Người Tín Hữu Trưởng Thành

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - YÊU CHÚA VÀ THA NHÂN

CHIA SẺ TIN MỪNG HÀNG TUẦN

 

Tuesday, October 20, 2020

 

TN30a - Cách yêu mến Thiên Chúa đúng đắn nhất, chính là yêu thương tha nhân


ĐỌC LỜI CHÚA

  • Xh 22,20-26:(25) Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. (26) Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

 

  • 1Tx 1,5c-10:(8) Từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.


  • TIN MỪNG: Mt 22,34-40

 

Điều răn trọng nhất


(34) Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: (36) «Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?» (37) Đức Giêsu đáp: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. (38) Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy».

 


CHIA SẺ

 

Câu hỏi gợi ý:

  1. Theo tinh thần của Đức Giêsu, thì trong hai điều răn quan trọng nhất ấy, điều răn nào quan trọng hơn? Phải ưu tiên sống điều răn nào? 2. Tại sao thánh Phaolô tóm toàn bộ lề luật vào một điều răn duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8)? Ngài bỏ điều răn yêu Chúa sao? 3. Nếu bạn là một người cha đông con, đồng thời là người cha tốt lành không chút vị kỷ, bạn muốn con cái yêu thương mình bằng cách nào?

 

 

Suy tư gợi ý:


  1.  Hai điều răn trọng nhất của Do Thái giáo và Kitô giáo

Người khôn ngoan thì trong mọi lãnh vực luôn luôn phân biệt điều chính và điều phụ, điều cốt lõi và điều «bì phu», điều cần thiết và điều ích lợi, điều quan trọng và điều không quan trọng. Phân biệt như thế không phải để chỉ làm điều chính và bỏ điều phụ, mà để khi không thể làm được cả hai, thì phải ưu tiên cho điều chính. Vì điều chính là yếu tố quyết định thành công, không thực hiện nó thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn điều phụ, nếu làm được thì rất tốt, rất ích lợi, có thể làm cho sự thành công rực rỡ hơn, nhưng không làm được thì cũng vẫn có thể thành công.

 

Trong việc giữ đạo và nên thánh, chúng ta cũng cần biết điều nào là cốt tủy, là quan trọng nhất; nếu không giữ điều này thì coi như chưa phải là giữ đạo, và không thể nên thánh, cho dù có giữ những điều phụ thuộc một cách thật hoàn hảo. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, giữa biết bao giới răn, thì giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Đó là cốt tủy của lề luật: «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40). Nếu giữ đạo mà không phân biệt điều nào chính điều nào phụ, thì chúng ta dễ giữ đạo theo «kiểu Pharisêu» đã bị Đức Giêsu tố cáo: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23); «Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà» (23,24). Hướng dẫn người khác giữ đạo và nên thánh mà không phân biệt chính phụ, thì dễ trở thành «những kẻ dẫn đường mù quáng» (23,16). Do đó, bài Tin Mừng hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt cho mọi Kitô hữu muốn giữ đạo và nên thánh.




  1. Hai điều răn tóm lại thành một điều răn: «yêu thương»

 

Cũng trong chiều hướng tìm cái chính yếu, ta có thể tiếp tục đặt vấn đề: trong hai điều răn ấy, điều răn nào quan trọng, chính yếu hơn? 

 

Phải nói đây là hai giới răn rất đặc biệt, có vẻ là hai giới răn khác nhau, nhưng thật ra chỉ là hai cách diễn tả khác nhau của một giới răn duy nhất. Cả hai giới răn chỉ có một động từ duy nhất là «yêu», đối tượng của động từ «yêu» này có vẻ là hai đối tượng khác biệt nhau: tuy có thể phân biệt rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế và thực hành thì dường như không thể phân biệt, và không nên phân biệt. Vì thế, hai điều răn ấy «tuy hai mà một», tương tự như hai trang của cùng một tờ giấy: tuy là hai mặt khác nhau, nhưng chỉ là một tờ giấy duy nhất

 

Thật vậy, rất nhiều lời trong Thánh Kinh cố tình đồng hóa Thiên Chúa với tha-nhân-của-chúng-ta. Cụ thể nhất là trong đoạn nói về cuộc phán xét cuối cùng (x. Mt 25,31-46), Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân, đặc biệt những người đau khổ, nhỏ bé, bị khinh thường, áp bức. Ngài nói: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40), và «mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta» (Mt 25,45). 

 

Tại sao thế? Vì con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6). Có ai yêu một người mà lại không yêu bức ảnh của người ấy không? Ta thấy những cặp tình nhân, khi không có mặt nhau, thường hôn lên ảnh của nhau. Hơn thế nữa, con người là con cái của Thiên Chúa: ngay khi được tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên hàng con cái Ngài (xem Kn 5,5; Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,16). Và Ngài yêu quí con người đến mức, sau khi họ sa ngã, Ngài đã cho Con Độc Nhất của Ngài xuống trần, chịu đau khổ và chết để cứu chuộc họ (x. Ga 13,1; Rm 5,6-8; 14,15b; 1Cr 15,3; 2Cr 5,15; 1Tx 5,10; 1Pr 3,18). Do đó, ai yêu Thiên Chúa, tất nhiên cũng phải yêu con cái của Ngài, những người mà Ngài hết mực yêu thương: «ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra» (1Ga 5,1). 

 

Như vậy, tha nhân bên cạnh và chung quanh chúng ta chính là hiện thân cụ thể và gần gũi chúng ta nhất của chính Thiên Chúa. Vì thế, yêu những người ấy là yêu chính Thiên Chúa, và không yêu họ chính là không yêu Ngài. Người Kitô hữu có đức tin đích thực phải nhìn thấy chính Thiên Chúa ở nơi những người mình gặp hằng ngày, và yêu Ngài ở nơi họ. Không thể yêu Ngài ở nơi một ai khác chính đáng hơn nơi tha nhân. Chính vì thế, thánh Gioan mới nói: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Do đó, «ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình» (1Ga 4,21). 

 

Quả thật, không phải là phi lý mà thánh Phaolô và Giacôbê đã tóm lại toàn bộ lề luật không còn vào hai giới răn, mà vào một giới răn duy nhất

 

  • «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2); 
  • «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8); 
  • «Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (…) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,9-10); 
  • «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gc 2,8). 

 

Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương nữa: «Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt» (Dt 10,24).



3.  Thực hiện việc yêu Thiên Chúa bằng việc yêu tha nhân

 

Để dễ hiểu những điều trên, ta hãy xét trường hợp của một người cha rất giàu có, rất khỏe mạnh, không thiếu thứ gì, cũng không cần thứ gì cả. Người cha ấy có một đàn con đông đảo, nhưng vì lỗi của chúng nên chúng trở nên nghèo nàn, đau khổ, thiếu thốn. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau khổ ấy là chúng không biết yêu thương. Người cha ấy đã tìm đủ cách để đàn con hạnh phúc hơn, bằng cách giáo dục để chúng có nhiều tình thương hơn, vì một khi chúng biết yêu thương thì tất nhiên và tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với chúng. Thử hỏi người cha ấy mong mỏi gì nơi đàn con? Chắc chắn là mong chúng yêu thương nhau (x. Ga 13,34-35).

 

Có một đứa con kia mong cha ban cho mình của này vật nọ, nên chỉ biết nghĩ đến cha, mong hầu hạ cha, lo cho cha từng chút, đang khi cha đã quá đầy đủ, chẳng cần ai lo cho mình một thứ gì. Ngược lại, đối với những anh em ruột thịt bên cạnh mình đang đau khổ và thiếu thốn, đang cần được chăm nom săn sóc, thì người ấy chẳng thèm đoái hoài đến. Thử hỏi người cha ấy có hài lòng về cách xử sự của người con ấy không? Cách xử sự như thế có hợp lý không? Nếu ta là người cha ấy, ta sẽ nghĩ gì về đứa con ấy, ta muốn nó xử sự thế nào?

 

Nếu ta là người cha ấy, chắc chắn điều ta mong mỏi nhất là thấy con cái mình yêu thương nhau, lo cho nhau, hy sinh cho nhau, và hễ chúng làm được điều ấy, thì ta sẽ hài lòng vô cùng, vì tình thương của chúng đối với nhau sẽ làm cho chúng hạnh phúc, là điều ta mong muốn nhất. Ta nghĩ rằng chính những đứa biết yêu thương anh em mình một cách vô vị lợi mới là những đứa con hiếu thảo, vì chúng có tình thương đích thực. Vì nếu anh em chúng nghèo khó và khó thương mà chúng còn thương được, ắt chúng phải thương yêu cha chúng hơn nhiều. 

 

Còn những đứa chỉ nghĩ tới cha mình giàu có, nên lo chăm chút cho cha đang khi cha chẳng cần điều đó, mà chẳng hề nghĩ đến anh em mình, thì tình thương của chúng đối với cha rất đáng nghi ngờ. Có thể chúng chỉ yêu bản thân chúng mà thôi, còn việc chúng chăm chút đến cha có thể chỉ là một chiến thuật cầu lợi theo sự khôn ngoan ích kỷ của chúng. 

 

Minh họa trên cho thấy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào. Có thể nói điều răn quan trọng nhất chính là «yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn» (Mt 22,37). Nhưng phải thể hiện tình yêu ấy thế nào cho phù hợp với ý của Thiên Chúa? Qua giáo huấn của Đức Giêsu, ta thấy cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa chính là thực hiện điều răn thứ hai: «yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,39). Đức Giêsu đã làm gương về điều ấy. 

 

Ngài chết trên thập giá vì yêu thương con người, đồng loại của Ngài (với tư cách Ngài là một con người), nhưng cái chết vì yêu thương con người ấy chính là lễ hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa được Thiên Chúa đánh giá cao nhất. Vậy cách thờ phượng Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa tốt nhất chính là yêu thương những người người chung quanh mình, những người mình gặp hằng ngày, và hy sinh bản thân mình cho họ.




CẦU NGUYỆN


Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Cha là Thiên Chúa, Cha không cần và không thiếu một thứ gì. Vậy thì con yêu Cha cách nào đây? Nếu con muốn yêu Cha cách thực tế, con hãy yêu Cha nơi những người sống chung quanh con, họ chính là hiện thân của Cha ở bên cạnh con. Con yêu họ, chính là con yêu Cha, và đó là cách tốt nhất để con tỏ lòng hiếu thảo đối với Cha».

 

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu: 
Mến Chúa và yêu người được Đức Giêsu tóm gọn thành một điều luật duy nhất

(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/10/tn30b.html). 

 

Posted by Nguyen Chinh Ket at 10:29 AM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

 

No comments:

 

Post a Comment

Newer Post Older Post Home

Subscribe to: Post Comments (Atom)

Chia sẻ


http://1234chiase.blogspot.com

Blog Archive

Chia sẻ


1234chiase.blogspot.com

   

Simple theme. Powered by Blogger.

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH- - LÀM SAO YÊU THA NHÂN...

Làm sao để yêu thương tha nhân như chính mình

Là Kitô hữu, chúng ta không ít lần được nghe diễn giải về giới luật yêu thương là mến Chúa và yêu người. Đã từng có nhiều vị, vì muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ hổ tương giữa đạo mến Chúa và việc yêu thương tha nhân nên đã dùng hình ảnh hai mặt của một đồng tiền. Là hình ảnh minh hoạ dĩ nhiên vẫn có đó sự khập khiễng cần chấp nhận. Tuy nhiên cái hình ảnh hai mặt của một đồng xu xem ra không chỉ khập khiễng mà còn lệch chuẩn.

Chúa Kitô đã khẳng định : Người hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất” ( Mt 22,38 ). Đã là điều răn đứng đầu và trọng nhất thì chỉ có một. Xét như loài thụ tạo thì nghĩa vụ thờ phượng Đấng tạo thành là nghĩa vụ hàng đầu và không có gì có thể thay thế. Nếu nhìn nhận mọi sự ta đang có, mọi sự đang là, đều do bởi lãnh nhận từ trên cao, thì việc thần phục đấng tạo Thành là chuyện mang tính sống còn. Nếu Chúa rút hơi lại thì không có loài nào được tồn tại.

Thiên Chúa ta thờ không chỉ là Đấng tạo thành mọi sự mà còn là Cha chí ái. Người không chỉ nhận ta làm con theo nghĩa được dựng nên giống hình ảnh của Người mà còn nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một chí ái của Người làm người là Đức Giêsu Kitô. Con người là chi mà Chúa đoái trông. Loài người là gì mà Chúa lại phó ban Con Một. Tất thảy chỉ vì Chúa muốn thông phần hạnh phúc cho chúng ta mà thôi. Như thế bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực là bổn phận liên hệ đến phần phúc loài người chúng ta.

Điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình. Chúa Kitô nói điều răn thứ hai “cũng giống” điều răn thứ nhất. Cái từ “giống” rất dễ bị hiểu lầm là tương đương, là ngang bằng. Tuy nhiên khi nói đến trạng thái “giống” là nói đến một sự phản ánh có điểm quy chiếu. Người ta nói cái hình, cái ảnh giống với người, với vật, với cảnh, chứ không nói ngược lại rằng người, vật, cảnh giống với hình, với ảnh. Tương tự như thế, người ta nói đứa con giống người cha chứ không bao giờ nói người cha giống đứa con. Như thế người cha là nguồn, là điểm quy chiếu của sự được gọi là “giống”.

Với hệ luận như trên thì điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa chính là nguồn, là điểm quy chiếu cho giới răn thứ hai là yêu người. Chính nhờ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, vì Người là Cha toàn năng chí ái nên ta mới có thể yêu mến nhau như anh chị em. Trong tình yêu mến Thiên Chúa, nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa và bởi việc yêu mến Thiên Chúa, chúng ta mớ có thể yêu thương tha nhân cho dù họ dễ thương hay đáng ghét, cho dù làm ơn, làm phước cho ta hay làm hại và thù ghét ta…( x. Mt 5,43-48 ).

Điều răn thứ nhất là nguồn, là nền tảng của điều răn thứ hai. Sư thường, trên nguồn đầy nước thì hạ lưu sẽ có nước chảy. Dòng sông không bị ngăn chặn, nếu hạ lưu không có nước chảy thì chắc chắc trên nguồn đang thiếu nước hay không có nước. Theo lôgich này thì ta hiểu được lời của Thánh Gioan Tông đồ : Khi ta không giữ giới răn thứ hai là yêu người thì chắc chắn ta không giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa ( x.1Ga 4,20 ).

Có thể có nhiều người diễn giải rằng tuân giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa thì dễ còn giữ giới răn thứ hai là yêu người thì rất khó. Một sự diễn giải như gần đời thường và có vẻ mang tình hiện sinh nhưng lại hơi lệch chuẩn. Sự lệch chuẩn ở đây là nơi cách hiểu về đạo mến Chúa, vì người ta những tưởng rằng tuân giữ một vài hành vi tế tự, một vài nghi lễ thờ phượng bên ngoài là giữ đạo mến Chúa. ( vd : đọc kinh, tham dự Thánh Lễ…)

Quả thật, trong thực tế, sống đạo yêu người không phải dễ dàng. Ta có thể không ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều, mẹ goá, con côi. Ta có thể cho vay mượn mà không kiếm lãi. Ta có thể trả áo choàng người nghèo cầm cố trước khi đêm về để họ có cái mà đắp ấm. Ta cũng có thể gặt lúa, hái cà phê mà không mót phần rơi vải, nhằm để cho người nghèo mót lượm. Tuy nhiên, để yêu thương người không mấy dễ thương, yêu thương người hành khổ, thù ghét, làm hại chúng ta thì không dễ chút nào. Người ta độc chiếm quyền lực, nguời ta ra sức vơ vét của cải cách bất công, người ta không màng chi đến người nghèo, không nghĩ chi đến tương lai dân tộc, người ta lại còn gian xảo bôi nhọ các Đấng bậc trong Hội Thánh và qua đó phỉ báng đạo thánh Chúa…, thì làm sao ta có thể yêu thương họ như chính mình đây ? Ngay cả những người cùng chung niềm tin, cùng một Hội Thánh mà vẫn không thiếu người thú nhận rằng đạo thì con giữ đạo nhưng con không thể làm hoà hay tha thứ cho mấy cái người làm hại con, làm hại gia đình con…Thử hỏi có bao nhiêu bà mẹ sẵn sàng nhận người giết con trai của mình làm con nuôi ? Thử hỏi số vị thánh Tử đạo sẵn sàng cầu nguyện và chúc lành cho kẻ giết mình có đến con số một vài triệu ? Vậy thì đại đa số người tín hữu Kitô có thực sự giữ giới răn thứ hai là yêu người chưa ? Thật khó trả lời. Nhưng ta có thể khẳng định rằng nếu ta cố tâm giữ giới răn thứ nhất thì sẽ có khả năng thực thi giới răn thứ hai. Vấn đề là giữ giới răn thứ nhất như thế nào.

Thiên Chúa là Đấng không ai thấy bao giờ. Nhưng Người đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô. Ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha ( x. Ga 14,9 ). Và yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Kitô là hãy ở lại trong tình yêu của Người và hãy giữ giới răn của Người ( x. Ga 14 23-24 ).

Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô nghĩa là hãy để cho Chúa Kitô yêu thương ta. Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô là kết hiệp nên một với Người, là nên đồng hình đồng dạng với Người. Một trong những phương thế tuyệt hảo để ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô đó là liên lĩ cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để kết hiệp với Chúa, nên một với Chúa, để nhận biết Chúa mà yêu mến Chúa, để biết thánh ý Chúa mà thực thi ý Người. Nên một với Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Người thì ta sẽ biết cách yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta ( x. Ga 15,12 ). Và đây là giới răn mới mà Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta ngay đêm Tiệc Ly, trước khi Người chịu khổ nạn.

Vì biết cùng chung cha mẹ nên người ta nhận nhau là anh chị em., chứ không phải vì đã nhận nhau làm anh chị em nên mới biết mình cùng chung một mẹ cha. Tuy nhiên trong tình yêu, nhiều điều như nghịch lý vẫn hiện hữu. Dù không thể đòi hỏi và không có quyền đòi hỏi rằng khi anh chị em thương nhau là đã yêu cha mẹ, nhưng chính cha mẹ tự nhận lấy việc con cái yêu thương nhau là cách thế tốt đẹp mà chúng tỏ bày lòng hiếu thảo với mình. Cũng thế, là Tình Yêu, Thiên Chúa đã nhận việc loài người chúng ta yêu thương nhau là một phương thế yêu thương Người cách tốt đẹp. Chúa Kitô đã nói rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung ( x. Mt 25,31-46 ).

Mến Chúa và yêu người là trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc lòng chân lý này. Tuy nhiên để thực thi đạo mến Chúa – yêu người thì cần phải biết Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Chúa. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì việc giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn trong một ngày sẽ giúp ta can đảm và nhiệt thành mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

VietCatholic Network

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - SỐNG ĐẠO

Sống đạo giữa đời

Khi thấy Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ, chữa khỏi bệnh cho nhiều người, được dân chúng tung hô và đi theo rất đông, nhóm người Pha-ri-sêu quyết định tiêu diệt Người cho bằng được (Mt 22, 15 ; Lc 22, 2). Để có thể thực hiện âm mưu đó, họ đã nghĩ ra nhiều cách, mà một trong những cách đó là gài bẫy Người. Đã từng có chuyện gài bẫy Đức Giê-su về việc ném đá người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 2-11).

Họ nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nghĩ rằng với câu hỏi hóc búa ấy, trả lời cách nào thì Đức Giê-su cũng dính trấu. Trả lời là cứ ném đá người phụ nữ thì mâu thuẫn, đi ngược với lời dạy của chính Người là phải yêu mến, tha thứ cho nhau kể cả kẻ thù của mình; không những thế, còn phạm luật Rô-ma (It-ra-en đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ, chỉ những người đại diện cho luật pháp Rô-ma – như tổng trấn Phi-la-tô, chẳng hạn – mới được quyền kết án tử hình). Còn nếu tha, thì lại phạm luật truyền thống của It-ra-en là luật Mô-sê. Đằng nào cũng kẹt!

Nhưng chỉ với một câu trả lời “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8, 7), Đức Giê-su đã làm nhóm biệt phái hoàn toàn thất bại, lủi thủi bỏ đi. Thất bại nhưng vẫn ấm ức, nhóm người Pha-ri-sêu liền hợp cánh với phe Hê-rô-đê để một lần nữa gài bẫy Đức Ki-tô (bài Tin Mừng Chúa nhật XXIX/TN-A: “Nộp thuế cho Xê-da” – Mt 22, 15-21). Thực chất hai nhóm này vẫn đối nghịch nhau: nhóm thứ nhất là những người Pha-ri-sêu chỉ muốn bênh vực truyền thống sống đạo theo tổ tiên, nhưng về phương diện chính trị lại không chấp nhận sự hiện diện của người Rô-ma (tổng trấn Phi-la-tô) đang nắm quyền cai trị vùng đất Pa-les-tin dưới quyền của vua Hê-rô-đê do hoàng đế Rô-ma bổ nhiệm; nhóm thứ hai là những người theo và cộng tác với Hê-rô-đê, một vị vua không phải là người Do-thái, mà là người In-đu-mê-a. Nhưng để chống lại Chúa Giê-su, hai nhóm này đã liên kết với nhau để tìm cách gài bẫy Người.

Lần này họ chơi trò tung hứng, trước khi giăng bẫy, họ bốc thơm Đức Giê-su lên tận mây xanh: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.” (Mt 22, 16). Chủ ý của họ chỉ là để Đức Giê-su khoái chí vì được khen nịnh, mà quên cảnh giác trước âm mưu thâm độc. Sau đó họ mới gài độ: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (Mt 22, 17). Nếu Đức Giê-su trả lời là nên nộp thuế thì sẽ bị họ kết án là ôm chân ngoại bang (đế quốc Rô-ma), quay lại làm hại dân tộc mình. Còn nếu bảo không, thì lại vướng vào tội chống đối chính quyền bảo hộ, chống lại vua Do-thái đương triều Hê-rô-đê (do hoàng đế Rô-ma phong tặng). Chỉ cần Đức Ki-tô trả lời là họ có cớ “xử” Người ngay.

Cả 2 lần, Đức Giê-su đều biết rõ tận tim đen bọn người Pha-ri-sêu chỉ muốn gài bẫy để có cớ làm tội Người, nhưng cả hai lần chúng đều thất bại thảm hại, tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, bỏ đi một nước. Lần trước, khi nghe Đức Ki-tô nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, thì: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.” (Ga 8, 8-9). Còn lần này, khi nghe Đức Ki-tô nói “của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, thì: “Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi” (Mt 22, 22). Ấy cũng bởi vì “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22, 19). Điều này chứng tỏ bọn người Pha-ri-sêu cũng chẳng khác gì Xa-tan cám dỗ Chúa trong sa mạc, bị Người quở mắng: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”(Lc 4, 12).

Cứ kể với đám người Pha-ri-sêu, trả lời họ “của Xê-da, trả về Xê-da” đã là quá đủ; nhưng Đức Ki-tô còn đi xa hơn, sâu hơn, bởi ngoài đám người muốn thử thách Chúa, còn có những người khác là những môn đệ cùng với những kẻ tin và đi theo Người. Vì thế, Người tiếp tục dạy: “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Của ai thì trả về cho người đó – rất công bằng và chí lý! Và đó chính là thông điệp: Hãy sống trọn hảo bổn phận của một công dân nước trần thế (đối với thế quyền), đồng thời với bổn phận công dân Nước Trời (thần quyền). Đức Giê-su không chỉ dạy bảo, khuyên nhủ, mà còn làm gương trong suốt cuộc sống tại trần gian, như việc nộp thuế đền thờ, Người đã dạy thánh Phê-rô: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh” (Mt 17, 27). “Của Xê-da, trả về Xê-da” là vậy đó. Và chính những điều này đã khiến Phi-la-tô khi luận án đã phải thốt lên đến lần thứ ba: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết” (Lc 23, 22), rồi rửa tay để chứng tỏ mình không kết án người vô tội, và trao trả lại cho đám quan quyền Do thái xử án Đức Ki-tô.

Thông qua Lời Chúa hôm nay, bài học rút ra được cho ngưới tín hữu là hãy sống một cuộc sống chu toàn cả 2 bổn phận công dân nước trần thế và công dân Nước Trời. Và đó chính là sứ vụ sống chứng nhân, đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo, hay nói cách ngắn gọn là sứ vụ “Truyền giáo” vậy. Vì thế, mỗi Ki-tô hữu phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa, yêu người tự nơi bản thân mình. Vì mến Chúa nên phải hăng say truyền giáo. Cũng vậy, vì yêu tha nhân nên sẵn sàng chia sẻ niềm vui với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau (“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” – Cl 3, 14).

Với sứ vụ Truyền Giáo, nhiều người cứ cho là chỉ có hàng giáo sĩ học vấn uyên thâm mới có thể thuyết giảng được, còn giáo dân – nhất là giới bình dân ít học – thì làm sao mà rao giảng Phúc Âm cho nổi. Thực ra, vấn đề loan báo Tin Mừng cần phải được hiểu một cách cụ thể hơn. Tông huấn Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi” (số 70) đã dậy: “Chính vì giáo dân, với ơn gọi riêng trong việc sống giữa lòng thế giới và đảm nhận những công tác trần gian khác nhau nhất, mà họ phải thực hiện một hình thức đặc biệt trong việc truyền bá Phúc Âm hóa.”

Hình thức đặc biệt mà Tông huấn đề cập chính là: “đối với Giáo Hội, phương tiện thứ nhất của việc truyền bá Phúc Âm hóa là việc làm chứng bằng một đời sống Ki-tô hữu chân chính cho Thiên Chúa, được tỏ ra bằng mối hiệp thông không gì hủy hoại được, đồng thời cũng được tỏ ra bằng việc hy hiến cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn. “Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thày dạy, và nếu họ có lắng nghe các thày dạy là bởi vì các vị thày này là những chúng nhân” (AAS, 66)… Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hóa cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu – chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện.” Rõ ràng trọng tâm việc loan báo Tin Mừng chính là đời sống chứng tá, hơn là những lý thuyết cao siêu. Nói cách khác, đó phải là phương cách sống Đạo giữa đời một cách tốt đẹp vậy.

Trong sứ điệp ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2014 (số 5), ĐTC Phan-xi-cô cũng dạy: “Anh chị em thân mến, trong ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, tôi nghĩ đến tất cả các Hội Thánh địa phương. Chúng ta đừng để ai cướp mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời anh chị em đắm mình trong niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có sức soi sáng ơn gọi và sứ vụ của anh chị em. Tôi mong mỏi anh chị em nhớ lại, như trong một cuộc hành hương tâm linh, “tình yêu ban đầu” mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã sưởi ấm tâm hồn tất cả mọi người, không phải để có một cảm giác nhớ nhung, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Chúa kiên trì trong niềm vui khi họ ở với Người, khi họ làm theo Thánh Ý Người, và khi họ chia sẻ với những người khác đức tin, niềm hy vọng và đức ái của Tin Mừng.”

Tóm lại, người giáo dân được mời gọi nên thánh giữa đời thông qua ơn gọi Ki-tô hữu. Muốn được nên thánh giữa đời hãy sống Đạo giữa đời một cách trọn hảo, bởi Chúa không dạy ta hãy lánh xa đời, mà hãy đi vào đời “đem Tin Mừng đến cho muôn dân”. Chỉ có sống làm sao cho tốt Đạo đẹp đời mới thực sự đẹp lòng Thiên Chúa. Những ai sống được như vậy thì tất nhiên “Nước Trời là của họ”. Để có thể sống Đạo giữa đời cách tốt đẹp thì đừng quên chạy đến với “nhà Truyền Giáo đầu tiên và mẫu mực tuyệt đối vô song” là Đức Maria, học theo gương Mẹ như lời khuyên của Đức Giáo Hoàng trong sứ điệp ngày Khánh Nhật Truyền Giáo (nt): “Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo khiêm tốn và vui vẻ, để cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc và việc ra đời của một thế giới mới có thể xảy ra.”

Vâng, với chí nguyện “sống Đạo giữa đời” cách tốt đẹp, xin tất cả cùng nhất tâm thực hiện:

HÃY báo TIN MỪNG đến mọi nơi,

SỐNG ơn CỨU ĐỘ với muôn người,

LỜI Người ÁNH SÁNG xua tăm tối,

CHÚA chính TÌNH YÊU của đất trời.

THÁNH đức hồng ân luôn tỏa sáng,

THIỆN tâm chia sẻ chẳng hề vơi,

ĐẸP ĐỜI  ấy mới là tiêu chí,

TỐT ĐẠO nên gương chiếu rạng ngời.

Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - TRUYỀN GIÁO BẰNG CHỨNG TÁ

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Sun, Oct 18 at 1:45 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     

    Truyền giáo bằng chứng tá: Ai cũng có thể làm được

    (Khánh nhật Truyền giáo)

    Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc truyền giáo. Và thường chúng ta nghĩ rằng đó là việc của các linh mục, các nam nữ tu sĩ, của tiểu ban truyền giáo, hay của một số người có ơn gọi đặc biệt như Thánh Phaolô, Thánh Phanxicô Xaviê,… chứ chẳng phải là việc của mình. Tuy nhiên, truyền giáo là ơn gọi, là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng. Có thể chúng ta không có khả năng lôi kéo, thuyết phục để cho người khác theo đạo, nhưng “nói” cho người khác biết về đạo bằng chứng tá đời sống thì ai ai cũng có thể làm được. Vậy chứng tá cụ thể đó là gì?

    - Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh

    Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc loan báo Tin Mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo. Về điểm này, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Ngài nói: “Dù cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng yêu mến Chúa, tôi cũng có thể cứu được một linh hồn”.

    Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi. Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa và phục vụ các linh hồn.

    - Thứ đến là chứng tá bằng lối sống hiệp nhất yêu thương

    Truyền giáo bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp Giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần. Nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội của chúng ta về sự hiệp nhất yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy thương yêu nhau”. Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách phục vụ nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của cải,…

    Những dấu chỉ yêu thương hiệp nhất giữa mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo họ, giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Ngược lại, nếu thiếu tình bác ái yêu thương thì những việc tông đồ truyền giáo sẽ phản tác dụng. 
    Xin dẫn chứng:
    Một cô gái ngoại giáo lấy người Công giáo, láng giềng, bà con thấy cô ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo. Cô ta trả lời: “Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào”
    Tìm hiểu, người ta mới biết được bà mẹ chồng dù rất siêng năng đọc kinh, dự lễ và đã từng bỏ ra gần cả một chục triệu bạc cùng với nhiều bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo. Do đó cô nhất quyết không theo đạo bao lâu chưa thấy người theo đạo sống tốt hơn.
     

    Một khi tất cả nếp sống của chúng ta phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo.

    - Sau nữa là chứng tá bằng nếp sống có văn hoá, văn minh

    Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao tệ nạn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế, nỗ lực của xã hội là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố văn hoá”, “thôn văn hoá, ấp văn hoá”…, lẽ nào chúng ta lại đứng ngoài, lẽ nào chúng ta lại không chung tay góp sức mình vào việc đó. Dĩ nhiên, nền văn hoá mà chúng ta phải xây dựng không phải là văn hoá sự chết, văn hoá tiêu diệt sự sống, mà là nền văn hoá bảo vệ và thăng tiến sự sống, sự sống ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Nền văn minh mà chúng ta phải kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỹ thuật khô cứng hay của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ.

    Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

    Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, đặc biệt trong Năm Đức Tin, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen.

     
    Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
     

 

NGƯỜI TÍN HỮU TRƯỞNG THÀNH - MỘT LM BỊ GIẾT

Một linh mục Ý dấn thân chăm sóc người di dân bị một người tâm thần đâm chết

Cha Roberto Malgesini (ANSA)

Cha Roberto Malgesini, 51 tuổi, nổi tiếng với sự dấn thân chăm sóc cho người nghèo và người di dân ở miền bắc nước Ý, được tìm thấy đã chết vì bị đâm, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 15 tháng 9.

Cha Roberto được tìm thấy chết trên một con đường gần giáo xứ thánh Rocco của ngài vì bị thương nặng do các vết dao đâm, bao gồm một vết đâm ở cổ.

Cha Roberto Malgesini
Một người di dân gốc Tunisia 53 tuổi thú nhận đã đâm cha và sau đó tự nộp mình cho cảnh sát. Người này được cho là bị một số bệnh tâm thần. Cha Roberto biết người này và cho ông ngủ trong một phòng dành cho người vô gia cư do giáo xứ điều hành.

Cha Roberto là điều phối viên của một nhóm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Buổi sáng ngày bị giết, lẽ ra cha đến giúp bữa ăn sáng cho những người vô gia cư. Năm 2019, cha bị cảnh sát địa phương phạt vì cung cấp thức ăn cho những người sống dưới mái hiên của một nhà thờ cũ.

Linh mục dâng hiến sự sống cho Chúa nơi những người rốt cùng trong xã hội

Đức cha Oscar Cantoni của giáo phận Como đã chủ sự buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho cha Roberto tại nhà thờ chính tòa Como vào lúc 8:30 tối cùng ngày 15 tháng 9. Ngài nói: “Chúng tôi tự hào là giám mục và là Giáo hội của một linh mục đã hiến mạng sống của mình cho Chúa Giê-su nơi những người ‘rốt cùng nhất.'”

Buỏi canh thức cầu nguyện cho c ha Roberto Malgesini
Thông cáo của giáo phận Como nói rằng “khi đối mặt với thảm kịch này, giáo phận Como cầu nguyện cho cha Roberto và cho người đã giết cha.”

Người đã sống Tin Mừng từng giây phút trong mỗi ngày

Luigi Nessi, một tình nguyện viên làm việc với cha Roberto nhận xét cha Roberto là một người đã sống Tin Mừng hàng ngày, trong mọi giây phút trong ngày. Ngài là một biểu hiện đặc biệt của cộng đoàn chúng tôi.” Còn cha Andrea Messaggi chia sẻ: “Cha Roberto là một người đơn giản. Cha chỉ muốn là một linh mục và cách đây nhiều năm cha đã bày tỏ với Đức cha trước đây của giáo phận ước muốn này. Vì thế cha được gửi đến giáo xứ thánh Rocco, nơi mỗi sáng cha mang đồ ăn sáng cho những người rốt cùng. Ở đây mọi người biết cha và tất cả họ yêu quý cha.”

Cha Roberto qua đời là một nỗi buồn đau cho cộng đồng người di dân. (CNA 15/09/2020)

Cha Roberto Malgesini bị đâm chết
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt
Chia sẻ Bài này:
 

Related posts