Người Tín Hữu Trưởng Thành

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - ĐỰNG SƠ- CN12TN-A

Hãy can đảm giữ niềm hy vọng

Bài Tin Mừng hôm nay có đến ba lần Chúa khuyên “đừng sợ”:

– Đừng sợ người ta (Mt 10, 26).

– Đừng sợ kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10, 28).

– Đừng sợ, anh em thật quý giá… (Mt 10, 31).

Giả thiết của thái độ không biết sợ là một tinh thần thép, một tâm hồn quật cường không chút suy suyễn, không chút nao núng, không chút e dè trước bất cứ tấn công nào dù đe dọa nhất, nguy hiểm nhất, thậm chí ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống, ảnh hưởng trực tiếp trên chính sự sống của mình.

Dù biết trước chính mình sẽ bị bắt, bị áp bức, bị sỉ nhục, bị đánh đập dã man, bị vác thập giá, bị đội mão gai, cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá cho đến chết, Chúa Giêsu vẫn can đảm đi đến cùng con đường tử nạn, chỉ một lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa để mang ơn cứu độ cho trần gian.

Đặc biệt, trước khi lịm tắt, Chúa thấy gì xung quanh thập giá? Đó là những con người đằng đằng sát khí, những kẻ chiến thắng vì đã loại trừ Giêsu, những khuôn mặt người nhưng trái tim hoàn toàn vô cảm, vô cảm đến tàn độc, những thái độ hả hê cho thấy lòng chất chứa đầy sự ác, sự dữ. Họ đã giết Giêsu rồi mà vẫn chưa buông tha, vẫn còn mở miệng thốt lên lời sỉ vả, thách thức: “Nó xuống khỏi thập giá đi”. Ngay cả môn đệ thân thiết cũng bỏ chạy…

Nhưng chính giây phút tưởng như tuyệt vọng đó, Chúa Giêsu kêu lên “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” và “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”.

Đó là tiếng kêu của hy vọng, cậy trông, phó thác, dù đang bị vây bọc bởi đau đớn, tuyệt vọng.

Chỉ có tin tưởng mãnh liệt vào sự chiến thắng tối hậu của tình yêu mới làm cho người ta dám tha thứ cho những kẻ giết chết mình.

Chỉ có tình yêu mãnh liệt cùng lúc tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, Đấng ban tặng sức mạnh mới có thể phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong giờ phút kinh hoàng.

Đau khổ, bị bách hại, sự chết, phải hy sinh thân mình…, toàn là những thứ gây bất an, làm nát tan thân xác, thậm chí khủng bố và đày đọa tinh thần, ai mà không sợ.

Chúa Giêsu, dù vẫn một lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha, cũng từng cầu xin cho khỏi uống chén đắng.

Nhưng Chúa vẫn nêu gương cho chúng ta về tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chính trong tình yêu, Người dám đi đến cùng của thập giá cứu độ.

Cũng vậy, để sống lời mời gọi “đừng sợ” của Chúa Giêsu, chúng ta cần bước theo Chúa, mang lấy chính tình yêu của Chúa dành cho Chúa Cha, nhờ đó, ta dám đặt hy vọng, sự cậy trông và niềm phó thác của mình vào Thiên Chúa, để chính hy vọng, cậy trông, sự phó thác trở thành sức mạnh giúp ta vượt lên trên tất cả sợ hãi mà sống chết cho Thiên Chúa, cho đức tin, quyết không xa lìa Chúa, không vương vấn tội lỗi, không tìm an thân mà quên lề luật Chúa.

Chính vì thế, đến muôn đời, thập giá của Chúa Kitô trở thành nguồn hy vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống, giúp ta mạnh mẽ mà tuyên xưng lòng tin của mình, nhằm chiến thắng sợ hãi.

Và lịch sử Hội Thánh chứng minh, trùng trùng lớp lớp thế hệ tử đạo, bất chấp sợ hãi, nhìn lên thập giá của Chúa Kitô để múc lấy nguồn hy vọng.

Chính các ngài thay cho đám đông hò la lên án trên đồi Tử nạn hôm ấy, đã, đang và sẽ hát lên đến ngàn đời: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

Tự hào là Kitô hữu, thừa kế kho tàng đức tin của mọi thế hệ tử đạo, bạn và tôi phải sống đức tin trung kiên như lời Chúa dạy: “Anh em đừng sợ”.

Cái “đừng sợ” của chúng ta hôm nay là ý thức đức tin từ những việc làm hết sức nhỏ nhặt hằng ngày.

Ví dụ làm dấu thánh giá trang nghiêm. Thử đặt một vấn đề thật nhỏ: mỗi khi vào tiệm ăn, mình có dám tuyên xưng đức tin bằng dấu thánh giá trước khi bưng tô phở hay dĩa cơm không? Từ việc xem ra nhỏ nhặt, lại là hành động tuyên xưng đức tin quí giá!

Sao có những việc lớn lao ta làm được, còn những việc nhỏ bé như thế lại không thể? Bao hàm trong cái không thể đó, là sự sợ hãi: sợ người khác thấy, sợ người khác biết mình có đạo, sợ bị chê cười… Những cái sợ không đáng sợ lại là thực tế của người Công giáo hôm nay.

Ngày xưa tuyên xưng đức tin như thế, các thánh Tử Đạo đã trả bằng giá máu, nhưng các ngài vẫn kiên tâm, không sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ngày nay mạng sống không dễ bị tước đoạt, ta lại không giữ nổi những điều căn bản nhất mà cha ông đã làm?

Ví dụ về dấu Thánh giá chỉ là đại diện cho biết bao nhiêu lời nói, việc làm, suy tư, hình thức biểu lộ đức tin của từng người Công giáo hôm nay.

Chọn đức tin làm lẽ sống và chọn Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình. Đó là chọn lựa quan trọng và cần thiết. Giữa bao nhiêu cạm bẫy và cám dỗ trong đời, ta sẽ dễ mất phương hướng, nghi nan, chao đảo, có khi còn mất cả đức tin, nếu mình không có một chọn lựa dứt khoát đứng về phía đức tin chẳng những để bảo vệ mình khỏi ngã nhào mà còn đứng vững trong đức tin của mình.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - LỄ MÌNH MÁU CHÚA

CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Mình Máu Thánh Chúa 

(14-06-2020)

«Ăn thịt» và «uống máu» Đức Giêsu
phải được hiểu thế nào?


► Video: https://www.youtube.com/watch?v=VQrzK3oEvww

ĐỌC LỜI CHÚA

  • Ðnl 8,2-3.14b-16a:(3) Người đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.

 

  • 1Cr 10,16-17:(16) Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? (17) Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.

 

  • TIN MỪNG: Ga 6,51-58

 

Bánh hằng sống từ trời


Khi ấy, Ðức Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng: (51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.

(52) Người Dothái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? (53) Ðức Giêsu nói với họ: Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, (55) vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

 

Câu hỏi gợi ý:

  1.    Những câu nói của Ðức Giêsu như: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống» (Ga 6,51),«Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống» (Ga 6,55) có ý nghĩa gì?  2.     Bản thân Ðức Giêsu có thể ví như chiếc bánh bị ăn không? Tại sao?  3.     Ăn thịt uống máu Ðức Giêsu là gì? Cụ thể là gì?

 

Suy tư gợi ý:


  1. Bánh hằng sống từ trời xuống ở đây nghĩa là gì?

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu tuyên bố: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống» (Ga 6,51). Chúng ta cần phải hiểu câu nói đó theo nghĩa nào? Chắc chắn không thể hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là nghĩa vật chất được. 

    Viết tới đây tôi nghĩ tới Ðường Tam Tạng đi thỉnh kinh trong truyện Tây Du Ký: nhiều yêu tinh quyết bắt ông cho bằng được để ăn thịt, vì tin rằng cứ ăn thịt ông thì sẽ trường sinh hay trường thọ. Chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta tin được rằng thịt của Ðức Giêsu (hiểu theo nghĩa vật chất) là một thứ thuốc hễ ăn vào thì được sống đời đời theo kiểu các yêu tinh tin vào thịt của Ðường Tam Tạng. 

    Cũng khó mà hiểu được một cách thuần túy rằng «Thịt đem lại sự sống đời đời» ở đây chỉ là bánh Thánh Thể mà người ta vẫn nhận lãnh khi rước lễ. Vì quả thật không thể tin được là tất cả những ai lên rước lễ dù là hằng ngày thì sẽ được sống đời đời mà không cần một thái độ nội tâm nào (xin nhấn mạnh những chữ viết nghiêng này). Nếu thế thì muốn được sống đời đời quả thật quá dễ dàng! Và nếu thế thì... bánh Thánh Thể quả là một thứ phù phép hay bùa chú vượt trên mọi thứ phù phép trong mọi tôn giáo! Những phù phép trong các tôn giáo nhiều lắm thì hứa hẹn một cái gì tạm thời chóng qua, chứ không hứa hẹn một quyền lợi vô cùng to lớn mang tính đời đời, mà người thụ hưởng chỉ bị đòi hỏi làm một việc mang tính vật lý quá đơn giản! 

    Theo tôi nghĩ, chính thái độ nội tâm của ta mới là yếu tố quyết định về phía ta để Thiên Chúa ban sự sống đời đời cho ta hay không. Vì thế, việc ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu là một thái độ hay hành vi nội tâm hơn là thể lý! Không có thái độ hay hành vi nội tâm ấy, thì có rước lễ hằng ngày suốt đời cũng chẳng thể có sự sống đời đời. Thật vậy, có ai dám bảo đảm rằng những người rước lễ hằng ngày thì chắc chắn có sự sống đời đời chăng? Riêng tôi, tôi tin tưởng chắc chắn 100% rằng những ai có thái độ nội tâm giống như Ðức Giêsu thì tất nhiên sẽ được Ngài ban sự sống đời đời.

    Thiết tưởng, câu nói của Ðức Giêsu «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời» (Ga 6,51)cần hiểu theo nghĩa tâm linh, nghĩa huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vì nói chung, trong bất kỳ tôn giáo nào, những câu Kinh Thánh có ý nghĩa quan trọng thường được hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn là theo nghĩa đen. Vả lại, chính Ðức Giêsu đã từng dùng từ lương thực hay thức ăn theo nghĩa tâm linh: «"Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết". Các môn đệ mới hỏi nhau : "Ðã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" Ðức Giêsu nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người"» (Ga 32-34). Thiết tưởng chữ bánh, của ăn, của uống trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nên hiểu theo nghĩa ấy.



    2.  Cuộc đời và bản thân Ðức Giêsu là một chiếc bánh bị ăn

    Một trong những đặc tính căn bản nhất của đồ ăn là nó không hiện hữu vì ích lợi của nó, mà hoàn toàn vì ích lợi của người ăn nó. Nói cách khác, đặc tính căn bản của đồ ăn là hoàn toàn vị tha, không vương một chút vị kỷ nào. Ðức Giêsu cũng hiện hữu và sống hoàn toàn vì Chúa Cha và vì loài người, không hề vì bản thân mình chút nào. Ngài từng nói: «Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng theo ý Ðấng đã sai tôi» (Ga 6,38); «Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). 

    Cả cuộc đời Ðức Giêsu, dù xét một cách toàn thể hay theo từng chi tiết, từng hành động, ta thấy Ngài hoàn toàn vị tha, nghĩa là sống vì Chúa Cha và vì nhân loại. Không một hành vi nào chứng tỏ Ngài vị kỷ cả. Cụ thể và hùng hồn nhất là cuộc tử nạn hết sức thê thảm của Ngài: đau khổ đến tận cùng và chết thê thảm không vì ích lợi gì cho mình, mà hoàn toàn vì yêu thương Chúa Cha và nhân loại. Hãy nghe Ngài cầu nguyện hai lần với Chúa Cha trước khi chịu tử nạn: «Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Mt 26,39; x. 26,42). 

    Sự vị tha ấy đã có từ nguyên thủy khi Ngôi Hai xuống thế: «Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,68).

    Như vậy, cả cuộc đời Ngài là một cái bánh bị ăn, nhờ thế Thiên Chúa được vinh danh. Con người cũng nhờ thế mà được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), được phục hồi lại sự sống đời đời đã bị mất vì tội nguyên tổ.



    3.  «Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời» (Ga 6,54)

    Ðức Giêsu nói: «Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống» (Ga 6,55). Ðiều ấy chắc chắn là sự thật, nhưng phải hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vấn đề còn lại là ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu để được sống muôn đời là gì? Muốn ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu thì phải làm gì?

    Khi tôi ăn hay uống một thức gì, thì thức ấy được tiêu hóa để trở thành thịt và máu tôi, thành các tế bào của tôi. Thức ấy mà bổ dưỡng hoặc có tính chữa bệnh thì tôi trở nên mạnh khỏe, và bệnh tôi được chữa lành. Nếu tôi ăn hay uống những thức độc hại, thì chất độc ấy cũng trở nên những tế bào độc hại trong thân thể tôi và làm cơ thể tôi suy yếu. Chắc chắn rằng tất cả các tế bào hiện nay của tôi sau mấy chục năm sống ở đời đều hoàn toàn được cấu tạo từ những thức tôi ăn hay uống vào từ bên ngoài. Chính nhờ thức ăn và thức uống mà tôi sống được. Nhưng tôi sống mạnh khỏe hay bệnh tật tùy thuộc vào thức ăn thức uống tôi đưa vào cớ thể, và cũng tùy thuộc cách thức tôi ăn uống nữa. Thức ăn hay thức uống tôi ăn vào từ từ thay thế những tế bào cũ bằng những tế bào mới trong thân thể tôi. Vì thế, nhiều thầy thuốc hay nhà sinh vật học chủ trương người ta có thể cải tạo lại sức khỏe bằng cách thay đổi đồ ăn thức uống và cả cách ăn uống nữa.

    Từ thực tế trên, ta có thể hiểu được cách thức ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu. Ðức Giêsu là Ngôi Lời, nên bản chất của Ngài là Lời. Lời của Ngài cũng chính là của ăn thức uống. Ðời sống và bản thân của Ngài cũng là của ăn thức uống như đã nói ở phần trên.  Như vậy, ăn uống Ngài chính là dùng lời của Ngài, dùng gương mẫu đời sống Ngài, để suy niệm, thực hành, bắt chước, hầu chất của ta được thay thế dần dần bằng chất của Ngài, nghĩa là ta càng ngày càng trở nên có chất Giêsu hơn trong quan niệm, tư tưởng, lời nói, và hành động của ta

    Nếu mỗi ngày ta thay thế một phần trăm hay một phần ngàn, nghĩa là một chút «chất tôi» bằng một chút «chất Ngài» thì chỉ một thời gian sau «chất tôi» đầy ích kỷ, tham lam, ghen ghét sẽ giảm đi, và «chất Ngài» đầy vị tha, đầy tình yêu sẽ tăng lên. Và tới một lúc nào đó, «chất Ngài» ở trong tôi trở thành viên mãn, nghĩa là đạt tới mức 100% (Ðương nhiên thực tế không đơn sơ như vậy). Lúc ấy tôi có thể nói như Phaolô: «Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Ðức Kitô sống trong tôi» (Gl 10,20). Lúc ấy, một cách nào đấy, tôi không còn là tôilà Ðức Kitô

    Ðiều đó không có nghĩa là tôi bị vong thân, mà tôi trở nên một cái tôi hoàn hảo nhất, đúng với ước muốn sâu xa nhất của tôi là nên một con người hoàn hảo. Chính lúc ấy tôi mới tìm lại được bản thân tôi một cách trọn vẹn nhất. Ðấy là cách ăn thịt uống máu Đức Giêsu mà tôi nghĩ theo thiển ý mình là hợp lý và ý nghĩa nhất. Và đó cũng là cách bảo đảm nhất để có sự sống đời đời

    Vậy thiết tưởng, mỗi khi dâng thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể, tức là ăn thịt uống máu Ngài một cách bí tích, ta cần có một thái độ hay hành vi nội tâm tương xứng là ăn thịt uống máu Ngài một cách huyền nhiệm hay tâm linh như đã nói trên. Có sự phối hợp bên trong lẫn bên ngoài như thế, việc lãnh nhận Thánh Thể sẽ đem lại cho ta sự sống và sức mạnh tâm linh bội phần.



    4.  Hãy trở nên chiếc bánh bị ăn như Ðức Giêsu

    Như vậy, ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu chính là suy niệm Lời và đời sống của Ngài để dần dần thay thế «chất tôi» bằng «chất Ngài», biến tôi thành Ngài. Nói cách khác, đó là trở nên giống Ðức Giêsu hoàn toàn. Giống Ðức Giêsu là giống Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8.16). Tình yêu ở đây là thứ tình yêu hoàn toàn vị tha, không một chút vị kỷ. Vì thế, giống Ðức Giêsu là biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha, nghĩa là sẵn sàng trở nên chiếc bánh bị ăn như Ðức Giêsu (theo cách nói của cha Antoine Chevrier, tu hội Prado). Bị ăn bởi những người chung quanh ta, nhất là những người gần gũi ta nhất (vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè ta). Sống như thế, hay ít nhất là cố gắng hết sức để sống như thế, chính là ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu, và như thế thì chắc chắn ta sẽ được sự sống đời đời.




    CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, con muốn ăn thịt và uống máu Ðức Giêsu bằng cách mỗi ngày nhìn vào đời sống của Ngài biến một phần rất nhỏ «chất tôi» trong con thành «chất Giêsu». Nếu mỗi ngày con chỉ biến một phần ngàn «chất tôi» thành «chất Giêsu» một cách thật nghiêm túc và thành công, thì trên nguyên tắc chỉ 1.000 ngày sau  tức khoảng 3 năm  con đã được biến đổi hoàn toàn nên giống Ðức Giêsu. Ðó là tính theo kiểu toán học, thực tế không đơn sơ, dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Xin cho con biết ăn thịt và uống máu Ngài theo kiểu ấy, để nhờ đó con có sự sống đời đời.

 

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu: 
Đức Giêsu là thức ăn tâm linh (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/06/minhmauchua2.html)

 

Posted by Nguyen Chinh Ket at 8:16 PM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

 

-------------------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH- CHUỖI MÂN CÔI

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Wed, May 20 at 12:10 AM
     

     
     CHUỖI MÂN CÔI DẠY CHÚNG TA CẦU NGUYỆN 
     

    Cũng như nhiều tín hữu Công giáo khác, tôi sinh trưởng trong một gia đình đọc kinh Mân Côi mỗi tối. Chúng tôi biết tại sao phải làm vậy. Mẹ tôi thường khuyến khích chúng tôi rằng người có uy tín nhất để chuyển lời cầu nguyện lên Chúa Giêsu là Mẹ Maria. Là người con ngoan, làm sao Ngài từ chối Mẹ mình được chứ?

    Là con cái, chúng tôi thường đến với việc lần chuỗi Mân Côi buổi tối bằng lời cam kết: “Một chút nữa, mẹ nha”. Nhưng chúng tôi đã quỳ gối. Đó là thời gian tĩnh lặng đáng yêu đã nối kết gia đình có 9 đứa con vào thời gian cuối ngày với những điều căng thẳng bình thường giữa anh chị em với nhau. Nhiều năm sau đó, khi chúng tôi tụ họp để canh thức cha mẹ, và rồi lại canh thức anh chị, chúng tôi vẫn lần chuỗi Mân Côi với nhau, và điều đó vẫn nối kết chúng tôi. Cha Paddy Peyton, người tham gia cuộc Thập tự chinh Mân Côi đã đúng khi ngài nói: “Gia đình nào cùng cầu nguyện với nhau thì vẫn sống hài hòa với nhau”.

    Giọng đọc đều đều Kinh Kính Mừng dạy tôi biết sau đó là suy gẫm. Mẹ tôi thường khuyến khích chúng tôi “suy gẫm về các mầu nhiệm”. Mẹ tôi thật khôn ngoan. Trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae (RVM), ĐGH Gioan-Phaolô II đã gọi chuỗi Mân Côi là “con đường chiêm niệm” (a path of contemplation).

    Nếu một người trong chúng tôi bỏ lỡ việc lần chuỗi chung với gia đình, mẹ tôi luôn nhắc nhở: “Nhớ lần chuỗi nghe con”. Chúng tôi biết mẹ luôn để chuỗi tràng hạt bên gối đầu để thức giấc có chuỗi lần ngay. Bà tôi cũng khuyến khích chúng tôi: “Nếu các con bắt đầu lần chuỗi Mân Côi và rồi ngủ quên thì các thiên thần và các thánh sẽ đọc xong chuỗi cho các con”.

    Từ nhỏ, tôi đã biết kinh Mân Côi là lời cầu nguyện vừa chung vừa riêng, là cách đọc kinh và suy niệm như đọc thần chú lặng lẽ vậy. Điều này làm tôi tin rằng chúng tôi có thể đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria, và có các thánh cùng cầu nguyện với chúng tôi. Việc lần chuỗi Mân Côi dạy tôi biết bổn phận cầu nguyện riêng cũng như với người khác, và tôi có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

    Chuỗi Mân Côi có thể có tất cả các lợi ích về giáo lý đối với những người hậu hiện đại, thêm vào đó là hiệu quả mạnh mẽ của cách cầu nguyện. Sự phổ biến rộng rãi của việc lần chuỗi Mân Côi giảm sút sau Công đồng Vatican II – một tác động ngoài dự kiến đối với nỗ lực của Công đồng muốn tái tập trung các Kitô hữu vào Chúa Giêsu, Thánh Kinh và Phụng vụ. Nhưng khi ĐGH Gioan-Phaolô II chú giải trong Tông thư RVM về kinh Mân Côi: “Nhờ Mẹ Maria về đặc tính, trong trái tim là một lời cầu nguyện mà Đức Giêsu là trung tâm và có chiều sâu của các sứ điệp Phúc Âm trong toàn bộ”.

    Điều chú ý đối với Tông thư RVM là ĐGH Gioan-Phaolô II thêm 5 mầu nhiệm mới vào kinh Mân Côi: Mầu nhiệm sự sáng. Khoảng 500 năm qua, toàn bộ kinh Mân Côi gồm 15 chục, mỗi chục tập trung vào một mầu nhiệm nào đó về cuộc đời Đức Kitô hoặc Mẹ Maria. Sau đó, 15 chục được gom lại thành 3 chuỗi 50 – gọi là năm sự Vui, năm sự Thương và năm sự Mừng.

    Tuy nhiên, mầu nhiệm thứ năm mùa Vui tập trung vào việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thánh – khi Ngài 12 tuổi. Còn mầu nhiệm thứ nhất mùa Thương suy niệm sự lo buồn của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani – một khoảng trống rất lớn. Tôi vui mừng khi ĐGH Gioan-Phaolô II thêm năm mầu nhiệm mới tập trung vào cuộc đời Chúa Giêsu. Khi người Công giáo lần chuỗi năm sự Sáng, chúng ta có thể đào sâu sự nhận thức của chúng ta và tận tâm sống làm môn đệ của Chúa Giêsu.

    Chúng ta không thể xác định cách nào và khi nào kinh Mân Côi bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Truyền thống cổ nói rằng kinh Mân Côi được Đức Mẹ đích thân trao cho thánh Đa Minh. Mặt khác, các tu sĩ Đa Minh đã góp phần tiêu chuẩn hóa và đại chúng hóa kinh Mân Côi qua suốt thế kỷ 15 và 16. ĐGH Piô V, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã thành lập lễ Đức Mẹ Mân Côi (nay kính vào ngày 7/10). Ngài tin hiệu quả của kinh Mân Côi bằng việc chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong trận Lepanto năm 1571.

    Khoảng năm 1000, người ta bắt đầu đọc 150 kinh Lạy Cha, chia thành ba bộ 50 và đếm bằng xâu chuỗi hạt, gọi là tràng hạt (paternosters). Điều này trở thành phổ biến là “thánh thi của người đau khổ” (the poor man’s Psalter) vì là “bản sao” của các tu sĩ mỗi ngày đọc 150 Thánh vịnh. Khi lòng sùng kính Mẹ Maria tăng lên hồi thế kỷ 12, các tu sĩ chiêm niệm khổ tu dòng Xitô và dòng thánh Bruno đã góp phần phát triển và đại chúng hóa kinh Kính Mừng.

    Quan trọng là hình ảnh Thiên Chúa mà Giáo hội rao giảng là người nghiêm khắc và phán xét. Đây là lý do tại sao lòng sùng kính Đức Mẹ tăng lên, vì người mẹ yêu thương có vẻ dễ gần gũi hơn người cha nghiêm khắc.

    Kinh Mân Côi nổi bật từ khuynh hướng của các Kitô hữu bình thường được kêu gọi để cầu nguyện thường xuyên, để thánh hóa thời gian và công việc suốt ngày. Họ biết các tu sĩ nam nữ cũng làm vậy với Kinh Nhật tụng của Giáo hội. Nhưng giáo dân không có thời gian để đọc kinh chung. Khuynh hướng của họ cầu nguyện riêng. Kinh Mân Côi nổi lên từ khuynh hướng tốt của dân thường mà bí tích Rửa Tội kêu gọi họ tới đời sống thiêng liêng. Điều này đòi hỏi việc cầu nguyện thường xuyên.

    Ngày nay chúng ta nên được hướng dẫn bởi các khuynh hướng khôn ngoan của họ. Việc cầu nguyện thường xuyên sẽ luôn là chủ yếu để nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Tiếp theo, chúng ta cần nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa và mối quan hệ của Ngài với chúng ta xuyên suốt thời gian và các hoạt động của cuộc sống – không chỉ ở trong nhà thờ. Các Kitô hữu được rửa tội không thể ủy thác cho người khác – như các tu sĩ nam nữ trong các tu viện – để cầu nguyện thay họ. Chúng ta cần cầu nguyện cho mình, cho nhau và cho Giáo hội – dù chúng ta cầu nguyện một mình.

    Chắc chắn những rắc rối của cuộc sống có thể lắng dịu nhờ cầu nguyện và suy niệm bằng việc lần chuỗi Mân Côi.

    Cách tốt nhất để lần chuỗi Mân Côi? Truyền thống là suy niệm về mầu nhiệm mỗi chục kinh hơn là tập trung vào lời kinh. Như vậy, với mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui về việc Truyền tin, mỗi người có thể nghĩ về sáng kiến tuyệt diệu của Thiên Chúa, về sự cởi mở của Mẹ Maria sẵn sàng thực hiện Ý Chúa,… Cũng có thể tưởng tượng và sống trong bối cảnh khi Sứ thần Gabriel hiện ra với Đức Mẹ, lắng nghe để trao đổi giữa Sứ thần và Đức Mẹ,… Mục đích của việc suy niệm như vậy là đưa mầu nhiệm vào cuộc sống thường nhật để khuyến khích cương vị tông đồ của mỗi Kitô hữu.

    ĐGH Gioan-Phaolô II khôn ngoan nhận xét rằng chúng ta có trong chuỗi Mân Côi “một kho tàng được tái phát hiện”.

    (chuyển ngữ từ Catholic Digest)

    Nguồn : https://www.tgpsaigon.net/

     ----------------------------------

NGƯỜI TÍN HỮU - GIE-SU HỮU VÔ DỤNG

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Mon, May 25 at 12:07 AM
     

     

    MỘT GIÊSU HỮU KHÔNG HẠNH PHÚC LÀ MỘT GIÊSU HỮU VÔ DỤNG

     

    Tôi nghe lời nhắn nhủ này mà cảm tưởng như đó là trọn vẹn tâm huyết, là tinh hoa của cả một cuộc đời, để tại cho hậu thế, là điều đúc kết cho tất cả những trải nghiệm và sự khôn ngoan cả đời của cha.

    Trải qua hơn 80 năm sống trên cõi đời, đã từng phục vụ và làm việc tại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, học cao hiểu rộng, lại từng giữ những chức vụ cao trong Dòng, cha Nicolas – cựu Tổng Quyền Dòng Tên vừa được Chúa gọi về – đã trở thành mẫu mực cho mọi Giêsu hữu. Tôi tin là những ai có cơ hội tiếp xúc với Ngài đều được đời sống thánh thiện của ngài cảm hoá. Ngài đã từng dạy chúng tôi nhiều điều, tất cả đều xuất phát từ vốn kinh nghiệm phong phú của ngài. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh với tôi, vừa như nhắc nhở, vừa như đánh thức tôi, chính là lời mời gọi tôi “hãy là chính mình, và hãy là một con người hạnh phúc”, vì “một Giêsu hữu không hạnh phúc là một Giêsu hữu vô dụng”. Tôi nghe lời nhắn nhủ này mà cảm tưởng như đó là trọn vẹn tâm huyết, là tinh hoa của cả một cuộc đời, để tại cho hậu thế, là điều đúc kết cho tất cả những trải nghiệm và sự khôn ngoan cả đời của cha.

     

    Nghe lời giáo huấn của cha, tôi bỗng liên tưởng đến nội dung của các Tin Mừng trong phụng vụ những ngày gần đây. Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn cũng để lại cho các môn đệ những lời trăn trối. Những lời ấy mang đầy màu sắc lạc quan, truyền sức sống, chẳng hề giống như lời của người biết mình sắp bước vào cửa tử kinh hoàng. Nhiều lần Chúa Giêsu nhắc đến niềm vui, của chính Ngài và của các môn đệ (x. Ga 15,11; Ga 16,24). Niềm vui ấy chắc chắn không phải chỉ là kiểu trấn an trên bình diện tâm lý đơn thuần. Nó phải xuất phát từ một sự xác tín tận sâu thẳm trong lòng, và là kết quả của một sự đụng chạm giữa cá nhân với Huyền Nhiệm. Đó là niềm vui của một người chiến thắng, một người chân còn chạm đất mà lòng đã ở trên trời. Có lẽ cha Nicolas đã gọi kiểu niềm vui này bằng từ “hạnh phúc” trong phát biểu của ngài.

     

    Ngay từ đầu, khi một bạn trẻ muốn tìm hiểu và sống ơn gọi dòng Tên, anh ta đã được dạy cho biết về đích nhắm và lý do hiện hữu của Dòng nhỏ bé này, đó là “nhờ ơn Chúa, không những chăm lo cho anh em trong Dòng được cứu độ và nên hoàn thiện, nhưng cũng nhờ ơn Chúa, còn hết sức xả thân cho tha nhân được cứu độ và nên hoàn thiện nữa” (HP, 3). Rồi trong Linh Thao, anh ta được mời gọi lắng nghe lời hiệu triệu của vị Vua Hằng Sống, muốn anh ta cùng với Ngài chinh phục cả thế giới. Được ở với Giêsu, lao tác với Ngài ban ngày, tỉnh thức với Ngài ban đêm (x.LT 93), nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mặc thứ y phục tôi tớ giống Ngài (x.HP 101) chính là niềm hạnh phúc của người Giêsu hữu. Nói cách khác, hạnh phúc của Giêsu hữu chính là Giêsu, “người hạnh phúc” là “người có Giêsu”. Có được niềm hạnh phúc này, anh ta mới có thể dấn thân cho sứ mạng, “chiến đấu không ngại thương tích, làm việc không tìm nghỉ ngơi”; mà theo ngôn từ của cha Nicolas, anh ta mới là một Giêsu hữu “có ích”.

     

    Là một con người có chiều sâu thiêng liêng, hẳn là cha không chỉ nói đến một kiểu “hạnh phúc” bên ngoài, theo nghĩa những niềm vui chóng qua, niềm vui có được nhờ sự “tụ tập” hay “cười đùa”, dù điều này đôi khi cũng giúp ích. Khi cha bảo tôi “hãy là một Giêsu hữu hạnh phúc”, tôi nghĩ rằng cha như muốn thúc bách tôi tìm kiếm một niềm vui sâu xa nội tâm mà Giêsu nói đến trước khi bước vào cuộc Thương Khó, hay nói chính xác hơn, một sự đụng chạm cách cá vị với chính Đức Giêsu Kitô, mở ra với Ngài và xem Ngài là cùng đích, là lý tưởng cuộc đời cũng như sứ mạng của mình. Có Giêsu rồi, tu sĩ dòng Tên mới xứng đáng với danh hiệu “Giêsu hữu”, khi ấy, họ mới nên trọn vẹn, được đong đầy, được vui, được hạnh phúc. Có Giêsu rồi, những hoạt động tông đồ của họ mới thật sự là “tông đồ”, mới sinh hoa trái, và họ mới trở nên “có ích”. Như thế, ngay giữa những lao nhọc và vất vả trong đào luyện cũng như trong sứ mạng, các Giêsu hữu vẫn toát lên niềm vui từ trong lòng toả ra bên ngoài, chứ không hề héo úa hay phiền muộn. Những gánh nặng của đời phục vụ không những không làm cho họ sầu khổ, trái lại, càng khiến họ thêm hạnh phúc. Họ phải là và mãi mãi là con người hạnh phúc theo nghĩa đó!

     

    Nghe lời cha, tôi tưởng nghĩ: làm sao một người tông đồ lại có thể là một người không vui; hay làm sao mà một người chỉ có chút ít niềm vui mau qua bên ngoài mà có thể mang Tin Mừng (tin vui) đến cho người khác? Không cảm nghiệm được nguồn vui là chính Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài, người Giêsu hữu sẽ rao truyền ơn cứu độ thế nào? Các bài giảng trong thánh lễ, những chia sẻ, những lần giúp Linh Thao, đồng hành thiêng liêng… tất cả chỉ là ngoa ngữ, là sáo rỗng, nếu không hàm chứa trong đó một thông điệp về niềm vui; mà điều ấy chỉ có thể có được, khi người truyền thông điệp (các Giêsu hữu) thực sự là hiện thân của điều đó. Nếu không, dù có làm được những điều lớn lao cao cả, giảng hay và hùng hồn thế nào, họ vẫn chỉ là con người “vô dụng”.

     

    Lời cha dạy thật chí lý! Vậy mà trong suốt thời gian dài, con bỏ quên yếu tố “hạnh phúc” này trong cuộc sống và trong hành trình đào luyện của mình. Con phát hiện ra rằng những ủ rũ bấy lâu nay cứ đeo bám con, chính là do con chưa tìm đến niềm vui của Giêsu, con chưa xem Giêsu là hạnh phúc duy nhất và cao vượt nhất của mình. Hoá ra, từ trước đến nay, con ảo tưởng cho rằng mình đã giúp ích được nhiều người, chứ thật ra, con vẫn còn là một “Giêsu hữu vô dụng”. Những niềm vui con có, hay hạnh phúc mà con phấn đấu để thủ đắc chỉ là một kiểu hời hợt bên ngoài, chứ chưa đi vào trong tận gốc rễ tâm can. Cũng có thể con đã là “người Giêsu hữu hạnh phúc” chút nào đấy, nhưng chưa thấm vào đâu. Niềm hạnh phúc thiêng liêng không bao giờ được phép có điểm dừng. Con thấy mình được mời gọi để càng ngày càng “hạnh phúc” hơn, càng vui hơn, một “niềm vui trọn vẹn” như Giêsu đã nói.

     

    Về Thiên Đàng, xin cha chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, xin Chúa giúp chúng con đừng trở thành những “Giêsu hữu vô dụng”, nhưng là những “Giêsu hữu hạnh phúc” trong trái tim của Chúa, giống như cha!

     

    Pr. Lê Hoàng Nam, SJ(dongten.net)

     

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - CHÚA CÓ TÁC ĐỘNG TRONG TL ON LINE?-

  •  
    phung phung
    Sun, May 17 at 8:54
     
     

    CHÚA CÓ TÁC ĐỘNG QUA THÁNH LỄ ONLINE KHÔNG?

    CHÚA GIÊ-SU KHÔNG BỊ GIỚI HẠN THỜI GIAN,... HAY INTERNET

     

    Một số ít người không tin vào thánh Lễ online.  Nhất là khi thánh Lễ trực tuyến đã kết thúc, sau ấy vài tiếng Bạn mới “xem lại online” thì sao?  Để trả lời cho thắc mắc trên, xin kể cho quý ông bà anh chị em nghe câu chuyện sau đây về cha Tardif.

     

    [Cha Emiliano Tardif MSC (1929-1999) được Chúa ban ơn chữa lành bệnh tật qua thánh Lễ.  Ngài luôn rao giảng: Chúa GIÊSU đang sống và dẫn chứng bằng những dấu chỉ chữa lành các bệnh nhân, giống như Giesu đã từng chữa các người bệnh cách đây 2000 năm.  Bởi thế cha đi đến đâu nhà thờ cũng chật ních người.  Vì số giáo dân và cả người không Công giáo tham dự quá đông, có lần cha phải tổ chức thánh Lễ chữa lành ở một sân vận động lớn, có sức chứa tới 100.000 người.]

     

    Mùa hè 1982 đài truyền hình CHOT ở Ottawa, Canada đã hỏi cha Tardif, họ muốn thâu một chương trình dài 30 phút về “Canh Tân Đặc Sủng.”  Chương trình sẽ ghi hình vào băng Video Cassette, để trình chiếu trên đài truyền hình vào mùa thu năm đó.  Trong lúc cầu nguyện cho bệnh nhân thì cha được linh ứng rằng Chúa Giêsu đang tác động chữa bệnh.  Và cha nói: NGAY TRONG LÚC NÀY một người bệnh đang nằm một mình trong phòng bệnh viện.  Cô bị đau lưng nặng.  Nhưng Giêsu đang ở bên để chữa lành cho cô.  Cô cảm thấy một luồng điện ấm loan tỏa khắp lưng.  Giờ cô có thể đứng dậy và đi được.

     

    Khi cha Tardif về nhà, ngài suy đi nghĩ lại sự việc và cảm thấy ngạc nhiên về điều ngài đã nói trong lúc cầu nguyện: Chương trình thâu hôm nay cho mấy tháng sau mới được chiếu trên tivi cơ mà, sao lại nói NGAY TRONG LÚC NÀY… Cha thầm nghĩ: Có lẽ cô ấy hiện tại còn chưa được đưa vào bệnh viện nữa.  Thế mà cha đã nhân Danh Thiên Chúa nói trước về sự chữa lành của cô ấy.

     

    Cuối tháng 1 năm 1983 cha nhận một lá thư của B.G., cô viết ngày 16.1.1983:


    Vì bị bệnh nặng nên con phải nghỉ làm việc.  Hai đốt sống sau lưng bị lật sang bên gây đau buốt kinh khủng.  Có những đêm con ngủ không được.  Những bài tập trị liệu không thuyên giảm được cơn đau.  Do đó, vào tháng 12 bác sĩ đã thực hiện giải phẫu kéo dài 4 tiếng đồng hồ.  Kết quả là chân phải của con có thể đi lại được chút, nhưng cái lưng thì vẫn rất đau.


    Ngày 18.12 con mệt mỏi không còn sức mà vẫn phải nằm ở bệnh viện.
     Đức tin của con vào Chúa như đã mất.  Lúc 18 giờ 35phút con mở tivi lên.  Chương trình TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI vừa kết thúc và con nghe, cha nói những lời cuối: Một bệnh nhân đang nằm một mình trong phòng bệnh viện, cô bị đau lưng rất nặng.  Ngay trong lúc này Giêsu đang hiện diện ở bên để chữa lành.  Cô bắt đầu cảm nhận, Chúa chạm vào lưng cô…  Sau này cô sẽ làm chứng về việc chữa lành này.

     

    Đúng như cha nói, một luồng điện ấm chạy dọc nơi cột sống, tỏa ra trên lưng con…  Trước ấn tượng bất ngờ ấy nước mắt con cứ tuôn chảy.  Con hối lỗi tự hỏi mình: Sao Giêsu có thể đón nhận một tâm hồn đau khổ khép kín và thất vọng này?  Nhưng không phải chính vì những tâm hồn tan nát như con mà Ngài đã chết trên Thánh Giá sao?

     

    Hôm nay, sau một tháng, con muốn kể cho cha nghe về việc chữa lành lạ lùng nơi con.  Lần đầu tiên trong cuộc đời con cảm nghiệm được sự BÌNH AN vô tận.

     

    Ơn chữa lành lạ lùng này đã được kiểm chứng ở Tahiti, nơi cô B.G. sống và được xác nhận là sự thật.  Từ Lời Chứng ở trên chúng ta biết được một điều rất quan trọng: Giêsu đã thật sự sống lại.

     

     Chúa GIÊSU không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay Internet.  Ngài có thể linh ứng cho biết, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, vì với Ngài Tương Lai cũng là NGAY TRONG LÚC NÀY… Thiên Chúa không có xài đồng hồ, Ngài không xài cuốn lịch.  Bởi NGÀI là Đấng HẰNG HỮU, Ngài hiện diện ở bất kỳ nơi nào Ngài muốn cách trực tiếp.


    Lm. Đa
    Minh Bùi Trọng Biên

     

    -------------------------------------

     

    •