7. Đời Sống Mới Trong Thần Khí

ĐÒI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ

  •  
    Tinh Cao
     
     

    ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata

     

    Bài 5 - Lề Luật như giám hộ viên

      

    Xin chào anh chị em!

    Thánh Phaolô, vị đã kính mến Chúa Giêsu và đã hiểu rõ ơn cứu độ là gì, đã dạy chúng ta rằng "con cái của lời hứa" (Galata 4:28) - tức là tất cả chúng ta đây, thành phần đã được công chính hóa bởi Chúa Giêsu Kitô - thì không còn lệ thuộc vào Lề Luật nữamà là được kêu gọi thực hành lối sống tự do cần có của Phúc Âm. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn còn đó. Thế nhưng  còn đó một cách khác, ở chỗ, vẫn Lề Luật như vậy, vẫn Thập Giới, mà bằng một cách khác, vì tự mình nó không còn được công chính khi Chúa đến. Bởi thế, trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn giải thích điều này. Chúng ta đặt vấn đề: Theo Thư Galata thì đâu là vai trò của Lề Luật? Trong đoạn thư chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô đã nói rằng Lề Luật giống như một giám hộ viên. Đó là một hình ảnh đẹp đẽ, hình ảnh về thứ giám hộ chúng ta đã nói đến trong buổi triều kiến chung vừa rồi, một hình ảnh đáng được tìm hiểu đúng với ý nghĩa của nó.

    Vị Tông đồ này dường như gợi ý là Kitô hữu hãy chia lịch sử cứu độ ra làm hai phầnnhư câu truyện đời của ngài. Có hai giai đoạn: trước khi trở thành tín hữu tin vào Chúa Giêsu Kitô và sau khi đã lãnh nhận đức tin. Ở tâm điểm của hai giai đoạn này là biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, một biến cố được Thánh Phaolô giảng dạy để tác động lòng tin tưởng vào Người Con của Thiên Chúa, nguồn mạch ơn cứu độ, và nơi Chúa Giêsu Kitô chúng ta được công chính hóa. Bởi thế, khởi đi từ lòng tin vào Chúa Kitô mới có chuyện Lề Luật có "trước đó" và "sau đó", vì Lề Luật vẫn còn đó, Thập Giới vẫn còn đó, thế nhưng thái độ lại khác nhau trước khi Chúa Giêsu xuất hiện và sau đó. Lịch sử trước đó được xác định là "lệ thuộc Lề Luật". Con người sống theo Lề Luật thì được cứu độ, được công chính hóa; giai đoạn lịch sử tiếp sau đó, tức giai đoạn sau khi Chúa Giêsu xuất hiện, lại sống theo Thánh Linh dẫn dắt (Galata 5:25). Đây là lần đầu tiên Thánh Phaolô sử dụng cụm từ: "lệ thuộc Lề Luật". Ý nghĩa sâu xa này ám chỉ một sự qui phục tiêu cực, tiêu biểu cho thành phần nô lệ: "bị lệ thuộc". Vị Tông đồ này làm sáng tỏ vấn đề khi nói rằng nếu một người "lệ thuộc Lề Luật" thì như thể bị "canh giữ" và "gò bó", một thứ bảo hộ phòng ngừa. Thánh Phaolô nói rằng giai đoạn này đã kéo dài một thời gian lâu dài - từ Moisen, cho tới khi Chúa Giêsu xuất hiện - và mãi mãi tồn tại với những ai sống trong tội lỗi.

    Mối liên hệ giữa Lề Luật và tội lỗi sẽ được diễn giải một cách có hệ thống hơn nơi Thư Roma, được viết ít năm sau Thư Galata. Tóm lại, Lề Luật dẫn đến xác định những gì là vi phạm và làm cho dân chúng nhận thức được tội lỗi của họ: "Anh em đã làm như thế nên Lề Luật - Thập Giới - mới nói rằng anh em phạm tội". Hay nói cách khác, như kinh nghiệm chung cho thấy, thứ luật này đưa đến chỗ tác động việc vi phạm. Trong Thư Roma, ngài viết: "Khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta" (Roma 7:5-6) Tại sao? Vì việc công chính hóa của Chúa Giêsu Kitô đã tới. Thánh Phaolô bày tỏ vắn gọn quan điểm của ngài về Lề Luật như thế này: "Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật" (1Corinto 15:56). Một thứ trao đổi: anh em lệ thuộc lề luật và anh em ở đó như mở đường cho tội lỗi.

    Theo chiều hướng ấy thì lề luật đóng vai giám hộ viên như được ám chỉ mới trọn vẹn ý nghĩa. Thế nhưng, Lề Luật là giám hộ viên dẫn anh em đi đâu? Đi đến với Chúa Giêsu. Theo đường lối học thức cổ thời thì giám hộ viên đây không có phận sự được chúng ta qui cho như ngày nay, tức là phận vụ nâng đỡ trợ giúp việc học hành của con trẻ nam nữ nào đó. Trái lại, vào thời ấy thì người này là một kẻ nô lệ có phận sự dẫn đứa con của vị chủ nhân đến thày giáo rồi sau đó mang con của chủ trở về nhà. Người này bảo vệ đứa nhỏ cần phải trông coi cho khỏi nguy hiểm và canh chứng nó cho khỏi các hành vi cử chỉ xấu. Phận vụ của người nô lệ đi trông coi con của chủ này thật sự là việc kèm giữ. Khi đứa nhỏ trưởng thành thì giám hộ viên này hết phận sự. Giám hộ viên được Thánh Phaolô ám chỉ ở đây không phải là thày giáo, mà là người đi kèm theo đứa nhỏ được giao cho kèm giữ, người canh chừng đứa bé và đưa nó về lại nhà.

    Việc qui cho Lề Luật những ý nghĩa như thế giúp cho Thánh Phaolô có thể làm sáng tỏ vai trò của Lề Luật trong lịch sử của dân Do Thái. Ngũ Kinh, tức là Lề Luật, là một hành động hào phóng của Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Sau việc tuyển chọn Abraham là một hành động cao cả khác Ngài tỏ ra đó là Lề Luật, ở chỗ chỉ cho dân Ngài con đường phải theo. Thật sự là nó có những phận vụ rào chắn, nhưng đồng thời nó lại bảo vệ dân của Ngài, nó đã giáo huấn họ, no đã kỷ cương họ và đã nâng đỡ họ nơi tình trạng yếu kém của họ, nhất là nó đã bảo vệ họ khỏi chiều hướng ngoại giáo; vào thời ấy có rất nhiều thái độ ngoại đạo. Ngũ Kinh dạy rằng: "Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Ngài đã đưa chúng ta vào con đường của chúng ta". Một hành động thiện hảo của Chúa. Như tôi đã nói, nó thật sự là có những phận vụ rào chắn, nhưng đồng thời nó lại bảo vệ dân của Ngài, nó đã giáo huấn họ, no đã kỷ cương họ và đã nâng đỡ họ nơi tình trạng yếu kém của họ. Đó là lý do tại sao vị Tông đồ này tiếp tục diễn tả câu nói về lứa tuổi non dại. Ngài nói: "Bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ". (Galata 4:1-3). Nói tóm lại, niềm xác tín của vị Tông đồ này là ở chỗ Lề Luật thật sự đóng một vai trì tích cực - như giám hộ viên kèm giữ người mình coi sóc - thế nhưng nó có một nhiệm vụ giới hạn về thời gian. Nó không thể kéo dài quá xa, vì nó liên hệ tới tầm mức trưởng thành của cá nhân cùng với việc tự do chọn lựa của họ. Khi người ta biết tin tưởng thì Lề Luật mất giá trị kèm giữ của nó và phải nhường bước cho một thẩm quyền khác. Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là sau Lề Luật chúng ta có thể nói: "Chúng tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô và chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn?" Không! Các Giới Răn vẫn còn đó, thế nhưng nó không còn công chính hóa chúng ta. Điều làm cho chúng ta nên công chính đó là Chúa Giêsu Kitô. Các Giới Răn cần phải tuân giữ, thế nhưng chúng không mang lại cho chúng ta sự công chính; đã có những gì là nhưng không của Chúa Giêsu, việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô mới hoàn toàn công chính hóa chúng ta. Công trạng của đức tin là lãnh nhận Chúa Giêsu. Chỉ có một công trạng duy nhất đó là cởi mở cõi lòng. Vậy chúng ta phải làm gì với các Giới răn đây? Chúng ta cần phải tuân giữ các Giới răn, nhưng như là một thứ phụ giúp để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô thôi.

    Giáo huấn về giá trị của Lề Luật này là những gì rất quan trọng, và đáng được cẩn thận suy xét để chúng ta khỏi bị hiểu lầm và trở nên sai lệch. Thật là hữu ích khi chúng ta tự vấn xem chúng ta vẫn sống trong giai đoạn chúng ta cần đến Lề Luật, hay trái lại chúng ta hoàn toàn nhận thức được mình đã lãnh nhận ơn được làm con cái của Thiên Chúa hầu sống trong yêu thương. Chúng ta đang sống ra sao? Bằng nỗi sợ hãi là nếu tôi không làm như thế thì tôi sẽ sa hỏa ngục? Hay tôi sống với cả niềm hy vọng, với niềm vui về ơn cứu độ nhưng không nơi Chúa Giêsu Kitô? Đó là một câu hỏi cần. Cả câu thứ hai này nữa: Tôi có coi thường các Giới răn hay chăng? Không. Tôi tuân giữ chúng, nhưng không tuyệt đối, vì tôi biết rằng chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng công chính hóa tôi.

     

    https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210818_udienza-generale.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

    --

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ

  •  
    Chi Tran
    THỞ HÍT THẦN KHÍ - SINH LẠI BỞI THÁNH THẦN

     


    HÍT THỞ SỰ SỐNG CHÚA BAN

     

    Khi đã nằm xuống và sắp sửa ngủ, trong khoảng thời gian bằng đọc một kinh Kính Mừng, tưởng nghĩ đến giờ tôi phải thức dậy và để làm gì. 

     

    Ngày nào cũng thế, đệ tử chỉ hỏi Minh Sư mỗi một câu: “Làm thế nào con gặp được Thượng Đế?” Và ngày nào Minh Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn: “Bằng sự ước muốn.” “Nhưng con ao ước Thượng Đế hết tâm hồn! Vậy tại sao con không gặp được Ngài?

     

    Ngày kia, có dịp Minh Sư cùng đệ tử đó đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cố thoát thân. Hôm sau, Minh Sư bắt đầu gợi chuyện: “Tại sao con cố vùng vẫy như thế khi thầy dìm đầu con xuống nước?” “Bởi vì con muốn hít thở không khí.” “Khi con nhận lãnh ơn khao khát hít thở Thượng Đế cũng như con khao khát hít thở không khí thì con sẽ gặp gỡ Ngài.”[1]

     

    Trò chuyện thiêng liêng:

    Khi đọc câu chuyện của cha Anthony de Mello trên đây, tôi nhớ đến người bạn chia sẻ với tôi rằng: “Thầy biết không, lúc con bị nhiễm Covid-19, cảm giác khó thở thật kinh khủng. Con như sắp chết vậy. Những giờ khắc đó con ước sao mình được hít thở không khí một cách bình thường. Tạ ơn Chúa đã cho con được vượt qua căn bệnh khủng khiếp ấy.” Hoặc một linh mục viết trong những ngày bị nhiễm Covid: “Tạ ơn Chúa, sức khỏe dần dần trở lại, đầu cũng bớt choáng váng, ăn ngon hơn, ăn được nhiều hơn, không còn sợ ăn, không còn sợ nước, không còn cảm giác nóng lạnh hay khó thở…Không phải uống thuốc, không còn những buổi chiều nóng lạnh ngồi trong nhà nguyện mà chỉ mong thánh lễ mau qua…Mình đã có thể hát trong thánh lễ, dù cho vẫn còn yếu thấy rõ, nhưng đi đứng, đối đáp và hát thì đã gần như bình thường. Đi dạo được nhiều hơn, dầu cho hít thở sâu vẫn là một cái gì đó khó chịu, không giữ hơi trong lòng ngực được lâu, nhưng cảm giác cơ thể tiếp nhận khí trời và sự thanh lọc trong cơ thể đang diễn ra…” Đúng là chỉ khi trong cuộc mới trải nghiệm được thế nào là hiểm nguy và cần thở.

     

    Bạn thân mến,

    Không cần nói, ai cũng biết hơi thở liên quan đến sự sống của con người. Chết nghĩa là tắt thở, còn thở nghĩa là còn sự sống trong mình. Không ai muốn chết, nghĩa là ai cũng muốn được hít thở khí trời. Có lẽ trong lần đại dịch này, virus cũng cho chúng ta thấy giá trị của bầu không khí trong lành mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta chia sẻ với những bệnh nhân đang phải cần máy trợ thở lúc này. Lời cầu nguyện của từng người hy vọng Thiên Chúa giúp họ được hồi sinh. Mong sao dưỡng khí đủ để các bệnh nhân vượt qua sức công phá của virus Corona.

     

    Trong câu chuyện trên đây, chúng ta có thể biết thêm được một cách cầu nguyện bằng hít thở. Chọn một tư thế thật thoải mái, nơi thoáng mát và yên lặng. Sau đó hít chậm rãi thật sâu với ý nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự vào tâm hồn con.” Nín thở một chút, sau đó thở ra thật mạnh với ý nguyện: “Lạy Chúa, này con đây.” Nếu thực tập điều này trong vài phút, chắc chắn bạn đủ dưỡng khí và tâm hồn cũng được chút bình an. Bạn có thể kết thúc với lời nguyện của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.” Cách cầu nguyện này thật thích hợp trong ngôi nhà của bạn, có thể trước cửa sổ mở hoặc ngoài sân.

     

    Ở vế hai, vị Minh sư trên đây nhắc đến một yếu tố quan trọng giúp bạn cầu nguyện gặp được Thiên Chúa: Ước muốn. Điều này không mới trong linh đạo, khi các nhà thiêng liêng khuyên người cầu nguyện nuôi lòng ao ước gặp Thiên Chúa. Chẳng hạn thánh I-nhã trước mỗi bài cầu nguyện, bao giờ cũng nhắc người ta cần có lòng ao ước (xin điều tôi ao ước). Thậm chí nếu chưa có ao ước này, thì người cầu nguyện cần xin với Chúa cho con “có lòng ao ước điều ao ước!” Lý do là người ta chỉ làm thành công với mục tiêu và lòng muốn. Để có được điều này, thánh I-nhã cũng chỉ cho người ta vài cách (x. Linh Thao 73-90):

     

    - 1. Khi đã nằm xuống và sắp sửa ngủ, trong khoảng thời gian bằng đọc một kinh Kính Mừng, tưởng nghĩ đến giờ tôi phải thức dậy và để làm gì.

    - 2. Khi thức dậy không nghĩ đến gì khác, nhưng để tâm vào ngay điều tôi sắp suy ngắm, cầu nguyện.

     

    Như vậy với quỹ thời gian dồi dào như lúc này, thật tốt để trong những bận tâm của tôi luôn có ao ước đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ao ước ấy nếu mạnh như nhu cầu hít thở không khí, chẳng lẽ Thiên Chúa không đưa bạn đến với Ngài sao? Nói cách khác, ngay khi bạn có ao ước cầu nguyện, đến gặp Chúa là bạn đã thực sự cầu nguyện rồi. Hơn nữa, Giáo hội dạy rằng: “cầu nguyện là ân huệ, là quà tặng của Thiên Chúa, phát xuất từ nỗi khát của Thiên Chúa khao khát con người chúng ta; cầu nguyện cũng xuất phát từ nỗi khao khát của con người chúng ta, nỗi khát này lại do chính Thiên Chúa đã đặt trong con người. Hai nỗi khát này tìm nhau, trao đổi, làm thỏa mãn cơn khát của nhau, đó là cầu nguyện.[2]

     

    Để kết thúc, bạn thử dừng lại, hít thở thật sâu và thở ra thật mạnh. Thử làm đôi phút! Rồi với trải nghiệm thú vị này, bạn thử mời gọi các thành viên trong nhà làm theo. Hy vọng các thành viên đều cảm nhận được hiệu quả mà khí trời mang lại. Điều quan trọng hơn, đừng quên không khí, sự sống là món quà Thiên Chúa dành tặng nhưng không cho con người.

    Đành rằng Trong tự nhiên, oxy tự nhiên được sinh ra từ việc phân giải nước trong quá trình quang hợp oxy dưới tác động của ánh sáng, nhưng đó là công trình của Chúa. Từ thuở tạo thiên lập địa, Ngài đã quan phòng trao tặng vũ trụ này cho con người chăm sóc và hưởng dùng. Có lẽ lúc này là thời gian để mỗi người nói lên lời cảm ơn, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa, vì hồng ân sự sống Chúa ban trong bầu khí quyển này.

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

     

     


    [1] Anthony de Mello SJ, Một Phút Minh Triết, dịch giả Đỗ Tân Hưng

    [2] Xem Youcat dẫn nhập phần IV

     
     

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦ KHI - ĐTC -HUẤN TỨ CN19TN-B

  •  
    Sun, Aug 8 at 6:33 AM
    TÔI LÀ BÁNH SỰ SỐNG: GIOAN 6, 48
     
     

     

    ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm B

    BÁNH SỰ SỐNG LÀ GÌ?

     

     

    Thân mến chào anh chị em,

     

    Trong bài Phúc Âm cho Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng cho dân chúng đã được thấy biến cố diệu kỳ nơi việc tăng bội các ổ bánh. Và Người mời gọi những con người này hãy thực hiện một bước nhẩy vọt về phẩm, ở chỗ, sau khi đã nhắc lại manna mà cha ông của họ đã được Thiên Chúa nuôi ăn trong cuộc hành trình dài băng qua sa mạc, bấy giờ Người mới áp dụng biểu tượng bánh cho chính bản thân Người. Người nói một cách rõ ràng rằng: "Tôi là bánh sự sống" (Gioan 6:48).

    Bánh sự sống đây nghĩa là gì? Chúng ta cần bánh để sống. Những ai đói khổ không xin cho được thứ lương thực ngon lành và đắt đỏ, mà chỉ xin bánh ănNhững ai bị thất nghiệp chẳng xin cho có được những thứ lương bổng kếch sù, mà là thứ "bánh" của công ăn việc làm. Chúa Giêsu tỏ mình ra như là bánh, tức là những gì cần thiết cho cuộc sống hằng ngày; không có Người thì đời sống chẳng làm gì được. Không phải là một thứ bánh trong nhiều thứ bánh, mà là thứ bánh sự sống. Nói cách khác, không có Người thì thay vì sống thì chúng ta chỉ chới với sống cònvì chỉ có một mình Người nuôi sống linh hồn mà thôichỉ có một mình Người tha thứ cho chúng ta sự dữ chúng ta không thể tự mình thắng vượt; chỉ có một mình Người mới làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương ngay cả khi hết mọi người làm cho chúng ta thất vọng; chỉ có một mình Người mới ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương, và chỉ có một mình Người mới ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ trong những lúc khó khăn; chỉ có một mình Người mới ban bình an cho tấm lòng đang tìm kiếm an bình; chỉ có một mình Người mới ban sự sống đời đời khi sự sống trên trần gian này kết thúc mà thôi. Người là thứ bánh sự sống thiết yếu.

    Tôi là bánh sự sống, Người phán. Chúng ta hãy lắng đọng trước hình ảnh tuyệt vời về Chúa Giêsu này. Người có thể đã cống hiến một lý chứng, một luận chứng nào đó, thế nhưng - như chúng ta biết - Chúa Giêsu nói bằng các dụ ngôn, và nơi lời diễn tả này - "Tôi là bánh sự sống", Người thực sự gồm tóm toàn thể bản thân và sứ vụ của Người. Điều này cuối cùng sẽ được hoàn toàn sáng tỏ ở Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha đang yêu cầu Người chẳng những ban lương thực cho dân chúng, mà còn ban chính bản thân của Người nữa, mà là bẻ bản thân của Người ra, sự sống của Người ra, xác thịt của Người ra, tâm can của Người ra để chúng ta được sự sống. Những lời này của Chúa tái khơi lên trong chúng ta những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng về tặng ân Thánh Thể. Không một ai trên thế giới này, dù có yêu thương người khác đến đâu, có thể biến mình thành lương thực cho nhau. Thiên Chúa đã làm như thế đó, và còn đang làm như vậy, cho chúng ta. Chúng ta hãy tái cảm nhận thấy nỗi bàng hoàng ngỡ ngàng này. Chúng ta hãy làm như thế khi chúng ta tôn thờ Bánh Sự Sống, vì việc tôn thờ làm cho đời sống tràn đầy những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng.

    Tuy nhiên, trong Phúc Âm, thay vì cảm thấy bàng hoàng ngỡ ngàng, thì dân chúng lại cảm thấy bị xúc phạm, họ xé áo mình ra. Họ nghĩ rằng: "Chúng ta đều biết đây là tên Giêsu mà, chúng ta biết gia đình của hắn. Vậy thì làm sao hắn lại nói 'Ta là bánh từ trời xuống chứ?'" (cf.vv 41-42). Có lẽ cả chúng ta nữa cũng bị xúc phạm, ở chỗ, chúng ta cảm thấy thoải mái hơn với một vị Thiên Chúa ở trên trời, không dính dáng gì đến đời sống của chúng ta hết, trong khi chúng ta có thể đảm đang các vấn đề trên thế gian này. Trái lại, Thiên Chúa đã hòa thân làm người để tiến vào thực tại cụ thể của thế gian này; tiến vào thực tại cụ thể của chúng ta, Thiên Chúa đã hóa thân làm người vì chúng ta, cho anh chị em, cho tất cả chúng ta, để tiến vào cuộc đời của chúng ta. Và Người chú ý tới hết mọi khóa cạnh của cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể nói với Người về những gì chúng ta cảm thấy, về hoạt động của chúng ta, về ngày sống của chúng ta, về tình trạng nhức đầu của chúng ta, về nỗi sầu thương của chúng ta, về rất là nhiều điều. Chúng ta có thể nói với Người hết mọi sự vì Chúa Giêsu muốn có được mối thân tình này với chúng taNgười không muốn điều gì? Bị giành riêng như là một thứ món phụ - Người là Bánh - bị coi thường và loại trừ, hay chỉ được gọi món khi nào chúng ta cần đến Người thôi.

    Tôi là bánh sự sống. Ít là mỗi ngày một lần chúng ta chúng ta ăn uống chung với nhau; có lẽ vào buổi tối với gia đình, sau một ngày làm việc hay học hành. Thật là dễ thương, trước khi bẻ bánh, hãy mời Chúa Giêsu, bánh Sự Sống, hãy đơn sơ xin Người chúc lành cho những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta bỏ qua không làm. Chúng ta hãy mời Người vào nhà của chúng ta; chúng ta hãy cầu nguyện một kiểu cách "tự nhiên như ở nhà". Chúa Giêsu sẽ ngồi đồng bàn với chúng ta và chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng một tình yêu thương cao cả hơn.

    Xin Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Lời đã hóa thành nhục thể, giúp chúng ta ngày ngày lớn lên trong mối thân tình với Chúa Giêsu là bánh Sự Sống. 

    https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210808.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

     

    --

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ -ĐTC -LỄ MẸ HỒN XÁC

  •  
    Tinh Cao
     
    Sun, Aug 15 at 6:45 AM
     
     

     

    ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Mẹ Mông Triệu

     

    Thân mến chào anh chị em - chúc mừng ngày lễ hôm nay!

    Trong Phúc Âm hôm nay, Lễ Trọng Đức Mẹ Mông Triệu về Trời, phụng vụ âm vang Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat. Bài thánh ca chúc tụng này giống như một "bức ảnh" về Người Mẹ của Thiên Chúa. Tại sao Mẹ Maria "hân hoan trong Thiên Chúa"?

    "Vì Chúa đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài" (Luca 1:47-48).

    Bí mật của Mẹ Maria là lòng khiêm nhượng. Chính sự khiêm nhượng của Mẹ đã thu hút ánh mắt của Thiên Chúa đoán nhìn đến Mẹ. Con mắt của loài người luôn tim kiếm những gì là cao cả vĩ đại, và bị chóa mắt bởi những gì là hào nhoáng. Trái lại, Thiên Chúa lại không nhìn vào bề ngoài, Thiên Chúa nhìn vào tâm can (1Samuel 16:7), và hoan hỉ trước lòng khiêm nhượng. Tấm lòng khiêm cung làm hài lòng Thiên Chúa. Hôm nay, nhìn lên Mẹ Maria được mông triệu về trời, chúng ta có thể nói rằng lòng khiêm nhượng là con đường dẫn về trời vậy. Chữ "khiêm nhượng", như chúng ta biết, xuất phát từ tiếng Latinh humus, nghĩa là "trái đất". Thật là ngược đời, ở chỗ, để lên cao, lên Trời, lại cần phải thấp hèn, như trái đất! Chúa Giêsu dạy về điều này rằng: "ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Luca 1:38). Mẹ không nói gì khác ngoài chính Mẹ, Mẹ chẳng tìm kiếm gì khác ngoài chính Mẹ. Chỉ là một người tôi tớ của Chúa.

    Bởi vậy, hôm nay, mỗi người chúng ta hãy tự vấn lòng mình xem: chúng ta đã tác hành ra sao đối với sự khiêm nhượng? Tôi có muốn được người khác nhận biết, muốn tỏ mình ra và được ca tụng hay chăng, hay ngược lại tôi chỉ nghĩ đến việc phục vụ thôi? Như Mẹ Maria, tôi có biết lắng nghe hay chăng, hay tôi chỉ muốn nói và được chú trọng tới thôi? Như Mẹ Maria, tôi có biết giữ thinh lặng hay chăng, hay tôi luôn miệng nói năng? Tôi có biết lùi lại những cuộc cãi cọ và tranh cãi ồn ào hay chăng, hay tôi bao giờ cũng muốn nổi trội hơn? Chúng ta hãy nghĩ về những vấn đề này, mỗi một người chúng ta: tôi đã tác hành ra sao đối với sự khiêm nhượng?

    Bằng sự nhỏ hèn của mình, trước hết Mẹ Maria chiến thắng Trời Cao. Bí mật nơi việc thành công của Mẹ chính là ở chỗ Mẹ nhìn nhận phận thấp hèn của Mẹ, nhận thấy nhu cầu của Mẹ. Đối với Thiên Chúa, chỉ có những ai nhìn nhận mình như không thì mới có thể lãnh nhận được tất cả. Chỉ có ai hư không hóa bản thân mình mới có thể tràn đầy Ngài. Mẹ Maria "đầy ơn phúc" (câu 28) chính là vì lòng khiêm nhượng của Mẹ. Với cả chúng ta nữa, lòng khiêm tốn bao giờ cũng phải là khởi điểm, bao giờ cũng thế, nó là khởi điểm của việc chúng ta có đức tin. Điều chính yếu là trở thành nghèo hèn trong tinh thần, tức là cần đến Thiên ChúaNhững ai cảm thấy mình tràn đầy thì không còn chỗ cho Thiên Chúa. Nhiều lần, chúng ta tròn đầy bản thân mình, và ai cảm thấy mình tròn đầy thì Thiên Chúa không có chỗ đứng, thế nhưng ai sống khiêm hạ thì để cho Chúa hoàn thành những điều cao cả (câu 49).

    Thi sĩ Dante gọi Trinh Nữ Maria, "là Đấng khiêm nhượng hơn và cao quí hơn bất cứ một tạo vật nào" (Paradise, XXXIII, 2). Thật là đẹp khi nghĩ rằng tạo vật khiêm hạ nhất và cao cả nhất trong lịch sử này, tạo vật đầu tiên chiếm được trời cao bằng tất cả hữu thể của mình, nơi cả hồn lẫn xác của mình, đã sống cuộc đời của mình hầu như ở trong những bức tường tại gia, Mẹ đã sống đời sống của mình một cách tầm thường, một cách khiêm hạ. Những ngày sống của Đấng đầy ơn phúc không có gì là hết xẩy. Chúng theo nhau, thường giống hệt nhau, trong âm thầm thinh lặng: bề ngoài chẳng có gì là phi thường. Thế nhưng ánh mắt của Thiên Chúa lại luôn ở với Mẹ, hài lòng với sự khiêm hạ của Mẹ, với sự sẵn sàng của Mẹ, với vẻ đẹp tấm lòng không hề bị nhiễm vương tội lỗi của Mẹ.

    Đó là một sứ điệp hy vọng lớn lao cho chúng ta, cho anh chị em, cho mỗi một người chúng ta, cho những người anh chị em sống cuộc đời lúc nào cũng như nhau, mệt mỏi và thường gặp gian nan khốn khó. Mẹ Maria nhắc nhở anh chị em rằng Thiên Chúa kêu gọi cả anh chị em đến thân phận vinh quang này. Đây không phải là những lời đánh bóng mà là sự thật. Không phải là một thứ thêu thùa, một cái hậu đẹp đẽ, một ảo giác đạo đức hay một niềm an ủi giả tạo. Không, nó là sự thật, hoạn toàn là thực hữu, nó thật là như thế, như sự sống vậy, và chân thực như Đức Mẹ được mông triệu về Trời. Chúng ta hãy cử hành mừng Mẹ hôm nay với tấm lòng yêu thương của con cái, chúng ta cử hành mừng Mẹ với niềm vui khiêm hạ được bừng lên bởi niềm hy vọng một ngày kia cũng được ở cùng Mẹ trên Trời!

    Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện cùng Mẹ để xin Mẹ hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình dẫn chúng ta từ Đất lên Trời. Xin Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng cái bí mật cho cuộc hành trình này được chất chứa nơi chữ khiêm hạ. Chúng ta đừng quên chữ này, một chữ Đức Mẹ luôn nhắc nhở chúng ta. Chính sự thấp hèn và phục vụ là bí quyết để chiếm hữu đích điểm, để vươn đến trời cao. 

    https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210815.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

    --

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÌ - ĐTC - THƯ GALATA

  •  
    Tinh Cao

    ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata

     

    Bài 3 - Chỉ có một Phúc Âm duy nhất

     

     

    Chào anh chị em,

     

    Thánh Phaolô hăng say dấn thân cho Phúc Âm và sứ vụ truyền bá phúc âm hóa. Đối với ngài dường như không còn gì khác ngoài sứ vụ được Chúa ủy thác cho ngài ấy.

      Hết mọi sự nơi ngài đều được cống hiến cho việc loan báo này, và ngài không còn hứng khởi nào khác ngoài Phúc Âm. Việc loan báo là tình yêu của Thánh Phaolô, là hứng khởi của ngài, là nghiệp vụ của ngài. Thậm chí ngài còn tiến tới chỗ nói được rằng "Chúa Kitô không sai tôi làm phép rửa mà là để giảng dạy Phúc Âm" (1Corinto 9:16). Thánh Phaolô cho rằng cả cuộc sống của ngài là một ơn gọi truyền bá phúc âm hóa, là để làm sáng tỏ sứ điệp của Chúa Kitô, là để làm cho Chúa Kitô được nhận biết: Ngài tuyên bố rằng "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Corinto 9:16). Khi viết cho Kitô hữu thành Roma, ngài chỉ biết nói về ngài như sau: "Phaolô, người tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, được gọi làm tông đồ, được chọn để công bố Phúc Âm của Thiên Chúa" (Roma 1:1). Đó là ơn gọi của ngài. Tóm lại, ngài nhận thức được ngài đã được "tách biệt" để mang Phúc Âm đến cho tất cả mọi người, và ngài chỉ biết hết sức dấn thân cho sứ vụ này thôi.

     

    Bởi thế người ta mới có thể hiểu được tâm trạng buồn rầu, thất vọng và thậm chí đắng cay nơi vị Tông Đồ này đối với Kitô hữu Galata, những con người ngài thấy được họ đang sai đường lạc hướng, sẽ dẫn họ đến chỗ không thể quay đầu lại: họ đã sai lạc mất rồi. Cái then chốt chi phối tất cả mọi sự là Phúc Âm. Thánh Phaolô không nghĩ về "bốn Phúc Âm", như chúng ta vẫn nghĩ. Thật vậy, vào thời điểm ngài gửi bức thư này đi thì 4 Phúc Âm chưa được viết. Đối với ngài thì Phúc Âm là những gì ngài rao giảng, được gọi là kerygma, tức là lời loan báoVậy thì loan báo gì? Loan báo cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu như nguồn mạch của ơn cứu độ. Một thứ Phúc Âm được diễn tả bởi 4 động từ: "Đức Ki-tô đã chết đi vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai" (1Corinto 15:3-5). Đó là việc loan báo của Thánh Phaolô, việc loan báo mang lại sự sống cho tất cả mọi người. Phúc Âm này là việc hoàn tất những lời hứa cùng với ơn cứu độ được cống hiến cho tất cả mọi người. Ai chấp nhận Phúc Âm này thì được hòa giải với Thiên Chúa, được đón nhận như người con đích thực và được thừa hưởng sự sống vĩnh hằng.

     

    Thấy được tặng ân cao cả ấy đối với Kitô hữu Galata, nên vị Tông Đồ này không thể hiểu được tại sao họ lại có thể nghĩ đến chuyện chấp nhận một thứ "phúc âm" khác, có lẽ tinh vi hơn, tri thức hơn, tôi không biết..., thế nhưng là một thứ "phúc âm" khác. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là những Kitô hữu này chưa loại bỏ Phúc Âm được Thánh Phaolô loan báo. Vị Tông đồ này biết rằng họ vẫn còn thời gian để không tiến bước lệch lạc, nhưng ngài mạnh mẽ, thật mạnh mẽ cảnh giác họ. Luận điểm đầu tiên ngài trực tiếp nhắm đến là sự kiện việc rao giảng được thực hiện bởi những vị truyền giáo mới - những kẻ mang đến những gì là mới mẻ, những kẻ giảng dạy - không thể nào là Phúc Âm được. Trái lại, nó là một thứ loan báo bóp méo Phúc Âm chân thực, vì nó ngăn họ đạt đến thứ tự do có được bởi sống đức tin - chữ đức tin này không phải là chữ chính yếu hay sao? - nó ngăn họ vươn tới thứ tự do có được bởi sống đức tin. Các Kitô hữu Galata vẫn còn là "thành phần khởi sự", nên tình trạng mất định hướng của họ là những gì dễ hiểu thôi. Họ chưa thể biết được tính chất phức tạp của Luật Moisen, và lòng nhiệt thành của họ trong việc gắn bó với niềm tin tưởng vào Chúa Kitô dẫn họ tới chỗ lắng nghe theo những tay rao giảng mới mẻ ấy, họ tự dối mình khi cho rằng sứ điệp của họ là những gì bổ xung cho sứ điệp của Thánh Phaolô. Nhưng lại không phải như thế.

     

    Tuy nhiên, vị Tông đồ này dứt khoát không thể nào liều mình thỏa hiệp được. Chỉ có một Phúc Âm duy nhất và là những gì ngài đã loan báo; không thể nào có thứ phúc âm nào khác. Hãy coi chừng! Thánh Phaolô không nói rằng Phúc Âm chân thực này là của ngài, không, ngài chỉ là người loan báo thôi! Ngài không nói như thế. Điều ấy là một thứ tự phụ, ngạo mạn. Trái lại, ngài khẳng định rằng Phúc Âm 'của ngài", như các vị Tông Đồ khác rao giảng ở các nơi, là một phúc âm đích thực, vì nó là phúc âm của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã viết như thế này"Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người... nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải" (Galata 1:11-12). Chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Phaolô đã sử dụng những từ ngữ rất dữ dội. Hai lần ngài sử dụng kiểu diễn tả "tuyệt thông", ám chỉ cộng đồng cần phải xa tránh để khỏi bị đe dọa đến nền tảng của nó. Thứ "phúc âm" mới mẻ này là những gì đe dọa nền tảng của cộng đồng ấy. Tóm lại, về điểm này, vị Tông đồ không chấp nhận việc điều đình thương thảo: không thể nào có vấn đề thương thảo ở đây. Người ta không thể điều đình với nhau về sự thật của Phúc Âm. Một là anh chấp nhận Phúc Âm nguyên như vậy, như được loan báo, hai là anh chấp nhận một thứ phúc âm khác. Thế nhưng anh không thể nào thương thảo điều đình về Phúc Âm. Người ta không thể nào thỏa hiệp. Đức tin vào Chúa Kitô không phải là một thứ thẻ giá cả: mà là ơn cứu độ, là chuyện hội ngộ, là việc cứu chuộc. Không thể nào bị mang ra bán rẻ.

     

    Tình trạng này, được diễn tả ở đầu bức Thư, dường như đối chọi nhau, vì tất cả những ai liên hệ đều cho thấy được tác động bởi những cảm giác tốt lành. Các Kitô hữu Galata lắng nghe những tay truyền giáo mới nghĩ rằng, nhờ việc cắt bì thì họ mới càng được dấn thân theo ý muốn của Thiên Chúa, nhờ đó mới càng làm hài lòng Thánh Phaolô. Các kẻ thù của Thánh Phaolô dường như được tác động bởi lòng trung thành với truyền thống của cha ông, và tin tưởng rằng đức tin chân thực là ở chỗ tuân giữ Lề Luật. Trước lòng trung thành tối thượng này, họ thậm chí còn biện minh cho những thứ luồn lách và ngờ vực của họ về Thánh Phaolô, vị bị coi là không chính thống về truyền thống. Chính vị Tông đồ này quá rõ là sứ vụ của ngài là một sứ vụ có bản chất thần linh - được chính Chúa Kitô mạc khải cho ngài - vì thế ngài đã được tác động bởi tất cả lòng nhiệt thành cho tính chất mới mẻ của Phúc Âm, một thứ mới mẻ nồng cốt, chứ không phải thứ mới mẻ thoáng qua: không có những thứ phúc âm "thời trang", Phúc Âm bao giờ cũng mới mẻ, phúc âm là những gì mới mẻ. Niềm nao nức mục vụ của ngài dẫn ngài đến chỗ nghiêm khắc, vì ngài thấy được cái nguy cơ lớn lao đối với các Kitô hữu Galata còn non trẻ.

     

    Tóm lại, trong tình trạng rối rít của những ý định tốt lành ấy, cần phải gỡ rối bản thân mình để nắm bắt được chân lý tối hậu là những gì am hợp nhất với Con Người và việc rao giảng của Chúa Giêsu, cùng với việc mạc khải của Người về tình yêu Cha của Người. Vấn đề quan trọng là thế này, đó là biết cách nhận thức. Chúng ta rất thường thấy trong suốt giòng lịch sử, và chúng ta thậm chí còn thấy được hôm nay đây, có một số phong trào giảng dạy Phúc Âm theo kiểu cách của họ, đôi khi bằng những nhiệt tình thực sự và chân thực của họ; thế nhưng sau đó họ đã đi quá xa và biến tất cả Phúc Âm thành một "trào lưu". Đó không phải là Phúc Âm của Chúa Kitô: đó là Phúc Âm của một kẻ sáng lập, và đúng thế, nó có thể bổ ích vào lúc ban đầu, nhưng cuối cùng nó chẳng sinh hoa trái nhờ đâm rễ sâu xa.

      Vì thế mà lời lẽ minh tường và quyết liệt của Thánh Phaolô đã sinh ích cho các Kitô hữu Galata, và đang mang lại lợi ích cho cả chúng ta nữa. Phúc Âm là tặng ân của Chúa Kitô ban cho chúng ta, chính Người mạc khải cho chúng ta. Phúc Âm là những gì ban cho chúng ta sự sống. Cám ơn anh chị em.

     

     https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210804_udienza-generale.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

    DTCPhanxico.ThuGalata-3.mp3  

     

     

    --