8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỂ LẠI BÌNH AN

 

  •  
    nguyenthi leyen
    Sun, May 17 at 1:01 AM
     

    ĐỂ LẠI BÌNH AN LÀ MÓN QUÀ TỪ GIÃ

    CỦA CHÚNG TA CHO NGƯỜI THÂN

     

    Như chúng ta biết, bình an không phải chỉ là không có chiến tranh và xung đột. Bình an được cấu thành bởi hai điều: hài hòa và trọn vẹn.

     

     

     

    Có một cái chết lành, chết tinh tuyền, một cái chết dù buồn nhưng để lại cảm giác bình yên. Tôi đã chứng kiến nhiều lần. Đôi khi điều này được nhận ra một cách rõ ràng khi ai đó chết, nhưng cũng có khi chỉ nhận ra trong vô thức. Nó được biết đến qua hoa quả của nó.

    Tôi nhớ tôi ngồi với một với một người đàn ông hấp hối vì ung thư vào độ tuổi ngoài năm mươi, anh bỏ lại một gia đình trẻ, anh nói với tôi: “Tôi nghĩ tôi không có kẻ thù nào trên thế gian này, ít nhất là tôi không biết nếu tôi có thù gì hay không. Tôi không có việc gì dang dở.” Tôi cũng nghe một lời nói tương tự ở một phụ nữ trẻ chết vì ung thư, để lại gia đình trẻ. Bà nói: “Tôi nghĩ tôi đã khóc hết nước mắt, nhưng hôm qua khi nhìn đứa con gái út của tôi, tôi thấy tôi còn nhiều nước mắt để khóc. Nhưng tôi được bình an. Rất khó, nhưng tôi không còn gì mà tôi chưa cho.” Và tôi cũng đã có lúc ở bên cạnh giường chết mà không có gì trong các lời nói trên được nói lên lời, nhưng tất cả đều được diễn tả rõ trong vụng về, trong thinh lặng mà bạn thường chứng kiến chung quanh giường chết. Có một cách chết để lại bình yên.

    Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói lời từ giã dài trong Bữa Tiệc Ly vào đêm trước khi Ngài chết. Dĩ nhiên các môn đệ bị lung lay, sợ hãi và không chuẩn bị để chấp nhận thực tế tàn bạo của cái chết sắp đến. Chúa Giêsu cố gắng trấn an họ, cho họ những điều để họ bám lấy, và Ngài kết thúc như sau: Thầy đi, nhưng Thầy để lại món quà cuối cùng cho anh em, Thầy để lại bình an của Thầy cho anh em.

    Tôi ngờ rằng, tất cả những ai đọc câu này đều muốn sống thời gian tang chế người thân của mình, cha mẹ, người phối ngẫu, con cái hay bạn thân của mình như vậy, ít nhất là sau một thời gian, sau nỗi buồn là cảm giác bình yên ấm áp mỗi khi nhớ lại người thân hoặc khi có ai nhắc đến. Tôi đã mất cả cha lẫn mẹ khi tôi còn ở tuổi hai mươi và dù buồn như lời chia tay, nhưng mỗi kỷ niệm đều gợi lên một tâm trạng ấm áp. Món quà từ giã của cha mẹ tôi là món quà bình yên.

    Khi cố gắng hiểu điều này, điều quan trọng là phải phân biệt giữa muốn và cần. Khi tôi mất cha mẹ khi tuổi còn nhỏ, tôi vẫn rất muốn họ (và tin rằng tôi vẫn cần họ), nhưng tôi nhận ra trong sự bình an cuối cùng gia đình tôi đã có được sau khi cha mẹ qua đời, rằng nỗi đau của chúng tôi vẫn luôn còn muốn họ, nhưng chúng tôi không còn cần đến họ nữa. Trong cuộc sống và cái chết của cha mẹ tôi, cha mẹ đã cho chúng tôi những gì chúng tôi cần. Không có gì khác mà chúng tôi cần đến họ. Bây giờ chúng tôi chỉ nhớ họ và, dù còn buồn về sự ra đi của họ, mối quan hệ của chúng tôi đã hoàn tất. Chúng tôi đã bình yên.

    Dĩ nhiên, thách thức của chúng ta bây giờ là ở phía bên kia phương trình, cụ thể là sống theo cách mà bình an sẽ là món quà từ giã cuối cùng của chúng ta cho gia đình, cho người thân, cho cộng đồng tôn giáo và cho thế giới của chúng ta. Làm thế nào để làm? Làm thế nào chúng ta để lại món quà bình an?

    Như chúng ta biết, bình an không phải chỉ là không có chiến tranh và xung đột. Bình an được cấu thành bởi hai điều: hài hòa và trọn vẹn.

    Để được bình an phải có một cái gì đó nhất quán bên trong tâm hồn chúng ta để mọi chuyển động hài hòa với nhau và phải hoàn chỉnh để nó không bị đau vì có một cái gì đó còn thiếu. Bình an là trái ngược với bất an nội tâm hay mong muốn một cái gì đó còn thiếu. Khi chúng ta không được yên ổn, đó là do chúng ta đang trải qua sự hỗn loạn hay cảm nhận một số công việc còn dang dở trong lòng. Như thế một cách tích cực, cái gì tạo nên bình an? Khi Chúa Giêsu hứa ban bình an là món quà vĩnh biệt của Ngài, Ngài đồng hóa bình an này với Chúa Thánh Thần; và như chúng ta biết, đó là tinh thần bác ái, niềm vui, hòa bình, kiên nhẫn, tốt lành, nhịn nhục, trung thành, ôn hòa, và khiết tịnh.

    Làm thế nào để chúng ta để lại những điều này khi chúng ta rời cõi thế? Như thế, chết không khác gì sống. Khi một số người rời bỏ bất cứ cái gì, công việc, hôn nhân, gia đình hay cộng đoàn, họ để lại sự hỗn loạn đàng sau, một di sản của bất hòa, của việc làm dang dở, giận dữ, cay đắng, ghen tị và chia rẽ. Ký ức của họ luôn cảm nhận như một nỗi đau lạnh. Họ không nhớ dù ký ức của họ ám ảnh. Mặt khác, một số người để lại một di sản của sự hài hòa và đầy đủ, một tinh thần hiểu biết, trắc ẩn, khẳng định và thống nhất. Chúng ta nhớ những người này nhưng nỗi đau là điều ấm áp, nuôi dưỡng, của một kỷ niệm hạnh phúc.

    Ra đi trong cái chết chính xác có cùng năng động này. Qua cách chúng ta sống và chết, chúng ta sẽ để lại đằng sau mình một tinh thần còn giữ mãi trong tâm trí người thân một cảm giác ấm áp mỗi khi họ nhớ chúng ta.

    Ronald Rolheiser,

    Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

     
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CẦN CÓ GIỜ THẢNH THƠI

Hãy sống thảnh thơi một chút!

“Chúng con đừng sống một cách hời hợt chung chung, nhưng có đời sống nội tâm sâu xa. Chúng con hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, để suy tư và sống trong sự thật, nhờ đó chúng ta có mối thân tình với Chúa và với anh chị em mình“ (Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)

 

Một lời khuyên của vị cha nhân từ thật tha thiết tỏ tình thương yêu đàn con thật thiết thực và thấu hiểu sâu xa con cái biết chừng nào! Trong đời sống thường ngày, chúng ta rất cần những  những khoảnh khắc lắng đọng tâm hồn trong thinh lặng, không làm gì cả, không nghĩ suy gì cả, ta chỉ việc buông bỏ tất cả để trí tâm thân thả lỏng, trùng xuống, lặng lẽ để tất cả tế bào trong con người dãn ra, nghỉ ngơi thảnh thơi. 

Đó là khoảnh khắc giá trị cho sự tồn tại của đời sống! ta sống chầm chậm một chút, thanh thản một chút, trống không một chút để tăng giá trị cho một cuộc sống xây trên nền tảng đạo đức, nhân ái, để an nhàn mỉm cười với sự tự do ngơi nghỉ của mình trong Đấng Tạo Dựng mình.

Đó là những khoảng khắc sống trong hiện tại, chỉ có Thiên Chúa ở trong mình và mình hãy bình dị ngồi yên, thầm lặng nhìn ra ngoài cửa sổ và thả hồn mơ mộng, hay nằm dài trên thảm cỏ, mơ màng ngắm trời xanh mây trắng trên đầu, hít thở đầy buồng phổi làn không khí trong lành giữa những cây cối quanh mình, mà tạ ơn Cha Nhân Lành cho mình mọi sự để mình được hưởng dùng.  

Chúng ta cần có những lúc suy tư như thế để tăng giá trị của sự tồn tại. Chúng ta có thể ngồi dưới ánh mặt trời, để được sưởi ấm cơ thể, lắng nghe âm thanh của trái đất, thưởng thức hương thơm của cỏ cây … mà ngợi ca Đấng Toàn Năng  cho chúng ta những thời gian và không gian đẹp tươi đầy sức sống của vũ trụ, chúng ta vui hưởng làn gió nhẹ mơn man trên gò má, và thích thú thưởng thức mái tóc đang đùa vui nhẩy múa trên đầu mình, mơn man hai bên gò má mà mỉm cười hạnh phúc… mà tạ ơn Đấng Tối Cao.

 Những khoảnh khắc trống không này cần được sử dụng để lấp đầy bình yên cho tâm hồn bằng cách dùng thời giờ để cầu nguyện với Lời Chúa, để suy tư về những ân sủng mà Ngài đã rộng lượng, quảng đại vô cùng trao ban  cho riêng từng cá nhân, để xử dụng những tạo vật mà phụng thờ và tôn vinh Ngài. Khi mình ca ngơi, tôn vinh Ngài thì mình chính là người được hưởng lợi ích thiêng liêng, vui hưởng sự sống cho sung mãn.

 Những giờ cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa hằng ngày, chúng ta sẽ dành 15 phút hay nửa tiếng đồng hồ vào một thời điểm nhất định, hẹn vói Chúa Giêsu để tâm sự với Ngài. Các bạn cứ thử đi rồi sẽ thấy mình nhận được biết bao hoa thơm quả ngọt nơi dòng sông tình yêu của Ngài, sẽ được hoan hưởng những lời ngọt ngào an ủi biết bao!  Cũng có thễ đôi khi nhận được lời mắng mỏ vì mình đang làm điều gì sai trái… nhưng thật hạnh phúc được Cha  mình sửa dạy phải không ạ?

Một số người trong chúng ta bị đam mê lôi kéo vào mục tiêu của họ đến mức họ không thể có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, cho tâm hồn thảnh thơi, và thể xác được hồi phục thì mới tồn tại cách tốt đẹp.  Thật đáng thương cho những người này, vì họ nghĩ những công việc bận rộn là một thước đo của cuộc sống có ý nghĩa.

Theo ý nghĩ của tôi, một người bình thường, theo đuổi một lý tưởng gì thì cũng chỉ đủ khả năng làm tròn bổn phận trong lý tưởng đó với tất cả tận lực của khối óc và con tim, song vẫn luôn cần ơn thánh Chúa trợ giúp vì „không có Thầy các con chẳng làm được gì“. Khi mình theo đuổi một lý tưởng để cuộc sống có ý nghĩa, mình vẫn còn bổn phận mưu sinh, công việc làm ăn nuôi sống mình, nuôi sống gia đình đã chiếm đến 9o% thời giờ của mình rồi.

Chúng ta cần nỗ lực lên kế hoạch tận dụng từng giây từng phút một cách có mục đích, mọi khoảnh khắc đều nên đem lại kết quả nào đó, theo cách này hay cách khác, phải giải quyết hay xử lý công việc một cách tự do theo sự mách bảo của lương tâm và của lý trí với sự soi sáng của Thần Khí Chúa.

Hãy dành cho bản thân vài phút không làm gì cả. Hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại. „Ai có khoảnh khắc hiện tại là có Thiên Chúa, ai có khoảnh khắc hiện tại là có tất cả“ (Thánh Teresa Avila). Các bạn sẽ thấy đời mình thật đáng trân quý biết chừng nào./-

Elisabeth Nguyễn (14.5.2020)

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỜI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI

Người ta nói cuộc đời là một chuyến đi. Có chuyến đi dài. Có chuyến đi ngắn. Có chuyến đi đến vô tận. Chuyến đi nào cũng có thể gặp người ta yêu nhưng cũng có thể phải chia tay và bỏ họ lại phía sau. Chuyến đi nào cũng có niềm vui nhưng cũng có những chuyến đi mang lại nỗi buồn. Vui buồn lẫn lộn trong kiếp người cũng tùy thuộc vào chuyến đi mang theo mục đích gì? Mục đích chuyến đi sẽ quyết định về sự vui buồn trong hành trình của chúng ta.

Càng đi, ta lại càng thêm dẻo dai. Như một lực sĩ, càng chạy, ta càng mềm dẻo để có thể dấn thân vào một chuyến đi mới, vào những cuộc chiến đấu mới. Đi càng nhiều thì đời càng cho ta thêm kinh nghiệm. Thế nhưng, có khi càng đi, con người lại càng thêm buồn đau hơn! Vì thất bại nên thất vọng. Vì không như ý muốn nên chán nản . . .

Tựu trung trong cuộc đời chúng ta có ba chuyến đi:

1/ Những chuyến đi thể lý:

Đó là những chuyến đi theo nhu cầu tự nhiên của một người bình thường. Nhu cầu công việc. Nhu cầu về thăm quê hương. Nhu cầu thăm nom cha mẹ và anh chị em trong gia đình. . . Đây là những chuyến đi của bổn phận nhưng đòi hỏi chúng ta vượt lên sự ngại ngùng, lười biếng để dấn thân về phía trước.

2/ Những chuyến đi nhân ái

Có những chuyến đi không phải của bổn phận mà là của tình người chia sẻ, hiệp thông với tha nhân. Có chuyến đi đến với người nghèo để cho họ bữa ăn, hay đến với người bất hạnh để ủi an nâng đỡ họ. Mỗi năm giáo xứ chúng tôi vẫn có chuyến đi thăm người nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh như Cao Nguyên hay Miền Trung khô cằn. Nhìn nét mặt hân hoan của họ khi nhận quà mà lòng mình cũng hân hoan. Lúc đó mới thấy chuyến đi mình thật ý nghĩa.

3/ Những chuyến đi tâm linh

Sự sống con người không dừng lại ở những chuyến đi thể lý hay nhân ái mà còn có chuyến đi về với cội nguồn là Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người. Chuyến đi này xuyên suốt trong những chuyến đi thể lý hay nhân ái. Chính chuyến đi này làm cho những gánh nặng, những khó khăn trở nên nhẹ nhàng hơn. Ai đã từng đau khổ hay mang gánh nặng nề nếu biết hướng lòng về chuyến đi cùng đích sẽ cảm thấy nhẹ vơi, bình an. Vì sau đêm dài là ánh bình minh. Sau thập giá là vinh quang.

Chúa Giê-su đã từng thực hiện chuyến đi ấy trong suốt cuộc đời Ngài luôn hướng về Chúa Cha, luôn sống trong chờ đợi “Giờ” mà Chúa Cha đã định cho Ngài. Ngài đã sống trọn vẹn một hành trình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cho dầu đó là thập giá đau thương, Ngài vẫn đón nhận trong niềm tín thác nơi Cha.

Sau cuộc hành trình đầy thương khó, Ngài đã về Trời để lãnh triều thiên vinh quang. Ngài đã bước qua thập giá để tiến tới vinh quang Phục sinh.

Hôm nay Ngài bảo: “Ngài về cùng Chúa Cha”. “Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Ngài mong rằng Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Ngài. Nhưng để có thể ở bên Ngài trong Nước Cha Ngài, chúng ta cũng phải đi trên con đường Ngài đã đi. Con đường của thập giá tiến tới vinh quang. Thập giá trong bổn phận. Thập giá trong sự chia sẻ trách nhiệm với tha nhân. Thập giá trong những hy sinh phục vụ đồng loại. Nhất là thập giá trong hy sinh từ bỏ những quyến luyến tội lỗi, những đam mê lầm lạc để sống theo thánh ý Chúa.

Là người ky tô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve. Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như Thầy Chí Thánh Giê-su. Và như thế, đó chính là con đường duy nhất để chúng ta tiến vào nhà Cha, nơi đó, Chúa Giê-su đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

Cuộc đời là một chuyến đi trở về nguồn. Trở về với Thiên Chúa là Cha. Trở về thiên đàng là nơi dành sẵn cho con người. Xin cho chúng ta biết đi theo Con Đường Chúa Giê-su đã đi để tiến về nhà Cha. Xin đừng vì những đam mê bất chính, những thói hư tật xấu, những lười biếng mà lạc mất hướng đi về trời. Xin Chúa Giê-su luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta trên hành trình tiến về nhà Cha. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - NHÌN THẤU LÒNG NGƯỜI

  •  
    Hung Dao
    Mon, May 11 at 11:51 AM
     
    Subject: VAN HOA :Nhìn thấu lòng người chỉ cần 4 chữ
     

    Nhìn thấu lòng người chỉ cần 4 chữ

     
    Nhìn thấu lòng người chỉ cần 4 chữ
     

    Để nhìn thấu một người là chuyện không hề đơn giản, nếu dùng tâm để cảm nhận thì có thể thấy được một vài phần. Giá trị và phẩm chất của một người như thế nào, có lúc chỉ cần nhìn là biết, nghe là rõ. Hãy dùng 4 chữ này để đo lường, bạn sẽ thấu tỏ lòng người ngay thôi.

    1. Chữ “Quả”

    Chữ “Quả” này trong từ “kết quả”, “thành quả”, là chỉ những điều đạt được sau cùng. Bạn có thể quan sát cách một người bước đi, lắng nghe lời người đó nói và theo dõi kết quả, không phải chỉ để biết người đó đang làm gì, làm ra sao hay nói những gì, mà quan trọng hơn cả là nhìn vào kết quả cuối cùng. Tất nhiên, quá trình cũng rất quan trọng, nhưng thường quá trình thực sự rất tốt, thì kết quả theo sau cũng sẽ tốt đẹp, còn quá trình có sơ suất, thì kết quả sẽ tồi tệ. 

    Có một vài người, trông bề ngoài giản dị, lời lẽ không khoa trương nhưng trên thực tế lại rất có năng lực, làm được những việc phi thường, nhìn vào kết quả của họ quả thực khiến người khác cảm phục bội phần. Lại có những người nói thì rất hay, biểu hiện có vẻ cũng rất tốt nhưng cuối cùng lại chẳng làm nên chuyện gì. Hãy trao cho một người hai đến ba cơ hội, và rồi quan sát “Quả”. Người đó có năng lực thật sự không? Có khác biệt giữa lời nói và việc làm thực tế không? Có lẽ bạn đã đánh giá được phần nào rồi. 

    2. Chữ “Cơ”

    Chữ “Cơ” ở đây là nói đến “cơ duyên” và “động cơ”.

    Trước hết về “cơ duyên”, ý nói đến “cơ hội” và “nhân duyên” để có thể gặp nhau, để có thể xây dựng nên mối quan hệ giữa hai người. Nhưng liệu mối quan hệ đó có hòa hợp hay không? Dù người ấy có ngoại hình xấu hay đẹp đều không quan trọng. Đôi khi, bạn nhìn một người chẳng có ấn tượng đặc biệt nào cả nhưng tâm hồn và tính cách của người ấy và bạn lại rất đỗi đồng điệu. Ấy là cơ duyên, hãy trân quý. Tận dụng cơ duyên này và tạo cơ hội để cả hai có thể khám phá được những nét tính cách của nhau, qua những cơ hội đó, bạn sẽ hiểu người kia rõ hơn.

    Còn một điều cần lưu tâm là “động cơ”, chính là điều đã thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ này. Nếu như tâm đầu ý hợp, trân trọng lẫn nhau, “động cơ” tốt đẹp là cùng nhau chia sẻ những vui buồn, suy nghĩ, tình cảm trong cuộc sống thì đó là lương duyên, càng phải trân trọng. Tuy nhiên, nếu đối phương vì một mục đích không tốt nào đó mà kết giao với chúng ta thì sớm muộn cũng sẽ đến lúc ý đồ ấy lộ ra. Nếu rơi vào trường hợp này và đã có thể nhận ra, thì tốt nhất bạn nên chấm dứt sớm, bởi càng dây dưa sẽ càng phiền phức mà thôi.

    Vì thế, có chữ “Cơ”, bạn sẽ hiểu một người hơn và biết nên làm gì với mối quan hệ đó.

    3. Chữ “Tàng”

    “Tàng” là chỉ sự ẩn giấu. Có câu “thâm tàng bất lộ”, tức là điều cao thâm thường không dễ hiển hiện, bộc lộ, biểu lộ ra. Người xưa cũng nói: “Chân nhân bất lộ tướng”, hiểu là bậc cao nhân không dùng thân phận chân thật của mình để thể hiện ra trước mặt người khác. Người càng tài hoa thì càng ít thể hiện, người càng xuất chúng thì càng không khoe khoang mà có thể che giấu được tài năng của mình, không tùy tiện phô trương tài nghệ của bản thân. Có những người rất tinh tế, nội tâm rất phong phú, sâu sắc, nhưng lại rất kiệm lời.

    Vậy nên, khi kết giao với người khác, nhất định phải lưu ý chữ “Tàng” này. Đừng nhìn biểu hiện bên ngoài để đánh giá một người. Vẻ ngoài hào nhoáng, xinh đẹp hay lời nói hoa mỹ đều có thể là cái bẫy, khiến bạn đưa ra những nhận định không chính xác. Chỉ khi có những cuộc trò chuyện thực sự, hay thông qua một số tình huống cụ thể, lúc ấy bạn mới thấu tỏ trái tim của đối phương.

    4. Chữ “Tưởng”

    Chữ “Tưởng” này bao hàm “lý tưởng”, “ý nguyện” và “ước mơ”, cũng chỉ “tư tưởng” nói chung của một người. Để đánh giá một người, có thể quan sát những gì mà người đó đang theo đuổi. Nếu có mục đích sống lớn lao thì mỗi ngày, người đó sẽ rất chăm chỉ và nỗ lực làm việc. Cũng có những người chỉ mong có một cuộc sống bình an, tĩnh lặng, không bon chen, tuy nhiên không phải họ buông xuôi, họ vẫn sống rất có nguyên tắc, chỉ là không mưu cầu danh lợi.

    Lại có những người sống mà không có mục tiêu, buông thả cho qua ngày đoạn tháng. Với những người như vậy, có lẽ chúng ta chỉ nên duy trì mối quan hệ xã giao mà thôi.

    Chúng ta không ai giống ai, suy nghĩ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, từ đó mà chọn cho mình lý tưởng, ước mơ và lập ra những nguyên tắc sống riêng. Khi chúng ta kết bạn giao lưu với một người, hãy nhìn vào ước mơ và những điều mà họ đang theo đuổi để hiểu hơn về họ, tức là nhìn vào chữ “Tưởng” này.

    “Quả”, “Cơ”, “Tàng”, “Tưởng” là bốn từ phản ánh hành vi, động lực và lý tưởng, qua đó cho thấy đặc điểm tính cách của mỗi người. Với 4 chữ này, mong rằng bạn sẽ thấu tỏ lòng người và tìm được những người bạn tâm giao.

    HOA TỰ DO
    Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
    Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương

     

     

     

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

 

  •  
    nguyenthi leyen
    Sat, May 2 at 11:47 PM
     
     
    Ảnh cùng dòng
    Ảnh cùng dòng

    Rước lễ thiêng liêng theo gương một vài vị thánh

     

     

    Trong những ngày cả thế giới phải cách ly ở nhà, người Công giáo không được tham dự Thánh lễ  mà chỉ có thể theo dõi Thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng. Vậy, người tín hữu nên dọn mình rước lễ thiêng liêng như thế nào ?

     

    Sau đây là kinh nghiệm, lời cầu nguyện của một số vị thánh cũng như lãnh đạo của Giáo hội mà người viết lược dịch từ bài Thánh Anphongsô dạy chúng ta rước lễ thiêng liêng trên Interris.it.



    Thánh Anphongsô Maria Liguori: Một vị thánh dấn thân

    Thánh Anphongsô Maria Liguori là một vị thánh gần gũi với chúng ta. Ngài là Giám mục và tiến sĩ Hội thánh sống ở thế kỷ XVIII, đồng thời là tác giả bài hát mừng Giáng Sinh nổi tiếng "Ngài xuống từ muôn sao". Là người của Thiên Chúa, Ngài từng phải đối diện với những hoàn cảnh khẩn cấp và luôn sẵn sàng hiến thân cho những người nghèo nhất. Trong nạn đói năm 1764, dẫn đến cái chết của 300 nghìn người ở vương quốc Napoli (nước Ý), Thánh Anphonsô đã chạy đi cứu giúp người đau khổ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái để “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người ta kể rằng Ngài nhịn ăn vì thương người nghèo và Ngài đã bán hai chiếc nhẫn quý giá, cây thánh giá Giám mục và các đồ vàng bạc để cho người nghèo mua thức ăn.

    Cách đặc biệt, thánh nhân từng để lại một lời kinh rước lễ thiêng liêng mà rất nhiều người Việt Nam đã biết. Vì thế, để rước lễ thiêng liêng, các tín hữu có thể đọc lời kinh này của Ngài:

    “Lạy Đức Chúa Giêsu,
    con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh.
    Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự,
    cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con.
    Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được,

    thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng,
    chẳng khác gì như con được rước Chúa thật.
    Con xin đón rước Chúa,
    cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn.
    Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen"

    Rước Lễ thiêng liêng

    Thường thì Ngài rước lễ thiêng liêng, giống như nhiều vị thánh khác như Tôma Aquinô, Phanxicô de Sales, Catherine thành Siena, Josemaría Escrivá và Margherita Maria Alacoque. Theo chính Thánh Tôma, thực hành này được Công đồng Trento xác nhận, hệ tại ở lòng khao khát thiết tha được rước Chúa Giêsu Thánh Thể và trong một vòng tay yêu thương như thể đã nhận được.

    Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu viết: “Con không thể rước lễ thường xuyên như con muốn nhưng, Chúa ơi, Ngài không phải là Đấng toàn năng sao? Xin hãy ở trong con, như trong Nhà Tạm, đừng bao giờ rời xa của lễ hiến tế nhỏ bé của Ngài.”



    Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp "Giáo hội Sống nhờ Thánh Thể-Ecclesia De Eucharistia", đề cập đến tầm quan trọng “nuôi dưỡng lòng khao khát Thánh Thể trong tâm hồn” mà “may mắn thay đã được phổ biến qua nhiều thế kỷ trong Hội Thánh và được khuyến khích bởi các thánh nhân là những bậc thầy về đời sống thiêng liêng” (Số 34). Ngài tiếp tục nhắc lại lời thánh Têrêsa viết trên "Đường hoàn thiện" của mình: “Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự Thánh Lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, thực hành này cũng đem lại nhiều ơn ích; như thế, trong lòng bạn càng thêm khao khát Chúa tình yêu của chúng ta”.

    Bậc đáng kính Marthe Robin



    Năm 1928, tình trạng tê liệt đường tiêu hóa ngày càng tăng khiến nhà thần bí người Pháp Marthe Robin không thể nuốt bất kỳ loại thức ăn hay đồ uống nào như khi còn trẻ. Nhưng người phụ nữ trở thành bậc đáng kính của Giáo hội vào năm 2014 này, vẫn tiếp tục sống thêm 50 năm nữa và hơn nữa là chị chỉ rước lễ mỗi tuần một lần. Chị kể: “Mỗi ngày khi tôi không có niềm vui được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và nhiều lần trong ngày, tôi thực hành rước lễ thiêng liêng, hiệp thông tinh thần và trong lòng mình”.

    Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi tái khám phá giá trị của hiệp thông

    Giữa đại dịch virus corona, ngay cả Đức Giáo hoàng Phanxicô, tại buổi Kinh Truyền Tin ngày 15 tháng 3 vừa qua, từ Thư viện của Điện Tông tòa đã mời gọi các tín hữu “tái khám phá và làm sâu sắc thêm giá trị của sự hiệp thông liên kết tất cả các thành phần của Giáo hội. Hợp nhất với Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ đơn độc, nhưng chúng ta tạo thành một Thân thể duy nhất, trong đó Ngài là Đầu. Đó là một sự kết hiệp được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, cũng như bằng việc Rước Lễ thiêng liêng, một thực hành rất được khuyến khích khi không thể lãnh nhận Bí tích. Tôi nói điều này cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người sống một mình”.

    Và trong bài giảng tại Nhà thánh Marta ngày 19 tháng 3, Đức Giáo hoàng đã đề nghị một lời kinh nguyện cho những người theo dõi Thánh lễ trực tuyến và mong muốn được kết hiệp với Bí tích Thánh Thể:

    “Ôi lạy Chúa Giêsu,

    con sấp mình dưới chân Chúa

    và dâng lên Chúa lòng ăn năn thống hối

    khi tự dìm mình xuống hư không và trong sự hiện diện của Chúa.

    Con thờ lạy Chúa trong Bí Tích Tình Yêu.

    Con ao ước được rước Chúa ngự vào nơi nghèo nàn là tấm lòng con dâng Chúa.

    Trong khi đợi chờ niềm hạnh phúc được chịu lễ thật,

    con muốn chiếm lấy Ngài cách thiêng liêng.

    Ôi lạy Chúa Giêsu,

    xin hãy đến với con để con được đến với Ngài.

    Xin tình yêu Chúa đốt cháy tất cả con người con

    cho cuộc đời và cho đến chết.

    Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu Chúa.

    Chớ gì được như vậy."

    Theo Marcario Tinti trên Interris.it

    Đình Chẩn lược dịch, tựa đề do người dịch đặt lại.