abraham khi Ngài gọi ông), thì Lề Luật, mãi bốn trăm ba mươi năm sau mới có (với Moisen), không phế bỏ giao ước đó được, và như vậy làm cho lời hứa ra vô hiệu". Lời này rất quan trọng. Dân Thiên Chúa, Kitô hữu chúng ta, chúng ta hành trình bởi đời sống hướng đến một hứa hẹn, thứ hứa hẹn lôi cuốn chúng ta, nó thu hút chúng ta tiến tới chỗ gặp gỡ Chúa. "Vì nếu nhờ Lề Luật mà người ta được hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa (lời hứa xẩy ra trước Lề Luật, lời hứa với Abraham); nhưng Thiên Chúa đã dùng một lời hứa mà ban ân huệ cho ông Áp-ra-ham" (Galata 3:17-18), sau đó 430 năm mới có Lề Luật. Với lập luận này, Thánh Phaolô đã tiến tới mục tiêu của ngài, ở chỗ Lề Luật không phải là nền tảng của Giao Ước vì nó có sau, nó là những gì cần thiết và chính đáng, nhưng trước nó đã có lời hứa, có Giao Ước.

    Một lập luận như vậy đã bác bỏ tất cả những ai chủ trương rằng Lề Luật Moisen là một phần cấu tạo nên Giao Ước. Không, Giao Ước có trước, rồi tới Abraham được kêu gọi. Thật vậy, Ngũ Kinh, Lề Luật, không được bao gồm trong lời hứa với Abraham. Tuy nhiên, người ta không được nghĩ rằng khi nói như thế Thánh Phaolô chống lại Lề Luật Moisen. Không, ngài đã tuân giữ nó. Trong những lá Thư của mình, có mấy lần ngài bênh vực nguồn gốc thần linh của nó, và nói rằng nó có một vai trò rất chuyên biệt trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề Luật không cống hiến sự sống, nó không cống hiến cho việc hoàn trọn lời hứa vì nó không có khả năng hoàn trọn này. Lề Luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Tông đồ Phaolô sử dụng một chữ, tôi không biết có trong bản văn hay chăng, một chữ rất quan trọng: lề luật là một "giáo dục viên" hướng về Chúa Kitô, một giáo dục viên hướng tới đức tin vào Chúa Kitô, tức là một ông thày dẫn dắt anh chị em đến với cuộc gặp gỡ này (cf. Galata 3:24). Những ai tìm kiếm sự sống đều cần phải hướng về lời hứa và đến chỗ hoàn trọn của lời hứa trong Chúa Kitô.

    Anh chị em thân mến, việc trình bày đầu tiên này của vị Tông đồ cho Kitô hữu Galata cho thấy tính chất mới mẻ nồng cốt của đời sống Kitô giáo, đó là tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô đều được kêu gọi sống trong Thánh Linh, Đấng giải phóng chúng ta khỏi Lề Luật, đồng thời, làm cho Lề Luật am hợp với giới luật yêu thương. Điều này rất quan trọng. Lề Luật dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Thế nhưng một người nào đó trong anh chị em có thể nói với tôi rằng: "Thế nhưng, thưa Cha, chỉ một điều duy nhất thôi sao, phải chăng có nghĩa là nếu con cầu Kinh Tin Kính, thì con không cần tuân giữ các giới luật nữa?" Không, các giới răn vẫn có hiệu lực ở chỗ chúng là "những thày dạy" dẫn bạn đến cuộc gặp gỡ Chúa Kitô. Nhưng nếu bạn loại trừ việc gặp gỡ Chúa Giêsu và muốn lùi lại bằng cách gán cho các giới răn tầm quan trọng hơn, thì đó là vấn đề của những tay truyền giáo cực đoan ấy, thành phần đã xâm nhập vào Kitô hữu Galata để làm cho họ lầm lẫn.

    Xin Chúa giúp chúng ta hành trình theo đường lối các giới răn, nhưng hướng tới tình yêu của Chúa Kitô, hướng tới cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, với ý thức rằng việc gặp gỡ Chúa Kitô thì quan trọng hơn tất cả mọi giới răn.

    https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210811_udienza-generale.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

    DTCPhanxico.ThuGalata-4.mp3  

     

    --

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CN17TN-B

  •  
    Chi Tran
     

     
    Ảnh cùng dòng

    THIÊN CHÚA CÓ THÍCH THỬ THÁCH CON NGƯỜI KHÔNG?

     

    Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng! Điều quan trọng, chúng ta đối diện với những khó khăn ấy như thế nào. 

     

    Những ngày qua, bệnh dịch đang hoành hành mạnh mẽ ở Việt Nam. Nếu trước đây, chúng ta chỉ nghe nói và chứng kiến trên màn hình tivi về sự tàn phá của bệnh dịch, thì bây giờ, chúng ta đang trải qua những khốn khó nhất trong cơn đại dịch.

     

    Giữa vòng vây của đại dịch, chúng ta mới thực sự cảm nhận được thân phận con người yếu đuối mỏng manh và dễ vỡ. Không ít người đã rơi vào sự hoảng loạn và mất hết hy vọng về tương lai.

     

    Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng! Điều quan trọng, chúng ta đối diện với những khó khăn ấy như thế nào. Bài Tin Mừng hôm nay,[1] cho ta thấy các môn đệ đang đứng trước một khó khăn lớn. Tất nhiên, tình cảnh này không bi đát bằng những điều mà người dân Việt Nam đang phải trải qua trong cơn đại dịch, nhưng ở đây, chúng ta thấy các môn đệ đang ở trong thế bế tắc và bất lực hoàn toàn.

     

    Bấy giờ, Đức Giê-su hỏi Phi-líp-phê: „Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử[2] ông” (6a). Thánh Gio-an đã khéo léo cho ta biết rằng Đức Giê-su đang „hỏi thử” người môn đệ. Chúng ta nên để ý sự khác biệt giữa thử thách và cám dỗ. Khi thử thách, người thầy hy vọng rằng học sinh sẽ vượt qua bài kiểm tra; Còn khi cám dỗ, người cám dỗ luôn muốn rằng người kia sẽ rơi thất bại và rơi vào cạm bẫy của mình. Ở đây, Đức Giê-su không có chủ ý gài bẫy. Ngài chỉ hỏi thử để hy vọng tìm thấy nơi Phi-líp-phê một đức tin mạnh mẽ hơn. „Vì Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (6b). Đức Giê-su đã có một kế hoạch trong tâm trí. Ngài không có ý đòi buộc Phi-líp-phê phải giải quyết một vấn đề quá khó khăn, nhưng Ngài chỉ thăm dò xem, để biết chiều sâu đức tin của Phi-líp-phê thế nào.

     

    Có lẽ, Phi-líp-phê không nhớ đến phép lạ Đức Giê-su đã thực hiện tại tiệc cưới Ca-na.[3] Phép lạ đánh dấu sự khởi đầu của Đức Giê-su, và khiến các môn đệ tin vào Ngài. Trước đó, Phi-líp-phê đã là môn đệ của Đức Giê-su.[4] Mặc dù chúng ta không được biết cụ thể rằng Phi-líp-phê có hiện diện trong tiệc cưới Ca-na hay là không, nhưng chắc chắn ông đã nghe nói về phép lạ đó. Tuy nhiên lúc này, Phi-líp-phê không mảy may nghĩ đến việc Đức Giê-su có thể thực hiện phép lạ để nuôi dân chúng.

     

    Không chỉ riêng Phi-líp-phê cảm thấy tình cảnh quá khó khăn, mà một môn đệ khác cũng đã nhận ra tình hình thực tế không có gì khả quan. „Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.” Ông An-rê thông tin cho biết: có một nguồn lực khiêm tốn – một cậu bé với bữa trưa của mình. Ngay sau đó, ông tán thành chủ nghĩa bi quan của Phi-líp-phê: “nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”” Cả Phi-líp-phê và An-rê đều giúp chúng ta hiểu được thực trạng khó khăn thực sự mà các ông đang phải đối diện.

     

    Phải chăng Đức Giê-su đang thực sự muốn thử thách Phi-líp-phê và các môn đệ? Hay nói một cách khác, Thiên Chúa có thích thử thách con người không?

     

    Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự tốt lành. Còn sự dữ và những khó khăn trên thế giới như là một phần của cuộc sống. Và theo cái hiểu thông thường, Thiên Chúa không cần thử thách con người làm chi. Nhưng những thử thách và cám dỗ luôn hiện diện trong đời sống thường ngày, chúng là cơ hội để con người sống gần Thiên Chúa hơn.[5]

     

    Bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta tiếp tục đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Trong những tình cảnh khó khăn, tưởng chừng như không thể đối với con người, thì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Tất nhiên, chúng ta không nên hiểu lầm là mình cứ ngồi chờ đợi, Thiên Chúa sẽ ra tay cứu. Ngược lại, chúng ta được mời gọi: cố gắng vận dụng tất cả những gì mình có, để đẩy lui bệnh dịch và tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Nói một cách khác, Thiên Chúa luôn dành chỗ cho sự cộng tác của con người vào công trình của Ngài. Để phép lạ có thể xảy ra, con người cần đóng góp phần nhỏ bé của mình.

     

    Trở lại với câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu bé không muốn chia sẻ bữa trưa của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu bé nói: „Tôi cần những thức ăn này cho chính mình”; hoặc chối từ chia sẻ một cách trả lời khéo léo rằng: “Một chút của tôi sẽ không tạo ra sự khác biệt nào cả!” Ngược lại, ở đây cậu bé đã hoàn toàn quảng đại chia sẻ những gì mình có, và được Chúa ban phước lành. Đây là thông điệp chính trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.

     

    Nhìn lại lịch sử loài người, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa thường dùng một số ít người tài giỏi và khiêm tốn để thực hiện hầu hết các công việc nhân danh Ngài. Nếu ai trong chúng ta bị cám dỗ và muốn thoái lui, vì nghĩ rằng mình có quá ít để đóng góp, thì cần phải nhớ rằng Chúa đã thực hiện những điều kỳ diệu thế nào từ sự quảng đại đóng góp phần nhỏ bé của con người.

     

    Niềm hy vọng của chúng ta trong cơn đại dịch này không phải là những hy vọng ảo tưởng vào những lời nói suông, nhưng là niềm hy vọng đặt trên những hành động cụ thể. Dù tình hình thực tế có bi đát đến đâu đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn luôn cậy trông nơi Thiên Chúa và sống liên đới với người khác.

     

      Như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô từng chia sẻ với chúng ta trong cơn đại dịch: Chúng ta nên sống trong đại dịch thế nào?[6] Và cần đối phó với đại dịch bằng tình yêu không biên giới.[7] Với tình yêu ấy, chúng ta thắp lên những ngọn nến hy vọng dìu bước nhau trong đêm tối, và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

     

    Xin cho chúng con biết sống yêu thương và quảng đại với anh chị em mình. Amen.

     

    Giuse Trần Văn Ngữ, SJ(dongten.net)

     

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - CAC THIÊN THẦN

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    BÀ SIMMA NÓI VỀ 
     
    Các Thiên Thần

    Hỏi : Nhiều người nói rằng mỗi người chúng ta đều có môt Thiên thần bản mệnh. Điều này có thật không?

    -Vâng, tất cả mọi người đều có Thiên Thần bản mệnh.

    Hỏi : Và khi chúng ta chết thì Thiên thần bản mệnh có công việc khác không?

    -Không, ngài đi với chúng ta xuống Luyện ngục. Tuy nhiên, khi ở đó, các linh hồn không thường xuyên được nhìn các Thiên Thần bản mệnh của mình.

    Hỏi : Ồ, có bao giờ bà thấy một linh hồn về thì bà cũng thấy Thiên thần bản mệnh của họ không?

    -Không, điều này chưa xảy ra với tôi, nhưng các Thiên thần bản mệnh luôn ở đó.

    Hỏi : Và khi một linh hồn vào đến Thiên Đàng, lúc ấy Thiên thần bản mệnh của họ làm gì?

    -Thiên Thần bản mệnh của họ sẽ ở trên Thiên Đàng với họ. Các Thiên Thần chỉ có công tác đồng hành với mỗi người chúng ta khi ta còn sống ở trần gian.

    Hỏi : Liệu các Thiên Thần bản mệnh có giống nhau không?

    Không. Môt thị nhân có thể tin tưởng được nói rằng có các Thiên thần thì nóng nẩy, có các Thiên thần thì lặng lẽ hơn. Các Thiên thần lặng lẽ cùng đồng hành với các linh hồn đau khổ. Y phục của các ngài có màu hung đỏ. Các ngài đeo một sợi dây chung quanh đầu, nhìn trông giống mũ triều thiên. Còn các thiên thần khác thì mặc áo trắng và đội vương miện, trông vui vẻ. Các Thiên thần này phục vụ và bảo vệ kỹ những người mà các ngài có nhiệm vụ bảo hộ. Các Thiên Thần của các linh hồn thì mặc y phục đỏ sậm, đầu đội vương miện, các ngài đặt tay ngang ngực và nhìn lên Thiên Đàng với dáng vẻ cầu nguyện.

    Hỏi : Mối tương quan giữa một linh hồn và Thiên thân bản mệnh ra sao?

    -Họ rất gần gũi nhau. Linh hồn nhìn thấy Thiên thần bản mệnh của mình, và Thiên Thần an ủi và bảo vệ linh hồn khỏi sự tấn công, đồng thời cũng hướng dẫn và dạy dỗ linh hồn.

    Hõi: Có bao giờ chúng ta được nhìn và giao thiệp với Thiên thần bản mệnh của mình không?

    Có, điều này xảy ra thường xuyên mà chúng ta không cảm thấy. Nếu ai được liên lạc với Thiên Thần bản mệnh của mình thì đó là môt ân sủng lớn lao, người ấy cần chấp nhận và nuôi dưỡng ân sủng lớn lao đó.

    Hỏi : Khi người ta gặp một tai nạn xe cộ và biết chắc rằng có một sự gì siêu nhiên xảy ra cho lợi ích của mình. Lúc ấy, họ nói rằng đó là nhờ sự giúp đỡ của Thiên thần bản mệnh. Có khi nào là nhờ một linh hồn ở Luyện ngục không? Làm sao ta có thể biết rõ ràng về sự khác biệt giữa hai nguồn trợ giúp: từ Thiên Thần hay từ linh hồn?

    -Vâng, có thể là do sự giúp đỡ của linh hồn. Đây là điều dễ dàng để biết. Nếu là do một linh hồn giúp đỡ thì ngay lúc ấy, họ xin chúng ta cầu nguyện và làm việc lành để cầu nguyện cho họ. Luôn luôn là có sự đối thoại hai chiều với các linh hồn. Còn nếu là từ một Thiên thần thì ngài không cần sự giúp đỡ của ta. Chúa chỉ cho phép các linh hồn biểu lộ chính họ khi họ cần xin chúng ta giúp đỡ trong cuộc hành trình của họ. Nếu không có ai hiện ra xin giúp đỡ thì cơ may ấy là do một Thiên thần đến cứu giúp chúng ta.

    Hỏi : Nếu một người không cầu nguyện cho các linh hồn, thì cơ hội cứu giúp có thể là từ các Thiên thần. Do đó, những ai muốn được bảo vệ thì cần phải cầu nguyện cho các thân nhân đã chết của họ, phải không ạ?

    -Vâng, đúng như vậy. Nếu ta cầu nguyện thì chắc chắn các linh hồn sẽ giúp đỡ và bảo vệ vì họ luôn mong ước được lên Thiên Đàng với Chúa Giêsu. Một linh hồn nói với tôi rằng nếu ai cầu nguyện gấp để xin các linh hồn và các Thiên Thần bảo vệ thì họ nên dùng thêm nước phép trước khi lái xe. Chắc chắn 80% các tai nạn xe hơi sẽ không xảy ra. 80%! Điều này sẽ làm cho các công ty bảo hiểm không còn công việc làm nữa, và giá tiền trị bệnh cũng giảm đi. Có chừng 80% những tai nạn là do ma quỷ gây ra.

    Hỏi : Vậy các Thiên thần bảo vệ chúng ta nhiều hơn khi ta xin các ngài giúp đỡ, nếu chúng ta không xin giúp thì sao?

    -Đúng, Nếu chúng ta đơn độc, không chịu xin sự giúp đỡ của các Thiên thần thì không thể đơn phương chịu đựng nổi các cuộc tấn công vô hình. Chúng ta phải kêu cầu sự trợ giúp của các Thiên thần và cương quyết loại trừ các lối giảng dạy cho rằng các Thiên Thần không hiện hữu. Điều này cũng đã được nói trong giáo hội hiện đại! Hiện nay có một điều nguy hiểm là các hình tượng Thiên thần đang được bày bán đa số là hình ảnh không đúng mà thuộc về việc thờ quấy.

    Hỏi : Các Thiên thần đen có hiện hữu không? Nếu có,họ là ai?

    -Có. Họ là các Thiên thần rơi vào tay Satan.

    Hỏi : Có nhiều cuộc thảo luận và giới truyền thông cũng chú ý đến UFO (Người của hành tinh khác). Vậy mọi người có phân biệt được các Thiên Thần và UFO, hay ngược lại không?

    -Không. Tôi không nghĩ là như vậy. Gần đây, một người bạn xin tôi hỏi một linh hồn về đời sống trên các hành tinh khác. Câu trả lời đến sau vài tuần. Linh hồn ấy nói:”Không.”

    Như thế, không có đời sống tâm linh ở các hành tinh khác. Nhưng điều này không có nghĩa là các thị kiến và câu chuyện về việc bắt cóc là không có thật.

    Có nhiều người không muốn nói dối về việc đó, nhưng điều này có ý nghĩa khác. Nếu không có đời sống tâm linh ở các nơi khác trên vũ trụ và tôi muốn nói thêm rằng hễ ai có một sự hiểu biết sâu đậm và có đức tin nơi Thánh Kinh thì sẽ kết luận giống nhau, vậy thì các thị kiến là công việc của Satan. Satan muốn chúng ta tò mò và điều hay nhất mà hắn làm là dẫn chúng ta đi lạc lối, chạy theo các tạo vật màu xanh vào khoảng không gian vô biên. Sự tò mò giết chết ta. Và những phim ảnh và chương trình truyền hình về sự văn minh có thể dễ dàng lôi cuốn giới trẻ vào sự hiểm nguy.

    Hỏi : Có phải tất cả mọi người đều chỉ có một Thiên thần bản mệnh không?

    -Không. Một thị nhân về Thiên thần nói với tôi rằng các linh mục và nữ tu có thêm một Thiên thần bản mệnh, và các bác sĩ Y khoa cũng vậy. Nếu như các bác sĩ Y khoa biết tìm sự trợ giúp của các Thiên thần bản mệnh của họ thì chúng ta đã tốt hơn rồi. Vâng, các giám mục và giáo hoàng cũng có thêm các Thiên thần bản mệnh.

    Hỏi : Liệu Thiên Thần bản mệnh có thể đọc được tư tưởng của chúng ta không?

    -Ngài có thể hướng dẫn và bảo vệ chúng ta bằng cách nhồi các tư tưởng vào tâm trí ta. Ngài có thể lấy đi các tư tưởng xấu mà Satan đặt để trong đầu ta. Mọi người nên xin các Thiên Thần bản mệnh bảo vệ mình nhiều hơn bình thường. Họ cũng nên cố gắng phát huy một cảm nghĩ sâu xa khi hướng về Thiên Thần bản mệnh của mình.

    Hỏi : Ai là Thiên thần quan trọng nhất cho chúng ta và cho các linh hồn?

    -Tổng Lãnh Thiên thần Micae. Ngài chiến đấu mạnh mẽ để chống lại các loài ma quỷ. Chúng ta phải thường xuyên xin ngài bảo vệ chúng ta và các linh hồn nữa. Mỗi ngày, ta nên xin ngài bảo vệ chúng ta và các gia đình của mình, kể cả người sống lẫn người chết. Bằng cách ấy, các linh hồn sẽ mang ơn chúng ta.

    Hỏi : Có phải bà là người được các linh hồn mặc khải riêng tư phải không ạ?

    -Vâng.

    Hỏi : Có những mặc khải riêng tư nào liên quan đến các Thiên thần không?

    -Có, chắc chắn có. Ngày nay, một trong những trường hợp nổi tiếng là một cộng đồng được xây dựng chung quanh kinh nghiệm của một phụ nữ người Áo có tên là Mẹ Bitterlich. Cộng đồng này có tên gọi là Opus Angelorum hay là Công tác của các Thiên Thần, và tôi là một thành viên của cộng đồng ấy.

    Tuy nhiên, cộng đồng này đang bị tấn công mạnh mẽ, giống như sự kiện Medjugorje bị tấn công trong suốt một phần tư thế kỷ qua. Cộng đồng Opus Angelorum bị kết án nặng nề như là lợi dụng, kiểm soát tâm trí người khác. Sự kiện này khiến cho môt vị linh mục ở Medjugorje viết ra các thông điệp tại nơi ấy. Ngài liên lạc với Vatican để tìm hiểu thêm về những gì xảy ra ở đó. Chuyện bình thường là những ai ít cầu nguyện, không điều tra, không phân biện thần khí thì chính là những kẻ nói một cách tiêu cực về các sự kiện thánh thiêng. Một điều sỉ nhục chống lại Opus Angelorum là nơi này bị buộc phải rước Thánh Thể Chúa bằng tay! Với sự khôn ngoan của Chúa, xin Chúa chúc lành cho những ai bắt họ thi hành điều này. Đức Mẹ Maria sẽ lo liệu mọi sự.

    Hỏi : Nếu có người cảm nghiệm và đôi khi nghe và nhìn thấy các Thiên Thần của họ. Vậy họ có thể biết thêm về các Thiên Thần như biết về bạn hữu của họ không?

    -Vâng, họ có thể làm như vậy. Ngày nay, có nhiều người biết tên của Thiên thần bản mệnh và kêu xin ngài mỗi ngày để hướng dẫn, bảo vệ và giúp đỡ họ. Trong lúc cầu nguyện, ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên thần bản mệnh và thảo luận mọi sự với ngài. Ngài rất vui lòng khi giúp chúng ta và ngài không bao giờ ngủ cả. Ngài có thể dẫn dắt chúng ta qua những tình trạng khó khăn và nguy hiểm.

    Hỏi : Ngoài Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, còn có các Thiên thần lớn nhất không?

    -Như đã được nói trong Thánh Kinh, có 7 Tổng Lãnh Thiên Thần, trong số 7 Tổng Lãnh Thiên Thần thì có hai vị nổi tiếng là Thánh Gabriel và Thánh Rafael. Thánh Gabriel mặc phẩm phục của các linh mục. Ngài hoạt động đặc biệt với những ai cầu nguyện thật nhiều với Chúa Thánh Thần. Ngài là Thiên Thần Sự thật và không một linh mục nào nên để ngày của mình đi qua mà không cầu xin sự giúp đỡ của Thánh Gabriel.

    Thánh Rafael là Thiên thần của sự chữa lành. Ngài đặc biệt giúp các linh mục nghe các lời xưng tội và ban sự làm việc đền tội cho các hối nhân. Những người có đời sống hôn nhân thì không bao giờ quên cầu nguyện với Thánh Rafael. Ngài mặc y phục áo choàng có thắt dây lưng. Ngài cầm một gậy nơi tay phải.

    Chúng ta phải thường xuyên cầu nguyện càng nhiều càng tốt để xin sự giúp đỡ của các Thiên Thân lớn này giúp đỡ mọi người. Ngày nay, chúng ta cần cầu xin với ba Tổng Lãnh Thiên Thần này nhiều hơn bao giờ hết vì thế giới đang bơi lội trong sự sai lầm và đang đau đớn vì các tội lỗi chưa được xưng thú mà loài người đã phạm.

    Có 9 phẩm Thiên Thần được xếp loại như sau: các Thiên Thần Sốt mến (Luyến thần), các Minh Thần và Bệ Thần, Quản Thần, Dũng Thần, Quyền Thần,Vương Thần, các Tổng Lãnh Thiên Thần và các Thiên Thần. Chúng ta không nên quên xin sự giúp đỡ và cầu bầu của các Ngài.

    Hỏi : Vậy có các Thiên Thần trung lập không? Điều tôi muốn nói là có các Thiên thần trung lập không, tức là không thiện không ác, không hoạt động cho Chúa, cũng không hoạt động cho Satan không?

    -Không, không có các Thiên Thần trung lập. Họ ở với Chúa và làm việc thiện cho Ngài hay họ rớt vào tay Satan và làm việc xấu xa cho hắn.

    chanlyvinhcuu
     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - SỐNG THEO THÁNH TÂM CHÚA