NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - THẦN TƯỢNG CỦA BẠN LÀ AI? -
- Details
- Category: Người Tín Hữu Trưởng Thành
-
Chi Tran - Sep 9 at 5:11 AM
THẦN TƯỢNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU LÀ AI?
Xét một cách tự nhiên, ai cũng có thể có một thần tượng riêng của riêng mình. Đó có thể là một sự vật như tiền bạc, sự nghiệp, tiếng tăm, bằng cấp, nhà cửa, xe cộ vv. Như người ta thường nói “Kẻ ấy tôn thờ tiền bạc như chúa của mình!”. Thần tượng cũng có thể là một con người. Và chúng ta thường dùng cụm từ “Thần tượng” hay “Thần tượng hóa” để chỉ việc tôn sùng cá nhân hay tập thể nào đó như là một thần thánh.Ngày nay, song song từ thần tượng, người ta cũng hay nói đến người hâm mộ, hay “fan” hâm mộ, để chỉ những người say mê thần tượng của mình.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì: Người hâm mộ hay người ái mộ hay còn gọi với cái tên ngắn gọn là fan, fan hâm mộ, các fan, fan cuồng là tên gọi chỉ chung cho một nhóm đông người cùng chung một ý thích và biểu hiện sự nhiệt tình, ủng hộ, yêu quý và dành những tình cảm nồng nhiệt cho một cái gì đó, thông thường là dành tình cảm cho những vận động viên thể thao, đặc biệt là môn bóng đá và những cầu thủ bóng đá hay cuồng nhiệt vì giới giải trí, giới ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ, ban nhạc, nhóm nhạc những đối tượng này gọi chung là thần tượng. Người hâm mộ có nhiều lứa tuổi và biểu hiện cũng khác nhau, ví dụ như những fan cuồng tuổi teen hay những người hâm mộ lớn tuổi. Những biểu hiện về sự hâm một dành cho một đối tượng là rất phong phú như gọi tên, xin chữ ký, in ảnh vv.
Việc tôn thờ thần tượng quá mức trên khắp thế giới thì muôn hình vạn trạng nhưng lại là một hội chứng chung. Các nhà tâm lý cho rằng trong một xã hội mà các loại hình truyền thông phát triển, sự gần gũi với gia đình, cộng đồng bị giảm sút thì đối với nhiều người, người nổi tiếng đã dần thế chỗ người thân, hàng xóm và bạn bè. Một số chuyên gia phương Tây lo ngại việc trẻ em đang tôn thờ thần tượng theo hướng tiêu cực hơn là noi gương theo những điều tốt, có ý kiến cho rằng tôn thờ thần tượng không phải là một điều gì mới. Cái mới ở đây là mức độ cảm xúc sâu hơn và đẩy những đứa trẻ vào hội chứng này ở độ tuổi ngày một nhỏ hơn.
Cũng theo Wikipedia thì tại VN cũng có những fan hâm mộ cuồng nhiệt đối với những diễn viên, ca sĩ ngoại quốc cũng như trong nước. Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức thậm chí chấp nhận làm gái mại dâm để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo một ca sĩ, một diễn viên nổi danh mà không cần nhận được bất cứ gì. Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thắp thường xuyên!
Nhiều bạn trẻ tìm mọi cách vòi vĩnh cha mẹ, thậm chí đòi chết để có vé hoặc được ra sân bay chầu chực để một lần trông thấy thần tượng. Nhiều bạn bỏ học, bỏ thời gian, nhịn đói chỉ để chờ đợi thấy thần tượng rồi bật khóc, ngất xỉu, gây rối loạn trật tự. Họ không ngại bỏ tiền thuê xe chạy theo xe thần tượng đến tận khách sạn rồi chầu chực bên ngoài chỉ để hy vọng một lúc nào đó thần tượng đi ngang qua. Nhiều fan thức đến nửa đêm chầu chực ngoài sân bay mong nhìn được thần tượng, khi họ không thấy được thần tượng thì khóc lóc sụt sùi. Những fan đó có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua những chiếc vé chợ đen có giá vài triệu đồng đi xem thần tượng bất chấp trời nắng nóng nhưng sẵn sàng đứng đến nửa ngày trời để mong gặp thần tượng.
Cũng ở Việt Nam, khi có các chuyến lưu diễn của các ca sĩ, diễn viên ngoại quốc (nhất là từ Hàn Quốc) thì người hâm mộ trẻ bất chấp nắng, mưa, nhịn đói nhịn khát, chẳng màng đến những lời chê trách có thể làm mọi thứ ngoài sức tưởng tượng của người lớn để thỏa mãn một điều duy nhất là biểu lộ cảm xúc với thần tượng của mình. Họ bất cần thân thể, chỉ chờ mà không ăn uống, thậm chí khóc lóc vô cớ, nhất là những cô gái rất trẻ cố bám mình theo xe thần tượng chạm tay vào kính xe rồi khóc lóc vật vã.
Cá biệt hơn, một số fan cuồng ở Hà Nội xúm nhau ngửi và hôn lên chiếc ghế thần tượng đã ngồi, họ ái mộ đến mức xúm nhau hôn chỗ ngồi của thần tượng và được coi là việc làm có một không hai trên thế giới. Thậm chí một số fan cuồng còn sẵn sàng chấp nhận làm tình một đêm để có được tấm vé vào xem thần tượng biểu diễn.
Cũng theo Wikipedia thì có một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc và do hiệu ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet làm nên nền văn hóa cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay ở Việt Nam.
Đó tạm gọi là chuyện ngoài đời, còn chuyện trong đạo thì sao?
Trong cuộc sống của người tín hữu, không nhiều thì ít, mỗi người chúng ta đều bị cám dỗ đam mê những thần tượng của riêng mình. Có thứ thần tượng thuộc lãnh vực tâm linh, như khi chúng ta đi xem bói toán, đi cúng bái chùa chiền, đi xin xăm, đi cầu bái những thần không phải là Thiên Chúa. Có thứ thần tượng là con người hay là vật chất. Những điều này xem ra càng ngày càng phổ biến.
Một bạn trẻ Công giáo nào đó có thể không biết gì hết về Thánh Kinh, nhưng lại say mê và biết rất nhiều về thần tượng âm nhạc, phim ảnh hay nghệ thuật nào đó. Một người mang danh Công giáo trưởng thành làm nghề kinh doanh buôn bán, có thể chẳng biết gì về Giáo lý nhưng lại rất sành sỏi trong việc chặt chém khách hàng, tỏ ra bình thản trong việc buôn gian bán lận, kinh doanh hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng. Họ là những tín hữu coi tiền bạc, vật chất là “chúa tể” của mình. Họ tôn thờ đồng tiền và những vật chất có từ những đồng tiền bất chính...
Trước 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-8-2018 trong đại thính đường Phao-lô VI, ĐTC Phan-xi-cô trong bài huấn dụ với đề tài: “Ngươi sẽ không có các thần nào khác trước mặt Ta” (Xh 20,3), qua đó ngài đã giải thích tội tôn thờ thần tượng, rất thời sự ngày nay.
Đặt vấn đề “Đâu là Thiên Chúa thật của tôi?”, ĐTC nói:
“Giới răn cấm làm các thần tượng hay hình ảnh của mọi loại thực tại; thật thế mọi sự có thể được dùng như thần tượng. Chúng ta đang đề cập tới một khuynh hướng của con người, không tha cho các tín hữu cũng như người vô thần. Chẳng hạn là các Kitô hữu chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là Thiên Chúa thật của tôi? Đó là Tình Yêu Duy Nhất và Ba Ngôi hay là hình ảnh của tôi, sự thành công cá nhân của tôi, kể cả thành công trong lòng Giáo Hội nữa? Tội tôn thờ thần tượng không chỉ liên quan tới các việc phụng tự giả dối của ngoại giáo, nó là một cám dỗ thường xuyên của đức tin. Nó hệ tại việc thần thánh hóa điều không phải là Thiên Chúa” (GLCG, 2113).
Cũng trong bài huấn từ này, ĐTC nhắc nhở đến việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu. Ngài nói:
“Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa, là Cha của chúng ta. Nhưng tôi nhớ có một lần đi đến một giáo xứ trong một giáo phận kia để dâng Thánh Lễ, và tôi phải ban Phép Thêm Sức tại một giáo xứ khác cách đó một cây số. Tôi đã đi bộ qua một công viên đẹp. Trong công viên có hơn 50 – hơn 50 vì tôi không thể đếm hết – hơn 50 cái bàn nhỏ với hai cái ghế và người ta ngồi trước mặt nhau. Họ làm gì thế? Họ coi bói toán. Họ đến đó để cầu thần tượng. Thay vì cầu khẩn Thiên Chúa, là sự quan phòng tương lai, thì họ tới đó để ném bài, đọc các lá bài để thấy tương lai. Đây là việc tôn thờ thần tượng của thời đại chúng ta”.
Ngài đặt câu hỏi: “Tôi xin hỏi anh chị em: Có bao nhiêu người trong anh chị em đi ném, đi đọc các là bài để trông thấy tương lai? Bao nhiêu người trong anh chị em chẳng hạn đã đi coi bói tay để trông thấy tương lai, thay vì đi cầu nguyện với Chúa? Đây là sự khác biệt: Chúa sống động; các thứ khác là các thần tượng, tôn thờ thần tượng không có ích gì”.
ĐTC nói tiếp: “Việc tôn thờ thần tượng phát triển như thế nào? Giới răn miêu tả với các câu: “Ngươi sẽ không làm cho mình thần tượng cũng như hình ảnh.. .Ngươi sẽ không phủ phục trước chúng và sẽ không phục vụ chúng” (Xh 20,4-5). Từ “thần tượng” trong tiếng Hy Lạp phát xuất từ động từ “trông thấy”. Một thần tượng là một “thị kiến” hướng tới chỗ trở thành một yên trí, một ám ảnh. Thần tượng thật ra là một dự phóng chính mình nơi các sự vật hay các dự án. Người ta dùng quảng cáo cho sự năng động này: tôi không trông thấy sự vật trong nó, nhưng tôi nhận thức cái xe đó, cái smartphone đó, vai trò đó - hay các sự vật khác – như là một phương tiện để thực hiện chính tôi, và đáp trả lại các nhu cầu nòng cốt của tôi. Tôi tìm kiếm nó, nói về nó, nghĩ tới nó; tư tưởng chiếm hữu sự vật đó hay thực hiện dự án đó, đạt tới địa vị đó, xem ra là một con đường tuyệt diệu cho niềm hạnh phúc, một cái tháp giúp đạt tới trời (x. St 11,1-9) và tất cả phục vụ mục đích ấy.
Cuối bài huấn dụ khá dài này, ĐTC Phan-xi-cô đã kết thúc bằng việc đặt câu hỏi cho các tín hữu: “Tôi mời anh chị em hôm nay suy tư điều này: Tôi có bao nhiêu thần tượng hay đâu là thần tượng ưu tiên của tôi?”. [1]
Việc sùng mộ một thần tượng nào đó, đối với tín hữu chúng ta, xét theo nghĩa tiêu cực còn có thể là một người hay một nhóm người nào đó. Chúng ta say mê thần tượng của mình đến độ chúng ta quên Chúa hay đặt Chúa bên dưới thần tượng của mình. Chúng ta sủng ái thần tượng quá đến nỗi không có người đó chúng ta khó lòng mà giữ đạo, sống đạo hẳn hoi được. Chúng ta yêu mến thần tượng của mình đến nỗi phải đến tận nơi để thấy tận mắt và để nghe tận tai những gì người đó nói và những gì người đó hành động.
Nhớ lại, cách đây khoảng hai năm, giáo phận Xuân Lộc có đợt thuyên chuyển các linh mục trong giáo phận. Tại một giáo xứ nọ, giáo dân không đồng tình lệnh thuyên chuyển của ĐGM giáo phận là Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo. Họ kéo nhau lên TGM gặp Đức cha để xin cho cha xứ ở lại tiếp tục phục vụ giáo xứ. Có người than thở, có người khóc lóc, có người lại tỏ ra bất bình và có những lời lẽ, thái độ và phản ứng khá tiêu cực… Nhưng TGM vẫn giữ quyết định thuyên chuyển cha xứ cũ và bổ nhiệm cha xứ mới.
Trong ngày nhậm chức của cha xứ mới, ĐGM giáo phận có bài chia sẻ khá dài và rất tâm tình trước mặt rất đông giáo dân, trong đó đại ý ngài có câu hỏi cộng đoàn: “Ông bà và anh chị em đi đạo, tin đạo, vậy ông bà anh chị em theo Chúa hay theo cha?”. Có lẽ một số giáo dân có mặt hôm đó đã hiểu ra rằng lâu nay họ đã “thần tượng hóa” linh mục chính xứ của họ. Có thể vì ngài đẹp trai, trẻ trung, năng động. Có thể vì ngài thông thái, giảng hay, điều hành giáo xứ thành công, đẹp lòng mọi người. Có thể vì ngài đạo đức, bình dân, khiêm tốn, hòa đồng, rất đắc nhân tâm, được lòng mọi người…
Cũng liên quan tới việc thuyên chuyển linh mục dịp trung tuần tháng 8-2019 vừa qua, dư luận khá quan tâm đến việc thay đổi nhiệm sở của linh mục quản nhiệm một giáo điểm Tin Mừng tại TGP TP.HCM. Thời gian này người hâm mộ linh mục đó đã phổ biến những video clip ghi lại những thánh lễ cuối cùng và giờ phút chia tay tại giáo điểm trước khi linh mục quản nhiệm rời nhiệm sở cũ, đến nhiệm sở mới. Cảnh tượng chung là có rất đông người hâm mộ biểu tỏ lòng yêu mến, suy phục và tiếc thương trước sự ra đi của một thần tượng, mà đối với một số người, là có một không hai trên đất nước này! Khi xem những video clip này, chúng ta tự hỏi, đâu là niềm tin của người Ki-tô hữu khi mà những gì chúng ta sủng ái không còn tồn tại theo ý mình nữa.
Quả vậy, đức tin chân chính của Ki-tô hữu luôn coi Thiên Chúa và những gì thuộc về Người là đối tượng duy nhất cho sự thờ phượng, tôn kính và yêu mến. Khi chúng ta cảm thấy mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa mờ nhạt, lỏng lẻo thì đó chính là lúc chúng ta phải xét mình. Có thể đức tin của chúng ta đang gặp khủng hoảng, đang lung lay.
Khi xét mình về Điều Răn thứ nhất, chúng ta sẽ suy tư dựa vào Lời Chúa: "Ta là Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,2-3). Chẳng hạn: “Tôi có thực sự yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không? Hoặc tôi có đặt những thứ khác – chẳng hạn như: công việc, tiền bạc, ma túy, truyền hình, danh vọng, lạc thú, hay người nào đó – trên Thiên Chúa không?”. [2]
Người Ki-tô hữu chân chính luôn xác tín rằng họ đã được ơn biết Chúa, rồi tin Chúa và theo Chúa. Họ phải dứt khoát. Không có thần tượng nào ngoài Chúa. Chúng ta phải luôn cảnh giác về thái độ tin-theo và thờ phượng Chúa của mình. Bởi nếu không, BẠN VÀ TÔI sẽ nghe lời quở trách của Chúa: “Dân này thờ Ta ngoài môi ngoài miệng, nhưng lòng nó thì xa Ta” (I-sa-ia)./.
Aug. Trần Cao Khả