Người Tín Hữu Trưởng Thành

NGUOI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH -GIẤC MƠ CHO NGƯỜI TỴ NẠN -

Giấc mơ của Silvia Maffi và ngôi nhà dành cho người tị nạn

 

Người tị nạn ở Sicilia (ANSA)
 
Silvia Maffi, một thiếu nữ đã qua đời đột ngột ở tuổi 20. Sau một chuyến đi thực tế, chứng kiến sự khốn cùng của những người tị nạn ở vùng biển Sicilia, Italia, Silvia đã muốn làm một điều gì đó cho những người tị nạn này. Giáo xứ Cuneo của cô cùng với cha mẹ cô đã mở một căn nhà để tiếp nhận những người cần được giúp đỡ, đáp ứng ước mơ của cô.
 

Trải nghiệm sau một chuyến đi thực tế

“Với đôi mắt của mình tôi đã nhìn thấy tình người rất đơn sơ và tinh khiết. Tình người mà tôi có được từ các em bé, các phụ nữ với nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt, và trong đôi mắt đầy ước muốn sống; tình người của những người đang làm việc nơi các trung tâm tiếp nhận. Một tình cảm mà có thể họ đã bị mất đi vì những khó khăn của cuộc sống”. Đây là những trải nghiệm được chính Silvia Maffi viết sau một chuyến đi du lịch vào mùa hè năm 2017. Cô đến Sicilia để tận mắt chứng kiến những điều mà những người tị nạn phải sống. Cha mẹ của Silvia đã tặng Sivia một số tiền nhân dịp sinh nhật lần thứ 20 để Silvia có thể đi chơi với bạn bè. Nhưng với số tiền này cô đã chọn Sicilia để tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người di dân.

Mẹ của Sivila, bà Grazia kể lại: “Trải nghiệm này của Sivia đã tạo một ấn tượng sâu sắc nơi chúng tôi. Vì vậy chúng tôi đã quyết định cùng nhau đến giáo xứ Trái tim Đức Maria Vô Nhiễm để tham gia một buổi gặp gỡ, lắng nghe kinh nghiệm của bác sĩ Vincenzo Morello, người đã đến Cuneo ngày 26 tháng 02 2017. Tại thời điểm đó Silvia vừa trải qua cuộc giải phẩu đầu gối cho nên cô phải dùng nạng để di chuyển. Lời chứng của bác sĩ Vincenzo thật thuyết phục. Chính vì thế tôi hiểu tại sao con gái tôi được đánh động, ngay cả khi cô không nói nhiều khi trở về nhà”. Cũng chính trong đêm đó, một cơn đau tim đã mang Silvia ra đi, cùng với những gì mà Thiên Chúa đã trao ban cho cô: một mái tóc dài, xoăn đầy sức sống, nụ cười ấm áp và dịu dàng như chính tâm hồn cô, đôi mắt màu lục nhạt tuyệt vời, đầy tràn tình yêu cuộc sống. Mẹ của Silvia nói: “Điều này thật khó đón nhận, tôi biết tôi sẽ không thể ôm lấy con tôi ít ra một lẫn nữa. Silvia yêu cuộc sống rất nhiều, thích được dấn thân trong mọi lãnh vực. Tôi không thể buông tay bởi vì cô bé không cho phép tôi làm điều này, tôi biết chúng tôi sẽ ở bên nhau một lần nữa bởi vì chúng tôi có đức tin, chúng tôi là Kitô hữu”

Đức tin của Silvia được lãnh nhận bắt đầu từ gia đình, và với thời gian dần dần được trưởng thành qua những hoạt động thực tế. Cô tham gia học giáo lý, tham gia sinh hoạt mục vụ cùng các bạn và sau đó trở thành linh hoạt viên. Cô dành nhiều thời gian cho các hoạt động của giáo xứ. Ở gia đình, cô quan tâm đến tất cả mọi người từ ông bà đến anh chị em họ hàng. Ngoài ra cô còn là người yêu thiên nhiên, động vật.

Ngôi nhà mang tên Silvia

Với ước mơ của Silvia một ngôi nhà đã được hình thành được gọi là Casa Silvia. Đây là một nơi từ giữa tháng 7/2017 đón tiếp 7 trẻ em nhập cư, các em được xem là “thành phần thứ ba của việc tiếp nhận”, thành phần không nhận được khoản trợ cấp nào. Chính linh mục quản xứ của giáo xứ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, cha Carlo Occelli kể lại rằng cha đã làm việc với Silvia và một nhóm các bạn trẻ khác; một ngày sau sự ra đi của Silvia, khi nghĩ đến ước mơ của Silvia và lập tức quyết tâm thực hiện ước mơ của cô.

Cha của Silvia, ông Riccardo nói: “Những người tị nạn đã có chỗ ở, đã ký hợp đồng, sắp xếp và trang trí nhà cửa. Ngôi nhà của Silvia rất đẹp, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc. Và các bạn trẻ cũng vậy tất cả ở trong ngôi nhà này thật là tốt đẹp”. Cùng với hai cặp tình nguyện viên khác của giáo xứ, cha mẹ của Silvia đang thực hiện sáng kiến: Mỗi ngày họ thăm ngôi nhà để xem mọi sự có ổn không. Hàng tuần tại đây cung cấp các chi phí cần thiết cho các em. Các em cũng nhận được một số tiền thể mua sắm. Trong nhà có một điều phối viên. Mỗi người trong số họ ký hợp đồng về việc tuân giữ các quy tắc.

Ngôi nhà Silvia vùng với các ngôi nhà khác là một phần thực tế ở xung quanh giáo xứ Trái Tim Vô Nhiễm. Đây là những ngôi nhà đón tiếp những người cô đơn, mất việc và mất phẩm giá, họ là những người đang sống ở vỉa hè phố.

Giờ đây họ tìm lại được chính cuộc sống của mình qua sự trợ giúp thực tế của các nhà hảo tâm, họ tìm lại được nhân phẩm, niềm vui. Mảnh vườn của giáo xứ cũng được sử dụng để tạo công ăn việc làm cho những người này.

Từ khu đất này một số loại rau và trái cây được thu hoạt. Những nguồn thực thẩm này và một số thứ khác như sữa, bánh được phân phát cho các gia đình nghèo, cho căn tin của giáo xứ nơi hàng ngày đón tiếp người nghèo. Hoạt động bác ái ở nơi đây không ồn ào, không quảng cáo chỉ đơn giản là những bàn tay và con tim của các thiện nguyện viên.

Vatican News

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - ƠN GỌI LÀM TÍN HỮU

Đọc Thủ Bản 11/11 – 17/11/2018: Ơn gọi làm Tín hữu và hội viên Legio

Legio đề nghị cách sống hơn là cách làm việc. Điều này mang lại một sự huấn luyện nhằm tác động đến mọi lãnh vực của đời sống và mọi giờ phút của đời sống ấy. Nếu anh chị em nào chỉ là hội viên Legio trong thời gian hội họp và khi phân công tác thì chưa sống tinh thần của Legio. Mục đích Legio là giúp hội viên và những ai tiếp cận hội viên sống đầy đủ ơn gọi Tín hữu. Ơn gọi đó bắt nguồn từ Nhiệm tích Thánh Tẩy. Nhờ Rửa tội, chúng ta nên giống Đức Kitô.

“Chúng ta không chỉ trở thành các Kitô khác, nhưng còn trở nên chính Đức Kitô nữa”
(Thánh Augustinô)

Tháp nhập vào Đức Kitô qua phép Rửa, mỗi tín hữu chia sẻ vai trò của Đức Kitô Tư tế, Ngôn sứVương đế.

Chúng ta tham dự vào sứ vụ Tư tế của Đức Kitô bằng việc thờ phượng cá nhân hoặc cộng đồng. Hình thức thờ phượng cao nhất là hy sinh. Bằng việc hy sinh thiêng liêng, chúng ta dâng mình và mọi hoạt động của mình cho Thiên Chúa Cha. Nói về Tín hữu giáo dân, Công đồng Vaticanô II nêu rõ: “Mọi việc làm, kinh nguyện và công việc tông đồ, gia đình và đời sống hôn nhân, công việc hằng ngày, giải trí về tinh thần và thể xác, nếu tất cả được thực hiện trong Thánh Thần. Thật ra ngay cả những nỗi khó nhọc của đời sống, nếu nhẫn nại chịu đựng, thì tất cả đều trở thành hy lễ thiêng liêng được Thiên Chúa chấp nhận, nhờ Đức Giêsu Kitô (1Pr 2,5). Trong việc cử hành phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật trên vô cùng thích hợp, để cùng với Mình Máu Thánh Chúa hiến dâng lên Chúa Cha. Như thế việc thờ phượng khắp mọi nơi theo các sinh hoạt thánh thiện của mình, người tín hữu hiến dâng cả thế giới cho Thiên Chúa” (LG 34)

Chúng ta tham dự vào sứ vụ Ngôn Sứ của Đức Kitô. Người “công bố Nước Thiên Chúa vừa bằng chứng tá đời sống của Người, vừa bằng quyền năng của Lời Người” (LG 35). Là tín hữu giáo dân, chúng ta được trao phó khả năng và trách nhiệm đón nhận Tin Mừng trong đức Tin và loan báo Tin Mừng bằng lời nói và hành động. Việc phục vụ lớn lao nhất mà chúng ta có thể mang lại cho nhân loại là loan báo những chân lý của đức Tin. Thí dụ, cho biết Thiên Chúa là ai, linh hồn là gì, sống để làm chi, chết rồi sẽ ra sao ? Quan trọng nhất là nói về Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng chứa đựng mọi chân lý. Chưa cần phải có khả năng lý luận và cung cấp bằng chứng về điều chúng ta nói, nhưng cần phải biết và sống các chân lý này, cần phải biết sự khác biệt và nói về các chân lý một cách tỏ tường, truyền đạt đầy đủ ý nghĩa để tạo nên hứng thú cho người nghe, khiến họ sẵn sàng tìm hiểu kỹ hơn.

Trách vụ hội viên là giúp mọi người hiểu thêm về đức Tin và cách thức sống đức Tin. Họ cũng giúp người ta nói về tôn giáo cho những người xa lạ bằng động lực mạnh mẽ và kinh nghiệm bản thân. Tuy nhiên những người đòi hỏi nhiều nhất về đức Ái tông đồ của chúng ta là những người chúng ta thường gặp tại nhà, học đường, hiệu buôn, trong nghề nghiệp, hoạt động xã hội và nơi giải trí bình thường. Các cơ hội đó thường không thuộc công tác chỉ định, nhưng đều được giao phó cho chúng ta để tâm chăm lo.

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

NGUOI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH

  •  
    SỐNG ĐẠO!


    Những điều bạn không nên làm khi vào Thánh Lễ (mà bạn có thể làm ở bất cứ đâu)

    Những chi tiết nhỏ làm cho nhà thờ trở nên khác biệt và hiệp nhất, những điều mà bạn không nên làm ở đó nhưng có thể làm ở bất cứ đâu nếu bạn muốn...

    – Đừng đi trễ. Hãy nhớ Thiên Chúa luôn chờ đợi bạn để đong đầy tình yêu của Người trong bạn, để nói với bạn, và để tha thứ cho bạn.

    – Đừng ăn mặc hở hang không Đứng Đắn trong Nhà Thờ. Hãy ý tứ, vì Danh Dự của chính mình, và vì Tôn Trọng & đừng làm chia trí người chung quanh.

    – Đừng vào nhà thờ mà không chào Chúa. Khi đến nhà thờ, hãy làm dấu Thánh Giá. Thiên Chúa đang thực sự ở đó, Người vui mừng khi gặp bạn. Hãy cảm ơn Người đã mời bạn đến.

    – Đừng cảm thấy uể oải khi phải cúi mình hay bái quỳ. Khi đi ngang trước bàn thờ, hãy cúi chào, vì bàn thờ là hình ảnh của Đức Kitô. Khi đi ngang nhà tạm, hãy bái quỳ, vì Đức Kitô đang ở trong đó.

    – Đừng nhai kẹo cao su, ăn hay uống bất cứ gì khi đang trong Thánh lễ. Chỉ nước lã là chấp nhận được nếu sức khỏe đòi hỏi.

    – Đừng vươn vai hay ngồi nhoài trên ghế tựa. Tư thế của bạn thể hiện rõ thái độ của bạn trước Chúa.

    – Không cần bổ sung bất cứ “câu phụ thêm” nào vào các bài đọc và thánh vịnh. Nghĩa là, đừng đọc các dòng chữ đỏ, đừng đọc “Bài đọc 1” hay “Thánh vịnh đáp ca.”

    – Đừng làm dấu Thánh giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” trước khi nghe Tin Mừng. Chỉ làm ba dấu Thánh giá nhỏ trên trán, trên miệng và trên ngực, để cầu xin Lời Chúa ở lại trong tư tưởng, trong lời nói và trong con tim mình.

    – Tuyệt đối đừng bao giờ ngồi khi đang linh mục truyền phép. Nếu bạn không quỳ nổi, hãy đứng lên. Cử chỉ và thái độ của bạn khi truyền phép phải thể hiện sự cung kính và tôn thờ của bạn trước Chúa Giêsu đang hiện diện rất thật trong Thánh Thể trên bàn thờ.

    – Hãy cầu nguyện thầm trước Chúa Thánh Thể khi linh mục truyền phép. Nhiều người đọc thành tiếng lời nguyện “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma Tông Đồ. Nhưng ta nên ý tứ đọc thật nhỏ để khỏi làm phiền người khác.

    – Đừng đọc thành tiếng “Chính nhờ Người, với Người và trong Người” (Kinh nguyện Thánh Thể). Đó là lời kinh chỉ một mình linh mục dâng lễ đọc mà thôi.

    – Đừng rời khỏi chỗ và đi xung quanh để chúc bình an. Hãy chỉ chúc bình an những ai đứng trong cùng bàn với bạn và những người ở trước mặt hay sau lưng thôi.

    – Nếu bạn thật sự chưa nhịn ăn đủ 1 giờ hoặc không sống trong tình trạng ân sủng, đừng rước lễ.

    – Đừng nhất định đòi rước lễ từ tay linh mục mới chịu. Chúa Giêsu hiện diện thật sự và đầy đủ trong mọi Bánh Thánh, không phụ thuộc chuyện người cho rước lễ là linh mục hay một thừa tác viên phụ thêm nào khác được uỷ nhiệm.

    – Sau khi rước lễ, đừng nói chuyện với ai hết. Hãy về chỗ hay đi ra riêng và nói chuyện với một mình Chúa mà thôi. Nếu bạn không lên rước lễ, hãy rước lễ cách thiêng liêng và hãy thưa chuyện với Chúa y như đã rước lễ vậy.

    – Hãy tắt điện thoại. Đừng nhắn tin hay nói chuyện với ai trên điện thoại trong suốt Thánh lễ, điều đó làm phiền chính bạn lẫn người xung quanh. Hãy chú tâm vào một mình Chúa, Đấng vẫn đang rất chú tâm vào bạn.

    – Hãy giữ con cái bên cạnh bạn, đừng để chạy lung tung. Hãy dạy chúng tận hưởng thời gian ở trong nhà Cha.

    – Đừng rời nhà thờ trước khi hết lễ. Đừng bỏ rơi phép lành cuối lễ, linh mục ban cho bạn nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để bạn đi làm chứng nhân cho Ba Ngôi Thiên Chúa trong thế giới. Hãy ra khỏi nhà thờ với ý tưởng mới, được Chúa gợi hứng, để xây dựng triều đại tình thương của Người.

    Theo Aleteia
    Gioakim Nguyễn lược dịch

     
     

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - SỐNG ĐẠO CỦA KITO HỮU

Saturday, October 27, 2018

Điều cốt yếu nhất trong việc sống đạo của người Kitô hữu

Điều cốt yếu nhất trong việc sống đạo 
của người Kitô hữu

Cần hiểu điều cốt yếu nhất của Kitô giáo là gì để thi hành

Mt 7, 21-23 => «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!»

______________________
Ngày phán xét, nhiều người tưởng mình sẽ là người ưu tiên được Chúa xếp vào hàng những người công chính để được thưởng, nhưng không ngờ họ bị xếp vào hạng không công chính, vì những gì họ tưởng là việc đạo đức mà họ đã làm suốt cả cuộc đời, đều không phải là điều chính yếu Chúa muốn họ làm. Cả đời họ, họ không biết được điều quan trọng nhất mà họ phải làm để trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa là gì, và họ cũng không biết được điều Ngài muốn họ thi hành là điều gì, vì họ không hề đọc những gì Chúa nói, mà chỉ nghe người này dạy, người kia bảo phải làm thế này thế kia. Tương tự như trong việc làm ruộng, điều quan trọng nhất là phải có hạt giống lúa, rồi mới tới việc dẫn nước, bón phân, làm cỏ, v.v... Nếu họ không biết điều quan trọng nhất phải làm là gieo hạt giống xuống ruộng, mà chỉ chăm làm những việc sau, thì tất cả những việc sau dù có làm hoàn chỉnh cách mấy cũng trở thành vô ích hoàn toàn. Đương nhiên những việc sau cũng cần phải làm mới có được lúa, không làm những việc sau thì cũng thất bại.)

Điều cốt yếu nhất của Kitô giáo 
(= điều quan trọng nhất Thiên Chúa muốn con người thi hành) 
là tình yêu của họ dành cho tha nhân

Yêu thương tha nhân là điều luật quan trọng nhất

  • Ga 13,34 => «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em»
  • Ga 15,1+2 => «Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em».
  • Lc 6,31 => «Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy».
  • Rm 13,8 => «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật».
  • Rm 13,10 => «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại ; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy».
  • Gc 2,8 => «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
  • Gl 5,14 => «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
  • Lc 10,29-37 => Dụ ngôn người Samari tốt lành (Đức Giêsu định nghĩa «người thân cận» của ta là người khốn khổ mà ta gặp trong cuộc đời cần được ta cứu giúp hay nâng đỡ.)
  • 2Cr 2,8 => «Tôi khuyên anh em hãy đặt tình bác ái lên trên hết».

Tình yêu quan trọng hơn cả đức tin

  • 1Cr 13,1-3 => Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

________________________ 
Những việc tốt lành dù có lớn lao tới đâu, nhưng không xuất phát từ cái tâm yêu thương, mà chỉ nhắm để được mọi người khen là đạo đức, thánh thiện, hay vì một động lực vị kỷ nào khác... thì cũng đều không có giá trị thật sự trước mặt Thiên Chúa.

  • 1Cr 13,13 => «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến»

 

Tin và yêu đích thực phải có hành động phù hợp

  • Gc 2,17-20 => «Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.” Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?»
  • Gc 2,14-16 => «Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?»
  • Gc 2,24 => «Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi
  • Gc 2,26 => Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.

(Có thể thay thế hai chữ “đức tin” trong các câu trên bằng hai chữ “đức ái”, hay “tình yêu”)

 

Yêu thương tha nhân là dấu chỉ của người Kitô hữu

  • Ga 13,34-35 => «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau».

Diễn tả cách khác: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau» (bài ca của Kim Long).

 

Ba điều quan trọng nhất trong lề luật

  • Mt 23,23 => «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luậtcông bình, lòng nhân và thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia».
  • Mt 5,37 => «Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ».

Yêu tha nhân là yêu chính Thiên Chúa

  • Mt 25,34/41.40/45 => «Bấy giờ (=ngày phán xét), Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải (/bên trái) rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy».
  • Mc 10,17-21 => Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: «Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» Đức Giêsu đáp: «Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ». Anh ta nói: «Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ». Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi».

(Điều rất lạ là để được sự sống đời đời, Đức Giêsu không nói gì đến việc phải chu toàn những bổn phận đối với Thiên Chúa (lạ thật!), vì dường như đối với Ngài, yêu và phục vụ tha nhân cũng chính là yêu và phục vụ Thiên Chúa rồi. Ngài chuyên đồng hóa tha nhân của ta với chính Ngài!)

(Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Khó Khăn: «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người». Nhưng dường như chúng ta chỉ biết phụng sự Chúa… trong nhà thờ, chứ không phải trong mọi người).

Thiên Chúa ở với những ai yêu thương tha nhân

  • 1Ga 4,16 => «Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy».
  • 1Ga 4,8 => Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Điều kiện để theo Chúa, để yêu thương tha nhân

  • Mt 16, 24 => «Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”».
  • Mt 10,38 => «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy».

Tình yêu quan trọng hơn các nghi thức tôn giáo

  • Mt 12,7 => «Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế».
  • Mt 5,23-24 => «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình».
  • Is 1,10-17 => «Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán. Hỡi dân Gô-mô-ra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo. ĐỨC CHÚA phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ

Nguyễn Chính Kết

Posted by Nguyen Chinh Ket at 9:38 PM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

-------------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - CHA NGÔ PHÚC HẬU

  •  

    KHÔNG NGỜ

     

     Sơn Tây, ngày 18-10-1990

                Sáng nay mình đến Tuy Lộc dâng thánh lễ đồng tế với cha xứ nhân ngày bổn mạng họ đạo.  Nhà thờ nhỏ xíu, không có phòng thánh.  Áo lễ dọn ngay trên bàn thờ.  Mình đang mặc áo, thì cha xứ ghé tai nói nhỏ:

    -          Piô giảng nhá.

    -          … Dạ.

                Miệng thì dạ, mà lòng thì băn khoăn: có nên giảng ở đây không?  Điều gì nên nói, điều gì nên suy gẫm một mình?  Nội dung bài Tin Mừng hôm nay là “Lên đường truyền giáo.”  Mình không dám nói chuyện truyền giáo hôm nay, nên chỉ duyệt lại một khúc truyền giáo hôm qua: Vấn đề thờ cúng tổ tiên.

    Dẹp bàn thờ ông bà là một sai lầm có tầm mức chiến lược, nhưng là một sai lầm gần như không thể tránh được.  Lý do :

     

                1- Lúc ấy hai nền văn hóa Đông Tây mới gặp nhau, không thể hiểu được nhau.  Bà Pearl Buck minh chứng điều đó bằng câu chuyện sau đây.

     Có một ông Tây vào một nhà hàng ở Thượng Hải để “ăn cơm Tàu” sau khi đã được “ở nhà Tây.”  Ông Tây đang ăn ngon miệng, thì bỗng khựng lại, lợm giọng...  Ở bàn kế bên, một thực khách Tàu lâu lâu lại nhổ nước bọt xuống sàn gạch hoa.  Cầm lòng không được, ông Tây bèn lên lớp:

    -          Người Tàu dơ dáy quá!  Nhổ nước bọt xuống đất là bất lịch sự, là làm mất vệ sinh chung.

    -          Nước bọt bẩn, nên người Tàu phải nhổ xuống đất.  Như thế là đúng.  Còn người da trắng các ông lại nhổ nước bọt vào trong khăn, gói lại, rồi cất trong túi quần!  Như thế mới mất vệ sinh...

    Các vị thừa sai thời ấy không thể hiểu nổi danh từ ĐẠO và động từ THỜ trong tiếng Việt Nam.  ĐẠO đối với họ chỉ có một nghĩa là TÔN GIÁO.  Động từ THỜ họ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi.  Còn trong tiếng Việt Nam thì ĐẠO vừa có nghĩa là TÔN GIÁO, vừa có nghĩa là cách đối xử: Đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng, đạo bằng-hữu...  Động từ THỜ trong tiếng Việt Nam vừa có nghĩa là tôn kính Thượng Đế và Thần Thánh, vừa có nghĩa là trung thành, chung thủy, hiếu thảo... Dân trung thành với vua, vợ chung thủy với chồng, con hiếu thảo với cha mẹ, đều có thể dùng một động từ THỜ.         Ông Phan Văn Trị đã nhắc nhở Tôn Thọ Tường như sau:

    “ Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết:

    Tôi ngay THỜ chúa, gái THỜ chồng?"

                Đạo Công giáo là đạo độc thần, nên các vị thừa sai không thể cho thờ ông bà được.  “Chỉ thờ một mình Chúa mà thôi” (Lc 4,8; Đnl 6,13).  Các vị thừa sai lầm là thế, mà đúng cũng là thế.

     

    2- Thời ấy người ta tin ông bà về ăn đồ cúng của con cái.  Niềm tin này được thể hiện rõ rệt trong ngày “xá tội vong nhân.”  Có những bà đạo đức nấu một nồi cháo lớn, cho hai đầy tớ khiêng.  Còn bà thì đi theo, múc từng muỗng cháo đổ vào lá mít để hai bên đường.  Đó là phần bố thí bà dành cho những linh hồn mồ côi.

                Niềm tin này không phù hợp với giáo lý Công giáo, nên người theo đạo Chúa không được cúng cơm cho người quá cố.

    Từ đó sinh ra biết bao hiểu lầm giữa người đạo và người lương.  Người lương trách người đạo là bất hiếu.  Còn người đạo thì không những không bất hiếu mà còn nhờ cả Giáo hội báo hiếu hộ mình bằng cách xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ...  Lúc ấy cấm cúng giỗ là đúng.

     

    Ngày nay các Giám mục Việt Nam đã điều chỉnh lại toàn bộ việc thờ cúng ông bà.  Thờ cúng ông bà là văn hóa dân tộc và người tín hữu được tích cực tham gia mọi nghi lễ thờ cúng ông bà...

                Bài giảng của mình làm mọi người chưng hửng, ngơ ngác...  Mình ở lại ăn cơm với họ đạo.  Cha xứ không nói gì về bài giảng.

                Giáo dân cũng chẳng phát biểu gì.  Bài giảng rơi tõm xuống sông...

     

    --------------------------------------------------------------------------------

     Sơn Tây, ngày 26-10-1990 .

     

    Mình đang sửa soạn đi ăn cơm, thì bà phước ghé tai, nói nhỏ:

    -          Cha có khách.

    -          Ai thế?

    -          Bốn ông... ở Tuy Lộc

    -          Chết cha tôi rồi.  Chắc là có vấn đề.  Chị có đoán được là họ muốn gì không?

    -          Con không biết.  Họ nói là họ muốn trao đổi với cha về bài giảng của cha đấy.

    -          Bài giảng của tôi hiền khô à!  Chuyện một trăm năm về trước ấy mà.

    -          Cha ra đi!  Con bưng nước ra sau.

                Mình đi thật chậm, và muốn có một không gian vô tận, để đi mãi mà không tới...

    -          Chào linh mục.

    -          Chào các ông.  Bài giảng của linh mục được thu băng, phổ biến khắp xã.  Chúng tôi không đi lễ, mà cũng được nghe.

    -          Các ông thấy có vấn đề gì không?  Ai thu băng thì tôi không hề hay biết.  Nếu tôi biết thì tôi không cho thu băng.

    -          Bài giảng của linh mục có rất nhiều vấn đề mà từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết.

    -          Quý ông có thể cho tôi biết những vấn đề đó không?  Tôi chỉ chân thành nhắc lại những chuyện hiểu lầm giữa lương và giáo trong quá khứ mà nay thì không còn nữa.  Lương giáo đã hiểu nhau nhiều, mà cũng thương nhau nhiều rồi.

    -          Chắc linh mục có băn khoăn về việc chúng tôi đến thăm linh mục hôm nay.  Tôi xin nói ngay để linh mục an tâm.  Nhờ bài giảng của linh mục, chúng tôi mới hiểu tại sao người Công giáo không thờ cúng tổ tiên.  Bây giờ hiểu rồi, chúng tôi đến đây để xin... học đạo.

    -          Nghĩa là các ông muốn theo đạo Chúa?

    -          Nếu đạo Công giáo cho thờ cúng ông bà, thì không có gì thắc mắc nữa.

    -          Rất tiếc tôi sắp về rồi.  Nhưng không sao, tầm đạo với ai mà chả được...

     

    Giã từ bốn ông, lòng thương mến vô vàn.

     

    Lm. Piô Ngô Phúc Hậu trích “Nhật ký Truyền Giáo”