Người Tín Hữu Trưởng Thành

NGƯỜI TIN HUU TRƯỞNG THÀNH - PHUC VỤ TRONG TRẬT TỰ

ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

           ----------------

Phục Vụ Trong Trật Tự

Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, có người đã trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng, nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?

Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn bộ Tin mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.

Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình.

Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.

Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe.

Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).

Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).

Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi.

Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây, con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.

Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.

Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1-      Cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói với mình, là gặp gỡ Chúa trong tình con thảo. Hiện nay bạn cầu nguyện thế nào? Có sốt sắng không? Có nhiều thời gian cầu nguyện không?

2-      Bạn đọc kinh nhiều, nhưng bạn có cầm trí không, hay chỉ đọc như máy?

3-      Khi phục vụ, bạn có thực sự quên mình, hay phục vụ để được tiếng là người đạo đức, để hơn người?

4-      Muốn việc phục vụ thực sự tốt đẹp, ta cần có thái độ nào?

TGM. Ngô Quang Kiệt

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH -ĐI RAO GIẢNG NƯỚC CHÚA

Chi Tran 
 

Huớng dẫn rao giảng về Nước Thiên Chúa.

11/07 – Thứ Năm tuần 14 thường niên – Thánh Bênêđictô, viện phụ. Lễ nhớ.

"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

 

* Chào đời quãng năm 480 tại Noóc-xi-a (Um-ri-a). Sau một thời gian theo học ở Rôma, Bênêđictô rút lui vào một hang ở Xu-bi-a-cô và bắt đầu sống đời ẩn sĩ, chiêu mộ các đồ đệ rồi chuyển đến Montê Cátxinô. Tại đây, người lập một đan viện thời danh, chính người soạn tu luật cho đan viện. Sau này tu luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây”. Người qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547.

Từ cuối thế kỷ 8, người đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 7.

Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 ra tông thư “sứ giả hòa bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.

 

Lời Chúa: Mt 10, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:

"Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".


Suy Niệm : Chỉ thị truyền giáo

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin Mừng: Hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỷ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước Trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Liên hệ đến tâm thức và cách sống của nhà truyền giáo, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần vị tha, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Ðã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Ðừng mang vàng bạc, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy. Vì thợ thì có quyền được nuôi ăn. Khi vào nhà nào thì hãy chào thăm và chúc lành cho nhà đó.

Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.

*SUY TƯ VÀ QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG:

BẠN VÀ TÔI luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng Nước Chúa nơi trần gian. NHỜ THÁNH THẦN giải thoát CHÚNG CON khỏi những hành trang vô ích, dư thừa, cản trở việc rao giảng Tin Mừng, để KHÔNG AI không lạc bước trong khi thi hành sứ mệnh cao cả đã lãnh nhận.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

----------------------------------

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH -

Thứ Ba


Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) St 19, 15-29

"Chúa cho mưa sinh diêm và lửa xuống trên thành Sôđôma và Gômôra".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, các thiên thần hối thúc ông Lót rằng: "Hãy chỗi dậy đem vợ và hai con gái của ngươi đi, kẻo chính ngươi cũng phải chết lây vì tội của thành Sôđôma!" Khi ông Lót còn đang do dự, các thiên thần nắm tay ông cùng vợ ông và hai con gái ông, vì Chúa muốn cứu thoát ông. Các thiên thần kéo ông ra ngoài thành và nói: "Ngươi muốn sống thì hãy chạy đi, đừng nhìn lại phía sau; cũng đừng dừng lại nơi nào cả trong miền quanh đây, nhưng hãy trốn lên núi, để khỏi chết lây!" Ông Lót thưa: "Lạy Chúa tôi, tôi van xin Ngài: Tôi tớ Chúa đã được Chúa thương yêu, và Chúa đã tỏ lòng khoan dung đại độ gìn giữ mạng sống tôi. Tôi không thể trốn lên núi kẻo gặp sự dữ mà chết mất. Gần đây có một thành phố nhỏ, tôi có thể chạy tới đó và thoát nạn. Thành đó chẳng nhỏ bé sao, xin cho tôi ẩn tránh tại đó để được sống". Thiên thần nói: "Thôi được, ta cũng chiều ý ngươi xin mà không tàn phá thành ngươi đã nói tới. Ngươi hãy mau mau trốn thoát tới đó, vì ta chẳng làm được gì trước khi ngươi đi tới đó". Bởi đó đã gọi tên thành ấy là Sêgor.

Mặt trời vừa mọc lên thì ông Lót vào đến thành Sêgor. Vậy Thiên Chúa cho mưa sinh diêm và lửa từ trời xuống trên thành Sôđôma và Gômôra. Người huỷ diệt các thành này, cả miền chung quanh, toàn thể dân cư trong thành cùng các giống xanh tươi trên đất. Bà vợ ông Lót nhìn lại phía sau, nên đã biến thành tượng muối.

Sáng sớm (hôm sau) ông Abraham thức dậy, đi đến nơi ông đã đứng hầu Chúa trước đây, ông nhìn về phía thành Sôđôma, và Gômôra và cả miền ấy, ông thấy khói từ đất bốc lên cao như khói một lò lửa hồng.

Khi Chúa phá huỷ các thành trong miền ấy, Người đã nhớ đến Abraham mà cứu ông Lót thoát cảnh tàn phá tại các thành mà ông đã cư ngụ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 25, 2-3. 9-10. 11-12

Ðáp: Lạy Chúa, con nhìn xem tình thương Ngài trước mắt (c. 3a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin hãy thăm dò và thử thách con, xin Ngài luyện lọc thận tạng và tâm can. Vì con nhìn xem tình thương Ngài trước mắt, và con sống theo chân lý của Ngài. - Ðáp.

2) Xin đừng cất linh hồn con cùng linh hồn người tội lỗi, đừng cất mạng sống con cùng mạng sống kẻ sát nhân; bọn người này nắm chặt tội ác trong tay, và tay hữu chúng ôm đầy lễ vật. - Ðáp.

3) Phần con, con vẫn sống tinh toàn, xin Ngài giải thoát và xót thương con. Chân con đứng vững trong đường bằng phẳng, trong các buổi hội họp, con sẽ chúc tụng Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 8, 23-27

"Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm


Muốn sống thì đừng nhìn lại

 

Bài Phúc Âm hôm nay của Thánh ký Mathêu (8:23-27) tương tự như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B. 

 

Tương tự ở 3 điểm sau đây: 1- thày trò đang ở trên cùng một thuyền thì "biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ"; 2cảm thấy hoảng sợ "Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!'"; 3sau khi thấy Người dẹp yên bão tố xong thì các môn đệ tỏ vẻ kinh ngạc về Người: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?".

 

Thế nhưng, có một chi tiết hơi khác nhau giữa 2 bài phúc âm cùng thuật về một biến cố, đó là thái độ của Chúa Giêsu trước tâm trạng của các môn đệ khi gặp nạn bấy giờ. Trong khi ở bài Phúc Âm Thánh ký Marco Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió đã rồi mới lên tiếng khiển trách lòng tin của các môn đệ: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?", thì ở bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay Người lại khiển trách các vị trước khi ra tay dẹp yên bảo tố: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" 

 

Trong câu Chúa Giêsu khiển trách sau khi dẹp yên bão tố, vấn đề sợ hãi trước rồi mới tới đức tin sau, như thể Người muốn nói với các vị rằng: "Vì các con sợ nên các con mới yếu tin, nên Thày đã tỏ quyền năng của Thày ra để các con tin vào Thày hầu sau này có bị nạn các con không sợ hãi nữa"; còn ở câu Người khiển trách trước khi ra tay khuất phục sóng gió, vấn đề đức tin trước sợ hãi sau, như thể Người muốn nói với các vị rằng: "Vì các con yếu tin nên các con mới sợ, bởi vậy Thày sẽ tỏ cho các con biết Thày là ai để các con lần sau không cảm thấy sợ hãi nữa khi Thày đang ở với các con". 

 

Trong bài đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, từ Sách Khởi Nguyên (19:15-29), Thiên Chúa cũng đã ra tay cứu Lot và gia đình của người cháu Abraham này khi Ngài ra tay thiêu hủy thánh Sođôma và Gômôra, và sở dĩ gia đình người cháu này được cứu là nhờ ở vị tổ phụ công chính luôn tin tưởng vào Chúa ấy: "Khi Chúa phá huỷ các thành trong miền ấy, Người đã nhớ đến Abraham mà cứu ông Lót thoát cảnh tàn phá tại các thành mà ông đã cư ngụ.".

 

Thiên Chúa đã vì Abraham mà cứu cháu Lot của ông và gia đình cháu, đến độ, như Sách Khởi Nguyên trong bài đọc 1 hôm nay kể: "Khi ông Lót còn đang do dự, các thiên thần nắm tay ông cùng vợ ông và hai con gái ông, vì Chúa muốn cứu thoát ông. Các thiên thần kéo ông ra ngoài thành và nói: 'Ngươi muốn sống thì hãy chạy đi, đừng nhìn lại phía sau; cũng đừng dừng lại nơi nào cả trong miền quanh đây, nhưng hãy trốn lên núi, để khỏi chết lây!'"

 

Sở dĩ người cháu này của tổ phụ Abraham tỏ ra lưỡng lự không phải vì tiếc của hay vì không tin vào thần sứ của Thiên Chúa cho bằng xin chạy đi lánh nạn ở một thành phố nhỏ gần đó hơn là lên núi: "Lạy Chúa tôi, tôi van xin Ngài: Tôi tớ Chúa đã được Chúa thương yêu, và Chúa đã tỏ lòng khoan dung đại độ gìn giữ mạng sống tôi. Tôi không thể trốn lên núi kẻo gặp sự dữ mà chết mất. Gần đây có một thành phố nhỏ, tôi có thể chạy tới đó và thoát nạn. Thành đó chẳng nhỏ bé sao, xin cho tôi ẩn tránh tại đó để được sống".

 

Thiên Chúa chẳng những đã chiều theo ý của người cháu này mà còn vì người cháu ấy mà không thiêu hủy thành mà người cháu ấy ngỏ ý muốn đến trú ẩn nữa: "'Thôi được, ta cũng chiều ý ngươi xin mà không tàn phá thành ngươi đã nói tới. Ngươi hãy mau mau trốn thoát tới đó, vì ta chẳng làm được gì trước khi ngươi đi tới đó'. Bởi vậy thành ấy được gọi là Segor. Mặt trời vừa mọc lên thì ông Lót vào đến thành Segor. Vậy Thiên Chúa cho mưa sinh diêm và lửa từ trời xuống trên thành Sôđôma và Gômôra". 

 

Như thế, chúng ta thấy, chính nhờ đức tin được thể hiện qua đời sống công chính mà Abraham đã cứu được gia đình cháu Lot của ông khỏi bị thiêu hủy trong thành mà cháu đã sống, và cũng nhờ đức tin công chính của người cháu Lót này của ông mà thành phố có sự hiện diện của người cháu ấy đã thoát bị thiêu hủy. 

 

Trong Bài Đáp Ca hôm nay, được trích từ Thánh Vịnh 25 (2-3,9-10,11-12), tâm tình của thành phần công chính, như của tổ phụ Abraham hay của Cháu Lot của ông, đã được bày tỏ cùng Thiên Chúa như sau:

 

1) Lạy Chúa, xin hãy thăm dò và thử thách con, xin Ngài luyện lọc thận tạng và tâm can. Vì con nhìn xem tình thương Ngài trước mắt, và con sống theo chân lý của Ngài. 

 

2) Xin đừng cất linh hồn con cùng linh hồn người tội lỗi, đừng cất mạng sống con cùng mạng sống kẻ sát nhân; bọn người này nắm chặt tội ác trong tay, và tay hữu chúng ôm đầy lễ vật.

 

3) Phần con, con vẫn sống tinh toàn, xin Ngài giải thoát và xót thương con. Chân con đứng vững trong đường bằng phẳng, trong các buổi hội họp, con sẽ chúc tụng Chúa. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

TN.XIIIL-3.mp3  

-------------------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH -CẦU CÙNG THÁNH GIUSE

Cầu nguyện cùng Thánh Giuse về đức khiết tịnh

   
Thánh Giuse luôn được tôn kính một cách đặc biệt trong phụng vụ của Giáo Hội bởi vì Thánh Giuse là một trong 3 nhân tố tạo thành Thánh Gia. Các sách thánh khi đề cập đến Thánh Giuse thường xem Ngài như là một mẫu mực của con người công chính, trầm lặng, bao dung, yêu lao động và nổi bật với đức khiết tịnh.
Cầu nguyện cùng Thánh Giuse về đức khiết tịnh
Thánh Giuse luôn được tôn kính một cách đặc biệt trong phụng vụ của Giáo Hội bởi vì Thánh Giuse là một trong 3 nhân tố tạo thành Thánh Gia. Mẹ Maria và Chúa Giêsu ở các thời điểm nhất định phải cậy nhờ đến sự chắc chắn của Ngài trong khoảng thời gian trên trần thế. Các sách thánh khi đề cập đến Thánh Giuse thường xem Ngài như là một mẫu mực của con người công chính, trầm lặng, bao dung, yêu lao động và nổi bật với đức khiết tịnh.

Thuật ngữ khiết tịnh được dùng phổ biến với Công giáo trong khi một thuật ngữ tương đương khác được thường thấy trong đời thường là sự trong sạch. Khiết tịnh là một nhân đức được kêu gọi cho tất cả các Kitô hữu không phân biệt giáo dân hay tu sĩ. Phụ thuộc vào vai trò của mỗi người trong cộng đồng mà sự thể hiện, yêu cầu về nhân đức này là khác nhau. Trong hôn nhân, đức khiết tịnh được định nghĩa là sự hủy bỏ những lạc thú nhục dục bị cấm, biết sử dụng quyền hôn nhân cách vừa phải. Trong khi đó, với các bậc tu sĩ khiết tịnh là một trong ba lời khấn bắt buộc và được xem là lời khấn quan trọng nhất. Khiết tịnh với họ là một sự lựa chọn tự do nhằm dành trọn tâm nguyện hướng tới Chúa, đến tha nhân và đạt đến quan hệ mật thiết với Thiên Chúa-đấng Chí Thánh.

Một vấn đề đặt ra tại sao đức khiết tịnh là một yêu cầu quan trọng của đạo Công giáo? Có bốn nguyên nhân chính sau: 1. Bởi vì thân thể của con người chính là đền thờ, mà chính ta mời gọi Chúa Giêsu ngự vào, nhất là sau khi đón nhận bí tích Thánh thể. 2. Trong bảy mối tội đầu- tội của mọi thứ tội-mê dâm dục được đứng thứ ba. 3. Trong tám mối phúc thật mà Chúa truyền dạy, sự trong sạch đứng hàng thứ sáu: "Phúc cho những kẻ tinh sạch trong lòng vì họ sẽ thấy Thiên Chúa" (Mt 5, 8). 4. Chiến thắng được bản thân sẽ giúp con người tăng cường sự mạnh mẽ về bản lĩnh, ý chí. Chúng là các tính cách quan trọng giúp con người dễ thành công cũng như vựơt qua các thử thách nghiệt ngã khác.

Dù biết đức khiết tịnh là quan trọng với mọi Kitô hữu, nhưng để chiến thắng được những đam mê xác thịt có tính bản năng, con người phải có các phương sách thích ứng. Thượng sách là biết khiêm cung, liên lũy cầu xin tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống. Ăn chay được coi là phương sách thứ hai. Ăn chay giúp ta tiết chế và điều khiển các ham muốn liên quan đến xác thịt khá hữu hiệu. Trong Tin mừng Chúa Giêsu cũng đã nói 2 phương thuốc hữu hiệu này dùng để chiến thắng thần ô uế ở Macco 9, 29 "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay". Chúng ta biết tự nhủ rằng tinh thần có thể mau mắn nhưng thân xác thì luôn nặng nề. Nếu chúng ta biết rằng Chúa Giêsu sẽ rất đau buồn khi chứng kiến người con của Ngài là kẻ bại trận trong cuộc chiến đam mê này, chúng ta sẽ rất cảnh giác vượt qua ranh giới phạm tội mong manh ấy. Chúng ta không thể để một Người Cha yêu mến chúng ta đến tận cùng cứ tiếp tục đau khổ vì những đam mê phù vân của những người con. Và Ngài sẽ vui mừng khi chứng kiến sự chiến thắng của những học trò Ngài.

Phân tích nhân đức này ở một chiều kích khác-kẻ thù của đức khiết tịnh là ai? Trên hết và trước hết chính là thân xác rất yếu đuối của con người, là những thỏa hiệp, các chọn lựa dễ dãi cho bản thân và là sự lạm dụng tình yêu bao la của Thiên Chúa. Kế đến là các phương tiện truyền thông, những người bạn xấu xí quanh ta.

Đức khiết tịnh là hồng ân của Thiên Chúa và sự nổ lực của con người vì tình yêu đối với Ngài. Sống khiết tịnh giữa cuộc sống trần thế có thể là sự điên rồ nhưng lại là khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và chỉ có Ngài mới thấu hiểu vì sao chúng ta chọn con đường hẹp có tên khiết tịnh để dấn bước. Tin mừng Mathew 19, 11 nêu rõ ""Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.".

Lạy Thánh Giuse, chúng con là những phận người mang trong một thân xác rất yếu đuối và đầy tội lỗi, xin Ngài giúp đở để chúng con đủ dũng khí bỏ qua các đam mê tầm thường và tìm thấy niềm vui theo bước chân Cha. Xin luôn bên cạnh nhắc nhở để chúng con biết rằng thân xác chúng con là đền thờ Chúa Thánh Thần và chúng con biết tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng con . 

 Tác giả bài viết: Gia Tuấn Anh
------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - CẦN PHÓ THÁC

SỢ TRÌU MẾN SẼ BÓP NGHẸT TÂM HỒN

 

“Ai mà quả tim không mềm yếu thì một ngày nào đó cái đầu sẽ mềm yếu!” Cách đây hơn nửa thế kỷ, G.K.Chesterton đã nói như thế và đến nay câu này vẫn chưa mất tính thời sự, ngày nay mọi sự như đi ngược với những gì là hiền dịu và yếu mềm.

 

 

Bây giờ ở đâu ai cũng nói với giọng điệu nghề nghiệp, hiệu năng đến cứng rắn, cạnh tranh và quyền lực. Trong môi trường làm việc và đôi khi cả trong gia đình, trong giới tu sĩ, cũng không có bao nhiêu chỗ cho cái gọi là “mềm yếu”, ít hiệu năng, tình cảm hay chậm chạp.

Chỉ cần kêu gọi nên nhẹ nhàng, nên dịu hiền để cho không khí được thoải mái là cũng đã làm cho người khác nghĩ sai về mình, thiếu tôn trọng mình. Thế giới chúng ta không dành chỗ cho những gì gọi là tình cảm, tính không chuyên nghiệp, kém hiệu năng, chậm chạp, yếu mềm và mong manh. Tính cứng rắn và thành tích được tôn trọng hơn.

Vì vậy đôi khi chúng ta cảm thấy môi trường làm việc và ngay cả trong gia đình có cái gì đó lạnh lẽo và vô cảm. Tuy nhiên trên thực tế cảm giác này là do nỗi sợ hãi của chúng ta.

Để tránh bị nhìn dưới khía cạnh xấu, bị cho là yếu mềm, chậm chạp, trẻ con, không chịu được áp lực, không đạt được các tiêu chuẩn của tính cứng rắn và hiệu năng nên chúng ta chấp nhận tất cả các hạn chế.

Đây là điều không nên nhưng trên thực tế nó lại xảy ra như vậy. Chúng ta không nên sợ mấy loại này nhưng thường thì chúng ta sợ. Thực tế chúng ta thường sống và làm việc trong bầu khí lạnh lẽo và vô cảm.

Trong các điều kiện này, chúng ta dễ trở nên cay đắng, lạnh lùng, chai cứng vì tinh thần ganh đua. Tiến trình này âm thầm diễn ra giống tiến trình lão hóa và bạc tóc, từ từ và khó nhận thấy. Chúng ta nhìn gương mỗi ngày và nghĩ mình cũng giống như mọi ngày… cho đến khi nhìn lại bức ảnh cũ: chúng ta choáng váng thấy mình đã thay đổi quá nhiều.

Nếu các bức ảnh cũ có thể phản ảnh tinh thần năng hoạt, tính hồn nhiên, lòng hăng say đón tiếp, lòng thương xót, niềm hân hoan vui sống thì chắc nhiều người trong chúng ta sẽ choáng khi thấy mình thay đổi quá nhiều, mình đã chai đá theo năm tháng. Sự lạnh lùng, tính dè chừng, chai cứng trước những người xa lạ với chúng ta, bây giờ nó phản ảnh qua ánh nhìn, qua cách hành động và đau khổ thay, nó đã ở trong quả tim chúng ta. Đúng, tất cả thay đổi từ từ. Chúng ta thay đổi, chúng ta tạo một võ bọc và trở thành con người mà trước đây chúng ta không nghĩ mình sẽ chọn kiểu người này để làm bạn.

Vì thế, thì giờ dành để cầu nguyện mỗi ngày là thì giờ quan trọng nhất để chúng ta trở nên dịu hiền, để tinh thần chúng ta linh hoạt trở lại, mang lại lòng hiếu khách, tình thương xót, niềm hân hoan vui sống như ngày xưa.

Cầu nguyện không chỉ là cầu nguyện thành lời. Chúng ta được mời gọi “cầu nguyện liên lỉ.” Có nghĩa là cầu nguyện trong khi làm bất cứ việc gì, chứ không phải chỉ ngồi đọc kinh.

Cầu nguyện liên lỉ, như Đức Giê-su nói, có nghĩa là đọc các dấu hiệu của thời gian, là nhìn các biến chuyển đã hình thành cuộc sống chúng ta, đọc ra dấu chỉ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngôn ngữ của Thiên Chúa là trải nghiệm Thiên Chúa ghi trong cuộc sống chúng ta. Cầu nguyện, có nghĩa là đọc cuộc sống mình theo đức tin.

Tôi nghĩ phương cách quan trọng nhất mà chúng ta nên theo hôm nay là nhìn lại, đọc theo đức tin, đón nhận như một lời cầu nguyện, một ân sủng các giây phút đã làm cho tâm hồn chúng ta dịu lại, làm chúng ta cảm thấy mình mong manh, gợi lên trong lòng chúng ta tình thương xót, nhiệt tình đón tiếp người khác, tạo cho chúng ta tình đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung. Có ý thức sẽ làm quả tim mềm dịu.

Thế giới có thể chai cứng và, nếu chúng ta không ý thức, chúng ta không xoa dịu quả tim bằng các giây phút dịu dàng cầu nguyện, thì chúng ta cũng sẽ chai cứng, lạnh lùng, hờ hững, không thân thiện tiếp đón, chúng ta cũng giống như họ mà thôi.

Thi hào Anh William Wordsworth quan sát và thấy thường thường người nào có vẽ như lạnh lùng là chỉ vì họ bị tổn thương. Tôi nghi cũng vì lý do này mà nhiều người trong chúng ta toát ra kiểu lạnh lùng này.

Phải cầu nguyện để đón nhận giây phút hiền dịu lên và để ân sủng của nó làm chúng ta trở nên dịu dàng.

Cái gì làm cho một giây phút trở nên dịu dàng? Tất cả những gì trong cuộc sống giúp chúng ta ý thức mình có môi giây sâu đậm thắt chặt lẫn nhau, các khó khăn cùng chia sẻ với nhau, các tổn thương chung, các tội lỗi giống nhau, nhu cầu cần giúp đỡ nhau: khuôn mặt đau khổ của người khác phản chiếu nỗi đau của chính mình, ý thức về cái chết thể lý, chấp nhận mình có tội, nét đẹp của thiên nhiên, lòng hăng hái và thơ ngây của trẻ con, cái mong manh của tuổi già, và dĩ nhiên, đặc biệt là những giây phút của tình mật thiết, tình bạn, các lễ hội, những giây phút hân hoan, đau khổ, mong manh cùng chia sẻ với nhau.

Thánh Gio-an Thánh Giá cho rằng vai trò của cô tịch là “để người hiền hòa nhịp với sự  dịu dàng.” Các giây phút dịu dàng là những giây phút cầu nguyện sâu đậm.

Chúng ta cần có nhiều giây phút như vậy nếu không cái lạnh lùng và vô cảm của môi trường chung quanh sẽ làm chúng ta lạnh lùng và vô cảm theo. Mỗi ngày chúng ta cần đón nhận giây phút dịu dàng này.

Chesterton cũng đã nói: “Những gì nhanh nhất là những gì mềm mại nhất. Chim muông nhanh nhẹn vì chúng mềm mại. Đá tê liệt vì nó cứng. Do bản chất của nó, hòn đá phải rơi xuống, bởi vì vật gì càng cứng thì càng yếu. Do bản chất của nó, loài chim bay cao, vì tất cả những gì mong manh đều có sức mạnh.” (Orthodoxy)

Ronald Rolheiser 

Nguyễn Kim An dịch