Người Tín Hữu Trưởng Thành

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỜNG THÀNH - THƯ GIÁO DÂN GỞI LM

 

LÁ THƯ TÂM TÌNH CỦA MỘT GIÁO DÂN GỬI VỊ LINH MỤC

 

Xin cha hãy nhẹ nhàng và thông cảm cho chúng con khi chúng con đến xưng tội. Cuộc sống bôn ba vất vả với bao lo toan, là phận người yếu đuối khó lòng tránh khỏi luốc lem tội lụy, xin Cha hướng dẫn chúng con cách trở về với Chúa và sống tốt đẹp hơn...

 

 

Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha mới là “Chúc cho Cha trở nên Linh mục như lòng Chúa ước mong và lòng dân mong đợi”. Tôi trộm nghĩ, “trở nên Linh mục như lòng Chúa ước mong” thì cũng dễ hiểu, (dù là rất khó thực hành, nó mời gọi người Linh mục nỗ lực mỗi ngày) nhưng còn “như lòng dân mong đợi” thì thật là khó.

Lòng dân thì “chín người mười ý”, làm sao mà chiều cho xuể, ý là chưa kể nhiều khi sống “như lòng dân mong đợi” thì lại “không như lòng Chúa ước mong”! Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, nếu người Linh Mục cứ nỗ lực mỗi ngày miệt mài sống “như lòng Chúa ước mong” thì tự nhiên các ngài cũng sẽ sống “như lòng dân mong đợi”.

 

Các ngài hãy cứ lo sống đẹp lòng Chúa, còn lại để Chúa lo cho. Vì thế, suy tư và thao thức về hình ảnh vị Linh Mục mà lòng dân mong đợi cũng là điều hữu ích. Nhưng đâu là những điều người giáo dân mong ước nơi một vị Linh Mục? Mang lấy tâm tình của một người giáo dân, tôi thử viết một lá thư cho vị Linh Mục.

 

Kính thưa Cha! Trong lòng mỗi người giáo dân chúng con đều có một hình tượng về người Linh Mục rất riêng, lắm khi là đối chọi nhau nữa. Mỗi Linh mục cũng khác nhau về tính tình, sở thích, văn hóa, nền tảng xuất thân… nên sẽ thật mơ hồ khi chúng con nói lên những mong ước nơi các Cha. Tuy nhiên, chúng con đều chỉ mong ước cho các Cha những điều tốt đẹp nhất, hầu các Cha có thể phục vụ hữu hiệu nhất cho đoàn chiên mà Chúa trao cho. Vì thế,

 

Xin hãy dạy chúng con ý thức về sự linh thánh của Phụng vụ: Giữa một thế giới tục hóa như hôm nay vốn thiếu nhạy bén với những thực tại thiêng liêng, xin Cha hãy dạy chúng con ý thức về sự linh thánh của các mầu nhiệm thánh trong Phụng vụ. Linh mục hãy trở nên gương sáng cho chúng con về sự thành kính sâu xa phải có đối với Bí tích Thánh Thể. Cúi mình sâu trước Thánh Thể, tôn kính bái thờ Chúa sau khi truyền phép, tôn trọng sự thánh thiêng của tòa cáo giải, cung kính đọc các bản văn Lời Chúa… tất cả những điều đó luôn là những bài giảng hùng hồn cho người giáo dân chúng con. Chúng con biết đôi khi sự quen thuộc rất dễ dẫn đến nhàm chán, nhưng chúng con đến Nhà thờ để sống đức tin, và sự linh thánh trong Phụng Vụ cha cử hành sẽ giúp chúng con rất xúc động.

 

Xin hãy dạy chúng con khao khát Lời Chúa bằng bài giảng được đầu tư kĩ càng, súc tích, ngắn gọn và tâm tình của Cha. Những bài giảng không nhất thiết phải có những kiến thức đậm chất hàn lâm hay chỉ là những câu chuyện luyên thuyên dài dòng, nhưng là chính kinh nghiệm sống đức tin của Cha. Chúng con đến nhà thờ để tìm kiếm sự bình an mà thế gian không thể ban tặng, để nhìn lại cuộc sống mình và để sống, để tuyên xưng đức tin của mình, xin Cha hãy giúp chúng con tìm thấy ý nghĩa của đời sống đức tin qua Lời Chúa và kinh nghiệm sống đức tin của Cha. Chúng con sẽ dễ dàng nhận ra tấm lòng của Cha trong bài giảng và thao thức nên thánh của Cha, một người sống giữa đời mà không thuộc về đời, một cuộc đời dù có gặp nhiều khó khăn trắc trở nhưng vẫn dạy cho người thế biết khao khát những thực tại Nước Trời.

 

Xin cha hãy nhẹ nhàng và thông cảm cho chúng con khi chúng con đến xưng tội. Cuộc sống bôn ba vất vả với bao lo toan, là phận người yếu đuối khó lòng tránh khỏi luốc lem tội lụy, xin Cha hướng dẫn chúng con cách trở về với Chúa và sống tốt đẹp hơn. Dù cho lắm khi chúng con cũng khiến Cha mất kiên nhẫn khi phải linh hướng và giải tội cho chúng con, nhưng chúng con xác tín rằng những khó nhọc ấy thật quý giá, nó sẽ là triều thiên vinh hiển Chúa đội trên đầu Cha trên Nước Trời mai sau. Cha ạ, đã có nhiều người than phiền vì bị la rầy trong Tòa Giải Tội, và có những người bỏ đạo hẳn vì một vài lời la rầy trong lúc mệt mỏi của một vài vị Linh Mục đây đó. Những điều như vậy thật là buồn và không phải là chưa từng xảy ra, xin Cha hãy trở nên hình ảnh lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa cho trần gian, như chính Cha đã cảm nghiệm trong cuộc sống riêng tư của mình.

 

Xin hãy là người Cha của chúng con. Chúng con thật cảm kích khi thấy một Linh mục tốt lành, thánh thiện, thương yêu giáo dân và ân cần khi tiếp đón và giúp đỡ chúng con khi chúng con cần đến sự hướng dẫn của Cha. Xin hãy dịu dàng, ôn tồn nhưng cũng thẳng thắn dạy dỗ và sửa sai chúng con. Thật là diễm phúc cho chúng con khi có được những người Cha hiền lành, khiêm tốn nhưng cũng cương trực như thế, khác xa kiểu cách của biết bao công chức thích quát nạt hay hành sách người khác ngoài đời hay cũng sẵn sàng xum xoe nịnh nọt những ai có thể trục lợi.

 

Xin hãy là gương sáng cho chúng con về nhân bản, về cách đối nhân xử thế, về cách sống làm người. Đó đây có những vị Linh mục bị người giáo dân than phiền, kể cả trên mạng xã hội vì ăn nói bỗ bã, phàm tục, xưng hô thiếu mô phạm, nói năng như hàng cá hàng tôm... Thưa Cha, chúng con thật đau lòng khi thấy những điều đó. Chúng con biết rằng cái khó của người đi tu là ở chỗ làm sao “hòa đồng mà không hòa tan, sống thế nào mà vẫn giữ gìn tư cách của đời tu”, rất đơn sơ nhưng không tầm thường, rất bình dân nhưng không sa lầy. Chúng con mong ước các Cha vừa thuộc về Thiên Chúa vừa không xa lạ với con người, vừa hòa nhịp với xã hội mà vẫn trung thành với đức tin. Xin hãy là mẫu gương sống tiết độ và thánh thiện để chúng con noi theo, trong cách ăn uống, cách sống, cách nói năng… Chúng con thật hạnh phúc vì có những tấm gương sáng như thế ở giữa cõi đời này vốn dĩ còn nhiều lọc lừa, bon chen, vụ lợi và giả dối. Nếu cha không dạy chúng con, thì ai sẽ là người dạy chúng con những điều này đây?

 

Thưa Cha, chúng con biết sống đời tu là cả một cuộc chiến đấu và hy sinh liên lỉ. Nhân vô thập toàn, cũng là con người đâu ai có thể thể hoàn hảo được. Sống thì có người thương người ghét. Có những người thương Cha, chia sẻ và cộng tác với Cha trong công tác mục vụ và đời sống thường ngày, nhưng cũng không thiếu những người là thánh giá mà Cha phải vác. Người ta có thể chỉ trích và đả kích Cha không thương tiếc, người ta có thể chê bai Cha trong khi ngoài mặt vẫn nịnh hót khen ngợi Cha, người ta không thấu hiểu và thông cảm cho những khó khăn và mệt nhọc của đời Linh Mục. Nhưng vẫn còn có chúng con và những lời cầu nguyện của chúng con mỗi ngày dành cho Cha. Cha không thiếu những ‘ân nhân’ âm thầm vẫn mỗi ngày cầu nguyện cho Cha đâu, xin Cha tin chắc như vậy!

 

Là hình ảnh của Chúa Giêsu Cứu Thế trên trần gian, có lẽ kết cục cuộc đời Cha cũng chẳng gì khác hơn là phải đi vào cuộc Thương Khó, vác Thánh Giá rồi chịu đóng đinh, chết với Thầy và như Thầy Chí Thánh, trước khi tiến vào vinh quang Phục Sinh. Chúng con cầu nguyện cho Cha mỗi ngày, để Cha trở nên hình ảnh sống động của Chúa Kitô, vị Linh Mục thượng phẩm đời đời, và của những vị Linh mục thánh thiện đã được Giáo Hội tôn vinh trên bàn thờ. Ước mong sao Cha trở thành Linh mục “như lòng Chúa ước mong và lòng dân mong đợi”.

 

Con Chiên Nhỏ

 

gplongxuyen
--------------------------------
 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH- KẾT QUẢ ĐỌC LỜI CHÚA

KẾT QUẢ VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA:

1/ Lời Chúa Kiến Tạo Đời Sống Khôn Ngoan Cho Chúng Ta

A) Hiểu biết khôn ngoan – Phi-líp 1:9

B) Hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời - Côl. 1:9-13

C) Khôn ngoan trong cách biện giáo, phân biệt tà giáo – 1 Phêrô 3:15

2/ Lời Chúa Giúp Chúng Ta Sống Đắc Thắng.

A) Nhận lãnh ánh sáng chân lý và vượt khỏi bóng tối Êphêsô 4:17-24

B) Tránh xa tội lỗi - Thánh vịnh 119:11

C) Chiến thắng kẻ ác – 1 Gioan 2:14

D) Chiến thắng giáo lý sai lạc - Công vụ 20:29,30,32

3/ Lời Chúa Biến Đổi Chúng Ta Toàn Diện.

A) Đời sống đổi mới -Gioan 20:30,31

B) Đổi mới tâm trí - Gioan 15:3
C) Đổi mới tấm lòng – Rô-ma 12:2

4/ Lời Chúa Giúp Chúng Ta Tăng Trưởng Tâm Linh.

- Làm đức tin thêm mạnh mẽ- Roma 10:17, I Gioan 5: 4

- Lời Chúa Giúp Chúng Ta Ở Trong Sự Tương Giao Mật Thiết Với Chúa.

A) Ở trong lời Chúa - Gioan 15:7

B) Ở trong tình yêu của Chúa - Gioan 15:3-15

C) Ở trong niềm vui – Gioan 15:11

D) Ở trong sự hiệp thông – 2 Côrintô 13:14

E) Ở trong sự vâng lời - Gioan 15: 9-10,14-15

F) Ở trong sự trông cậy - Gioan 15:5

QUÝ VÂN CHUYỂN 16-2-19

-------------------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH -BAC ÁI VỚI NGƯỜI NÓI NHIÊU

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐỨC ÁI VỚI NHỮNG NGƯỜI NÓI HUYÊN THUYÊN

 

Đối diện với những người nói huyên thuyên bất tận đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, dễ thương và có óc khôi hài.

 

Dù trong gia đình, giữa bạn bè, hay ở sở làm, chúng ta ít nhiều đều từng gặp một người huyên thuyên nói không ngừng. Họ kéo dài cuộc họp đến vô tận, kể những kỷ niệm cá nhân không ai buồn quan tâm, cho lời khuyên mà không ai nhờ (khi nào cũng không đúng lúc), hoặc đơn giản là vụng về khi trình bày vấn đề làm mọi người chán mà họ không biết!

 

Cứ tiếp tục làm như vậy thì rồi những người này bị gạt ra bên lề. Vì họ làm mọi người chán, dần dần mọi người tránh xa họ nhưng thực sự những người ba hoa chích chòe này không làm gì xấu. Họ dông dài làm mất thì giờ mọi người, kể một lô chi tiết không cần thiết để đi đến kết luận mà mọi người đã nắm rõ. Nhưng như vậy có phải là lý do chính đáng để chúng ta tránh họ không? Ngược lại, đây có phải là cơ hội để chúng ta triển khai sự thấu cảm và chấp nhận người khác không? Sau đây là bảy lời khuyên để giúp chúng ta chịu đựng được những người nói không ngừng:

 

Nhìn đây như một thay đổi để chúng ta lớn lên trong đức hạnh

Một người nói không ngừng là dịp để chúng ta phát triển tính kiên nhẫn.

 

Dịp tỏ ra tôn trọng và yêu thương

Nếu bạn cho người này thấy, bằng lời hay bằng hành vi (tùy theo mức độ quen biết của bạn) rằng bạn thương họ và họ rất đáng kể với bạn thì họ sẽ không mếch lòng khi bạn khéo léo thay đổi đề tài hay ra một hạn định cho buổi nói chuyện mà bạn không thích.

 

Yêu mến những gì họ mang lại

Bạn đừng gạt họ ra khỏi đời sống xã hội của bạn vì ai cũng có những điều tích cực mang lại cho mình. Có một ngày họ sẽ cám ơn bạn vì bạn đã kiên nhẫn với họ.

 

Hành động nói nhiều hơn là lời

Bạn đừng quên bạn là tấm gương, đặc biệt là cho con cái bạn. Trong bữa ăn gia đình, khi bạn đến nói chuyện với người mà ai cũng tránh, bạn sẽ dạy cho con cái mình đức tính thấu cảm và tình yêu cho người khác. Nếu bạn muốn con cái mình trở thành người có đức ái, bạn phải làm gương cho chúng.

 

Tìm đồng minh

Bạn tìm người nào yêu thích người bạn huyên thuyên này, rồi cùng họ kiên nhẫn nghe và làm sao để người này đừng độc thoại vô tận.

 

Hãy chủ động

Khi bạn nói chuyện với một người có “nguy cơ” huyên thuyên, bạn hướng câu chuyện về đề tài mình thích và mời các người khác cùng tham dự. Đừng để cối xay lời lấn hết chỗ mà bạn biết là họ sẽ nói hàng giờ.

 

Xử lý vấn đề với tinh thần hài hước

Bạn có thể vừa tôn trọng vừa khôi hài để xử lý tình trạng này. Một người huyên thuyên ý thức được được họ huyên thuyên, dù họ khó thay đổi nhưng họ cũng có thể… cười theo.

Chúng ta tất cả đều có khiếm khuyết vì thế chúng ta phải luôn kiên nhẫn và yêu thương nhau. Chịu đựng người thông thái rởm là một gánh nặng, nhưng họ, họ sẽ nghĩ gì về chúng ta? Có thể họ cũng khổ vì tính thiếu kiên nhẫn và hời hợt của chúng ta hay với một trong các yếu đuối của chúng ta không đây?

Vì thế chúng ta nên luôn để tâm nhìn sự việc vượt lên các khiếm khuyết, cố gắng nhìn người khác là người mà Chúa đã tạo dựng bằng tình thương để họ sẽ yêu và được yêu.

Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn)

------------------------------------------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÁNH - THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Thánh Hóa Công Việc

1. Thánh Hóa Công Việc: làm việc vì yêu, làm việc để được sự sống đời đời

Lời Chúa nói:  “Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” (Mt 25, 21)

Phàm ai cũng phải tìm kiếm công việc và làm việc cho có hiệu quả để không chỉ nuôi sống được mình, nuôi sống gia đình mình mà còn là để giúp đỡ người khác thăng tiến cuộc sống xứng với nhân phẩm.

Ai không tha thiết tìm việc làm là người lưỡi lĩnh sống bám, vô dụng.

Ai có công việc mà không tích cực làm việc là người gian ngoa sống dối.

Ai làm việc mà cậy sức cậy tài của mình, không cậy sức Chúa là người kiêu căng dại dột.

Ai làm việc vì mục đích tích trữ của cải vật chất để hưởng thụ cuộc sống trần gian này là người tham lam, ảo tưởng.

Ai làm việc mà không vì yêu mến gia đình, tha nhân là người làm việc không phải để sống, mà là làm việc để chết.

Vâng, ai cũng phải làm việc, nhưng cách làm việc, mục đích làm việc, ý hướng làm việc thì hầu như khác nhau. Chúa Giê-su muốn các Ki-tô hữu hãy tích cực làm việc, nhưng không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì cuộc sống trường sinh. Hãy bỏ đi cách làm việc với tính hư lười lĩnh sống bám, gian ngoa sống dối, kiêu căng dại dột, tham lam ảo tưởng, ích kỷ đơn độc. Hãy siêng năng, chân thành, khiêm nhượng cậy trông và nhất là làm tất cả các việc vì yêu mến Chúa, vì yêu thương người, vì hạnh phúc của mọi người.

Mỗi người có thể khác nhau về khả năng, về vốn liếng Chúa ban, nhưng hãy giống nhau về ý hướng và mục đích làm việc: Làm việc vì yêu Chúa, yêu người, làm việc đời này để được hạnh phúc đời sau. Không có việc nhỏ, chỉ có lòng yêu nhỏ. Hãy làm tất cả các việc nhỏ lớn, với trọn vẹn lòng yêu của mình. Ấy chính là người trung tín với Chúa, Đấng đã làm tất cả vì yêu. Muốn được vậy, hãy mời Chúa cùng làm việc với ta, từ việc nhỏ đến việc lớn. Hãy kết hiệp với Chúa luôn luôn, ngay cả lúc chúng ta dự định công việc cũng như thực hiện điều đã dự định. 

 

2. Thánh Hóa Công Việc: làm “việc phải làm”, không  làm “việc thích làm”.

Việc phải làm là việc làm theo ý Chúa. Việc thích làm là việc làm theo ý thích của ta, cho thỏa mãn cái riêng của lòng ta. Chúa Giê-su cho biết cách làm việc của Người: “Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm” (Ga, 5, 20)

Chúa Giê-su không làm việc mình thích làm, nhưng Người đã hân hoan làm “việc phải làm” theo ý Chúa Cha. Người vâng phục nhưng hoàn toàn tự do, bởi lòng yêu thương của người gắn liền với mỗi công việc dù nhỏ hay lớn. Hãy noi gương Chúa Giê-su mà làm tất cả các việc với ý hướng “việc phải làm” vì lòng yêu mến Chúa Cha, vì yêu thương con người.

Đừng tìm việc mình thích làm cho thỏa mãn cái đam mê riêng tư của mình, nhưng hãy tìm cho ra thánh ý Chúa khi làm việc để sinh ích lợi phần xác phần hồn cho mình và cho mọi người. Việc gì mà không sinh ích lợi phần xác, phần hồn cho mình và cho người khác, hãy coi chừng ấy là việc tội lỗi, hoặc là việc dẫn đến tội lỗi!

Mỗi người đều được gọi vào làm vườn nho của Chúa, nhưng công việc thì khác nhau, kẻ cày xới, người làm cỏ, kẻ tưới tắm, người thu hoạch… Công việc của mỗi người khác nhau nhưng tất cả cùng theo sự sắp xếp và điều khiển của chủ vườn là Thiên Chúa. Vì thế, hãy kết hiệp với Chúa để được Người sắp xếp bố trí đúng việc cho vinh danh Người và sinh ích lợi cho phần rỗi của ta và của mọi người.

Trong suy tư ấy, hãy cảm tạ Chúa vì công việc của ta và công việc của người khác. Đừng lầm tưởng công việc của ta có giá trị hơn công việc của người khác, và xem thường hoặc không quý chuộng công việc của người khác. Hãy biết rằng, giá trị công việc không phải ở chỗ lớn hay nhỏ, nhưng giá trị ở chỗ làm vì yêu mến vâng phục Chúa nhiều hay ít. Đừng lầm tưởng việc của cô bán rau cả đời, việc của anh bán hủ tiếu gõ cả đời là không có giá trị bằng việc ông tiến sĩ, việc của ông giáo sư… nhưng hãy biết rằng ai cũng phải làm đúng “việc mình phải làm” để nên thánh.  

 

3. Thánh Hóa Công Việc: làm  việc với lòng tin, cậy, mến Chúa.

Chúa Giê-su nói:  “Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”. (Mc 4, 27)

Chúng ta gieo hạt giống. Chúa cho mọc lên và sinh hoa kết quả. Đó phải là niềm xác của mỗi Ki-tô hữu trong công ăn việc làm.

Niềm xác tín ấy biểu lộ lòng khiêm nhượng biết mình hèn mọn, nếu không nói là bất lực trước chính cuộc sống của mình. Niềm xác tín ấy còn nói lên lòng cậy trông vững vàng vào quyền năng và tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng chính niềm xác tín ấy mang lại cho chúng ta sự bình an thánh thiện, bởi không thể kiêu căng tự phụ lúc thành công, và cũng không u sầu thất vọng khi thất bại. Thành bại trong công ăn việc làm đều không ngoài thánh ý khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta điều tốt nhất, khi ta hoàn toàn tin tưởng cậy trông nơi Người. Vì thế, kể cả điều mà lòng trí trần gian cho là thất bại, thì cũng là tình yêu vô biên của Chúa, cũng là lý do chính đáng để tạ ơn Người.

Điều quan trọng là hãy quý chuộng thời gian Chúa ban, hãy quý chuộng tài năng, sức khỏe Chúa ban, và siêng năng làm việc. Đừng phung phí thời gian, tài năng, sức khỏe Chúa ban vào những việc vô bổ, những việc không sinh ích lợi gì cho phần rỗi đời đời của chính mình và của tha nhân, nhất là đừng phung phí thời gian, tài năng, tiền bạc, sức khỏe vào những việc bất chính, tội lỗi. Nếu người còn trẻ, còn khỏe, có việc của người trẻ, người khỏe là kiếm cái ăn cái sống cho mình và cho gia đình, thì người già cả yếu đau cũng có việc của người già yếu bệnh tật, đó là luôn nhớ đến Chúa, luôn kết hiệp với Chúa trong tâm tình tạ ơn cho mình và xin ơn cho người, cho con cái…Bao lâu còn sống trên đời, bấy lâu còn việc, việc của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Ngày mùng 3 tết, thiết tưởng chúng ta không chỉ xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, mà còn phải cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa.

Hãy cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe, tuân giữ, và thi hành đúng như Lời Chúa Giê-su dạy,đúng như ý Thiên Chúa muốn.

Bấy giờ, thời gian và công việc trở nên quý giá và ý nghĩa cho phần rỗi chúng ta, cho phần rỗi mọi người.

PM. Cao Huy Hoàng, 01-02-2019

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH -HY SINH VÀ ĐAU KHỔ

TRUYỆN  NHÀ ĐẠO
 
Lấy hy sinh và đau khổ để làm việc tông đồ 

Người ta có thể chịu đau khổ như người ngoại giáo, như người bị trầm luân hoả ngục hoặc như một đấng thánh.

Để được chịu đau khổ như Chúa Giêsu, tiên vàn phải tập chịu đau khổ như đấng thánh. Chốc ấy, đau khổ sẽ làm ích cho bản thân chúng ta, rồi mới đem áp dụng mầu nhiệm đau khổ trên các linh hồn: "Tôi bổ khuyết sự Thương Khó Chúa Giêsu còn thiếu trong xác thịt tôi và vì Nhiệm Thể của Chúa là Giáo Hội" (Cl 1,24)....

Linh mục Faber nói: "Đau khổ là Bí Tích cao cả hơn hết". Vị tôn sư nầy đã nhấn mạnh vào sự cần thiết và vinh dự của đau khổ. Tất cả các lý lẽ ngài nêu ra, đều có thể áp dụng vào sự phong phú của hoạt động tông đồ.
 
Do sựu liên kết mật thiết đau khổ của vị tông đồ với hy sinh của Chúa Cứu Thế trên đồi Gôngôta, nhờ đó, ngài mới được tham gia ơn ích bởi Máu Thánh Chúa (Hồn Tông Đồ).
 
gpvinhlong
------------------------------