Đức Giê-su đã cầu xin thế này: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 20-23).
Sau này, chính thánh Phao-lô cũng là một vị tông đồ quan tâm rất đặc biệt tới sự hiệp nhất trong Hội thánh, giữa các cộng đoàn Ki-tô hữu, giữa các Ki-tô hữu với nhau. Ngài đã khuyên nhủ các tín hữu như sau: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1, 10). Và trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, ngài cũng khuyên nhủ: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. (Cl 3, 14).
Có thể nói sự hiệp nhất là hoa quả của lòng mến Ki-tô giáo và chỉ có lòng mến ấy mới thực sự liên kết các tín hữu lại với nhau một cách khắng khít, bền vững, trong cùng một đức tin, một phép Rửa, cùng một Thần Khí, cùng một Cha trên trời, cùng một thân thể là Hội thánh Chúa Ki-tô.
Thực vậy, sự hiệp nhất Ki-tô hữu có một tầm quan trọng rất đặc biệt trong đời sống và sinh hoạt Hội Thánh.
“Hiệp nhất quan trọng đến nỗi Tân Ước chú ý đến nhiều hơn cả thiên đàng hoả ngục. Ước muốn sâu xa của Thiên Chúa là chúng ta cảm nghiệm được sự nên một và hoà hợp với nhau.
“Hiệp nhất là linh hồn của sự hiệp thông. Phá hủy hiệp nhất là móc quả tim ra khỏi thân thể Đức Kitô. Hiệp nhất là bản chất, là cốt lõi, cách thức Thiên Chúa dự định để chúng ta cảm nghiệm một đời sống chung trong Hội Thánh, hội đoàn, gia đình. Mô hình tuyệt vời của sự hiệp nhất nên một là Chúa Ba Ngôi. Chính Thiên Chúa là mẫu gương cao cả nhất của một tình yêu hy sinh, khiêm tốn, biết coi trọng người khác và hòa hợp nên một.
“Như các bậc cha mẹ, Cha chúng ta trên trời cũng vui mừng khi thấy con cái Ngài sống hòa thuận với nhau. Vào những giờ phút cuối đời trước khi bị bắt, Đức Giêsu tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất (x. Ga 17, 20–23). Chính sự hiệp nhất của chúng ta là điều quan trọng nhất trong tâm trí của Đức Giêsu vào những giờ phút hấp hối ấy. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề”. [1]
Trong bài huấn từ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung ngày 25-9-2013 tại quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã chia sẻ về đề tài “Sự hiệp nhất của Giáo hội”, trong đó có đoạn như sau:
“Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, nhưng chúng ta thường nhận ra rằng khó để sống sự hiệp nhất nầy. Chúng ta phải tìm kiếm, xây dựng sự hiệp thông, và giáo dục chính chúng ta về sự hiệp thông nầy, để vượt qua những hiểu lầm và chia rẽ, bắt đầu với gia đình, với các thực thể giáo hội, trong đối thoại đại kết. Thế giới của chúng ta đang cần sự hiệp nhất, sự hòa giải, sự hiệp thông và Giáo Hội là Ngôi Nhà của sự hiệp thông.
“Thánh Phaolô đã nói với các Kitô hữu của Êphêsô: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Êp 4,1-3).
“Sự khiêm tốn, dịu dàng, cao thượng, tình yêu để gìn giữ sự hiệp nhất! Có một thân mình, thân mình của Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận trong phép Thánh Thể; một Thần Khí, Chúa Thánh Thần làm sinh động và liên tục tái tạo Giáo Hội; một hy vọng, cuộc sống đời đời; một đức tin, một phép rửa, một Chúa, là Cha của chúng ta tất cả (x. 4-6). Sự phong phú của những gì liên kết chúng ta! Hôm nay mỗi người cần hỏi chính mình: Tôi có làm cho sự hiệp nhất tăng triển trong gia đình, giáo xứ, trong cộng đoàn hay tôi là một động lực của chia rẽ, của sự khó khăn? Tôi có sự khiêm tốn để hàn gắn với kiên nhẫn, với hy sinh, những vết thương cho sự hiệp thông không?”. [2]
Chúng ta hãy lưu ý tới câu hỏi mà ĐTC đã đặt ra cho chúng ta: “Tôi có làm cho sự hiệp nhất tăng triển trong gia đình, giáo xứ, trong cộng đoàn hay tôi là một động lực của chia rẽ, của sự khó khăn? Tôi có sự khiêm tốn để hàn gắn, với kiên nhẫn, với hy sinh, những vết thương cho sự hiệp thông không?”.
Câu hỏi này ngày hôm nay cũng nhắc chúng ta suy nghĩ về một sự việc xem ra đang khá “nóng”, thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhiều người, nhất là trong giới Công giáo. Đó là sự việc liên quan tới linh mục phụ trách Giuse Trần Đình Long (TĐL) và những sinh hoạt tại Giáo điểm Tin Mừng (GĐTM) thuộc giáo xứ Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TGp Saigon.
Như mọi người đều biết, ngày 22-7-2019 vừa qua, Tòa Tổng GM Saigon đã phổ biến một lá thư gửi cộng đồng Dân Chúa trong Tổng Giáo phận. Đây là lá thư mục vụ có ấn ký của Đức Giám quản Tông Tòa và của Đức Giám mục Phụ tá. Lá thư này theo yêu cầu của hai Đức cha cũng đã được niêm yết, đọc và phổ biến trong các giáo xứ trên toàn giáo phận Saigon ngày chủ nhật 28-7-2019 vừa qua.
Điểm nhấn của lá thư mục vụ ngày 22-7-2019 này là nhắc lại những nội dung quan trọng trong thư của Hội đồng Giám mục VN gửi cộng đồng dân Chúa ngày 10-6-2019 về một số lưu ý trong đời sống đức tin. Xin trích dẫn nguyên văn một phần thư của Tòa Tổng GM Saigon, như sau:
“Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cảnh báo rằng: “Chúng tôi thấy hiện nay đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng những hiện tượng và những cách thực hành đạo đức không xứng hợp, cụ thể là: tin dị đoan, ma thuật, bói toán; phổ biến những tư tưởng lệch lạc như Sứ điệp từ trời, Lòng Mẹ thương xót...; lạm dụng một số cử hành đạo đức của Hội Thánh như Lòng Chúa thương xót, đặc sủng chữa lành bệnh nhân, đặt tay cầu nguyện...” (số 1).
“Chúng tôi nhận thấy Tổng giáo phận của chúng ta cũng đang bị ảnh hưởng bởi một số hiện tượng và thực hành đạo đức không xứng hợp, cụ thể như:
- Sự kiện “Lòng Mẹ thương xót” phổ biến những tư tưởng lệch lạc nguy hại cho đời sống đức tin do ông Tôma Maria Nguyễn Thanh Việt;
- Sự kiện “Giáo điểm Tin Mừng” với những lạm dụng trong cử hành tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, đặt tay cầu nguyện, chứng từ chữa lành bệnh nhân.
“Vì thế, với trách nhiệm chủ chăn, dựa vào giáo huấn của Hội Thánh, chúng tôi gởi đến anh chị em thư mục vụ này nhằm hướng dẫn đời sống đức tin cho mọi thành phần dân Chúa.
“Trước hết, xin được nhắc lại những chỉ dẫn tại các số (3) và (5) trong lá thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
- Phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi;
- Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo;
- Phải tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân;
- Mọi tín hữu đều được tự do cầu nguyện xin ơn chữa lành;-
Trong giáo phận, mọi cử hành xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của Bản quyền Giáo phận;
- Không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ. Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc;
- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là trực tuyến, trong các cử hành xin ơn chữa lành, phải được Giám mục giáo phận cho phép.
- Trong các cử hành xin ơn chữa lành, nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người tham dự, thì phải giữ sự thận trọng cần thiết và tường trình sự việc cho thẩm quyền Hội Thánh”.
Như vậy, Tòa TGp Saigon đã dựa trên thư của HĐGM Việt Nam, nhằm thông tin cho Dân Chúa trong Tổng Giáo phận những nguy hại cho đức tin từ những sự kiện cụ thể, để hướng dẫn đời sống đức tin cho mọi thành phần Dân Chúa. Trong những sự kiện cụ thể đó, có vấn đề liên quan LM TĐL và GĐTM.
Chúng ta, những Ki-tô hữu yêu mến Chúa và Hội thánh của Ngài, khi đọc hai lá thư trên, chúng ta sẽ thấy rằng việc làm của Bề Trên các cấp là thể hiện thẩm quyền và bổn phận mục tử mà Chúa và Hội thánh đã trao phó, được Chúa Thánh Thần soi sáng, dựa trên lòng mến Ki-tô giáo, vì đức tin và sự hiệp nhất cũng như vì lợi ích thiêng liêng của mọi thành phần dân Chúa. Như đoạn cuối của thư mục vụ ngày 22-7-2019 của Tòa TGM Saigon đã viết như sau: “Với những lưu ý trên, trong tinh thần yêu thương, chúng tôi mong rằng mọi sinh hoạt cá nhân hay cộng đoàn tại Tổng giáo phận của chúng ta luôn diễn tả một đức tin tinh tuyền, sống động; đồng thời góp phần loan báo Tin Mừng và xây dựng sự hợp nhất trong toàn giáo phận”.
Trở lại câu chuyện liên quan “Giáo Điểm Tin Mừng”, chúng ta cũng được biết là cha Giuse Trần Đình Long, phụ trách GĐTM Nhà Bè, đã nhận được Bài Sai (Bổ Nhiệm Thư) của Toà Tổng GM Saigon (số 243_190729_02) được đức Giám Quản Tông Tòa Giuse Đỗ Mạnh Hùng ấn ký ngày 29-07-2019, theo đó thì kể từ ngày Chúa Nhật 18-08-2019, cha Giuse TĐL sẽ về phục vụ tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn, và Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh, hiện đang là chánh xứ Xóm Chiếu, kiêm Quản hạt Xóm Chiếu, sẽ về phụ trách GĐTM thay cho cha Giuse TĐL.
Ngay ngày hôm sau, tức ngày 30-7-2019, người ta đã có thể đọc được tin này từ các trang mệnh danh thuộc các nhóm Công giáo trên mạng Facebook. Và đồng thời những ai theo dõi tin tức này, cũng đọc được khá nhiều lời bình luận (comment/s) liên quan việc thuyên chuyển của cha TĐL về nhiệm sở mới.
Có thể tạm chia các bình luận làm hai nhóm:
- Nhóm thứ nhất tán thành quyết định này, với lý do là việc thuyên chuyển các LM là bình thường và đó thuộc thẩm quyền của Bề Trên; Bề trên căn cứ vào những lý do xác đáng, đồng thời sau khi đã cầu nguyện và tham khảo ý kiến của ban Tư vấn, mới ra quyết định thuyên chuyển; LM phục vụ ở đâu cũng được, miễn là có tinh thần vâng phục, khiêm tốn và nhiệt thành vv.
- Nhóm thứ hai thì trái lại, có những lời lẽ phê phán và chống đối quyết định của Bề Trên. Một mặt họ ca tụng công đức và nhân đức của cha TĐL, một mặt họ cho rằng quyết định của Bề Trên liên quan việc thuyên chuyển cha TĐL là o ép, độc đoán, không bình thường, do sức ép từ nhiều phía, không vô tư và công bằng. Có một số nhỏ đưa ra những lời lẽ nặng nề đối với Giáo quyền vv.
Ở đây, trong phạm vi bài này, người viết chỉ muốn đề cập đến tinh thần hiệp nhất trong Hội thánh. Do đó xin đưa ra mấy nhận định sau:
- Thử hỏi trong số những người viết bài và viết bình luận trên MXH liên quan đến sự kiện GĐTM, có mấy ai đã đọc kỹ và thực tâm muốn hiểu và muốn hiệp thông với thư hướng dẫn của HĐGMVN ngày 10-6-2019 và thư mục vụ của Tòa TGp Saigon ngày 22-7-2019 không?
- Sau khi nhận bài sai về nhiệm sở mới, chính bản thân cha TĐL đã post lên trang của ngài hai chữ “Xin vâng” kèm theo ảnh Thư Bổ Nhiệm của Tòa TGM Saigon; Trong đời tận hiến, có lẽ hai chữ “Xin Vâng” là hai chữ vàng, quan trọng và quý giá hơn tất cả những tài năng, nhân đức, tiếng tăm mà người môn đệ của Chúa có được!
- Trong sự việc thuyên chuyển cha TĐL từ GĐTM về nhiệm sở mới chắc chắn đối với giáo quyền là một việc hết sức khó khăn nhưng cần thiết vì lợi ích của Giáo phận, của GĐTM, của bản thân cha TĐL;
- Quyết định của Bề Trên chắc chắn đã dựa trên những lý do chính đáng, chứ không phải thực hiện theo cảm tính của một người, một nhóm người hay chiều theo một thế lực nào;
- Việc thuyên chuyển một linh mục từ một nhiệm sở này đến một nhiệm sở khác, là chuyện bình thường trong Hội thánh. Không nên nghĩ rằng đằng sau việc thuyên chuyển có sự sắp đặt nào đó do tư thù hay do thái độ “ghen ăn tức ở” của một ai đó!
- Sự hiệp nhất của Ki-tô hữu trong Hội thánh đòi buộc chúng ta phải đứng ở vị trí của mình và của người khác để phán đoán sự việc, với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu mến chân thành. Mặt khác chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động để ban ơn soi sáng cho những ai có trách nhiệm giữ gìn đức tin và đức ái cho cộng đoàn dân Chúa;
- Việc nhiều người, trong đó có cả người CG và ngoài CG mộ mến, kính phục và tôn sùng cha TĐL, được coi là chuyện tự do của cá nhân hay một nhóm người. Không ai có quyền gạt bỏ hay phủ nhận việc này. Hầu như ai cũng biết chuyện này, nhưng nếu là Ki-tô hữu đích thực, chúng ta nên tự hỏi “Tôi đang tin theo đạo-Chúa hay đạo-của-một-ai-đó”!
- Dù có bất bình đến mức nào đi nữa, thì một người Ki-tô hữu trưởng thành không nên lên tiếng phê phán việc làm của Bề Trên, vì điều đó ảnh hưởng tới sự hiệp nhất trong Hội thánh, đồng thời trở thành gương mù gương xấu đối với những ai chưa hiểu gì về đạo Công giáo…
Cuối bài, xin mượn lời của một tác giả để kết luận về vấn đề hiệp nhất trong Hội thánh, như sau:
Hãy nâng đỡ chủ chăn và người lãnh đạo của bạn.
Chúng ta bảo vệ sự hiệp nhất khi kính trọng và yêu thương những người lãnh đạo và phục vụ. BẠN VÀ TÔI được mời gọi, “Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quí trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em. Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy vì công việc họ làm”. (1Tx 5, 12 – 13a) [1] ./.
Aug. Trần Cao Khải
[1] Tác giả P.K.M, CMC – Bài “Hiệp nhất” – Nguồn: tinmung.net
[2] Nguồn: xuanbichvn.net