Thưa quý vị, thưa các bạn thoạt tiên khi đọc Đoạn Lời Chúa ( Lc 23, 35 -43) hôm nay, Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ, chúng ta không tìm thấy “Vương Quyền” của Người ở đâu? Dường như, Người là một “tên tội phạm”, đang bị lùng bắt. Rõ ràng, phần đầu của Đoạn Lời Chúa hôm nay từ câu 35- 38 diễn tả điều ấy, không thấy dấu hiệu gì, Người là VUA, mà lại VUA DÂN DOTHAI và là VUA VŨ TRỤ nữa. Vâng, nhưng suy niệm kỹ, chúng ta thấy, thật tuyệt vời, cũng phần Lời Chúa ấy nói lên “Ngôn sứ tính” tức đặc tính ngôn sứ của Người.
Theo đó, Vương quyền của Chúa Giêsu chính là Kitô, có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, đồng thời, Đấng Kitô ở đây là GIÊSU , có nghĩa là Đấng Cứu Thế. Như vậy, Đấng Cứu Thế chính là một Vị Vua đích thực, nhưng Vị Vua ấy phải được “ giương lên”, treo lên cao để muôn dân, muôn Nước tôn thờ. Chúng ta thấy, thời gian minh chứng điều ấy, có vị vua nào , từ khi đâng quang lên ngôi trị vì lâu như Vua Giêsu không ? Vì , ngoài Vị Vua Giêsu ra không có ai “Cứu Độ” nhân loại được. Ý nghĩa “VUA” của Chúa Giêsu thật tuyệt vời và đúng nghĩa, bởi vì, Người không làm vua nhân thế, vua trần gian, mà là VUA Vĩnh Cửu, Vua siêu nhiên. Ngai vàng của Người không ai có thể cướp được, vì nơi ấy tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ cách vinh quang nhất, vì thập giá là nơi biểu lộ tình yêu của thiên Chúa, chứ không phải nơi biểu lộ quyền năng của Ngài. Vì thế, Ngài vàng của Vua GIÊSU không ai có thể “cướp” được, vì sự cướp bóc, gian tà, bất chính không thể đến gần Thánh giá vinh quang của Người, dù là nới ấy được cho là thất bại, là thua trận, nhưng chính tình yêu đã lên ngôi, tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Giêsu- Kitô đã “đăng quang” vĩnh cửu.
Như vậy, tính ngôn sứ của phần đầu Đoạn Tin Mừng hôm nay là gì? Thưa , đó là sự rao giảng của Chúa Giêsu, tính ngôn sứ của Người đã “đưa” Người đến Thập giá. Sự ô nhục của Thập giá là sự vinh quang cho Lời Người rao giảng, tính ngôn sứ của Người là biểu lộ, hay là giương cao một tình yêu, bởi vì, vai trò, hay sứ vụ trước tiên của Chúa Giêsu chính là tính ngôn sứ của Người. Toàn bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ứơc chính là tính ngôn sứ của Đấng Cứu Thế, mà Đấng Cứu Thế đến để làm gì ? Há, chẳng phải là để “giương cao” tình yêu của Thiên Chúa hay sao!
Chúng ta thấy, thế gian mới chính là sự ô nhục, vì rõ ràng, nếu thế gian thánh thiện thì làm gì có sự chết. Lúc ấy, cũng không có Thập giá làm gì, vì sự ô nhục của thế gian, mà Chúa Giêsu gánh lấy cả tội lội thế gian giá trị của thập giá chính là như vậy. Mọi sự ô nhục của thế gian được Thập giá gánh lấy, nhưng thế nhân không nhìn ra sự ấy, họ chỉ nhìn thấy một “ Con Người” mang Danh là GIÊSU bị treo lên cách nhục nhã, nhưng, rõ ràng như Lời Chúa Giêsu nói :” Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết!”.
Vâng, đây chính là sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô, sau khi Người rao giảng bằng Lời, tức nói Lời Ngôn sứ, thì Người đã nói bằng hành động “chịu “ treo lên Thập giá.
Sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu trên Thập giá là một minh chứng rõ ràng nhất, vì Lời của tình yêu không gì bằng sự chứng minh cụ thể trên sự cam go nhất. Từ đó, như lời Chúa nói :” Khi Ta được treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” là như vậy.
Như vậy, ngôn sứ tức người được sai đi nói Lời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu không những nói lời của Thiên Chúa, mà Người còn nói lên bằng “ hành động” của Thiên Chúa.
Phần thứ hai : Tính Tư Tế
Sự bị mạ lỵ, sự khinh chê, sự lăng nhục Người trên Thập giá, sự đau đớn và tủi nhục tột đỉnh của Chúa Giêsu trên Thập giá, mão gai đâm thấu vào óc, Thánh Thể kiệt sức, suy tàn, giữa hai tên gian phi, một Thánh Thể rũ rượi không còn hình người. nhưng , lại bị một tên gian phi mạ lỵ.
Rõ ràng, một Hy Tế vĩ đại của một Vị Ngôn sứ của Thiên Chúa, vì không có lễ vật nào lớn hơn chính Vị Tư Tế ấy hiến dâng, “… Máu chiên bò Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu, Người không nhận, thì nầy Con xin đến để thi hành Thánh Ý Cha”.
Như vậy, Vị Tư Tế Giêsu vừa là của lễ, là bàn thờ để tiến dâng lên cho Thiên Chúa trên Thập giá là Núi Thánh. Như vậy, Thập giá là phương tiện Cứu Độ để biểu lộ một tình yêu của Thiên Chúa, nhưng trên hết “ lễ Vật” trên Thập giá là “ kết quả” của một sự giày xéo một nhân mạng vô tội, nơi ấy người Dothai đã xúc phạm, đã rẻ rúng một “ Con Người “, một Nhân Tính của một Nhân Vị Đấng Cứu Thế, họ mạnh dạn bất chấp tất cả để lên án và “giày xéo” một nhân mạng vô tội. Như vậy, bản án Thập giá tố cáo sự bất công nhãn tiền của nhân loại, nếu muốn hỏi tội lỗi của nhân loại ở đâu, thì hãy nhìn lên Thập giá. Nơi đó, có tội của tôi, tội của bạn, tội của mọi người.
Nhưng, Lễ Vật Giêsu không trở nên hư vô, vì Thập giá biểu thị tình yêu, chứ không biểu thị quyền năng. Nhưng, chính tình yêu duy nhất và hằng hữu nơi Thiên Chúa được biểu lộ trên Thập giá , sự công chính và tình thương của Thiên Chúa trở nên “ QUYỀN NĂNG” nơi Đức Giêsu – Kitô. Tức khắc Thập giá trở nên THÁNH GIÁ nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.
Phần thứ ba: Vương quyền của Đức Kitô chính là quyền năng Thánh giá.
Kết quả của công lý và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu trên Thánh giá , mặc nhiên phải hoàn tất bằng một “VƯƠNG QUYỀN “ của Người, đó là sự Phục Sinh.
Như vậy, ba giai đoạn hay tiến trình của một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người cho chúng ta một chân lý Kitô hữu có cùng một sứ mạng đồng nhất là: Ngôn Sứ – Tư Tế – Vương Đế. Amen
Amen : có nghĩa là xác tín trong Đức Giêsu –Kitô. Vì tiếng Amen cũng có nghĩa là Chúa Giêsu- Kitô (Kh 3, 14).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trung thành bước theo Người để thực thi ba sứ vụ của Người, mà Chúa Cha đã ủy thác cho Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời ./. Amen
Video: Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi cho giới trẻ Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
20/Nov/2019
Hôm nay thứ Tư 20 tháng 11, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố một sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi cho giới trẻ Việt Nam nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ ở Miền Bắc.
Đức Thánh Cha nói:
Các bạn trẻ Việt Nam yêu quý,
Cha tin rằng các con đang sống trong khoảnh khắc đầy niềm vui và ý nghĩa trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc. Các con quy tụ đông đảo về một nơi, với tư cách là người Công Giáo: chúng ta cảm ơn Chúa về cơ hội này. Cha hiện diện bằng tất cả trái tim với các con. Cha cũng có một thông điệp gởi đến các con. Thông điệp này xoay quanh một chữ “nhà”, là chữ hàm ý trong câu chủ đề được chọn cho kỳ Đại Hội Giới Trẻ lần này: “Hãy về [nhà] với thân nhân” (Mc 5,19).
Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”. Từ chữ “nhà” này đã sản sinh ra văn hoá của các con, vốn diễn tả truyền thống gia đình, cổ võ tình yêu thương dành cho những người thân cận, khuôn đúc nên nhân đức thảo kính cha mẹ, và nuôi dưỡng một sự kính trọng đặc biệt dành cho những bậc cao niên. Do vậy, “Hãy về nhà” nghĩa là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.
Hơn nữa, là những người đã chịu Phép Rửa, các con được thừa hưởng một căn nhà khác lớn hơn, đó là Giáo Hội. Giáo Hội là một ngôi nhà. Là ngôi nhà của các con. Các con thật may mắn khi được sinh ra trong cung lòng của một Giáo Hội anh dũng với nhiều mẫu gương nhân chứng sáng ngời. Cha nghĩ đến Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha nghĩ đến thế hệ ông bà và bố mẹ của các con. Họ là đã chịu đau khổ vì chiến tranh loạn lạc, hầu như đã mất tất cả trừ đức tin, mà họ đã truyền lại cho các con như là di sản quý giá nhất. Vậy nên nơi chính căn nhà Giáo Hội này, các con luôn có thể trở về, để kín múc nguồn sức mạnh và cảm hứng cho đức tin các con. Nơi đây các con luôn có thể đào luyện lương tâm và nhân phẩm của các con. Nơi đây các con luôn tìm thấy con đường sự sống theo ơn gọi của Thiên Chúa.
Chúng ta không được quên rằng Giáo Hội của các con là một Giáo Hội đã được sinh ra từ những nhà truyền giáo quảng đại, từ những nhà truyền giáo nhiệt tâm. Trong Thư phúc trình gởi về Roma, nhà truyền giáo Dòng Tên Alexandre de Rhodes [Đắc Lộ], đã kể lại câu định nghĩa được những người Việt nói với nhau: “Những người Công Giáo là những người yêu thương nhau. Và Đạo Công Giáo là Đạo của Tình Yêu”. Ước gì những mẫu gương này của các Ki-tô hữu đầu tiên trên quê hương các con có thể dẫn bước các con. Ước gì lòng biết ơn đối với họ luôn là nguồn của lòng nhiệt thành truyền giáo đối với các con.
Do vậy, điều quan trọng là đừng nghĩ về câu chủ đề của các con, “hãy về nhà”, chỉ như một cuộc trở về. Đừng nghĩ về chữ “nhà” như một điều gì đó khép kín và giới hạn. Đúng hơn, mỗi hành trình mà Chúa chúng ta ban cho luôn là một bước đi truyền giáo “để loan báo cho họ biết những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào!” (Mc 5,19). Các con đừng quên rằng, các con vẫn là thiểu số giữa lòng dân tộc mình. Vẫn còn đa số có quyền và đang chờ đợi được nghe Lời Tin Mừng. Vì thế, lệnh truyền của Đức Ki-tô vẫn còn là một lệnh truyền khẩn thiết dành cho chính các con hôm nay. Bây giờ, chính các con phải đảm nhận nhiệm vụ xây dựng một Giáo Hội – Ngôi Nhà trẻ trung và vui tươi, đầy sức sống và đượm tình huynh đệ. Ước gì nhờ đời sống chứng tá của các con, những sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa có thể chạm đến trái tim của những người thân cận và đồng bào của các con. Luôn phải là chứng tá chứ không bao giờ là lôi kéo.
Có thể các con sẽ hỏi Cha câu hỏi này: Làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ ấy? Cha đề nghị với các con ba đức tính cho việc làm chứng của các con trong giai đoạn này, đó là (1) trung thực, (2) tinh thần trách nhiệm và (3) lạc quan. Cả ba đức tính này cần được hướng dẫn bởi tinh thần phân định.
Trong một xã hội tục hoá bị lèo lái bởi chủ nghĩa duy vật, rất khó để trung thành với căn tính và niềm tin tôn giáo của mình nếu không có khả năng phân định. Đây là điều xảy ra tại tất cả mọi thành thị và mọi đất nước trên thế giới. Việc sống trung thực có thể thường mang đến những thiệt thòi. Tinh thần trách nhiệm có thể khiến các con vất vả và đòi các con phải hy sinh. Tính lạc quan có thể trở nên kỳ dị trước thực tế lũng đoạn của xã hội tục hoá này. Nhưng đó chính là những giá trị mà xã hội và Giáo Hội của các con đang cần nơi các con. “Giữa một thế giới như vậy, các con hãy chiếu sáng như những vì sao” (x. Phil 2,15). Các con đừng sợ chiếu toả căn tính Công Giáo thật đẹp của các con. Điều này cũng sẽ làm cho các con trở thành người yêu nước hơn, thành người Việt Nam hơn: một tình yêu lớn dành cho đất nước của các con, một lòng trung thành tuyệt vời của một người yêu nước.
Cha khuyến khích các con đáp lại bằng sự sáng tạo và phát triển những chương trình mà Hội đồng Giám mục của các con dành ba năm này ưu tiên mục vụ giới trẻ. Mẫu gương của Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân vĩ đại của hy vọng, sẽ nâng đỡ các con.
Các bạn thân mến! Cha cầu chúc cho kỳ Đại hội Giới trẻ lần này trở nên như một cuộc hành hương giúp các con tìm về cội nguồn văn hoá và tôn giáo, giúp cho kinh nghiệm đức tin của các con nên vững mạnh, và giúp cho nhiệt huyết truyền giáo của các con được canh tân. Các con hãy yêu nhà của các con! Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc.
Trước khi kết thúc, cha muốn cùng với các con, dâng lên Chúa, Cha giàu lòng thương xót, 39 nạn nhân Việt Nam di cư đã qua đời tại Anh trong tháng vừa qua. Thật rất đau lòng. Tất cả chúng ta cầu nguyện cho họ.
Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, NĂM C – 10/11/19
Bài Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14“Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.
Trích sách Macabê quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”. Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.
Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không. Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. (c. 15b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành. – Ðáp.
2) Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. – Ðáp.
3) Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tx 2, 15 – 3, 5“Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxa-lônica.
Anh em thân mến, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.
Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Ðức Kitô.Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 21, 36 Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20, 27-38 “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.
Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.
Chia sẻ Lời Chúa
Suy Niệm: Sống Lại Từ Cõi Chết
“Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời”
Theo quy luật của kiếp nhân sinh, con người được sinh ra, lớn lên, già yếu, bệnh tật và chết đi. Không ai có thể thoát khỏi quy luật này. Tuy nhiên, người ta vẫn đặt câu hỏi. Sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?
Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nghe câu trả lời của Chúa Giê-su về sự sống lại từ cõi chết. Khi nhóm Xađốc đến gặp Chúa Giêsu, nhóm này chủ chương không tin có sự sống lại, và họ đặt câu hỏi cho Chúa Giê-su: “Có bảy người anh em lấy một phụ nữ. Sau đó, tất cả điều phải chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết đi. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Câu hỏi này không chỉ nhóm Xa-đốc đặt ra cho Chúa Giêsu về sự sống lại mà ngay cả thời đại này, con người vẫn đang đi tìm câu giải đáp sự sống đời sau.
Tất cả các tôn giáo đều tin có sự sống đời sau. Thuyết luân hồi của đạo Phật, người ta tin vong hồn sẽ đầu thai vào một thân xác nào đó, và trở thành một kiếp khác theo quy luật nhân quả quy định. Giáo lý nhà Phật gọi là vòng luân hồi. Nó cứ mãi chuyển xoay đến khi nào linh hồn rũ sạch hết bụi trần. Giáo thuyết nhấn mạnh đến cái nghiệp quả của người kiếp trước. Vì vậy, họ tin rằng, cái nghiệp đó sẽ được diệt sạch bằng việc tu tâm và lòng từ bi thì sẽ được siêu thoát.
Dưới ánh sáng Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta câu giải đáp rõ ràng nhất về sự sống đời sau. Chúa Giê-su nói: “Khi con người sống lại, những ai được xét và hưởng phúc đời sau, họ sẽ được sống lại từ cõi chết, thì họ không còn cưới vợ gã chồng nữa và không thể chết nữa vì họ được ngang hàng với các thiên thần.” Tất cả là con cái của Thiên Chúa và được hưởng viễn mãn trên thiên đàng. Tất nhiên, người phụ nữa đó cũng chẳng thuộc về ai.
Với cái nhìn của con người, chúng ta thường bị giới hạn bởi không gian và thời gian, hay lệ thuộc về một người nào đó, khi chúng ta sở hữu những thứ chúng ta có. Chẳng hạn, cái nhà, chiếc xe, hay ngay cả chuyện vợ chồng. Chết rồi còn hỏi Chúa cô ta thì thuộc về ai. Con nguời luôn tự ràng buộc mình vào những thứ thuộc về thế gian, nên họ cố bám víu vào nó như là thước đo cho những giá trị hạnh phúc ở đời. Nhóm người Xa-đốc, họ vẫn còn mang nặng mùi theo kiểu trần tục trong việc vợ chồng, rồi họ đặt ra vấn đề cô ta sẽ thuộc về ai.?
Ngẫm nghĩ sự đời, người ta vẫn thường nói: “Chết rồi cũng không buông tha”. Đời người thật mong manh, chóng qua. Dựa trên các quan niệm về đời sau, chúng ta có thể nhận thấy rằng, con người luôn khao khát tìm kiếm chân lý, tìm cứu cánh và định hướng đi cho đời sau. Lòng khát khao đó giúp cho con người sống mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình, thì Thiên Chúa là con đường cho ta bước theo, là ánh sáng dẫn bước chúng ta. Ngài là ánh, là chân lý vĩnh cửu và trường tồn. Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô thắp lên niềm tin và hy vọng cho tất cả nhân loại nhân, để nhận biết sự sống chiết suất từ Thiên Chúa. “Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời.” Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải sự chết. Giáo hội mời gọi chúng ta hãy luôn nhớ cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11 này.
Chúa cho Lazarô sống lại thì Ngài cũng cho kẻ chết sống lại. Niềm tin và hy vọng của chúng ta là nơi Chúa Phục Sinh, Ngài sẽ cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, để hưởng phúc trên thiên đàng. Sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi. Với niềm xác tín vào sự sống đời đời, chúng ta sẽ biết chọn cho mình cách sống ngay từ bây giờ và hướng đi thích hợp ở đời này thì ta sẽ được hạnh phúc đời sau. Đó là cách chọn lựa của mỗi người khi chúng ta còn đang sống trên trần gian này. Chúa Giêsu phán: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được gì?.” Lạy Chúa: – Con vẫn nghe Lời Chúa dặn, con người sẽ được sống lại, nhưng tâm hồn con vẫn còn xa lìa Chúa. – Con biết một ngày nào đó, con sẽ từ giã cõi đời này, nhưng nơi cõi lòng con vẫn còn tham lam của cải, danh vọng và lạc thú. – Con vẫn biết trần gian là quán trọ để dừng chân, nhưng chân con vẫn chạy theo những thú vui giả trá để giết chết thể xác và linh hồn. – Con biết sự dữ và tội ác đang vây bủa thân con bởi kiêu ngạo, hận thù và gian ác nhưng con vẫn làm ngơ trước sự cám dỗ của ma quỷ. Xin Ngài thương xót và cứu chữa linh hồn con cả đời này và đời sau. Amen. Lm. John Nguyễn.
ĐTC: Không ai bị kết án đến nỗi vĩnh viễn chia lìa Thiên Chúa
Lúc 5 giờ 30 chiều 09/11, Lễ cung hiến thánh đường Laterano, Đức Thánh Cha đã đến dâng Thánh Lễ tại nhà thờ chính toà này, vốn được coi là nhà thờ mẹ của tất cả các nhà thờ trên thế giới. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói đến 3 câu Lời Chúa: Câu đầu tiên dành cho tất cả mọi người, lấy từ Thánh Vịnh 46: “Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời” (Tv 46,5). Đức Thánh Cha nói: Các Kitô hữu sống ở thành phố này giống như dòng sông chảy ra từ đền thờ. Họ mang Lời hằng sống và hy vọng cho các sa mạc của trái tim. Thành phố chỉ có thể vui mừng khi thấy Kitô hữu trở thành những người loan báo niềm vui và dấn thân chia sẻ với người khác những kho tàng Lời Chúa và làm việc vì lợi ích chung.
Câu thứ hai dành cho các linh mục, được trích từ thư thứ nhất Corintô: “Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11). Đức Thánh Cha nói rằng: “đây là nhiệm vụ, là trái tim sứ vụ của anh em: giúp cộng đoàn ở lại dưới chân Chúa và lắng nghe Lời Chúa; sao cho cộng đoàn ấy tránh tinh thần thế gian, khỏi những thoả hiệp xấu; bảo vệ nền tảng và gốc rễ của toà nhà thiêng liêng; bảo vệ cộng đoàn khỏi hung sói và khỏi những ai làm cho nó đi trệch với Tin Mừng.
Và câu cuối cùng, trích từ Tin Mừng Gioan: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19), dành cho các thành viên của các nhóm mục vụ mà cuối Thánh Lễ họ nhận bài sai từ Giám mục. Đức Thánh Cha nói rằng để thay đổi tận căn, đôi khi Chúa chọn cách hành động theo cách rất mạnh. Nhưng không có trái tim con người nào mà Chúa Kitô không muốn và không thể làm tái sinh. Chúa chỉ cần ba ngày để xây dựng lại đền thờ nơi chúng ta. Không ai, vì thương tích bởi sự dữ, bị kết án trên trái đất này đến nỗi vĩnh viễn bị chia lìa khỏi Thiên Chúa.
Cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha cử hành nghi thức sai đi cho nhóm mục vụ, với ba câu hỏi về ước muốn phục vụ của họ, và chính mỗi người thưa: “Có. Con muốn”. Những người này có nhiệm vụ giúp các cộng đoàn và các nhân viên mục vụ trong việc phục vụ đức tin trong thành phố. (CSR_6612_2019)
Có thể khát vọng, có thể niềm tin bị chao đảo bởi lý do này lý do khác của cuộc đời. Nhưng sẽ không có bất cứ lý do nào làm chao đảo nếu chúng ta tìm thấy chỗ nương tựa vững vàng. Nơi nương tựa bất biến, có một không hai ấy chính là gắn chặt đời mình trong Chúa.
Đừng tưởng khi cố gắng gắn chặt đời mình trong Chúa thì chỉ có nỗ lực của ta. Ngược lại, sự liên kết không gì có thể tách rời giữa Chúa và chúng ta, trước khi là nỗ lực của chúng ta, nó đã là mơ ước, là nỗ lực không ngơi của chính Chúa.
Lời Kinh Thánh: “Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì” (Ga 15,5), trước khi là lời dạy, là đòi buộc Chúa dành cho mỗi người, đã là lời cho thấy một cách lớn lao, một cách mãnh liệt nỗi lòng của Chúa.
Ý thức tình mình trong Chúa và tình Chúa trong mình, dù đứng trước chọn lựa hoặc thoái thác đức tin để được sống, hoặc mất mạng sống để bảo toàn đức tin, các thánh Tử Đạo Việt Nam đã chấp nhận bước đến đỉnh cao cuối cùng của đức tin, không còn gì lớn bằng, không còn gì đẹp bằng: Hiến dâng đời mình thành hy tế tình yêu cho Đấng mà các ngài trung thành tôn thờ.
Ý thức luôn có tình yêu Chúa hiện diện nơi bản thân và luôn được Chúa phủ đầy trong cả một thế giới tình yêu bền chặt, xiết chặt mà Chúa dành cho mình, các thánh Tử Đạo Việt Nam, dù vượt qua trăm ngàn thách thức từ thể xác đến tinh thần, vẫn kiên trung, vẫn vững chí, không chút nao núng, hiên ngang bước lên đoạn đầu đài tử nạn để tế lễ đời mình.
Bằng một xác tín cách hết sức mạnh mẽ: Chỉ một tình yêu duy nhất từ Chúa mới làm cho kẻ tin được sống như dòng nhựa lưu chuyển từ thân nho đến cành nho, các thánh Tử Đạo Việt Nam, dù trước sau gì vẫn chỉ là những kẻ mang phận người yếu đuối, vững tin rằng, chỉ một mình Chúa mới chính là Đấng Giải thoát đích thực.
Mỗi người đều có khát vọng sống. Khát vọng sống không bao giờ là sai. Nhưng đứng trước đức tin vào sự sống mà Chúa Kitô, Đấng Hằng sống luôn mời gọi tiến về, thì khi cần dủ bỏ mọi sự, dẫu phải dủ bỏ cả một đời trần thế, các thánh Tử Đạo Việt Nam chấp nhận để cho khát vọng sống hôm nay nhường bước cho khát vọng sống đích thực trong Chúa đời dời.
Quyết chiến đấu đến cùng trong một lòng tin bất khuất là chọn lựa duy nhất, không có bất kỳ điều gì khác có thể khiến các ngài nghĩ lại. Đồng thời, biết mình chỉ là cành, sẽ không thể sống mà không gắn vào cây, các ngài quyết định: dù thân xác có phải đớn đau đến đâu, thì tâm hồn vẫn chỉ gắn chặt vào Chúa đi đến cùng con đường của tình yêu dâng hiến.
Biết rằng sức người chỉ là sợi chỉ mong manh, chỉ là ngọn bấc trước gió, các thánh Tử Đạo Việt Nam không ngần ngại để Chúa hướng dẫn, tác động trong từng hành vi, từng nếp nghĩ, nếp sống của mình.
Chắc chắn, qua tất cả những chịu đựng và chấp nhận mọi hình khổ, hơn ai hết, các thánh Tử Đạo Việt Nam đã thấu hiểu sâu xa lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì”.
Bởi nếu không có ơn Chúa, chỉ cần nghe đến hai tiếng ngục tù, bất cứ ai, dù can đảm cách mấy, vẫn rùng mình khiếp sợ, đừng nói chi đến việc đối diện với lòng độc ác không thể tưởng tượng của những kẻ nhân danh quyền lực cai trị và hành hạ mình bằng không biết bao nhiêu chiếc nanh của thú dữ chứ không phải của bàn tay con người.
Chỉ ơn Chúa, chỉ nhờ Chúa Kitô hiện diện nơi mình, nhờ gắn chặt mình vào Chúa Kitô như cành nho với cây nho, trước sau như một, lòng trung kiên của các thánh Tử ĐạoViệt Nam không hề lay chuyển. Đó là lòng trung kiên của những con người vượt quá sức người.
Cùng các thánh Tử đạo Việt Nam, ta xác tín mạnh mẽ: Có Chúa trong ta, và ta biết để mình tháp nhập vào Chúa, sẽ không sức mạnh nào nơi trần thế, dù bạo tàn đến mấy, dù mất tính người hay lang sói đến cấp độ nào, sẽ không có cách thắng được ta.
Ta sẽ làm nên mọi sự trong Chúa như các thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm, đã sống, đã chết, đã vinh quang và vinh quang đến đời đời.
Chúng ta biết ơn các thánh Tử Đạo Việt Nam. Bởi không chỉ trao dòng máu Việt để ta hãnh diện trong chức bậc con cháu, các ngài còn trao cho ta cả một gia sản đức tin quý giá trả bằng máu của các ngài.
Chúng ta yêu mến các thánh Tử Đạo Việt Nam, vì không chỉ là bậc cha ông mình, các ngài còn là bài học sống giúp ta học lấy, noi theo để sống như các ngài. Nhờ đó, ta hoàn toàn sống trong Chúa và Chúa sống trong ta, để mãi mãi ta là cành nho, tháp nhập bền chặt nơi thân nho là chính Chúa.
Mừng lễ các thánh tử đạo, một lần nữa, chúng ta được củng cố lòng tin vào Thiên Chúa: Có thể vì Tin Mừng, vì Chúa Giêsu mà ở đời này ta thua thiệt hay bị chà đạp. Nhưng ta tin, Chúa không để ta chiến đấu một mình, đồng thời Người ban cho ta gia nghiệp đời sau, ta sẽ can đảm và hạnh phúc đi tới cùng đỉnh cao thánh giá.
Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của các bậc cha ông Việt Nam yêu kính, ban cho từng người đức tin mạnh mẽ, kiên trung, bền chặt, để ngày qua ngày, chúng ta bước đi trong lòng mến Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất của cuộc đời chúng ta, cách cương quyết, dứt khoát, và bạo dạn, bất chấp mọi thách thức của đời này.
120 Giám Mục Pháp, Phó Tế và giáo dân họp đại hội thường niên
Lê Đình Thông
06/Nov/2019
120 vị giám mục Pháp họp đại hội thường niên khóa mùa thu tại Lộ Đức từ thứ ba 5 đến Chúa Nhật 10/11/2019. Đây là phiên họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 3 năm của Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort, tân chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp. Ngài là TGM Reims từ 18/08/2018.
Theo tinh thần công nghị (synodalité) do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, mỗi giáo phận đã đề cử hai giáo dân để trình bầy vấn đề môi sinh. Đây là thời sự nổi bật của nước Pháp hiện nay.
Theo nhật báo La Croix, có 55 nam giáo dân, 49 nữ, 9 linh mục và 4 phó tế vĩnh viễn từng tham gia các sinh hoạt trong lãnh vực chuyển tiếp sinh học (transition écologique) tham dự đại hội.
Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort mời gọi các giáo dân thực thi lời Chúa bằng cách biến đổi cuộc sống hiện nay ngày thêm tốt đẹp. Ngài tuyên bố : ‘‘Trong thời đại hiện nay, nhân loại ý thức về sự giới hạn các tài nguyên.’’ Các giáo dân tham dự đại hội đã tham gia mục vụ sinh học toàn diện (pastorale de l’écologie intégrale). Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort ngỏ ý mong muốn các vị giám mục tiếp cận với các nông gia, các nhà công nghiệp, thảo luận với các nhà khoa học, các triết gia và các nhà thần học về việc chuyển đổi sinh học.
Đại hội còn đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chận nạn lạm dụng tình dục, đồng thời tiếp cận với các nạn nhân. Nhân sĩ Jean-Marc Sauvé, chủ tịch ủy ban độc lập sẽ trình bày về hồ sơ liên hệ và đưa ra các đề nghị cần thiết.