24. Học Hỏi Để Sống Đạo

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - 10 ĐIỀU RẤT CẦN BIẾT

  •  
    Chi Tran chuyển

     
     

    10 điều rất cần biết của người công giáo

     Cá phải bơi. Chim phải bay. Người Công giáo phải đi lễ Chúa Nhật. Rạch ròi và minh nhiên. Là người Công giáo nghĩa là phải biết và làm một số điều – chẳng hạn là tham dự Thánh lễ.

    Nửa thế kỷ sau Công đồng Vatican II, người ta vẫn hiểu sai về cách dạy đức tin tại các giáo xứ, trường học và gia đình. Kết quả là rất nhiều người Công giáo vẫn không biết rằng họ có nhiệm vụ là tin hoặc thực hiện. Hơn 20 năm qua, với cuốn Giáp lý Công giáo, Hướng dẫn Tổng quát về Giáo lý và Hướng dẫn Quốc gia về Giáo lý, xu hướng đó đã đảo nghịch. Tuy nhiên, hệ quả của sự hỗn độn hậu Công đồng vẫn còn ở một số nơi.

    Mới đây, tổ chức Our Sunday Visitor (Vị Khách Chúa Nhật) đã nghiên cứu các nhà giáo dục tôn giáo về vấn đề này, yêu cầu giúp đỡ soạn thảo một danh sách gồm các các điều cơ bản về giáo lý mà mỗi người Công giáo cần biết, nhưng nhiều người không hề biết. Đây là những gì chúng ta cần biết:

     1.  Chúng ta phải nên thánh

     

     Nên thánh không là lĩnh vực đặc biệt của một số người được chọn, không dành riêng cho giáo sĩ, tu sĩ hoặc chỉ một số người được đặc cách. Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi người nên thánh. Nhưng chúng ta phải chọn cách đáp lại lời mời gọi đó. Chúng ta phải biết nói “vâng” đối với ân sủng Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta, và “vâng” đối với Thánh Ý hoàn hảo của Ngài mọi nơi và mọi lúc.

    Ở mức độ thực hành, điều đó nghĩa là đón nhận ân sủng qua các bí tích, đặc biệt là rước lễ và xưng tội. Điều này cũng có nghĩa là biết nguồn ân sủng và qua mối liên hệ đó mà nên giống Chúa hơn trong đời sống hằng ngày, biết yêu thương hơn, chân chính hơn và thương xót hơn giống như khi chúng ta gặp chính Ngài, qua Lời Chúa và Giáo hội. Điều đó cũng có nghĩa là sống theo luật Chúa, không phải luật thế gian. Nghĩa là yêu thương người khác như chính mình, phục vụ Chúa bằng cách phục vụ tha nhân, nhất là những người nhỏ bé nhất.

    Dĩ nhiên, việc tiếp tục nói “xin vâng” không hề dễ dàng, nhất là khi là lời “xin vâng” để kết hiệp với Chúa Giêsu trên Thánh giá. Nhưng phần thưởng cuối cùng cho lời “xin vâng” của chúng ta là sự bình an và niềm vui vĩnh cửu. Đó là mục đích mà chúng ta được tạo dựng. Không có kết thúc nào tốt hơn như vậy.

    Xin xem Mt 5:48; GLCG số 826, 897-913, 941, 1426, 2015.

     2.  Chúng ta đều là tội nhân

     

     Ngoại trừ Chúa Giêsu và Đức Maria, mọi người đều “di truyền” tội nguyên tổ từ cha mẹ đầu tiên của chúng ta. Nghĩa là chúng ta sinh ra mà không có ơn thánh hóa cần thiết để chống lại cơn cám dỗ.

    Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta lãnh nhận ơn thánh hóa, được tha thứ cả những tội mình đã phạm. Nhưng hệ lụy tội nguyên tổ vẫn còn. Vì khi chúng ta sống, mỗi chúng ta vẫn có nhiều khả năng quay lưng lại với Thiên Chúa. Với nhiều mức độ, chúng ta thể hiện “khả năng phạm tội” hằng ngày.

    Một số người phạm tội tày trời – giết người, bạo lực, tham ô, ngoại tình,... Một số người phạm tội nhỏ, nhưng vẫn là tội lớn. Chúng ta nói dối và che giấu lầm lỗi của mình. Chúng ta nói hành, nói xấu người khác. Chúng ta xem ti-vi thay vì phải học hỏi hoặc làm điều cần hơn. Chúng ta nóng giận và không biết xin lỗi. Chúng ta không quan tâm nâng đỡ người nghèo. Chúng ta không thờ phượng Chúa. Chúng ta ghen tỵ, đố kỵ. Chúng ta tham lam. Chúng ta xét đoán. Mọi tội lỗi đó có hậu quả tạm thời là “bị tù lương tâm”, nghĩa là mất niềm tin ở người khác, tất nhiên cũng có hậu quả tâm linh.

    Một số tội làm mất ơn thánh hóa. Một số tội làm giảm khả năng yêu thương. Tất cả đều khiến chúng ta dễ phạm tội hơn. Cũng vậy, chúng chống lại Thiên Chúa. Đó là lý do chúng ta cần được Ngài tha thứ, được Ngài thương xót, được Ngài cứu độ.

    Xin xem Rm 3:23; GLCG số 404, 1263, 1849-1869.

     3.  Tôn thờ Chúa Giêsu

     

    Người Công giáo không tin vào bất kỳ thần linh nào khác. Chúng ta chỉ tin vào MỘT Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đồng bản thể. Chúng ta biết điều đó vì Chúa Con đã làm người và mặc khải chân lý. Chúa Giêsu Ngôi Hai cũng mặc khải đường tới Thiên Chúa là chính Ngài: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).

    Như vậy, việc tôn thờ Chúa Giêsu không là cách chọn lựa riêng của người Công giáo trong đời sống đức tin, nhưng đó là một yêu cầu, một đòi hỏi. Nếu chúng ta muốn sống thánh thiện, hạnh phúc và vào Nước Trời, chúng ta phải biết Chúa Giêsu là ai, Ngài dạy gì và muốn gì ở chúng ta. Chúng ta cũng phải yêu thương và phụng sự Ngài với cả con người của chúng ta.

    Muốn làm vậy, chúng ta cần tìm hiểu Chúa Giêsu qua lời của Ngài và những lời viết về Ngài. Chúng ta cần lãnh nhận Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể. Chúng ta cần tâm sự với Ngài về mọi thứ – về những gì chúng ta yêu và ghét, sợ và muốn, nghĩ và cảm nhận. Mọi quyết định, mọi sự chiến đấu đều cần được chuyển tới Ngài. Cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và Kinh Mai Côi rất cần và rất tốt, thậm chí là yêu cầu bắt buộc. Đó là chỉ thị: Cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện mọi nơi và mọi lúc. Chúa Giêsu muốn chúng ta mời gọi người khác cùng làm.

    Ngài truyền lệnh cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20). Đó cũng là lệnh truyền cho những ai mệnh danh là Kitô hữu.

    Nhờ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức trong Đức Kitô, tất cả chúng ta có trách nhiệm chia sẻ đức tin và mời gọi người khác cùng nhận biết Chúa Giêsu. Ccta cũng có trách nhiệm làm chứng về Đức Kitô theo văn hóa của chúng ta – mở rộng lòng thương xót, bảo vệ sự thật, bảo vệ sự sống, phục vụ người nghèo và tạo niềm hy vọng cho thế giới. Tóm lại, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm tác nhân của công cuộc tân Phúc Âm hóa, để người khác cũng nhận ra diện mạo của Đức Kitô. Hãy yêu thương, yêu thương thật lòng, yêu thương vì Chúa và vì tha nhân, chỉ thế thôi: “Các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1 Ga 5:3).

    Xin xem Mt 11:27, 28:16-20; Ga 14:6; Ep 6:18; Pl 3:8; GLCG số 422-429, 456-478, 2558-2564.

     4.  Đọc Kinh Thánh

     

    Phần lớn trong việc tôn thờ Chúa Giêsu là đọc lời của Ngài. Chúng ta gặp Ngài trong Kinh Thánh. Qua đó, chúng ta cũng gặp chính mình, gặp những chuyện đời của chính mình – câu chuyện lịch sử ơn cứu độ. Từ Adam và Eva tới Yến Tiệc Con Chiên, Kinh Thánh kể chuyện về kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế gian. Kinh Thánh cho biết tình yêu của Ngài và số phận của nhân loại, với nhiều tình tiết đầy kịch tính. Kinh Thánh cho chúng ta biết về gia phả tâm linh của chúng ta, trở lại nguồn gốc từ dân Ít-ra-en, và còn hơn thế nữa. Thánh Giê-rô-ni-mô đã xác định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (Ignorance of Scripture is ignorance of Christ), mà không biết Đức Kitô là không biết Thiên Chúa.

     Xin xem Dt 6:1-9; Jos 1:8; 2 Tm 3: 16-17; GLCG số 80-81, 101-133.

     

     5.  Giáo hội không là sự chọn lựa hợp lệ trong nhiều cách chọn lựa

     

     Giáo hội là Vương quốc trên thế gian do chính Chúa Giêsu thiết lập. Thánh Phêrô là người đầu tiên được trao chìa khóa Nước Trời, và là giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội. Xuyên suốt lịch sử, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn các giáo hoàng, bảo đảm rằng giáo quyền (Magisterium) dạy sự thật và không dạy gì khác ngoài sự thật. Chân lý đó bất biến, nhưng luật có thể thay đổi. Giáo lý cũng không thay đổi. Chúng phát triển, nghĩa là cách hiểu mới đã đạt được và cách hiểu cũ được đào sâu, nhưng cách hiểu mới không thể trái ngược với cách hiểu cũ. Chân lý không thể tự mâu thuẫn.

    Cũng vậy, Giáo hội thực sự có cách nhìn về chân lý. Đối với Giáo hội, Thiên Chúa mặc khải mọi chân lý cần thiết để chúng ta được cứu độ. Như vậy không có nghĩa là các tôn giáo khác không có những bộ phận tồn tại trong Giáo hội viên mãn. Cũng không có nghĩa là mọi người Công giáo đều được cứu độ, còn những ai không là Kitô hữu đều bị án phạt đời đời. Tuy nhiên, khi du hành, chúng ta phải chọn con tàu có độ an toàn cần thiết. Giống như con tàu, Giáo hội không là một chế độ dân chủ. Người khôn ngoan hơn chúng ta đã chọn một thuyền trưởng và cho người đó quyền hướng dẫn. Chúng ta có thể tin tưởng mệnh lệnh của thuyền trưởng đó.

    Xin xem Mt 16:18; Cv 15; GLCG số 74-100, 811-870.

     6.  Thực sự có Hỏa ngục

     

     Thiên Chúa là tình yêu, giàu lòng thương xót, Ngài không muốn chúng ta tách khỏi Ngài. Nhưng Ngài tôn trọng quyền tự do chọn lựa của chúng ta, nếu chúng ta tự tách khỏi Ngài, chết trong tình trạng mắc tội trọng, Ngài vẫn tôn trọng tự do của chúng ta.

    Vậy ai là người chọn lựa cách đó? Vì cứng đầu cứng cổ, chính chúng ta vẫn hằng ngày tự ý chọn điều đó: Phạm tội. Bằng vô số cách, chúng ta tự ý chọn Thiên đàng hay Hỏa ngục. Khi chúng ta chọn Chúa, tức là làm theo đường lối và ý muốn của Ngài, đó là chúng ta chọn Nước Trời. Khi chúng ta chọn chính mình, tức là làm theo cách thức và ý riêng mình, đó là chúng ta chọn Hỏa ngục. Bạn thấy sợ chính mình chưa? Tới Ngày Phán Xét, khi chúng ta trình diện Thiên Chúa, mọi sự đều sáng tỏ, chúng ta không thể tự biện hộ hoặc viện cớ: Vì, bởi, tại, nếu, giá mà...

    Xin xem Lc 16:19-25; 1 Ga 3:2; 1 Cr 3:1; Mt 7:13-14; GLCG số 1023-1037.

     7.  Giáo hội không nghĩ “tình dục” là xấu

     

     Tình dục không xấu. Đó là từ ngữ đẹp, là hành động của tình yêu thánh thể hiện sự kết-hợp-trao-ban-sự-sống trong Chúa Ba Ngôi (life-giving union within the Trinity). Theo giáo huấn Công giáo, tình dục và giới tính (sex and sexuality) là những tặng phẩm quý giá. Nhờ tặng phẩm giới tính, nam và nữ là hiện thân Thiên Chúa theo cách riêng và tuyệt vời, và qua sự thân mật giới tính, chúng ta sở hữu khả năng trao tặng chính mình cho người khác, cả thể xác và tâm hồn, không còn là HAI mà là MỘT.

    Qua bí tích hôn phối, nam và nữ trở thành những người đồng sáng tạo với Thiên Chúa, họ tạo ra những sự sống mới. Ngay cả khi họ kết hợp mà không có con, đó vẫn là hồng ân, là cách mà Thiên Chúa khiến họ gần nhau hơn trong tình yêu và tình bạn, giúp họ sống viên mãn hơn trong ơn gọi và định dạng bản chất của mối quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, năng lực của tặng phẩm này tác dụng hai cách. Khi tặng phẩm bị lạm dụng hoặc dùng sai, nó có thể có sức hủy hoại – gây nguy hiểm tiềm ẩn cho cá nhân, gia đình và phong hóa.

    Giáo hội nhận biết các vấn nạn về phim ảnh “đen”, tình dục trước hôn nhân, ngừa thai, sống thử, lang chạ, phá thai, nghiện tình dục, ngoại tình, ly hôn, đồng tính, nghèo khó, trầm cảm, cô đơn và bạo lực. Đó là những hậu quả do dùng sai tặng phẩm giới tính của Thiên Chúa. Đó là lý do vẫn có người không ngừng bảo vệ sự thật về giới tính. Hãy tạ ơn Chúa về điều đó. Sự thật luôn tốt đẹp!

    Xin xem Cl 3:5; 1 Cr 6:18-20; GLCG số 2331-2391.

     8.  Dự lễ Chúa Nhật là luật buộc

     

     Giáo hội dạy người Công giáo phải dự lễ Chúa Nhật. Là luật buộc nhưng hữu ích cho chúng ta. Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta đừng dễ dãi mà viện cớ để biện hộ cho mình. Với người bình thường, bỏ lễ Chúa Nhật là tội trọng.

    Giáo hội muốn chúng ta dự lễ Chúa Nhật vì chúng ta cần lãnh nhận ân sủng. Chúng ta phải ưu tiên cho Chúa. Chúng ta phải công khai sống đức tin và thờ phượng Ngài. Đặc biệt là chúng ta phải lãnh nhận Mình Máu Đức Kitô để có sự sống dồi dào. Về tâm linh, chúng ta không thể sống mà thiếu Thần Lương. Cũng như chúng ta không thể chạy marathon khi bụng đói.

    Xin xem Dt 10:25; GLCG số 2175-2183.

     9.  Xưng tội là luật buộc

     

     Tất cả chúng ta, từ giáo hoàng trở xuống, đều thiếu ơn Chúa. Ai cũng là tội nhân nên luôn cần sám hối, điều này thể hiện công khai qua việc lãnh nhận bí tích Hòa giải, nhất là khi chúng ta mắc tội trọng. Nhờ đó, chúng ta được Thiên Chúa chữa lành và tha thứ.

    Nhờ lãnh nhận bí tích Hòa giải, chúng ta được lãnh nhận hồng ân giúp chống trả chước cám dỗ trong tương lai. Không có tội nào mà Thiên Chúa không thể hoặc không muốn tha thứ. Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn mọi tội lỗi của con và của toàn thế giới”. Vấn đề là chúng ta tin tưởng vào Tình Chúa và thành tâm sám hối. Giáo hội dạy rằng lòng thương xót là thuộc tính lớn nhất của Thiên Chúa. Mọi động thái của Ngài đều thể hiện tình yêu thương xót (merciful love). Đó là cách thức và lý do mà chúng ta nhận biết Ngài.

    Xin xem Mt 16:19; 2 Cr 5:18; GLCG số 277, 1422-1470, 1864 và 2001.

     10.  Mọi Kitô hữu đều phải sám hối

     

     Theo kế hoạch cứu độ thế giới, Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Một trong các cách hợp tác là chúng ta chịu đau khổ – vui chịu đau buồn, khó khăn, vất vả, hy sinh, cô đơn,… để kết hợp với khổ hình Thập giá mà Chúa Giêsu đã chịu vào chiều thứ Sáu năm xưa. Ngài cũng muốn chúng ta chịu mọi đau khổ để đền tội của mình và tội của người khác, và để cứu các linh hồn. Theo truyền thống của Giáo hội, việc sám hối thường kết hợp với việc ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Giáo hội cũng mời gọi chúng ta ăn chay và kiêng thịt các ngày thứ Sáu (trừ lễ trọng), đặc biệt là mùa Chay.

    Xin xem Mt 9:1; Cl 1:24; GLCG số 307, 793, 1430-1439 và 1500.

     TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ OSV.com)

     

     

     

     

HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THIÊN ĐÀNG- HỎA NGỤC...

  •  
    Chi Tran

     
     
    THIÊN ĐÀNG, LUYỆN NGỤC VÀ HỎA NGỤC

    LINH MỤC LIVIO GIÁM ĐỐC ĐÀI RADIO MARIA  PHỎNG VẤN VICKA (người đang hàng ngày diện kiến Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Medjugorje, )

    Ngày 14/09/2005    
       
    Cha Livio:  Hãy nói cho cha biết lúc đó là lúc nào và con ở đâu?
     
        Vicka:  Chúng con đang ở trong một ngôi nhà nhỏ của Jacob thì Đức Mẹ hiện đến.  Đó là một buổi chiều khoảng 3 giờ 20.
     
        Cha Livio:   Có phải con đang chờ cho giờ hiển linh lúc ấy không?
     
        Vicka:  Dạ thưa không.  Jacob và con mới trở về từ Citluk và chúng con tới nhà của Jacob có cả mẹ của anh ấy ở đấy.  Trong ngôi nhà của Jacob chỉ có một phòng và một nhà bếp.  Mẹ của Jacob đi ra ngoài lấy vài món ăn bởi vì sau đó chúng con phải đi lễ.  Trong khi chờ đợi, Jacob và con bắt đầu mở cuốn album ra để coi hình.  Thình lình từ trên ghế trường kỷ Jacob tụt xuống đất trước cả con, ngay lúc ấy con biết rằng Đức Mẹ tới.  Đức Mẹ nói ngay với chúng con:  “Vicka và Jacob, hãy đi với Mẹ để viếng Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục.”  Con tự nhủ:  “Nếu Mẹ muốn thì điều đó được mà.”  Nhưng Jacob thì nói với Mẹ:  “Mẹ hãy đem Vicka đi vì Vicka còn có nhiều anh em.  Đừng đem con đi vì con là người con duy nhất.”  Jacob nói vậy là vì Jacob không muốn đi.  (Lúc đó Jacob mới 10 tuổi).
     
        Cha Livio:  Sự thực Jacob cứ tưởng là đi rồi sẽ không bao giờ trở lại.  (Sự miễn cưỡng của Jacob thật là một điều may mắn bởi vì câu chuyện trở nên đáng tin và thực tế hơn).
     
        Vicka:  Vâng, Jacob nghĩ sẽ không trở lại nữa và tưởng phải ra đi vĩnh viễn.  Lúc đó, con nghĩ phải cần bao nhiêu tiếng, hay bao nhiêu ngày để làm chuyện này, và tự hỏi là chúng con lên trời hay xuống âm ty đây.  Nhưng ngay tức khắc Đức Mẹ nhấc con lên bằng cánh tay mặt và  Jacob bằng cánh tay trái rồi mở toang nóc nhà ra để đưa chúng con đi.
     
        Cha Livio:  Có phải Đức Mẹ mở mọi thứ ra không?
     
        Vicka:  Không, Đức Mẹ không mở mọi thứ ra, mà chỉ mở phần nào để qua.  Và chỉ trong chốc lát chúng con tới Thiên Đàng.  Trong khi bay lên cao, con nhìn xuống thì thấy nhà cửa rất nhỏ, nhỏ hơn cả khi chúng con nhìn thấy trên máy bay nữa.
     
        Cha Livio:  Con có nhìn xuống trái đất trong lúc đang bay lên không?
     
        Vicka:   Trong lúc đang bay lên trời cao chúng con nhìn xuống phía dưới đất.
     
        Cha Livio:  Con đã thấy những gì?
     
        Vicka:  Con thấy cái gì cũng nhỏ hết, nhỏ hơn khi chúng con đi máy bay.  Lúc đó con nghĩ:  “Ai biết được phải mất bao nhiêu ngày giờ.”  Vậy mà trong phút chốc chúng con đã tới nơi.  Con đã thấy một khoảng không gian rất lớn.
     
        Cha Livio:  Cha đã đọc ở một cuốn sách nào đó nói, nhưng không biết có đúng không là ở đó có một cái cửa, và có một người lớn tuổi đứng bên cạnh?
     
        Vicka:  Đúng rồi, nơi đó có một cánh cửa bằng gỗ.
     
        Cha Livio:  Lớn hay nhỏ?
     
        Vicka:  Lớn lắm.
     
        Cha Livio:  Đó là điều quan trọng.  Có nghĩa là có rất nhiều người đã vô cửa đó.  Cửa đó mở hay đóng vậy?
     
        Vicka:  Cửa đóng, nhưng Đức Mẹ đã mở nó ra và chúng con bước vô.
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ mở như thế nào?  Có phải cánh cửa tự mở ra không?
     
        Vicka:  Phải.  Khi chúng con tới gần thì cánh cửa tự mở.
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng mà.
     
        Vicka:  Bên phía tay phải của cánh cửa là Thánh Phêrô.  
     
        Cha Livio:  Làm sao con biết được đó là Thánh Phêrô?
     
        Vicka:  Con biết ngay là ngài.  Với chiếc chìa khóa nhỏ.  Với hàm râu có vẻ dầy cứng, và mái tóc nữa.
     
        Cha Livio:  Ngài đứng hay ngồi?
     
        Vicka:  Dạ đứng ngay bên cửa.  Lúc vô chúng con tự bước đến, có lẽ ba hoặc bốn mét thôi, chúng con không thăm toàn cõi Thiên Đàng nhưng Đức Mẹ đã tạo cho chúng con một cảm nhận về Thiên Đàng. Chúng con thấy một vùng mênh mông bao bọc bằng ánh sáng không hề hiện hữu trên trái đất.  Chúng con thấy những người trên đó không ai mập hay ốm nhưng tất cả đều bình đẳng, và họ mặc ba mầu áo:  xám, vàng hay đỏ.  Họ tản bộ, ca hát, và cầu nguyện.  Trên đó có rất nhiều thiên thần nhỏ bay lượn.  Đức Mẹ nói với chúng tôi:  "Các con hãy nhìn xem người trên này họ hạnh phúc dường bao."  Và niềm vui đó không thể diễn tả được vì trên trái đất không hề có.
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ cho con thấy thực chất Thiên Đàng là hạnh phúc không bao giờ ngừng.  “Có niềm vui Thiên Đàng” như Đức Mẹ đã nói trong một sứ điệp. Con đã thấy con người trên đó thật hoàn hảo không một khuyết điểm thể lý.  Để hiểu được khi có sự phục sinh thân xác thì chúng ta sẽ có một thể xác vinh hiển như Chúa Giêsu. Tuy nhiên Cha muốn biết loại áo mà họ mặc có phải là loại áo chùng thắt ngang lưng?
     
        Vicka:  Dạ phải.
     
        Cha Livio: Nó dài tới chân hay ngắn?
     
        Vicka:  Áo dài tới gót chân.
     
        Cha Livio:  Áo mầu gì?
     
        Vicka:  Xám, vàng hay đỏ.
     
        Cha Livio:  Theo con những mầu sắc đó có nghĩa gì không?
     
        Vicka:  Đức Mẹ không nói, nhưng khi Mẹ muốn thì Mẹ sẽ giải thích. Lúc đó Mẹ không nói tại sao áo chùng đó có 3 mầu khác nhau.
     
        Cha Livio:  Còn các Thiên Thần thì sao?
     
        Vicka:  Các Thiên Thần giống như các trẻ thơ vậy.
     
        Cha Livio:  Họ có thân thể trọn vẹn không hay chỉ có cái đầu như trong nền nghệ thuật của Baroque vậy?
     
        Vicka:  Họ có trọn vẹn thân mình.
     
        Cha Livio:  Họ có mặc áo chùng dài không?
     
        Vicka:  Có, nhưng áo của họ ngắn thôi.
     
        Cha Livio:  Con có thấy đôi chân của họ không?
     
        Vicka:  Có chứ vì họ không mặc áo dài nên thấy rõ.
     
        Cha Livio:  Họ có cánh nhỏ phải không?
     
        Vicka:  Dạ, có đôi cánh nhỏ và bay lượn phía trên đầu những người trong đó.
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ có nói gì về những vụ phá thai không?  Người có nói đó là một trọng tội, và những ai làm việc đó phải trả lẽ.  Các thai nhi không có lỗi lầm gì, ngược lại họ là những Thiên Thần nhỏ bé. Theo như con nói thì một số Thiên Thần nhỏ trên Thiên Đàng là những thai nhi bị phá thai hay sao?
     
        Vicka: Đức Mẹ không nói những Thiên Thần nhỏ trên Thiên Đàng là những thai nhi bị giết chết. Mẹ nói phá thai là một trọng tội, những ai phạm tội đó sẽ phải trả lời trước mặt Chúa, nhưng các thai nhi thì không có lỗi gì hết.
     
        Cha Livio:  Con có đến Luyện Ngục không?   
     
        Vicka:  Dạ sau đó chúng con tới Luyện Ngục.
     
        Cha Livio:  Từ Thiên Đàng xuống Luyện Ngục có xa lắm không?
     
        Vicka:  Dạ không, Luyện Ngục ở ngay bên cạnh. 
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ đem các con đi chứ?
     
        Vicka;  Dạ phải.
     
        Cha Livio:  Các con đi bộ hay bay?
     
        Vicka:  Không, chúng con bay.
     
        Cha Livio:  Cha hiểu Đức Mẹ đã đem các con đi từ Thiên Đàng tới Luyện Ngục bằng cách dắt tay các con đi.
     
        Vicka:  Luyện Ngục là một nơi mênh mông. Trong Luyện Ngục, chúng con không thấy người nhưng chỉ thấy một làn sương khói mờ dầy đặc và con cảm thấy…
     
        Cha Livio:  Con thấy thế nào?
     
        Vicka:  Con thấy những người dưới đó đang đau khổ.  Con nghe thấy những tiếng ồn ào…
     
        Cha Livio:  Cha mới gửi sách của cha tới nhà xuất bản, cuốn sách tựa đề là:  “Tại sao tôi tin Mễdu”, trong đó cha viết rằng trong Luyện Ngục người ta nghe có tiếng khóc lóc, kêu la, va chạm đánh đấm…có phải không?  Cha cũng thấy khó mà diễn tả cho đúng trong ngôn ngữ Ý để gây cảm thức về những điều con nói bằng tiếng Croát với khách hành hương vậy.
     
        Vicka:  Cũng không thể nói rằng họ cảm thấy như bị va chạm, khóc than vì con không nhìn thấy người dưới đó, không giống như Trên Đàng.
     
        Cha Livio:  Vậy thì con cảm thấy như thế nào?
     
        Vicka:  Con cảm thấy họ đang đau khổ.  Trạng thái đau khổ này rất khác lạ.  Con nghe thấy tiếng động và đồng thời nghe có tiếng động như bị đánh đập…
     
        Cha Livio:  Có phải họ đánh đập lẫn nhau không?
     
        Vicka:  Con cảm thấy như vậy, nhưng con không thấy được.  Cha ơi, thật khó mà diễn tả khi không thấy. Thật là khác biệt giữa cảm nhận và nhìn thấy. Trên Thiên Đàng chúng con thấy họ tản bộ, cầu nguyện và ca hát, như vậy con có thể thuật lại một cách chính xác.  Nhưng Luyện Ngục thì con chỉ thấy làn sương khói dầy đặc thôi. Những linh hồn dưới đó họ chờ những lời cầu nguyện của chúng ta để họ có thể bước ra khỏi nơi đó.
     
        Cha Livio:  Họ có quan tâm đến lời cầu nguyện của chúng ta không?
     
        Vicka:  Đức Mẹ nói các linh hồn đang được thanh luyện nơi Luyện Ngục trông vào lời cầu nguyện của chúng ta để họ có thể ra sớm chừng nào hay chừng đó.    
     
        Cha Livio:  Vicka, ánh sáng trên Thiên Đàng chúng ta có thể giải thích được như là nơi có sự hiện diện thiêng liêng cuốn hút con người vào trong nó, là nơi mà người ta nhận ra đó là nơi hạnh phúc. Trái lại, theo con, điều gì được nêu ra nơi có làn sương khói của chốn luyện ngục?
     
        Vicka:  Đối với con, làn khói đó là dấu chỉ của sự hy vọng, hy vọng chắc chắn sẽ về Thiên Đàng.
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện Ngục đúng không?
     
        Vicka:  Vâng, Đức Mẹ nói họ cần lời cầu nguyện của chúng ta để được về Thiên Đàng.
     
        Cha Livio:  Như vậy có nghĩa là lời cầu nguyện của chúng ta sẽ rút ngắn thời gian đền tội của họ?
     
        Vicka:  Nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn cho họ thì họ sẽ về Thiên Đàng nhanh chóng hơn.
     
        Cha Livio:  Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện về Hỏa Ngục được chứ?
     
        Vicka:  Vâng, chúng con đã thấy một vùng biển lửa.
     
        Cha Livio:  Chẳng phải vì tò mò đâu, nhưng cho cha biết:  Con có cảm thấy nóng không?
     
        Vicka:  Dạ có. Chúng con đứng gần đó và trước mặt chúng con toàn là lửa.
     
        Cha Livio:  Cha hiểu. Đằng khác Chúa Giêsu cũng nói về ngọn lửa thiêu đời đời.
     
        Vicka:  Chúng con ở đó với Đức Mẹ.  Đối với chúng con nó khác lạ, cha hiểu không?
     
        Cha Livio:  Cha hiểu, bởi vì chúng con chỉ là khán giả không phải là diễn viên trong màn kịch khủng khiếp đó.
     
        Vicka:  Chúng con đã chứng kiến cảnh những người trước khi rơi vô khối lửa…
     
        Cha Livio:  Xin lỗi đã ngắt lời, vùng lửa đó nhỏ hay lớn?
     
        Vicka:  Đó là một biển lửa mênh mông. Trước khi họ bước vô đó thì họ rất bình thường nhưng sau khi ngã vô biển lửa đó rồi thì họ biến dạng hoàn toàn, họ giống như một quái thú khủng khiếp. Con nghe có nhiều tiếng gầm thét giận dữ nguyền rủa dữ dội.
     
        Cha Livio:  Trạng thái biến dạng con người trở thành quái vật đó là sự thù hằn chống đối Thiên Chúa. Cha có chút tò mò, những người biến thành quái thú đó họ có sừng không?
     
        Vicka:  sừng?
     
        Cha Livio:  Sừng như quỉ vậy đó?
     
        Vicka:  Dạ có, giống như khi cha thấy một con người. Thí dụ một người con gái rất đẹp có mái tóc vàng. Cô ta như người thường trước khi rơi vô lửa nhưng sau đó cô ta biến dạng thành một quái vật, cha cứ nghĩ như cô ta chưa bao giờ là một con người cả.
     
        Cha Livio:  Marija nói với cha trong một cuộc phỏng vấn là trong một cuộc hiển linh Đức Mẹ cho các con thấy hỏa ngục, như thấy người con gái tóc vàng này, khi cô ta bước ra khỏi vùng lửa thì cô ta biến thành quái thú có sừng và có đuôi đúng vậy không?
     
        Vicka:  Đúng như vậy.
     
        Cha Livio:  Vấn đề mà con người biến thành quái thú khủng khiếp, có sừng và có đuôi, đối với cha cái đó có nghĩa họ thành quỉ dữ rồi?
     
        Vicka: Dạ đúng, họ giống như quỉ vậy đó.  Sự biến đổi của họ thật nhanh chóng. Trước khi rơi vào lửa họ là con người bình thường, và khi họ quay ra thì họ đã biến dạng rồi. Đức Mẹ nói với chúng con rằng:  “Những người mà chúng con thấy trong địa ngục này là họ tự ý lựa chọn con đường đó, bởi vì họ muốn xuống đây. Những người sống trên trái đất chống lại Thiên Chúa là đã bắt đầu sống trong hỏa ngục rồi và họ tiếp tục con đường đó.”
     
        Cha Livio:  Đức Mẹ nói vậy thật à?
     
        Vicka:  Dạ phải.
     
        Cha Livio:  Có phải Đức Mẹ đã nói những lời như trên mà chỉ biểu lộ ra một khái niệm như thế rằng những người xuống hỏa ngục là những người đã chọn cho mình con đường để đi đến hỏa ngục bằng việc kiên trì chống lại Thiên Chúa cho đến cùng?
     
        Vicka:  Phải, những người chống đối Chúa thì xuống đó. Thiên Chúa không gửi ai xuống đó cả. Chúng ta có thể tự gìn giữ mình được mà.
     
        Cha Livio:  Có phải Thiên Chúa không bắt ai xuống hỏa ngục? Đức Mẹ nói như vậy hay con nói vậy?
     
        Vicka:  Thiên Chúa không đày ai xuống đó.  Đức Mẹ cũng nói vậy.  Tại họ muốn xuống, đó là ý muốn của họ.
     
        Cha Livio:  Cha đọc ở đâu đó là Đức Mẹ nói chúng ta không cần cầu nguyện cho những linh hồn trong hỏa ngục có đúng không?
     
        Vicka:  Chúng ta không cần phải cầu nguyện cho họ. Đức Mẹ nói không cần phải cầu cho họ, nhưng cầu cho các linh hồn trong Luyện Ngục.
     
        Cha Livio:  Đằng khác những kẻ bị đày trong địa ngục chắc chắn họ không muốn chúng ta cầu nguyện cho họ.
     
        Vicka:  Họ không cần đâu thưa cha. 
     

    Thuan Ha (Mir-peace-shalom)

     
     

HOC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - LM NGÔ TÔN HUẤN

CÁC THÁNH ,CÁC THIÊN THẦN  VÀ LOÀI  NGƯỜI KHÁC VÀ GIÔNG NHAU THẾ NAO?

Hỏi :

Nhân Lễ kính các Thánh ngày 1 tháng 11, xin cha giải thích rõ những thắc mắc sau đây :

  • Có Thiên Thần không ?
  • Thiên thần, các Thánh và loài người khác và giống nhau thế nào ?

Trả lời :

  • Có Thiên Thần ( Angels) hay không ?

Để trả lời câu hỏi này , xin đọc Sách Giáo Lý của Giáo Hội đã  nói rõ như sau : : “ “Sự hiện hữu của các hữu thể  thiêng liêng,  không có thân xác mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên Thần, (Angels) là một chân lý của đức tin. chứng từ của Thánh Kinh cũng  rõ ràng như toàn thể Thánh Truyền. “ ( x. SGLGHCG, số 328))

Là chân lý của đức tin có nghĩa đây là điều phài tin trong toàn bộ niềm tin của Đạo Thánh do Chúa Kitô khai sinh  và rao giảng cách nay trên 2000 năm..

Chúa  Giêsu đã nói đến các Thiên Thần như sau :

   “ Anh  em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh  em biết : các Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng Thánh Nhan  Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” ( Mt 18:10)

Dịp khác, khi nói về sự sống của những ai được sống lại sau khi phải chết  trong thân xác con nhười, , Chúa cũng nói rõ : “ Quả thật, họ không thể chết nữa vì được ngang hàng với các Thiên Thần. Họ là  con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” ( Lc 20: 36)

Lần nữa, Chúa  cũng nói đến công việc  của các thiên thần như sau:

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các Thiên Thần theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người.” ( Mt 25:31)

Các Thiên Thần cũng được gọi là các Thiên Sứ  (Heavenly Messengers) như  ta đọc thấy trong Thánh Vịnh sau đây:

       “ Chúc tụng Chúa đi , hởi muôn vì Thiên Sứ

        Bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người

          Luôn sẵn sàng  phụng lệnh.” ( Tv 103: 20)

Như thế rõ ràng cho thấy có các Thiên Thần hay Thiên Sứ ở trên trời. Họ là những  thực  thể thiêng liêng,  không có thân xác (spiritual non-corporeal beings) như loài người chúng ta.Họ đựơc tạo dựng cách hoàn hảo ngay từ đầu để thờ lậy, chúc tụng , ngợi khen Chúa trên Thiên Đàng.Họ.  không có thân xác,và không vướng mắc tội lỗi như con người. Nhưng  một số  -mà kẻ cầm đầu là Satan- đã nổi lên chống lại Thiên Chúa và “ Thiên Chúa sẽ không dung thứ cho các thiên thần có tội,  nhưng đã đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm giữ họ để chờ cuộc phán xét.”( 2 Pr 2, 4)

. Khi phải thi hành mệnh lệnh hay sứ mạng nào của Thiên Chúa cho loài người,   thì các Thiên Thần cũng phải dùng những phương tiện “con người” để giúp con người hiểu sứ vụ của họ. Thí dụ, Sứ Thần Gabriel đã xuất hiện có thân xác và dùng ngôn ngữ loài người để truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria.(x Lc 1 :26-38)). Sau khi Chúa Giê su giáng sinh trong Hang bò lừa, các Thiên Thần cũng xuất hiện để báo tin cho các mục đồng biết và chỉ chỗ cho họ đến thờ  lậy Chúa Hái Đồng..Lại nữa,  Khi các Tông Đồ của Chúa Giêsu bị các thuợng tế Do Thái tống giam vào ngục thất, vì đã rao giảng tên Giêsu cho dân chúng, “ nhưng ban đêm các thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói : các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân chúng những lời ban sự sống. ( x. Cv 5:19-20)

Trong Giáo Hội, người ta thường minh hoạ các thiên thần với đôi cánh trên vai để “bay từ trời xuống”  (theo tưởng tượng của con người.).

II- Sự khác biệt giữa Thiên Thần, Các Thánh và con người:

  • Các Thánh là ai ?

Các thánh ( Saints) trước hết là những con người có hồn có xác, được sinh ra và sống  trên trần thế này và đều vướng mắc tội nguyên tổ (original sin) cũng như các tội cá nhân khác, trừ một mình Đức Trinh Nữ Maria, người  duy nhất được diễm phúc giữ gìn khỏi mọi tội lỗi từ phút đầu được thụ thai cho đến ngày về trời cả hồn xác.

.Thánh Gioan Tẩy Giả được tin là chỉ  mắc tội tổ tông trong 6 tháng  và được khỏi tội này khi Đức  Mẹ đến thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét. đang mang thai Thánh nhân đã được sáu tháng.  Lúc đó.  “Bà Ê-li sa bét vừa nghe tiếng bà Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên , và bà được tràn đầy Thánh Thần” ( Lc 1:41).Từ sự kiện này, Giáo Hội tin Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ mắc tội tổ tông có 6 tháng thôi.

 Những người phàm được nên thánh vì đã sống thánh thiện, đã thực tâm yêu mến Chúa và đã “ thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” ( Mt. 7: 21) trong suốt cuộc đời của họ trên trần thế này. Họ là những anh hùng  tử đạo, tức những người dám đổ  máu  ra để minh chứng lòng  yêu mến Chúa và trung thành với đức tin Công Giáo. Họ là những nhà truyền  giáo (missionaries).đã hy sinh đời mình cho sứ mạng  phúc  âm  hoá thế giới. Họ là các Tông Đồ lớn nhỏ của Chúa Kitô. Họ là các Tổ phụ  dân Do Thái, là các Ngôn sứ (prophets) , các Giáo Phụ ( Church  Fathers) và cũng là những tín hữu không tên tuổi , tức  là những người chồng, người vợ  đã  chu toàn bổn phận của mình trong mọi  gia đình nhân loại, và âm thầm sống đức tin, đức cậy và đức mến cách sâu đậm trong suốt cuộc đời tại thế.

Đức Mẹ và các Thánh nam nữ đang hưởng Thánh nhan Chúa trên Thiên Đàng và cũng đang hiệp thông với các tín hữu trên trần thế và các linh hồn thánh trong nơi luyện tội( Purgatory) qua lời cầu bầu (intercessions) của họ  trước Toà Chúa cho chúng ta và cho các linh hồn  còn đang ở nơi thanh luyện  cuối cùng  là  Luyện tội ( purgatory) trước khi được vào Thiên Đàng. ( Tín điều các Thánh thông công).

  • Con người:

Là những tạo vật có hồn có xác,.được dựng nên “ theo hình ảnh của Chúa” (St 1:26). Con người được ban cho có lý trí và ý muốn  tự do (free will) để hiểu biết và tự do chọn lựa cách sống trên trần thế , nên phải chịu trách nhiệm  hoàn toàn về những chọn lựa của mình.trước Thiên Chúa là Đấng công minh,đầy lòng  thương xót và thánh  thiện.  Chính vì con người có tự do , nên vấn đề thưởng phạt  chỉ được đặt ra cho riêng con người  mà thôi.

Nói khác đi, trong tất cả các tạo vật hữu hình, “ chỉ mình con người có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng sáng tạo ra mình.” ( x SGLGHCG số 356).

Là tạo vật có lý trí và ý muôn tự do ( free will), con người được  mời gọi nên thánh để  chia sẻ sự sống và hạnh phúc  của Thiên Chúa  cùng các Thánh và các Thiên Thần  ở trên Thiên Đàng , tức Vương Quốc tình yêu và an vui  đời đời  với Chúa...Vì con người có trí hiểu và tự do chọn lựa , nên  Thiên Chúa sẽ  phán đoán con người về những việc mình làm  trong thân xác  và trên trần thế này cho đến ngày linh hồn xa lìa thân xác  trong sự chết của  bản thân mỗi người..

,Ai cũng có thể nên thánh và phải nên thánh, nên hoàn thiện  “ như Cha anh  em trên trời là Đấng hoàn thiện ” như Chúa Giê su đã kêu gọi.( Mt 5: 48).. Lời  mời này dành cho  hết mọi người sinh ra trên trần thế này.Nhưng vấn đề đặt ra là liệu con người có đáp lại lời mời gọi này hay không, vì con người còn có tự do chọn lựa để ưng thuận hay  từ khước.

Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do đó của con người. Nghĩa là Ngài không ép buộc ai phải yêu mến Ngài và vào dự “ Tiệc cưới , cỗ bàn đã dọn sẵn”(x. Mt 22:4). Nếu ai từ khước  vào dự  Bàn Tiệc Nước Trời, tức là hưởng phúc Thiên Đàng,   thì họ đã tự chọn cho mình món ăn và  nơi cư ngụ khác sau khi chấm dứt cuộc sống trên trần thế này.

Tóm lại, các Thiên Thần khác với loài người ở điểm căn bản này: Thiên thần là tạo vật hoàn toàn thiêng liêng (spiritual)  trọn hảo và bất tử. Chức năng của các ngài là các Thiên  sứ( Heavenly Messengers) tức các Sứ giả thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa và hầu hạ Người trên Thiên Đàng. Các Thiên Thần cũng che chở, phù giúp  mỗi  người

chúng ta cách đặc biệt trong cuộc sống trên trần gian này. Đó là chức năng của các Thiên Thần bản mệnh( Guardian Angels),  có lễ kính ngày 2 tháng 10 hàng năm.

Các Thánh là những con người từng có hồn xác, tức là có cả tinh thần lẫn vật chất và đã trải qua cuộc sống con người trên trần thế này. Các ngài đã được cứu độ  và trở nên thánh , nên giống các Thiên Thần vì đã sống đẹp lòng Chúa ở trần gian này.

Như thế , mọi người chúng ta đều có hy vọng được cứu rỗi, trở thành  thánh và nên giống các Thiên Thần nếu chúng ta cùng quyết tâm noi gương các thánh nhất  là gương mẫu đức tin, đức cậy và  đức mến tuyệt vời  của  Mẹ  Maria, của Thánh Cả Giuse và của  các anh hùng tử đạo. Chúng ta cũng có thể nên thánh bằng những việc đơn sơ, nhỏ bé  nhưng  làm vì  lòng mến Chúa như Thánh nữ Tê-rê-xa Giêsu Hài Đồng hoặc yêu thương săn sóc những người nghèo khó, bênh tật, bị bỏ rơi ngoài đường phố như Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta, đã được tôn phong hiển thánh ( saint).

Tóm lại, có được cứu rỗi và nên thánh hay không là tuỳ  thuộc tự do chọn lựa của mỗi cá nhân cộng tác với ơn thánh của Chúa trong suốt  cuộc sống trên trần thế này.. Nếu ta quyết tâm thì Chúa sẽ giúp sức nâng đỡ để đạt mục đích cứu độ.. Ngược lai, nếu ai cương quyết từ khước Thiên Chúa để sống theo ý muốn của minh, và làm những sự dữ ,sự tội,  như giết người, giết thai nhi, căm thù, gian ác, trộp cướp, dâm ô; cụ thể  ( theo tin báo chí cho biết)  một người  cha và ông nội  đã   hiếp dâm con, cháu  gái còn nhỏ bé,rồi bán nó cho bọn bất lương hành nghề ấu dâm ( child prostitution) rất khốn nạn và tội lỗi, hoặc   chồng giết vợ để lấy vợ khác,, hay  ngược lại, vợ giết chồng để lấy “kép nhí”, như thực trạng sống của biết bao con  người trong  các  xã hội ung thối vì vô luân, vô đạo, bất công bạo tàn, vô nhân đạo. . Những ai sống như vậy,  thì  Chúa  sẽ tôn trọng ý muốn tội lỗi này  của họ ,  và dĩ nhiên những  con người ấy  sẽ phài gánh chịu mọi hậu quả của tự do mình đã chọn.

Đó là lý do phải có Thiên Đàng dành cho những ai thành tâm yêu mến Chúa,  sống theo đường lối của Người,  và bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường, là sự Thật và là sự Sống” ( Ga 14 : 6). Mặt khác, cũng  phải có hỏa ngục để dành cho những kẻ đã và đang  khước từ Thiên Chúa để  làm những sự dữ . sự tội mà không hề  biết sám hối, ăn năn  để xin tha thứ. Chúa không muốn phạt ai trong hỏa ngục ( Hell) là  nơi đáng sợ này, nhưng chính con người đã tự do chọn nơi này vì đã khước từ Thiên Chúa để sống theo theo những đòi hỏi bất chính của bản năng và đầu hàng ma  quỉ ,là kẻ thù của Thiên Chúa và là bạn rất thân thiết của những ai nghe theo lời dụ dỗ của chúng để chống lại Thiên Chúa bằng đời sống vô luân vô đạo   khi làm những sự dữ, sự tội khiến phải xa lìa Chúa vĩnh viễn trong nợi gọi là hỏa ngục.

Ước mong những giải thích trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm. Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn.

 

HỌC HỎI ĐỀ SỐNG ĐẠO

  •  
    Chi Tran

     

    XIN H ÃY Đ ỌC NHỮNG CHỨNG TỪ VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC THÀNH PHẦN TRONG GIÁO HỘI  

    Bây giờ chúng mình tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành phần trong Giáo Hội nhé ! 
    Nói về BA THÀNH PHẦN trong Giáo Hội: 
    - Giáo Hội Chiến Thắng, 
    - Giáo Hội Ðền Bù 
    - và Giáo Hội Lữ Hành, 
    sách Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 195 dạy rằng:

    • Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta; sau hết, một số khác nữa, đã được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô, là Hội thánh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.

    Bạn thấy mối quan hệ rất chặt chẽ và tình liên đới mật thiết giữa chúng mình với các linh hồn nơi Luyện Ngục và với các Thánh ở trên Thiên Đàng chưa?

    • Các linh hồn thuộc Giáo Hội Đền Bù hoàn tất giai đoạn thanh luyện chậm hay mau là nhờ vào sự cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, thánh lễ, Kinh Mân Côi… của những người thuộc về Giáo Hội Lữ Hành, tức là chúng mình, những người còn sống ở trần gian.

    • Sau khi hoàn thành quá trình thanh luyện, các linh hồn được vào Thiên Đàng, lúc này các Ngài thuộc Giáo Hội Chiến Thắng sẽ cầu bầu, giúp đỡ cũng như chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.

    Nếu hôm nay bạn đã hiểu đúng về Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục và nhận ra mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội thì tôi đề nghị với bạn hãy giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ

    Bạn có muốn con cháu, bạn bè, thân thuộc và tha nhân làm những việc như hy sinh, xin lễ, đọc kinh, lần hạt Mân Côi, Viếng Thánh Thể, cầu nguyện … cho bạn sau khi bạn nhắm mắt từ giã cõi đời này và nhất là khi bạn bị kẹt ở trong CHỐN LUYỆN HÌNH (PURGATORY) không? Nếu muốn thì tôi mạn phép đề nghị với bạn những công việc nhỏ bé sau:

    • Xin lễ, tham dự Thánh Lễ, xưng tội, rước Lễ, lần hạt Mân Côi, Chầu Thánh Thể … để cầu nguyện cho các linh hồn đã ra đi trước chúng ta …

    • Hy sinh, hãm mình, không mua những đồ xa xỉ phẩm, một gói thuốc lá, một chai rượu, một két bia, một bữa ăn ở nhà hàng… để dành tiền giúp cho các cơ quan từ thiện, trại cùi, các trẻ em khuyết tật...

    • Hy sinh không cãi lại cha mẹ, không nóng giận và kiên nhẫn với những người chung quanh.

    • Chăm sóc, quan tâm đến ông bà, cha mẹ hoặc đi thăm viếng người già, những người đau yếu, tật nguyền, kém may mắn...

    “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6:31). Hy sinh, xin lễ, đọc kinh, lần hạt Mân Côi, Viếng Thánh Thể, cầu nguyện … cho các linh hồn là chúng mình đang làm cho chính chúng ta đấy! Làm ngay đi! Chần chờ gì nữa???

    LM. Ansgar Phạm Tĩnh