- Details
-
Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Chúa Nhật CHÚA CHỊU PHÉP RỬA
HỌC HỎI- CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7
"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Ðáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Ðáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38
"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Mc 9, 7
Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22
"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Ðấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô Thiên Sai
Nếu chủ đề của Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) và chủ đề của Mùa Giáng Sinh là "Lời ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), thì chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay là lễ vừa kết thúc Mùa Giáng Sinh vừa mở màn Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh. Nên lưu ý là Mùa Thường Niên hằng năm được chia ra làm hai phần cũng là hai giai đoạn: phần đầu là giai đoạn sau Mùa Giáng Sinh và phần sau là giai đoạn sau Mùa Phục Sinh, và vì dính liền ngay sau hai Mùa chính yếu của phụng niên là Giáng Sinh và Phục Sinh như thế nên ý nghĩa của từng phần trong Mùa Thường Niên này đều có liên hệ mật thiết với mùa phụng niên chính yếu ngay trước đó.
Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một lễ được Giáo Hội cố ý sắp xếp vào sau Lễ Hiển Linh, vì ý nghĩa của hai lễ này giống nhau, ở chỗ cả hai đều liên quan đến sự kiện Chúa Giêsu tỏ mình ra, hay đúng hơn, liên quan đến sự kiện Thiên Chúa làm cho Con của Ngài được "hiển linh" trước mặt dân ngoại (Lễ Hiển Linh) cũng như trước dân Do Thái nói chung và Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nói riêng (Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa), để họ "được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).
Đúng thế, vì muốn tỏ mình ra cho loài người, một tạo vật duy nhất được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27), để nhờ đó họ có thể được hiệp thông thần linh với Ngài, đúng như dự án thần linh của Ngài khi Ngài dựng nên họ, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc đặc biệt trong các dân tộc trên mặt đất này là dân Do Thái, và qua suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, Ngài đã chứng thực cho họ thấy Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ.
Và mạc khải thần linh này của Thiên Chúa, theo giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái, chỉ đạt tới tột đỉnh và đã trọn vẹn sáng tỏ cùng trở nên thành toàn nơi Con của Ngài, Đấng đã được Ngài hứa ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), "khi đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài được hạ sinh bởi một người nữ, được sinh hạ theo lề luật" (Galata 4:4).
Bởi vậy, "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) thật sự là "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), cho đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), và chính vì thế mà Ngôi Lời Nhập Thể này mới "đầy ân sủng và chân lý", tức được đầy Thánh Thần của Thiên Chúa như Đấng Thiên Sai của Ngài, Đấng đã được chính Thiên Chúa tiên báo ngay từ xa xưa, qua miệng của các tiên tri, điển hình như Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Thật vậy, vì "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... đầy ân sủng và chân lý" chính là Con của Thiên Chúa, Đấng đã sai Người xuống trần gian, để qua Người, Ngài có thể tỏ hết mình ra cho nhân loại, mà Thiên Chúa đã ban tràn đầy Thánh Linh cho Người, tức đã xức dầu cho Người, nhờ đó, bằng nhân tính của mình, Người đã có thể hoàn trọn mạc khải thần linh là "tỏ Cha ra", bằng tất cả ngôn từ, tác hành, phản ứng và biến cố của Người.
Nếu trong Bài Đọc 1, Người Con "đầy ân sủng và chân lý" hay đầy Thánh Linh này của Thiên Chúa đã được tiên báo là "nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm" thì trong Bài Đọc 2 hôm nay, Người cũng đã được vị lãnh đạo Tông Đồ đoàn Phêrô chứng thực rằng:
"Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".
Thiên Chúa quả thực chẳng những đã được Con của Ngài tỏ ra cho dân Do Thái biết "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về Ngài, qua những gì Người thực hiện nơi nhân tính của Người trên thế gian này "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) của Người tại đất nước Do Thái, mà còn, về phần mình, Ngài đã làm cho Con của Ngài được hiển linh trước dân ngoại khi sử dụng ngôi sao lạ dẫn đường cho ba chiêm vương gia đông phương tìm đến bái thờ Người ở Belem, và hiển linh trước dân Do Thái trong biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan) bởi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nữa, qua tiếng phát ra từ trời: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" là lời chứng nhận của Thiên Chúa về nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét quả thực là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), ngoài Người ra, không phải là ai khác, cho dù là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã được thành phần lãnh đạo trong dân suy đoán là Đức Kitô (xem Gioan 1:19-22), và cũng không còn là bất cứ người nào khác, như dân Do Thái vẫn còn trông đợi cho đến nay.
Thế nhưng, tiếng phán ra từ trời "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" này chỉ vang lên sau khi: "Chúa Giêsu đã chịu phép rửa xong" (nghi thức bề ngoài liên quan đến thân xác) và "Người đang cầu nguyện" (tác động thiêng liêng của tâm linh bề trong), nghĩa là, qua Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và nhờ Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bấy giờ, Thiên Chúa đã xức dầu cho Người Con mặc lấy nhân tính là Giêsu Nazarét này của Ngài, nơi sự kiện thần linh là "trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu".
Sự kiện Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa nói chung và tác động Người dìm mình xuống nước và vươn lên khỏi nước rồi sau đó "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu" là những gì hướng về và tiên báo Phép Rửa Người cần phải chịu (xem Luca 12:50), tức Người cần phải Vượt Qua từ sự chết mà vào sự sống, để có thể thông ban Thánh Thần của Người cho Giáo Hội vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần khi Người hiện ra với các tông đồ lần đầu tiên vừa thở hơi rên các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).
Thật ra, nơi mầu nhiệm ngôi hiệp trong biến cố Truyền Tin, nhân tính của Đấng được thụ thai trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria tự bẩm sinh đã được tràn đầy Thánh Linh rồi, tức đã được Thiên Chúa xức dầu "thánh hiến và sai vào trần gian" rồi (xem Gioan 10:36). Tuy nhiên, lần này, ở Sông Dược Đăng, khi Người đạt đến tầm vóc về thân xác ở tuổi thành toàn 30, Thiên Chúa là Đấng sai Người đã xức dầu Thánh Thần cho Người một lần nữa, lần này một cách công khai, như để chính thức sai Người đi để thực hiện sứ vụ cứu thế của Người là "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), qua những việc Người làm với tư cách của một Đấng Thiên Sai, như Bài Phúc Âm hôm nay khẳng định: "Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám", (những gì sẽ được các bài Phúc Âm trong Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh trình thuật như chúng ta sẽ đọc thấy).
Bài Đáp Ca được Giáo Hội chọn đọc cho Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C hôm nay liên quan đến chiều hướng của Bài Phúc Âm cùng ngày, bài Phúc Âm, bề ngoài về biến cố Chúa Kitô chịu Phép Rửa bởi nước, và bề trong về sự kiện hiển linh vinh hiển của Thiên Chúa nơi Con của Ngài cũng như của Con Ngài được Cha thực hiện:
1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thủy, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
LeChuaGiesuChiuPhepRua.mp3
- Details
-
Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Thứ Sáu sau Hiển Linh 11/1
HỌC HÒI- CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: 1 Ga 5, 5 - 13
"Thánh Thần, nước và máu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai là kẻ thắng được thế gian,nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật. Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều. Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người. Ai tin vào Con Thiên Chúa,người đó có lời chứng ấy nơi mình.
Ai không tin Thiên Chúa, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người. Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống. Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời Người lanh chai chạy rảo. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.
Alleluia: 1 Tm 3,36
Alleluia, alleluia. - Lạy Chúa Kitô, Ðấng được rao giảng cho lương dân, vinh danh Chúa! Lạy Chúa Kitô, Ðấng được tin kính ở thế gian, vinh danh Chúa! - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 5, 12-16
"Lập tức người ấy khỏi phong hủi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: "Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch". Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: "Ta muốn, hãy nên trơn sạch". Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch". Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Hôm nay, Thứ Sáu sau Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, Bài Phúc Âm theo chủ đề "Lời ở cùng chúng ta" (Gioan 1;14) của chung Mùa Giáng Sinh, được thể hiện ở phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu, như Thánh ký Luca thuật lại nguyên văn từ đầu đến cuối như sau:
"Xẩy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: 'Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch'. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: 'Ta muốn, hãy nên trơn sạch'. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: 'Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch'. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện".
Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy "Lời ở cùng chúng ta" vừa ẩn vừa hiện, đúng hơn lúc hiện lúc ẩn. Lúc hiện là lúc Người giao tiếp với con người, còn lúc ẩn là lúc Người giao tiếp với Thiên Chúa, nhưng lại là một việc giao tiếp thần linh với Thiên Chúa ở giữa con người, nơi nhân tính của Người và với nhân tính của Người.
Trước hết, "Lời ở cùng chúng ta" khi giao tiếp với con người. Chẳng hạn như trường hợp trong bài Phúc Âm hôm nay, Vì "ở cùng chúng ta" mà Người đã đáp ứng ý nguyện muốn "được sạch" của "một người mình đầy phong hủi" nhưng rất tin tưởng nơi Người, ở chỗ vừa "thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: 'Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch'".
Tất nhiên, là hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng Thương Xót Chúa "ở cùng chúng ta", Người không thể nào không động lòng, chẳng những trước hình thù cùi hủi đã làm biến dạng thân xác vốn nguyên tuyền và lành mạnh hết sức đáng thương của nạn nhân, mà nhất là trước tấm lòng tan nát khiêm cung thiết tha cầu khẩn của nạn nhân nữa. Bởi thế, bài Phúc Âm cho biết thêm "Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: 'Ta muốn, hãy nên trơn sạch'. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi".
Thật vậy, bởi nguyên tội, bản tính của loài ngươi chẳng khác gì như bị cùi hủi, coi đến ghê rợn, vì hình thù và tầm vóc nguyên tuyền lành mạnh từ ban đầu của nó khi mới được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 2:26) đã bị biến dạng, bị lệch lạch, bị méo mó một cách gian ác trá hình, bởi bị tiêm nhiễm nọc độc của Con Khủng Long Luxiphe, nên đã bị biến thành hình ảnh quái gở tương tự như Satan và bọn ngụy thần của hắn.
Bởi thế, "Lời ở cùng chúng ta", nhờ "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đã mặc lấy bản tính nhân loại bị cùi hủi biến dạng của loài người, mà bản tính của loài người ở nơi Người, một bản tính nhờ được ngôi hiệp với thiên tính của Người ngay từ giây phút hoài thai trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Người, đã được phục hồi nơi nhân phẩm là người và nhân cách làm người của Con Thiên Chúa.
Nếu nguyên tội gây ra bởi con người ngay từ ban đầu, qua hai nguyên tổ, đã trở nên cùi hủi là vì bề ngoài đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, và bề trong đã coi trọng cùng tin tưởng rắn quỉ Satan gian trá hơn kính trọng cùng tin tưởng Vị Thiên Chúa chân thật nên mới nghe theo hắn thay vì tuân lệnh Thiên Chúa, thì để phục hồi nguyên trạng hình hài và tầm vóc của con người, chẳng những "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta" mà Người còn phải "vâng lời cho đến chết dù có chết trên thập tự giá" (Philiphe 2:8).
Tinh thần tuân phục của "Lời ở cùng chúng ta" đã được tỏ hiện ngay trong bài Phúc Âm hôm nay, khi Người bảo nạn nhân phong cùi rằng: "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch".
Sau nữa, "Lời ở cùng chúng ta" khi giao tiếp với Thiên Chúa: "Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện". Tác động cầu nguyện của Chúa Giêsu ở đây là gì, nếu không phải là Người giao tiếp thần linh với Thiên Chúa là Cha của Người "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24) nơi nhân tính của Người. Bởi vì, về thiên tính, Người đồng bản thể với Cha của Người, Người cũng là Thiên Chúa như Cha, không cần cầu nguyện.
Thế nhưng, với bản tính của nhân loại, Người vẫn cần phải cầu nguyện, một tác động giao tiếp thần linh với Cha, một tác động hiệp nhất nên một với Cha, như tác động của Người vẫn cần phải tỏ ra tuân phục ý muốn Cha là Đấng đã sai Người.
Nghĩa là, cho dù nhờ mầu nhiệm ngôi hiệp, mầu nhiệm mà hai bản tính của Người đã trở nên một nơi Ngôi Vị duy nhất là Con Thiên Chúa, nhưng Người vẫn luôn ý thức về thực tại nên một và tình trạng hiệp nhất nhân thần này, vẫn liên tục chủ động gắn bó nhân tính với thiên tính trong cuộc đời trần thế của Người, vẫn luôn thể hiện mối hiệp thông thần linh Ngôi Vị này, bằng việc Người luôn luôn làm theo ý Cha của Người để chứng tỏ Người thực sự là Đức Kitô Thiên Sai "ở cùng chúng ta".
Chính nhờ những giây phút âm thầm cầu nguyện cùng Cha của mình như thế, mà Người càng chứng tỏ Người "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), và Người mới có thể tiếp tục thi hành vai trò và sứ vụ Thiên Sai của mình trên trần gian này, bằng việc "rao giảng" như một ngôn sứ, "chữa lành" như một tư tế và "giải thoát" như một đế vương, hoàn toàn ứng nghiệm Lời Tiên Tri Isaia tiên báo về Người và được Người xác nhận là đúng trong bài Phúc Âm hôm qua.
Chính những giây phút cầu nguyện này đã càng làm cho "Lời ở cùng chúng ta" trở thành nguồn mạch thông ban sự sống thần linh của Thiên Chúa cho nhân loại, đó là việc Người thông ban cho chúng ta kiến thức thần linh về Thiên Chúa (xem Gioan 17:3) của Người, qua chính mạc khải thần linh nơi "Lời ở cùng chúng ta" và của "Lời ở cùng chúng ta". Đó là lý do Thánh Gioan Tông Đồ trong Bài Đọc 1 hôm nay đã khẳng định rằng: "Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống".
Nếu Con Thiên Chúa chính là "sự sống đời đời" thì chỉ có "những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), thành phần con cái này không phải sinh ra "bởi huyết nhục" theo thể lý, "bởi ước muốn nhục dục" theo bản năng và "bởi ý muốn loài người" theo tâm lý (xem Gioan 1:13), mà là bởi chính Thiên Chúa, tức là bởi "Thần khí, nước và máu", như được đề cập đến trong Bài Đọc 1 hôm nay.
Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả về thực tại "Lời ở cùng chúng ta", khi Thiên Chúa "đã Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời Người lanh chai chạy rảo" - "để loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel". Bởi thế, câu 1 và câu 3 của Bài Đáp Ca đã kêu gọi dân Do Thái được Ngài tuyển chọn và được "Lời ở cùng chúng ta" rằng: "Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội", và "Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Ngay.11-1.mp3
------------------------------------------------------------